đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

23:01 27/06/2011

Đạo Phật và dòng sử Việt: Từ công cuộc chống quân Nam Hán xâm lược của Ngô Quyền, đến Đạo Phật thời kỳ tự chủ Nhà Đinh - tiền Lê

(TG&DT) - Mỗi sứ quân chiếm giữ một vùng đất, xây thành đắp lũy, nhằm thôn tính lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dài hai mươi hai năm (945-767), gây ra không biết bao là tổn thất về nhân mạng và tài sản; dân tình phải chịu cực khổ lầm than. Sự sống còn của một dân tộc không thể để tình trạng ấy kéo dài thêm nữa; hoàn cảnh và lịch sử đòi hỏi phải chấm dứt cuộc nội loạn, thống nhất đất nước về một mối.

Cuộc chống quân xâm lăng nhà Nam Hán của Ngô Quyền (939 – 967)


 

Ngô Quyền[20] người ở Đường Lâm (cùng quê với Phùng Hưng), một dòng dõi quý tộc, cha là Mân làm quan Bản Châu, ông có chí lớn, mưu cao, tài kiêm văn võ, khi quân Nam Hán còn ngấp nghé bên ngoài bờ cõi, ông đã sửa soạn công cuộc ứng chiến, và việc trước hết là chiếm lấy thành Đại La, giết tên phản chủ bán nước Kiều Công Tiễn để trừ nội họa; ổn định tình hình trong nước.


 

Cuối năm 938, vua Nam Hán ra lệnh cho hàng trăm vạn quân, do thái tử Lưu Hoằng Thao chỉ huy, ồ ạt kéo sang xâm chiếm nước ta. Trận chiến oanh liệt diễn ra trên sông Bạch Đằng, Hoằng Thao bị chết, còn quân giặc phần bị giết, phần bị chết chìm hoặc bị bắt, thiệt hại quá nửa. Hán chủ đành phải nuốt hận thu tàn quân về Tàu, chấm dứt thời kỳ mất nước kéo dài 1031 năm (một nghìn không trăm ba mươi mốt năm).


 

Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, thành lập một quốc gia độc lập, đóng đô ở Cổ Loa (tỉnh Phú Yên) ở ngôi mới được sáu năm thì mất. Đáng lẽ ngôi cửu ngũ phải về tay Ngô Xương Ngập, con trưởng Ngô Quyền, nhưng Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền và là con trai Dương Đình Nghệ) lại đoạt mất và xưng vương. Năm 950, Ngô Xương Văn là em Ngô Xương Ngập, nhờ có Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc giúp sức, liền từ Sơn Tây kéo quân về vây thành và bắt được Tam Kha, nhưng vì nể tình cậu cháu tha cho Tam Kha tội chết. Khi đã chiếm được chính quyền, Ngô Xương Văn tự xưng Nam Tấn Vương và cho người đi triệu anh là Ngô Xương Ngập, tức Thiên Sách Vương về kinh để cùng coi việc nước. Nhưng tình hình lúc ấy rối loạn, cuối đời nhà Ngô, anh em Ngô xương Văn và con cháu bất lực nên mới có cảnh Thập nhị sứ quân[21].


 

Mỗi sứ quân chiếm giữ một vùng đất, xây thành đắp lũy, nhằm thôn tính lẫn nhau. Loạn 12 sứ quân kéo dài hai mươi hai năm (945-767), gây ra không biết bao là tổn thất về nhân mạng và tài sản; dân tình phải chịu cực khổ lầm than. Sự sống còn của một dân tộc không thể để tình trạng ấy kéo dài thêm nữa; hoàn cảnh và lịch sử đòi hỏi phải chấm dứt cuộc nội loạn, thống nhất đất nước về một mối.


 

(Đạo Phật Việt Nam từ thời Bắc thuộc thứ II qua thời Lý Nam Đế và suốt thời Bắc thuộc thứ III tuy có phát triển nhưng chưa được hưng thịnh như các triều đại ĐINH - LÊ - LÝ - TRẦN sau này).


 


[20]Sử chép: "Khi sinh ra ông có hào quang sáng khắp nhà, trên lưng có 3 nốt ruồi, mắt sáng như điện, người xem tướng cho là điềm lạ, bảo rằng ông sau này sẽ làm vua, nhân đấy đặt tên là Quyền. Lớn lên ông làm nha tướng của Dương Đình nghệ, Nghệ gả con gái cho, sai trấn thủ ở Ái Châu.


 

"Vương đã giết giặc trong nước để phục thù cho chúa, giết địch bên ngoài để cứu nạn cho nước, dựng quốc độ, nối lại chính thống, công nghiệp thật là to lớn lắm".



[21] (Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh giặc ở Thái Bình, bị địch thủ bắn chết, cháu là Ngô Xương Xí lên thay, nhưng không ai phục tòng nữa. Thực chất tình trạng lúc ấy đã phân tán, các tướng lĩnh mỗi người chiếm giữ một vùng. Sử gọi là 12 sứ quân:


 

1.        Trần Lãm, chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Vũ Tiên, Thái Bình)

2.        Kiều Công Hãn, là cháu nội của Kiều Công Tiễn, chiếm giữ Phong Châu (H. Bạch Hạc)

3.        Nguyễn Khoan, chiếm giữ Tam Đới (H. Vĩnh Lộc)

4.        Ngô Nhật Khánh, chiếm giữ Đường Lâm (Sơn Tây).

5.        Lý Khuê, chiếm giữ Siêu Loại (Thuận Thành)

6.        Nguyễn Thủ Tiệp, chiếm giữ Tiên Du (Bắc Ninh)

7.        Phạm Bạch Hổ, chiếm giữ Đằng Châu (Hưng Yên)

8.        Lữ Đường, chiếm giữ Tế Giang (H. Mỹ Văn)

9.        Nguyễn Siêu, chiếm giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Đông)

10.     Kiều Thuận, chiếm giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê, Sơn Tây)

11.     Đỗ Cảnh Thạc, chiếm giữ Đỗ Động (thuộc huyện Thanh Oai)

12.     Ngô Xương Xí, con rai Ngô Xương Ngập, rút về cố thủ Nông Cống (Thanh Hoá).

 

=========


 

Đạo Phật thời kỳ tự chủ Nhà Đinh (968-980) và tiền Lê (981-1009)



 

Vạn thắng vương Đinh Bộ Lĩnh sau khi đã dẹp xong loạn thập nhị sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tức là Đinh Tiên Hoàng, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình Nguyên Niên, nhằm xóa hẳn vết tích thống trị của hoàng đế phong kiến Trung Hoa, nêu cao ngọn cờ thống nhất độc lập quốc gia, lập triều chính, vua liền nghĩ đến việc chỉnh đốn hàng ngũ Giáo Hội Tăng Già và định phẩm trật cho các tăng sĩ lỗi lạc hữu công  tham dự quốc chính, nên đã tặng chức Khuông Việt Thái sư cho ngài tăng thống Ngô Chân Lưu, ban chức Tăng Lục Đạo sĩ cho Pháp sư Trương Ma Ly, và thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chấn Uy nghi.


 

Về sinh hoạt chính trị, văn học trong nước lúc bấy giờ đều do các bậc tăng già hữu học nhận lĩnh trông coi. Đạo Phật Việt được vương triều công nhận là quốc giáo kể từ nhà Đinh.


 

Lịch Sử Việt Nam, tập 1, viết về Phật giáo thời nhà Đinh:


 

"Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Trong nước nhiều chùa tháp được xây dựng. Riêng ở Hoa Lư, năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng, cho dựng 100 cột đá khắc kinh Phật (gọi là kinh tràng). Các nhà sư là tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Ngoài văn học dân gian, lực lượng sáng tác văn học lúc đó chủ yếu cũng là các nhà sư. Những tác phẩm văn học thành văn của giai đoạn này còn lại đến nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư như Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, v.v… (Sđd, trang 150).


 

Sau nhà Đinh[22] là nhà Tiền Lê, các tăng sĩ vẫn được trọng dụng. Vua Lê Đại Hành đã triệu thỉnh Khuông Việt Thái sư làm cố vấn và thiền sư Pháp Thuận lo việc ngoại giao; đồng thời triều đình cũng cho thiết lập các tự viện, và năm 1008 vua sai sứ là các ông Minh Xưởng, Hoàng Thành Nhã qua Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh. Đây là lần đầu tiên nước ta sai sứ đi thỉnh kinh.


 

Năm Thiên Phúc thứ VII (986), sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta[23] vua nhờ ngài Khuông Việt Thái sư giữ việc ngoại giao để ứng tiếp với sứ giả. Còn thiền sư Pháp Thuận cải trang làm chú lái đò cho sứ giả. Tình cờ có đôi ngỗng bơi trên mặt nước, Lý Giác vốn có tài văn thơ, liền tức cảnh:


 

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Song song ngỗng một đôi

Ngửa mặt ngó ven trời


 

Chú lái đò - tức thiền sư Pháp Thuận - đã ứng đối:


 

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba.

Lông trắng phơi giòng biếc

Sóng xanh chân hồng bơi

(Thích Mật thể dịch)


 

Sứ giả nghe xong lấy làm ngạc nhiên và kính phục, không ngờ nước Việt lại có lắm nhân tài. Qua những lần tiếp đãi lịch sự của một thiền sư (Khuông Việt Thái sư đại diện cho triều đình) đối với sứ giả một nước lớn là Trung Hoa, Lý Giác càng lúc càng tỏ ra kính trọng vua nước ta, nên ông đã viết tặng bài thơ:


 

Hạnh ngộ minh thời tân thịnh du

Nhất thân lưỡng độ xứ Giao Châu

Đông đô tái biệt tâm lưu luyến

Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu

Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch

Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu

Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.


 

Thiền sư Mật Thể đã dịch bài thơ ấy ra tiếng Việt:


 

May gặp minh quân giúp việc làm

Một mình hai lượt sứ miền Nam

Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ

Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm

Ngựa đạp mây bay qua suối đá

Xe vòng núi chạy tới giòng lam

Ngoài trời lại có trời soi sáng,

Vầng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.


 

Câu thứ bảy của bài thơ tác giả có ý xưng tụng vua nước Việt cũng như vua của họ. Thật là thần tình, chỉ do khẩu khí thơ văn xướng họa mà đã làm chuyển đổi được vận mệnh của cả nước đang từ thế yếu sang hẳn một thế mạnh. Và, vì cảm mến đức hóa của người xưa, Lê Quí Đôn, nhà bác học thế kỷ XVIII, đã hết lời ca tụng hai vị thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận:


 

"Câu thơ của thiền sư Pháp Thuận, làm cho sứ giả nhà Tống phải kinh dị; điện từ của đại sư Ngô Chân Lưu đã nổi danh một thuở (Sư Thuận thi ca, Tống sứ kinh dị, Chân Lưu từ điệu, danh chấn nhất thời) – Thiền Dật –


 

Thiền sư Pháp Thuận được vua Lê tôn trọng như bậc quốc sư, vua thường hỏi ngài về những việc bình trị quốc gia và ngôi cửu ngũ dài ngắn ra sao? – Thiền sư trả lời bằng một bài thơ:


 

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

 

Vận nước như dây quấn

Trời Nam mở thái bình

Niết bàn trong điện ngọc

Đây đó hết đao binh

 


Các vị quốc sư, thiền sư đã đóng góp không nhỏ cho công trình dựng nước và giữ nước, các ngài đã khai hóa nền văn học quốc gia, đã giáo hóa toàn dân. Vốn sẵn có tinh thần yêu nước cao độ, nhân dân ta lại được thấm nhuần giáo lý Giác Ngộ Giải Thoát của Đạo Phật và đã lấy đó làm chất men cho cuộc nổi dậy, chống lại sự thống trị của người phương Bắc; giành lấy quyền độc lập tự chủ cho quốc gia kéo dài hơn 5 thế kỷ, kể từ thời nhà Đinh trở về sau (968 – 1504).


 

TÌM HIỂU THÊM



 

Từ trước năm 441 TL, cõi Giao Châu bị người phương Bắc đô hộ; trong giai đoạn gian nan này Đạo Phật đã cùng với người bản địa nỗ lực phấn đấu: bằng mọi cách quyết giành lấy quyền độc lập tự do cho quốc gia Việt; nên năm 542, ngươì anh hùng họ Lý (Lý Bí) quê ở Long Hưng (Thái Bình) đã cùng với toàn dân đứng lên làm cuộc khởi nghĩa: đánh đuổi tên Thái thú bạo tàn nhà Lương là Tiêu Tư và bè lũ về Tàu, tự xưng là LÝ NAM ĐẾ (Vua Nước Nam), thiết lập một triều đình Tự Chủ ở phương Nam, đặt quốc hiệu là VẠN XUÂN, có nghĩa là nước Việt bền vững dài lâu, đồng thời sáng lập một ngôi chùa lấy tên là KHAI QUỐC (Mở Nuớc). Sau Lý Phật Tử lên kế vị năm 571 – 603 (mà lịch sử gọi là Hậu Lý Nam Đế), ở ngôi 31 năm. Dưới triều đại Lý Phật Tử, Ngài Tỳ-Ly-Đa-Lưu-Chi, người Nam Ấn Độ sang Tây Thiên Trúc để khảo cứu Đạo Phật rồi qua cõi Đông Đô, vào Trung Hoa, đến Trường An năm 574; cách sáu năm sau (580) thì ngài qua đất Giao Châu, trụ trì chùa Pháp Vân (Bắc Ninh), để truyền bá Thiền Học và dịch kinh "Tổng Trì".


 

Năm 603, nhà Tuỳ cử Lưu Phương đem quân theo đường tây bắc xuống xâm lăng nước ta. Lý Phật Tử chặn đánh quân Tuỳ ở núi Ô Long (thuộc tỉnh Tuyên Quang), nhưng quân Tuỳ quá mạnh; quân ta chống không lại. Giặc tiến vây thành Cổ Loa, bắt Lý Phật Tử đưa về Tàu, rồi bặt vô âm tín, không biết sau đó sống chết ra sao? Nước ta từ đó, lại một lần nữa bị nội thuộc hết nhà Tuỳ đến nhà Đường (từ năm 603 đến năm 906) cộng 304 năm.



Niên hiệu Khai Hoàng thứ XIV nhà Tuỳ (594) Ngài Pháp Hiền họ Đỗ, quê ở Chu Diên (Sơn Tây), khi mới xuất gia, thụ giới với đại sư Quán Duyên ở chùa Pháp Vân. Đệ nhất Thiền tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi khi mới thấy Pháp Hiền thì nhìn chăm chăm vào mặt mà hỏi:



 

- Chú họ gì?

 

Pháp Hiền đáp:

 

- Hoà thượng họ gì?

 

Thiền sư lại hỏi lại:

 

- Chú không có họ à?

 

- Sao lại không có? Nhưng đố Hòa thượng biết?

 

Thiền sư liền quát lên:

 

- Biết để làm gì?


 

Ngài Pháp Hiền chợt hiểu ý Đệ nhất thiền tổ Tỳ-Ly-Đa-Lưu-Chi, liền sụp xuống lạy xin theo làm đệt tử và sau được truyền tâm ấn.


 

(Đoạn văn đối thoại trên dẫn theo sách Đại Nam thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục. Microfilm Ecole francaise D'Extrême Orient A –2767. No/Aout 1954).


 

Trong giai đoạn này, các thiền sư là gạch nối giữa kẻ thống trị (Trung Hoa) và người bị trị (Việt Nam), mà không gặp bất cứ một trở ngại nào, cho nên: một mặt, đối với kẻ thống trị thì khuyến cáo họ thực hiện hạnh từ bi, biết tôn trọng nhân phẩm con người mà đừng gây khổ đau cho nhau; mặt khác, đối với đồng bào đồng chủng đương bị áp bức bởi nỗi khổ của người dân mất nước, thì truyền đạt tư tưởng "giác ngộ, giải thoát và tự chủ" để kích động lòng yêu nước, tạo chất men cho công cuộc giành quyền tự chủ dưới các triều đại: Ngô Vương (939 – 944); Đinh Tiên Hoàng (968 – 980); nhà Tiền Lê (980 – 1009).


 

Sự trao đổi văn hóa Phật giáo và các kiến thức tổng quát giữa hai nước Việt – Hoa mỗi ngày một trở nên thắm thiết tốt đẹp: vào thời đại Tuỳ – Đường, các thiền sư đất Giao Châu sang thuyết pháp trong cung vua là chuyện thường tình, rồi sau ở lại bên đó. Ngược lại, cũng có các vị thiền sư và trí thức Trung Hoa qua Giao Châu hoằng đạo. Các thiền sư Ấn Độ qua lại giữa hai nước Việt – Hoa cũng thường ghé lại Giao Châu. Đạo Phật tại Giao Châu buổi ấy, nhiều lúc long thịnh hơn hẳn Trung Hoa. Các vua Văn Đế (nhà Tuỳ), Cao Tổ (nhà Đường) đều hướng về Đạo Phật Việt, cúng dường những hòm (rương) lễ vật và xá lợi; đồng thời còn truyền lệnh cho các quan lại phải phụng mệnh thánh chỉ tạo dựng lại chùa, tháp ở Giao Châu. Tuy nhiên, về phương diện giáo pháp chính truyền thì Đạo Phật Việt lại trực tiếp thu nhận tinh hoa giáo lý do chính các nhà sư Ấn Độ truyền vào. Các thiền sư Giao Châu vừa thông hiểu Phạm văn và cả Hán văn nên đã giúp các sư Ấn độ những phương tiện cần thiết để tới Trung Hoa giảng đạo hoặc ngược lại, đón nhận các thiền sư Ấn Độ từ Trung Hoa vào Giao Châu.


 

Hiểu đặc tính văn hóa phương Bắc không ai khác hơn là các thiền sư đất Giao Châu. Ngay chính bên Trung Hoa, hay nơi nước Việt cũng vậy, các thầy đi hoằng hóa giữa hai nước, thường đem tư tưởng "Tự Chủ" của Đạo Phật phổ biến trong quần chúng nhắm chống lại tư tưởng nô dịch của người phương Bắc muốn đồng hóa các dân tộc nhỏ bé. Hay nói rõ hơn là, các sư Việt Nam đã chịu ảnh hưởng trực tiếp nguồn văn hóa Phật giáo Ấn Độ khai hóa cho mình.


 

Luận cứ trên đây được chứng minh cụ thể bằng sự trỗi dậy của LÝ NAM ĐẾ năm 542, lập nên nhà Tiền Lý độc lập đầu tiên ở nước ta; kế KHÚC THỪA DỤ (thuộc quý tộc) bằng cách tự xưng tiết độ sứ mà nhà Đường sau đó bất đắc dĩ phải thừa nhận; và cuộc khởi nghĩa năm 939 của NGÔ QUYỀN là những sợi dây nối kết giữa giới quí tộc (nhưng bất lực trước thời cuộc lúc ấy…) với giới bình dân (chưa ý thức rõ vai trò của mình) mà điểm tựa chính yếu phải nhờ vào giới trung gian thứ ba là các thiền sư, vốn rất khôn khéo một cách tế nhị đã kết hợp nổi hai giới (quí tộc và bình dân) gần lại với nhau: tạo thành phong trào lớn mạnh mà năm 938, nhân dân ta, dưới sự chỉ đạo của ngô quyền, đã chiến thắng đạo quân hung hãn do thái tử Hoàng Thao chỉ huy bị chết trên sông Bạch Đằng, khiến cho vua tôi nhà Nam Hán khiếp sợ, không dám coi thường người Việt nữa. Kể từ đấy chấm dứt nạn đô hộ của người phương Bắc trên đất nước ta suốt một nghìn không trăm ba mươi mốt (1031) năm.


 

Có điều này thiết tưởng người Việt cũng cần tìm hiểu là: Vị sơ tổ của Đạo Phật Việt Nam khác với vị sơ tổ của Thiền Tông Việt Nam. (Có lẽ) Đạo Phật Việt không hẳn chịu ảnh hưởng của dòng Thiền Tỳ-Ni-Đà-Lưu-Chi chỉ mới hiện diện trên đất Giao Châu vào năm 580 – tức cuối triều đại Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) đương trị vì nước ta – Khoảng 603 – 604 ở Giao Châu (buổi ấy) đã có quan thái thú là LƯU PHƯƠNG, dâng sớ về nhà Tuỳ, tâu rằng:


 

"Cõi Giao Châu ngày nay dân chúng rất tôn sùng Đạo Phật lại có nhiều vị danh tăng giáo hóa nên bốn phương thảy đều qui y".


 

Như vậy là chỉ có khoảng 23 hay 24 năm mà "bốn phương thảy đều qui y". Hơn nữa, chỉ trong một thời gian ngắn sau này (618) nhà Tùy đổ, nhà Đường lên thay, thì ở Giao Châu đã có rất nhiều thiền sư biết chữ Phạm và cả chữ Nho, cả thảy có sáu ngài xuất dương du học tại Ấn Độ. Như vậy, có thể khẳng định rằng: Trước khi Đệ nhất thiền tổ Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi tới nước ta truyền bá Thiền học thì Đạo Phật Việt đang trên đà phát triển rực rỡ.


 

Và, trước cả ngài Mâu Bác, chắc chắn phải có các thiền sư khác đã có mặt tại Giao Châu. Ngài Mâu Bác là một trong bốn vị đến nước ta vào cuối thế kỷ II. Nhưng ngài Mâu Bác, khi đến Giao Châu với người mẹ, thì tại nơi đây đã có Đạo Phật cũng như nền tín ngưỡng dân gian đều đã xuất hiện trên đất Giao Châu.


 

Ngài Mâu Bác là người Trung Hoa, thông hiểu Lão giáo, Nho giáo của người Trung Hoa nên chưa chắc là ngài đã gây được sự hưng thịnh của Đạo Phật Việt. Thật rõ ràng nếu muốn tìm hiểu vị Sơ tổ của Phật giáo Việt Nam thì điều rất hữu lý là phải tìm từ năm 111 tr TL, hoặc từ năm 194 là năm Mâu Bác qua Giao Châu trở về trước. Mà vị sư tổ đó phải là người Ấn Độ, và là vị đã gây ý thức giác ngộ tinh thần tự chủ cho người Việt quật khởi để tự cường !


 

Đạo Phật Việt, ở thời kỳ này còn có Tông VÔ NGÔN THÔNG. Tông này rất chú trọng đến vấn đề hoằng hóa truyền thừa, ít khi có sự cẩu thả trong khi truyền pháp hoặc ấn chứng cho ai. Chính ngài Nam Nhạc, khi sắp tịch, có dạy: [ ] "Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa: nghĩa là không gặp các bậc thượng căn thì chớ có truyền bậy! Ngài Vô Ngôn Thông qua Việt Nam năm 820, cách rất xa ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (580). Do đó sự giáo hóa của ngài chắc sẽ chẳng gây được ảnh hưởng bao nhiêu, trong một thời gian quá ngắn, hầu giúp tạo sự lấy lại độc lập cho quốc gia Việt, dưới triều Ngô Quyền. Ở đây có thể tạm kết luận: Đạo Phật Việt trong thời kỳ đầu truyền bá chính pháp tại Văn Lang – Âu Lạc (rất có thể) từ đời Hùng Vương hoặc ít ra cũng từ trước kỷ nguyên Tây lịch.


 

Lịch Sử Việt Nam, tập 1, nhận định: dưới hai triều đại nội thuộc Tùy – Đường (từ năm 603 đến năm 906) Đạo Phật ở nước ta rất hưng thịnh.


 

"Dưới thời Tùy Đường, hai phái Thiền tông của Phật giáo Trung Quốc được du nhập vào nước ta. Phái thứ nhất (do Tỳ-Ni-Đà-Lư-Chi cầm đầu) truyền bá vào cuối thế kỷ VI, trung tâm là chùa Pháp Vân (Thuận Thành, Hà Bắc). Phái thứ hai (do Vô Ngôn Thông cầm đầu) truyền bá vào đầu thế kỷ IX, trung tâm là chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, ngoài thành Hà Nội).


 

"Lúc này ở nước ta đã có nhiều chùa lớn (88 chùa ở Giao Châu), có chùa có số sư tới vài trăm; đã xuất hiện nhiều cao tăng người Việt. Chùa là một tổ chức trang viện, có nhiều ruộng đất và điền nô. Như vậy ở nước ta bấy giờ đã hình thành một lớp tăng lữ là tầng lớp trí thức trọng yếu. Nhiều vị sư đã vượt biển sang Thiên Trúc cầu đạo, thỉnh kinh và sang Trường An giảng kinh cho vua Đường" (Sđd, tr 127.


 

Theo sử gia Trần Văn Giáp khảo cứu trong các  sách cho biết là "về đời Đường có ba đoàn truyền giáo ở nước ta. Đoàn thứ nhất có ba người Tàu; đoàn thứ hai cũng có ba người Tàu và một là người Trung Á; đoàn thứ ba: có sáu pháp sư An Nam mà bốn người ở Giao Châu (Hà Nội và nam Định) và hai người ở Ái Châu (Thanh Hoá bây giờ)" – Le Bouddhisme en Annam, trang 31 – Danh sách ba đoàn truyền giáo, xem trang 55.


 


[22] Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm. Về sau chính vua và con cả là Nam Việt vương  Đinh Liễn bị cận thần Đỗ Thích giết, rồi sau Đỗ Thích cũng bị bắt và giết đi. Sấm truyền có câu:


 

Đỗ Thích giết hai Đinh,

Nhà Lê hiện thánh minh.

Tranh nhau, nhiều kẻ chết,

Đường sá, người vắng tanh".


 

(Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh. Cạnh đầu đa hoạch tử, đại lộ tuyệt nhân hành). Đinh Tuệ, sáu tuổi, lên ngôi vua. Mọi việc triều chính đều do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cùng với Dương thái hậu đảm nhiệm. Các đại thần trung thành với triều vua trước của dòng họ Đinh, như các ông Nguyễn Bặc, Đinh Điền định thanh toán Lê Hoàn nhưng ngược lại bị lê Hoàn phát giác và giết chết. Giữa lúc tình hình trong nước rối loạn; bên ngoài nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang định đánh lấy nước ta. Đứng trước tình thế khó xử ấy, Lê Hoàn lại được Thái hậu tư thông, âm mưu với nhau, họp cùng với Phạm Cự Lượng và quân sĩ, tôn Lê Hoàn lên làm vua để đối phó với quân ngoại xâm; bảo toàn nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt. Lê Hoàn (tức Đại Hành hoàng đế) trị vì 24 năm thì mất. Người con cả là Ngân Tích, không được tôn lập, trái lại, người con thứ ba là Long Việt được vua cha ưu ái giao cho quyền bính cai trị muôn dân. Mấy người con của Lê Hoàn tranh nhau ngôi báu, nổi loạn, người thì chết, kẻ còn sống sót. Long Việt chính thức lên ngôi chưa được ba ngày thì Long Đĩnh sai người giết rôì kế vị. Ta cần nên nhớ điều này: khi Long Việt bị hạ sát thì các quan đều hoảng hốt chạy trốn hết, ngoại trừ Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn là người rất trung và rất can đảm còn ở lại trong triều.


 

- Dưới thời Lê Ngọa Triều, người ta phát giác ở châu Cổ Pháp (quê hương Lý Công Uẩn) có cây đa bị sét đánh, ở ruột cây có những hàng chữ:


 

"Thụ căn diểu diểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòn đao mộc lạc

Thập bát tử thành

Chấn cung hiện nhật

Đoàn cung ẩn tinh

Lục thất niên gian,

Thiên hạ thái bình".


 

 (Gốc cây sâu thăm thẳm,

Ngọn cây cao xanh xanh.

Cây "hòa đao" rụng xuống

Mười tám hạt hình thành

Hướng đông mặt trời mọc,

Phía tây sao náu hình

Trong khoảng sáu bảy năm

Thiên hạ sẽ thái bình).


 

Đây là một trong những bài thơ "Sấm" xuất hiện vào thời cuối Lê, đầu Lý. Lời giải thích của Ngài Vạn Hạnh đoán rằng: "Câu thụ căn diểu diểu thì căn là gốc, diểu là yếu đồng âm nên đọc là yểu (tức là non yểu). Câu mộc biểu thanh thanh thì biểu là ngọn; ngọn là bề tôi. Chữ thanh đồng âm với chữ thanh nên viết là thanh, tức là thịnh. Hòa đao mộc là chữ Lê, Thập bát tử là chữ Lý (…) câu chấn cung hiện nhật, thì Chấn là phương Đông, hiện là hiện ra, nhật cũng giống như thiên tử. Câu Đoài cung ẩn tinh, thì Đoài là phương Tây, ẩn cũng như lặn, tinh như thứ nhân. Mấy câu đó ý nói vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất thì họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất. Trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình = Theo trong ĐVSKTT, nguyên văn chữ Hán; Tăng Vạn Hạnh tư tự bình viết: Thụ căn diểu diểu, căn giả bản dã; diểu yểu âm đồng; diểu đương tác yếu. Mộc biểu thanh thanh, biểu giả mạt dã. Mạt do thần dã; thanh thanh tương cận; thanh đương tác thanh, thịnh dã. Hòa đao mộc: Lê tự, thập bát tử: Lý tự ( ) Chấn cung hiện nhật giả, chấn, đông phương dã; ẩn do một dã; tinh do thứ nhân dã. Thử ngôn quân yểu thần thịnh; Lê lạc Lý thành; đông phương xuất thiên tử, tây phương một thứ nhân. Kinh lục thất niên gian nhi thiên hạ thái bình hĩ - dẫn theo sách ĐVSKTT tập IV, phần chữ Hán, tr. 106 – Nhà xb/ KHXH –


 

Trong dân gian có ghi câu chuyện: "Ở chùa Thiên Tâm, châu Cổ Pháp, có con chó đẻ ra con chó trắng, lưng có lông đen, nổi lên hai chữ "thiên tử", người ta đồn rằng người sinh tuổi tuất sẽ được đại quý. Quả nhiên vua Lý tức Lý Công Uẩn đẻ vào năm giáp tuất, niên hiệu Thái Bình thứ 5". Chép theo Việt Sử Tiêu Án và trong Thiền Uyển Tập Anh có ghi lại bài thơ:


 

Tật Lê trầm Bắc thủy,

Lý tử thụ Nam Thiên.

Tứ phương can qua tĩnh,

Bát biểu hạ hành yên.

(Gốc Lê(1) chìm bể Bắc,

Chồi Lý (2) mọc trời Nam

Bốn phương tan giáo mác,

Tám cõi được bình an.

(Bản dịch của Đoàn Thăng – TVLT, tập I)


 

Qua bài thơ sấm trên cho ta thấy đây là điểm báo trước nhà Lý sẽ lên thay thế nhà Tiền Lê đã hết thời!…


 

Hơn nữa, Long Đỉnh ông vua cuối cùng dòng họ Lê lại rất bạc nhược về cả tinh thần lẫn vật chất: Long Đỉnh là một con sâu rượu, suốt ngày say sưa, cộng thêm sự hoang dâm vô độ. Về thể chất thì Long Đĩnh gần như tê liệt toàn thân, đến nỗi phải có cận thần khiêng ra long sàng để vua cứ nằm bàn bạc việc nước với các quan (do đó có tên: Lê Ngọa Triều); về tinh thần thì Long Đĩnh ở ngay giữa buổi chầu, đông đủ văn võ bách quan, lại cho một thằng hề đứng bên cạnh để pha trò, nhạo các đình thần. Đã vậy lại còn chế ra rất nhiều kiểu hành tội các phạm nhân cực kỳ dã man: những người bị đưa ra hành hình thường bị Long Đĩnh, sai lấy cỏ gianh quấn vào người rồi đốt cho chết, hoặc cho nhốt tội nhân trong chiếc cũi rồi đem thả xuống sông cho nước cuốn trôi ra biển, hoặc bắt người bị tội trèo lên cây cao rồi cho chặt gốc hoặc đánh bằng gậy, hoặc cho rắn cắn chết… Long Đĩnh còn thích chọc tiết bò, lợn, có lần sai lính bắt nhà sư Quách Ngang (vì ông dấy loạn chống lại triều đình) đến chầu, hạ lệnh ngồi xuống, rồi tự tay lấy mía róc lên đầu nhà sư, song chốc lát lại giả vờ lỡ tay bổ dao… làm cho máu chảy xối xả để mình cười một cách khoái trá! Đấy là chỉ mới kể có yếu tố nhân sự có tính cách tranh chấp nội bộ cũng như dùng hình luật để TRẤN ÁP… làm cho dân khiếp sợ!… chứ chưa nói đến bất cứ thời nào và lúc nào, cả hai phương Bắc lẫn phương Nam, luôn luôn có nạn ngoại xâm rình rập để thừa dịp tràn vào chiếm đất đai. Nạn ngoại xâm đe dọa và nạn giết vua đoạt quyền, ở ngay trong nước, là hai ác mộng chính của thời ấy. Nếu kể cả những điều phụ nữa thì rất nhiều, nhưng đại khái thì hầu như chẳng bao giờ Việt Nam thoát được cảnh trộm cướp thành đảng của người phương Bắc lẫn người bản xứ trên miền thượng du Bắc Việt, hoặc tại miền Hoa Nam, và ngay ở cả trong các khu rừng núi rậm rạp, hiểm trở nội địa nữa.


 

Với sự vừa kể, hẳn không thể chối cãi điều này: Lê Long Đĩnh, ông vua cuối cùng, rất quái dị của dòng họ Lê, tất phải bị thay thế, không do người này thì ắt phải do người khác. Đó là lẽ dĩ nhiên phải xảy ra.


 

[23] Khi sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước Việt, trong nước không có ai là nho học lỗi lạc, nên vua phải nhờ hai vị Pháp Thuận và Khuông Việt ra tiếp sứ, hai vị cùng Tống sứ làm thơ xướng họa, Tống sứ cũng phải phục tài. Vậy thì dù chữ Hán, truyền vào Việt Nam đã từ lâu, nhưng trong mười thế kỷ Bắc thuộc cho đến ba triều độc lập Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nho học chưa đào tạo được một nhân tài bác học nào; người giỏi lại xuất hiện ở Thiền môn…" Trích Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu của nghiêm Toản.


 

(Còn nữa)

HT.Thích Đức Nhuận

nguồn link: phatviet.com

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp