đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

17:09 25/10/2017

Đọc sách “Thiền Tông Qua Bờ Kia” của Nguyên Giác

(TG&DT) - Đây là cuốn sách không thể thiếu vắng trong các giảng đường hay tu viện Phật Giáo. Sách không bày bán ở các tiệm. Muốn có sách xin quý vị vào: amazon.com:books rồi đánh máy tiếng Việt không dấu: nguyen giac hoặc thien tong qua bo kia. Quý vị sẽ có một cuốn sách quý để đọc hay món quà tinh thần để tặng bạn bè.
Vỏn vẹn 5 tháng sau khi cho ra mắt cuốn “Thiền Tập Trong Đời Thường” do Ananda Viet Foundation xuất bản, Nguyên Giác lại cho ra đời tác phẩm mới nhất “Thiền Tông Qua Bờ Kia” đã được Cư Sĩ Tâm Diệu – giám đốc điều hành Ananda Viet Foundation cũng là nhà xuất bản ca ngợi như sau, “Điều chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn sách này trình bày rõ ràng nhiều điểm giống nhau rất cơ bản giữa tất cả các trường phái và tông phái Phật Giáo. Chúng tôi xin chúc mừng Cư Sĩ Nguyên Giác về tác phẩm này với công trình khảo sát và dịch thuật rất cẩn trọng của ông. Chúng tôi cũng ước mong độc giả sẽ tìm được lời hướng dẫn và nguồn cảm hứng để chọn cho mình một pháp hành (phương pháp hay môn để thực tập). Vì chỉ có pháp hành (thực tập) mới giúp cho hành giả chúng ta an trú tâm và an tịnh nội tâm.”

Sách dày 345 trang, ấn loát mỹ thuật bao gồm 28 đề tài. Tôi không phải là nhà nghiên cứu về Thiền cho nên không dám bình luận mà chỉ trình bày từng chương, xem trong mỗi chương tác giả nói gì. Theo ý tôi, qua cuốn sách “Thiền Tông Qua Bờ Kia” tác giả muốn nói, qua hành Thiền chứ không phải nghiên cứu về Thiền, nhờ Thiền mà “từ bờ mê qua bờ giác ngộ”, “từ phiền não mà chuyển thành bồ đề”, “từ bờ tử sinh sang bờ giải thoát”, “từ lo sợ, buồn nản, chán đời mà tìm được tự tin, an vui”. Và tôi cũng rất tâm đắc với nhận xét của tác giả khi trích dẫn lời dạy của Ngài Tông Diễn “Hữu-Vô Câu Bất Lập” (Hữu và Vô đều không tựa vào). Đúng là “Vài chữ này đủ để giải thoát”.

Dưới đây là tuần tự của 28 chương:

1)Một Nhà Nước Tỉnh Thức:
            
Trong chương này tác giả cho biết đã có 60 dân biểu Quốc Hội Anh tập Thiền và ngồi Thiền trong một phút đồng hồ. Còn các công chức Anh, giáo viên, cai tù, y tá cũng phải tập Thiền để đối phó với nạn xao xuyến lo âu, buồn nản chán đời và căng thẳng của cuộc sống. Tuy nhiên tác giả nhắc nhở rằng những người tập Thiền hay ngưỡng mộ Thiền ở đây chưa hẳn đã là một tín đồ Phật Giáo. Tác giả còn đề cập tới một trường hợp hy hữu là Ô. Jerry Brown – đương kim thống đốc Tiểu Bang California đã học Thiền tại Nhật Bản với Thiền Sư Yamada trong vòng sáu tháng sau đó hành thiền và quảng bá thiền. Bản thân ông là người tu xuất từ chủng viện Sacret Heart Novitiate của Thiên Chúa Giáo La Mã. Có một chi tiết ly kỳ là trong một chuyến đi Vatican để bàn về vấn đề biến đổi khi hậu, một cô phóng viên hỏi ông, “Ông có phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo?”. Ông đã trả lời, “Đó chỉ là một nhãn hiệu, không phải tôn giáo.” Câu trả lời thật tế nhị. Nếu nói “không” thì không đúng mà nói “có” cũng không đúng cho nên ông đã trả lời là “không nên căn cứ vào hình tướng bên ngoài”. Không căn cứ, không lệ thuộc, không chấp trước vào hình tướng bên ngoài là yếu chỉ của Thiền vậy. Người nào hành Thiền, tu Thiền cả mấy chục năm mà còn “chấp sắc”, còn “phân biệt đúng-sai, phải-trái, tịnh-cấu, tăng-giảm” thì đó là phàm phu Thiền và ngoại đạo Thiền chứ không phải Đại Thừa Thiền hay Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền.

2) Một Quốc Hội Tỉnh Thức:
           
Trong phần này tác giả nói về Dân Biểu Liên Bang Tim Ryan (Dân Chủ, Ohio): “Trong khi Phật tử trong Quốc Hội Mỹ (phần lớn ở Tiểu Bang Hawaii) không bàn gì chuyện Thiền tập, DB. Ryan (người Thiên Chúa Giáo) lại tích cực theo kiểu riêng. Bản thân Ryan đã viết và xuất bản cuốn A Mindful Nation (Một Đất Nước Tỉnh Thức) hồi tháng 3/2012, hướng dẫn tập Thiền tỉnh thức. Và ông kêu gọi cần phải có “một Quốc hội tỉnh thức” – nên hiểu đúng ý ông rằng, Quốc Hội cần tập Thiền tỉnh thức, nghĩa là đi đứng nằm ngồi đều biết là đang đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hay biết đều biết là đang thấy nghe hay biết.” Ông đã đạt được sự chứng ngộ của ông khi nói rằng, “Hãy hình dung câu chuyện thế này: trong khi hơn một nửa đất nước Hoa Kỳ sôi sục lên, bày tỏ bất đồng dữ dội với nhiều chính sách và tính khí của Tổng Thống Trump, vẫn có một dân biểu Hoa Kỳ ngồi bình lặng theo dõi, và vui hưởng ‘thiền duyệt pháp hỷ’…Mới hồi tháng 5/2017, Ryan đồng bảo trợ một dự luật nhằm cấp tài trợ cho việc giảm căng thẳng của các giáo viên. Ryan giải thích rằng Thiền tập không phải chuyện của những người cấp tiến hay của các anh chị Hippy. Ryan nói: “Thiền tập là tự chăm sóc bạn. Là tự tìm hiểu chính bạn. Là tự làm cho bạn khỏe mạnh hơn.”

3) Sinh nhật Đức Đạt Lai Lạt Ma:
           
Nhân sinh nhật thứ 82 của Đức Đạt Lai Lạt Ma (1935-2017) một buổi tiệc mừng đã tổ chức ngày 27/6/2017 tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington DC, với tham dự của nhiều dân cử Hoa Kỳ. Trong những vị đọc diễn văn ở tiệc mừng này có lãnh tụ Khối Thiểu Số Hạ Viện Nancy Pelosi, các dân biểu liên bang Jim Sensenbrenner, Jim McGovern, Ros Lehtinen và nam tài tử Richard Gere. Đại diện chính phủ Tây Tạng lưu vong là Penpa Tsering đã đón mừng quan khách trong lễ này, trong đó có hơn một tá dân cử Quốc Hội Hoa Kỳ và hơn 300 quan khách, và còn được tổ chức nhiều nơi trên thế giới. Tác giả viết rằng, “Ngài không đem lại lá phiếu hay tiền bạc cho họ, dĩ nhiên. Ngài chỉ mang tới một lời kêu gọi lớn cho toàn cầu là hãy sống hòa bình với mình và với người, hãy sống hiểu biết và yêu thương vượt ngoài biên giới màu da, hãy sống tỉnh thức và cẩn trọng để gìn giữ xã hội và địa cầu. Và đó là một hình ảnh chói sáng trong thời bạo lực tràn khắp này.”

Trong chương này tác giả cho biết, “Đặc biệt, theo một thống kê, Phật Giáo hiện nay đang có tín đồ đông thứ nhì thế giới. Đó là một con số bất ngờ, rằng hiện nay đang có ước lượng 1.6 tỷ Phật tử trên toàn cầu. Theo phân tích của Tiến sĩ Daya Hewapathirane, sở dĩ có con số lớn lao này do 80% dân chúng Trung Hoa tự nhận mình là Phật tử trên tổng số 1.3 tỉ người. Chính quyền Trung Quốc hiện nay phải dựa vào các ngôi chùa để giúp giải quyết các nan đề xã hội, an toàn hơn là dựa vào các tôn giáo khác.”

Trong chương này tác giả cũng còn dịch nguyên bài thơ “An Trụ Tâm” của Milarepa. Nó là cốt tủy của Thiền, là sinh mệnh Thiền và chỗ chứng đắc của Thiền mà nếu không giỏi tiếng Anh, không là nhà thơ, không “sống chết” với Thiền, không hiểu Thiền thì không sao dịch được. Tôi sẽ không hài bài thơ ra đây để giữ lại một chút gì cho cuốn sách.

4)Thiền tập với trẻ em:

Giữa bối cảnh bạo lực lan tràn trong gia đình, học đường ở lứa tuổi vị thành niên, làm thế nào để các em bớt nóng giận, bớt hung hăng là nhu cầu cấp bách. Cầu nguyện đã không thành công và hiện nay chỉ có Thiền. Nhưng Thiền thì mênh mông và khó vô cùng tận. Thế nhưng các nhà giáo dục Tây Phương không chịu bó tay. Bởi vậy, “Thiền tập với trẻ em là những gì phải cực kỳ đơn giản, và phải thấy an vui gần như tức khắc.” Tác giả cho biết, “Như ở Úc châu, thông tấn ABC Radio Canberra hôm 25/5/2017 có bản tin tựa đề, “Mindfulness and movement program teaching students to relax and focus” (Chương trình tỉnh thức và vận động dạy học trò thư giãn (thư thái, dễ chịu) và tập trung). Trường tiểu học này có tên Gold Creek Primary School, ở phía bắc thành phố Canberra. Hơn 700 học sinh trong 25 lớp học tại trường này đang thử nghiệm một chương trình tập Thiền tỉnh thức trong lớp mỗi tuần.” Ngoài ra, “Trường West Hertel Academy tại thị trấn North Buffalo ở tiểu bang New York,  Trường Summit Cove Elementary thuộc thành phố Dillon, tiểu bang Colorado… đều có phòng tập Thiền cho các em học sinh. Chương trình còn dành cho các em lớp tiền-mẫu-giáo (pre-school) tới Lớp 5 trong đó cô giáo dạy các em: Tập lắng nghe, tập thở, tập niệm thân (xoa tay vào nhau), tập nghe nhịp tim, tập đi Thiền hành, tập tỉnh thức khi ăn, tỉnh thức khi ngửi, tỉnh thức rửa tay, tỉnh thức với hơi thở.

5)Thiền tập khi mang thai:
           
Báo New York Times trong bài viết nhan đề “The Benefits of a Mindful Pregnancy” (Lợi Ích Thiền Tỉnh Thức Trong Khi Mang Thai) ngày 31/5/2017 cho biết một cuộc nghiên cứu mới cho thấy rằng thiền tỉnh thức có thể giúp quý bà mang thai lần đầu, đối phó với sợ hãi. Tập Thiền khi mang thai không những giúp cho thai phụ thoát khỏi nỗi lo sợ mà còn là một hình thức “thai giáo” giúp cho đứa trẻ sau này. “Trong khi mang thai, tuyệt đối không uống rượu, không hút thuốc, giảm cà phê và trà, nên ăn chay thích nghi với nhiều trái cây và rau, nên uống nhiều nước, nên thể dục nhẹ, không làm việc nặng nhọc, không đàn ca hát xướng nhiều…”

6) Hình ảnh người Mẹ trong kinh:
           
Trong chương này tác giả tham khảo một số kinh tạng Pali đã được chuyển qua Anh Ngữ, rồi tác giả dịch sang tiếng Việt để cho thấy hình ảnh của người Mẹ đã được Đức Phật mô tả như thế nào và cách đền ơn cha mẹ. Kinh AN 2.31-32 “Kataññu Suttas: Gratitude” – bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Trích dịch như sau:

“Này các tỳ kheo. Có hai người mà các ngươi không dễ đền ơn. Hai người nào? Mẹ và cha của ngươi. Ngay cả nếu ngươi mang/cõng mẹ một bên vai, và mang cha ở vai bên kia trong 100 năm, và chăm sóc ba mẹ bằng cách xoa dầu, xoa bóp, tắm và bóp tay chân, và ngay cả nếu họ tiêu và tiểu [ngay trên vai ngươi], như thế cũng chưa đủ đền ơn cha mẹ ngươi. Nếu ngươi lập được cho ba mẹ ngươi ngự trị tuyệt đối trên vương quốc đại địa này, với tràn ngập bảy báu, ngươi cũng chưa đủ đền ơn ba mẹ ngươi. Tại sao thế? Mẹ và ba đã làm quá nhiều cho con. Ba mẹ chăm sóc con, nuôi dưỡng con, đưa con vào thế giới này. Nhưng bất kỳ ai, khi thấy ba mẹ thiếu tín tâm mà đưa được ba mẹ vào chánh tín; khi thấy ba mẹ thiếu đạo đức mà đưa được ba mẹ giữ gìn giới hạnh; khi thấy ba mẹ keo kiệt mà đưa được ba mẹ về sống với hạnh bố thí; khi thấy ba mẹ còn si mê mà đưa được ba mẹ về sống với trí tuệ: Làm như thế mới gọi là đền ơn được ba mẹ.”

7)Thiền tập và chiến binh:
           
Trong chương này tác giả nói rằng, ”Vua Trần Nhân Tông thời xưa đã từng dạy thiền cho quân binh hàng ngày? Không có tài liệu nào nói như thế, cho dù Ngài để lại một sự nghiệp lớn về Thiền Tông và dòng Thiền Trúc Lâm còn ảnh hưởng tới bây giờ. Tuy nhiên, từ bên kia bờ Thái Bình Dương, thiền tập đang được huấn luyện trong quân đội Hoa Kỳ. Thiền tập đã trở thành một vũ khí để tự vệ cho chiến binh Hoa Kỳ, để tỉnh thức trong mọi tình huống, để giảm căng thẳng, để giảm đau đớn khi bệnh hoạn và thương tích, để không bị mất ngủ, và để an vui trong từng khoảnh khắc.” Tác giả đã kết thúc chương này bằng đoạn văn, “Nói như thế để biết rằng Thiền tỉnh thức dùng trong quân đội Hoa Kỳ chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng Thiền tập của nhà Phật. Chỉ mới một phần nhỏ đã có lợi ích lớn như thế, khi giúp các chiến binh tỉnh thức ngay cả khi tác chiến trong rừng ban đêm, huống gì là trọn một lòng tu học Phật pháp không ngưng nghỉ.”

8) Những người Phật tử Jubu:

Cái kỳ lạ của thế giới ngày hôm nay là: “Trong khi  có những người mang hai quốc tịch một cách thoải mái… lại rất hiếm người tự nhận là theo hai tôn giáo cùng một lúc. Hiển nhiên, như dầu với nước rất khó hòa hợp. Bạn cứ nhìn lại những cuộc thánh chiến nhiều ngàn năm nay là biết: không dễ có thái độ bao dung để theo cùng lúc hai tôn giáo một cách hòa hợp. Thực tế lịch sử cho thấy, bao dung nhất vẫn là Phật giáo – một tôn giáo chưa từng khơi dậy thánh chiến bao giờ. Nhưng rồi một số nơi ở Miến Điện vẫn xảy ra xung khắc giữa Phật tử bản địa và người Hồi Giáo Rohingya. Nhìn về phía Hoa Kỳ, có một hiện tượng dị thường: rất nhiều người Do Thái trở thành Phật tử và theo cả hai tôn giáo cùng lúc.” Đó là trường hợp của một “Phật tử Do Thái Giáo” có tên Jewbu hay Jew-Bu hoặc Jewboo…Jubu…Buju, vân vân.) Theo định nghĩa của Wikipedia, Jubu là một người trưởng thành trong  môi trường Do Thái Giáo và tu tập một phương cách Thiền của Phật Giáo. Và rất nhiều người Jubu đã trở thành cột trụ cho Phật Giáo Hoa Kỳ. Trong các Jubu đó, nổi bật là nữ tài tử Goldie Hawn, người sáng lập Hội Hawn Foundation để  dạy pháp Thiền Chánh Niệm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Và một Jubu nổi bật khác trong các trường đại học y khoa là Jon Kabat-Zinn, người soạn ra chương trình Tám Tuần Lễ Chánh Niệm để giảm căng thẳng, để chữa bệnh thân-tâm có tên là Mindfulness-based Stress Reduction (MBSR) đang được áp dụng tại nhiều bệnh viện, trường học, nhà tù...Như thế, cho thấy sức quyến rũ mạnh mẽ của Phật giáo đối với học giới Hoa Kỳ, đặc biệt với người Mỹ gốc Do Thái. Tác giả cho biết,”Như thế, người Do Thái Hoa Kỳ không cần cầu nguyện Đấng Tạo Hóa nào, không cần mơ tới thiên đàng nào, những đấng và cõi mà Albert Einstein gọi là chuyện của trẻ con.”

9) Hương đạo bay xa:
           
Nhật Bản hiện nay đang gặp vấn đề nan giải. Thống kê nói 90% dân Nhật là Phật tử, vậy cũng tương tự như Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Sri Lanka. Nhưng cũng lại theo một thống kê khác của Kyodo, nan đề xã hội Nhật Bản phức tạp hơn nhiều: trong năm 2014 có hơn 25,000 người tự sát, nghĩa là 70 người mỗi ngày. Theo giáo lý, Phật tử không có quyền tự sát. Nghĩa là, ảnh hưởng Phật Giáo trong đời sống không còn mạnh nữa. Trong khi đó, thống kê tuần này của Nikkei Asian Review, hiện có 13,000 ngôi chùa trên khắp Nhật Bản không có  sư – nghĩa là, thiếu tăng sĩ nghiêm trọng. Như thế, khi có các buổi lễ sẽ phải mời các tăng sĩ chùa khác tới hành lễ. Do vậy, có một số chùa bỏ hoang, hoặc một vị sư phải quản trị nhiều chùa. Trong khi đó, “Các khuynh hướng Phật Giáo Nhật Bản lại đi thật xa, ra ngoài biên giới lãnh thổ.” Một số người nổi tiếng Hoa Kỳ chuyển sang theo Đạo Phật với khuynh hướng Nhật Bản, đông nhất là Thiền Tào Động (Soto Zen) ưa thích tĩnh lặng, và Nichiren (Nhật Liên Tông) tụng câu “Nam Myoho Renge Kyo” tiếng Việt là “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Nữ ca nhạc sĩ Tina Turner (Cô này là người Da Đen, có thân hình bốc lửa và có lối trình diễn làm nổ tung sân khấu) đã nói với tạp chí Lion's Roar trong ấn bản tháng 3/2016 rằng: “Nam Myoho Renge Kyo hệt như một ca khúc. Rồi Steve Jobs, người thành lập công ty Apple, sáng tạo ra những máy tính iMac, iPad, iPhone… đã tập thiền với nhà sư Nhật Bản Kōbun Chino Otogawa. Qua câu chuyện của Bà Claire Ruddick, 36 tuổi, là một nữ tài xế, mưu sinh bằng nghề lái xe vận tải nặng 40 tấn. Báo The Mirror của Anh trong số ấn hành ngày 25/4/2017 kể rằng Ruddick đã thọ giới để trở thành một Thiền ni. Tác giả kết luận rằng, “Có lẽ, đây cũng là một lời khuyên cho tất cả những người quan tâm. Rằng Đạo Phật để thực tập, không chỉ để học hay nghiên cứu.”

10) Phật Giáo cho người vô thần:
           
Hiện nay tại Hoa Kỳ có khoảng 1/5 dân số tự nhận mình là người Vô Thần (Atheist). Nhưng trả lời những cuộc thăm dò, những người Vô Thần này nói họ thường xuyên tập Thiền, có thể có, có thể không mang một ý nghĩa tôn giáo nào; nhiều người thiền tập vì các lý do khác như tập Thiền vì sức khỏe. Theo thống kê của Viện Barna “Vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội co cụm dần, và nhà thờ không còn đóng vai trò thẩm quyền/quyết định về văn hóa như những thập niên xa xưa.” Và Melvin McLeod đã giải thích khối người (Vô Thần) xa lìa tôn giáo nhưng có quan tâm về tâm linh, rằng Phật Giáo thích nghi tuyệt vời cho họ với 10 lý do:

-Không hề có Thượng Đế Phật Giáo. Phật Giáo nói rằng có cõi Chư Thiên, nhưng nói rõ rằng không hề có Đấng Sáng Tạo.

-Phật Giáo nói không có chuyện cứu độ. Phật Giáo nói rằng có Phật tánh, nhưng nói rõ rằng tất cả là thiện tâm nơi tự tâm mỗi người. Chỉ cần bạn nhìn thẳng vào tâm, lặng lẽ, buông xả mọi thứ vướng bận, và tâm thanh tịnh sẽ hiển lộ.

-Vấn đề là khổ, là bất như ý. Câu trả lời, tức là đáp số, là tỉnh thức, là giác ngộ.

-Phương pháp không có gì xa, chi là nơi tự tâm của bạn; nhìn kỹ sẽ thấy nơi tâm bạn đã tự lặng lẽ, tự tỉnh thức, tự hoàn hảo.

-Không ai có thể làm thay bạn. Bạn phải tự làm việc với tâm của bạn. Có thiện tri thức, có thầy, có huynh đệ, có bạn hữu… nhưng cốt tủy là nơi bạn.

-Có một thực tại tâm linh, một thực tại vô sắc (There is a spiritual, nonmaterial reality). Chỗ này, bạn nên tự khám phá trong tâm bạn.

-Nhưng bạn không phải làm bất cứ chuyện gì về đức tin. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Phật Giáo phải từ bỏ những tin tưởng nào mà khoa học chứng minh là không có.

-Phật Giáo cung cấp nhiều phương tiện thiện xảo cho nhiều nhu cầu, thành phần khác nhau.

-Phật Giáo cởi mở và không định chế. Cộng đồng Phật Giáo tại Hoa Kỳ đa dạng, chống kỷ thị chủng tộc và phái tính (hiểu là cởi mở với cả đồng tính).

-Và Phật Giáo hiệu quả (it works).

11) Chỉ một phút thôi:
          
Trong chương này tác giả kể chuyện cô giáo Naomi Baer dạy trung học ở thành phố St. Paul, Minnesota đã gian nan để làm sao cho một lớp với những học sinh ồn ào, quậy phá có thể “một phút ngồi yên trong vắng lặng” cuối cùng đã thành công. Và 10 năm sau, “Mười năm sau, vào năm 2007, tôi vẫn dạy cùng trường trung học đó, và nhiều lớp của tôi bây giờ yêu cầu một phút tịch lặng vào những ngày Thứ Hai, hai phút vào những ngày Thứ Ba, và cứ tăng như thế cho tới năm phút vào những ngày Thứ Sáu.”
12) Tưởng nhớ công ơn chư tôn đức tiền bối:
           
Trong chương này tác giả đề cập tới thầy Thích Tâm Giác mở Võ Đường Quang Trung nhưng bắt các môn sinh ngồi Thiền trước khi luyện tập. Rồi BS. Lê Đình Thám với việc chú giải bộ Kinh Lăng Nghiêm mà tác giả còn nhớ. Rồi Tổ Sư Minh Đăng Quang mỗi buổi sáng cùng các sư đi khất thực, buổi chiều đi giảng đạo tại các khu đông dân cư. Ngài Hộ Tông đưa truyền thống Phật Giáo Theravada (còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Nam tông) vào Việt Nam. Một phong trào tuyệt vời trong nước khác là thầy Thanh Từ, khi thầy nỗ lực hồi phục Thiền Phái Trúc Lâm. Rồi tác giả học Thiền từ Chùa Tây Tạng Bình Dương và thấy Thiền Đại Thủ Ấn của Phật Giáo Tây Tạng và Thiền Tông Trung Hoa chỉ là một. Thiền sư Duy Lực (1923-2000), sinh ở Trung Quốc nhưng vào VN từ thời niên thiếu, học Thiền theo truyền thống của Hư Vân Hòa Thượng. Ngài Duy Lực sinh tiền đã mở nhiều Thiền thất trong và ngoài Việt Nam, đã dịch và chú giải nhiều kinh sách quan trọng đối với Thiền Tông. Các tác phẩm của Ngài Duy Lực đều khó đọc, nhưng cực kỳ quan trọng với học nhân Thiền Tông. Thiền sư Thích Ân Giáo Roshi là một trong những học trò người Mỹ đầu tiên của HT. Thích Thiên Ân. Một truyền thống mới ở Quận Cam là Thiền Viện Sùng Nghiêm – nơi hai Ni sư Chân Thiền và Chân Diệu sáng lập và dạy Thiền theo phương pháp của Thiền sư Philip Kapleau (1912-2004), tổng hợp cả 2 tông phái lớn ở Nhật Bản là Soto (Tào Động) và Rinzai (Lâm Tế).

13) Ưu tiên nên là giới:
           
Trong chương này tác giả nói rằng “Có lẽ sức mạnh gìn giữ Phật giáo ưu tiên phải là Giới. Nghĩa là, chặng đầu trong ba giai đoạn Đức Phật đã dạy: Giới, Định, Huệ. Nếu không có Giới là tòa nhà Phật giáo sụp đổ. Nếu không có giới, quý thầy dù có giỏi thế nào đi nữa, cũng chỉ là thông minh thế gian, không thể nào đạt tới trí huệ xuất thế gian. Hãy hình dung, nếu quý thầy phá giới, Phật Giáo có thể biến mất chỉ trong vòng vài thập niên. Nhưng khi quý thầy giữ giới và tụng đọc kinh điển, Phật Giáo vẫn trường tồn suốt hai thiên niên kỷ, cho dù Thiền “bị bỏ lơ và bị bỏ quên.” Do vậy, giới vẫn là ưu tiên. Với hàng cư sĩ cũng thế, giữ giới cũng nên là ưu tiên.”

Theo tôi, thà chư tăng/ni không chứng đắc mà giữ nghiêm giới luật còn hơn “nói trời nói đất” mà phá giới như: liên hệ xác thịt, tham lam của cải, tìm cách vòi tiền, vui chơi ca hát, cử chỉ lối sống buông lơi phóng túng, sa hoa, kiểu cọ như các tu sĩ Phật Giáo Thái Lan bây giờ. Tôi đã nói nhiều lần là trong Tam Bảo thì Phật Bảo và Pháp Bảo không bao giờ hư đốn. Chỉ có Tăng Bảo là có thể hư đốn. Khi tăng bảo hư đốn thì đạo suy vong rồi tới diệt vong. Chớ trách tại sao tín đồ bỏ đạo. Hãy tự nhìn mình xem có làm đúng, sống đúng như những gì Phật và chư Tổ dạy bảo không. Xin nhớ cho, Luật Tông chỉ giữ nghiêm giới luật, không cần ngồi Thiền mà cũng thành Phật. Nếu tình trạng tăng/ni mỗi ngày mỗi trở nên hư đốn, Đạo Phật sẽ chuyển sang một hình thức giống như Đạo Tin Lành, tức Phật tử và cư sĩ sẽ tự tìm lấy một hình thức tu hành, giữ đạo, truyền đạo mà không cần tu sĩ nữa.

14) Thiện hữu tri thức trên đường tu học:
           
Trong chương này tác giả dẫn chứng lời Phật dạy để cho thấy sự cần thiết của bạn đạo mà chúng ta thường gọi là “đạo hữu” trên đường tu học. Theo Kinh “Sambodhi Sutta: Self-awakening” bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu. Đức Thế Tôn nói rằng: “Khi một du sĩ từ một giáo phái khác hỏi ngươi, rằng bạn ơi, điều cần trước nhất để bước trên đường tự giác ngộ là gì… ngươi nên trả lời rằng, có trường hợp, khi một vị sư có các bạn đạo đáng quý, có bạn đồng hành đáng quý, có người cùng tu đáng quý. Đó là điều cần trước nhất để phát triển các pháp cần có trên đường tự giác ngộ.”
               
Và theo Kinh “Mitta Sutta: A Friend” bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu. Bạn đạo tốt là thiện tri thức có bảy đức tính như sau: Đức Thế Tôn nói rằng: “Này các tỳ kheo, một người bạn có 7 phẩm chất xứng đáng được thân cận. Bảy phẩm chất nào? Bạn đó trao tặng những gì khó trao tặng. Bạn đó làm những gì khó làm. Bạn đó chịu đựng những gì khó chịu đựng. Bạn đó tiết lộ cho bạn những gì bí mật của bạn đó. Bạn đó giữ kín những bí mật của ngươi. Khi bất hạnh xảy ra, bạn đó không bỏ rơi ngươi. Khi ngươi thất bại, bạn đó không coi thường ngươi. Một người bạn có bảy phẩm chất như thế xứng đáng được thân cận.” Và Phật còn dạy thêm:

“Tốt, tốt, Xá Lợi Phất! Toàn bộ đời sống thánh hạnh này là tình bạn tốt, là bạn đồng hành tốt, là bạn đồng tu tốt. Khi một nhà sư có một bạn tốt, một bạn đồng hành tốt, một bạn đồng tu tốt, sẽ mong đợi rằng vị đó sẽ tu tập hoàn mãn Bát Chánh Đạo.”

15) Vài ghi chú rời về Thiền:
           
Trong chương này tác giả nói về những hiện tượng “tà giáo” hay “tà thiền” xuất hiện trong cộng đồng người Việt và người Hoa: “Một điểm chú ý là Thiền tập theo các khuynh hướng tôn giáo mới xuất hiện này, thoạt nghe có vẻ như là Phật Giáo, với các giáo chủ tự cho là “vô thượng”; họ dùng ngôn ngữ và thiền pháp đã chế biến từ Phật Giáo để lôi kéo tín đồ. Chúng ta từng nghe nhiều chuyện trong cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ về những người theo các đạo mới chế biến (vay mượn) từ Phật Giáo này đã ly dị vì bất hòa trong gia đình,  đã bán nhà để cúng cho các tân giáo chủ  mà họ tin đó là các vị Phật mới ra đời.” Vậy phải tập Thiền như thế nào?
           
Khuynh hướng phổ biến của Hoa Kỳ ngày nay là Thiền Chánh Niệm (Right Mindfulness) tức là để tâm vào “cái ở đây và bây giờ” (here and now). Thế nhưng tác giả suy luận rằng, “Thêm nữa, có thực rằng chánh niệm là để tâm vào “bây giờ” không? Khi một niệm khởi lên, sẽ xảy ra tiến trình: sinh trụ hoại diệt – niệm khởi, niệm an trụ, niệm biến đổi và niệm biến mất. Cái “bây giờ” đó sẽ là khoảnh khắc nào trong tiến trình này? Cái “bây giờ” thực tướng là ảo tưởng, là vô hình tướng, là sản phẩm lý luận của ý thức…Thực sự, Đức Phật dạy rằng ba thời “quá khứ, hiện tại, vị lai” đều cần phải buông bỏ (Kinh Pháp Cú, Bài Kệ 348, Đức Phật dạy ngài Uggasena). Sau khi nghiêm cứu Nhóm Kinh Sơ Thời tức nhóm kinh cổ xưa nhất lúc Đức Phật còn tại thế, tác giả thấy, “Khi đọc nhóm kinh này, sẽ thấy phải tu pháp không hề thấy có gì để nắm giữ. Phái Tào Động của Thiền Tông nói ngắn gọn là: “Hãy buông bỏ cả thân và tâm” (thân tâm phóng hạ). Và như thế, có thể nói ngắn gọn, rằng phải “tu pháp không hề có pháp nào để tu hết” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương), phải “giữ tâm vô sở trụ” (Kinh Kim Cương), rằng "Thiền tư không y chỉ vào tứ đại, không y chỉ vào tứ thiền bát định, không y chỉ vào thế giới này hay thế giới sau, không y chỉ vào thấy nghe hay biết, nhưng vẫn có Thiền tư…” (Kinh Tuấn Mã -- Sandha Sutta), rằng hãy “quăng bỏ cả thấy nghe hay biết” (Kinh Lăng Nghiêm), và rất nhiều kinh khác. Dưới cái nhìn như thế, Ngài Long Thọ của Trung Quán Luận, và Ngài Huệ Năng của Thiền Tông Trung Hoa là những hậu duệ trung thành nhất với lời dạy trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời của Đức Phật.
           
Đây là sự luận bàn rất thâm sâu về Thiền. Tôi không phải là một Thiền sư hoặc nhà nghiên cứu về Thiền nhưng tôi thiên về luận điểm của tác giả. Theo tôi “ở đây và bây giờ” chỉ là “phàm phu thiền” tức mới bước vào Thiền, nó chưa phải chỗ “an trụ tâm” vì còn vướng mắc vào “ở đây và bây giờ”. Đại thừa Thiền và Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền là chỗ mà chỗ mà Lục Tổ Huệ Năng chỉ dạy “ưng vô sở trụ” tức không bám víu vào đâu, không trụ vào đâu, tức đầu óc rỗng rang, như tấm gương chiếu sáng, nhận biết nhưng không hề khởi một niệm. Đó là chỗ “thân tâm vắng lặng, bản tế bình đẳng, viên mãn mười phương cõi” (Kinh Viên Giác). Khi đạt tới cảnh giới Thiền này rồi thì như tác giả nói, “Chẳng có pháp nào để tu cả” hoặc “tu pháp không tu” như lau bụi thì tấm gương sáng, tấm gương chẳng cần tu mới sáng. Cái sáng này chính là tự tánh của muôn vật và chỗ chứng đắc, hằng trụ của chư Phật vậy.
           
Trong chương này tác giả còn nêu chủ đề: Nghe pháp, tụng kinh có thể giải thoát?

Và đã trích dẫn lời dạy của Đức Phật trong Kinh Tăng Chi Bộ. Kinh này được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là Giải Thoát Xứ. Đức Phật dạy rằng có 5 con đường có thể xóa bỏ hoàn toàn phiền não, đạt thánh quả cao nhất:

1. Lắng nghe (hay học) Chánh pháp;
2. Giảng dạy Chánh pháp;
3. Tụng đọc Chánh pháp;
4. Tư duy ý nghĩa Chánh pháp;
5. Thiền tập.

Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng thà tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, giữ giới, nghe kinh mà chắc ăn hơn là Thiền. Bởi vì có cả trăm thứ Thiền, mà gặp tà Thiền thì “tẩu hỏa nhập ma”, giải thoát đâu không thấy mà điên khùng, tán gia bại sản trong đó có Thiền Ôm. Ôm nhau là một cử chỉ bày tỏ tình thương yêu, nhớ nhung lâu ngày hoặc nó là hình thức thỏa mãn xác thịt trai gái, Nó là “ái dục”mà “ái dục” là nguyên do của sinh tử tương tục. Nói “trong ôm có Thiền” là phỉ báng Thiền, là phỉ báng Phật Giáo.
           
Trong chương này tác giả còn nói về hai pháp tu “chỉ” ,“quán” và “định”, “nhận ra bản tâm” rất dài cần phải có sách đọc mới rõ.

16) Không một pháp để làm:
           
“Bài này được viết để thành kính tưởng niệm bổn sư Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu (1912-2016), vị  trụ trì quá cố của Chùa Tây Tạng Bình Dương trong tuần lễ tròn một năm Thầy viên tịch. Có một lần Thầy nói, phải Thấy Tánh trước, vì chưa Thấy Tánh thì làm gì cũng sai.”
           
Trong chương này tác giả nêu câu hỏi, “Tại sao Đức Phật và 2,500 thánh tăng đi đứng nằm ngồi trong cõi này và thọ dụng được Niết Bàn ngay trước mắt, ngay bên tai, ngay trong tâm... trong khi người đời thường chúng ta nhìn đâu, nghe gì cũng thấy phiền não, thấy khổ, thấy bất như ý? Như thế, có phải cõi Niết Bàn (Đức Phật và các  bậc thánh tăng đang thọ dụng) và cõi phiền não (đang vây khốn chúng ta) thực sự không cách biệt một sợi tóc?...Trong cuốn “Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải” của ngài Thiên Mục Trung Phong Hòa Thượng (1263-1323), dựa vào bản Việt dịch của Thiền Sư Thích Duy Lực (1923-2000), xin trích lại 2 câu 38 và 39 như sau để nói lên nghĩa bất nhị giữa Niết Bàn và phiền não, rằng chớ có sinh tâm ghét cõi này (dù là cõi Ta Bà) và ưa cõi khác (dù có là cõi Phật), vì trước mắt và bên tai thực sự vẫn là Niết Bàn tự tâm đang hiển lộ ra (và theo Kinh AN 3.47 là rất khó thấy, khó nhận ra). “Đôi khi đọc trong Thiền sử, chúng ta nghe câu nói: hễ tác ý là sai. Nghĩa là, mình cố ý khởi tâm gì đi nữa, cũng là sai, dù là khởi tâm muốn làm Phật, muốn làm Tổ, muốn giải thoát, vân vân. Nơi đây, chúng ta không có ý muốn nói hễ khởi tâm tác ý là sai. Duy chỉ muốn nói rằng, một số Kinh ghi lời dạy tác ý, một số Kinh ghi lời dạy chớ tác ý. Vì trong nhiều Kinh, Đức Phật dạy phải như lý tác ý, nghĩa là phải khéo tác ý, khéo biện biệt… Nhưng Thiền Tông (Tạng, Hoa, Việt, Nhật, Hàn…) khi dạy pháp an tâm, không tập trung vào “tác ý.” Vì chủ yếu phải Thấy Tánh trước, rồi mới tu sau. Trong khi đó, hễ tác ý (dù bất kỳ tác ý gì) là tâm nguyên sơ sẽ khởi lên một lớp sương mù ngăn che, dù sương mỏng cách mấy đi nữa, cũng là một màn sương ngăn cách thực tại hiện tiền trước mắt và bên tai.” Y cứ vào kinh điển và sự chứng ngộ của chư Tổ, tác giả kết luận rằng: “Do vậy, khi nói rằng có một pháp nào để tu, đều không phải là Thiền Tông.”

Nhận định này khế hợp với lời dạy của Viên Giác là “lấy huyễn tu huyễn”, tức “Thiền Tỉnh Thức” hay “Here and Now” hay cả trăm pháp môn tu Thiền… đều là huyễn. Khi đạt tới cảnh giới “thân tâm vắng lặng” rồi thì thấy chẳng có pháp nào để tu cả.

17) Thiền tập giữa trận đồ tâm thức:
           
Trong chương này tác giả cho chúng ta thấy, “Có một số người tập Thiền một thời gian, thế rồi đâm ra hoang mang, lo lắng, khi nhìn thấy cái rỗng rang của tâm thức như nhảy vào vực sâu. Trong khi đó một số người tập thiền rồi tự xưng là Phật, A La Hán đương đại duy nhất, là đại giáo chủ, là siêu sư phụ, và vân vân. Có phải vì họ đã nhìn thấy hào quang? Có phải họ đã nghe tiếng lạ? Có phải vì họ thấy toàn thân lay động như có cõi vô hình nhập vào? Có phải vì nhiều lý do tương tự? Thực ra thấy nghe gì cũng từ tâm hóa hiện ra, tưởng thực sẽ là những dạng bệnh thôi. Nơi đây, chúng ta chỉ nhìn về sự kiện và sẽ chỉ nói về những gì có thể giải thích theo khoa học và kinh sách. Cũng xin thưa, bài này chỉ là một khảo sát không thẩm quyền, vì bản thân người viết tu học chưa tới đâu, nên không có cặp mắt nhìn thấu suốt ba cõi.”
           
Tác giả nhận thấy tất cả các loại “thiền” của các “vô thượng sư”, các loại Thiền đang phổ biến lan tràn ở Hoa Kỳ  không bao giờ dạy “giữ giới”. Tập Thiền (tà Thiền) sẽ có hiệu ứng tiêu cực, có thể dẫn tới ảo giác, có thể tăng thêm thèm muốn sắc dục, có thể làm nghe nhiều tiếng thì thầm xúi giục bên tai, và vân vân. Báo Washington Post ngày 5 tháng 6/2015 có bài viết nhan đề “Meditation and mindfulness aren’t as good for you as you think” (Thiền định và Thiền tỉnh thức không tốt cho bạn như bạn nghĩ) của hai phóng viên Miguel Farias và Catherine Wikholm. Bài viết cho biết nhiều Phật tử chỉ trích việc sử dụng Thiền Tỉnh Thức cho các mục tiêu thuần thế tục, vì sẽ làm tăng thêm quyến luyến cõi trần gian và tăng thêm chấp ngã. Nghĩa là, xa lìa mục tiêu Thiền tập nhà Phật là nhận ra “tánh không” và xa lìa mọi chấp thủ. Bài báo ghi lời nhà văn Giles Coren nói rằng kỹ thuật như thế đã biến Thiền tập trở thành món bánh mì ăn liền McMindfulness, chỉ củng cố tự ngã sâu dày hơn. Chính phủ Mỹ cũng biết, và cũng có ghi lời cảnh  giác, nhưng không mấy ai để ý.

Tóm gọn, cốt tủy nhà Phật là Giới Định Huệ. Nghĩa là, phải giữ Giới trước. “Không giữ Giới mà đòi tu Thiền là chuyện hoang đường. “

Tôi có thể là người bảo thủ, lạc hậu hoặc ngu dốt, nhưng tôi vẫn kiên quyết cho rằng: Muốn vào Thiền phải bước qua “cửa Không” tức phải ngộ được Tánh Không của vạn pháp rồi sau đó giữ Giới. Không giới luật, không nhìn thấy muôn vật không có tự tánh và nhất là không xây dựng được tâm Từ Bi… mà tu Thiền hoặc hành Thiền thỉ chỉ là tà Thiền, ngoại đạo Thiền. Có ngồi đó thở hít trăm năm vẫn chỉ là tập thể dục, tập Yoga giống như uống một viên thuốc an thần. Thuốc dãn, thuốc hết thì “đau đớn” vẫn còn đó, tức vẫn trôi lăn trong dòng Sinh Tử Luân Hồi, có khi còn tệ hại hơn người chẳng biết Thiền là gì. “Tạp chí The Atlantic ghi rằng hai vị thầy Goldstein và Kornfield kể với GS. Britton về một số khóa thiền thất trong quá khứ, khi có thiền sinh tâm thần bỗng nhiên bất toàn. Britton kể rằng Jack Kornfield nói là có một thiền sinh hình như không bao giờ bình thường trở lại.”

Đây là hiện tượng “tẩu hỏa nhập ma” hóa điên vì  tu theo tà Thiền. Tôi không phải là vị tu hành chứng đắc để biết chỗ “thân tâm vắng lặng” của chư Phật. Nhưng tôi có thể cam đoan rằng. Nếu sau khi hành Thiền, tu Thiền mà tâm ý bạn trở nên nhẹ nhàng, cử chỉ khoan thai, đầy khoan dung, mặt mũi vui tươi sáng sủa, nhìn đời không thắc mắc, nhìn mọi chuyện đang diễn ra trước mắt tựa như phù vân và nhất là phát triển được tâm Đại Bi…thì đúng là bạn đã gặp bậc thầy chân chính chỉ bảo cho. Còn nếu ngược lại… thì nên “say good bye” Thiền và trở về tụng kinh, niệm Phật thì tốt hơn.

18) Pháp môn định vô tướng:

Trong chương này tác giả đề cập tới hai nhân vật lãnh đạo của thế giới là Thủ Tướng Ấn Độ Modi và Chủ Tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình, mà theo tác giả hai ông này có thể là “Phật tử tàng hình” (Phật tử ngấm ngầm). Tác giả nhận xét rằng, “Cả ông Tập và ông Modi đều không phải là Phật Tử chính thống, vì hai ông không quy y, không thọ giới, không có pháp danh, không tụng kinh hay ngồi thiền hàng ngày (hay ít nhất, như chúng ta biết)… và hình như cũng không tin vào các giáo lý truyền thống. Nghĩa là, hai ông Tập và Modi có thể được gọi là một kiểu Phật Giáo thế gian, hay Phật Giáo vô thần, hay Phật Giáo thực dụng – tiếng Anh gọi chung nhóm này là “Secular Buddhism”, nghĩa là gỡ bỏ các niềm tin siêu hình. Nghĩa là, hầu hết những người trong nhóm này dùng Phật Giáo để tự làm an vui cho mình, ổn định cho xã hội, trên nguyên tắc.” Thế nhưng theo Báo Hindustan Times ngày 4 tháng 2/2013, “Bản tin kể rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng trao tặng Phó Thủ Tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân (cha của Tập Cận Bình) một đồng hồ, và ông cụ Tập đó đã mang nơi cổ tay nhiều năm. Điều ít người biết, theo báo này, là mẹ của Tập Cận Bình là cụ bà Qi Xin được mai táng với nghi thức đầy đủ của Phật Giáo Tây Tạng theo ước nguyện của cụ. Vợ của Tập Cận Bình là phu nhân Bành Lệ Viên là một Phật Tử theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Báo này nói rằng đó là các thông tin theo cuộc nghiên cứu của Richard Rigby, chuyên gia về Trung Hoa tại đại học Úc Australian National University và là một cựu phân tích gia của Sở Tình Báo Bí Mật Úc Châu (Australian Secret Intelligence Organisation). Bà Bành Lệ Viên là một ca sĩ nổi tiếng, hiện mang quân hàm thiếu tướng trong lực lượng văn công quân đội, không chỉ là một Phật Tử Phật Giáo Tây Tạng mà còn là một người tu trì thuần thành trong truyền thống này, theo lời Rigby và cả học giả Claude Arpi. Arpi nói: “Một trong các ca khúc của bà là về vẻ đẹp của Tây Tạng.” Đức Đạt Lai Lạt Ma thỉnh thoảng kể về tình thân hữu với cụ Tập Trọng Huân, có lúc nhắc tới món quà đồng hồ Omega tặng khoảng năm 1954 hay 1955, trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và dân tộc Tây Tạng nổi dậy kháng chiến. Tuy nhiên, tình thân đó chỉ mang ý nghĩa “tiện lợi cho chính trị”… theo nhận định của Robert Barnett, học giả về Tây Tạng ở Đại Học Columbia. Bản thân Tập Cận Bình đã từng gọi Tây Tạng là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nghĩa là những chuyện khác, nếu có, sẽ chỉ là phụ. Và rồi, dưới mắt ông Tập, Phật Giáo đã trở thành một phương tiện an dân, hộ quốc.”
          
Còn về Ô. Modi, ông đã chủ tọa  Đại lễ Vesak Quốc Tế tại Sri Lanka từ ngày 12 tới 14/5/2017 và lễ bế mạc với Tổng Thống Bidya Devi Bhandari của Nepal (Tích Lan). Ông đã từng tuyên bố rằng, “Tôn giáo của Ấn Độ là “Hindu-Buddhism” (Phật-Ấn Giáo) và mô tả Châu Á (nghĩa là bao gồm cả Trung Quốc, Việt Nam…) là một châu lục mang tính “Hindu-Buddhist” (Phật-Ấn Giáo). Hiển nhiên, Ô. Modi đã thành kính với Phật Giáo hơn rất nhiều Phật tử truyền thống. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, “Chúng ta có thể ngờ vực rằng ông Modi đang lèo lái chính trị, để chinh phục cả tín đồ Ấn Giáo và Phật Giáo. Có một lúc, Ô. Modi nói công khai rằng Đức Phật là một nhà cải cách và lời dạy của Đức Phật đã ảnh hưởng trở lại Ấn Giáo. Có vẻ như Modi cũng chỉ đi theo một dạng Phật Giáo cõi nhân gian, nghĩa là chủ yếu dùng như hộ quốc và an dân, nhưng không bận tâm chuyện siêu hình hay giải thoát.” Theo tôi, chính quyền Ấn Độ và Trung Quốc thấy rằng Phật Giáo không nguy hiểm cho nền an ninh của họ mà lại có thể đoàn kết quốc gia về mặt chính trị. Còn các tôn giáo khác nếu phát triển mạnh sẽ làm thay đổi cấu trúc chính trị và chia cắt đất nước theo lằn ranh tôn giáo.

Do sự gặp nhau ở Phật Giáo mà, “Ô. Tập và Modi đã hoan hỷ gặp nhau trong tháng 9/2014, khi Tập tới thăm Gujarat, nơi có ngôi làng nhà sư Huyền Trang/Đường Tăng (Hiuen Tsang) ghé chân trong chuyến Tây Du từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh hồi thế kỷ thứ 7. Thế rồi Tập mời Modi thăm Trung Quốc tháng 5/2015, đưa Modi tới ngôi chùa White Goose Temple ở Xi’an (Tây An), nơi Huyền Trang từ Ấn về cư ngụ tới ngày viên tịch. Và rồi, chính phủ Trung Quốc đưa ra bản báo cáo lần đầu tiên nói rằng Trung Quốc là đất nước Phật giáo lớn nhất thế giới, với 675 triệu Phật tử, với hơn 240,000 tăng ni, hơn 28,000 tu viện và 16,000 ngôi chùa, cũng như có tượng Phật lớn nhất thế giới. Trước tình hình như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng phải tùy thuận chúng sinh. Năm 2016, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời phỏng vấn trên báo Reader's Digest, ấn bản Anh quốc, nhấn mạnh rằng, “Đạo đức quan trọng hơn tôn giáo. Chúng ta khi tới với thế gian này không hề là tín đồ của tôn giáo nào. Nhưng đạo đức là nằm sẵn trong bản tâm.”
           
Từ khuynh hướng “Phật Giáo thế tục”  hay “Phật Giáo chính trị” của hai Ô. Modi và Tập Cận Bình, tác giả cho biết thêm, “Nhiều người trong chúng ta tới với Phật Giáo, ngay cả khi làm thơ Thiền, làm nhạc Thiền, viết sách về Thiền, cũng không chắc gì quan tâm chuyện giải thoát. Các nhà sư không chú tâm nghe, nhưng chỉ ưa đọc thơ Thiền, ưa nghe nhạc Thiền… thế là hỏng. Nghĩa là, khi chúng ta tham ăn, mê uống là hỏng. Khi chúng ta ưa ngó cảnh đẹp, ưa ngó người đẹp, ưa nghe nhạc hay… cũng là hỏng. Đó cũng là lý do truyền thống Theravada yêu cầu khi tập Định phải từ từ kết hợp với Huệ (vipassana). Trong khi truyền thống Phật Giáo Tây Tạng và Thiền Tông yêu cầu khi tập Định sẽ phải chuyển sang Định Vô Tướng (signless concentration).”

18) Các pháp vào Định:

Tác giả nói rằng muốn tu pháp Định, muốn vào Định phải:

-Cần có lòng tin kiên cố và tận lực tinh tấn, bất kể thịt da xương cốt khô héo. Ngày xưa xả thân cầu pháp. Ngày nay xem quảng cáo trên báo, đài phát thanh, truyền hình... rủ nhau đi nghe thuyết pháp, rủ nhau “tu Thiền” vui như đi mua sắm quần áo, nữ trang vậy. Mua rồi thấy chán rồi trả lại (return) rồi lại tiếp tục rảo hết tiệm này tới tiệm kia tiếng Anh gọi là “shopping around”.

-Đức Phật dạy rằng phải tu trong từng giây phút trong ngày, tu trong từng khoảnh khắc trong và ngoài, hiểu là giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh từng khoảnh khắc. Kinh Pháp Cú, kệ 315 viết: Y hệt một thành trì, canh gác trong và ngoài, hãy tự canh gác chính bản thân mình. Chớ để một khoảnh khắc nào trôi qua sơ suất…

Thế nhưng tại sao quý ngài không dạy tập trung vào Định? Bởi vì Giới là cần hộ trì nhất. Và cũng vì hai thánh quả đầu tiên (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm) có thể đạt được mà không cần tập Định.

- Một câu hỏi nữa là:  Làm thế nào để biết là đã vào được sơ thiền? Đức Phật nói trong nhiều kinh rằng, vào sơ Thiền (và các tầng thiền khác) sẽ thấy an lạc vô cùng tận. Trong sơ Thiền, niềm vui hỷ lạc tràn ngập toàn thân y hệt như người tắm và xoa bột tắm trên toàn thân.

Có một câu hỏi: quý thầy dạy vào Định như thế nào? Vị thầy nổi tiếng là Ajahn Brahmayamso, học với Thiền sư Ajahn Chah ở Thái Lan trước khi về Úc châu, chủ yếu dùng hơi thở để vào định, phương pháp có kết hợp với Kinh. Trong Kinh AN 4.41, Đức Phật dạy về bốn cách khác nhau vào định, trích bản dịch của HT. Thích Minh Châu. Trong bản phân tích của Piya Tan, nói về 4 cách này như sau:

-Cách thứ nhất, an trú hạnh phúc ở đây và bây giờ (hiện pháp lạc trú), là tập cho bốn tầng thiền.
-Cách thứ nhì, quán tưởng về ánh sáng, còn gọi là thiên nhãn, sẽ đạt tri kiến (biết và thấy).
-Cách thứ ba, là chánh niệm tỉnh giác, tưởng về vô thường (quan sát các thọ sinh trụ dị diệt).
-Cách thứ tư, quan sát sinh và diệt trong 5 uẩn (sắc thọ tưởng hành thức).

Phần cuối của chương này tác giả nói về pháp Định Vô Tướng rất dài.

19) Thiền tông và các pháp ngắn gọn:
           
Trong chương này tác giả bàn về các pháp môn ngắn gọn:

-Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức. Tác giả dẫn lời của Mã Tổ dạy đồ chúng rằng : “Ba cõi duy chỉ là Tâm, muôn hình vạn tượng đều là một Pháp Ấn. Phàm thấy sắc là thấy tâm. Tâm chẳng tự là tâm, nhân sắc mà có. Các ông chỉ tùy thời mà nói năng, thì Sự tức là Lý, đều không chỗ ngại. Đạo quả Bồ Đề cũng lại như thế. Nơi tâm sanh ra thì gọi là sắc. Biết sắc là không thì sanh tức là chẳng sanh.” (trang 300)

-Thế giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm.
-Tu pháp như huyễn trong Viên Giác.
-Ưng vô sở trụ, buông bỏ.
-Thiền tư không y chỉ
-Dẫn Kinh Lăng Nghiệm Tông Thông.

Tác giả nhắc tới chuyện một nhà sư tới bạch Đức Phật rằng muốn xin Đức Phật dạy pháp cốt tủy của Pháp ngắn gọn (It would be well if the Blessed One would teach me the essentials of the Dharma in brief) để thầy này sẽ lui về độc cư ở góc rừng vắng lặng tu tới khi giải thoát hoàn toàn. Cốt tủy của Pháp ngắn gọn? Hiểu là pháp tu nhanh nhất. Đức Phật nói với vị sư: “Hãy nghe, hãy nghe và chú ý lời ta sẽ dạy. Bất cứ những gì không thuộc vào con, và không thuộc vào gì khác, những thứ này nên nhanh chóng xóa bỏ và buông bỏ…” Đó là hãy xóa bỏ và buông bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức…” đó là pháp ngắn gọn.

20) Đọc tạng Pali: Đừng trụ pháp nào (Ưng vô sở trụ).
           
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, bản dịch của Tỳ Kheo Thích Duy Lực, Chương 10. (Trang Nghiêm Tịnh Độ). Không trụ vào bất kỳ nơi đâu, không trụ vào bất kỳ pháp nào, xa lìa tất cả những dính mắc… Pháp “ưng vô sở trụ” thường được dịch trong tiếng Anh là “non-clinging” hay “free from clinging”…
Lời dạy “Ưng vô sở trụ” có ở trong Tạng Kinh Pali không? Có thể trả lời ngắn gọn rằng, lời dạy này ghi rất nhiều lần trong trong Tạng Kinh Pali và ưng vô sở trụ là pháp tối thắng.
           
Về “Bước Qua Bờ Bên Kia” phải hiểu là pháp để tới Niết Bàn. “Cội nguồn của nhóm kinh Lối Đi Qua Bờ Kia được Thanissaro Bhikkhu giải thích trong bài “The Parayana Vagga: The Chapter on the Way to the Far Shore” (5) rằng một nhóm 16 đạo sĩ trẻ, học trò của một đạo sĩ Bà La Môn có tên là Bavari, tới tham vấn với Đức Phật, hỏi về cách nào để giải thoát tối hậu. Đức Phật trả lời tuần tự từng câu hỏi của 16 đạo sĩ, trong đó có một số vị đã thiền tập mức độ cao. Nhóm kinh Cula Niddesa ghi rằng, nghe xong các câu Đức Phật trả lời, 15 đạo sĩ đầu tiên tức khắc trở thành bậc A La Hán; trong khi đạo sĩ thứ 16 là ngài Pingiya đạt Pháp Nhãn, nghĩa là quả Dự Lưu. Tuy nhiên, bộ luận về Cula Niddesa ghi rằng ngài Pingiya đắc thánh vị thứ ba, tức quả Bất Lai.

Đức Phật trong nhóm kinh này nhắc đi nhắc lại hình ảnh dòng nước lũ – trận lụt của sinh, già, chết; của nỗi buồn và thương khóc; của căng thẳng và đạu khổ. Như Lai nói rằng pháp tu là phải tìm đường vượt qua dòng nước lũ lụt để tới bờ bên kia. Tất cả vướng mắc đều làm chúng ta bị cuốn chìm theo dòng nước lũ.” Và giới luật “Giới luật được giải thích là phải ly tham dục, giữ tâm trong sạch và vắng lặng, tỉnh giác khéo léo trong mọi trường hợp.”
           
Vậy thì ứng dụng trong đời thường các pháp trên ra sao? Tác già nói rằng, “Trong khi chư tôn đức tăng ni phải học rất nhiều – như học về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và thiên kinh vạn quyển – người cư sĩ chúng ta không có nhiều thì giờ, do vậy nên học những pháp ngắn gọn, có thể ứng dụng hiện tiền… sao cho đi đúng hướng và có sự an lạc tức khắc. Nghĩa là, một phút tu, là một phút an lạc. Và trong khi làm việc, giao tiếp ngoài đời… chúng ta tất sẽ gặp những hoàn cảnh bất như ý, nên tu làm sao có thể giữ tâm an trong mọi hoàn cảnh. Trong xã hội, không phải nghề nào cũng hợp với chánh mệnh. Khi bạn thọ giới, sẽ được vị thầy giải thích.  Nhưng dễ sanh tâm phan duyên nhất là ở nghệ thuật sân khấu, nơi nhan sắc và âm thanh dễ làm lay động lòng người. Nếu bạn nhìn cảnh sân khấu trước mắt, hay đang nghe ca sĩ hát, hãy tự suy nghĩ rằng Đức Phật đã dạy là không nên sinh tâm trụ vào tất cả những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc nơi thân, và ý thức…  Suy nghĩ như thế, chính lúc đó, bạn thực sự là người vẫn còn đứng trong dòng nước lũ, nhưng đang vững chắc bước dần sang bờ bên kia.”

21)Bài kinh tuấn mã và Thiền Tông:
           
Tác giả nói rằng, “Bài viết này sẽ phân tích, trích dịch và đối chiếu Kinh Thiền Tập Tuấn Mã trong Kinh Tăng Chi Bộ, cũng như sẽ nói sơ lược về yếu chỉ truyền pháp của Thiền Tông.”
           
Trong Kinh Tuấn Mã, Ngài Rahula (La Hầu La) được dạy rằng hãy thiền tập như đất, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... vì đất đón nhận tất cả những gì quăng vào mà không phiền muộn; rằng hãy thiền tập như nước, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... bất kể dân làng đi tới dòng nước giặt rửa mọi thứ dơ và sạch; rằng hãy thiền tập như lửa, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như lửa sẽ thiêu ra tro mọi thứ quăng vào dù sạch hay dơ; rằng hãy thiền tập như gió... để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như gió sẽ thổi bay đi mọi thứ sạch hay dơ; rằng hãy thiền tập như hư không, để tất cả những ưa và ghét không dính gì trong tâm... hệt như hư không không trụ vào bất cứ nơi nào.”

Đức Phật còn nói thêm, “…một người như con ngựa giỏi… Vị này không thiền dựa vào đất… không dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, nhận biết, tìm tới, tìm theo và được khảo sát bởi tâm. Và như thế, vị đó thiền…”

Tác giả nói răng, đây thực sự là kinh đốn ngộ đốn tu. Trong khi đa số các Kinh trong Tạng Pali đều nói về niệm “cái bây giờ và ở đây” nhưng Kinh Tuấn Mã ghi rõ lời Đức Phật dạy rằng ngay cả khi niệm “cái bây giờ và ở đây” như thế cũng chỉ là pháp của ngựa hoang, còn ngựa giỏi thì sẽ không niệm về nơi nầy, không niệm về nơi kia, không niệm về đời này, không niệm về đời sau, không niệm về thấy nghe hay biết, không niệm một chỗ nào để y cứ hết.

Tại Việt Nam có truyền thống Thiền Trúc Lâm còn Phật Giáo Tây Tạng có các pháp Mahamudra, Dzogchen. Đều là truyền thống Thiền Tuấn Mã như Đức Phật dạy trong Kinh Sandha Sutta nêu trên. Còn Thiền Tào Động và Lâm Tế tác giả trình bày như sau:

- Thế nào là Mặc Chiếu Thiền của Tào Động?

Thiền sư Thánh Nghiêm (1930-2009) giải thích về Mặc chiếu thiền, qua lời cao đồ là Guo Gu nói trên tạp chí Lion's Roar ngày 12 tháng 8-2016, xin mời đọc và đối chiếu với Kinh Sandha nêu trên:

“The ultimate way to practice silent illumination is to sit without dependence on your eyes, ears, nose, tongue, body, or mind. You sit with­out abiding anywhere, fabricating anything, or falling into a stupor. You neither enter into meditative absorption nor give rise to scattered thoughts. In this very moment, mind just is— wakeful and still, clear and without delusion.” (2)

Dịch:

“Cách toàn hảo để thực tập mặc chiếu là ngồi mà không dựa vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Bạn ngồi mà không trụ vào bất cứ nơi nào, không nghĩ tưởng bất cứ gì, cũng không rơi vào hôn trầm. Bạn không nhập định, cũng không để cho khởi niệm tán loạn. Trong khoảnh khắc này, tâm là như thị - tỉnh giác và lặng lẽ, tỏ tường và không ảo giác.”

-Thế nào là tham công án của Thiền phái Lâm Tế?

Pháp này là phương tiện của đời sau, có lẽ là từ thế kỷ thứ 10 mới có. Công án là một sự tích, một chuyện xảy ra trong Thiền Tông, mang ý nghĩa khó hiểu với người chưa ngộ. Thoại đầu là một câu khó hiểu. Các vị thiền sư Trung Hoa nhận ra rằng quá ít học trò có thể vào được kinh nghiệm giác ngộ, nên dùng phương tiện, yêu cầu học trò tham công án, hay tham thoại đầu (gọi tắt là: tham thiền), để dùng làm viên gạch dộng cửa. Có khoảng 1,700 công án được dùng để yêu cầu học nhân tham cứu, ghi lại trong các sách, nổi tiếng nhất là hai cuốn Vô Môn Quan, Bích Nham Lục…

22) Đơn sợ, lặng lẽ, rỗng rang, gương sáng:
           
Về cái “rỗng rang” tác giả lấy thí dụ: Nghe câu hát “trầm hương đốt, xông ngát mười phương” (của bản nhạc Trầm Hương Đốt)” bạn có muốn nghe trở ngược nốt nhạc nào trong đó cũng không được, vì lời phát ra là biến tức khắc rồi. Và cái được nghe đó là vô thường, là vô ngã, là bất như ý, là rỗng rang không một pháp.

Từng âm thanh hiện lên trong tâm gương sáng rỗng rang. Từng khoảnh khắc như thế, là thấy Tánh. Tức là thấy các pháp vốn vô tự tánh. Thấy các pháp hiện lên và biến mất trong gương tâm rỗng rang rực sáng và lặng lẽ. Đó là Thiền Tông: yêu cầu trước tiên, phải Thấy Tánh, sau đó là bảo nhậm liên tục. Còn về Tịnh Độ, tác giả nói rằng, “người tu Tịnh Độ phải giữ giới nghiêm trì, niệm niệm tỉnh giác nhận ra âm vang hiện rồi biến trong tâm, tất nhiên sẽ thấy không  nơi nào vọng niệm khởi lên được. Đó là thành tựu rồi, vì xa lìa tham, xa lìa sân tức nhiên (theo Tạng Pali) là tự thân đã vào cõi tịnh độ rồi.”

23) Đức Phật dạy pháp thấy Tánh:
           
Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy chứ không phải do các Tổ ở Trung Hoa chế ra. Nói nguyên thủy vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông lấy từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.

Về pháp thấy Tánh, tác giả trình bày một đoạn như sau: “Nhìn như bọt nước, nhìn như cảnh huyễn? Đó là pháp Thấy Tánh. Đức Phật bảo phải nhìn, không bảo phải ngồi rèn luyện công phu. Ai thấy tất cả các pháp cõi này như thế trọn ngày, tự nhiên, là không còn pháp nào dình vào tâm nữa, và tức khắc giải thoát vì không gì buộc nữa.”

Về Thiền Mindfulness” (Thiền Chánh Niệm) tại Mỹ, tác giả trích dẫn một đoạn trong Kinh Kim Cang , “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc” để nhắn nhủ rằng, “ Nếu cứ nói là “giữ tâm hiện tại” có khi sẽ mắc mưu các bác sĩ Mỹ chỉ muốn dùng “mindfulness” để chữa bệnh và tìm cái khoái lạc hiện tại ở cõi này. Tác giả nói thêm, “Một yếu tố nữa, khi tập Thiền Chánh Niệm, chúng ta có thể sẽ thấy cảm thọ tinh tế hơn – thí dụ, ăn sẽ thấy hương vị ngon hơn, trong khi nhai thật chậm và chú tâm quán sát thật kỹ. Nếu chỉ như thế, sẽ dính mãi với cuộc đời này. Và như thế, Thiền sẽ trở thành một dạng ma túy. Khi người viết còn ở Việt Nam nhiều thập niên trước, một lần đã nghe Thầy bổn sư dạy rằng: “Khi nào mê cảnh thiền định, chớ ngồi nữa. Do vậy, để thoát khỏi quyến rũ chệch hướng, luôn luôn phải lấy Bát Chánh Đạo làm kim chỉ nam.”

Theo tôi, “biết cái hiện tại” nhưng không lưu giữ nó và xả bỏ ngay lập tức mới là “mindfulness”.

24) Nhìn tâm như gương sáng:
           
Đọc trong Kinh Tăng Chi Bộ AN 1.49-52, một lần, Đức Phật dạy: “Các sư, chói sáng là tâm này. Và nó bị nhiễm trần vì phiền não bám vào. Các sư, chói sáng là tâm này. Và nó được giải thoát xa khỏi phiền não bám vào...”

Trong Kinh Tăng Chi Bộ AN 10.51, Đức Phật nói rằng người tu phải khéo léo tự quan sát tâm hệt như một thiếu nữ xem xét khuôn mặt hiện lên qua một tấm gương hay qua một tô nước trong, để sẽ lau bụi nếu thấy lấm trên mặt; và nếu thấy khuôn mặt không dính bụi, tất sẽ tự hài lòng.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ AN 5.193, Đức Phật nói rằng người tu hãy để tâm lắng xuống như nước trong, khi cặn lắng, bất giờ mới tự thấy khuôn mặt của mình.

Như vậy, cốt tủy của cả ba bản kinh trên đều nói về tâm, tức là khả năng nhận biết của chúng ta. Đức Phật nói rằng, tâm vốn thực là tánh chiếu sáng, và cần lắng tâm thì mới làm cho sạch bụi được.

25) Bản lai vô nhất vật:

Tác giả mô tả thời niên thiếu như sau,” Tôi đã lớn lên cùng với những dòng Bát Nhã Tâm Kinh. Những lời ‘sắc bất dị không’ đã nghe âm vang như tiếng mõ ban mai, như tiếng tim đập của những ngày vui và của những đêm buồn, như tiếng mưa rơi mái hiên trong những buổi chiều ngồi đọc thơ Nguyễn Du.” Thế nhưng, nhiều thập niên sau, tôi ngạc nhiên khi nhận ra một số người dị ứng với Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Pháp Bảo Đàn. Lý do, họ nói, vì không nằm trong Tạng Pali.”

Để giải quyết vấn nạn này tác giả đã chọn cách đơn giản hơn là tìm đọc bằng tiếng Anh; một phần vì hiện nay đã có nhiều bản Anh dịch, và có thể đối chiếu. Và, “Điều thấy được là không có gì bí mật, Bát Nhã Tâm Kinh đã nằm sẵn trong Kinh Pali. Và đây là một dạng cô đọng của thiên kinh vạn quyển.” Theo tác giả, “Đức Phật cũng đã dạy “Bản lai vô nhất vật” và Lục Tổ Huệ Năng chỉ tuyên thuyết lại lời Đức Phật với một cách  riêng. Trong Tiểu Bộ Kinh, Sn 5.15, Đức Phật dạy rằng hãy  quán sát các pháp là không, rằng không hề có một ngã nào. Nơi kinh này, Đức Phật nói rằng Không chính là Vô Ngã.” Và Đức Phật cũng giảng giải về “sắc bất dị không” như sau:
          
“Một lần, Đức Phật tới với những người dân thành phố Ayojjha bên bờ Sông Hằng. Nơi đó, Ngài nói với các sư: Các sư, giả như một chùm bọt sóng lớn đang trôi trên sông Hằng, và một người mắt sáng thấy nó, quán sát nó và khảo sát nó đúng pháp. Với người này thấy nó, quan sát nó & khảo sát nó đúng pháp, nó sẽ hiện ra là rỗng, là không, là không có gì hết: vì làm gì có cái gì trong chùm bọt sóng đó chớ? Cùng một cách như thế, một vị sư nhìn thấy, quan sát & khảo sát đúng pháp bất kỳ sắc nào trong quá khứ, tương lai, hay hiện tại; dù là trong hay ngoài; hiển hiện hay mơ hồ; bình dân hay tôn quý; gần hay xa. Đối với vị này – nhìn thấy, quan sát & khảo sát nó đúng pháp – nó sẽ hiện ra là rỗng, là không, là không có gì hết: vì làm gì có cái gì trong cái sắc đó chớ?”

Bởi vậy, “Ngài Trần Nhân Tông mới có thơ rằng, hễ dính vào câu Có, câu Không... đều hệt như lấy tuyết làm nón, như lấy hoa làm giày, như ôm gốc cây đợi thỏ.”

26) Ai giữ gìn tâm nguyên sơ?

Trong chương này tác giả nhớ lại thời ấu thơ sống bằng mộng mơ và huyền thoại. Đã có lúc tưởng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, rằng các Lạt Ma, các sư Tây Tạng có phép thuật thần thông, rằng pháp ngồi Thiền cho tuyết rơi phảỉ tan chảy, hay chạy như bay trên các rặng núi. Rồi học môn võ Thần Quyền để tiếp cận với thế giới phi nhân, qua những câu thần chú được nói là của các ông lục người  Khmer. Rồi tập pháp thiền Raja Yoga để rồi tuyệt vời là khi gặp thầy Tịch Chiếu ở Chùa Tây Tạng Bình Dương. Rồi tác giả tâm sự cuộc sống ở hải ngoại,  “Tôi sống bằng nghề làm báo, nên sóng gió đời thường nhiều lắm, chỉ lấy Phật pháp làm niềm vui tối thượng. Nhiều khi, chỉ vì vài lỗi in ấn, như bản tin bị mất phần sau hay cách viết khó hiểu, hay các lỗi tương tự... là bị độc giả điện thoại vào, rầy mắng liên tục. Họ bỏ ra 25 cents mua báo, và có quyền như thế; đây cũng là đất nước của tự do. Thêm nữa, mỗi lần thấy một Linh mục hay Mục sư bước vào tòa soạn, nhờ phỏng vấn cho một sự kiện, tôi rất mực trân trọng vì không muốn độc giả nào nghĩ rằng có sự kỳ thị nào nơi đây … Niềm vui cũng là những khi tôi dịch sang Anh văn các thơ văn của Inrasara, của Nguyễn Lương Vỵ, của quý thầy Tuệ Sỹ, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Thích Nhật Từ, Thích Nhuận Thường, Sư Cô Huệ Trân...”

Rồi trong cái cuộc sống quay đảo nhức đầu của nghề làm báo phải theo dõi các diễn biến toàn cầu, “Có những khoảnh khắc trong ngày, chúng ta thấy tâm mình không tham, không sân, không si... có phải đó là khoảnh khắc của Niết Bàn? Có phải giây phút đó là Thấy Tánh hay đốn ngộ (nếu muốn sử dụng chữ này)?  Không dám khẳng định. Tôi luôn luôn sống gần với tâm của một đứa trẻ sơ sinh, dù là đọc và học rất nhiều, và vẫn tránh chuyện tranh cãi, vì cần để tâm lực cho quá nhiều chuyện đời thường trong ngày. Tâm trẻ sơ sinh là không trụ tâm vào đâu cả, là vô sở trụ, tôi tập như thế từ lâu rồi, dù là vẫn đang làm mọi thứ phải làm trong đời.”

27) Thân cận với tánh Không:
           
Trong chương cuối cùng này tác giả cho biết có nhiều “kỷ niệm” với Tánh Không qua các Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang.

“Rồi khi gặp kinh Majjhima Nikàya (The Shorter Discourse On the Destruction of Craving" (MN-37), tôi vui sướng vô cùng vì gặp lại âm vang của Kinh Kim Cang.

Rồi “Cố Hòa Thượng Nhẫn Tế có pháp danh Tây Tạng là Thubten Osall Lama) đã dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, trong đó, nơi Quyển VII, có ghi câu nói của Thiền Sư Trường Sa. Tổ Trường Sa nói : “Lìa Sắc cầu thấy, chẳng phải Chánh Kiến. Lìa Thanh cầu nghe, đó là nghe tà” nghĩa là muốn lìa “sắc tướng” mà lại thích thấy/nhìn cái này cái kia thì đó chẳng phải Chánh Kiến. Còn muốn xa lìa âm thanh mà lại thích nghe, nghe chuyện đời, nghe nhạc…đó là “nghe tà”. (Câu nói này siêu quá!). Đạt tới trình độ khi “cái thấy” chỉ là “cái thấy” chắng có ý nghĩa gì. Khi “cái được nghe” chỉ là “cái được nghe” chẳng mang tướng tính gì…thì đại ngộ và giải thoát.
           
Rổi tác giả kể với Hòa Thượng Thường Chiếu, đã viên tịch, ngôi chùa ở Đồng Ông Cộ, Gia Định, nơi nhiều thập niên trước tác giả thường đi xe đạp tới thăm. Ngài thường nói: “Phải tới đầu sào trăm trượng, rồi bước thêm một bước nữa. Điều đó có nghĩa là đã bước tới đầu sào trăm trượng rồi (đã thiên kinh vạn quyển rồi, đã công phu hôm sớm rồi ) nhưng phải bước thêm bước nữa vào khoảng không chới với (vào Tánh Không) thì mới ngộ đạo và chứng quả Thiền. Tôi không biết Thầy Thường Chiếu đã dạy các bạn đạo của tôi thế nào, nhưng Thầy không dạy tôi ngồi, không dạy tôi hít thở.”

Và cuối cùng, tác giả đã sáng tác vài câu thơ để cúng dường Tam Bảo và cũng để cảm ơn độc giả đã đọc những lời “vụng về” này vì  Nguyên Giác còn là một nhà thơ.

Cúi đầu đi biền biệt
Tóc rất xanh một thời
Như dường qua trăm kiếp
Nhìn lại tóc trắng rồi
 
Trân trọng ghi từng chữ
Làm mới những dòng thơ
Thắp hương trăm nghìn chữ
Thành hoa qua kia bờ.

Kết Luận:

Từ nhỏ vốn đã được tông truyền về Phật pháp, qua Mỹ, Nguyên Giác lợi dụng sự thông thạo tiếng Anh đã nghiên cứu kinh tạng Pali được dịch ra Anh Ngữ, cho nên trong sách này chúng ta thấy tác giả trích dẫn rất nhiều đoạn kinh Pali viết bằng tiếng Anh. Đây cũng là một công phu so sánh lời Phật dạy ghi trong kinh tạng Bắc Truyền (Bắc Tông) cũng chẳng khác gì với kinh tạng Pali.

Mục đích của cuốn sách này là trình bày các tông phái Thiền kể cả Thiền Tỉnh Thức đang thịnh hành tại Hoa Kỳ để cho thấy tính cách độc đáo của Phật Giáo, ngoài pháp môn tiệm tu còn có đại thừa đốn giáo mà Thiền là tiêu biểu. Tuy Thiền ngày nay đang trở thành phương thuốc “trị bá bệnh” trong thế giới Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thế nhưng tác giả nhấn mạnh rằng Thiền phải đi liền với Giới. Phá Giới thì Phật Giáo suy tàn hay biến mất trong vài thập niên.

Qua sự sưu tầm dữ kiện rất công phu và thận trọng, tác giả đã cống hiến cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của Phật Giáo trên quy mô toàn cầu. Không nghi ngờ gì nữa, Phật Giáo - mà nổi bật là Thiền Tông đã chinh phục được lòng người, đã trở thành viên thuốc hiệu nghiệm cứu chữa những căn bệnh do thời đại văn minh gây ra. Từ đó Phật Giáo được nhìn như một tôn giáo nhân bản, thực tiễn, hòa bình và bao dung. Bao dung được cả những người Vô Thần, những người khác tôn giáo, kể cả Do Thái Giáo, không phân biệt phái tính, màu da và đẳng cấp xã hội. Phật Giáo như biển cả có thể dung chứa được cả trăm con sông đổ vào.

Do căn tính đặc biệt, người Mỹ và Âu Châu ưa chuộng Thiền và Mật Tông Tây Tạng. Một số vị đã thực sự chứng đắc nhưng đại chúng vẫn ở mức Thiền Thế Tục. Nhưng như thế cũng là quý hóa lắm. Riêng cá nhân tôi, rất mực kính trọng Thiền Tông và nghiên cứu về Thiền. Nhưng do căn cơ, lại thích tụng kinh, niệm Phật  tức pháp môn Tịnh Độ. Nhưng trong lòng, tôi vẫn cảm nghiệm được tất cả những gì Chư Tổ dạy dỗ và thấy rằng dù Thiền hay Tịnh Độ vẫn đưa chúng ta đến cứu cánh an vui và giải thoát.

Đây là cuốn sách không thể thiếu vắng trong các giảng đường hay tu viện Phật Giáo. Sách không bày bán ở các tiệm. Muốn có sách xin quý vị vào: amazon.com:books rồi đánh máy tiếng Việt không dấu: nguyen giac hoặc thien tong qua bo kia. Quý vị sẽ có một cuốn sách quý để đọc hay món quà tinh thần để tặng bạn bè.

Trân trọng giới thiệu.
Đào Văn Bình 
(California ngày 20/10/2017)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp