Các di tích về con Rồng Việt Nam tuy còn khá ít. Nhưng con Rồng Việt Nam vẫn luôn mang bản sắc đặc biệt riêng của nó, so với những kiến trúc trang trí, hội họa của Trung Hoa và các quốc gia Á Châu khác.
Từ thời xa xưa, người Việt hay sống tại vùng sông nước, cho nên người ta thường tôn sùng các loài thủy vật bò sát : Thuồng luồng, ba ba, cá sấu … như những con vật linh thiêng. Cá sấu là con vật được thần thánh hóa thành con Giao Long. Trong bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam của Ðào Duy có ghi : Giao long, là từ của người Hán tộc xưa dùng để gọi cho những con cá sấu (Alligator sinensis tên của một loài cá sấu trong danh pháp khoa học), và người Việt thường gọi là Thuồng luồng. Trên thực tế, người ta lại xem thuồng luồng là một giống rắn khổng lồ sống ở nước, và hình như con vật này chưa có ai thấy bao giờ.
Thật ra con sấu không thuộc vào loài cá, mà là loài động vật bò sát lớn, có máu lạnh, ăn thịt, vừa sống dưới nước như cá và cũng sống trên bờ như các thú vật.
Bảng phân loại khoa học của con sấu Trung Hoa :
Giới : Animalia.
Ngành : Chordata.
Lớp : Sauropsida.
Bộ : Crocodilia.
Họ : Alligatoridae.
Chi : Alligator.
Loài : Alligator sinensis.
Mặc dù trong sách chữ Hán của người Việt xưa gọi Cá sấu gốc Trung Hoa là Giao long hay thuồng luồng. Nhưng bây giờ Cá sấu và thuồng luồng đã trở thành hai giống khác nhau. Một con có hình hài và nguồn gốc có thể biết được theo cái nhìn khoa học. Còn một con dù có thật hay không trong lịch sử sinh vật học, hình ảnh của nó vẫn tồn tại ở trong tiềm thức của người Việt Nam.
Từ những cách thức tô điểm hình hài cho con Giao long, bằng nhiều chi tiết tưởng tượng, được diễn đạt, qua nhiều ý nghĩa trong chuỗi thời gian dài. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân nói lên hình ảnh con Rồng xứ Việt. Người Việt luôn luôn tự hào và hãnh diện về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của mình qua huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân.
Theo tương truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh Lĩnh lấy con gái của Vụ Tiên và sanh ra một người con trai gọi là Lộc Tục. Sau khi Lộc Tục lớn lên, vua Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam, lấy tôn hiệu là Kinh Dương Vương và quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới của nước Xích Quỷ thời bấy giờ được biết như sau : Phía Bắc giáp với Ðộng Ðình Hồ, phía Nam giáp nối liền với Hồ Tôn, phía Tây là Ba Thục, phía Ðông giáp biển Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ và lấy con gái của Ðộng Ðình Quân là Long Nữ, sanh ra Sùng Lãm. Sau này là người nối ngôi làm vua với tôn hiệu là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái của vua Ðế Lai tên là Âu Cơ, sinh một bọc trăm trứng và trăm trứng đó nở thành một trăm người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được". Hai người bèn chia con mà ở riêng. Năm chục người theo mẹ lên núi, năm chục người theo cha xuống biển. Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, người lập ra nước Văn Lang và sau này trở thành nước Việt Nam.
Hồng Bàng là thuỷ tổ của dân tộc Việt. Nếu quan sát kỹ thì chữ Bàng 龐 viết bằng bộ long và chữ Hồng 鴻 (洪) có nghĩa là : Nước lớn, lụt lội… như vậy đây cũng là một ý nghĩa cho thấy, mặc dù Rồng là con vật có thật hay không trong những truyền thuyết, nhưng hình tượng của nó đã gắn liền với văn hoá Việt Nam từ thời thượng cổ.
Hai câu thơ :"Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương".
Là dấu chứng của lịch sử để nhắc nhở những người con Việt về công đức của người đã sáng lập ra dòng họ và quốc gia. Tuy ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, có được xác định chính xác là ngày húy nhật của vua Hùng Vương hay không, nhưng ông bà tổ tiên của chúng ta đã biết chọn một ngày để con cháu về sau có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến ông tổ của mình.
Theo truyền thống ngàn đời, người Việt tin rằng mình là con cháu rồng tiên, đất đai là xứ rồng và vua là con rồng. Do đó hình ảnh của Rồng cũng được người ta đề cập trong Văn hoá Việt. Thời vua Lý dựng nghiệp, thấy rồng bay lên nên gọi là Thăng Long. Các địa danh trong nước cũng mang hình ảnh Rồng như : Vịnh Hạ Long, núi Hàm Rồng, Long Khánh, Long Biên, Vĩnh Long, Long Hải …. Ngay cả trái cây như : Trái thanh long, Long nhãn, cây xương rồng…Trong các quan hệ xã hội qua những câu ca dao tục ngữ :
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vược vũ môn hoá rồng.
Hay
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình.
Hoặc
Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày.
Trong Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, con rồng Đại Việt luôn có những đặc tính biểu trưng rõ ràng đặc trưng :
Thân rồng có 12 khúc, trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. 12 khúc thân này đại diện cho 12 tháng trong năm. Thân mềm mại uốn lượn là biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết.
Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, cặp sừng nhỏ, mắt lồi to, hàm mở rộng, răng nanh chĩa lên, lưỡi mảnh rất dài, cái mào ở mũi có những nét nổi sóng đều đặn. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên châu. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng…
Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là biểu trưng cho nguồn gốc của người Việt. Dân tộc Việt có dòng lịch sử sinh động rất đẹp đẽ và oai hùng. Nếu những ai được sinh ra và lớn lên với hình ảnh "Con rồng, cháu Tiên", thì nên cần phát huy thêm những gì mình đang có và đã có, để làm xứng đáng cho niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Người Trung Hoa có Long Sinh Cửu Phẩm trong lòng tín ngưỡng. Người Việt Nam có Cửu Long Giang (Hán :九龍江), và Cửu Long Giang này đã từng nuôi đàn con của Rồng và cháu Tiên từ bao đời. Cửu Long Giang là dòng sông có 9 cửa chảy ra biển được biết trên mặt địa lý của Việt Nam như : cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề, cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Hàm Luông, cửa Ba Lai. Dòng sông mang tên và hình ảnh của chín con Rồng này đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu trong đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ.
Mặc dù huyền thoại tồn tại trong văn học dân gian như những truyện kể về thế gian, qua những ý niệm và sự mô tả những việc đã xãy ra trong quá khứ của thế giới hiện tượng, bằng các biểu tượng khác nhau. Nhưng nó vẫn là ý thức nguyên hợp của xã hội nguyên thủy, để giúp cho việc tiến trình lịch sử nhân loại, từ khi con người rời bỏ cách sống du mục, tiến dần vào sự khám phá thế giới và biết khai thác thiên nhiên để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu trong đời sống.
Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ DânKính bút
TS Huệ Dân