TỨ THÁNH ĐẾ
ĐẠO ĐẾ :
Làm sao chúng ta biết con đường Đạo mình đi đã đúng chưa ?
Để hiểu thế nào là đúng là sai, là chánh là tà chúng ta vấp vô số trở ngại. Chúng ta không biết dựa vào đâu bởi vì sự tu tập phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện và kết quả nhiều khi không phải có liền như khoa học thực nghiệm.
Trong tôn giáo kết quả tu tập nằm ở rất xa trong nhiều kiếp ( Đức Phật tu 3 Đại A Tăng Kỳ Kiếp mới thành tựu chánh đẳng chánh giác ) và phương pháp tu có kết quả với người này nhưng lại không có kết quả với người khác. Tuy nhiên nói gì thì nói chúng ta có một số đặc điểm mà mọi người ai cũng phải công nhận là khởi điểm căn bản đúng.
THỨ NHẤT LÀ LÒNG TỪ BI :
Tôn giáo nào mà dạy một tình thương yêu rộng mở nhiều chừng nào thì tôn giáo đó đến gần chân lý chừng nấy. Một tôn giáo mà không dạy tình thương yêu thì tôn giáo đó không chân chính để có thể làm chỗ dựa cho cuộc đời này. Một tôn giáo dạy tình thương yêu càng trãi rộng chừng nào thì tôn giáo đó càng chân chính chừng nấy.
Chúng ta so sánh hiện nay 3 tôn giáo lớn trên thế giới là : Đạo Hồi, Kitô giáo và Đạo Phật.
* Đạo Hồi: dạy các tín đồ phải thuơng nhau bởi yếu tố tình thương là yếu tố bắt buộc phải có trong các tôn giáo. Nhưng đối với Đạo Hồi thì người ngoại đạo Hồi thì được giết, thậm chí sự giết này còn được tán dương là mau lên Thiên Đàng với Thánh A La .
* Đạo Kitô giáo: Chúa Giê su nói : " Các con phải thương yêu kẻ thù nghịch với các con...". Như vậy tình thương yêu so với Đạo Hồi lớn hơn và Đạo Kitô đến với chân lý gần hơn.
* Đạo Phật: Đức Phật nói: "Phải thương yêu tất cả chúng sinh". Chúng sinh ở đây bao gồm 3 đường 6 cõi từ các loài thú rất nhỏ cho đến Chư Thiên trên Trời.
Như vậy trong 3 tôn giáo thì tình thương trong Đạo Phật là không có giới hạn, là chân chính nhất, là chân lý. Chúng ta có thể khẳng định tình thương yêu trong Đạo Phật là bao la phủ trùm cả trời đất vũ trụ vạn hữu muôn loài hữu hình và vô hình.
Đạo Phật đã cho chúng ta một tình thương yêu bao la không còn biên giới, không còn giới hạn. Chúng ta phải thấy mình may mắn là đệ tử của Đức Phật vì chúng ta có nhiều điều kiện để tiếp cận với chân lý hơn, chúng ta đến gần với Bát Chánh Đạo hơn. Chúng ta cần huấn tập lòng từ bi và vận dụng vào thực tế cuộc sống khi đối duyên, tiếp cảnh với mọi người.
THỨ HAI LÀ SỰ CÔNG BẰNG :
Đạo nào thì Đạo nhưng phải nói tới sự công bằng. Một nhà xã hội học, chánh quyền, công an, tòa án v.v... thì họ đều chung với nhau một quan điểm là : Người ác phải bị phạt, người thiện thì được thưởng. Bởi vì công bằng là một chân lý chung mà mọi người ai cũng phải công nhận, chứ nếu không có công bằng của luật pháp thì xã hội sẽ xáo trộn, đảo lộn.
Đối với tôn giáo Thần quyền tin có Thượng Đế thì trên Trời Thần Thánh sẽ thưởng ban phúc cho người thiện và phạt người ác. Trong tôn giáo Thần quyền thì tin có một thế lực siêu nhiên cũng thưởng thiện, phạt ác.
Đó là nguyên lý công bằng của vũ trụ, nếu ai phủ nhận công bằng thì lập tức biết ngay đó là tà đạo.
Trong Đạo Phật sự công bằng được thực hiện bằng Luật Nhân Quả. Sự công bằng ở đây được điều hành, sắp xếp bằng luật Nhân Quả. Luật Nhân Quả là một nguyên lý tự nhiên của vũ trụ, ở trong đó người ác sẽ bị quả báo, người nào thiện sẽ được hưởng phúc thưởng.
Chúng ta thấy Đạo Phật, các nhà Xã hội học, các tôn giáo Thần quyền đều phải công nhận một chân lý chung là sự công bằng. Như vậy ngoài chuẩn mực thứ 1 là lòng từ bi, chúng ta có chuẩn mực thứ 2 để tìm ra cái đúng của chân lý là sự công bằng.
THỨ BA LÀ MƯU TÌM HẠNH PHÚC :
Một nhà xã hội học hay một nhà lãnh đạo đất nước chân chính đều phải mưu tìm hạnh phúc cho người dân.
Chỉ có Hôn Quân vô đạo ngày xưa mới bức hiếp người dân thôi, chứ một nhà lãnh đạo chân chính nào đều phải mưu tìm hạnh phúc cho người dân.
Một tôn giáo Thần quyền cũng vậy cũng hứa hẹn một cõi hạnh phúc trên Thiên Đàng nếu ở trần gian này người tín đồ sống vâng phục lời Thượng Đế, làm các điều lành thì khi chết sẽ lên Thiên Đàng.
Trong Đạo Phật thì cũng mưu tìm hạnh phúc ở cõi Niết Bàn.
Như vậy chúng ta có 3 chuẩn mực để đánh giá các tôn giáo, để biết con đường mình đi xác lập đã đúng hay chưa. Từ đó đánh giá các tôn giáo trên 3 chuẩn mực này là lòng từ bi, sự công bằng & mưu tìm hạnh phúc.
BÁT CHÁNH ĐẠO
Bây giờ chúng ta nói về Chánh Kiến trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật mà Ngài đã thuyết dạy trong bài Pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế cho 5 anh em Thánh Tăng Kiều Trần Như sau khi Đức Phật đắc Đạo dưới cội Bồ Đề .
1 / Chánh Kiến: :
Là quan điểm tu hành đúng. Muốn có quan điểm đúng thì phải có hiểu biết về giáo lý Phật Pháp cũng như hiểu biết về cuộc đời một cách sâu sắc.
Chúng ta tu tập làm sao để sống an lạc giữa cuộc đời, chứ không phải tránh duyên quay lưng với tha nhân.
Chữ KIẾN trong chữ nho dịch nghĩa là THẤY. Việc đầu tiên của tu hành Phật Pháp là chúng ta xác định một quan điểm, một lập trường, một hướng đi. Sỡ dĩ chúng ta phải có hiểu biết về giáo lý Phật Pháp và hiểu biết về thực tế cuộc đời vì mục đích của Đạo Phật là chữa lành những đau khổ của cuộc đời.
Trước khi chúng ta tu tập thì phải nắm trong tay mình một bản đồ đúng hướng.
Chúng ta đi băng qua khu rừng rậm của vô minh đến bến bờ giải thoát an lạc thì chúng ta cần có tấm bản đồ. Nếu bản đồ đúng chúng ta sẽ về chỗ an lành giác ngộ giải thoát. Nếu bản đồ sai mà chúng ta đi theo thì đến khi mình đã mòn chân mõi gối, đã sức cùng lực kiệt thì chúng ta dừng lại nơi một vực thẳm, một bụi gai, một vách đá không bước tới được nữa và chết trong đau đớn.
Do vậy bản đồ tu hành xác lập ban đầu rất quan trọng, nếu bản đồ không đúng hướng thì mình tu cho đến già đến chết cũng không có kết quả hoặc đạt một kết quả sai lầm thì uổng phí cả đời tu.
Một trong những dấu hiệu để biết rằng người đó tu đúng hướng là thể hiện ra khuôn mặt. Khuôn mặt người đó sẽ quang minh hơn, tươi sáng hơn, phúc hậu hơn, thần sắc toát ra trầm lắng ẩn tàng nhẹ nhàng. Nếu chúng ta tu một thời gian mà gương mặt chưa quang minh hơn thì phải xét lại Pháp tu của mình.
Bản đồ CHÁNH KIẾN phải có đích đến rõ ràng với 3 điều là : Giải thoát, giác ngộ và khả năng hóa độ chúng sinh.
Có nghĩa là khi chúng ta tu kết quả phải hiện ra rõ ràng là phải giải thoát ra được ra khỏi luân hồi, chưa vượt khỏi luân hồi thì Tâm mình phải thoát từ từ ra khỏi những trói buộc phiền não đau khổ. Giác ngộ là khả năng có trí tuệ sắc bén nhìn ra những điều sâu thẳm của Đạo, của vũ trụ Trời Đất.
Bản đồ tu tập phải vẽ rõ lộ trình từ chỗ mình đang đứng, rồi đi qua nhiều cung đường, vượt qua nhiều thác ghềnh, băng qua nhiều sa mạc, lướt trên nhiều ngọn sóng để đi tới đích giác ngộ rõ ràng.
Chúng ta cần nhớ là bản đồ phải bắt đầu xuất phát từ chỗ mình đứng bởi vì có những bản đồ bắt đầu từ những chỗ nào đó xa lạ cho nên mình không thể đi được, nếu cố đi thì tẩu hỏa nhập ma.
Như vậy quan điểm tu hành của chúng ta phải rất căn bản vững chắc, chứ không nói thực hành những điều trên mây rời xa chỗ đứng của mình.
Bản đồ CHÁNH KIẾN này ai trao cho mình, hay mình tự vẽ ? Xin trả lời chúng ta phải tự vẽ bản đồ này. Chúng ta dựa vào bản đồ người khác mà vẽ bản đồ của mình có nghĩa là mình phải học hỏi. Chúng ta học hỏi từ các Vị chân tu, các bậc Thầy, từ kinh điển, từ các huynh đệ rồi mình vẽ lên bản đồ của mình sao cho phù hợp với chính mình. Như vậy bản đồ tu tập của mỗi người sẽ giống nhau trên đại thể nhưng trên chi tiết thì sẽ khác nhau tùy khế hợp căn cơ mà lĩnh hội.
Việc tu tập Chánh Kiến bắt đầu từ sự học hỏi Thầy hay, bạn tốt, sách quý. Tuy nhiên trong việc chúng ta dựa vào bản đồ người khác đi trước thì chưa chắc đã đúng. Ngay cả một cuốn sách viết ra chưa chắc tác giả đã nắm được CHÁNH KIẾN, kể cả các vị Hòa Thượng trên Pháp tòa giảng thao thao bất tuyệt cũng không bảo đảm đã giảng đúng. Do đó ở đây trong việc tu tập Chánh Kiến mà tìm ra một Đạo lý đúng, một chân lý đúng hay một bản đồ tu tập đúng thì lệ thuộc rất nhiều vào sự may mắn và Phước Duyên .
Nếu chúng ta đã có gieo duyên lành từ đời trước thì sẽ gặp Minh Sư, Thiện Hữu Tri Thức , kinh điển tốt, sách hay thì chúng ta học được quan điểm tu hành đi đúng đường. Nếu không may mắn chúng ta đi theo một Tà Sư hay một người hiểu cạn rồi vẽ vào bản đồ của mình thì sẽ không có kết quả. Như vậy việc tu tập của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Phước quá khứ mà ta đã gieo trồng .
Trên nguyên tắc chúng ta tìm người đắc đạo để học hỏi nhưng trên thực tế, nhất là thời mạt pháp này khó tìm thấy một người đắc đạo như ĐỨC PHẬT. Các Vị chân tu đắc Đạo thật sự thường hay ẩn mình, giấu mình không ai biết.
Có một điều kỳ lạ là ngày xưa Đức Phật đã nói là ngay cả một Vị Tỳ Kheo đắc Đạo chưa chắc là giảng dạy, giáo hóa hay. Vì bản thân đắc đạo là một chuyện , còn giáo hóa được chúng sinh là một chuyện khác.
Do đó trên cuộc đời nếu chúng ta may mắn gặp một Vị đắc Đạo thì chưa chắc giảng dạy hay hoặc giảng dạy chưa kỹ toàn diện. Nếu chúng ta may mắn gặp một Vị Chân Sư vừa đắc Đạo, vừa khéo dạy thì coi như cuộc đời mình có Đại Diễm Phúc, rất hên.
Chúng ta là đệ tử của Đức Phật do đó tiêu chuẩn căn bản chuẩn mực là chúng ta phải học hỏi từ Đức Phật , học hỏi từ giáo lý, học hỏi từ cuộc đời của Ngài.
Chúng ta lưu ý không thiên vị một Vị Tông Sư nào hết, một Vị Tông Sư dù giỏi thế mấy cũng thua Đức Phật . Chúng ta đảnh lễ Phật cầu gia hộ cho chúng ta có được Chánh Kiến, gặp được Thầy giỏi, sách hay, Thiện hữu bạn hiền. Nếu chúng ta không cầu nguyện nơi Đức Phật mà chủ quan đi lang thang học hỏi hết nơi này đến nơi khác có khi gặp Tà Sư mà không biết.
Nếu chúng ta gặp một người nào tự xưng mình bằng với Đức Phật , hay nói mình đang là Phật hoặc thay thế Đức Phật Thích Ca xuống thế thì chúng ta kết luận ngay người này là Tà Sư, phải tránh xa và đừng bao giờ đi theo học Đạo. Chúng ta biết không bao giờ có một người nào thành PHẬT lúc này hết, chưa có Phật Di Lạc xuất hiện thì chưa có ai thành Phật lúc này.
Chúng ta dù có học một Đạo lý nào rất hay nhưng phải biết là đúng nhưng chưa đủ bởi chân lý Phật Pháp là vô tận mênh mông không bến bờ. Để chúng ta học CHÁNH KIẾN thì đúng nhưng chưa đủ.
Từ khởi điểm ban đầu Đức Phật cho chúng ta cái đúng và mãi mãi về sau chúng ta tìm tòi, học hỏi cái đủ. Trong kinh điển Bắc Tông sau này có nói "Thập Địa Bồ Tát cũng chưa đủ Chánh Kiến" do đó trên cuộc đời này đừng có ai tuyên bố mình là chân lý tột cùng mà phải nương theo học hỏi giáo lý của Đức Phật .
Trong việc học hỏi giáo lý tu tập Phật Pháp nếu chúng ta tự mãn cho mình là đủ thì sẽ đứng lại, thoái lui và không học hỏi được nữa vì vậy chúng ta luôn khiêm tốn đào sâu giáo lý mà học hỏi. Đạo lý Phật Pháp vô tận chứ kinh điển không bao giờ nói hết vì vậy người đệ tử Phật cần kiến thức rất sâu rộng để tu tập và giáo hóa đại chúng .
