Những nhận xét của tôi dưới đây cũng nhằm cung cấp thêm một lối nhìn cụ thể có chứng cứ rõ rệt qua các cáo buộc thuận và nghịch, hy vọng sẽ soi rọi thêm một lối nhìn có thể chấp nhận được.
1. Nguyễn Vy Khanh viết: “các nhân vật lịch sử và văn hóa Việt Nam liên tục bị hạ bệ, vẽ trấu: Nguyễn Huệ, Gia Long, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, … cũng như một số lãnh tụ, tướng lãnh bất kể phe phái nào”.
- Bùi Kha: Nếu tôi không nhầm thì việc bị “vẽ trấu” chính là hành động ông Nguyễn Vy Khanh sắp chung hai tên phản quốc (Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký) vào danh sách bao gồm cả Nguyễn Huệ, Gia Long, Nguyễn Du. Đó là có hậu ý xấu, và nhằm đánh lạc hướng tung hỏa mù cho độc giả, đen trắng cũng cá mè một lứa?
2. Nguyễn Vy Khanh: “Người ta thường phê phán Trương Vĩnh Ký làm việc với kẻ thù ngoại bang tức người Pháp” như làm thông ngôn cho Hải quân Pháp,…du học từ năm 14 tuổi ở Poulo Penang,…cũng là lúc triều đình vua Tự Đức gay gắt cấm đạo,…Có đạo là một “tội hình”, Trương Vĩnh Ký sẽ làm nghề gì nếu không làm rẫy ruộng, nhưng ông lại mồ côi, không thân thích!...làm việc cho giám mục Lefèbvre,…chính giám mục này đã tiến cử Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho trung tá Hải quân Jauréguiberry, tư lệnh Sài-Gòn. Lúc này thành Gia-Định đã thất thủ,…khí hậu khắc nghiệt tại Đà Nẵng lúc bấy giờ, quân Pháp đã phải rút khỏi Đà Nẵng để vào Nam chiếm thành Gia Định ngày 17.2.1859”. Sau một thời gian ngắn, trung tá hải quân Jean Bernard Jaureguiberry và 800 lính ở lại giữ thành Gia Định, còn Genouilly thì trở ra Đà Nẵng đánh phá lần thứ nhì.
– Bùi Kha: Tôi trích đoạn không đầy đủ lắm, nhưng có thể thấy mấy điểm chính; Trương Vĩnh Ký mồ côi cha mẹ sớm, ông không thể làm nghề nông vì thế mà phải làm bồi Tây. Vua Tự Đức lại “cấm đạo quá xiết”. Thành Gia Định vừa mất do Trung Tá hải quân chỉ huy…Qua những tình thế như vậy, nếu có lương tâm, ai ai cũng thương cho số phận Trương Vĩnh Ký!
Tiếc thay ông Nguyễn Vy Khanh và ông Nguyễn Đình Đầu không đặt một số câu hỏi: a. Tại sao những thanh niên An Nam cùng lứa tuổi với Trương Vĩnh Ký thời bấy giờ có thể sống bằng những nghề lương thiện mà không phải bồi Tây? Họ Trương không những bồi Tây mà lại còn viết thư năn nĩ Tây đánh chiếm gấp nước ta?
b. Tại sao các tôn giáo cùng thời như Khổng, Lão, Phật, Hồi giáo, đạo Ông Bà…không bị triều đình làm khó mà chỉ có đạo Thiên chúa giáo của ông Trương Vĩnh Ký? Về điểm nầy có nhiều ý kiến của các viên chức chính phủ Thuộc địa Pháp tỏ ra công bằng lúc phê phán nhà Nguyễn mà chúng ta sẽ thấy trong bài nầy.
c. Một hành động đặc biệt và rất quan trọng khác là ông Nguyễn Vy Khanh quên viết thời gian nầy (tháng 3. 1859), Trương Vĩnh Ký 22 tuổi làm nghề nông để sống thì không muốn, nhưng có thể viết thư kêu gọi Trung Tá Hải Quân Jean Bernard Jaureguiberry, giúp đỡ để tiêu diệt quân dân Việt Nam mà họ Trương gọi đó là kẻ thù. Thư có đoạn như sau:
“... Nhưng tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Ki-tô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi...nỗi thống khổ mà chúng tôi hằng gánh chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra...Tất cả chúng tôi chắc sẽ chịu chết nếu Ngài không kịp đánh đuổi kẻ thù* của chúng ta...”) [Vui lòng xem thêm Bùi Kha, “Trương Vĩnh Ký Phản Quốc. Sao gọi là nỗi oan Thế Kỷ”? Nguồn: http://tongiaovadantoc.com/c1036/20170109104824781/truong-vinh-ky-phan-boi-to-quoc-sao-goi-la-noi-oan-the-ky.htm, http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha25b_TVK.php.
Thực sự vua Tự Đức có tàn ác với Giáo dân không? Vui lòng đọc ý kiến của đô đốc Page “…các giáo dân, do các giáo sĩ lãnh đạo ngày càng xấc xược ngạo mạn đến mức độ họ không thèm biết đến cả chính quyền địa phương. Họ công khai nổi loạn, họ tuyên bố người Ki-tô giáo không thể vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác...” (Nguyễn Xuân Thọ, “Bước Mở Đầu của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp ở Việt Nam – 1858-1897”, tác giả xuất bản, Hoa Kỳ 1995, trang 86. Phần tiếng Pháp có thể tìm thấy trong Thư khố Pháp, tài liệu Hải Quân số hiệu BB4-77. Để tránh bài quá dài, nên tôi không ghi phần tiếng Pháp vào đây).
Thư đề ngày 29.1.1859.
Đô đốc Genouilly cũng viết: “Không một nền cai trị nào, dù là phục vụ đạo Ki-tô, lại có thể dung thứ cho sự xâm phạm thường xuyên và ngu xuẩn vào các vấn đề chính trị, dân sự và quân sự vốn không được và không phải thuộc quyền hạn của họ (các giáo sĩ – BK)…
(Fut-elle au service de l’intérêt chrétien, ne pouvait tolérer leur intrusion permanente et insolente dans les affairs politiques, civiles et militaires qui se sont et ne doivent pas être de leur resorts).
Rất mong ông Ngyễn Vy Khanh nên thành thật lúc cầm bút.
3. Nguyễn Vy Khanh tiếp: “Theo một tài liệu ông Nguyễn Đình Đầu mới tìm thấy, “Trương Vĩnh Ký từng tỏ ra dù hợp tác với Pháp, vẫn cho họ biết ông có con đường của ông.”
[Con đường nào, tài liệu nào, không thấy 2 ông trưng dẫn?].
Ông Khanh tiếp: “...thư của chỉ huy trưởng D’Ariès gửi đô đốc Charner … đề cử Trương Vĩnh Ký: “trong số người Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta chỉ có một người tên là Petrus Ký là biết khá rành rẽ có thể giữ các chức vụ Ngài muốn thiết lập bên cạnh các thẩm quyền quân sự của chúng ta”, …nhưng “D’Ariès than phiền thái độ hợp tác lơ là” của Trương Vĩnh Ký… “Dù vậy vị tổng chỉ huy Charner nói trên vẫn chọn Trương Vĩnh Ký và đưa ra các điều kiện để D’Ariès chuyển lại họ Trương “40 đồng một tháng và phải luôn có mặt tại Sài-Gòn”. Nhưng Trương Vĩnh Ký không chấp thuận điều kiện đó …“Tính kiêu căng và các yêu sách của ông ta hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng về ông ta.”
-Bùi Kha: Các trích đoạn trên của ông Nguyễn Vy Khanh muốn chứng minh Trương Vĩnh Ký có lối nghĩ của riêng ông chứ không hoàn toàn theo Tây? Lập luận của ông Khanh không có tính thuyết phục. Thật vậy, chẳng có “lối nghĩ riêng” nào khác hơn là “tính kiêu căng của ông Trương. Chính chỉ huy trưởng D’Ariès trong đoạn trích trên đã nói …“Tính kiêu căng và các yêu sách của ông ta hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng về ông ta” Tính kiêu ngạo của Trương Vĩnh Ký có thể họ Trương ỷ vào công lao to lớn vì đã viết thư kêu gọi Pháp đánh chiếm Việt Nam? (tháng 3. 1859) mà chỉ được trả 40 đồng một tháng thay vì 110 đồng mà họ Trương đòi.
Thêm vào đó, tôi tìm thấy 2 trong nhiều bản báo cáo của văn phòng Thuộc địa Pháp về Trương Vĩnh Ký như sau (tóm lược):
- 1875 “SỞ ĐỊA PHƯƠNG – GIÁM ĐỐC NỘI TRỊ, PHIẾU ĐIỂM CÁ NHÂN. Trương Vĩnh Ký”. Ghi chú của ban Giám đốc. Cung cách phục vụ: “Rất đúng giờ và rất chăm chỉ”.
“Rút cục, đó là người An Nam Pháp – hóa duy nhất mà chúng ta có, và gương mẫu, sự trợ giúp của ông thật đã rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung”. Đề nghị Bội Tinh.”[Giao Điểm, tr.315-316]. Một phiếu điểm khác của Trương Vĩnh Ký 20 năm sau:
- 1894 “Cộng Hòa Pháp Phiếu điểm cá nhân”. “Trương Vĩnh Ký, Bắc đẩu bội tinh, Nhà ngữ học”.
Nhận xét tổng quát của Chủ sự “Ông Trương Vĩnh Ký luôn luôn phục vụ nhà nước công tác tốt…công tác của ông thật quý báu.” [Giao Điểm, tr. 317&318].
Hai ông Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Vy Khanh nên cho độc giả biết “Trương Vĩnh Ký kêu căng và có con đường riêng chỗ nào?”
4. Nguyễn Vy Khanh: “Trương Vĩnh Ký ra Đà Nẵng làm thông ngôn trong việc ký hoà ước và đòi bồi thường chiến phí này, ông đã tỏ ra có khả năng nghị luận và thẳng thắn khi phải tế nhị giữa hai bên, đã được cả hai phe để ý”… Cho nên tháng 6-1863 cụ Phan Thanh Giản đã yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn đi Paris và Madrid xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông”.
-Bùi Kha: Một người đã khẩn khoản xin Pháp đánh chiếm Việt Nam gấp. Pháp đã thực hiện. Thế mà Trương Vĩnh Ký lại còn được ông Nguyễn Vy Khanh và Nguyễn Đình Đầu khen ông ta “tỏ ra có khả năng nghị luận và thẳng thắn khi phải tế nhị giữa hai bên, đã được cả hai phe để ý”. Có ai tin và chấp nhận lời khen nầy cho một người nguyện làm công cụ cho Tây và viết thư kêu gọi thực dân đánh chiếm nước ta?
5. Nguyễn Vy Khanh viết “Tấn công Bắc-kỳ lần thứ nhất (1873), người Pháp đều gặp nhiều khó khăn vì người Việt theo đạo Thiên-Chúa đã không hưởng ứng nổi dậy làm nội ứng như người Pháp tiên liệu”.
- Bùi Kha: Mặc dù ông Nguyễn Vy Khanh không trưng dẫn tài liệu, nhưng trường hợp nầy xảy ra chỉ có một lần đó mà thôi.
6. Nguyễn Vy Khanh: “Cho nên tháng 6-1863 cụ Phan Thanh Giản đã yêu cầu Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn đi Paris và Madrid xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông”.
-Bùi Kha: Hai ông đúng là “bạn tri kỷ”!, Họ Trương đã viết thư năn nỉ Pháp chiếm Việt Nam, dĩ nhiên trong đó có 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, rồi lại cũng chính ông ta được Phan Thanh Giản yêu cầu đi làm thông ngôn để chuộc 3 tỉnh miền Đông ấy!
7. Nguyễn Vy Khanh: “Rồi ba tỉnh miền Tây cũng bị Pháp chiếm nốt. Cụ Phan Thanh Giản đã phải uống thuốc độc tự vận ngày 20-6-1867 sau khi đành nộp thành Vĩnh Long cho Pháp để tránh chết chóc cho người dân vì cụ đã thấy và hiểu ta không thể chống cự lại khí giới tối tân của người Pháp. Trương Vĩnh Ký lựa chọn con đường hợp tác sau mới rõ ra là ảo tưởng vì người Pháp không thực tâm “khai hóa”, nhưng lúc đó, họ Trương không có lựa chọn khác”.
- Bùi Kha: Ông Nguyễn Vy Khanh đánh tráo nguyên nhân và hậu quả. Chính vì những tên bồi Tây như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký và có thể cả Phan Thanh Giản…đánh giá sai lầm hoặc cố ý bi thảm hóa sức mạnh của ta nên một số kêu gọi Pháp đánh chiếm An Nam. Số khác thì kêu gọi hợp tác. Vì thế Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, rồi 3 tỉnh miền Tây. Cuối cùng chiếm toàn thể giang sơn đất Việt.
Chứng cứ về sức mạnh của ta và Pháp: Ngày 27.1.1863 Bonard than thở:
“Lực lượng chúng ta giảm dần vì chết, vì bệnh, vì rút quân, đang bị đuối sức từng ngày, rõ ràng không thể tiếp tục trong sáu tháng một chiến trận như thế này. Chúng ta thiếu Bộ binh, thiếu Hải quân, thợ máy, phương tiện chuyên chở, tất cả trang bị Hải quân chúng ta hoàn toàn cũ mèm mà không có phương tiện sửa chữa; sự vận tải trên đất cũng thành vô hiệu, vì thiếu tài xế cho xe bộ binh, thiếu xe cứu thương, thiếu thực phẩm v.v...”[Notre effectif réduit par les morts, les maladies, les évacuations est accablé de fatigue; chaque jour il diminue; il est matériellement impossible de continuer 6 mois une pareille campagne. Nous manquons d'hommes, de marins, de mécaniciens, de moyens de transport; tout notre matériel naval est complètement usé, et sans que nous ayons les moyens de pouvoir les réparer; les transports par terre sont aussi radicalement anéantis, faute de conducteurs pour le train d'artillerie, les ambulances, les vivres etc..." (Dépêche du 27-1-1863, fol. 295 et 318, CHT, pp.170 & 171)]. Thư đề ngày 21-9-1859, Đô đốc R. de Genouilly cũng viết:
“Càng đi sâu vào tình hình Vương Quốc An Nam, các bức màn càng vén lên, những lời khẳng định dối trá (của các tu sĩ, BK) càng tan biến, không thể không thừa nhận rằng cuộc chiến tranh chống lại xứ nầy còn khó hơn cuộc chiến tranh chống lại thiên triều...” [Tài liệu ĐD, như trên].
Muốn biết thêm tình trạng kiệt quệ của quân Pháp như thế nào, vui lòng xem tác phẩm của Bùi Kha: «Nguyễn Trường Tộ và Vấn Đề Canh Tân», nxb Văn Học, 2011 (http://giaodiemonline.com/2008/12/ngtruongto.htm, http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha01_NTT.php).
8. Nguyễn Vy Khanh: “Trương Vĩnh Ký đi xa hơn và để lại cho hậu thế một gia tài văn hóa quan trọng mà chúng ta nên bình tâm luận xét…” “…Trương Vĩnh Ký chỉ làm báo cho Pháp một thời gian ngắn trong suốt quá trình hoạt động văn hóa của ông”.
“…ông đã có cái nhìn thực tiễn khi cổ động việc sử dụng chữ quốc ngữ để thay thế hai thứ chữ không đến được dân gian”.
“Một trí thức dù theo đạo vẫn không mất gốc, Trương Vĩnh Ký sau này cũng đi theo con đường của ông!”
-Bùi Kha: Cho đến nay, những tài liệu về Trương Vĩnh Ký có thể nói là phần lớn được liệt kê trong 2 tác phẩm có tên là “Trương Vĩnh Ký, nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau”. Giao Điểm xuất bản 2002 tại California, USA [Gọi tắt là Giao Điểm]. Tác phẩm nầy cũng in lại toàn bộ bản thảo “Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký” do nhà nghiên cứu sử Nguyễn Sinh Duy, xuất bản tại Sài gòn tháng 3. 1975. Tác phẩm thứ 2 là "Cuốn Sổ Bình Sinh của Trương Vĩnh Ký" có nhiều tài liệu rất quý, từ trang 93-143 bis và trang 251-285. Tác giả là Nguyễn Sinh Duy, NXB Nam Sơn, Sài gòn in và phát hành tháng 3, 1975. Cuốn sách nầy lại được nhà xb Văn Học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học và báo Hồn Việt, đường Trần Quốc Thảo, TP HCM, tái bản năm 2004, bổ sung thêm nhiều tài liệu và hình ảnh mới.
Để vấn đề được ông bằng và khách quan hơn, tôi trích ý kiến của Gs. Nguyễn Văn Trung, cựu Khoa trưởng đại học Văn khoa Saigon, một trí thức Thiên Chúa Giáo, cùng tín ngưỡng với họ Trương nhận xét mảng văn hóa của Trương Vĩnh Ký như sau:
“Pétrus Ký chỉ có những tác phẩm thuần túy văn hóa nằm trong một chính sách văn hóa của thực dân mà thôi. Tất cả những gì Pétrus Ký đã viết, in đều do chỉ thị của Pháp và do Nhà nước in, thuộc quyền sở hữu của chính phủ thuộc địa, nhằm phục vụ những mục tiêu chính trị thuộc địa trên bình diện văn hóa.
Đó không phải là một quả quyết vô bằng, nhưng dựa trên những sử liệu có thực, đích xác…
Thiên khảo luận của Nguyễn Sinh Duy đã căn cứ vào những tài liệu do Bouchot cung cấp, một người Pháp coi về văn khố, đã dùng những bản báo cáo, thư tín để đề cao Trương Vĩnh Ký.
Gần đây Phạm Long Điền lại tìm được hồ sơ cá nhân của ông Ký lưu trữ ở Văn khố Tòa Đô Chính. Chúng tôi cho trích dịch một số văn thư, phiếu điểm cá nhân để độc giả có thể tự rút ra một kết luận về con người, vai trò, sự nghiệp Trương Vĩnh Ký” [Giao Điểm, “Trương Vĩnh Ký, nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau”. SĐD, trang 139-140].
Bên cạnh những quả quyết của Gs. Nguyễn Văn Trung, chúng ta cũng tìm được một trong nhiều lá thư của chính họ Trương viết: “Thư đề ngày 12.1.1882, từ Chợ Quán "Kính gởi các vị trong Hội Đồng Thuộc Địa", Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm của ông:
"Thưa quí vị, Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn.
Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách Cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam.”(Giao Điểm, tr. 333)..
Lúc cố chứng minh cho bằng được rằng, họ Trương để lại cho hậu thế một mãng văn hóa, ông Vy Khanh không đưa ra sử liệu nào. Tiếp theo là ông Khanh lại muốn chứng minh Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cũng để lại sản phẩm văn hóa cho Việt Nam chứ không phải là người đầu tiên trong lịch sử, vận động Pháp đánh chiếm Việt Nam như sách Giao Điểm cáo buộc. Cũng vậy, ông Vy Khanh chẳng có sử liệu.
9. Nguyễn Vy Khanh viết: “…Chữ “soldats” ở đây [trong cuốn “Hành trình và truyền giáo” của Đắc Lộ trang 263, Bùi Kha chú thích) phải hiểu theo nghĩa thứ nhì là “chiến sĩ” mà phải là “chiến sĩ phúc-âm, nhà truyền giáo”, thứ nữa không nên quên sinh quán của ngài là đất của giáo hoàng! Lính Pháp vào năm 1653 chưa lên đường đi chiếm thuộc địa mà Hội Truyền giáo Paris cũng chỉ được lập sau đó, năm 1661! Những người chỉ tra từ điển thường, đã cố ý bới móc chi tiết với ý bôi xấu, bẻ quặt lịch sử dễ rơi vào cái bẫy kiến thức chủ quan, thiên kiến hoặc ám ảnh paranoiac! Cuốn A. de Rhodes Người Đầu Tiên Vận Động Pháp Chiếm Việt Nam Và Chữ Quốc Ngữ.”
-Bùi Kha: Nhiều người không muốn lịch sử cho thấy là, mà lịch sử phải là, trong đó có ông Nguyễn Vy Khanh. Nghĩa thứ 2 là nghĩa phải cưởng từ đoạt ý lúc dịch thuật? Tôi đã phản biện nhiều người cố tình dịch sai chữ “soldats” để tráo trở lịch sử. Ông Nguyễn Vy Khanh là một trong số đó.
Nhân đây, một lần nữa, tôi tóm lược để ông Khanh không nên lộng ngôn và dịch tùy tiện từ soldat.
Dưới đây là sáu luận điểm để cho thấy quý vị có tên tuổi, đã diễn dịch sai ngữ nghĩa chữ soldat, trong đó có ông Nguyễn Đình Đầu: (Có thể xem thêm, Bùi Kha Phản Biện Bài Viết của GS. Đinh Xuân Lâm Về Nguyễn Trường Tộ): http://sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha20.php)
a. Về Từ Ngữ
Một danh từ có thể đổi nghĩa qua thời đại. Do đó, thay vì chỉ sử dụng cuốn Từ điển Larousse để tra cứu nghĩa của chữ SOLDAT, tôi xử dụng thêm hai cuốn Từ điển xuất bản cùng thời mà ông Alexandre de Rhodes còn sinh sống (1591-1660).
- Cuốn thứ nhất: Dictionnaire, Cotgrave, xuất bản năm 1611, chữ soldat có nghĩa, nguyên văn:
“Soldat: m. A soldier; one that followes the warres”.
- Cuốn thứ hai: Dictionnaire de L’Académie Francaise, 1st Edition (1694), chữ soldat có nghĩa:
“Soldat:s.m.Home de guerre, qui est à la solde d’un Prince, d’un Estat, & c. La terre estoit toute couverte de soldats, il faut reprimer la licence des soldats”.
Xem thế, chữ soldat: giống đực, số ít, có nghĩa là binh lính, người có súng.
Phóng ảnh bìa hai cuốn từ điển nêu trên
Thưa ông Khanh, chữ missionares, mới có nghĩa là lính thừa sai tức là các giáo sĩ. Ông không nên dịch tùy tiện theo ý riêng của mình.
b. Cuốn “Hành trình và truyền giáo,” Đắc Lộ viết: “Trên đường từ Lyon tới Paris tôi nghiệm thấy có sự quan phòng rất đặc biệt của Chúa tôi vẫn coi như kim chỉ nam và mẫu mực. Để ra mắt ở Pháp tôi cần có thiên thần hộ vực để đưa tôi lọt vào triều đình vua cao cả nhất hoàn cầu. Thế là tôi gặp ở Roanne đức Henri de Maupa, giám mục thành Puy, đệ nhất tuyên úy của Hoàng Hậu cùng đi với tôi trong cuộc hành trình nhỏ bé nầy…” (đầu tr. 264). Như thế, Đắc Lộ đã vào trong triều đình, gặp bà hoàng hậu vua Luis thứ XIV, để xin giúp nhiều lính chiến (plusieurs soldats) để chinh phục toàn cỏi Đông Phương (la conquête de tout l’Orient), trong đó có nước ta.
Sự vận động đó chưa thành vào thời điểm của ông, nhưng đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1.9.1858. (Ông Khanh nên đọc kỷ, ít nhất là dòng underline nầy để tránh phê bình sai lạc).
Thêm một lý do khác, hai chữ Plusieurs soldats có nghĩa là lính chiến có khí giới vì Lm Ðắc Lộ vào xin triều đình (chứ không phải vào xin Tòa Giám mục hay xin giáo hội), mà trong triều thì tuyệt nhiên không có “lính thừa sai” mà chỉ có lính chiến mà thôi.
c. Thánh chiến: Giữa trang 264 cuốn “Hành trình và truyền giáo” Đắc Lộ còn viết:
“Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài” (Việt Nam).Thánh chiến hay phàm chiến đều là hành động của người lính có khí giới.
đ. Về Bối Cảnh Tôn giáo và Chính Trị: Từ năm 1493, Giáo Hoàng Alexander VI có cử chi mù quáng xấc xược, cho phép Bồ Đào Nha có quyền “sinh sát” tại các nước Phương Đông. Vì thế, Ðắc Lộ viết rất đúng với hiện thực tôn giáo-chính trị lúc bấy giờ rằng: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ (plusieurs soldats) để đi chinh phục toàn thể Phương Đông (la conquête de tout l’Orient)…”
Tại sao Lm Đắc Lộ không xin Giáo Hội Pháp mà xin nước Pháp? Vì về mặt giáo quyền, Giáo Hội Pháp bị ràng buộc bởi giáo lệnh của Giáo Hoàng Alexander VI từ 1493, như đã nêu trên, nên không thể xin Giáo Hội Pháp lính thừa sai (missionnaires) được.
e. Về Mặt Tâm Lý: Ðắc Lộ (A. de Rhodes) bị Chúa Trịnh đuổi, Chúa Nguyễn đuổi, Trung Quốc đuổi, há ông không xin binh lính (soldats) để phục thù sao? Cuốn “Phép Giảng Tám Ngày”, trang 83, Ðắc Lộ cũng đã biểu hiện tâm chất vô cớ bất bình thiếu văn hóa:
“Như thể có chém cây nào đục cho ngã, các cành ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích Ca, là thằng hay dối người ta, ngã xuống, thì mọi truyện dối trong đạo bụt bởi Thích Ca mà ra, có ngã với thì đã tỏ.”
g. Sứ Mạng Của Một Giáo Sĩ Dòng Tên (Jesuite): Muốn biết thêm giáo sĩ A. de Rhodes có ý đồ chính trị hay không, chúng ta cũng nên tìm hiểu ông được đào tạo và trưởng thành như thế nào qua:
Lời thề của các tu sĩ Dòng Tên trước Giáo Hoàng
…Con xin hứa thêm rằng, lúc có cơ hội, con sẽ tạo ra chiến tranh và tham gia bí mật hay công khai chống lại tất cả những kẻ khác tôn giáo, Tin Lành và Tự Do như con đã được chỉ thị để tàn sát và triệt hạ tận gốc những tên này trên khắp mọi miền của quả đất. Con sẽ không bỏ sót một tên nào; bất kể tuổi tác, giới tính hay hoàn cảnh, con sẽ treo cổ, đốt sống, bỏ vào nước sôi, lột da, siết cổ hay chôn sống những kẻ khác tôn giáo, mổ bụng, moi bào thai trong tử cung vợ chúng và đập đầu những hài nhi vào tường để tiêu diệt vĩnh viển một chủng tộc đáng ghét…
(…I furthermore promise and declare that I will, when opportunity present, make and wage relentless war,...).
Sử liệu cho thấy Linh Mục A. de Rhodes gia nhập Dòng Tên lúc 19 tuổi (1612), ông đến Macao năm 1623, Nam Kỳ Việt Nam năm 1645. Thời gian 22 năm ở các nước Á Châu, qua về Âu Châu. Trong suốt thời gian này ông không bị dứt phép Thông Công, không bị khai trừ ra khỏi Giáo Hội, nghĩa là LM Đắc Lộ vẫn theo Dòng Tên. Với lời thề của Dòng Tên như chúng ta vừa thấy, LM Đắc Lộ ít nhiều không thể là một người hiền lương bình thường.
Do vậy, cụm từ Plusieurs soldats, thêm một lý do nữa, phải được dịch là nhiều binh lính.
Cùng lý luận về từ ngữ này, xin đọc thêm bài Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes Lý Đương Nhiên http://sachhiem.net/LICHSU/L/LyDuongNhien1.php
10. Nguyễn Vy Khanh: «Ngoài ra lịch sử cũng ghi rằng các sĩ quan hải quân Pháp đã ngần ngại dùng các giáo sĩ trong việc đánh chiếm Nam-kỳ cũng như Bắc-kỳ!”[sử liêu?].
-Bùi Kha: Ông Khanh lại cũng không có sử liệu. Do vậy, ý kiến của ông không mang tính thuyết phục. Sau đây là hai trong nhiều sử liệu cho thấy ông Khanh viết sai.
- Ngày 16.12.1886…Lm Trần Lục dẫn 5 ngàn giáo dân giúp Pháp nên hạ được chiến lũy Ba Đình của nhà ái quốc Đinh Công Tráng (“Thập giá và lưỡi gươm” của Tiến sĩ Lm Trần Tam Tỉnh).
- Câu phát biểu để đời của Gm Puginier cho ta thấy vai trò của giáo sĩ và giáo dân tại Việt Nam “Không có giáo sĩ và giáo dân thì người Pháp như cua bị bẻ gãy hết càng” [Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabs auxquels on aurait cassé toutes les pattes]. (trích dẫn trong cuốn Catholicisme et Sociétes Asiatiques của Alain Forrest và Yoshiharu Tsuboi, xem http://sachhiem.net/TONGIAO/tgT/Tanphap.php). Có thể đọc thêm trong link nầy: http://giaodiemonline.com/2011/12/truongvinhky.htm,
11. Nguyễn Vy Khanh: «Ông Mẫn Quốc kết án ông có “nhiệm vụ đặc phái” làm “gián điệp, tình báo, giòi trong xương giòi ra”. Phạm Long Điền kết: “Chuyến đi Bắc-kỳ của Trương Vĩnh Ký năm 1876 không ngoài mục đích xem xét tình hình để báo cáo tường tận cho Soái phủ Nam-kỳ và từ đó, Soái phủ Nam-kỳ chuẩn bị tiến quân ra Bắc trong một cuộc xâm lăng đại qui mô nhằm đặt toàn cõi Đông dương dưới quyền thống trị của thực dân Pháp”. Có thể Trương Vĩnh Ký ngây thơ vì quá thành thật và tự tin vào vai trò trung gian của mình mà không thể ngờ là người Pháp lợi dụng ông chăng? “
- Bùi Kha: Hai ông Mẫn Quốc và Phạm Long Điền viết rất đúng, ông Khanh không nên nghi vấn mà nên tìm hiểu sử liệu do chính họ Trương viết. Thư ngày 28.4.1876, gởi cho tướng Pháp, Bossant, trình bày công tác đi Bắc Kỳ. Trương mô tả sai tình trạng xã hội và phóng đại một nhu cầu cần cải cách để cố vấn cho thực dân Pháp nên chiếm và cai trị toàn xứ Bắc kỳ. Họ Trương viết:
"Và trong khi đó thì quảng đại quần chúng vô danh, những thợ thuyền, nhà nông đang rên siết trong sự nghèo đói cùng cực, từng trải qua những ngày dài không gạo và không việc làm. Và phải chăng sự khốn cùng đang bao trùm trong dân chúng, và phải chăng khắp nơi người ta đang nghe đòi hỏi những sự thay đổi và một nền cai trị hữu hiệu để duy trì trật tự, ban cho dân chúng một ngày mai, đảm bảo tài sản, cho công nghệ và thương mại có được sự an ninh và sinh hoạt cần thiết cho sự sống còn của họ, nói tóm lại, từ trong cái đói và bần cùng giải thoát một dân tộc đang cảm thấy suy vong."
Sợ Pháp không chịu chiếm, họ Trương đem miếng mồi béo bở của xứ Bắc Kỳ ra để khơi động lòng tham của thực dân Pháp:
"Và tất nhiên, xứ sở chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp, ít ra là đối với Algérie, chất chứa nhiều của cải đủ để làm nên tài sản cho một quốc gia… tôi xin được phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một chiếc giường đầy vàng"….[Tài liệu trong thư mật của họ Trương gởi cho Bossant, bản chụp nguyên văn ở cuối bài nầy] (1)
12. Nguyễn Vy Khanh: “Nhưng trên hết, qua sự nghiệp để lại, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có chủ trương làm công tác văn hóa cho dân tộc”.
Nguyễn Vy Khanh tiếp “Khi Trương Vĩnh Ký ra Huế được vua Đồng Khánh sắc phong chức Cơ Mật Viện Tham-tá ngày 12-4-1886, sau thêm chức Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ dạy vua tiếng Pháp.
-Bùi Kha: Ông NGuyễn Vy Khanh cố sức bẻ cong ngòi bút để bao che ca tụng họ Trương nhưng không có chứng từ. Tôi đã tìm được bằng chứng cho thấy tâm chất của họ Trương như sau:
a. Từ Huế, ngày 10.5.1886, Pétrus Trương Vĩnh Ký gởi thư cho viên Thượng thư Paul Bert, trong đó có đoạn đáng lưu ý như sau:
“Tôi cũng đang lo tiếp xúc để cung cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án hoàn mỹ của ông Pène về công cuộc bình định thi hành bởi những yếu nhân bản xứ và, ở đây, tôi đang bám sát nhà vua [Đồng Khánh, Bùi Kha] cùng Viện Cơ Mật. Như sứ giả tiên khu của Chúa, tôi tìm cách dọn đường cho ngài; tôi tán dương cái uy danh mà tôi ra sức vây bọc quanh con người cũng như tên tuổi của ngài” [Giao Diểm, SĐD, tr, 285].
b. Ngày 17.6.1886, Trương Vĩnh Ký lại viết thư tiếp cho Paul Bert để thông báo công tác quan trọng của ông:
"Tôi sẽ trấn áp tất cả các hảnh thần và bao vây nhà vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện Cơ Mật".[ SĐD, tr.287].
c. Thư 19.1.1887, Pétrus Ký cho biết lúc vào làm việc trong Cơ Mật Viện của triều đình bù nhìn Đồng Khánh: "... tôi, xâm nhập vào Cơ Mật Viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp." [SĐD, tr.305].
Tóm lược:
1.Ông Nguyễn Đình Đầu cũng như ông Nguyễn Vy Khanh không có tài liệu, nhưng lại muốn chứng minh cho bằng được là, Trương Vĩnh Ký làm việc cho Pháp nhưng không theo Pháp. Ngược lại, hai ông lờ không nhắc đến việc họ Trương viết thư khẩn khoản kêu gọi Pháp đánh chiếm nước ta.
2.Hai ông cho rằng Trương Vĩnh Ký không có hành động bồi Tây. Nhưng lờ đi, không nhắc đến, hoặc không hay biết nhiều bức thư trao đổi giữa Trương và các viên chức trong chính Phủ Thực dân tại An Nam. Thư trao đổi giữa họ Trương và Paul Bert trong nhiều lãnh vực từ việc vào Cơ mật viện, bám sát vua bù nhìn Đồng Khánh đến kế hoạch tiêu diệt nghĩa quân… Đặc biệt là thư mật mà TVK gởi cho tướng Bossant Pháp, cố vấn cho Pháp nên đánh chiếm Bắc ký cấp tốc.
3. Hai ông cho rằng TVK để lại cho hậu thế những tác phẩm văn hóa. Nhưng lại không nhắc thư TVK viết (ngày 12.1.1882) rằng: “…13 cuốn sách tôi đã xuất bản, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu đã định sẵn. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam.”
Chúc quý vị một mùa Xuân như ý.
Bùi Kha18/01/2017
------------------
GHI CHÚ:
(1) Thư mật của họ Trương gởi cho tướng Pháp Bossant sau chuyến đi Bắc kỳ năm Tân hợi 1876.
Nên lưu ý rằng trên internet có bài tường trình chuyến đi của Bắc của TVK, (cho biết Trương đi vùng nào, gặp ai và đặc sản các vùng…) Còn bức thư mật dưới đây, chưa được phổ biến.