Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.
Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.
Về tới "nhà", Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.
Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài đầy hấp dẫn cho giới khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự, và hiện tượng “nhớ về quá khứ” không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó, như trường hợp của Elina Markand.
Vào thập niên trước, một cô gái nhỏ người Anh đã biến thành "một người xa lạ" sau khi tỉnh dậy một buổi sáng. Em không nhận ra mẹ và người thân của mình, không nói được tiếng mẹ đẻ trong khi lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha, và lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt.
Các bác sĩ đều có kết luận giống nhau: Em bé 10 tuổi này không có biểu hiện gì về bệnh lý hoặc tâm thần, sức khoẻ tốt. Em nhận mình là người Tây Ban Nha và sống ở thành phố Toledo. Em kể lại rằng một người cùng phố do ghen ghét và đố kỵ đã đâm chết em năm em 22 tuổi. Cảnh sát Tây Ban Nha đã thẩm tra lại câu chuyện kỳ quặc về “tiền kiếp” của em, và kết luận, đúng như lời em kể. Ở số nhà đó trong thành phố Toledo từng có một cô gái 22 tuổi bị hãm hại. Những người hàng xóm đã tìm thấy xác cô ngay trong nhà. Câu chuyện càng sáng tỏ hơn khi hung thủ (lúc này đã già) tự đến gặp cảnh sát để thú tội.
Các nhà khoa học còn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn có người đột nhiên "biến" thành công dân La Mã cổ đại, và bằng chứng khó chối cãi là anh ta biết sử dụng được thứ ngôn ngữ “nguyên thủy” của mình, không còn ai hiểu nữa. Tương tự như vậy, có người châu Âu bỗng nói tiếng Ai Cập, mất hẳn khả năng dùng tiếng mẹ đẻ. Rồi anh ta mô tả chính xác cảnh vật ở vùng sông Nile, và tự nhận có nguồn gốc Ai Cập.
"Trí nhớ gene"
Một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng trên với khái niệm "trí nhớ gene": Nếu các vùng "ngủ" trong ADN bị kích thích, con người có thể "trở về tiền kiếp". Họ bỗng nhớ lại gốc gác La Mã hoặc Ai Cập từ xa xưa. Cũng do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen xoa râu quai nón, mặc dù trên mặt không hề có râu. Người khác lại có thói quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước.
|
Trường hợp nhớ về tiền kiếp của bé gái người Anh rõ ràng không hề có quan hệ nào về “gene di truyền” với người mà mình hoá thân. Ảnh minh họa: tamlinh.net
|
Nhưng ở cô Elina người Đức và bé gái người Anh thì rõ ràng không hề có quan hệ nào về “gene di truyền” với người mà mình hoá thân, có nghĩa là trường hợp của họ không thể giải thích bằng “trí nhớ gene”. Vậy nó là thế nào? Ở châu Á, người ta rất quen thuộc với thuyết luân hồi của Phật Giáo, cho rằng thể xác con người – tức là cái “bề ngoài” - luôn thay đổi. Còn cái “bên trong thể xác” - tức linh hồn - là vĩnh cửu. Theo thuyết luân hồi, cuộc sống không khởi đầu bằng sự sinh ra, và cũng không kết thúc bằng cái chết. Cuộc sống cứ trôi vô tận. Linh hồn ở mỗi "kiếp" lại nhập vào một thân xác mới. Vì thế, sẽ không lạ khi cô Elina và bé gái người Anh đột nhiên nhớ lại kiếp trước của mình.
Thuyết về kết cấu "phách"
Lại có một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng “kết cấu phách”. "Phách" ở đây tất nhiên không phải là "phách" trong âm nhạc, mà là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, “phách” liền tan vào vũ trụ. Vì thế, “phách” có thể hiểu là một loại “trường sóng hạt cơ bản nhẹ”, hoặc là “tập hợp những năng lượng thông tin cá thể”.
Theo các nhà khoa học này, thuyết về phách có thể lý giải được đa phần hiện tượng thần đồng (trong âm nhạc, thi ca, khoa học…). Ở tuổi rất trẻ, những thần đồng này đã tích tụ được lượng kiến thức khổng lồ mà người bình thường cả đời cũng khó có được. Theo thuyết này, “phách” của các thiên tài là sản phẩm của hàng vạn kiếp trong quá khứ dồn lại trong một cơ thể hiện hữu. Nói cách khác, "trường sóng hạt cơ bản nhẹ" hay những "tập hợp thông tin cá thể" đã tập trung vào cơ thể họ theo một quy luật nào đó.
Nhiều nhà khoa học đã mạnh dạn đề cập tới những khái niệm rất mới về hiện tượng "nhớ về quá khứ". Họ đã lập ra một "quy trình công nghệ" cho phép bằng thực nghiệm đưa con người vào trạng thái giữa mơ và thực. Ở trạng thái lơ lửng kỳ ảo này, người tham gia thực nghiệm vẫn nhìn thấy những gì quanh mình, nhưng trong tiềm thức, họ lại thấy cả quá khứ. Phương pháp thực nghiệm này đã được áp dụng để chữa một số bệnh tâm thần và đem lại kết quả.
Mặc dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng đến nay, những chuyện về "siêu trí nhớ" gần như vẫn nằm ngoài vòng nghiên cứu của khoa học chính thống. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân loại chịu bó tay để tự rơi vào vòng "bất khả tri", các nhà khoa học vẫn đang tìm cách để giải thích những điều khó giải thích nhất.
Theo cuốn "Bí ẩn nhân loại", NXB Từ điển Bách khoa