Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 - các quan ta tiếp đãi Simon, thuyền trưởng chiến hạm Le Forbin, đến Đà-Nẵng yêu cầu triều đình gửi Toàn quyền đại thần vào Gia-định thương thuyết. Thông ngôn: Trương Vĩnh Ký và Cố Trường (Le Grand de la Liraye)
Nguồn ảnh và chú thích: chimviet.free.fr
Trên facebook của Nguyễn Lương Hải Khôi (1) có đưa ra nghi vấn một số văn bản của ông Vũ Ngự Chiêu [trong bài viết Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898) trên điện thư Hợp Lưu (2)] cáo buộc Trương Vĩnh Ký về tội phản quốc.
Theo ông Khôi, tính chất trung thực của tài liệu và tác giả của các tài liệu ấy cần được kiểm chứng. Tôi không phải là Vũ Ngự Chiêu để phản hồi ý kiến của ông Nguyễn Lương Hải Khôi, nhưng hôm nay có chút thì giờ rảnh, tôi xin góp một số ý kiến xung quanh vấn đề nói trên như sau:
Tính trung thực và tên tác giả của tài liệu
Có ba tài liệu quan trọng nhất để cho thấy Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một tên đại phản quốc.
Tài liệu 1: Thư viết tay vào tháng 3.1859 (gửi Soái phủ Pháp) kêu gọi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta. Trương Vĩnh Ký chết năm 1898, nghĩa là 39 năm sau hành động không thể chấp nhận ấy. Họ Trương không hề đính chính, ngược lại, ông ta còn hăm hở quyết liệt là khác, chứ đâu cảm thấy bị hàm oan. Và trong một khoảng thời gian gần nửa đời người như thế, không nghe ai có ý kiến cho rằng thư ấy là của một tác giả khác, có tên hao hao giống ông Trương Vĩnh Ký người mà chúng ta đang thảo luận.
Vả lại, lúc viết thư gởi cho Soái phủ Pháp, có ai hơn hay ngàng hàng với TVK về chất lượng não bộ và ngoại ngữ. Nếu có thì người ấy là ai? Có sử sách nào nghi vấn?
Phóng ảnh tài liệu do tác giả Vũ Ngự Chiêu sưu tầm có thể xem ở “Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại", Chánh Đạo, Tập I (1892-1924), in lần thứ hai. Văn Hóa, Hoa Kỳ [Một phần bản sao online có đăng trong “Trương Vĩnh Ký Phản Bội Tổ Quốc, Sao Gọi Là Nỗi Oan Thế Kỷ”- Bùi Kha].
Vì thế mong rằng không nên có ai chỉ vì một cảm tình nào đó mà kiếm cách chạy tội phản quốc cho họ Trương. Có chăng là chỉ một mình ông Nguyễn Đình Đầu và nay có thêm ý kiến ông Khôi.
Tài liệu 2: Chuyến đi Bắc Kỳ
“VOYAGE TO TONKING IN THE ẤT HỢI, 1876 by
P.T.B. Trương- Vĩnh- Ký
Translated and Edited
by P.J. Honey
Reader in Vietnamese Studies in the University of London
SCHOOL OF ORIENTAL AND AFRICAN STUDIES UNIVERSITY OF LONDON, Malet St.
London WCIE 7HP. 1982”
Chuẩn xác của việc dịch thuật như thế nào, có lẽ chúng ta chưa cần thảo luận ở đây.
Tác giả có phải là ông Trương Vĩnh Ký không? Trả lời: Có.
Lý do: Một thư mật, đầy tâm địa việt gian, mà TVK gởi cho tướng Bossant, Quyền thống đốc, sau cuộc hành trình ra Bắc vào năm 1876. Và TVK chết năm 1898 (22 năm sau). Trong thời gian 22 năm, ông TVK không hề lên tiếng đây là “một TVK khác chứ không phải tôi”. Nếu giả thiết là như vậy, thì ông TVK “số 2” là ai? Chúng ta cũng chưa hề nghe có ai, kể cả các viên chức của chính phủ Pháp ở Đông Dương, có ý kiến về một TVK số 2.
Nội dung các bản tường trình, nếu đối chiếu với các văn bản viết tay, thư qua lại giữa TVK và chính phủ Pháp tại Việt Nam thì có thể biết chỉ có một tác giả độc nhất là ông TVK chứ phải một ai khác.
Thời Trương Vĩnh Ký, đa số văn thư viết tay vì máy chữ chưa thông dụng. Do đó dễ nhận ra tác giả của các văn thư phản quốc, hại dân chỉ là một người. Đó chính là ông Trương Vĩnh Ký.
Tài liệu số 3: Chính Trương Vĩnh Ký (ngày 12.1.1882) chứ không phải người nào khác, đã cho biết, ông soạn và xuất bản “các tác phẩm là nhằm mục đích giúp Pháp biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”(Vui lòng xem chú thích trong bài “TRƯƠNG VĨNH KÝ PHẢN BỘI TỔ QUỐC, SAO GỌI LÀ NỖI OAN THẾ KỶ”, tác giả Bùi Kha). Nếu đối chiếu nội dung thư nầy và các thư khác của TVK thì không ai có thể chối cãi cho ông ta. Ngay cả hàng tỉ người như ông Nguyễn Lương Hải Khôi cũng có thể bất lực? Thêm vào đó, từ lúc viết thư nầy cho đến lúc chết là 16 năm (1898 – 1882), TVK không hề có lời đính chính nếu cảm thấy hàm oan thì mong rằng không nên có ai làm thế công việc cho TVK điều mà chính ông ta có thể không muốn!
Trên một khía cạnh khác, ông Nguyễn Lương Hải Khôi như có vẻ cho rằng có một ông TVK thứ 2, hao hao giống ông TVK nầy. Sai hoàn toàn. Lý do. TVK là một người học trường đào tạo thông ngôn cho Pháp tại chủng viện Ponolo Penang, Malaysia., và cộng tác đắc lực cho chính phủ bảo hộ Pháp tại Nam Kỳ. Tương truyền và đồn đải là một người được biết 27 thứ tiếng. Do đó, không thể nhầm lẫn với một TVK thứ 2.
Mong rằng những ai cũng như ông Khôi không nên nhọc công tìm kiếm vô ích, vì vô số chứng liệu khó lòng phủ bác. Bách khoa Toàn thư mở cũng xác nhận: “Ông có tên là Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm là Pétrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Pétrus Ký” (3).
Bùi PhúcJan. 12.2017--------------------
Tham khảo
1.- Facebook Nguyễn Lương Hải Khôi: https://www.facebook.com/nguyenluonghaikhoi/...
2.- Vài Tài Liệu Mới Về Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) (1837-1898): http://hopluu.net/...
3.- Bách khoa toàn thư mở - Trương Vĩnh Ký: https://vi.wikipedia.org/
Link http://sachhiem.net