đậu tương đen hữu cơ

Kinh - Luật - Luận

13:13 27/03/2012

Luân hồi trong kinh Lăng Nghiêm - Phần 2 (Thích Nữ Giới Hương)

(TG&DT) - Có bao giờ mình chịu nhìn lại cuộc đời mình, không gì ngoài những phan duyên đó. Chịu dùng đèn pin trí tuệ soi lại thì sẽ thấy, sẽ sáng. Thiện ác từ đâu ra, ở ngay tâm phan duyên. Nó đang bày ra địa ngục, ngạ quỷ và cảnh người đây. Hễ còn trong gốc luân hồi này thì còn làm con chó, con mèo, con gà, con người, còn hoá thân vào địa ngục, cõi trời thì đều không bảo đảm giải thoát.

Chương IV

HAI CỖI GỐC:
THƯỜNG TRỤ VÀ LƯU CHUYỂN


Khi bấy giờ A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải đảnh lễ thưa Phật rằng tôn giả là em rất nhỏ của Phật, được Phật thương yêu. Tuy được xuất gia, còn ỷ nơi lòng thương của Phật, nghĩ Phật sẽ gia hộ. Vì vậy, tuy con học rộng nghe nhiều, mà chưa chứng quả vô lậu, bị thần chú của Ma-đăng-già bắt, nguyên do vì con không biết đường tu tập đi đến chỗ chân thật. Xin đức Thế Tôn đại từ thương xót chỉ dạy cho chúng con pháp Sa-ma-tha tức pháp đại định để đừng có luân chuyển, luân hồi, biến hoá kiếp này sang kiếp khác.


Lúc đó Phật bảo A Nan: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo vô thượng Bồ đề, đến nỗi lại thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được.


Thế nào là hai thứ cỗi gốc?


A Nan, một là cái cỗi gốc sống chết vô thỉ, tức như A-nan ngày nay cùng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính.


Hai là cái thể bản lai thanh tịnh Bồ đề Niết Bàn vô thỉ thì như hiện nay cái tính bản minh thức tính của A-nan, sinh ra các duyên mà lại bị bỏ rơi. Do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo. [1]


Đây là phần kiến đạo Sa-ma-tha tức phân biệt hai cỗi gốc: thường trụ và lưu chuyển. Kiến là thấy, đạo là đường, thấy được đường lối tu hành là bỏ hư vọng mà về chơn.


Do sáu căn làm mai mối thấy sáu trần tướng hảo của Đức Phật và nét quyến rũ của nàng Ma-đăng-già và chính gốc tâm của A-nan là giặc tham ái, khát ngưỡng đưa A-nan luân chuyển. Chúng ta theo tâm chuyển động phan duyên, thế là đã theo cái tâm khổ, vui, yêu ghét tạo nghiệp rồi, thành ra mình đi vào cái vòng luân hồi, với tập khí luân hồi đó. Đây là mở đầu cho Kinh Thủ Lăng Nghiêm và cũng mở đầu cho cuốn sách “Luân hồi trong lăng kính Lăng nghiêm” này vậy.


Đức Phật khen A-nan nói đúng đấy nhưng đó chỉ là nguyên do nông cạn. Nông cạn là lấy tâm yêu thích làm tâm của mình, chứ gốc chính yếu là nguyên nhân sâu xa thì A-nan và tất cả chúng ta đều không biết được. Nguyên nhân sâu xa tức là cỗi gốc thứ hai, là hết thảy chúng sanh sống chết từ vô thủy, chết sống nối tiếp, chính bởi vì không biết chân tâm mình bản lai vẫn thường trụ, tịch tịnh bồ đề niết bàn từ vô thủy. Bởi vì không biết đến chân tâm này, nên nhiều đời và cả đời này chúng ta không có sống với nó.


Vọng là vọng tưởng, là cái hư vọng không có, là tư tưởng phù hư, chợt nổi lên rồi chợt tan, chợt giận chợt mừng, chợt yêu chợt ghét. Chúng ta sống với những vọng này nên cả ngày bị tham, sân, si làm chủ. Chúng ta mất quyền chủ nhân, bị vọng tưởng sai xử, sống với vọng tâm, trong khi chính mình bản chất lại thường trụ, thường định và thường hằng. Thế nên, chúng ta oan uổng mà chịu khổ, chịu phận đoạn sanh tử.


Đức Phật giáng sanh chỉ cho chúng ta cái căn bản trở về, sống với tánh Phật, không để vọng tưởng chi phối, chỉ huy. Cứ mỗi lần căn gặp trần là tâm mình chuyển động. Mỗi lần ngay lúc căn gặp trần, ngay lúc sáu căn mở cửa, chúng ta phải hộ sáu căn, đề phòng vì nó là gốc để sai xử mình chuyển động.


Trong tranh luân hồi minh họa tâm phan duyên như con khỉ chuyền cành[2] , lăng xăng vơ hết cành này đến cây nọ, từ sáng đến chiều chúng ta sống vịn sáu trần. Vừa suy nghĩ giải quyết việc này xong, lại vịn bám sang việc khác không dừng nghỉ. Chúng ta có hàng chục, hàng trăm cái tâm để vịn, để níu. Nương tựa và bám víu vào một cái gì đó bên ngoài là thói quen thành nghiệp.


Chúng ta bị say suyển bởi những cái ảo nơi thần kinh của con ngươi.


Chúng ta bị điên đảo bởi những cái ảo nơi thần kinh của con mắt.


Chúng ta bị ngả nghiêng, khó chịu, khóc cười bởi cái ảo nơi thần kinh gá vào xác thân da thịt này. Đây là phần liễu biệt quán chiếu Sa-ma-tha.


Có bao giờ mình chịu nhìn lại cuộc đời mình, không gì ngoài những phan duyên đó. Chịu dùng đèn pin trí tuệ soi lại thì sẽ thấy, sẽ sáng. Thiện ác từ đâu ra, ở ngay tâm phan duyên. Nó đang bày ra địa ngục, ngạ quỷ và cảnh người đây. Hễ còn trong gốc luân hồi này thì còn làm con chó, con mèo, con gà, con người, còn hoá thân vào địa ngục, cõi trời thì đều không bảo đảm giải thoát.


Chúng ta có chịu nhận tâm phan duyên đó là vọng chưa? Biết nó là hư vọng thì mình bắt đầu sáng rồi, thì chúng ta bắt đầu có sự chuyển hoá, thay đổi. Đây là nhân cát thì không thể nào nấu thành cơm mà chỉ thành cát nóng luân hồi thôi. Cơm là mong thành Phật, trở về tánh viên đại định Thủ Lăng Nghiêm thì phải dùng thức tinh để biết đúng sự thật. Lấy cát là lấy thức tâm phan duyên vào đất, nước, gió, lửa vô thường thì sao thường hằng được. Dùng nhân hư vọng là cát thì ngàn vạn năm chỉ là cát nóng. Văn kinh đã nói do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được.


Cơm là bản thể thanh tịnh của bồ đề niết bàn. Thể tánh thanh tịnh nơi chúng sanh gọi là Như Lai tạng vì có hai ý: một là tinh túy và hai là còn buộc vào đồng và biệt nghiệp. Thân này, con mắt này, cái tay này có tan đi, có vào nhà quàn, nhà thiêu (funeral home) nhưng thể tánh không tan, thường trụ bất biến, không bị bỏ vào quan tài, nó độc lập, nó không bận gì đến cái thân. Đây là nhân gạo, gạo ngon nấu sẽ thành cơm thơm vậy.


NƯƠNG CÁI THẤY GẠN HỎI CÁI TÂM


Phật bảo: A-nan nay thầy muốn biết đường tu Samatha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi thêm.


Liền đó Đức Phật giơ cánh tay kim sắc, co năm ngón tay, bảo A-nan: A-nan có thấy không?


A-nan bạch Phật: Thấy.


Phật bảo: Thấy cái gì?


A-nan bạch: Con thấy Như Lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của con.


Phật bảo: “Thầy đem cái gì mà thấy?”


A- nan bạch: “Con cùng đại chúng đều đem con mắt mà thấy”.


Đức Phật bảo A-nan: “Thầy trả lời tôi rằng Như-lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của A-nan; con mắt A-nan thì thấy được, còn A-nan lấy gì làm tâm để đối lại với cái nắm tay chói sáng của tôi?”.


A-nan bạch: “Như Lai hiện nay hỏi tâm ở chỗ nào, con thì dùng tâm suy nghĩ tìm xét: tức cái biết nghĩ ấy, con lấy nó làm tâm.”


CHỈ CÁI BIẾT SUY XÉT CÓ THỂ TÍNH


Phật bảo: “Sai rồi A-nan, cái ấy không phải là tâm của thầy”


A-nan giựt mình, rời chỗ ngồi, chắp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm con thì gọi là cái gì?”


Phật bảo A-nan: “Cái ấy là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của A-nan. Do từ vô thủy cho đến đời nay, A-nan nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tánh bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi”.


A-nan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn! Con là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Đức Như-lai, mà còn trải qua hằng sa quốc độ, thừa sự chư Phật và các vị thiện tri thức; phát lòng đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dẫu cho hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì con thành không có tâm như cây như đất, vì ngoài cái hay biết ấy ra con lại không còn gì nữa. Sao đức Như lai lại bảo cái ấy không phải là tâm? Con thật kinh sợ và cả trong đại chúng này không ai là không nghi hoặc, xin Phật rủ lòng từ bi, chỉ dạy cho những chỗ chưa giác ngộ”[3] .


A-nan và đại chúng hết sức kinh hãi khi nghe Phật nói: những phát tâm làm Phật sự cúng dường, những thiện tâm phụng sự thiện tri thức cũng không phải là thật mà chỉ là tâm phan duyên.


Tôn giả A-nan thị hiện đúng tâm lý của tất cả chúng ta. Ngài đã vì chúng ta hỏi những câu hỏi và để Phật trả lời cho chúng ta rõ cái mê, cái ngộ nhận của mình. Từ hồi đó tới giờ chúng ta cho là tâm tôi, tôi thích, tôi phiền, tôi nhọc, tâm tôi nằm trong ấy, tôi ngồi thiền, tôi gởi email, tôi điện thoại, tôi lái xe, tôi thuyết pháp, tôi đi học, làm thơ, viết sách... đều là tôi cả, mà bây giờ Phật nói nó không phải là tôi, vậy tôi là cái gì đây? Chúng ta quen nương tựa và bám vào cái này, cái kia để nhận làm mình.


Khi bấy giờ, Đức Thế tôn chỉ dạy A-nan và cả đại chúng, khiến cho tâm được vô sanh pháp nhẫn, nơi sư tử tọa, xoa đầu A-nan và bảo A-nan rằng: Như-lai thường nói: Các pháp phát sanh đều duy tâm biến hiện, tất cả nhân quả, thế giới, vi trần, đều nhân cái tâm thành có thể tánh. A-nan như trong các thế giới, hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút, gạn xét cội gốc, đều có thể tánh, dầu cho hư không cũng có tên, có tướng, huống chi cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính.


Nếu thầy quyết chấp cái tính hay  biết suy xét phân biệt là tâm của thầy thì cái tâm ấy phải rời sự nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc riêng có toàn tính; chứ như hiện nay A-nan vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.


Chẳng phải tôi bảo thầy chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng thầy phải chính nơi tâm, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm của thầy. Nếu tánh phân biệt rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng giống như lông rùa, sừng thỏ và pháp thân của A-nan cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn.[4]


Bởi mình cứ nhận ý thức làm cái tâm hàng ngày, nó phan duyên, nó khởi vọng tưởng, mình cứ nhận cái ấy làm tâm tánh của mình, cho nên cái bóng này hiện lên, mình bắt lấy; rồi bóng khác hiện lên, bỏ bóng này vịn bóng khác, bóng này tan đi thì bóng khác hiện lên. Dù nhắm mắt, bịt tai, bịt cả sáu căn, không cho nó hoạt động, dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi, nghĩa là chúng ta sẽ rơi vào, không sáng thì tối (của mắt), không động thì tĩnh (của tai), không hợp thì ly (của mũi), không vị thì nhạt (của vị), không xúc thì ly xúc (của thân), không sanh thì diệt (của ý), tức chúng ta bỏ sắc, bỏ động, bỏ hợp, bỏ vị, xúc, sanh của sáu trần thì tâm lại bám vào mặt khác của sáu trần là tối, tĩnh, ly, nhạt, không xúc, diệt thì cũng đều là phan duyên. Nếu bịt sáu căn lại thì vẫn hiện ra cảnh u nhàn, chung quy cũng là ý thức phân biệt cảnh bên ngoài, là tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần, chứ không phải là tâm tánh của mình.


Bỏ bóng này bắt bóng khác, chúng ta không nắm được chân tâm chân thật mà vẫn sống với vọng tâm, chung quy vẫn là cảnh, không phải là tâm tánh của mình. Chúng ta phải nhận dứt khoát căn bản bồ đề là tánh thấy, tánh nghe, hay, biết là tông chỉ của Thủ Lăng nghiêm. Còn các định của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền để sanh về cõi trời sắc giới; hay các định của tứ không, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ được sanh về cõi trời vô sắc giới được sống ngàn vạn tuổi thì cũng hết và cũng tái sanh luân hồi. Đây vẫn là một dạng của thức thực. [5] Thức thực là thức thứ tám nối nhau giữ căn thân khiến chẳng rã hoại.


Bốn thánh sáu phàm đều có thức thực, chỉ có khác là mê và ngộ. Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn sẵn trong sáng, gọi là Như lai tạng thức, vì nó duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu: phi có, phi không, phi trụ, phi chẳng trụ. Đây là cách ăn bằng cách vốn có công đức chẳng thể nghĩ bàn mà làm sanh trụ.


Đức Phật bảo đại chúng: làm sao hiện nay các vị cứ lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, bỏ mất chân tính, làm việc trái ngược. Tâm tánh mất chỗ chân thật, nhận vật làm mình, xoay vần trong ấy, tự nhận cái trôi lăn trong lục đạo.[6]


Nhận sáu căn, sáu trần và sáu thức làm mình. Lấy tư hoặc làm tâm, lấy kiến hoặc làm cảnh, lấy đất, nước, gió, lửa làm thân. Chúng ta xây dựng đời sống của mình trên những biến đổi như vậy có chắc không? sống với biến hoá vô thường thì làm sao bình an. Sống cứ lấy động làm thân, lấy động làm cảnh thì làm sao thường hằng, thường định,  thế nên tâm tánh mất chỗ chân thật mà tự nhận cái trôi lăn trong lục đạo làm mình.


10 KIẾN TINH


Phần tiếp theo là Đức Phật nói về 10 kiến tinh như kiến tinh bất động, kiến tinh vô sanh, bất diệt, chân ngã, tùy duyên bất biến, bất nhị, siêu tình...Kiến tinh là phần tinh túy của cái thấy nghe hay biết, chứ không phải là phần phân biệt nhãn thức hay nhĩ thức...


Nếu mình y cứ vào được cái thường trụ chân thật tức mình nắm được cái thật thể của nó rồi thì mới phát huy công dụng gọi là nhập tri kiến Phật và hiển hiện diệu dụng ngàn mắt ngàn tay, phải chân thật nhận ra mới biết kinh Thủ Lăng Nghiêm có giá trị. Còn giờ theo những công dụng chánh, tà, thiện, ác là tâm chuyển động theo mê. Chính mình đang sống với vọng thân, vọng tâm và vọng cảnh, chúng ta quen thuộc với nó nên nói là nhận ra ngay sáu thức, còn những kiến tinh này chúng ta không hề biết đến. Những kiến tinh này đối với chúng ta vẫn là chuyện trên mây và vẫn là cái không nắm được.


Tánh Phật hay kiến tinh này lìa trần không mất, đối trần không mê, trong khi tâm phan duyên đối trần thì sanh và không có trần thì không sanh, chúng ta chỉ đang nắm giữ bóng dáng chứ chưa thấy được chỗ này.


Con mắt, lỗ mũi, cái tai, thân thể và bộ óc là cái mới có. Do ăn cơm uống nước, thở không khí, nhận ánh sáng mặt trời mà tạo thành, chứ tánh thấy nghe hay biết thì ở khắp, khi chưa có thân này hay thân này tan đi thì tánh thấy vẫn ở khắp pháp giới, vẫn thường trụ bất động khắp 10 phương.


Nếu có duyên tái sanh thân con người, con vật ở Việt nam thì có cái thấy, có kiến tinh ở Việt nam. Nếu ở Hoa kỳ thì có cái thấy, có kiến tinh ở Hoa kỳ. Đức Phật và chư Phật 10 phương không có con mắt nghiệp báo như chúng ta nên ngài thấy khắp, tụ ở một chỗ mà cũng không tụ một chỗ tuỳ duyên hoá độ.


Kiến tinh đầu tiên của 10 kiến tinh là kiến tinh thường trụ. Cuộc pháp đàm giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc đã chỉ ra cho A-nan và đại chúng thấy đặc tánh kiến tinh thường trụ tức tánh thấy không sinh không diệt như sau:


Khi bấy giờ, A-nan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay, bỏ mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm, ngày nay được khai ngộ, như em bé mất sữa bỗng gặp mẹ hiền, chấp tay lễ Phật. xin đức Như lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện tiền, phát minh ra hai tính sinh diệt và không sinh diệt.


Khi ấy, vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước con chưa được vâng nghe lời Phật dạy bảo, con thấy bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết bàn. Nay tuy được gặp Phật nhưng con vẫn còn hồ nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng biết được tánh không sanh diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu lậu trong đại chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”


Đức Phật bảo: “Đại vương, thân bệ hạ hiện đó, nay tôi hỏi: cái nhục thân đó của vua có như kim cang thường còn, không hư hỏng hay lại cũng biến đổi và tan rã?”


Bạch Thế tôn, thân con hiện nay rốt cuộc về sau cũng thay đổi và tiêu diệt.


Phật bảo: Đại vương chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?


Bạch Thế tôn, cái thân vô thường thay đổi của con đây, tuy chưa hề bị diệt, song con xét nó hiện nay niệm niệm dời đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất.


Phật dạy: đúng thế, tuổi tác của Đại vương nay đã già yếu, vậy mặt mày của Đại vương so với lúc còn bé thì như thế nào?


Bạch Đức Thế tôn, lúc con bé nhỏ, da thịt mởn mơ, đến khi trưởng thành, huyết khí sung túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần lẫn lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so sánh sao được với lúc đương còn trẻ mạnh.


Phật bảo: Đại vương, hình dung của Đại vương, nào phải đương trẻ mà già liền đâu.


Vua bạch: Thưa Thế tôn, sự biến hoá thầm thầm dời đổi, con thật không hay nắng mưa thắm thoát, lần đến thế này. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ nhưng mặt mày của con đã già hơn khi 10 tuổi, khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khoẻ mạnh hơn nhiều.


Bạch đức Thế tôn, con thấy thầm thầm dời đổi như thế. Thân này đến nay tuy đã suy yếu, nhưng trong sự thay đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu con suy xét chín chắn hơn nữa thì cái biến đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến hoá; lại không những mỗi tháng mỗi biến hoá mà còn mỗi ngày mỗi thay đổi, xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên con biết thân con rốt cuộc phải biến đổi và tiêu diệt.


Phật bảo: Đại vương thấy biến hoá dời đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt. Vậy trong lúc diệt đó, Đại vương có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?


Vua Ba tư nặc chấp tay bạch Phật: Thật con không biết!


Phật bảo: Nay tôi chỉ cho Đại vương cái tính không sinh diệt. Đại vương, khi mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng?


Vua bạch: Khi con ba tuổi, mẹ con dắt con đi yết lễ thần Kỳ bà thiên thì đã đi qua sông ấy, lúc đó con liền biết là nước sông Hằng.


Phật bảo: Đại vương như lời nói đó: lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ dời đổi mãi mãi. Vậy khi Đại vương 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?


Vua bạch: Con thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi như nhau không khác và cho đến nay tuổi đã 62 cũng vẫn không khác.


Phật bảo: Nay Đại vương xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt Đại vương chắc là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy hiện nay của Đại vương thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng có già trẻ gì không?


Vua bạch: Thưa Thế tôn, không.


Phật bảo: Đại vương, mặt Đại vương tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn. Cái bị nhăn thì thay đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay đổi. Cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi kia, vốn không sinh diệt, làm sao trong ấy lại nhận cái sống cái chết của Đại vương, mà Đại vương còn dẫn những thuyết của bọn Mạt già lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn.


Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin biết về sau bỏ thân này qua thân khác cùng với đại chúng nhảy nhót vui mừng, được cái chưa từng có[7] .


Khi Phật hỏi vua Ba-tư-nặc có biết cái gì không sinh diệt trong thân này không? Vua trả lời thật rằng con chẳng biết, con cứ nghĩ rằng chết là hết, cho nên không thiết gì những chuyện tương lai xảy ra. Nhiều người cũng nghĩ chết là hết nên chẳng màng gì đến đạo đức lương tri, chỉ cần thọ hưởng vui sướng trên đời khi còn sống là đủ. Do tri kiến này mà nhiều việc ác xảy ra.


Nay được Phật chỉ ra rõ ràng qua ví dụ tánh thấy sông Hằng lúc 3 tuổi với bây giờ thấy lúc 63 tuổi không có khác nhau, cái tánh thấy không khác nhau đó là tánh thấy thật của mình không sanh không diệt. Thân này là đất, nước, gió, lửa sẽ tan đi, nhưng tánh thấy thì còn mãi với ta thường trụ. Vua và đại chúng mừng được điều chưa từng có vì biết rằng mình vẫn còn hoài, không phải chết là hết.


Học kỹ kinh Thủ Lăng nghiêm rồi từ đó nhận vào thân mình, sống với tánh thấy nghe, thường trụ bất động tức đại định Thủ Lăng nghiêm.


Vì tánh chúng ta quen bám víu, bám víu vào thân mà thân này sẽ tan, giờ được Phật chỉ có cái thường hằng như có chỗ để chúng ta nương tựa bám lấy làm mình nên vua quan và quần chúng vui vô cùng và nhảy nhót hò hét như trẻ nít được cho món quà lớn.


CHỈ CHỖ TRÁI NGƯỢC


A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chấp tay, quỳ xuống bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sanh diệt thì làm sao Đức Thế Tôn lại gọi chúng con bỏ mất chân tánh, làm việc trái ngược? Xin Phật mở lòng từ bi, rửa sạch trần cấu cho chúng con”.


Khi ấy Đức Như lai ruỗi cánh tay kim sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo A-nan rằng: “Thầy nay thấy tay Mẫu đà-la của tôi là chánh hay là ngược?”


A-nan bạch: “Chúng sanh thế gian cho đó là ngược, còn con thì không biết thế nào là chánh, thế nào là ngược.”


Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian cho đó là ngược, thì người thế gian gọi thế nào là chánh?”


A nan bạch Phật: “Đức Như lai đưa cánh tay lên, tay Đâu-la-miên chỉ lên trên không thì gọi là chánh.”


Phật liền giơ cánh tay lên và bảo A-nan rằng: “Cái trái ngược như thế chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau, các người thế gian lấp đi lấp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân A-nan và pháp thân thanh tịnh của chư Như lai, so theo đó mà phát minh, thì thân của Như lai gọi là chánh biến tri, thân của các vị gọi là tánh trái ngược; tùy thầy xét kỹ nơi thân thầy và thân Phật, cái gọi là trái ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái ngược?”


Khi ấy A-nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái ngược. Phật phát lòng từ bi thương xót A-nan và đại chúng phát tiếng hải triều, khắp bảo trong hội: “Các thiện nam tử, tôi thường nói rằng: sắc, tâm. các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên, đều duy tâm tính biến hiện. Thân quý vị, tâm quý vị đều là những vật hiện ra trong tâm tính. Làm sao các vị lại bỏ mất tâm tính quý báu ấy, nhận cái mê trong cái ngộ. Mê muội thành có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái mê muội thành ra có sắc, sắc xen với vọng tưởng, tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay động bên trong, giong ruổi theo cảnh vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.


Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết định lầm cho rằng tâm ở trong sắc thân, mà không biết sắc thân cho đến núi sông, hư không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm tánh. Ví như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một cái bọt nước, rồi lại cho nó là toàn hết cả nước, cùng tột các biển lớn.


Các vị tức là những người mê lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rũ xuống, không có sai khác. Như lai gọi là đáng thương xót.” [8]


Đức Phật đưa tay lên và hỏi thế nào là chánh, thiện, ngay thẳng, thế nào là đảo, ác, không ngay thẳng? Thông thường chúng ta cho đưa tay lên là chánh, duỗi tay xuống là đảo. Thật ra tay vẫn là tay, vốn không chánh đảo hay thiện ác. Đưa tay lên là trời, để tay ngang là cõi người và duỗi tay xuống là địa ngục. Đây là công dụng của tay. Từ trước tới giờ ta vẫn sống với dụng sai, làm điều trái ngược.


Khi ấy A-nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái ngược.


A nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động vì các ngài từ trước tới giờ thật chưa từng nghe thấy việc này. Ai cũng tôn trọng, kính ngưỡng khen ngợi các ngài, còn ở đây Phật nói các tôn giả là sai lầm, trái ngược.


Trái ngược tức những cái hư vọng cho là thật, là của mình. Còn đây Đức Phật chỉ ra những hiện diện xung quanh đây như con người, thành phố, tiểu bang, xe cộ đây là những tướng nghiệp báo mà đã gọi là nghiệp báo là không thật.


Sóng đánh vào bờ có bọt. Bọt nhiều màu và nhiều dáng. Sóng tan, bọt sẽ tan trong khoảnh khắc, bọt chợt còn chợt mất nhưng biển vẫn còn. Tâm của mình như biển. Tâm của mình vô biên bao la mà không nhận, đi nhận một chút vọng, chút bọt chợt còn chợt mất, vì thế chúng ta bị bế tắc. Tâm của chúng ta đang bị bế tắc, bị đút nút và bịt chặt trong thân này nên chúng ta chẳng biết cái gì cả mờ mờ mịt mịt, hôn hôn nhiễu nhiễu, tối tăm bị năm trược bao phủ.


Chúng ta có ba cái đảo:


1. chúng ta cho tâm là trong thân này (A-nan trải qua bảy lần tìm tâm không thấy)


2. không biết cho thân ở trong thế giới này, cho đến núi sông, hư không, các tướng hữu vi cũng đều trong chơn tâm, trong tâm mình, nên tâm là hơn cả.


3. trở lại cho thân là tất cả, nên là mê muội.


Mê nhận một chút tâm phong bế, đút nút và gói kín trong thân này cho là mình nên gọi là đảo ngược.


Thân vô thường là đảo thì nhận là mình, là chánh. Tánh Phật, chơn tâm là mình là chánh, lại cho đảo nên không nhận, do đó mà thành điên đảo bội phần. Bây giờ phải nhận lấy thể của nó qua 10 đặc tính của kiến tinh và đứng vững sống với thật thể của mình.


TIỀN TRẦN LÀM NGĂN NGẠI


Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong, ngoài, lớn, nhỏ của thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói rằng cái thấy có co, có ruỗi. Ví như trong đồ vuông thì thấy có hư không vuông. Nay tôi hỏi: cái hư không vuông thấy được trong đồ vuông ấy, là nhất định vuông hay không nhất định vuông? Nếu nhất định vuông thì khi thay đồ tròn vào, lẽ ra hư không tròn. Nếu không nhất định thì trong đồ vuông, lẽ ra không có hư không vuông. Thầy nói không biết nghĩa đó do đâu, nghĩa đó như vậy, sao còn do đâu được.


A nan nếu muốn nhận được tánh không vuông không tròn, chỉ trừ bỏ cái vuông của đồ đạc, chứ bản thể hư không vốn không vuông, không nên nói rằng lại phải trừ cả cái vuông của hư không nữa.


...Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay lầm mình là vật, bỏ mất tâm tính, bị vật xoay chuyển, cho nên trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu biết chuyển được vật thì đồng với Như lai, thân tâm đều viên mãn sáng suốt, nơi đạo trường bất động đó, trên đầu một mảy lông cũng có thể trùm chứa thập phương quốc độ.” [9]


Giờ chúng ta đeo nghiệp người thì chúng ta tưởng có tánh cũng hình người, thân cũng hình người. Đeo nghiệp chó thì tưởng có tánh cũng hình chó, thân cũng hình chó. Đeo nghiệp ngạ quỷ thì tưởng có tánh cũng ngạ quỷ, thân cũng ngạ quỷ. Thật ra chó, người, ngạ quỷ... cũng là những cái hộp vuông, tròn, dài, ngắn, bỏ hộp vuông, tròn, dài, ngắn thì hư không vẫn là hư không. Vì hộp tròn nên thấy hư không tròn, họp vuông nên thấy hư không vuông, chứ thật ra mình vốn không vuông tròn, mình vốn không có phải là người, vật, ngạ quỷ... mình vốn là như hư không không có một tướng nào cố định nhưng tùy duyên lỡ mang hộp hình dáng, kích thước, sắc màu nào chợt như mình cũng vậy. Đó là tùy duyên hiện nhưng bất biến như hư không  không có nhất định cố định ở một tướng nào. Thật tướng thì không có tướng. Còn những tướng hộp vuông tròn là nghiệp báo hiện bóng ảnh theo thần kinh của loài ấy.


Như tiệm bán dụng cụ điện có bán bóng đèn neon, đèn tròn, đèn dài, đèn tự động, đèn màu xanh, đỏ, trắng, vàng... Do hình dáng, kích thước, cấu trúc, đặc điểm, dán màu thế nào thì điện dụng ở nơi bóng đó tỏa sáng ra theo hình dạng, sắc màu và cấu trúc của bóng. Các bóng đèn đó có bể thay bóng khác thì điện không theo bóng bể đó mà mất luôn (chết không phải là hết. Cái thấy của vua Ba tư nặc lúc 3 tuổi hay 62 tuổi không khác nhau, thường trụ bất sinh bất diệt). Theo hình dạng, sắc màu và cấu trúc của bóng mà điện hiện ra có vuông, tròn, dài ngắn, xanh đỏ chứ không phải điện là màu vàng, xanh, dài ngắn cố định. Cũng như không có cố định hư không vuông hay hư không tròn. Không có một tướng nào cố định trong thật tướng. Đức Phật cho những ví dụ quá thâm sâu.


Từ những ví dụ này hãy suy nghĩ và tưởng tượng sẽ thấy mình vĩ đại vô cùng. Vì mình là bản thể của hết thảy vạn pháp, cả quả đất cho đến bầu trời, các tinh tú ngôi sao đến dưới biển đại dương, sơn hà, núi sông đất liền, các tướng hữu vi, ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút... đều là những vật hiện trong tâm mình. Chúng ta đã nhận được cái thật của chúng ta chưa?


Mình là hư không, mình là biển, mình là điện, những vật hiện trong đó không phải là mình. Đừng nhận một chút tâm phong bế, đút nút và gói kín trong thân, trong hộp, trong đèn này nữa thì mình sẽ không bị Phật quở là đảo ngược bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận cái bọt nước, rồi lại cho nó là toàn hết cả nước, cùng tột các biển lớn. Nếu thấy được như vậy thì trên một đầu lông cũng có thể trùm chứa cả 10 phương quốc độ làm bao nhiêu là thiện hạnh.


Trong kinh Thủ Lăng nghiêm Đức Phật dùng những hình ảnh rất đặc sắc, gợi sắc, gợi thanh và giàu hình tượng như: bỏ trăm ngàn biển lớn nhận bọt bóng, khách trần chủ trọ, bụi lăn tăn nơi song cửa, tướng phần sở kiến và kiến phần năng kiến đều không có tự tánh như những hình cây lau gác vào nhau, bỏ hộp vuông tròn thì hư không vẫn là hư không, muỗi bay vo ve lăn tăn trong bình, nấu cát muốn thành cơm... những ví dụ rất bén (sharp) và chính xác (exact) về thân, tâm và cảnh của chúng ta.


BỐN KHOA VÀ BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG


A-Nan, thầy còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn hóa giả dối gọi là tướng, mà cái tính chính là tâm tính nhiệm mầu sáng suốt; như vậy, cho đến 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ và 18 giới, nhân duyên hòa hợp giả dối có sinh ra, nhân duyên chia lìa giả dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sinh, diệt, đi, lại đều vốn là tính chân như cùng khắp, không lay động, nhiệm mầu, sáng suốt, thường trụ của Như Lai tạng. Trong tâm tính chân thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được” .[10]


Phật giáo nguyên thủy nói về cái gốc, phải nhận thấy sáu căn, sáu trần và sáu thức là hư vọng, buông đi là cái gốc. Tiến lên đại thừa tức Phật giáo phát triển, Đức Phật dạy bên ngoài tướng hư vọng đó có thực tướng, thực thể bên trong. Thực tướng đó không hình không tướng là kiến tinh siêu tình, kiến tinh bất nhị, chân ngã, vô sanh bất diệt, thường trụ... Đến sau này khi căn cơ chúng sanh thuần thục, Đức Phật mới thọ ký cho mọi người kể cả nữ nhân, súc sanh cũng thành Phật. Và chẳng những con người mà cho đến hữu tình, vô tình đồng thành Phật đạo.


Tánh Phật không chỉ hiển lộ công dụng ở sáu căn mà thể chất của tánh Phật là bản thể của bốn khoa (năm ấm, sáu nhập, 12 xứ và 18 giới), bảy đại, bản thể của từng tí từng tí một, từng cành lá, từng bông hoa, cái bàn, cái ghế... chỗ nào có đất, nước, gió, lửa, những chỗ ấy đều là Như lai tạng. 

 

Đức Phật cặn kẽ khai hiển dần dần để cho mình thấy tất cả đều là Như lai tạng, ông Phật còn ở trong kho. Chúng ta cứ tháo kho, tháo hộp thì sẽ trở về hư không, tháo vỏ bóng đèn đi là về lại điện, bỏ bọt bóng mộng ảo đi thì về lại biển cả mênh mông Như lai tạng.


Chung quy, phần bốn khoa và bảy đại này là nói về thân và tâm của mình, tức nói về cuộc đời của mình đều là Như lai tạng, quy về Như lai tạng. Đức Phật vì lòng từ bi sợ chúng ta không hiểu nên nói thật tỉ mỉ nhắc tới lui hoài. Nếu nói đủ tức là ngài đã nhắc tới (5+6+12+18+7= 48 lần) trong phần bốn khoa và bảy đại này.


- Đức Phật đã nói ở năm ấm là nói về thân và tâm của mình đều Như lai tạng.


- Ở 12 xứ ngài cũng nhắc lại đầy đủ là Như lai tạng và 12 xứ tức sáu căn và sáu trần cũng tức là thân tâm của mình.


- Rồi 18 giới tức sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng là thân tâm mình.


- Chưa yên lòng Đức Phật còn nói thêm bảy đại nữa tức cũng là thân tâm mình để chúng ta nhận được Phật tánh, chơn tâm bản hữu của mình ở ngay sáu căn đây. Ở ngay cái bàn, cái ghế, ngọn cỏ lá hoa... nó là bản thể của vạn pháp.


Lòng từ của ngài vô biên quá, bát ngát quá!


Đây là Đức Phật khai tri kiến tánh cụ chỉ bày cho chúng ta thấy bản tâm thanh tịnh thường trú bất biến nơi chúng ta. Đức Phật đã tu chứng đến cứu cánh, cho nên Đức Phật mới khai hiển đến cứu cánh tức Đức Phật chỉ kiến tinh ở nơi sáu căn. Rồi Đức Phật chỉ năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, bảy đại, tất cả đều là Như lai tạng diệu chân như tánh.


Mỗi đoạn Đức Phật đều nhắc như vậy cho chúng ta nhớ đất, nước, gió, lửa, kiến, không, thức đại hay các tướng hữu vi đều do mê muội mà thấy có hư không, thấy có hoa đốm. Hư không và hoa đốm là cái không có, là nghiệp báo, thật ra tất cả chỉ là Như lai tạng tánh Phật mà thôi. Do ngủ mê chiêm bao thấy các cảnh. Tỉnh dậy các cảnh thành không, đừng dụi mắt thì không thấy hoa đốm lăn tăn nữa. Tất cả chỉ là giấc mộng phù sinh, do mê. Đã là mê mà cứ bàn luận là năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, bảy đại do nhân duyên sanh hay tự nhiên sanh, chỉ là biện luận, không có nghĩa chân thật. Thế nên ở mỗi phần của từng khoa và từng đại, Đức Phật đều kết luận như vậy, như trong phần địa đại ghi rằng:


A-nan vốn không biết trong Như lai tạng, tánh sắc là chân không, tánh không là chân sắc, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết lầm cho là nhân duyên và tính tự nhiên, đều là những so đo phân biệt của ý thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân thật[11] . 

 

1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 66-7.
2 TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, NXB Phương Đông, 2008, tr. 83-7.
3 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 71-2.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 72-3.
5 Thức thực là một trong bốn thực. Ba thực còn lại là đoạn thực, xúc thực và tư thực.
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 86.
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.91-5.
8 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 98-100.
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 113-4.
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 161.
11 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 230.





Thích Nữ Giới Hương

Còn nữa...

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp