Một thời, Tôn giả Anuruddha trú ở Sàvatthi. Tại đây Tôn giả gọi các Tỷ kheo:
Này chư Hiền, vì như sông Hằng chảy về hướng Đông xuôi về hướng Đông. Rồi một số đông quần chúng đến và nói: Chúng ta dẽ làm cho sông Hằng chảy về hướng Tây. Thưa chư Hiền, chư Hiền nghĩ sao, số đông quần chúng ấy có thể làm cho sông Hằng chảy về hướng Tây không?
Thưa không, Hiền giả, vì không dễ gì khiến cho sông Hằng chảy về hướng Tây được. Và quần chúng ấy chỉ mệt nhọc và tổn não mà thôi.
Cũng vậy, này chư Hiền, Tỷ kheo tu tập Tứ niệm xứ, làm cho sung mãn Tứ niệm xứ. Dù cho vua chúa hay đại thần, thân hữu hay bà con có thể đến dâng tài vật và mời gọi: Hãy đến, này người tốt kia, sao lại đi biểu diễn với đầu trọc và bình bát ? Hãy hoàn tục, thọ hưởng các tài vật và làm phước đức!
Thưa chư Hiền, Tỷ kheo ấy được tu tập Tứ niệm xứ, được làm cho sung mãn Tứ niệm xứ thì không thể từ bỏ giới trở lui hoàn tục. Vì sao ? Này chư Hiền, vì tâm người ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly.
Và thế nào là tu tập Tứ Niệm xứ? Này chư Hiền, Tỷ kheo trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 8, phẩm Độc cư, phần Nhà bằng cây Sàla [lược], NXB Tôn Giáo 2002, tr.450
)
LỜI BÀN:
Thiến quán là cốt tủy của các phương thức tu tập thiền định của Phật giáo. Thế Tôn trở thành bậc Giác Ngộ cũng xuất phát từ 49 ngày đêm thiền quán dưới cội Bồ đề. Và Tứ niệm xứ là một trong những nội dung quan trọng của thiền quán. Chính Thế Tôn đã khẳng định, một người tu tập viên mãn Tứ niệm xứ chỉ trong một tuần cũng có thể thành tựu giải thoát và đây là con đường duy nhất giúp chúng sanh vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn.
Có thể nói, Tứ niệm xứ là cột sống nâng đỡ thân thể sự nghiệp xuất gia. Nội dung các pháp môn tu tập, dù đốn hay tiệm đều có mặt của những chất liệu Tứ niệm xứ. Niệm thân, tho, tâm, pháp có công năng làm cho tâm xuôi về viễn ly, hướng về viễn ly như sông Hằng vốn xuôi về hướng Đông, không thể khác được.
Vì thế, trong cơn lốc cám dỗ vật chất của đời sống hiện đại, Tứ niệm xứ là một trong những thành lũy kiên cố và vững chãi nhất mà người tu cần phải nương tựa. Thực ra, người tu không ngại duyên trần mà chỉ lo nội tâm có vững vàng, chánh niệm hay không ? Cuộc đời dẫu có mời gọi nhưng nếu nội tâm thanh tịnh, an trú Tứ niệm xứ, hướng về viễn ly thì hành giả vẫn an nhiên, tự tại.
Để vượt qua dòng sông đời sanh tử với bọt bèo lợi danh đã có chiếc bè Từ niệm xứ. Thế Tôn đã cho chúng ta chiếc bè, vượt sông đời qua đến bờ kia hay chìm nghỉm giữa dòng là trách nhiệm của chúng ta.
Quảng Tánh (Theo Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya)