Sau đó, là một loạt tin mở rộng và bình luận từ các trang mạng đạo Ca tô La Mã Việt Nam, có nhắc đến cả tên giám mục chịu trách nhiệm về dự án. Tuy nhiên bẵng đi một thời gian không nghe nhắc đến.
Nay có tin mới và cũng là tin chính thức.
Trên Tuần báo “Công giáo và Dân tộc”, tuần lễ từ 17/4 đến 23/4/2015, tin “Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ 1.2015”, cho biết: “Trong ngày làm việc đầu tiên, Đức Cha Giesu Đinh Đức Đạo, chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo, trình bày việc xúc tiến thành lập Học viện Công giáo” (trang 14).
Học viện Công giáo này tức là đại học Công giáo, dĩ nhiên là tư, vì do Hội đồng Giám mục Việt Nam thành lập.
Chúng ta đừng lầm lẫn qua từ “học viện”, mà nghĩ rằng học viện thì Phật giáo Việt Nam đã có từ lâu. Thực ra, các học viện Phật giáo Việt Nam chỉ là trường đào tạo chủ yếu riêng tu sĩ, như các chủng viện, đại chủng viện của đạo Ca tô La Mã.
Nếu chỉ là trường đào tạo chủ yếu riêng tu sĩ, giới hạn trong đối tượng tu sĩ, thì tất nhiên không có gì để nói việc thành lập trong thời điểm này, vì loại trường này đã có từ lâu.
Tuy nhiên, dù đã có bước xúc tiến như trên, dường như cho đến gần đây, mọi chuyện vẫn còn đang trong vòng chưa được tiết lộ. Tại sao người ta phải giữ kín trong khoảng một năm qua? Vì đó là đại sự, là bước chuyển biến quan trọng trong cục diện tôn giáo tại Việt Nam.
Nay, vị trí của việc xúc tiến “Học viện Công giáo” trong Hội nghị Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam kỳ 1.2015 cho thấy tầm quan trọng của nó đối với đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam.
Nắm lại hoạt động giáo dục là một mục tiêu lớn, có thể nói là chiến lược của đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam. Cái bây giờ họ hướng tới không phải chỉ là giáo dục tu sĩ, mà là giáo dục tín đồ, tiến tới giáo dục xã hội. Nhiều hình thức đã được triển khai (trường mầm non, trường tình thương, trường dạy nghề, lưu học xá, lớp hè, lớp ngoại ngữ, lớp bổ túc…) nhưng trên hết là cố gắng xây dựng lại hệ thống trường từ tiểu học đến đại học, tranh thủ làm từng bước. Học viện Công giáo là cột mốc đại học trong kế hoạch đó.
Trong khi đó, đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay, giáo dục tín đồ, giáo dục hướng ra xã hội chưa bao giờ được quan tâm.
Nhìn chung, học viện Phật giáo vẫn tự giới hạn là trường đào tạo tu sĩ.
Hiện nay, ưu thế giáo dục (như ở giáo dục mầm non) đã làm cục diện tôn giáo Việt Nam thay đổi theo hướng đạo Ca tô La Mã có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với xã hội, còn Phật giáo ngày càng thu hẹp ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là Phật giáo Việt Nam ngày càng rơi vào tình trạng suy thoái. Nếu “Học viện Công giáo” được thành lập, một bước chuyển lớn trong cục diện tôn giáo sẽ diễn ra, tình trạng tôn giáo suy thoái, thiểu số hóa của Phật giáo sẽ được xác định rõ. Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành tôn giáo bên lề xã hội như trước chấn hưng Phật giáo, chỉ còn mỗi hoạt động cầu cúng nổi trội. Trong thế kỷ XXI, đó không gì khác hơn là tự đào thải.
Trong tin trên, cho dù chưa chi tiết hóa, đại học tư công giáo, “Học viện Công giáo” không còn là một ý tưởng, một mục tiêu, một đề án, mà là một kế hoạch đang được xúc tiến. Một điều chắc chắn là Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ không đưa vào chương trình nghị sự như thế, nếu chưa nhận được chủ trương cho phép từ chính quyền. Tin tức vừa qua được giữ kín như một sự “giấu mình”, nhưng không phải “chờ thời” mà là để tránh những trở ngại. Để khi “Học viện Công giáo” được tuyên bố thành lập, thì mọi chuyện đã hoàn tất. Họ đang có thời, đang dùng thời, không phải chờ thời.
Còn Phật giáo đang đánh mất thời của mình trong hoạt động giáo dục.
Trong bài sau về việc này, chúng tôi sẽ đi vào thông tin chi tiết vừa được công bố.
Minh Thạnh