Vở kịch (tuồng hát) Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh là tác phẩm rất có giá trị trong việc khơi gợi lòng yêu nước, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy. Vở kịch được tác giả viết vào thời điểm đất nước ta còn trong vòng nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Dụng ý của tác giả là dùng hình tượng hai nữ anh hùng nổi tiếng trong lịch sử chống giặc Tàu của dân tộc ta trong quá khứ- Hai Bà Trưng- để khích lệ tinh thần đấu tranh chống thực dân Pháp trong hiện tại. Và thời điểm hiện nay, vở kịch càng có giá trị.
Mặc dù trong lời tựa Nguyễn An Ninh nói rằng sở dĩ ông viết vở này là vì ông thấy thiên hạ hết ưa tiểu thuyết phong nguyệt và thích xem tuồng cải lương “Trưng Trắc – Trưng Nhị” mà ông thì muốn có nhiều người biết và đọc sách mình, nhưng qua nội dung, vở kịch Hai Bà Trưng thực sự là một trong những hình thức tuyên truyền, cổ động cho ý thức độc lập dân tộc của ông.
Tại sao lại chọn Hai Bà Trưng xây dựng hình tượng cho ý đồ nghệ thuật mà không phải là một vị anh hùng nào khác? Vì xây dựng hình tượng hai bà có ý nghĩa giáo dục yêu nước và tinh thần chiến đấu rất cao. Đồng thời gởi một thông điệp cảnh báo kẻ thù rất mạnh. Đối với người Việt Nam, nhất là thanh niên, hãy lấy hai bà làm tấm gương soi chung.
Hai bà là phụ nữ, đã dám giương cao ngọn cờ khởi nghĩa đánh Tàu, còn thanh niên và những thành phần khác sao lại không! Đối với ngoại xâm, hình tượng hai bà làm suy yếu tinh thần chiến đấu và tính hiếu chiến của kẻ thù. Đồng thời, nhắc đến Hai Bà Trưng là nhắc đến một qúa khứ hào hùng của dân tộc, nhắc đến tinh thần cao thượng và những đức tính tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam: Chịu khó, hi sinh, đảm đang, anh hùng, tốt việc nhà, giỏi việc nước, mọi gian khó đều vượt qua, mọi trách nhiệm đều hoàn thành.
Có thể nói, Hai Bà Trưng là vở kịch lịch sử lôi cuốn nhất trong việc cổ vũ tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước thương nòi. Đặc biệt hồi thứ 7 của vở kịch là hồi mà tôi đặc biệt chú ý và tâm đắc nhất. Tác giả vở kịch có thừa nhận là trong lúc viết ông có gặp khó khăn về sử liệu cũng như tên gọi một số chức quan và cách ăn nói thời đó khác ngày nay, nhưng dường như khi đọc tác phẩm ta không thấy điều ấy. Tất cả cứ y như thật. Theo tôi đây cũng là một trong những thành công của vở kịch này.
Vở kịch không những chỉ có tác dụng trong bối cảnh xã hội đương thời mà còn có giá trị rất lớn trong thời điểm hiện nay. Nếu như trong bối cảnh đương thời, vở kịch có tác dụng là khích lệ lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp bóc lột nhân dân ta, thì hiện nay nó có tác dụng kêu gọi mọi người hãy nhớ đến qúa khứ hào hùng của dân tộc, hãy tìm về nguồn cội vàng son của lịch sử, hãy phát huy nhưng giá trị cao đẹp của cha ông để xây dựng một đất nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và rằng, chúng ta không được xao lảng trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời loạn lạc cũng như thời bình theo lời bà Trưng Nhị đã nói trong hai màn 6 và 7. Tôi thấy trong thời điểm bang giao quốc tế và kinh tế thị trường hiện nay, trong đó có giao lưu văn hóa thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Đa số người dân Việt Nam hiện nay, nhất là thanh niên đã không còn giữ được nét đặc thù của dân tộc. Họ ăn mặc, đi đứng, nói năng, hành xử theo kiểu phương Tây nhiều hơn. Thậm chí, có một số thành phần lai căng, biến chất, mất gốc, vong bản theo hẳn Tây là khác! Một phần cũng vì chúng ta xem nhẹ giáo dục lịch sử, giáo dục công dân, hoặc giáo dục chưa đủ, chưa đúng phương pháp. Những thanh niên Việt Nam hiện nay khi được hỏi đến lịch sử dân tộc họ dường như không biết hoặc biết một cách mơ hồ.
Do đó, bên cạnh cho ra đời những bộ lịch sử thì việc soạn những vở kịch, làm những bộ phim về đề tài lịch sử la rất cần thiết. Lịch sử được thông qua con đường nghệ thuật sẽ dễ dàng đi vào trí nhớ hơn. Một số thanh niên hiện nay rất rành lịch sử nước Trung Hoa nhưng hỏi đến lịch sử nước mình họ dường như rất mù mờ. Hỏi tại sao thì họ nói nhờ Trung Quốc có những bộ phim lịch sử hay lôi cuốn họ xem từ đầu đến cuối, còn Việt Nam ta còn thiếu những bộ phim lịch sử có tầm vóc. Họ nói, nếu Việt Nam có những bộ phim lịch sử như Trung Quốc, họ sẽ biết rõ hơn về lịch sử dân tộc mình. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của kịch, phim lịch sử quan trọng nhường nào.
Một dân tộc mà không biết qúa khứ thì dân tộc đó cũng sẽ không có hiện tại và tương lai. Người xưa thường nói: ôn cố mới tri tân. Nếu không biết gì về qúa khứ của dân tộc mình thì lấy gì làm đà tiến thủ cho sự đi lên ở hiện tại và con đường hướng đến tương lai? Một số người thường quan niệm những gì có từ trước thì đã xưa rồi, không phù hợp với bây giờ nữa. Tất nhiên, trong truyền thống có những tinh hoa và đồng thời cũng có một số hủ tục. Nhưng không phải vì có một số hủ tục mà chúng ta phủ nhận tất cả truyền thống. Vấn đề là chúng ta phải biết cắt tỉa những cành nhánh có hại cho cây truyền thống để nó cho những hoa qủa đẹp. Những hoa qủa đẹp này sẽ làm hành trang cho một hiện tại đẹp. Nguyễn An Ninh, về mặt nào đó đã phần nào làm được việc này. Dĩ nhiên, việc làm này của ông không những có ý nghĩa trong trong thời buổi đất nước bị nô lệ mà còn có ý nghĩa trong thời độc lập tự chủ nữa.
Vở kịch viết về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng từ khi Thi Sách bị tử hình đến khi hai bà nhảy xuốg sông tự tử. Sau khi Thi Sách - chồng của Trưng Trắc bị người Tàu tử hình, Trưng Trắc rất đau buồn, Trưng Nhị dùng mọi lời lẽ an ủi chị. Một hôm, quan án sát và quan tuần phủ đến thăm. Trưng Trắc tiếp chúng. Còn Trưng Nhị thì không thèm chào hỏi mà cứ ngồi yên giả vờ như không biết bọn chúng đến. Qua một hồi nghe nói chuyện, Trưng Nhị đến chỉ trích bọn chúng làm tay sai cho Tàu, giết đi một con người cao thượng mà không biết thẹn còn đến đây làm gì. Trưng Nhị cho rằng bọn chúng đến là cốt để ve chị mình. Bọn chúng cho là Trưng Nhị vô lễ. Nhưng qua lời lẽ đanh thép và thái độ dứt khoát của Trưng Trắc, bọn chúng bỏ ra về.
Lý Định - người rất yêu mến và kính phục Thi Sách trước đây đến gặp hai bà cùng kế sách đuổi giặc Tàu. Trong cuộc bàn luận này, thì Trưng Nhị là người đưa ra những triết lí, chiến lược, sách lược chính đánh đuổi giặc Tàu.
Đang ở trong trại của nguyên soái Lý Định thì anh thợ mộc và hai tên lính khiêng chiếc gươm vào và cho biết đây là gươm trời ban. Được gươm này tất thắng giặc.
Dẹp được giặc Tàu, Trưng Trắc lên ngôi nhưng Trưng Nhị vẫn cứ buồn lo. Lý Định hỏi thì bà trả lời dù nước nhà độc lập rồi nhưng bọn Tàu thua nhục nhã không dễ gì chúng bỏ qua. Hơn nữa, trong hàng ngũ quan lại chủ yếu là những người làm việc cho Tàu trước đây nên còn nhiễm thói tục của họ. Bọn này tiếp tục vơ vét của dân. Như vậy sẽ làm mất lòng dân. Để chuyển đổi họ không phải một sớm một chiều.
Như dự đón của Trưng Nhị, sau đó Mã Viện đem quân sang, hai bà và Lý Định chiến đấu anh dũng nhưng cuối cùng thất bại và hai bà đã nhảy xuống sông tự tử. Lý Định chết ở chiến trường.
Về mặt từ ngữ, vở kịch được viết xong năm 1928, lúc đó có lẽ tiếng Việt chưa hoàn thiện và thống nhất như hiện nay nên có những từ thay vì dấu hỏi tác giả viết thành dấu ngã và ngược lại. Ví dụ như: quan tuần phủ thì viết là quan tuần phũ, phải bị tử hình thì viết là phãi bị tữ hình, nhơn trí dõng thì viết là nhơn trí dỏng… đây chắc chắn là không phải lỗi đánh máy hay in ấn vì nó được thây xuất hiện trong toàn tác phẩm. Những danh từ kép hay danh từ riêng đều có dấu gạch giữa,ví dụ như: hi- sinh, ý- kiến, tàn- ác, đồng- bào, thiên- hạ, khốn- nạn, Việt- Nam, Trưng- Trắc,Trưng- Nhị . . . Ngoài ra một số từ cổ mà hiện nay không viết như vậy nữa như đờn bà (thay vì đàn bà). . . Đây là điều dễ dàng nhìn thấy khi đọc tác phẩm.
Tuy nhiên, đây là ngôn ngữ của những năm 1928, ta không thể lấy ngôn bây giờ để phân bua. Sở dĩ nó được đề cập đến là để hiểu chúng đúng nghĩa của những từ mà tác giả sử dụng. Song dù sao đó cũng không phải là vấn đề chính mà ta sẽ bàn luận sau đây. Vấn đề tôi muốn bàn luận xung quanh tác phẩm kịch này là nội dung và tư tưởng của nó.
Nội dung vở kịch như đã nói ở trên là nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Vì vậy, Hai Bà Trưng là nhân vật chính trong tác phẩm này. Nhưng dường như khi đọc kĩ tác phẩm, ta thấy hầu như nguyên nhân của mọi vấn đề xảy ra là bắt nguồn từ việc Thi Sách bị tử hình. Trưng Trắc đau buồn là do cái chết của Thi Sách. Quan tuần phủ và án sát đến thăm bà sau cái chết của Thi Sách. Trưng Nhị chỉ trích hai ông quan này cũng xuất phát từ cái chết của một người trung chánh như Thi Sách. Sau đó, mọi chuyện diễn tiến trình tự theo sau cái chết này. Dù người Việt Nam đã chán ngán và căm thù giặc Tàu lắm rồi nhưng nó lên cao hơn, nhất là trong lòng những người con cháu của lạc hầu, lạc tướng khi Thi Sách bị tử hình chỉ vì ông đánh thằng thư ký sàm sở của bọn quan lại Tàu. Thù nhà nợ nước đã khiến hai bà cùng Lý Định bàn kế chiêu binh và khởi nghĩa. Hòa bình lập lại, kỷ niệm ngày phục quốc thì Trưng Trắc đi rước vong hồn củaThi Sách về cùng vui với nhân dân.
Theo các sử gia thì sau khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán đã đưa Tích Quang, Nhâm Diên rồi Tô Định sang nước ta. Đến thời Tô Định, ông ta lộng hành. Lúc đó, con gái của lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc, con trai của lạc tướng Chu Diên là Thi Sách cưới nhau. Tô Định sợ cho điều này có âm mưu gì chăng. Ông ta chủ động gây chiến. Chống lại Tô Định có hai thuyết khác nhau: một là hai vợ chồng bà Trưng cùng em khởi nghĩa, hai là chồng bà tử trận, bà cùng em khởi nghĩa.
So hai thuyết này với ý kiến Nguyễn An Ninh đưa ra trong vở kịch, ta thấy ông không dựa vào thuyết nào cả. Theo ông thì Thi Sách do đánh tên thư ký của bọn quan Tàu mà bị tử hình chứ không phải như hai thuyết vừa nêu. Đây phải chăng là ý đồ nghệ thuật của Nguyễn An Ninh? Ông muốn tố cáo tội ác tày trời vô nhân đạo, giết người bừa bãi của bọn giặc Tàu? Một người trung chánh, cao thượng như Thi Sách chỉ vì thấy cảnh bất bình ra tay mà lại bị tử hình thì pháp luật ở đâu? Ta có thể hiểu rõ sự tố cáo này qua những lời của Trưng Nhị nói với quan át sát và tuần phủ: “… Anh Thi Sách vì một thằng thư ký của bọn lại Tàu rờ khu rờ vú con gái giữa chợ, nên nóng lòng đánh thằng thư ký ấy, rủi nó bị bịnh nặng mà chết. Vì thằng thư ký ấy là người Tàu, nên anh Thi Sách phải bị tội tử hình. Còn người Tàu giết người Việt Nam bấy lâu nay là bao nhiêu, sao không thấy ai làm tội người Tàu?”
Trong lời tựa Nguyên An Ninh có đặt câu hỏi: “ làm sao cho người đời biết chuyện xưa?”, tôi xin đặt thêm môt câu hỏi nữa: Biết chuyện xưa để làm gì? Và tôi xin trả lời là để hiểu chuyện nay. Nghĩa là tác giả muốn dùng chuyện này để tố cáo thực dân Pháp. Đương thời, Nguyễn An Ninh là người có nhiều hoạt đông chống thực dân Pháp và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nếu Thi Sách là nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và cũng là nguyên nhân đưa đến hành động kịch thì Trưng Trắc là động lực chuyển động cho vở kịch vận hành đi tới. Nói là Hai Bà Trưng nhưng vở kịch cho thấy người đóng vai trò chính là Trưng Nhị. Khi Thi Sách bị tử hình, Trưng Trắc đau buồn thì người an ủi bà là Trưng Nhị. Thấy chị khóc, bà khuyên: “Từ xưa đến nay những bực cao thượng đều phải chịu đau khổ, bị tai họa vì cái tánh cao rộng của họ…”.
Khi quan tuần phủ và án sát mang bộ mặt giả nhân giả nghĩa đến gặp chị mình thì chính Trưng Nhị là người vạch trần bộ mặt ấy của chúng. Lúc bàn phương kế chiêu binh khởi nghĩa thì bà là người đưa ra đường lối chiến lược, sách lược và chính mình đi chiêu dụ binh lính. Thời bình, lẽ ra đất nước độc lập, thống nhất thì phải vui mừng nhưng bà cứ mãi âu lo, buồn bã. Lý Định, Trưng Trắc không sao hiểu bà như lời bà than: “Em không hiểu tại sao mà chị Trưng Trắc với anh, hễ bao giờ em nói đến cái phận sự lớn lao của chúng mình phải đề phòng gìn giữ giang san nầy và cải tạo cho xã hội Việt Nam, thì chị TrưngTrắc với anh lộ ra như không muốn nghe em.”
Chúng ta có thể thông cảm cho Trưng Trắc vì bà vẫn còn nỗi đau mất chồng, bằng chứng là ngày kỷ niệm phục quốc bà lo đi rước linh hồn chồng. Nhưng còn Lý Định thì sao? Qua lời lẽ của ông ta có thể hiểu ông có phần chủ quan trong việc giữ vững nền độc lập lâu dài. Sau nhờ sự phân tích của Trưng Nhị ông mới nhận ra rằng việc giữ vững nền độc lập không phải dễ. Trưng Nhị thực sự là người có tầm nhìn chiến lược.
Tới đây, tôi muốn dừng lại để tìm hiểu kĩ một chút về màn 7. Màn 7 của vở kịch là màn mà tôi cho là hay nhất và ý nghĩa nhất. Những phân tích của Trưng Nhị trong hồi này có giá trị rất lớn trong việc xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự do nước nhà hiện nay.
Những lời Trưng Nhị nói với Lý Định về bảo vệ nền độc lập dân tộc cách đây hai ngàn năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “ chẳng phải là lấy nước lại là hết phận sự”. Phận sự của thời bình là gì? Giữ vững chính quyền phát huy dân chủ. Một nhà lãnh đạo từng nói: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Nếu giành được chính quyền rồi mà người dân không có tự do, hạnh phúc thì chính quyền tồn tại cũng chẳng có ý nghĩa gì. Những nhà lãnh đạo chính trị có tầm vóc bao giờ cũng phải nhìn xa trông rộng .
Sau ngày độc lập, chính quyền của Trưng Trắc không những phải đề phòng với nước Tàu hùng mạnh kế cận mà còn phải làm sao chuyển hóa tư tưởng các quan lại đã từng làm việc cho Tàu trước kia. Song quan trọng nhất vẫn là nhiệm vụ thứ hai. Vì bộ máy chính quyền có trong sạch vững mạnh thì quốc gia mới có điều kiện phát triển. Khi nội bộ mạnh rồi thì những thế lực bên ngoài có muốn tấn công vào họ cũng e dè.
Trưng Nhị đã giải quyết nhiệm vụ này như thế nào? Dùng họ là dùng tạm thời. Dùng pháp luật buộc chúng phải sửa đổi, phải y hợp với thời đại mới. Đào tạo quan mới để thay dần bọn quan cũ.
Theo tôi đây là cách giải quyết rất khoa học và tế nhị. Giải quyết như vậy là đạt hiệu qủa cao mà không gây ra sự bất mãn cho cá nhân nào. Thời đại mới- thời đại độc lập tự chủ, anh cũng phải làm việc theo kiểu mới, anh làm ngược lại là tự anh tụt hậu và bị loại trừ là đương nhiên.
Trong cứ bộ máy chính quyền nhà nước mới nào, bao giờ cũng tồn tại, không ít thì nhiều, những thành phần của chính quyền trước đó. Áp dụng cách giải quyết này của Trưng Nhị, bộ máy nhà nước sẽ luôn đảm bảo được ổn định, trong sạch, vững mạnh và tránh được tình trạng “nội ứng ngoại hợp” xảy ra. Hóa giải, đoàn kết tất cả các thành phần dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước bao giờ cũng là giải pháp tối ưu.
Màn cuối vở kịch tác giả chủ yếu xoay quanh cuộc đối thoại giữa anh hề và Mã Viện. Mã Viện đại diện cho giai cấp thống trị Tàu tham lam, kêu ngạo. Anh hề đại diện cho nhân dân Tàu. Mã Viện biện minh cho hành động của mình là vì thiên tử, vì nhân dân Tàu nhưng thực chất là vì quyền lợi của thiểu số tham lam, phản động. Qua lời của anh hề ta có thể thấy được điều đó.
Dường như Nguyễn An Ninh chỉ nói sơ lược màn này. Vì có lẽ, theo ông, đây là màn thuật lại việc Hai Bà Trưng thất bại trước Mã Viện thì không thể nói qúa kĩ về sự thất bại đó. Vì như vậy sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp hai bà trong lòng khán giả. Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu viết về vua Trùng Quang đánh đuổi giặc Minh và lên ngôi vua. Sau đó, theo sử vua Trùng Quang và một người khác tranh giành quyền và sau bị quân Minh bắt. Nhưng Phan Bội Châu viết tới chỗ vua trùng Quang lên ngôi thì ông dừng lại. Điều đó có ý đồ của ông: cổ vũ tinh thần chiến đấu, chiến thắng. Vả lại, theo chính sử Việt Nam thì hai bà vì giữ chữ Hạnh cho mình và dân tộc nên nhảy xuống sông tự tử chứ không phải thua Mã Viện.
Về tư tưởng vở kịch, tôi không rõ lúc bấy giờ Nguyễn An Ninh đã là người thế nào. Nhưng tư tưởng của ông trong vở kịch rất tiến bộ. Ông minh giải mọi hiện tượng theo qui luật chứ không dựa trên tư tưởng thiên mệnh thời Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu thiên mệnh ở đây không phải là mệnh Trời (viết hoa, đồng nghĩa với Thượng đế).
Trong tư tưởng dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và cho đến ngày nay trời (viết thường) chỉ có nghĩa đơn giản là “vận mệnh”, “ những lề luật và trật tự của thiên nhiên”, “số mệnh”. Trong cách hiểu thông thường của quần chúng Việt Nam, trời không có nghĩa là Thượng đế của tôn giáo Do Thái và Tây phương. Nếu hiểu như vậy thì không ai dám nói theo điệu bình dân : “Con cóc là cậu ông trời” hay nói như Nguyễn Du trong bài thơ nôm cho phường vải: “Tím gan cho cái sao mai, thủa nào vác búa chém trời cũng nên”. Và nếu đồng hóa trời với Thượng đế thì không ai nói Thượng đế tráo trở giống như Ngọc Hân Công chúa: “Lòng trời tráo trở vận người biệt ly”(Ai Tư Vãn). Trưng Nhị thì nói trời là nhân dân “ lòng dân là lòng trời.”
Còn chữ mệnh theo nghĩa bình dân khác với chữ mệnh tronh Khổng giáo như trong câu “ suất tính chi vị mệnh” hay “ thiên mệnh chi vị tính”. Chữ mệnh theo nghĩa bình dân, gần như đồng nghĩa với chữ bình dân khác là trời.
Do cánh hiểu như trên nên tôi không hiểu Nguyễn An Ninh dùng chữ Trời với nghĩa nào khi mà tất cả chữ Trời ông đều viết hoa. Tôi tin rằng Ông dùng và hiểu chữ Trời theo nghĩa bình dân Việt Nam. Nhưng sở dĩ ông viết hoa là vì lúc đó ông chưa hoặc không nghĩ là chữ Trời nếu viết hoa là chỉ Thượng đế. Đây là sự phân biệt của các học giả người Việt hải ngoại như Phạm Công Thiện và một số học giả khác trong những năm gần đây để bác bỏ sự nhập nhèm, gán ép trời là Thượng đế của những người theo Thần học. Nguyễn An Ninh hiểu chữ trời theo cách bình dân xuyên suốt tác phẩm. Ta sẽ thấy điều này qua việc phân tích chi tiết sau.
Trưng Trắc trước cái chết Thương tâm của chồng thì nói đó là Trời định: “số mạng của con người là Trời định, khóc than cho mấy, đau đớn cho mấy cũng không sửa nổi mạng Trời.”, “Anh Thi Sách chết như vầy, thật là khó cho chị khỏi mang tội trách Trời”. Cái chết của Thi Sách là do người Tàu, người Tàu tử hình Thi Sách thì trách người Tàu chứ tại sao lại trách Trời? Ông Trời là ông mặt mũi ra sao? Có tồn tại không? Nếu giả sử có thì cũng đâu có quyền ban thưởng trừng phạt cho ai cả. Ai làm nấy chịu chứ? Còn nếu anh cho rằng ông ta có quyền đó thì ông ta qúa tàn nhẫn và vô nhân đạo!
Có lẽ vì không trả lời được tất cả những câu hỏi trên nên sau đó chính Trưng Trắc lại nói với Trưng Nhị: “Vậy chứ có bao giờ em nghĩ rằng không có Trời hay không? Chớ như chị, lúc này chị tưởng rằng không có Trời”. Nói như vậy nghĩa là còn nghi ngờ sự không hiện hữu của Trời chứ chưa dám phủ định hoàn toàn. Còn Trưng Nhị thuật lại lời người dân thì họ tức giận chửi mắng thẳng Tô Định và cả bọn vô liêm sỉ, cả bọn tàn ác khốn nạn của nó chứ hoàn toàn không đổ lỗi cho trời.
Song tác giả không những chỉ đặt ra vấn đề thiên mệnh mà còn đặt ra nhiều vấn đề khác. Đó là vấn lí tưởng người anh hùng trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, vấn đề đấu tranh giành lại độc lập và giữ gìn độc lập, phát huy dân chủ trong thời độc lập.
Vấn đề lí tưởng người anh hùng được thể hiện qua ba nhân vật Trưng Trắc, Trưng Nhị và Lý Định. Khi Lý Định đến ngỏ lời cầu hôn Trưng Trắc thì Trưng Trắc từ chối. Theo Trưng Trắc nhiệm vụ lớn bây giờ là giành lại độc lập cho dân tộc, do đó phải gát vấn đề tình cảm riêng tư sang một bên để lo cho tình cảm lớn hơn, đó là đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Theo Trưng Nhị, cái chết của Thi Sách là cái chết vì rửa nhục cho dân: “còn như anh Thi Sách, ảnh mắc trong cảnh áp chế ngày nay, mà đã giữ được nếp người quân tử, lại còn dám một mình ra chống với bọn tàn ác, như thế không đáng cho ta cho anh Thi Sách là người anh hùng sao?” Trưng Trắc vực dậy lòng căm thù bọn Tàu trong lòng Lý Định. Lý Định từ chỗ có tư tưởng là việc đánh đuổi giặc Tàu thì để con cháu mình sau này chúng nó làm đến khi nghe Trưng Nhị giảng giải đã nhận ra là phải làm gì đây cho xứng danh non sông đất nước. Ông nói: “có lương tâm mà không phương thắng nỗi vô lương tâm thì cũng như không có. Như thế thì còn lý gì cao thượng đâu đặng sống?”.
Biết điều này nhưng vì qúa yêu thương Trưng Nhị nên Lý Định trở nên yếu mềm đi. Nhưng Trưng Nhị nói rằng, bà không thể đồng tâm đồng lòng cùng Lý Định nếu ông ta cứ yếu mềm như vậy. Sau đó Trưng Nhị thuyết phục Lý Định hãy tỉnh tâm vì lúc này mà không tỉnh tâm thì đợi lúc nào nửa. Bà cho Lý Định có đủ ba đức tính của người quân tử nhân, trí, dũng có thể cùng bà và chị bà khởi nghĩa. Nói với Lý Định xong rồi bà quì trước Lý Định, trên vẻ mặt Lý Định tỏ ra đồng ý.
Thuyết phục và gảng giải cho Lý Định chính là việc chuẩn bị về tư tưởng. Tiếp theo đó bà chuẩn bị về tổ chức, lập doanh trại tôn Lý Định làm nguyên soái và đích thân bà đi chiêu mộ binh sĩ. Thuật lại lời nói trước binh sĩ của bà ở màn 6 ta tưởng như đó là lời hịch trong Hịch Tướng Sĩ. Trước lời lẽ và lí tưởng cao cả của Trưng Nhị, trong trại, Lý Định nhận ra một điều: sống trên đời này chỉ có hai điều phải và quấy mà thôi, mà thể nào cũng theo phải chứ thể theo trái được và “ sống làm người chỉ có hai cửa: sống với chết. May thì sống, rủi thì chết. Chết vì lẽ phải lại là ngàn lần quí hơn sống mà cũng như chết.”
Mọi việc chuẩn bị xong. Vấn đề còn lại là chờ thời cơ. Thời cơ đó chính là cây gươm thần anh thợ mộc mang đến trao cho hai bà và Lý Định. Gươm thần tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc.
Về vấn đề giữ vững độc lập và phát huy dân chủ, chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, đã nói ở phân nội dung. Ở đây xin có vài suy nghĩ: Bất kỳ một ý thức hệ chính trị nào mị dân, không lấy dân làm gốc mà vọng ngoại, lệ thuộc ngoại bang để củng cố chiếc ghế hư huyễn, không sớm thì muộn cũng bại vong như lịch sử đã cho thấy.
Từ những tư liệu lịch sử qúa ít và thiếu, Nguyễn An Ninh đã viết nên một kịch dài 8 màn rất hấp dẫn và lôi cuốn. Đọc kịch ta có cảm giác như sông lại một qúa khứ hào hùng của dân tộc. Mặc dù chất liệu để xây dựng tác phẩm văn học nghệ thuật là hư cấu nhưng đọc vở kịch này dường như ta có cảm giác là mọi sự kiện như có thật. Vở kịch đã xây dựng được hình tượng nghệt thuật khá đặc sắc về hai nữ anh hùng dân tộc - Hai Bà Trưng. Hai bà đã viết nên một trang sử vẻ vang độc nhất vô nhị trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta: Lần đầu tiên và duy nhất hai phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh giặc Tàu xâm lược. Vở kịch cũng đưa ra một đường hướng lý tưởng về đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ độc lập và chăm lo hạnh phúc muôn dân.
Hai Bà Trưng là phụ nữ đã dám đứng lên đánh giặc Tàu và xây dựng đất nước, làm rạng danh con Lạc cháu Hồng. Còn con cháu Lạc Hồng chúng ta ngày nay thì sao?!
Tâm Bình