Thí dụ như chúng ta đang ở trong một căn phòng kín thì đâu có thấy gì bên ngoài, nhưng tai vẫn nghe âm thanh rồi từ đó phát sinh ra vọng tưởng. Vì thế muốn nghiêm trì sáu căn thì chúng sinh tùy theo căn cơ, sở nguyện mà chọn căn nào thích hợp với mình để tu chớ không thể tu một lần sáu căn được. Tuy có sáu căn, nhưng chúng sinh chỉ cần chọn một căn để tu là đủ bởi vì nếu một căn đã viên thông tức là có sự thanh tịnh thì năm căn còn lại cũng từ đó mà thông suốt tức là hoàn toàn thanh tịnh. Trong tâm của chúng sinh có tám mươi bốn ngàn phiền não chướng cho nên Đức Phật mới có tám mươi bốn ngàn pháp môn để giải trừ.
Tuy nhiên, trong kinh Lăng Nghiêm này, Đức Phật Thích Ca chỉ yêu cầu Ngài Văn Thù Sư Lợi chọn một pháp môn để giúp cho ông A Nan và đặc biệt là cho tất cả chúng sinh căn cơ còn yếu dựa theo đó mà tu hành. Chính Ngài Văn Thù đã chọn pháp môn nhĩ căn viên thông. Tại sao? Bởi vì nhĩ căn có tới một ngàn hai trăm công đức và thông đạt nhiều nhất so với năm căn còn lại. Do đó, nếu nhĩ căn trở về với thanh tịnh thì năm căn còn lại lập tức cũng trở về với thanh tịnh. Đây chính là nhất hạnh pháp môn tức là chỉ chọn một pháp môn duy nhất để tu.
Vì thế nếu chúng sinh dựa theo nhĩ căn viên thông mà đạt được đại định tức là có được Thủ Lăng Nghiêm tam muội nghĩa là trở về với bản lai diện mục, với Phật tánh, với chơn tâm, với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của chính mình thì trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào họ cũng sống trong Pháp thân đó. Khác với định của Tiểu thừa là phải ngồi thiền nên còn lệ thuộc xuất, nhập và trụ, vì thế còn ngồi thiền tâm còn định nhưng khi xả thiền thì vọng tâm trở lại. Còn định của Đại thừa là thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, từng giây, từng phút. Đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng định. Do đó khi đã thấy được chơn tâm thường trú của mình thì người đó suốt cuộc đời luôn sống với đại định, với Phật tánh, với Pháp thân hằng thanh tịnh của chính mình.
Vậy tâm ở đâu?
Cái tâm của con người thật là quan trọng, nó là trung tâm của sự sống, của vũ trụ và chứa nhóm tất cả muôn pháp. Nó là hào lũy ẩn náu của mọi tật xấu, nhưng cũng là mảnh đất phì nhiêu nẩy sanh mầm giống giác ngộ. Vì thế, chính tâm tạo nên hạnh phúc và cũng chính tâm tạo biết bao nỗi khổ đau. Vậy cái tâm của nó nằm ở đâu?
Để trả lời câu hỏi nầy, Đức Phật lần thứ nhất đã gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm để có cái nhìn rõ ràng về sự khác nhau giữa vọng tâm sinh diệt thay đổi từng giây từng phút, từng cảnh giới, chạy theo lục dục thất tình, tham đắm sắc tài danh lợi và sự thanh tịnh không thay đổi, lúc nào cũng an vui tự tại và luôn ở trong ta, là chơn tâm. Trên con đường giải thoát Bồ-đề, văn hay chữ tốt không quan trọng, kiến thức thế gian không cần thiết mà một điều tối quan trọng là khả năng dập tắt mọi vô minh phiền não, pháp giới của trần gian để phát triển trí tuệ mà có được giải thoát giác ngộ. Do đó một người không liễu ngộ được bản tâm, cho dù có tu hành suốt kiếp cũng không ích lợi gì vì vẫn là phàm phu.
Còn nếu đã ngộ được bản tâm và dùng bản tâm này đi vào bản giác viên dung thì người này cho dù có tu một ngày còn hơn là tu một kiếp tức là họ đã chứng đạo. Ngày xưa, Lục Tổ Huệ Năng xuất thân là người quê mùa, dốt nát. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn tu tập với Tổ Hoằng Nhẫn đã liễu ngộ được chơn tâm của mình trong khi đó đệ tử của ngũ Tổ có biết bao người văn hay chữ tốt mà người nổi tiếng nhất là Thiền Sư Thần Tú mà vẫn không đạt được đạo. Càng học giỏi, càng thông minh, càng trí thức cao, càng hiểu biết nhiều thì càng dễ rơi vào thế trí biện thông nghĩa là có càng nhiều tự cao, ngã mạn để chôn họ vào nấm mồ sinh tử luân hồi.
1)A NAN CHO RẰNG TÂM Ở TRONG THÂN :
A Nan bạch Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn! Tất cả mười loại chúng sinh trên thế gian đều cho tâm thức ở trong thân. Nay con nhận được mắt con ở trên mặt con và tâm thức ở trong thân, như mắt Thanh Liên Hoa (Hoa sen xanh) của Như Lai ở trên mặt Như Lai vậy.
Phật bảo :
- A Nan! Nay ông hiện ngồi trong giảng đường cùng Như Lai, ông xem thấy vườn cây Kỳ Đà đang ở chỗ nào?
- Bạch Thế Tôn! Giảng đường thanh tịnh rộng rãi này trong vườn Cấp Cô Độc, còn rừng Kỳ Đà thì ở ngoài giảng đường.
Phật hỏi :
- A Nan! Bây giờ đang ngồi trong giảng đường, trước hết ông thấy gì?
- Bạch Thế Tôn! Con ở trong giảng đường trước thấy Như Lai, sau thấy đại chúng, rồi nhìn ra ngoài mới thấy rừng cây.
- A Nan! Khi ông thấy rừng cây là nhờ vào đâu mà thấy được?
- Bạch Thế Tôn! Vì cửa sổ giảng đường này mở rộng nên con trông thấy suốt ra bên ngoài.
Khi ấy, Đức Thế Tôn ở trong đại chúng đưa cánh tay sắc vàng xoa đầu A Nan, dạy ông và đại chúng rằng :
- Có pháp Tam-ma-đề tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, gồm đủ muôn hạnh. Mười phương Như Lai đều do một pháp môn là con đường diệu trang nghiêm ấy mà siêu xuất, nay ông hãy lắng nghe thật kỹ.
A Nan đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy.
Phật bảo A Nan :
- Như lời ông nói, thân ở trong giảng đường, nhờ cửa mở trống nên thấy rừng cây; vậy có chúng sinh nào ở trong giảng đường lại không thấy Như Lai mà thấy được rừng cây bên ngoài chăng?
- Bạch Thế Tôn! Ở trong giảng đường không thấy Như Lai mà lại thấy rừng cây bên ngoài thì chẳng đúng.
- A Nan! Ông cũng vậy. Tâm của ông tất cả sáng tỏ. Nếu tâm sáng tỏ hiện tiền của ông thật ở trong thân thì trước hết nó phải biết những gì trong thân ông. Vậy có chúng sinh nào trước thấy trong thân rồi sau mới thấy vật bên ngoài chăng? Dù không thấy được tim, gan, tỳ, vị nhưng các chỗ : móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch máu nhảy cũng phải thấy chứ, sao lại chẳng thấy? Nếu trong thân còn không thấy thì làm sao thấy vật bên ngoài? Thế cho nên ông nói Tâm Ở Trong Thân là không đúng lý.
Ông A Nan cho rằng không chỉ riêng mình ông mà tất cả mười loài chúng sinh trên thế gian đều chấp tâm nằm trong thân. Vậy thế nào là mười loài chúng sinh :
1) Noãn sanh : là những động vật sinh ra bởi trứng rồi nở ra con. Thí dụ như gà, vịt, chim, rùa, cá sấu, rắn…
2) Thai sanh : là những động vật sinh ra bằng tinh cha, huyết mẹ như con người, con heo, con bò, con sư tử, con dê…
3) Thấp sanh : loài này sinh ra do những vùng ẩm thấp như ao hồ, vũng nước…như con lăng quăng, hay những vi khuẩn trong ao hồ rất nhỏ.
4) Hóa sanh : như con nhộng ăn tằm rồi biến thành bươm bướm, hay rơm bị ẩm ướt lâu ngày biến thành con đom đóm…
5) Hữu sắc : Đây là những vị Trời ở trong cõi Dục giới, Sắc giới.
6) Vô sắc : Đây là những vị Trời không có hình dáng như con người mà chỉ có tư tưởng và sống trong cõi trời vô sắc giới.
7) Hữu tưởng : là những vị Trời sống trong cõi Sắc giới mà không có hình dáng mà chỉ có tư tưởng làm thân xác.
8) Vô tưởng : Đây là cõi Trời Vô tưởng thiên phần lớn do ngoại đạo tu thành và nó ở trên cõi Trời Sắc giới. Những ngoại đạo nhận thấy rằng tư tưởng làm cho con người đầy phiền não khổ đau nên họ cố tu để tiêu diệt hết tư tưởng trong tâm thức. Tuy không còn tư tưởng, nhưng nếu những vị trời này sống trong cõi thiên này trên năm trăm năm thì tư tưởng bắt đầu khởi dậy thì bị luân chuyển ngay vào lục đạo luân hồi.
9) Phi hữu sắc và phi vô sắc : những vị Trời ở trong những cảnh giới rất cao trong thế giới của vô sắc.
10) Phi hữu tưởng và phi vô tưởng : là những người đã tu hành đến chỗ không còn tư tưởng và cũng không còn cái tư tưởng để loại ngay cả đó là vi tế hay siêu vi tế. Đây là cảnh giới của phi phi tưởng xứ.
Tuy A Nan là đệ nhất đa văn, nhưng sau câu trả lời, Đức Phật biết rằng A Nan chưa nhìn thấu suốt muôn pháp cũng vì ông còn lấy những cảnh trần lao bên ngoài mà đưa vào trong tâm của ông. Một người muốn đạt được đạo thì phải hồi quang phản chiếu, quay vào bên trong để loại bỏ tất cả vọng thức thì tâm mới thanh tịnh. Thí dụ nếu nhìn thấy cảnh trái ý nghịch lòng thì tâm sân hận liền phát sinh, hoặc thấy người thống khổ làm tâm mình đau thương. Thử nghĩ nếu muốn tu hành để có tâm thanh tịnh mà ngoại cảnh làm khởi dậy tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì tu biết đến bao giờ mới có tâm thanh tịnh. Vì thế mà cả đời ông A Nan tuy đi theo Phật mà không tu chứng được gì cũng bởi vì ông sống với tình cảm bên ngoài thay vì quay về sống với trí tuệ bên trong.
Chúng sinh vì có quá nhiều tập khí nên cuộc sống mới đau khổ. Tập khí là những thứ mình yêu thích và nó núp trong tâm để sai khiến con người. Thí dụ như không nghe tiếng ca nhạc hoặc tự mình không ca hát thì không vui. Quý bà quý cô nếu không trang điểm phấn son thì như chết cả cuộc đời. Còn quý ông nếu không uống rượu, cà phê hay thuốc lá thì cuộc sống chẳng còn hương vị…Tập khí là những thói quen tăng trưởng dần theo thời gian, nhưng con người bị lệ thuộc vào nó một cách máy móc nên nghĩ rằng nó là một thành phần của cuộc sống cho nên có người có thể bỏ gia đình, nhịn ăn, nhưng bỏ hút thuốc thì không được. Do đó con người nếu muốn có tâm thanh tịnh thì phải dần dần loại bỏ hết những tập khí. Càng bỏ nhiều tập khí thì tâm càng thanh tịnh.
Bây giờ Phật muốn giới thiệu cho A Nan và đại chúng về pháp môn Tam-ma-đề để tu. Tam-ma-đề nghĩa là tam muội tức là chánh định. Người có chánh định sẽ không còn xuất, nhập và trụ như thiền Tiểu thừa mà tâm hằng thanh tịnh, không bị ngoại trần làm ô nhiễm. Nếu nhập được vào tam muội tức là mình đã thấy và đang sống với Pháp thân, với chơn tâm nên thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng. Tại sao các vị A la hán có được thần thông? Khi các ngài nhập vào chánh định với tâm rỗng rang thanh tịnh thì định lực cực mạnh của tâm giúp các ngài thành tựu quán tưởng mà có được thần thông. Còn chúng sinh không có được thần thông vì tâm của chúng sinh bị dao động làm cho định lực bị yếu kém.
Chúng sinh muốn hướng về giải thoát giác ngộ nên xoay tâm của mình vào trong chớ đừng hướng ra ngoài. Biết bao ma chướng như thị phi, tham, sân, si, mạn, nghi làm tâm bất tịnh. Trên con đường tu đạo, gầy dựng, lượm lặt công đức rất khó, nhưng một vọng niệm của tham, sân, si, mạn, nghi dấy khởi sẽ giết chết những công đức này rất dễ dàng vì thế quay vào trong tâm là mình phải biết mình, luôn bồi dưỡng trí tuệ để phát triển định lực và ý chí sắc đá để phá trừ chướng ma và vào trong thiền định để loại bỏ những ma chướng này.
Vì thế kinh cũng có câu :
Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức
Muốn hạnh Bồ-tát đạo, giữ thân tâm thanh tịnh.
Vì A Nan chấp tâm ở trong thân nên Đức Phật mới dùng phương tiện mà phá cái chấp đó. Tại sao? Nếu nói rằng ông A Nan ngồi trong giảng đường thì trước hết ông phải thấy Như Lai, đại chúng rồi sau mới thấy những cảnh vật bên ngoài. Bây giờ Phật áp dụng lối lý luận nầy cho tâm của A Nan. Nếu tâm hay biết của A Nan thật sự ở trong thân thì trước hết tâm phải thấy những vật bên trong như tim, gan, phèo, phổi rồi sau đó mới thấy được những hình sắc ngoài thân. Nhưng tâm ông A Nan đâu có thấy được tim, gan của ông cho nên Phật kết luận tâm ở trong thân là vô lý.
2) A NAN CHO RẰNG TÂM Ở NGOÀI THÂN :
A Nan cúi đầu bạch Phật :
- Bạch đức Thế Tôn! Con nghe lời dạy của Như Lai nên nhận ra tâm con đúng ở ngoài thân. Tại sao? Ví như đèn thắp trong phòng thì trước phải chiếu sáng trong phòng, rồi sau mới từ cửa rọi ra ngoài sân. Tất cả chúng sinh chẳng thấy trong thân, chỉ thấy ngoài thân, cũng như ngọn đèn ở ngoài phòng chẳng thể chiếu sáng trong phòng, nghĩa này rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ, vậy so với nghĩa lý rốt ráo của Phật có đúng chăng?
Đức Phật bảo A Nan :
- Vừa rồi, các tỳ kheo theo ta khất thực trong thành Thất La Phiệt, nay đã về rừng Kỳ Đà. Như Lai đã thọ trai xong, ông hãy xem coi trong chúng tỳ kheo, khi một người ăn thì những người khác có no không?
- Bạch Thế Tôn! Không thể. Tại sao? Các Tỳ kheo này tuy đã chứng quả A La Hán, nhưng thân thể khác nhau thì làm sao một người ăn mà tất cả đều no được.
- A Nan! Nếu tâm thấy nghe hay biết của ông thật ở ngoài thân thì thân tâm cách biệt nhau, tự nó không liên quan với nhau. Vậy điều gì tâm biết thì thân ắt không biết và những gì thân biết thì tâm không thể biết. Nay ta đưa cánh tay lên cho ông xem, trong lúc mắt ông thấy, tâm ông có biết được chăng?
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.
Đức Phật bảo A Nan :
- A Nan! Nếu thân và tâm cùng biết một lượt thì tại sao ông nói tâm ở ngoài thân? Vậy nên biết rằng tâm ở ngoài thân là chẳng đúng.
Sau khi bị Phật bác vì A Nan cho rằng nếu tâm ở trong thân thì tâm phải thấy lục phủ ngũ tạng, nhưng đâu có tâm nào thấy được tim, gan của mình đâu. Ông A Nan bây giờ dựa vào cái thấy của tâm mà lý luận rằng nếu ngọn đèn ở bên ngoài thì không thể chiếu sáng bên trong cũng như chúng sinh chỉ nhìn thấy hình sắc ngoài thân chớ không thấy được lục phủ ngủ tạng bên trong nên ông A Nan kết luận là tâm ở ngoài thân. Đây là lối lý luận táo bạo lạ thường chứng tỏ sự hiểu biết của ông A Nan chưa được rốt ráo.
Trước khi Phật bác cái chấp tâm ở ngoài thân, Đức Phật muốn giải thích cho ông A Nan rằng : Nếu tâm thật sự ở ngoài thân thì thân và tâm là hai thực thể khác nhau cũng như Phật và chư Tăng là hai nhóm khác nhau. Tại sao? Nếu Phật và chư Tăng là một tức là trong ngoài như nhau thì khi Phật thọ trai, chư Tăng phải no. Nhưng ở đây, khi Phật thọ trai mà chư Tăng không no nghĩa là Phật và chư Tăng là hai thực thể khác nhau.
Thêm nữa, khi Phật đưa cánh tay lên, mắt A Nan vừa thấy thì tâm liền biết, chứng tỏ thân tâm không thể cách biệt nhau nghĩa là thân tâm là một khối, bất khả phân ly. Vì thế chấp tâm ở ngoài thân tức là thân tâm cách biệt là vô lý.
3) A NAN CHO RẰNG TÂM NÚP SAU CON MẮT :
A Nan bây giờ bạch Phật rằng :
- Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, vì chẳng thấy bên trong nên tâm con chẳng ở trong thân. Vì thân tâm đều biết nhau, chẳng hề rời nhau nên tâm con chẳng ở ngoài thân. Nay con nghĩ kỹ biết nó ở tại một chỗ.
- Nó ở nơi nào?
A Nan thưa :
- Cái tâm hiểu biết đã không biết bên trong mà lại nhận biết rõ sự vật bên ngoài, theo con nghĩ là nó núp sau con mắt. Ví như người lấy chén thủy tinh úp vào hai con mắt, con mắt dù có vật úp vào, nhưng không làm ngăn ngại sự thấy. Và vì tâm núp sau con mắt nên khi mắt thấy thì tâm liền phân biệt. Sở dĩ tâm không biết tạng phủ trong thân, vì nó không ở trong thân, nhưng tâm lại nhận biết cảnh vật bên ngoài vì nó ở trên cái mặt.
Phật bảo A Nan :
- Như ông vừa nói, tâm núp sau con mắt, còn con mắt núp sau chén thủy tinh, nếu người kia sau khi úp chén thủy tinh lên mắt mà mắt vẫn nhìn thấy núi sông, vậy con mắt có thấy được chén thủy tinh không?
- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Khi người ấy úp chén thủy tinh lên mắt, thật có thấy chén thủy tinh.
Phật bảo A Nan :
- A Nan! Con mắt núp sau chén thủy tinh thì thấy được chén thủy tinh. Còn tâm núp sau con mắt sao tâm chẳng thấy mắt? Dù cho là thấy mắt, mắt tức là cảnh thì cảnh làm sao thấy cảnh? Nếu chẳng thấy mắt thì ông nói tâm núp sau con mắt giống như con mắt núp sau chén thủy tinh là vô lý.
Ông A Nan nói tâm ở trong thân bị Phật bác, ông bèn nói tâm ở ngoài thân thì cũng bị Phật bác. Bây giờ ông nghĩ rằng sở dĩ tâm không thấy được lục phủ ngũ tạng là vì tâm không ở trong thân mà ở trên mặt. Nếu nói tâm ở trên đầu thì tâm không thấy biết những hình sắc bên ngoài cho nên ông A Nan mới nói tâm núp sau con mắt. Vì tâm núp sau con mắt nên mắt thấy vật gì thì tâm lập tức biết ngay. Đây là để đối lại với lời của Phật trong phần trước khi Ngài đưa cánh tay lên thì thân tâm cùng biết.
Đức Phật bây giờ mới từ bi mà giải thích cho A Nan. Giả sử nếu cho rằng tâm núp sau con mắt cho nên mỗi khi mắt thấy hình sắc nào bên ngoài thì tâm liền thấy biết. Cũng như có người úp chén thủy tinh lên mắt mà mắt vẫn nhìn thấy cảnh vật bên ngoài thì dĩ nhiên mắt phải thấy chén thủy tinh. Một thí dụ khác nếu chúng ta đeo cặp mắt kiếng thì mắt dĩ nhiên phải núp dưới đôi mắt kiếng. Do đó khi mắt thấy được cảnh vật bên ngoài thì tất nhiên mắt phải thấy được đôi mắt kiếng đang đeo vì đôi mắt kiếng là đối tượng để thấy tức là cảnh thấy và đang ở trước mắt chúng ta như những cảnh vật ở bên ngoài khác.
Nếu dựa theo lý luận của ông A Nan là tâm núp dưới con mắt cho nên khi tâm thấy được cảnh giới bên ngoài thì tâm phải thấy con mắt trước rồi sau đó tâm mới thấy cảnh vật bên ngoài. Như thế mắt bây giờ không còn là mắt mà là đối tượng để thấy. Nhưng trên thực tế, tâm đâu có thấy mắt hay thấy cảnh vật bên ngoài mà chỉ có mắt mới thấy được cảnh giới bên ngoài mà thôi. Vì thế, ông A Nan chấp tâm núp dưới con mắt là sai.
4) A NAN CHO RẰNG NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ TÂM THẤY TRONG THÂN :
A Nan bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Nay con lại thiết nghĩ rằng : thân thể của chúng sinh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt (ngũ căn) ở ngoài. Nơi tạng phủ thì tối, nơi khiếu huyệt thì sáng. Nay con ở trước mặt Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong. Nghĩa nầy đúng chăng?
Đức Phật bảo A Nan :
- Khi ông nhắm mắt thấy tối, cái cảnh tối ấy là đối với mắt hay không đối với mắt?
Nếu đối với mắt thì tối ở trước mắt, tức là ở ngoài thân, sao lại nói trong thân? Giả sử cho tối là trong thân thì lúc trong phòng tối chẳng có ánh sáng, những gì trong phòng tối đều là tạng phủ của ông sao?
Nếu chẳng đối với mắt thì làm sao được thấy? Nếu lìa sự thấy bên ngoài, thành lập sự thấy đối vào trong, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong thân; vậy khi mở mắt thấy sáng sao chẳng thấy mặt?
Thêm nữa, nếu chẳng thấy mặt thì cái nghĩa”con mắt đối vào trong” chẳng thể được. Nếu thấy mặt thì tâm hay biết và nhãn căn đều tại hư không, làm sao nói ở trong?
Nếu ở ngoài hư không thì chẳng phải thân ông, tức hiện nay Như Lai thấy mặt ông cũng là thân ông sao? Vậy mắt ông thấy biết thì thân ông chẳng biết. Nếu ông cho thân và mắt cùng biết một lượt, thì phải có hai cái biết, tức một thân người phải thành hai Phật.
Vậy nên biết rằng : Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân là chẳng đúng.
Lần thứ nhất A Nan chấp tâm ở trong thân, bị Phật bác. Sau đó, A Nan chấp tâm ở ngoài thân, cũng bị Phật bác. Liền sau đó, A Nan chấp tâm núp sau con mắt, lý luận này cũng bị Phật bác. A Nan bèn nghĩ rằng tạng phủ ở trong thân nên mắt không thấy được và dĩ nhiên ngũ căn ở bên ngoài thì mắt dễ dàng thấy. Do đó ông mới kết luận rằng vì tạng phủ ở bên trong nên khi nhắm mắt, thấy tối thì cái tối tức là thấy bên trong tạng phủ. Còn khi mở mắt, thấy sáng thì cái sáng này sẽ thấy hình sắc bên ngoài.
Bây giờ Phật mới giải thích cho A Nan rằng : Nếu ông A Nan nhắm mắt lại mà thấy cảnh tối thì :
1) Nếu ông nhắm mắt mà thấy cảnh tối thì mắt phải nhìn thấy cảnh tối bên ngoài tức là cảnh tối là đối tượng để thấy thì cảnh tối bắt buộc phải ở ngoài thân. Nếu cảnh tối ở trong thân thì làm sao mắt thấy được. Nếu ông A Nan lý luận cảnh tối ở trong thân thì cũng giống như cảnh tối của một căn phòng không có ánh sáng. Như thế thì đồ đạc vật dụng trong phòng kia là tim, gan, tỳ, tạng của ông A Nan?
2) Bây giờ nếu không có mắt để thấy thì làm sao thấy được đối tượng, cảnh vật. Mà nếu cho rằng con mắt ở trong thân cho nên khi nhắm mắt thì thấy cảnh tối vậy khi mở mắt sáng thì phải thấy cảnh vật bên ngoài. Nhưng ở đây khi mở mắt sáng mà chẳng thấy được mặt mày của mình thì con mắt đâu phải ở trong thân. Mà muốn thấy mặt thì mắt phải ở ngoài thân vì thế tâm và mắt phải nằm lơ lửng trong không gian.
Nếu mắt, tâm ở ngoài thân và nằm trong hư không thì rõ ràng mắt và tâm không thuộc thân. Cũng như Đức Phật đứng từ bên ngoài nhìn A Nan thì làm sao bảo Đức Phật là thân của A Nan được. Do đó nếu mắt biết thì thân không biết, còn nếu cho rằng mắt biết và thân cũng biết hóa ra trong thân có tới hai tánh biết nghĩa là một thân A Nan tu mà có tới hai A Nan thành Phật. Mỗi người sinh ra chỉ có một tánh biết, nếu tánh biết hiện ra ở mắt là thấy, hiện ra ở tai là nghe, hiện ra ở mũi là ngửi…cho nên nếu có hai tánh biết thì rõ ràng ông A Nan một thân mà có tới hai bản tâm hay sao?
Do đó ông A Nan chấp “nhắm mắt thấy tối là tâm thấy trong thân” là vô lý.
5) A NAN CHO RẰNG SỰ SUY NGHĨ LÀ TÂM :
A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Con thường nghe Phật dạy tứ chúng rằng: do tâm sanh nên các pháp mới sanh; do các pháp sanh cho nên tâm mới sanh. Nay con suy nghĩ, chính cái “suy nghĩ” ấy là tâm của con. Tùy sự hòa hiệp chỗ nào tâm theo đó mà có nên nó chẳng ở trong, ở ngoài và ở chính giữa.
Phật bảo A Nan :
- A Nan! Ông cho sự suy nghĩ là tâm, sự suy nghĩ hòa hợp chỗ nào tâm theo đó mà có. Như thế thì cái tâm của ông không có tự thể. Nếu tâm ông không có hình thể (tức là không có) thì lấy cái gì mà hòa hiệp, cũng giống như giới mười chín hòa hợp với trần thứ bảy, nghĩa ấy không đúng? Còn nó có hình thể, thì ông thử lấy tay mặt đánh qua tay trái, ông liền biết đau. Vậy cái tâm biết đau này, là từ trong thân chạy ra hay từ bên ngoài chạy vào?
- Nếu ông nói : ”nó từ trong thân chạy ra” thì trước hết nó phải thấy gan ruột trong thân của ông. Còn nếu nó từ ngoài hư không chạy vào thì trước hết nó phải thấy cái mặt của ông.
A Nan thưa :
- Thấy là ở con mắt, còn tâm thì biết chớ không thấy như con mắt. Nói tâm thấy là không đúng nghĩa.
Phật dạy rằng :
- Nếu con mắt thấy thì những người chết, con mắt vẫn còn, sao họ không thấy vật?
- Nếu người chết, mà vẫn còn thấy vật, thì sao gọi là người chết?
Lại nữa, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thật thể, thì có một thể hay nhiều thể, ở khắp cả thân ông, hay không khắp cả thân?
- Nếu tâm ông có một thể và ở khắp cả thân thì khi ông lấy tay đánh thử một chỗ trên thân ông, đáng lẽ, đều biết đau hết vì tâm ở khắp cả thân và đồng một thể.
- Nếu cả thân biết đau thì cái đau đó lẽ ra không có ở nhất định chỗ nào.
- Nếu cái đau có chỗ nhất định thì ông nói : ”cái tâm một thể ở khắp cả thân” cũng không phải. Còn nói : ”tâm ông có nhiều thể” thì thành ra nhiều người; vậy cái nào là tâm của ông?
- Nếu tâm ông không ở khắp thân thể, vậy ông đồng thời vừa đụng trên đầu và cũng vừa đụng dưới chân; khi ấy, nếu đầu biết đau thì chân phải không biết. Còn chân biết đau thì đầu phải không biết.
Nhưng thực tế thì đầu và chân của ông cả hai đều biết đau.
Thế nên cho rằng “tùy hòa hiệp chỗ nào thì tâm tùy theo đó mà có” cũng không đúng.
Cho đến bây giờ, ông A Nan vẫn chưa biết chỗ viên thông của bản tâm nên mới đem cái thức suy nghĩ mà cho rằng đó là bản tâm. Ông A Nan thường nghe Phật giảng giải về câu : ”tâm sanh nên các pháp sanh; do pháp sanh nên tâm sanh”, nghĩa là con người có khởi tâm phân biệt là do các pháp trần sinh khởi nghĩa là căn tiếp xúc với trần thì thức phát sinh mà tạo ý niệm phân biệt. Thí dụ, quý vị ngồi trong nhà nhìn ra đường thấy chiếc xe thì thức cho biết đó là chiếc xe, nhưng thức phân biệt sau đó mới cho quý vị biết đó là xe gì, tốt hay xấu…Vì thế nếu pháp trần sinh thì tâm sinh tức là nếu có hiện tượng xảy ra thì tâm phát hiện để ghi lại. Đây chính là vọng tâm bản nguyên phan duyên ngoại cảnh nghĩa là vọng tâm hay những thức suy nghĩ có phát sinh cũng bởi tại phan duyên với những trần cảnh bên ngoài. Ông A Nan không rõ ý Phật muốn chỉ dạy về pháp tướng mà tâm phân biệt là cội nguồn sinh ra các tâm yêu, ghét, buồn, vui…nhưng lại chấp rằng tâm hòa hợp với chỗ nào thì liền có ở nơi ấy.
Không riêng gì ông A Nan cho rằng sự suy nghĩ là tâm mà tất cả chúng sinh trên thế gian này đều trả lời như thế nếu họ chưa thấu hiểu sâu xa về thật tướng của vạn pháp. Thí dụ, con người thường nói tâm nghĩ thiện, tâm nghĩ ác, tâm suy nghĩ việc này, việc nọ…thế thì cái suy nghĩ không là tâm thì là gì? Nhưng nếu tư duy quán chiếu thì thấy rằng trong tâm chúng ta không có một ý niệm nào thường trụ bất biến cả. Niệm trước vừa đến thì được thay thế bằng những niệm kế tiếp. Trong một cái chớp mắt mà có tới chín trăm ý niệm vi tế khởi lên trong tâm vì thế mà con người sống trong quay cuồng điên đảo với muôn vạn ý niệm trong tâm thức của mình.
Đức Phật dạy rằng nếu thật sự cái suy nghĩ là tâm, mà sự suy nghĩ là hư không, không hình sắc thì làm sao hòa hiệp. Bây giờ giả sử cho rằng sự suy nghĩ có hình sắc; nếu ông A Nan lấy tay mặt đánh qua tay trái thì tâm liền biết đau. Do đó nếu cho rằng tâm ở trong thân chạy ra cánh tay để biết cái đau thì tâm phải thấy tạng phủ của ông A Nan trước rồi mới chạy ra cánh tay, nhưng thật ra tâm đâu có thấy tim, gan của ông được. Còn nói rằng nếu tâm từ bên ngoài hư không chạy vào cánh tay để biết cái đau thì tâm phải thấy mặt của A Nan, nhưng tâm đâu có thấy được mặt của A Nan.
Lý do Đức Phật bác lời ông A Nan cho rằng “sự hòa hiệp chỗ nào thì tâm theo chỗ ấy mà có” là vì bản tâm không có tự thể, là vô hình, vô tướng nên không thể thấy và dĩ nhiên không thể nào hòa hiệp được. Tại sao? Vì tự thể là thể chất của vật chất cho nên nếu muốn hòa hợp nước, đường với chanh thì cần phải có nước, đường và trái chanh thì mới làm được nước chanh đường.
Ông A Nan vì chưa ngộ được thật tướng viên thông của bản tâm nên tâm còn chấp có, chấp không mà cãi gượng rằng nếu muốn thấy thì phải dùng mắt tức là nhãn căn, còn tâm thì biết tức là thức. Phật không thể nhận lầm thức là nhãn căn được. Lúc bấy giờ A Nan chưa chứng đắc thánh quả A La Hán nên đây là câu hỏi rất thông thường và rất hợp lý đối với phàm nhân.
Để trả lời, Phật lại dạy rằng nếu cho rằng phải có mắt mới thấy sự vật thì tại sao người mới chết hai mắt vẫn còn nguyên vẹn mà họ không thấy gì hết! Còn những người đã chết, mắt không còn dùng được mà vẫn thấy sự vật? Lời Phật muốn dạy A Nan rằng không nhất thiết có mắt mới thấy mà tâm cũng thấy được. Khi một người đã chết, thần thức thoát ra khỏi thân xác và lưu lại ở một thế giới trung gian từ một tới bảy tuần lễ để tùy theo nghiệp lực mà đi tái sinh thì gọi là thân trung ấm. Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ là bóng dáng. Vì là bóng dáng nên thân trung ấm không có sáu căn : mắt, tai, mủi, lưỡi, thân và ý, nhưng họ có thể thấy, nghe, hay, biết một cách rõ ràng. Họ có thể ngửi mùi hương mà thân quyến đốt cho họ…Họ có thể thấy gia quyến thương tiếc khóc than cho họ. Do đó thân trung ấm vẫn thấy mọi hiện tượng mà không cần có mắt. Vậy cái thấy của thân trung ấm chính là do tâm mà có chớ đâu phải do mắt.
Ngày xưa tôn giả A Na Luật vì mỗi khi nghe Phật thuyết pháp thường hay ngủ gục liền bị Phật quở nên ông thề trong tâm không ngủ nữa. Vì giấc ngủ là thức ăn cho mắt cho nên sau bảy ngày không ngủ liên tiếp ông bị mù. Chính Đức Phật đã dạy ông pháp môn “Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội” nên chẳng bao lâu A Na Luật chứng được thiên nhãn thông có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới rất rõ như thấy quả quít trên tay. Như thế cái thấy của ông A Na Luật đâu phải là do nhãn căn.
Bây giờ Phật mới phân tích cái tâm của A Nan mà hỏi rằng nếu cái tâm hiểu biết của ông là một thể và bao trùm khắp toàn thân nên khi đưa tay đánh một chỗ nào trên thân thì toàn thân phải cảm thấy đau như nhau. Nhưng trên thực tế điều nầy không đúng vì nếu lấy tay đánh trên đầu thì mình và tay chân đâu có đau. Vì thế cho rằng tâm là một thể và bao trùm khắp toàn thân là sai. Còn nếu cho rằng tâm ông có nhiều thể thì cũng không đúng vì mỗi người chỉ có một thể tánh mà thôi. Còn có nhiều thể tức là có nhiều người thành ra cái nào là tâm của A nan?
Sau cùng nếu cho rằng tâm hiểu biết của A Nan không bao trùm khắp toàn thân nên khi lấy tay đánh lên đầu và dưới chân một lượt thì chỉ có một chỗ biết đau, hoặc là đầu hoặc là chân bởi vì khi biết đau có nghĩa là trong thời điểm ấy hoặc là tâm chạy lên đầu hoặc là chạy xuống chân. Nhưng trên thực tế, cả đầu lẫn chân cùng đau chứng tỏ tâm vừa chạy lên đầu và cũng vừa chạy xuống chân.
Vậy cái thuyết ”hòa hiệp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó” không đúng sự thật.
6) A NAN CHO RẰNG TÂM Ở CHẶNG GIỮA :
A Nan bạch Phật :
- Bạch Thế Tôn! Con được nghe Thế Tôn cùng với ngài Văn Thù Sư Lợi và các vị Pháp Vương Tử bàn về nghĩa thật tướng. Con nghe Phật nói tâm chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Theo như con nghĩ : Nếu tâm ở trong thân sao lại không biết bên trong, còn nếu tâm ở bên ngoài sao thân tâm cùng biết. Tâm không biết bên trong nên không thể nói ở trong thân. Thân và tâm cùng biết nên không thể nói tâm ở ngoài thân. Nay vì thân tâm biết nhau và không thấy được vật bên trong nên con khẳng định tâm chắc chắn ở giữa.
Phật bảo :- Này A Nan! Ông nói chặng giữa, chỗ ấy không phải tự nhiên mà có, hoặc không có vị trí nhất định. Theo sự suy nghĩ của ông thì chặng giữa là ở nơi nào? Ở nơi thân hay ở nơi cảnh? Nếu ở nơi thân mà ở một bên thì không phải ở giữa, còn nếu ở giữa thân thì cũng như ở trong thân rồi. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì có thể nêu ra được hay không thể nêu ra được? Không nêu ra được thì cũng như không có cái giữa, còn nêu ra được thì lại không nhất định ở giữa. Tại sao? Ví như có người cắm một cây nêu để làm điểm giữa. Nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phía Tây. Còn nếu nhìn từ phương Nam thì thấy cây nêu ở phía Bắc. Cái giữa đã lẫn lộn như thế thì cái tâm ở chặng giữa cũng thành rối loạn, chẳng rõ ở đâu.
A Nan thưa :
- Con nói “chính giữa” chẳng phải là hai thứ này. Như Thế Tôn dạy : mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức. Mắt thì có phân biệt, sắc trần vốn vô tri. Thức phát sinh trong khoảng giữa ấy chính là tâm con.
Đức Phật bảo :
- Tâm ông nếu ở giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm cả hai bên thì ngoại vật và tâm thể lẫn lộn, trần thì không biết nhưng căn biết thành hai thứ đối lập nhau. Như thế chỗ nào gọi là điểm giữa? Nếu lìa biết (căn) và không biết (trần) thì chẳng có thể tánh, vậy lấy tướng nào làm chính giữa?
Thế nên biết rằng tâm ở chặng giữa là chẳng đúng.
Khi Phật và đại trí Văn Thù bàn về thật tướng nghĩa là các Ngài nói về tánh thường trụ của bản tâm tức là chơn tâm, là Phật tánh, là Tri kiến Phật, là tự tánh thanh tịnh bản nhiên có sẵn trong tất cả chúng sinh, nhưng ông A Nan lại hiểu lầm thật tướng thường trụ bất sinh bất diệt của chơn tâm với pháp tướng sinh diệt của vọng tâm. Vì thế mà ông mới lý luận rằng nếu tâm ở trong thân thì tâm phải thấy lục phủ ngũ tạng, nhưng tâm đâu có thấy được tim, gan của mình nên chắc chắn tâm không ở trong thân. Còn nếu cho rằng tâm ở ngoài thân, khi thân đau thì tâm không biết vì nó ở ngoài nên chắc chắn tâm cũng không ở ngoài thân. Nhưng ở đây khi Phật đưa cánh tay lên thì thân tâm cùng biết hoặc có người đánh vào tay ta thì thân tâm cũng cùng biết cho nên ông A Nan mới kết luận tâm không ở trong, tâm cũng chẳng ở ngoài mà tâm bây giờ ở ngay chặng giữa. Khi ông A Nan còn dùng thức tâm tức là tâm phân biệt còn ngăn cách bởi sự vật, còn chạy theo sắc trần bên ngoài, thì không cách nào ông hiểu được chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh vốn trong sạch, thanh tịnh, thường hằng bất biến trong tâm của ông.
Bây giờ Phật từ bi mà giải thích rằng cái giữa mà ông A Nan muốn nói là ở đâu. Giữa ở nơi thân hay giữa ở nơi cảnh.
1) Nếu tâm ở giữa nơi thân thì rõ ràng tâm ở trong thân thì cũng giống như phần trên. Hoặc là cho tâm ở trong thân, nhưng ở một bên thì cái giữa đâu còn ý nghĩa.
2) Còn nếu cho rằng tâm giữa ở nơi cảnh thì cũng có hai trường hợp :
- Nếu không nói ra được chỗ nào là ở giữa thì cái giữa không có.
- Còn nếu có thể nói được thì nơi nào gọi là chỗ giữa. Phật bèn đưa ra thí dụ : Giả sử có người cắm một cây nêu để làm điểm giữa trong một cánh đồng trống. Nếu một người nhìn từ hướng Đông thì thấy cây nêu nằm về hướng Tây. Hoặc một người nhìn từ hướng Nam thì thấy cây nêu nằm về hướng Bắc. Vậy chỗ nào là chính giữa? Cái ý nghĩa của chính giữa đã không rõ biết thì làm sao nói tâm ở chính giữa là đúng được.
Vì A Nan còn mê nên nói sao cũng không đúng, nói cái gì cũng bị Phật bác nên ông dựa vào duy thức luận mà nói rằng : Nhãn căn là căn của mắt, sắc trần là những ngoại vật ở bên ngoài cho nên khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần liền phát sinh nhãn thức tức là sự phân biệt của sự thấy. Ông A Nan nói nhãn căn có sự phân biệt, sắc trần tự nó vô tri nên không có sự phân biệt, nhưng khi nhãn căn gặp sắc trần sanh ra nhãn thức ở giữa có sự phân biệt hay biết nên ông cho rằng tâm ở nơi nầy. Thí dụ như khi chúng ta nhìn thấy một chiếc xe đang đậu ngoài đường. Nhìn là mắt tức là nhãn căn, chiếc xe là sắc trần, nhưng nếu mắt nhìn chiếc xe mà chỉ biết đây là chiếc xe thì thức không có sự phân biệt. Bây giờ nếu mắt vừa nhìn thấy chiếc xe mà thức liền phân biệt cho rằng chiếc xe này là xe gì, đẹp hay xấu…thì ông A Nan nói cái thức phân biệt này chính là bản tâm của ông ta.
Phật lại dạy rằng nếu ông A Nan nói tâm nằm ở giữa căn và trần thì cái tâm ấy gồm hai bên (căn và trần) hay không gồm hai bên?
1) Nếu tâm gồm hai bên có nghĩa là nhãn thức vừa bao gồm cả nhãn căn và sắc trần mà trần thì không biết còn căn thì biết như thế biết và không biết hay tâm thức và sắc trần lẫn lộn vào nhau thì làm sao biết chỗ nào là tâm mà nói ở chặng giữa.
2) Nếu tâm không gồm hai bên nghĩa là nó không có biết và cũng không phải không biết nên tâm bây giờ không có thể tánh thì làm sao nói tâm ở chặng giữa được. Tuy bản tâm là vô hình vô tướng, nhưng nó có sự biết, sự thọ cảm nên nó có thể tánh, ngược lại nếu không có thể tánh thì không phải là tâm. Mà nếu không là tâm thì làm sao nói tâm ở chỗ này hay chỗ kia.
Vậy ông A Nan chấp tâm ở chặng giữa là không đúng.
7) A NAN CHO RẰNG TÂM LÀ CÁI KHÔNG DÍNH DÁNG VÀO ĐÂU CẢ :
Ông A Nan thưa :
- Bạch Thế Tôn! Con nhớ trước đây có lần Phật chuyển pháp luân cùng bốn đại đệ tử : Mục Kiền Liên, Tu Bồ-đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất, khi đó Phật dạy : “Cái tâm tánh hiểu biết nó không ở trong, không ở ngoài, không có chặng giữa và không chỗ trụ, tất cả không dính dáng”.
Bạch Thế Tôn! Nay con lấy cái không dính dáng ấy gọi là tâm có được chăng?
Phật bảo :
- A Nan! Ông nói cái tâm hiểu biết của ông không dính dáng, vậy tôi hỏi ông : Biển cả, đất liền, núi rừng, hoa, cỏ…nói chung mọi sự vật hiện tượng trên thế gian mà ông cho là không dính dáng, chúng có hay là không có? Nếu chúng là không thì không cần phải nói dính dáng hay không dính dáng. Bởi vì có ai dính với chuyện lông rùa, sừng thỏ bao giờ! Còn nếu có sự dính dáng thì không thể nói sự vật hiện tượng là không. Không tướng mới không, còn không phải không thì ắt phải có tướng. Mà đã có tướng thì có dính dáng chứ làm sao không dính dáng được?
Vậy nên biết rằng tâm là cái không dính dáng vào đâu cả cũng không hợp lý.
Một lần nữa kinh Lăng Nghiêm chứng minh rằng cái nghe thấy biết của ông A Nan và sự thấy biết của những bậc tu chứng khác nhau rất xa. Tại sao? Khi các bậc Thánh giả tu chứng đến chỗ các Ngài có thể phá được sắc, thọ, tưởng, hành của ngũ uẩn thì các Ngài đạt đến chỗ nhân không tức là họ đã phá được bản ngã nên tâm hoàn toàn tự tại cho nên cái thấy của họ không phải do mắt mà bằng trí tuệ nên không có dính dáng. Còn ông A Nan tuy theo chân Đức Phật suốt hai mươi bảy năm, nhưng với sở thích học rộng nghe nhiều mà không dùng thiền định để soi chiếu được cái thật tướng của bản tâm (chơn tâm) nên cái thấy của ông A Nan không khác gì cái thấy của phàm nhân tức là thấy bằng nhục nhãn chớ không phải bằng tuệ nhãn như các vị A la hán. Mà thấy bằng mắt thịt thì dĩ nhiên phải có dính dáng, có đối tượng mới thấy được.
Phật từ bi mà dạy rằng nếu ông A Nan cho rằng cái tâm hiểu biết của ông không dính dáng với tất cả những sự vật hiện tượng trên thế gian, ông hãy nhìn ra ngoài sẽ thấy nào là trời cao, biển rộng, núi rừng, hoa quả, chim bay, cá lặn…thì chúng có hay không?
1) Nếu ông nói không có thì không cần phải nói gì thêm.
2) Còn nếu ông nói chúng có hiện hữu thì làm sao ông nói là không dính dáng được? Tại sao? Bởi vì cái không dính dáng là cái không của hình sắc, của thế giới hữu vi tức là phải có hình tướng chớ không phải cái không của không tướng tức là chân không diệu tánh của thế giới vô vi. Mà thế gian, trời đất, núi cao, biển rộng, chim bay, cá lặn vẫn sờ sờ trước mắt thì làm sao nói không có? Do đó có thế giới hữu hình, có hình tướng thì phải có dính dáng.
Vậy ông A Nan chấp không dính dáng là tâm hay biết lại cũng không đúng.
Phần Tóm Lược
Con người có sống trong hệ lụy của phiền não khổ đau cũng vì để tâm chạy theo những trần cảnh bên ngoài. Mỗi cái chớp mắt có tới hàng trăm ý niệm thay nhau sinh khởi trong tâm. Ý niệm trước vừa dấy khởi liền được thay thế bằng ý niệm sau. Đó là tại sao chúng sinh có lúc vui, lúc buồn, lúc giận, lúc hờn, lúc thương, lúc ghét…Cái vui nhỏ thay thế cái vui lớn, cái tức giận mới thay thế cái tức giận cũ. Vài phút trước đang vui, nhưng vừa thoáng qua thì nước mắt đã chảy dài. Tất cả những thay đổi của tâm bởi những trần lao bên ngoài thì cái tâm này nhà Phật gọi là thức tâm hay vọng tâm tức là cái tâm sinh diệt, biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian.
Trong chương này, Đức Phật trước khi chỉ bày phương pháp tu hành để loại trừ vọng tâm sinh diệt chính là cội nguồn của sinh tử khổ đau mà thấy được chơn tâm thường trú của chính mình, Ngài gạn hỏi ông A Nan bảy lần về bản tâm. Ông A Nan tuy theo chân Đức Phật suốt hai mươi bảy năm và được Phật khen ngợi là đệ nhất đa văn, nhưng ông chỉ thích học rộng nghe nhiều, cố thu góp kho tàng Phật pháp mà không chịu tu chứng. Vì chưa chứng đắc Thánh quả, ông A Nan chưa phá nổi nhân không nên ông vẫn còn chấp ngã, chấp tướng, tâm chưa được thanh tịnh, rỗng rang như các vị A la hán. Bởi tâm còn chấp nên Đức Phật sau bảy lần gạn hỏi bản tâm là cái gì và ở đâu, ông chỉ dùng trí thức phàm nhân mà trả lời. Thâm ý của Đức Phật là muốn hỏi về chơn tâm, Phật tánh trong khi ông A Nan lại dùng vọng tâm sinh diệt mà đáp lại.
Đức Phật đưa ra bảy chỗ gạn hỏi là có ý muốn đưa A Nan thẳng đến chỗ tự ngộ vì thế lời Phật giảng giải chẳng phải chân lý. Tại sao? Đức Phật chỉ dùng phương tiện tức là dùng thuốc giả để trị bịnh giả của A Nan bởi vì những kiến chấp của A Nan là không đúng và lời phá chấp của Phật cũng không phải là chân lý. Thí dụ như khi ông A Nan nói tâm ở trong thân, ở ngoài thân, tâm không dính dáng thì thật ra không phải có chỗ chẳng đúng hay chẳng sai. Do đó khi A Nan chấp tâm ở trong thân thì Phật bác không phải ở trong. A Nan bèn chấp tâm ở ngoài thân thì Phật lại bác không phải ở ngoài. Tuy phá chấp của A Nan, nhưng lời phá chấp của Phật cũng không phải là chân lý. Tại sao? Vì tự tánh, chơn tâm vốn là cùng khắp cho nên nếu Phật nói tâm không phải ở trong thân nghĩa là tự tánh không cùng khắp, hoặc nếu Phật cho rằng tâm không ở ngoài thân thì tự tánh cũng không cùng khắp. Nhưng vì A Nan chấp tâm phải nhất định ở một chỗ nên Phật mới bác. Nếu bệnh chấp chưa hết thì không những bảy chỗ mà A Nan có thể đưa ra vô số chỗ. Còn nếu bệnh chấp đã hết thì một chỗ cũng chẳng có, nói gì đến bảy chỗ.
Trong Nhiếp Đại Thừa luận có câu chuyện “Kẻ mù rờ voi”. Người rờ nhằm cái chân thì nói con voi như cột nhà, người rờ nhằm lỗ tai thì nói con voi như cái quạt, còn người khác rờ nhằm cái đuôi thì nói con voi như cây chổi quét nhà…Do đó nếu những người mù kia không thấy được chân tướng của con voi, cho dù có rờ trúng, thì họ nói cách nào cũng sai cả.
Vậy nên biết nếu con người chưa ngộ được thể tánh chơn tâm thì cho dù nói cách nào cũng sai cả.
Lê Sỹ Minh Tùng (www.lesyminhtung.net)