* CHÁNH KIẾN đầu tiên phải xác lập là Luật Nhân Quả Nghiệp Báo :
Đầu tiên chúng ta cần hiểu cho kỹ chính chắn, hiểu đúng, xác quyết không nghi ngờ ở Luật Nhân Quả chi phối vạn hữu từ phàm nhân đến Thánh nhân trong toàn cõi vũ trụ Trời Đất.
Căn bản là ai gieo nhân gì thì gặt quả đó gọi là thiện ác báo ứng theo sự công bằng tự nhiên của vũ trụ Trời Đất.
Có nghĩa là chúng ta đối xử với mọi người như thế nào thì sau này quả báo đến với chúng ta như thế đó. Trong Luật nghiệp báo này đòi hỏi có sự tương tác hành động giữa người này với người kia mà tạo thành nghiệp.
Tuy nhiên đi sâu vào chi tiết của Luật nhân quả hoặc đến phạm vi lớn trong vũ trụ thì chỉ có Đức Phật , Bồ Tát , các vị Thánh đắc Đạo mới biết, còn chúng ta là phàm phu không biết nỗi. Chúng ta chỉ biết một số điểm căn bản nhưng ai mà hiểu Luật nhân quả sâu hơn, chi tiết hơn qua cuộc sống thì người đó có Chánh Kiến nhiều hơn.
Chúng ta cũng biết rằng dù chỉ bằng ý nghĩ cũng có thể tạo nghiệp chẳng hạn mình hay chê trách mọi người tự nhiên sau này một thời gian người ta xa lánh mình hoặc mình đổ những cơn bệnh vô cớ. Dù chỉ là ý nghĩ trong Tâm không ai biết nhưng cũng tạo thành quả báo bên ngoài do đã tạo thành nghiệp.
Nghiệp của một người thì liên quan đến nhiều người vì nghiệp tạo thành là do tương tác giữa người với người trong kiếp trước cho nên sau này quả báo trổ ra liên quan đụng đến nhiều người.
Sự thành tựu của tâm linh cũng do nhân quả chi phối. Chúng ta sống trong đời lúc nào cũng sợ người ta buồn phiền, lúc nào cũng muốn giúp đỡ mọi người an vui. Người ta khó khăn hoạn nạn thì mình giúp đỡ, nhờ sự giúp đỡ mà Tâm người ta bớt lo, bớt khổ do đó những sự an vui của người khác sẽ rớt vào Tâm của mình theo nhân quả. Do đó khi mình hành Thiền thì Tâm sẽ yên ổn do bao nhiêu sự an vui của người khác nay hội tụ lại Tâm của mình thành Định lực. Công đức tạo thành Định lực này một thời gian sau sẽ hết vì niềm an vui, lợi ích mà mình mang đến cho mọi người không phải là vô lượng.
Còn người nào mà sống vị tha đem niềm vui, lợi ích đến cho mọi người làm mãi trong vô lượng kiếp mà không mong cầu gì cho mình, làm mà không còn thấy mình làm nữa thì người đó mới chứng được giải thoát bởi lúc đó sự an vui trong Tâm mình cũng là vô lượng tuyệt đối, không còn bị thoái chuyển nữa.
Do đó một người muốn giải thoát thì phải sống cực kỳ tốt với mọi người, điều này đã được nói trong bài mở đầu của kinh Kim Cang.
Khi Ngài Tu Bồ Đề hỏi Đức Phật là "làm thế nào để hàng phục Tâm ? "Đức Phật đã đưa ra câu trả lời mà mới nghe qua rất lạ lùng nhưng rất chuẩn xác là "Hãy độ tất cả chúng sinh vào Niết Bàn hết". Đây là câu trả lời tuyệt vời có nghĩa là chính đời sống của chúng ta đem vô số niềm vui, lợi ích an lạc, đem Đạo lý Phật Pháp đến cho mọi người thì sẽ tác động trở lại Tâm của mình làm Tâm mình sẽ an Định.
Chúng ta cần nhớ việc làm Phước thiện sống tốt với mọi người là điều quan trọng trong việc tu hành, đó là CHÁNH KIẾN. Nếu người nào vì Tâm bỏn xẻn không chịu làm Phước hay cho là Phước Nhân, Thiên sẽ luân hồi hoài rồi lạnh lùng vô cảm , quay lưng với mọi người trong bể khổ cuộc đời thì đó là TÀ KIẾN. Chúng ta cần xác định rõ điều này và việc làm Phước cho đến vô tận vô lượng thì mới thành Phật được.
Người có Phước là người tự do mình muốn hưởng hay không là do mình phát nguyện. Người không Phước là người bị ràng buộc. Một Quốc gia có hùng mạnh hay không là do người dân tạo nghiệp hay tạo Phước.
* CHÁNH KIẾN THỨ HAI LÀ TỨ DIỆU ĐẾ.
* CHÁNH KIẾN thứ 3 là Đạo Lý Vô Ngã : Bình thường chúng ta ai cũng có một bản ngã nên chấp ngã cho rằng có một cái TA khác với mọi người. Do chấp ngã mà phát sinh tham, sân, giận hờn, đố kỵ, ghen ghét, hơn thua, phiền não v.v....
Bản ngã này là ảo tưởng nhưng rất thật khiến cho chúng ta cứ tưởng là mình có một cái TA thật sự riêng biệt. Chúng ta không hề có một bản ngã thật sự bên trong mà do những Tâm niệm nối tiếp nhau quá nhanh, trong một sát na hàng triệu tư tưởng suy nghĩ diễn ra trong đầu chúng ta.
Chúng ta không thể nhìn thấy được những Tâm niệm chìm sâu này mà chỉ thấy được vài tư tưởng xuất hiện bên ngoài, chính vì các Tâm niệm này diễn biến quá nhanh làm chúng ta cứ tưởng là có một bản ngã.
Từ đó mình ngăn cách với mọi người, mình ích kỷ giành về phần mình, tham lam để có nhiều cho mình, giận hờn khi người ta xúc phạm, ganh tỵ với người giỏi hơn mình, tự cao với người kém hơn mình v.v...là do ảo tưởng về bản ngã chi phối từ đó mà tạo nghiệp, do đó chúng ta phải thoát ra khỏi ảo tưởng bản ngã này.
Ngoại Đạo Ấn Độ cũng tu được Tâm thanh tịnh trong sáng thanh nhẹ, khi họ đi qua được giai đoạn loạn động rồi thì chợt bừng lên một Tâm rất sáng làm chủ tể mà họ gọi là Chân Ngã , còn gọi là Thần Ngã hay Thánh Ngã và họ đứng lại đó rốt cuộc bản ngã vẫn còn.
Đây là chỗ mà Đức Phật chúng ta đã vượt qua được và Ngài chứng được Vô Ngã hoàn toàn. Vậy chúng ta thấy có 3 giai đoạn của sự tu hành :
* Ban đầu là bản ngã phàm phu bình thường như chúng ta.
* Tu đến giai đoạn cao Tâm thanh tịnh bất động thì Tâm bừng lên một chân ngã nhưng tiềm tàng bản ngã vẫn còn.
* Tu đến A La Hán, bậc Bồ Tát, Chư Phật thì mới chấm dứt bản ngã, chứng được Vô Ngã hoàn toàn.
VÔ NGÃ là một Chánh Kiến quan trọng mà chúng ta phải xác định, là mục tiêu tối thượng của Đạo Phật. Vô Ngã là Niết Bàn. Chúng ta tu tập phải đi theo con đường mà Đức Phật đã đi qua là nhắm đến Vô Ngã. Dù chúng ta tu tập đến mức độ nào cũng cảnh giác là bản ngã vẫn còn ẩn nấp sâu kín. Có người hiểu không đúng cho rằng đạt Vô Ngã là không còn gì cả.
Vậy VÔ NGÃ là gì ? Khi một người tu tập chấm dứt bản ngã, đạt Vô Ngã thì người tu này trở thành toàn thể vũ trụ, trở thành toàn thể chúng sinh. Do không còn bản ngã riêng biệt nữa nên Tâm từ bi thương yêu chúng sinh trãi rộng tuyệt đối vô tận. Khi chúng ta còn bản ngã nên chúng ta có thương yêu ai thì vẫn còn giới hạn, vẫn còn buồn thương, giận ghét, hỷ nộ ái ố chi phối. Còn Đức Phật , Bồ Tát, A La Hán thì bản ngã không còn thì lòng từ bi trãi rộng đến chúng sinh, vạn hữu là vô tận tuyệt đối. Một Vị chân tu khi đạt Vô Ngã thì lòng từ bi tuyệt đối, trí tuệ cũng vô tận tuyệt đối bởi lúc đó Vị này là toàn thể vũ trụ.
* CHÁNH KIẾN thứ 4 mà chúng ta phải xác lập là lý VÔ THƯỜNG : Chánh kiến này gọi là trí tuệ bát nhã ở mức độ chuẩn xác căn bản. Theo lý Vô Thường thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều thay đổi theo thời gian. Trong sự thay đổi đó có khi thay đổi tốt thành xấu và ngược lại xấu thành tốt.
Thí dụ : Một trẻ thơ từ từ lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh ---> là thay đổi tốt lên, cho chúng ta một sự lạc quan yêu đời. Thanh niên này theo thời gian thành già cả và chết ---> là thay đổi xấu đi, tàn hoại, cho chúng ta sự bi quan chán đời.
Khi chúng ta hiểu lý Vô Thường thì bỏ qua các bi quan chán đời, bỏ qua các lạc quan yêu đời để nhìn sự thay đổi của mọi việc trên đời bằng Tâm giải thoát là không bi quan, không lạc quan.
Khi chúng ta nhìn mọi việc thay đổi như vậy thì Tâm không dính mắc. Chúng ta không mừng quá khi mình được điều tốt, không buồn quá khi vướng phải điều xấu, nhờ Tâm bớt mừng, bớt buồn đó hổ trợ cho thân Tâm ta được an lạc trước mọi biến động thay đổi của cuộc đời. Trong sự thay đổi đó có sự luân hồi tốt thành xấu, xấu thành tốt cứ trôi lăn mãi mà nếu không biết tu hành sức mạnh của nghiệp cứ cuốn mình trôi lăn mãi.
Tuy nhiên khi chúng ta nhìn mọi việc trên đời thấy cái gì cũng vô thường thì chúng ta phải cẩn thận một điều coi chừng Tâm chúng ta rơi vào vô cảm như cây, như đá, coi mọi điều dửng dưng. Mặc dù chúng ta biết cuộc đời là vô thường nhưng từng con người đều đáng yêu đáng quý, từng chúng sinh vạn hữu muôn loài đều đáng yêu đáng quý vì tất cả đều chịu chung với nhau kiếp luân hồi đau khổ.
Dù biết cuộc đời vô thường nhưng chúng ta luôn giữ Tâm từ bi thương yêu muôn loài, đó là CHÁNH KIẾN về LÝ VÔ THƯỜNG.
Chúng ta lưu ý một điều trong cái nhìn quan điểm về vô thường với Tâm từ bi và trí tuệ, chúng ta biết ơn điều thiện và dứt khoát nói không với điều xấu. Không phải vô thường là nói gì cũng được, tốt cũng được mà xấu cũng được như nhau, đó là thiếu trí tuệ, bởi làm điều xấu thì tạo nghiệp quả báo.
* CHÁNH KIẾN thứ 5 là Thiền Định : Thiền Định mang lại một nội Tâm an tĩnh, an Định, chúng ta sẽ đề cập tới trong phần Chánh Định trong Bát Chánh Đạo. Chúng ta tu theo Đạo Phật thì luôn luôn phải giữ một nội tâm thanh tịnh.
Dù chúng ta có tu theo bất cứ phương pháp nào, dù có làm vô số công hạnh thì mục đích cuối cùng vẫn là đạt được một nội tâm thanh tịnh an lạc. Khi Tâm mà xáo trộn, động loạn, sân hận thì tạo nghiệp bất thiện là điều không thể tránh khỏi. Đây là quan điểm cốt lõi quan trọng về Tâm trong Bát Chánh Đạo.
Một trong những thước đo Đạo lực của một người tu chính là một nội tâm thanh tịnh nhẹ nhàng bất động an lạc. Trong mọi tình huống mà chúng ta giữ được Tâm an tịnh thì đó là người có Đạo lực.
Còn nếu đụng chuyện mà Tâm mình còn xao động bất an , nổi nóng sân hận là biết Đạo lực mình còn kém. Do đó chúng ta có thể đánh giá sự tu hành của mình có tiến bộ hay không là do mình đối duyên, tiếp cảnh xem Tâm mình có động loạn hay không nghĩa là xem Tâm mình trong mọi tình huống xảy ra có mừng vui, giận hờn, ganh ghét, đố kỵ v.v...luôn phải xem xét điều này để giữ Tâm an tịnh.
* CHÁNH KIẾN thứ 6 là ứng dụng đựoc những Đạo lý vào cuộc sống : Đạo lý Phật Pháp là để chúng ta tu được trong cuộc đời này, chúng ta sống được trong cuộc đời này, chứ không phải tu tập Đạo lý để ta vào thâm sơn cùng cốc lánh đời.
Đạo lý đó phải phân tích được mọi diễn biến trong cuộc đời. Đây là một Chánh Kiến quan trọng là Đạo Phật phải gắn liền với cuộc đời, phải đem Phật Pháp soi sáng khắp thế gian, soi rọi được mọi điều trong cuộc đời.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng có nói:
" Phật Pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ Đề
Du như tầm thố giác."
Có nghĩa là Phật Pháp trong cuộc đời, không phải rời thế gian mà tìm giác ngộ, mà chính chúng ta sống trong cuộc đời với con người mà tìm giác ngộ.
Mục đích Phật Pháp là chữa lành bệnh thế gian, mang an vui đến cho cuộc đời nên giáo lý rất thực tế áp dụng được vào đời sống. Trong quá trình chúng ta sống, làm việc, tu tập thì Chánh Kiến sẽ được bổ sung mãi cho đến khi chúng ta sở đắc thành Phật. Chúng ta cần nhìn theo quan điểm giáo lý Phật Pháp mà đánh giá sự việc chứ không nhìn theo thói đời thường.
Thí dụ : Một người rất tài giỏi mà không thành công thì người đời lý luận là do không gặp thời còn nhìn theo quan điểm nhà Phật là tại vì một chướng nghiệp nào đó mà người này đã gây ra ở quá khứ nay đã ngăn cản. Chướng nghiệp đó có thể là do tài giỏi mà kiêu ngạo khinh người nên nay tài giỏi mà không được trọng dụng , không thể thành công.
Thí dụ khác như có 2 người hàng xóm gây gỗ với nhau bởi máng xối bên sân nhà người này chảy nước qua sân nhà người kia.
Nếu lý luận theo đời là lỗi do cái máng xối bể ra chảy nước tràn qua nhà người ta. Nếu nhìn theo nhà Phật thì nhận định là lỗi tại 2 người không biết bao dung độ lượng với nhau, việc đâu còn có đó từ từ mà nói với nhau chứ có gì mà phải gây gỗ mất hòa khí hàng xóm.
Còn nữa:
Chú thích: Bài này do đạo hữu Trung Lâm & Diệu Hiền gửi cho TG & DT, không thấy ghi nguồn tư liệu?