đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

10:53 26/03/2012

Luân hồi trong kinh Lăng Nghiêm - Phần 1 (Thích Nữ Giới Hương)

(TG&DT) - Đó là thật ý của Phật nhưng vì căn cơ chúng ta thấp kém nên ngài phải phương tiện nói từ từ trong những năm qua. Pháp hoa là thời chính thức tuyên bố thọ ký tất cả chúng sanh mọi giới đều có khả năng thành Phật và thời Thủ Lăng Nghiêm là Đức Phật nói đầy đủ phương pháp tu để thành Phật, nhận tánh Phật bình đẳng thường trụ đó và sau cùng là thời Niết bàn nói về Đức Phật nhập diệt...

LỜI ĐẦU


Có một đêm, Đức Phật đứng lặng lẽ trầm mặc bên dòng sông bạc. Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đứng phía sau và nhìn xuống ánh trăng lung linh óng ánh trên mặt nước, bất giác tôn giả buồn bả than rằng:



- “Bạch đức Thế Tôn! Thật đáng thương thay! Có những kẻ mò trăng đáy nước đến nổi chết chìm”.



Đức Phật ôn tồn đáp:



- “Đúng thế! Thật đáng thương xót! Nhưng đáng thương hơn nữa là những kẻ chấp rằng vũ trụ không trăng”.



Có người tìm trăng đáy nước, thấy ánh trăng lung linh ảnh hiện trên mặt nước, nên lao đầu xuống nước mò kiếm, nhọc sức luống công mà còn cái khổ phải bị chết chìm mà không biết rằng rất đơn giản chỉ cần ngước đầu lên thì sẽ thấy được ngay chị hằng xinh đẹp thật. Rồi lại có người cho rằng trên đời không có trăng dù rằng mặt trăng tròn vằng vặn vẫn đang toả ánh sáng huyền diệu bao trùm vũ trụ không gian đó... Đây là những người thật đáng thương, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là những chúng sanh luân hồi.



Trong chương I, đoạn III, Phần Chỉ hai thứ cỗi gốc mê và ngộ, Phật bảo Tôn giả A Nan:



Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo vô thượng Bồ đề, đến nỗi lại thành Thanh văn, Duyên giác hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương, hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi gốc?



A Nan, một là cái cỗi gốc sống chết vô thỉ, tức như thầy ngày nay cùng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính.



Hai là cái thể bản lai thanh tịnh Bồ đề Niết Bàn vô thỉ thì như hiện nay cái tính bản minh thức tính của thầy, sinh ra các duyên mà bị bỏ rơi. Do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo”[1] .



Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa, có rất nhiều tư tưởng thâm áo ẩn tàng trong kinh. Như một vườn hoa có rất nhiều hoa nở đẹp, tuyệt đẹp nhất là hoa cúc trắng tinh khiết nói về Tạng tánh Như Lai tạng, hoa cúc vàng nói về mặt luân chuyển của thức tinh nguyên minh và nhiều hoa khác nữa. Nội dung cuốn sách nhỏ này chỉ nói về mặt ý nghĩa ‘luân hồi’ mà trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đề cập đến, như người làm vườn chỉ xin nhặt hoa cúc vàng để mời người xem; còn hoa trắng chỉ xin giới thiệu sơ lướt qua, đợi đủ thắng duyên sẽ tiếp tục ra mắt một tác phẩm khác về ý nghĩa này.



Con thành tâm hướng về Đại Ninh, xin đê đầu đảnh lễ trên Tôn sư Hải Triều Âm, người đã hết lòng truyền trao cho chúng con nghệ thuật của người làm vườn từ những năm 1983, 1984 và 1985; người đã trao những hạt giống chắc tốt của Tứ Niệm Xứ Lăng Nghiêm cho chúng con. Hôm nay giống đã ra hoa. Nếu chúng con có được chút công đức phước thiện nào trong cuốn sách nhỏ này, xin kính dâng trên Thầy và pháp giới chúng sanh.



Lòng dạt dào tràn đầy những cống hiến, nhưng sự giác tỉnh và năng lực thì còn yếu kém quá, kính trông mong các thiện tri thức từ bi chỉ dạy cho những lỗi lầm sai sót, để lần tái bản sau sách được hoàn mãn hơn.
Thành kính tri ân.



Mùa thu lá đỏ tại WI, ngày 30 tháng 8 năm 2008
Thích Nữ Giới Hương
(thichnugioihuong@yahoo.com)
[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh biên dịch, NXB Tp HCM, 1999, tr. 68.
          

CHƯƠNG I    BỐI CẢNH PHẬT GIÁO


Trước khi vào nội dung kinh Thủ Lăng Nghiêm, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về bối cảnh Phật giáo trước khi Thủ Lăng Nghiêm xuất hiện.



Đức Phật là một bậc giác ngộ vĩ đại, một bậc Thầy lớn của trời người. Sự cống hiến lớn của Ngài là để lại cho nhân loại tam tạng kinh điển là con đường giải thoát hạnh phúc vĩnh viễn qua chính sự chứng nghiệm của ngài.







Hệ thống giáo lý 49 năm thuyết pháp của Đức Phật được Tổ Thiên Thai bên Trung Quốc kết lại bằng một bài thơ ngắn gọn rằng:



Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng [1]bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa, Niết bàn cộng bát niên.


Nghĩa là:


Hoa Nghiêm trước nhất hai mươi mốt ngày,
A hàm mười hai, Phương đẳng tám
Hai mươi hai năm bàn Bát nhã
Pháp hoa Niết bàn cộng tám năm.



Sau 49 ngày thiền tọa và giác ngộ, Đức Phật khởi tâm muốn chia sẻ Phật tuệ, hé lộ chân tánh bình đẳng này đến với mọi người, nên Ngài nói kinh Hoa Nghiêm tiết lộ cho chúng sanh đau khổ biết rằng ai cũng có thể có khả năng thành Phật như ngài. Nhưng đến 21 ngày, Ngài thấy hình như không ai hiểu được thâm nghĩa này, không để ý, mà chúng sanh chỉ lo ham mê tham đắm tài, sắc, danh, lợi, ngủ nghỉ và quay cuồng trong tham, sân, si, nên Ngài không muốn nói nữa và muốn bỏ cõi này để nhập Niết Bàn.



Khi đó có các Phạm thiên giáng xuống và cung thỉnh Đức Phật vì lòng từ bi mà đừng nhập niết bàn. Các Phạm thiên nói rằng tuy cõi này chúng sanh tham mê ngũ dục như thế, nhưng cũng có những chúng sanh khác ước ao muốn tìm con đường thánh thiện thoát khổ và chán cõi ta bà này. Sau khi nghe như thế, Đức Phật đồng ý lưu lại cõi ta-bà và ngài bắt đầu nói A hàm tức hệ Phật giáo Nguyên Thủy trong 12 năm, vì thế chúng ta có năm bộ Nikaya[2] . Giáo lý Nguyên thủy nói về nguyên tắc đạo đức và nhận ra sự hư vọng của sáu căn, sáu trần, sáu thức, buông bỏ tham, sân, si và thoát lửa sanh tử. Các bài kinh như vòng luân hồi, tứ niệm xứ, thọ giới tỳ kheo, tỳ kheo ni, cạo đầu xuất gia… đều là thuộc thời Phật giáo nguyên thủy (tức Phật giáo thời kỳ đầu).



Sau 12 năm, ngài bắt đầu chuẩn bị nói Đại thừa (tức Phật giáo thời kỳ phát triển) gọi là thời Phương đẳng, thời sắp sửa hoàn thành Đại thừa, mở ra Đại thừa chứ chưa hoàn mãn. Mới mở ra cho nên mới gọi là Phương đẳng hoặc là tiền Đại thừa.



Phương là vuông (vuông tròn, đầy đặn) đầy đủ ở khắp. Đẳng là bình đẳng tức bắt đầu sắp sửa nói cái gì đó đầy đủ, bình đẳng giữa Phật và chúng sanh.



Từ thời Phương đẳng trở đi là nói về đại thừa thì mới thật là đầy đủ, chứ về nguyên thủy là mới nói về cái gốc thôi. Nhận thấy những hư vọng để buông đi tức là gốc tu của chúng ta. Trước hết buông những hư vọng, biết thân hư vọng, biết vọng tâm, vọng cảnh, buông nó ra đó là căn bản vì vậy gọi là nguyên thủy, nhưng thật ra chưa đầy đủ. Muốn đủ còn nhận nữa lên đến đại thừa mới có sự thật, mới vào thật là Phật giáo. Thế nên gọi là phương. Phương là đầy đủ. Đẳng là bình đẳng. Ai cũng có thể vào được, chứ không phải có riêng biệt, chia ra những cao thấp. Không có chia ra giáo lý nguyên thủy Thanh văn, những vị xuất gia là đầu tròn áo vuông, là bậc mô phạm xuất thế, còn chúng sanh không tu là ô nhiễm, xấu xa, sanh tử…là không bình đẳng, không xem trọng.



Rồi sau Phương đẳng là nói giáo lý Bát nhã. Sau khi biết tướng hư vọng thì tánh là chân không, là thật tướng, thế nên Bát nhã nói về lý tánh chân không thật tướng, là thể tánh chân thật của vạn pháp, tức là hiển cái thực tướng ấy, nhưng mà hiển thực tướng thôi, chứ chưa tuyên bố. Đức Phật nói Bát nhã như vậy là 22 năm.



Đến cuối đời, thời Pháp Hoa, Đức Phật mới thọ ký cho Thanh Văn thành Phật và cho cả nữ nhân (là thành phần hạ liệt trong xã hội Ấn độ cổ đại), cho nên đến Pháp Hoa mới thật hứa khả cho đại chúng thành Phật đạo, nghĩa là tất cả đại chúng lớn, bé, già, trẻ, nam, nữ, ai cũng sẽ thành Phật đạo. Ngay cả chúng ta tham lam, giận dữ, đủ các thói xấu cho đến đọa làm con chó, con mèo mê muội tối tăm nhưng mà nếu đủ duyên tỉnh ra mà tu học thì trở thành hiền thánh, thành thử ví như hoa sen. Tâm địa của chúng ta cũng như thế, tỉnh ra thì thoát bùn tham, sân, si mà thành sen tinh khiết.



Khó như vậy cả hơn 40 năm đến giờ mới hé được. Ý định thật của Phật là khi giáng sanh tại thế gian này muốn cho tất chúng sanh đều thành Phật cả. Đó là thật ý của Phật nhưng vì căn cơ chúng ta thấp kém nên ngài phải phương tiện nói từ từ trong những năm qua. Pháp hoa là thời chính thức tuyên bố thọ ký tất cả chúng sanh mọi giới đều có khả năng thành Phật và thời Thủ Lăng Nghiêm là Đức Phật nói đầy đủ phương pháp tu để thành Phật, nhận tánh Phật bình đẳng thường trụ đó và sau cùng là thời Niết bàn nói về Đức Phật nhập diệt.



VÌ SAO GỌI LÀ QUYỀN TẠM?



Nếu lúc đầu nói mọi người thành Phật liền thì chúng ta cho là xa xôi, cao sâu, khó khăn và mơ hồ. Còn đi làm thợ móng tay, trông coi trẻ con, đi buôn, đi làm công sở để được nhiều tiền, để nuôi gia đình, làm ruộng để có lúa ăn, bán thực phẩm chay để có tiền là những cái lợi trước mắt thì chúng ta nhận ra, còn bây giờ bảo chúng ta tu để thành Phật, thì chúng ta còn ngại lắm, thấy khó khăn nên Đức Phật phải quyền tạm, đặt ra những phương pháp cho chúng ta theo được, nên những pháp ấy gọi là quyền tạm.



Ví dụ như mục đích của Đức Phật không phải bảo chúng ta xuất gia là để cạo đầu mặc áo nâu sòng. Đây là quyền tạm, mà chính là để dạy chúng ta rời những mối ràng buộc gia đình.



Chúng ta cạo đầu để buông bỏ những cái trang điểm thế gian. Rồi mặc áo lam, nâu không có màu xanh xanh, đỏ đỏ cho bớt cái tham nhiễm ở ngoài đời, vì vậy Đức Phật đặt ra cái phương pháp quyền tạm bảo chúng ta rời cha mẹ, rời gia đình vào chùa xuất gia; chứ mục đích thật của Phật là muốn cho chúng ta thành Phật.



Đức Phật khỏi cạo đầu cũng được, vì Đức Phật ở đâu Ngài cũng không bị ô nhiễm, cũng không bị vướng mắc, nhưng chúng ta bây giờ phải quyền tạm, phải cạo đầu, xuất gia vào chùa tu học, đó là mới một phần đường. Đức Phật phải quyền tạm.



Thế cho nên hết bộ kinh này đến kinh khác, cứ quyền cứ tạm, nào là học giới, học luật, nào là hộ sáu căn, bố thí, nhẫn nhục… đều là quyền cả; tới đại thừa Đức Phật mới nói thật. Mục đích của Đức Phật là muốn cho chúng ta được thành Phật là khai quyền hiển thật.
Trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật nói bao nhiêu kinh, đến khi sắp tịch, Đức Phật mới nói bộ kinh Pháp hoa, Thủ Lăng Nghiêm... bắt đầu lúc bấy giờ Đức Phật mới khai quyền hiển thật.



Chúng ta có thể tạm hiểu qua hình ảnh của cơ thể: đôi chân là nguyên thủy, bụng là Phương đẳng, Bát Nhã và đỉnh đầu là Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm và Niết bàn. Và từng phần của thân thể này đều cần và giúp đỡ lẫn nhau để pháp thân Phật pháp được hiển bày.



THỦ LĂNG NGHIÊM THUỘC THỪA NÀO



Mục đích chuyên chở đến nơi nào thì gọi là thừa? Thừa là cổ xe và định chở đi đâu? Thủ Lăng Nghiêm dạy Bồ tát thừa là cổ xe lớn, tuy vậy nhưng vẫn dạy tinh nghiêm giới hạnh Thanh văn thừa, dạy cả nhân và thiên thừa trong bảy thú [3]. Thế nên, thật sự là Thủ Lăng Nghiêm là Bồ tát thừa nhưng kiêm cả năm thừa:



1. Nhân thừa: dạy chúng ta giữ năm giới, không được sát, đạo, dâm, vọng và uống rượu
2. Thiên thừa: dạy chúng ta giữ thập thiện, tâm không được tham, sân, si, tu thiền để tiến lên cõi trời
3. Thanh văn thừa: dạy chúng ta buông xả sáu căn, sáu trần và sáu thức vì tất cả hư vọng
4. Bồ Tát thừa: dạy chúng ta thực hành bồ tát hạnh tiến lên ngôi vị Phật
5. Phật thừa: dạy về tánh Phật



Thủ Lăng Nghiêm kiêm năm thừa nhưng đặc biệt thật sự là Bồ tát thừa.



Thủ Lăng Nghiêm thuần túy Bồ tát thừa, nhưng vẫn bắt buộc chúng ta tinh nghiêm giới hạnh Thanh Văn, vì từ sơ tâm đến viên mãn quả địa không rời ba tiệm thứ là trừ trợ nhân sanh tử (không ăn năm thứ ngủ tân, không uống sữa tươi, mặc dùng áo hay đồ lông thú), khoét bỏ tánh chúng sanh (tức giữ giới) và trái với nghiệp hiện tiền (ngược dòng sanh tử); rồi giữ giới Thủ Lăng Nghiêm cho tinh nghiêm nghĩa là chẳng những không sát, không đạo, không dâm, không vọng mà cho đến tánh đoạn không sát, đoạn không dâm, đoạn không vọng đó cũng không còn… Khó lắm cho nên gần cuối đời Đức Phật mới nói kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng gọi là Đại Phật đỉnh tức đỉnh đầu của Phật. Nếu nói lúc đầu thì sẽ không ai dám tu cả. Như vậy, Thủ Lăng Nghiêm dạy tu Bồ tát thừa nhưng giới hạnh Thanh văn vẫn giữ cho thật tinh nghiêm. Không những ăn chay mà còn không ăn những gì có tinh khí, cho đến sữa hay dùng đồ lông thú. Những gì thuộc loài vật mình đều không được dùng, cho nên giới trong Thủ Lăng Nghiêm kỹ càng tinh vi hơn.



Thủ Lăng Nghiêm là viên giáo nói về tánh Phật thường trụ ở khắp pháp giới. Bốn khoa (năm ấm[4] , sáu nhập[5] , 12 xứ[6] , 18 giới[7] ) và bảy đại[8] đều là Như Lai Tạng. Những ý này trong Thanh văn thừa tức thời Phật giáo Nguyên Thủy không có.



Thủ Lăng Nghiêm thuộc năm thừa tức Thủ Lăng Nghiêm cũng thuộc đồng giáo nhất thừa và kiêm cả biệt giáo nhất thừa.



Nhất thừa là đưa về quả vị Phật nhưng đồng giáo tức là đưa tất cả căn cơ về quả vị Phật, nên gọi là đồng giáo nhất thừa. Nhưng kiêm biệt giáo nhất thừa là giáo lý riêng biệt đưa thẳng về quả vị Phật, để thành Phật, bởi vì nói về chơn tâm bản tánh. Những người nào học được giáo lý này mới biết đường trở lại tánh Phật bất động của mình. Và mục đích Thủ Lăng Nghiêm đưa tất cả chúng sanh, tất cả căn cơ đồng thành Phật nên gọi là đồng giáo nhất thừa.



Trước kia tùy theo căn cơ của chúng sanh mà lập giáo pháp, lập ra từng đoàn thể, vì vậy chia ra năm:



1. Đại thừa: căn cơ cao nhất, chuyên học bồ tát thừa thì gọi là bồ tát, mới hứa khả sau này sẽ thành Phật, có khả năng lớn mới hứa thành Phật.

2. Trung thừa: Duyên giác quán sát 12 nhân duyên, phá vỡ một khoen thì 11 khoen khác sẽ tan, sẽ chứng Độc giác. Duyên giác nhất định chỉ đến Bích Chi Phật.

3. Tiểu thừa: các vị xuất gia, học giới luật, tu Tứ niệm xứ chuyển bốn đảo[9] cho đến chứng quả A-la-hán, chuyên học tu để thoát luân hồi sanh tử thành thánh A-la-hán.

4. Thiên thừa: Các vị bình thường nguyện tu sanh về cõi trời. Các vị ấy phải tu thập thiện kiêm thiền định và bố thí. Nếu không có thiền định thì không về cõi trời được. Cõi vô sắc giới (tứ không)[10] , cõi sắc giới (tứ thiền)[11] và các cõi trời thấp nhất như cõi trời dục giới (lục dục thiên)[12] vẫn phải có định. Có định nhưng còn dục thì tái sanh các cõi trời dục giới. Ly dục, còn sắc thì lên cõi trời sắc giới. Ly dục, ly sắc thì được lên cõi trời vô sắc giới.

5. Nhân thừa: giữ năm giới[13] tinh nghiêm thì được làm người, những con người đứng thẳng.


Đây là những quyền tạm. Bây giờ lập thật là ý định thực sự của Phật, là cho ai cũng thành Phật hết, nên gọi là nhất thừa, một cổ xe đưa tất cả về cảnh giới Phật.



Quả vị Phật là riêng cho các Bồ tát, còn tất cả không ai dám hi vọng đến việc mình được thành Phật cả. A-la-hán còn không dám hi vọng huống chi là các nữ nhân, phàm phu chúng ta. Phật là quả riêng của các Bồ tát, cho nên đến bây giờ tới bộ Pháp Hoa, Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật mới khai mở cho chúng sanh hé thấy mình có thể thành Phật được. Trong bộ Pháp Hoa, Đức Phật mới thọ ký cho Xá-lợi-phất, nàng Da-du-đà-la, rồi ngay cả long nữ...; trong Thủ Lăng Nghiêm, Phật mới chỉ ra bốn khoa và thất đại đều là Như lai tạng, bây giờ Đức Phật mới khai ra.



Nhất thừa là xoá đi ranh giới năm. Không phải là năm cái khác nhau, riêng năm con đuờng mà chính là một đường đi mà có năm nấc. Tới đại thừa, Đức Phật mới tuyên bố có con đường ấy, là chính một chứ không phải năm.



Mỗi vị đi một nấc. Nấc một là nhân thừa, nấc hai là thiên thừa, nấc ba là tiểu thừa, nấc bốn là trung thừa và nấc năm là đại thừa. Trọn vẹn năm là đại thừa. Tuy nhiên, vẫn lên nấc một, rồi nấc hai và ba mới thành Phật. Con đường dài mình vẫn phải đi, vì vậy vẫn phải cạo đầu, đắp y, vẫn phải từng nấc một, từ thấp lên cao, chứ không có phải leo thang bỏ nấc đâu, phóng lên cũng không được.
Ý nghĩa chữ nhất thừa và xoá tam lập Phật thừa như vậy, xoá là không phải bỏ đi mà chỉ bỏ ranh giới không có chia thành năm hệ khác nhau, bỏ cố chấp mình là một phe riêng, năm phe riêng, mạnh ai nấy đi, khác nhau mà chính là vẫn một con đường nhưng có năm nấc.



THỦ LĂNG NGHIÊM THUỘC TÔNG NÀO?



Thủ Lăng Nghiêm rút ở bộ Quán Đỉnh Chương Cú là một trong năm bộ kinh lớn của mật tông.



Trên sự thì thuộc mật tông, nhưng lý thì thuộc hiển giáo vì được Đức Phật giảng giải khúc chiết. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có phần đại thần chú Thủ Lăng Nghiêm là mật, những phần còn lại là kinh, là hiển giáo.



KINH THỦ LĂNG NGHIÊM VÀ PHÁP HOA KHÁC NHAU THẾ NÀO?



Kinh Pháp Hoa ra sức khuyến khích lưu thông để ổn định tâm trí kẻ đương cơ và nói toàn công đức của thính chúng hâm mộ sẽ được những cái này, công đức này, phước báu kia để chúng ta vui mừng đón nhận mà phấn chấn thực hành, mình sẽ thành Phật, thành bác sĩ nếu mình muốn; còn trong khi kinh Thủ Lăng Nghiêm thì giảng tỉ mỉ phương pháp tu thế nào để nhận tánh Phật và buông bỏ luân hồi. Còn A-hàm thì thuộc hệ nguyên thủy. Trong 49 năm giáo hoá chúng sanh thì mất 22 năm để giảng Bát Nhã, tức đưa lên Đại thừa khó và lâu dài như thế, tức chuyển giai đoạn từ gốc đến phát triển khó như thế. Bát Nhã được gọi là khúc quanh chuyển giai đoạn, đưa từ một trạng thái này đến một trạng thái kia.



ĐƯƠNG CƠ THỦ LĂNG NGHIÊM: trong kinh Thủ Lăng Nghiêm toàn là các Bồ tát như Văn-thù, Quan-thế-âm, Phổ-hiền, Đại-thế-chí... đứng lên trình bày sự tu chứng sở đắc của mình, nhưng Đức Phật cứ gọi tôn giả A-nan, rồi tôn giả Phú-lâu-na đứng lên hỏi… toàn các vị Thanh-văn làm đương cơ. Các tôn giả này cũng khen pháp Thủ Lăng Nghiêm này chưa từng được nghe, Đức Phật chưa nói bao giờ bây giờ mới nói.



KINH THỦ LĂNG NGHIÊM THUỘC TẠNG NÀO?



Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuộc về tạng kinh nói về định (sa-ma-tha, tam-ma và thiền-na toàn là định cả).



Thủ Lăng Nghiêm thuộc về tạng luật nói về giới Thanh-văn (có những chỉ dạy giữ giới tinh nghiêm như băng sương).



Thủ Lăng Nghiêm cũng thuộc về tạng luận để phán định phân biệt phải, trái, chính, tà tức là phần tuệ.



XUẤT XỨ CỦA KINH THỦ LĂNG NGHIÊM



Kinh này được xem là một gia bảo quý giá của Ấn độ. Ngài Trí Giả đại sư đã đảnh lễ kinh này trong suốt 18 năm để cầu nguyện cho kinh được truyền sang Trung Quốc.



Chúng ta mang ơn Tổ Bát Lặc Mật Đế vào đời Đường, năm thứ I, đã vượt biên qua Ấn độ và đã chép kinh Thủ Lăng Nghiêm trên tấm lụa mỏng, hy sinh xẻ thịt giấu kinh bên trong, giả trang làm vết thương để lọt vòng kiểm soát gắt gao tại biên giới Trung Ấn.



Chúng ta mang ơn Tướng quốc Phòng Dung đã dùng chất hoá học để tẩy máu mủ trong lụa kinh ra và nhuận bút cho bản kinh.



Chúng ta mang ơn sư Du-già Thích-ca, chùa Chế-chỉ đã dịch kinh Thủ Lăng Nghiêm từ Phạn ngữ ra Hán ngữ.



Và chúng ta mang ơn Hòa Thượng Chân-giám (1932) dịch ra Việt văn; Hòa thượng Trí Siêu (1945), cư sĩ Tâm Minh (1961), Tuệ Quang (1962), Hoà thượng Duy lực (1990) và nhiều chư tôn đức nữa đã dịch bản Hán ngữ ra Việt ngữ để ngày nay chúng ta có thể đọc thẳng văn kinh tiếng Việt và có thể hiểu được.



ĐỊNH NGHĨA



Thủ Lăng Nghiêm nói đủ là Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm, là nhục đảnh của đức Thế tôn. Tàu dịch là viên định tự tánh: bản lai tự tánh của mình, tự mình vốn có, bản lai vẫn viên định, không phải do tu mà thành, vốn sẵn như thế. Bản chất và bản tánh của mình vốn định. Động loạn là những thói quen mới huân tập. Chúng ta phải bỏ thói quen này đi, trở về tánh định của mình, định này gọi là viên định, bởi vì tự tánh của mình là bản thể của vạn pháp.



An định vào tánh nghe, nhận được cái định ở khắp pháp giới cho đến chứng quả. Thế là cực quả, đi đến mục đích để thành Phật. Định này là tánh cụ, vốn mình vẫn sẵn đủ, không phải tu tập gì cả.



Viên là tròn đầy, đầy đủ, không thiếu tí nào cả, ở khắp cả, không chỗ nào nó không an định cả, không một lúc nào nó không có, hoàn toàn. Nhận lấy tánh này là nó viên dung, bởi nó là tánh thể của tất cả nên gọi là viên. Từ bầu trời cho đến trong lòng trái đất, trên cạn dưới sâu, ngắn dài rộng hẹp, chỗ nào cũng là diệu chân như tánh. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói bốn khoa, thất đại duy Như lai tạng, bởi vì Như lai tạng là đất, nước, gió, lửa, mà đất, nước, gió, lửa cũng là Như lai tạng cho nên chỉ là Như lai tạng thôi.
Tánh viên định này ở nơi mắt là tánh thấy, nơi tai là nghe, nơi mũi là ngữi, nơi miệng là nếm, nơi thân là xúc và nơi ý là biết. Chúng ta từ sáng đến tối thấy đủ mọi việc, nhỡn thức sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Con mắt có khi cận, khi viễn, khi tốt, khi đau, khi bịnh yếu rồi ngày mai nó cũng tan rã thành không, nhưng tánh thấy của mình, từ trẻ đến già, từ kiếp này sang kiếp khác, không biến đổi, nó vẫn là nó, một tánh viên định.



[1] Phương Đẳng có 9 kinh là: 1/ Kinh Hoa nghiêm 2/ Pháp Hoa 3/ Phương Đẳng 4/ Lăng Già 5/ Bát Nhã 6/ Kim Cang 7/ Di Đà 8/ Giải Thâm Mật 9/ Lăng Nghiêm.

[2] Năm bộ Nikaya như Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng và Tiểu bộ.

[3] Bảy cõi: trời, a-tu-la, tiên, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

[4] Năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

[5] Sáu nhập: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

[6] 12 xứ: 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp).

[7] 18 giới: 6 căn, 6 trần và 6 thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thân thức và ý thức).

[8] 7 đại: địa đại, thủy đại, hoả đại, phong đại, không đại, kiến đại và thức đại.

[9] Bốn đảo:

-Thân bất tịnh cho là tịnh.
-Thọ thì khổ cho là vui.
-Tâm vô thường cho là thường.
-Pháp vô ngã cho là ngã.

[10] Tứ không:

-Trời Không Vô biên xứ
- Trời Thức Vô biên xứ
- Trời Vô sở hữu xứ
- Trời Phi tưởng phi phi trưởng xứ.

[11] Tứ thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

[12] Lục dục thiên:

- Tứ Thiên Vương Thiên
- Đao Lợi Thiên
- Tu Diệm Ma Thiên
- Đâu Suất Đà Thiên
- Lạc Biến Hóa Thiên
- Tha Hóa Tự Tại Thiên.

[13] Năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói láo và không uống rượu.
 

CHƯƠNG IINHÂN DUYÊN NÓI KINH


Khi ấy vua Ba-tư-nặc, nhân ngày kỵ phụ vương, mở tiệc chay mời Phật thọ trai nơi cung điện. Vua sắm đủ các món ăn quý báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Đại Bồ tát. Trong thành lại có các trưởng giả cư sĩ đồng thời cũng trai tăng, chờ Phật đến chứng. Phật khiến ngài Văn-thù chia lãnh các vị Bồ-tát và A-la-hán đi đến các nhà trai chủ.



Duy có tôn giả A-nan trước đã nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Tôn giả về một mình, không có Thượng tọa và A-xà-lê cùng đi và ngày ấy cũng không được ai cúng dường. Lúc bấy giờ, tôn giả cầm bình bát vào trong một thành, trên đường đi, theo thứ lớp khất thực, tâm ngài trước hết cầu được một người tối hậu đàn việt làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho tất cả chúng sanh được viên thành vô lượng công đức. Tôn giả A-nan đã biết đức Thế-tôn quở tôn giả Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công bằng. Tôn giả kính vâng lời dạy vô giá của Phật độ thoát mọi điều chê bai nghi hoặc. Ngài đến bên thành, thong thả vào cửa, uy nghi nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai.



Trong khi khất thực, tôn giả đi ngang qua nhà người dâm nữ Ma-đăng-già bị phép huyễn thuật. Nàng ấy dùng tà chú Tiên Phạm thiên đạo Sa-tỳ-ca-la bắt vào phòng riêng dựa kề vuốt ve làm cho tôn giả A-nan gần phá giới thể.



Đức Như-lai biết A-nan mắc phải dâm thuật, nên dùng trai rồi, liền trở về tịnh xá. Vua cùng đại thần, trưởng giả cư sĩ đều đi theo Phật, mong nghe những pháp chủ yếu của đạo Phật.



Khi ấy trên đỉnh đức Thế Tôn phóng hào quang bách bảo vô úy, trong hào quang hiện ra toà sen báu nghìn cánh, có hoá thân của Phật kiết già ngồi trên, tuyên đọc thần chú, khiến ngài Văn-thù đem chú này đến giúp đỡ, tiêu diệt tà chú, đưa A-nan cùng Ma-đăng-già đều đến chỗ Phật ở. [1]



Nhân duyên chúng ta có kinh Thủ Lăng Nghiêm để học là do có một chuyện xảy ra với tôn giả A-nan.



Tôn giả A-nan là anh em họ với Phật. Thân phụ của thái tử Sĩ-đạt-đa là Tịnh Phạn vương, còn thân phụ của A-nan là Bạch Phạn vương (bào đệ của Tịnh Phạn vương). Đề-bà-đạt-đa là hiền huynh của A-nan. Sau khi xuất gia, tôn giả A-nan, một trong thập đại đệ tử của Phật, trở thành thị giả thân tín của Phật và được mệnh danh là bậc đa văn đệ nhất, có thể ghi nhớ những lời dạy của Phật chính xác như in. Sau khi Đức Phật nhập diệt, chúng ta nhờ Tôn giả rất nhiều trong việc kết tập kinh điển, nói ra hàng trăm bài pháp mà Đức Phật đã giảng nhiều nơi với nhiều thời điểm. Phật tử cũng rất thích nghe A-nan giảng pháp vì tôn giả vừa trẻ trung, rất hảo tướng và thuyết pháp rất trôi chảy lưu loát.



Các tổ có bài kệ tán thán tôn giả A-nan như sau:

Tướng như thu mãn nguyệt
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A-nan tâm.


Nghĩa là:


Tướng như trăng thu đầy
Mắt biếc tợ sen xanh
Phật pháp rộng như bể
Đều rót vào tâm A-nan. [2]


Một ngày kia, tôn giả A-nan có phật sự xa về trễ, Đức Phật và chư tăng đã đi hoá trai ở cung vua Ba-tư-nặc. Sợ trễ giờ độ ngọ, nên tôn giả phải đi khất thực một mình.



Tâm ngài trước hết cầu được một người tối hậu đàn việt làm trai chủ, không kể sang hèn, phát tâm làm sao cho tất cả chúng sanh được viên thành công đức nghĩa là người nào mà chưa tu, chưa biết Phật pháp, chưa có phước, tôn giả A-Nan muốn mở đường phước đức cho họ, đến đó thọ trai.



Ngài thong thả vào cửa, uy nghi nghiêm chỉnh, kính giữ phép hóa trai: thong thả vào cửa thành, từ bộ quách môn, túc cung trai pháp tức tôn giả từng bước rất từ hoà, khoan thai điềm tĩnh, an hoà mà bước vào thành khất thực.



Đức Thế-tôn quở tôn giả Tu-bồ-đề và Đại Ca-diếp làm A-la-hán mà tâm không công bằng: tôn giả Tu-bồ-đề chuyên đi khất thực nhà giàu trong khi tôn giả Đại Ca-diếp chuyên đi khất thực nhà nghèo. Bởi ngài Ca-diếp cho rằng nghèo là bởi vì người ta kém phước, nên tạo phước cho họ. Họ chỉ cần phát tâm muốn cúng đường tức là đã bán cái nghèo và đã trở thành giàu rồi. Chỉ cần phát tâm hổ thẹn là bán cái thiếu hụt về quần áo che thân mà tạo phước có quần áo ăn mặc đầy đủ rồi. Vì vậy ngài Ca diếp chuyên đi khất thực nhà nghèo.



Ngài Tu-bồ-đề do định lực mạnh và do phép quán tưởng về tánh không mạnh nên lúc ngài vừa lọt lòng, ông bà thân sinh và cả nhà thấy trong phòng trống rỗng, của cải đồ đạc biến mất. Còn ngài Xá lợi phất cũng thế. Sức trí tuệ của ngài đã ảnh hưởng mạnh nên khi ngài còn nằm trong bào thai, đã khiến thân mẫu trở nên ăn nói lưu loát, biện luận khúc chiết mọi triết lý trên đời. Riêng thái tử A-xà-thế tâm ác mạnh nên khi hoàng hậu Vi-đề-hy mang thai khiến bà thèm khát hút máu phu quân khi ốm nghén. Tất cả đây đều là do từ trường của tâm phát ra hay tinh thần thế nào thì có sự ảnh hưởng xung quanh thế ấy.



Do sức quán tưởng mạnh và lòng ngài rỗng rang buông xả không vướng mắc, nên tôn giả Tu-bồ-đề không ngại lời đàm tiếu rằng ngài chỉ thích đi khất thực nhà giàu. Vì ngài nghĩ rằng nếu nhà giàu có cúng dường bố thí thì cũng không ảnh hưởng miếng ăn của họ, nên mặc người phàm đàm tiếu cho rằng ngài thích ăn đồ ngon, nên lựa khu sang trọng mà đi khất thực, ngài vẫn đều hoá độ nhóm nhà giàu.



Tôn giả A-nan nhớ hai đại sư huynh đều bị Phật quở cả. Đức Phật thì bình đẳng không phân biệt sang hèn gì cả, ai cúng thì ngài thuyết pháp độ họ.



Mỗi ngày vào lúc bình minh, Đức Phật thiền tọa và rải từ bi quán đến mười phương và sau đó dùng dùng tuệ nhãn quán xem chúng sanh ở hướng nào, làng nào thời tiết đã đến, cần ngài đến hoá độ thì Đức Phật sẽ từ tốn, oai nghi thanh thoát, siêu phàm đi khất thực về hướng đó để khất thực.



Nghe Đức Phật quở trách hai đại sư huynh là tôn giả Ca-diếp và Tu-bồ-đề là tâm không bình đẳng khất thực, nên A-nan khởi tâm đến hoá độ ở khu vực nào mà họ ít biết phát tâm, bất kể họ giàu nghèo hay thuộc loại người nào, ngài không phân biệt gì cả. Do đó, tôn giả đi ngang qua nhà kỹ nữ Ma-đăng-già và bị nàng dùng chú Phạm thiên thôi miên tôn giả để đưa vào phòng thỏa mãn dục tính.



Một bề học rộng nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực: nghĩa là tôn giả A-nan không có khả năng tự chủ, đưa đến mất chánh niệm trước sắc đẹp tuyệt vời của kỹ nữ.



Đức Phật cùng chư tăng đang thọ trai tại cung vua Ba-tư-nặc. Với thiên nhãn, Phật biết A-nan đang sắp bị nạn Ma-đăng-già và gần phá giới thể nên Đức Phật bảo tôn giả Văn-thù đem thần chú Thủ Lăng nghiêm đến cứu A-nan. Từ trên đỉnh đầu Phật biến ra hóa thân Phật tuyên đọc thần chú.



Có hoá thân của Phật kiết già ngồi trên thiền tọa, tuyên đọc thần chú: nói hoá thân tức là từ pháp thân hoá hiện. Đây là diệu dụng của pháp thân mà pháp thân thì khắp 10 phương suốt ba đời là thân giáo, tức thần chú có hữu hiệu khắp tất cả 10 phương ba đời chứ không phải chỉ từ miệng đức Phật Thích Ca nói. Nếu nói do chính từ Phật Thích Ca nói thì sợ kẹt vào tính địa phương (địa danh là tại thành vua Ba-tư-nặc) cho rằng thần chú nói ở đó mới hữu nghiệm hoặc thần chú chỉ hữu dụng, cần thiết cho thời gian lúc đó thôi tức cách đây 26 thế kỷ, chứ bây giờ hay lúc khác thì không hữu hiệu. Thế nên, thần chú phải từ pháp thân nói với ý nghĩa cho suốt cả ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai) và ở mười phương (đông, tây, nam, bắc, đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, trên và dưới) đều linh ứng.



Tôn giả A-nan thấy Phật, đảnh lễ khóc lóc, giận mình từ vô thủy đến nay, một bề học rộng nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực, tha thiết xin Phật dạy cho những phép sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, là những phương tiện tu hành đầu tiên để thành đạo bồ-đề của thập phương Như-lai. Lúc ấy, lại có hằng hà sa Đại Bồ-tát, Đại A-la-hán và Bích-chi Phật, từ mười phương đến, thảy đều mong nghe Phật dạy, lui về chỗ ngồi, yên lặng lãnh thọ thánh chỉ của Phật. [3]



A-nan thấy Phật tủi khóc và xin ngài chỉ dạy pháp Sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na, là những phương tiện tu hành đầu tiên để thành đạo bồ-đề của thập phương Như-lai. Vì lý do đó, Đức Phật mới thuyết giảng về Sa-ma-tha, tam-ma, thiền-na tức là nội dung của kinh Thủ Lăng Nghiêm.



1. Sa-ma-tha (chỉ): vi mật quán chiếu, an định tinh thần để xét tâm hiện tại của mình đâu là chơn, đâu là vọng. Tức phần này là chúng ta phải hiểu về lý thuyết phân biệt rõ ràng giữa chơn và vọng, căn bản bồ đề và căn bản sanh tử.

2. Tam-ma (định): thực hành trở về phần chân, căn bản bồ đề.

3. Thiền-na (huệ): ứng dụng chân ngay vọng, bồ đề ngay sanh tử. Chân tức là vọng, vọng tức là chân. Hậu đắc trí hiển hiện sau khi có căn bản trí. Đây là pháp chuyển y của Như lai: chuyển phiền não thành Bồ đề, chuyển sanh tử thành Niết bà của Như Lai.

[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh biên dịch, NXB Tp HCM, 1999, tr. 31-3.

[2] Thập đại đệ tử Phật, Eastwest Printing, 1999, tr. 98.

[3] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 33.



Chương III
GẠN HỎI CÁI TÂM


Phật bảo A Nan: “Tôi với thầy đồng phái, tình như anh em ruột; lúc thầy mới phát tâm thì ở trong Phật pháp, thấy những tướng tốt gì mà bỏ được những ân ái sâu nặng thế gian?”



A Nan bạch Phật: “Con thấy 32 tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra. Vì sao? Giống dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên con ước mong cắt tóc theo Phật tu học”.



Phật dạy: “Hay thay, A Nan, nên biết hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn, đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi. Nay thầy muốn học đạo vô thượng Bồ đề, phát minh chân tính thì nên lấy tâm ngay thẳng mà đáp lại những câu hỏi của tôi. Thập phương Như Lai đều do một đường thoát ly sinh tử là dùng tâm ngay thẳng. Tâm mà nói là ngay thẳng thì cứ như vậy, từ địa vị đầu đến địa vị cuối cùng, chặng giữa, hẳn không có những tướng quanh co”.



A Nan, nay tôi hỏi: “Đương khi thầy do 32 tướng của Như Lai mà phát tâm thì thầy đem cái gì mà thấy và cái gì ưa muốn?”



A Nan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, ưa muốn như vậy là dùng cái tâm và con mắt của con. Do mắt thấy tướng tốt Như Lai, tâm sinh ưa muốn nên con phát tâm muốn tu hành thoát khỏi sống chết”.



Phật bảo A Nan: “Như lời thầy nói: Thật do tâm và con mắt mà nó ưa muốn. Nếu không biết tâm và con mắt ở đâu thì không thể hàng phục được trần lao; ví như vua một nước bị giặc xâm lấn, phát binh đánh dẹp, thì binh ấy cần biết giặc ở chỗ nào mới đánh dẹp được. Hiện thầy còn mắc phải luân hồi là lỗi tại tâm và con mắt. Nay tôi hỏi: “Tâm và con mắt ấy hiện ở chỗ nào ?” [1]



Ta thấy Đức Phật rất tâm lý. Ngài nâng dắt cho A-nan đỡ tủi thân, có chỗ tin cậy, nương tựa, không có lo sợ, âu sầu, xấu hổ về lỗi của mình nên nói rằng Tôi với thầy đồng phái, tình như anh em ruột: Đức Phật tỏ ra thân mật, an ủi thương xót, chúng ta là đồng khí huyết như anh em ruột để A-nan yên lòng. Rồi ngài mới bắt đầu hỏi để chỉ cho A-nan thấy cái gì khiến A-nan luân chuyển? Nguyên nhân gì khiến A-nan bỏ cung điện để trở thành bậc sa-môn như thế này.



Hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn: trong cuốn sách ‘Vòng Luân Hồi’ mục Danh và Sắc[2] vẽ hình người lái đò đang lái thuyền trên dòng sông sanh tử. Người lái đò là tâm, thuyền là thân, dòng sông sanh tử là mang hết thân này đến thân khác triền miên từ vô thủy đến nay sống chết nối luôn là do anh lái đò chỉ huy lèo lái, tức do tâm của mình. Thế nên, mục đầu tiên ở đây là Đức Phật gạn hỏi về cái tâm. Do tâm gì mà A-nan luân chuyển thành Sa-môn và do tâm gì mà sanh lòng ái luyến cô Ma-đăng-già?



Thập phương Như Lai đều do một đường thoát ly sinh tử là dùng tâm ngay thẳng: vì giả dối quanh co là tướng của mê muội tối tăm.



Đức Phật ra đời cốt chỉ cho chúng ta một con đường thoát, một con đường cứu khổ chúng sanh, thoát khổ luân hồi. Vì luân hồi mà có thân sanh và chết. Nay làm phước được sanh lên cõi trời, người; mai làm tội lại rớt vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh. Hễ thiện thì thăng lên, nhưng rồi ác thì đọa và đi xuống. Sanh tử luân hồi là gốc của tất cả biển khổ, biển trầm luân.
Muốn thoát khổ thì phải tìm gốc của khổ, như muốn giết giặc thì phải biết sào huyệt của giặc; như muốn thường trụ an vui thì phải gieo nhân thường trụ an vui. Thế cho nên phải tìm gốc, tìm nguyên nhân vì sao chúng ta lại luân hồi sanh tử và vì sao mà Đức Phật lại được thường trụ an vui?



Trước khi đưa A-nan vào chánh pháp, Đức Phật muốn A-nan nhận ra chỗ hiểu của A-nan là đúng hay sai? Nên ngài vặn hỏi câu này câu kia, để A-nan thấy bịnh của mình. Bây giờ A-nan xin cầu pháp giải thoát luân hồi sanh tử? Thế thì Đức Phật hỏi vì sao A-nan đang bị luân hồi ngay trong đời hiện tại này?



Vì sao A-nan đang là một vị hoàng tử hưởng đầy phúc báo của loài người, được cung phụng hầu hạ, ăn đầy những món cao lương mỹ vị, lên xe xuống ngựa, sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, đi dép vàng, ngồi ngai vàng, ngủ cũng giường vàng mà bỗng nhiên phát tâm trở thành sa-môn đi chân đất, ngày mỗi bữa phải cầm bình bát đi khất thực ăn xin (đối với thế gian, nhất là hoàng gia mà đi ăn xin khất thực là một điều nhục nhã lắm mà A-nan đã làm được). Đó là hai cuộc đời chuyển đổi. Chính A-nan đang luân hồi trong hiện tại. Luân hồi nghĩa là luân chuyển từ trạng thái sang trạng thái khác hay từ hình tướng này sang hình tướng khác. Thế cho nên phải tìm nguyên do ngay trong giờ phút hiện tại này.



Và xem cái luân chuyển kế tiếp là gì? sẽ hoàn tục vì yêu thích nàng Ma-đăng-già? Bởi lẽ nếu không có đại thần chú Thủ Lăng nghiêm yểm trợ thì tôn giả A-nan sẽ dễ dàng đánh mất chánh niệm.



Câu hỏi thứ nhất Đức Phật hỏi vì sao luân chuyển xuất gia như thế? Tôn giả trả lời nhanh gọn, thẳng thắn và minh bạch rằng: Con thấy 32 tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra. Vì sao? Giống dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên con ước mong cắt tóc theo Phật tu học.



Nghĩa là nguyên nhân là do Tôn giả A-nan gặp cảnh trần, sáu căn thấy sáu trần nên tâm động. Gặp Phật chuyển về thiện nên đi đường thiện, thế phát xuất gia. Gặp nàng Ma-đăng-già chuyển về đường ái nhiễm nên đi đường sa ngã, suýt nữa đánh mất chánh niệm. Thế nên ngay một câu trả lời của A-nan đã minh bạch con đường luân hồi của tôn giả đã chấm dứt.



Muốn giết giặc thì phải biết giặc ở chỗ nào, muốn biết vì sao A-nan luân chuyển giữa thiện ác, giữa hai cuộc đời thì phải biết cái tâm đó ở đâu, nên Đức Phật hỏi A-nan mắt thấy 32 tướng tốt của Phật, sinh tâm khát ngưỡng và tâm yêu thích vẻ mỹ miều xinh đẹp của nàng Ma-đăng-già ấy, vậy tâm và con mắt ấy ở đâu?



A-nan trải qua bảy lần tìm tâm như sau:



1. Chấp tâm trong thân: A-nan bảo mười loài chúng sanh đều biết tâm yêu thích tức tim và tâm chúng con (my heart, mind) rõ ràng là nó nằm trong thân.



Phật nói tâm đó biết đủ thứ trên trời dưới biển, chuyện người này người kia, nếu nó nằm trong thân thì nó phải biết, phải thấy được ruột gan, bao tử, phèo phổi, tim gan của A-nan trước khi thấy bên ngoài chứ? Nếu nó không thấy được như thế thì ý nghĩa cho rằng tâm bên trong, không thể thành lập được.



2. Chấp tâm ngoài thân: vậy chắc tâm con nằm ở ngoài, vì không thấy bên trong mà lại biết bên ngoài, cũng giống như đèn thắp sáng bên ngoài, thì trong phòng sao thấy được. Như tâm ở ngoài nên biết đủ chuyện trên trời dưới biển, khắp thế giới, nhưng không ở bên trong nên không thấy ở trong ruột gan được.



Phật bảo nếu nó ở ngoài thân thì nó có liên quan gì đến A-nan, chẳng khác nào thân người này mà tâm người khác, như một người ăn cơm mà người khác no giùm.



3. Chấp tâm núp sau con mắt: Không thấy bên trong ruột gan vì tâm không ở trong thân mà lại thấy bên ngoài, vậy tâm hay biết của con chắc núp sau con mắt như người lấy cái ly úp lên mắt, mắt thấy thì phân biệt được liền, không bị ngăn ngại. Phật bảo nếu vậy thì tâm phải thấy con mắt trước khi thấy cảnh vật, cũng giống như mắt thấy cái ly chụp nơi con mắt trước khi thấy cảnh sắc bên ngoài. Nên nghĩa này cũng không thành lập được.



4. Nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong thân: A-nan lại nghĩ phủ tạng ở trong, khiếu huyệt bên ngoài. Có tạng thì tối, có khiếu thì sáng, nên con nghĩ rằng mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong, không biết nghĩa ấy thế nào, cầu Phật từ bi thương xót chỉ dạy.



Phật bảo nếu nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, vậy ban đêm không đèn thì những gì trong phòng tối đó đều là tam tiêu[3] lục phủ[4] của A-nan sao? Và nếu mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, vậy mở mắt sao không thấy cái mặt A-nan trước khi thấy cảnh sắc bên ngoài?



5. Chấp tâm hợp với chỗ nào thì liền có ở chỗ ấy: A-nan thưa: con thường nghe Phật dạy do tâm sanh nên các pháp sanh; do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, như vậy thì hễ hợp chỗ nào thì tâm liền có chỗ đó.



Phật bảo cái tâm ấy nếu không có tự thể thì không thể hợp được. Còn nếu có tự thể thì khi A-nan gãi đầu, cái tâm biết gãi đó từ trong thân ra hay từ bên ngoài thân vào? Nếu từ trong thân ra thì phải thấy bên trong. Nếu từ bên ngoài thân vào thì trước hết phải thấy cái mặt. Đức Phật nói tiếp: Tâm hay biết đó có một thể hay nhiều thể? Nếu một thể thì khi gãi cả tứ chi đều biết. Nếu cả tứ chi đều biết thì không biết gãi ở chỗ nào. Còn nếu nhiều thể thì nhiều người, cái nào là thể của A-nan?



6. Tâm ở chặng giữa: A-nan lại thưa: con hay nghe Phật nói thật tướng với các vị Pháp vương tử như ngài Văn thù rằng: tâm không ở trong cũng không ở ngoài, con nghĩ chắc nó ở giữa căn và trần.



Phật bảo ở giữa thì giữa cái nào? nếu không nêu ra được thì không gọi là giữa mà nêu ra được thì không nhất định là giữa, ví như cắm cái cọc làm giữa. Người ở phương đông trông qua, thì cái cọc lại ở phương tây. Còn phương nam nhìn qua thì cọc ở phương bắc.



Nếu tâm ở giữa căn và trần thì gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên? Nếu gồm hai bên thì ngoại vật và tâm thể xen lộn lấy gì làm tâm. Ngoại vật thì không biết, tâm thì biết lấy gì làm chính giữa?



7. Chấp tâm không dính dáng vào đâu tất cả: Thưa Thế tôn, con cũng nghe Thế tôn chuyển pháp luân với bốn vị đại đệ tử là Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất rằng cái tính hay biết của tâm cũng chẳng ở trong, cũng chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở chặng giữa, chẳng ở chỗ nào cả, không dính dáng vào đâu cả thì gọi là tâm.



Phật hỏi: vậy những vật mà tâm không dính dáng đó là có hay không có? Nếu không thì như lông rùa sừng thỏ lấy gì mà không dính dáng. Còn nếu có tướng thì có chỗ ở là biết rồi, làm sao lại không dính dáng được. Thế cho nên cho rằng cái không dính dáng vào đâu cả là tâm của A-nan, điều này không thành lập được.



Tóm lại, bảy lần tìm tâm đều bị Phật bác là không phải tâm của A-nan. A-nan và đại chúng rất kinh hãi, nếu không phải tâm vậy tâm hay biết đó nó là cái gì? Chúng ta quen nương tựa vào một cái gì đó. Tánh nương tựa đó thành thói quen thành nghiệp. Tìm tâm cũng thế, chúng ta phải nương một danh từ một cái gì đó vào tâm mình và cho đó là tâm của mình, nhưng nay đều bị Đức Phật bác bỏ cái đó rõ ràng không phải là tâm của chúng ta. A-nan và đại chúng thật kinh sợ nên bạch xin Phật chỉ dạy tiếp.



[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 35-7.
Từ đoạn này trở đi, tác giả xin phép đổi các đại từ nhân xưng trong văn dịch của ĐH. Tâm Minh:‘tôi’, ‘ông’ thành ‘tôi’, ‘thầy’, ‘con’.
[2] TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, NXB Phương Đông, 2008, tr. 88.
[3] Tam tiêu:
-Thượng tiêu (ngăn trên): chứa tim, gan, phổi
-Trung tiêu (ngăn giữa): chứa bao tử, là lách, ruột non.
-Hạ tiêu (ngăn dưới): chứa bọng đái, ruột già.
(Tự điển Việt Nam, Trần văn Đức, Khai trí, 1970, trang 1344).
[4] Lục phủ: tam tiêu, bao tử, gan, bong bóng, ruột non và ruột già.
(Tự điển Việt Nam, Trần văn Đức, Khai trí, 1970, trang 847).


Tam tiêu thông suốt, không trì trì giúp cho lục phủ lưu thông. Lục phủ có nhiệm vụ thâu nạp thức ăn, tiêu hoá, bài tiết được thuận lợi, cơ năng sinh sản có sức tiếp, giữ vừng trạng thái bình thường của cơ thể tức là âm dương thân bằng, cơ thể khoẻ mạnh.



Thích Nữ Giới Hương

Còn nữa...


Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp