Dù có chọn đạo gì, tôn giáo gì thì chúng ta cũng là người Việt Nam, cũng là người dân tộc Việt Nam cả thôi. Không phải “Ôi, bây giờ tôi theo Chúa rồi, tôi không còn là người Việt nữa!” hay “Ôi, bây giờ tôi theo Phật rồi, là người của Phật rồi, không còn là người Việt nữa”. Chúng ta theo một tôn giáo là để cuộc đời mình vui hơn một chút, chứ không có nghĩa theo một tôn giáo là mình chối bỏ sự thật đang hiện hữu. Chúng ta không thể chọn vùng miền nào để sinh ra được, nên phải chấp nhận. Chẳng những chúng ta chấp nhận, yêu thương mà còn phải học hỏi ở chính cái nơi mà mình sinh ra. Học hỏi để làm gì? Học hỏi các quy luật vận hành của nó để có thể phù hợp với nó.
Toàn bộ dân tộc Việt Nam có một đời sống đặc biệt riêng, có những nét khác với các dân tộc khác. Đó là một loại đạo – Đạo Dân tộc Việt Nam. Do đó, mình không thể theo một tôn giáo khác hay theo một tổ chức khác mà phủ nhận cái đạo sống của dân tộc Việt Nam được. Điều mình cố gắng làm là phải hiểu dân tộc Việt Nam như thế nào, làm sao thể hiện sự thống nhất giữa mình và cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và phải chấp nhận tất cả, dù hay – dở đều phải chấp nhận hết. Tiếp theo là làm thế nào để giữ danh giá của dân tộc. Đừng đưa những ý kiến riêng vào làm xấu hổ dân tộc mình.
Việc một người theo tôn giáo là chuyện cá nhân riêng của người ấy, không phải chuyện của một dân tộc. Người ấy đã có cả một đạo dân tộc, bây giờ có thêm tôn giáo thì tôn giáo là niềm vui riêng của người ấy. Cho nên, không thể dùng niềm vui riêng để chống phá toàn bộ sự hợp nhất của một dân tộc. Một trong những vẻ đẹp của dân tộc là sự đoàn kết, tình thương yêu đùm bọc trong cùng màu da, trong cùng cách sinh hoạt văn hóa với nhau. Không thể vì bất cứ một lý do gì mà đem chuyện cá nhân của mình vào phá vỡ toàn bộ sự hợp nhất, sự đoàn kết dân tộc. Việc đem tư tưởng chính trị, triết học, tôn giáo, đức tin, quan niệm sống về đạo đức vào rồi cho rằng hay là phá nát toàn bộ sự đoàn kết dân tộc. Không thể làm chuyện ấy được. Phải tôn trọng sự đoàn kết của một dân tộc. Đó chính là cái đạo lớn nhất của một dân tộc. Không thể dùng bất cứ thứ gì từ cá nhân, quan điểm cá nhân hay thành kiến cá nhân để phá vỡ toàn bộ đạo đoàn kết dân tộc được. Làm như vậy là ngu xuẩn. Thế giới sẽ cười và những kẻ xấu sẽ lợi dụng.
Như quý vị thấy, chưa có cái gì là nguyên thủy của dân tộc chúng ta cả. Toàn là đi học lỏm, bắt chước, copy… Mà học thì chỉ học toàn chuyện xấu, chuyện tốt không học được bao nhiêu. Copy cũng chỉ toàn là chuyện xấu, chuyện tốt không copy được. Vì chuyện tốt của một dân tộc là sự vĩ đại của dân tộc đó, không ai có thể copy được. Khó lắm! Người ta chỉ copy được những thứ rác rưởi không dùng nữa của dân tộc đó thải ra mà thôi. Cũng vậy, sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam thì không một dân tộc nào khác copy được. Nếu có, cũng là thứ mà dân tộc Việt Nam đã thải ra rồi, không còn sử dụng nữa. Sự vĩ đại của dân tộc Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ hay sự vĩ đại của các dân tộc châu Âu thì không thể copy được. Chính bản thân mình có sự vĩ đại của chính mình rồi, không cần copy sự vĩ đại của dân tộc khác. Chỉ có điều, chính mình lại chưa thấy được sự vĩ đại đó. Trong khi đó, những điều copy được mang về cho dân tộc thì mình thích thú, thích quá nhưng lại làm loạn hết cả dân tộc, làm mất đoàn kết của dân tộc. Cho nên, đạo lớn nhất của một dân tộc chính là đạo của sự đoàn kết, đạo thương yêu, đạo đùm bọc của dân tộc ấy. Còn những gì mà mỗi thành viên của dân tộc đi kiếm đâu đó bên ngoài chỉ là niềm vui riêng của người đó. Và phải nhớ rằng đó chỉ là niềm vui riêng. Không thể đem niềm vui riêng ấy phá nát toàn bộ đạo đoàn kết của dân tộc.
Đạo đoàn kết của một dân tộc được hình thành, được bao bọc bởi một năng lượng vô hình không chứng minh được, bởi một sức mạnh vô hình không chứng minh được, bởi một nguồn lực sống vô hình không chứng minh được của dân tộc ấy. Điều quý báu của một dân tộc, sức mạnh vĩ đại của một dân tộc hoàn toàn vô hình, không ai thấy được. Vì vậy mà không dân tộc nào có thể copy được… Người có một bộ óc rộng mở phải thông cảm, cố gắng chấp nhận những điều không thể chấp nhận được để tiến tới sự đoàn kết. Và đó là đạo lớn của một dân tộc…
Dân tộc chúng ta có một đại đạo rồi chứ không phải không có. Đó là sức sống, sự đoàn kết, sự đùm bọc với nhau, là một cái gì đó mãnh liệt và rất vô hình. Dân tộc Việt Nam có đại đạo ấy rồi. Mỗi dân tộc đều có đại đạo dân tộc của mình, không phải chỉ có dân tộc Việt Nam có đại đạo của dân tộc Việt Nam mà thôi.
Duy Tuệ