13:07 30/03/2011
Vua Trần Thái Tông 'thoáng' trong chuyện vợ chồng?
Cứ ngỡ giành được thiên hạ về tay họ Trần là nhờ vào cuộc hôn nhân với công chúa nhà Lý, vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) sẽ không phụ vợ... Song, ở đời mấy ai học được chữ ngờ, Chiêu Hoàng vẫn bị truất ngôi Hoàng hậu.
Cứ ngỡ giành được thiên hạ về tay họ Trần là nhờ vào cuộc hôn nhân với công chúa nhà Lý, vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) sẽ không phụ vợ... Song, ở đời mấy ai học được chữ ngờ, Chiêu Hoàng vẫn bị truất ngôi Hoàng hậu.
Để thưởng công cứu giá của Lê Phụ Trần, ngoài chức Ngự sử đại phu, nhà vua còn "hào phóng" gả luôn vợ cũ Chiêu Hoàng cho người đã liều chết che tên cho mình. Vậy xem ra, với ông vua khai mở vương triều Trần này, vợ là "một cái gì đó" có thể lấy về hoặc cho đi một cách khá... thoải mái.
Hoán đổi vợ với anh ruột
Vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng lên ngôi năm 1224. Trần Cảnh hầu cận được vua yêu, dù là tình yêu con trẻ. Hai người kết hôn khi mới 8 tuổi. Năm 1225, vua bà Lý Chiêu Hoàng trút bỏ hoàng bào, xuống chiếu truyền ngôi cho chồng. Chiếu truyền ngôi có đoạn viết: “… nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất vẹn toàn, thực là thể cách hiền nhân quân tử, uy nghi chễm chệ, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao tổ, Đường Thái Tôn cũng không hơn được, sớm tối nghĩ kỹ, xét nghiệm từ lâu, nên nhường ngôi báu, để thuận long trời, để không phụ long trẫm…”.
Lê Phụ Trần và Lý Chiêu Hoàng có người con trai tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng, Lê Tông sau được ban quốc tính và đổi tên là Trần Bình Trọng. Trần Bình Trọng còn có người em gái tên là Ngọc Khuê được phong làm Ưng Thụy công chúa.
Trần Bình Trọng lớn lên rất giỏi võ nghệ. Chiêu Thánh đã xin với Trần Nhật Duật cho em gái ông về làm con dâu mình. Cô gái ấy là Thụy Bảo công chúa. Hai vợ chồng Trần Bình Trọng và Thụy Bảo sinh ra Chiêu Hiền, được tuyển làm vợ vua Trần Anh Tông nhưng Chiêu Thánh không được chứng kiến. Bà mất thọ 60 tuổi, khi Trần Bình Trọng 17 tuổi (1278), nên không được biết tấm gương trung nghĩa của con mình trong trận đánh lịch sử với quân Nguyên năm 1285.
|
Tưởng rằng “gái có công thì chồng không phụ”, sống với nhau được 12 năm, Chiêu Thánh 19 tuổi bị cho là không có con, lập tức bị truất ngôi hoàng hậu; còn Trần Thái Tông lấy – đúng ra là cướp Thuận Thiên công chúa – vợ của anh trai Trần Liễu, đồng thời là chị gái Chiêu Thánh (đều do Trần Thủ Độ sắp đặt).
Tượng vua Trần Thái Tông
Sách Đại Việt sử kí toàn thư có chép một câu chuyện xảy ra vào năm Đinh Dậu (1287) như sau: “Bấy giờ, Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đã có thai Quốc Khang được ba tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực (nguyên hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, sau gả cho Trần Thủ Độ) bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau. Vì thế, Liễu hợp quân ra sông Cái làm loạn. Vua lấy làm áy náy trong lòng, ban đêm ra khỏi kinh thành, chạy đến chỗ quốc sư Phù Vân là bạn cũ, trên núi Yên Tử rồi ở luôn tại đó. Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quân đến mời vua trở về kinh sư. Vua nói: Trẫm vì non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy nên không dám giữ ngôi vua, sợ làm nhục đến xã tắc. Thủ Độ cố nài xin nhiều lần vẫn chưa được, mới bảo với mọi người rằng: Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó. Nói rồi, cắm nêu trong núi, chì chỗ này là điện thiên An, chỗ kia là Đoan Minh Các, sai người xây dựng…”
Vua Trần Thái Tông trở về kinh đô. Được hai tuần, Trần Liễu tự lượng thế cô khó lòng địch nổi, bèn ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đi đánh cá để đến chỗ Vua xin hàng. Vua lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang (nay là đất hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) để cấp cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân tên đất được phong mà Liễu có tên hiệu là An Sinh Vương.
Phan Phu Tiên nói: “Tam cương ngũ thường là luân lí lớn của loài người. Thái Tông là ông vua khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc để truyền lại cho đời sau, lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ của anh làm hoàng hậu, chẳng phải là bỏ cả luân thường, mở lối dâm loạn đó ư? Liễu từ đó sinh ra hiềm khích, cả gan làm loạn, ấy là bởi Thái Tông nuôi nên tội ác cho Liễu vậy”. Trong khi đó, Sử thần Ngô Sĩ Liên lại viết: “Thái Tông mạo nhận con của anh làm con mình. Sau này Dụ Tông và Hiến Từ (hoàng hậu) đều cho (Dương) Nhật Lễ làm con của Cung Túc vương, đến nỗi cơ nghiệp nhà Trần xuýt nữa sụp đổ, há chẳng phải là không có ngọn nguồn của nó hay sao?”
Định công ban tước bằng vợ cũ
Trần Thái Tông đã tìm những lời tha thiết dịu dàng để khuyên vợ cũ. Vua vẫn gọi Chiêu Thánh là “ái khanh”. Vua nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thiếu thời và không quên nhắc lại công lao của bà - đã hy sinh vì cơ nghiệp của nhà Trần, vì quyền lợi của Trần Thái Tông. Dù cho số phận không cho hai người hạnh phúc bên nhau, song nhà vua phải có bổn phận với bà. Người mà vua muốn bà kết duyên cũng là người có công bảo vệ nhà vua, đó là tướng Lê Phụ Trần.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, tháng giêng ngày mồng một (tức năm Mậu Ngọ, 1258), Vua ngự ra chính điện, trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ. Vua định công ban tước (như sau): cho Lê Phụ Trần làm ngự sử đại phu, lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: Trẫm không có khanh thì đâu lại có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để mãi được trọn vẹn”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây một lần nữa”. Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần cũng ghi: “Hậu thế chẳng ai dám trách Lê Phụ Trần, chỉ tiếc cho vua Trần, rằng khen sao hay vậy mà thưởng sao lạ vậy. Trong đạo vợ chồng, Thái Tông chi mà bạc, bạc đến vậy, chi mà tệ, tệ đến vậy!”
Theo Vĩnh Khang/baodatviet.vn