Thông thường có hai bộ mạn đà la. Kim Cang giới mạn đà la (Vajradhàtu-mandala) biểu tượng cho trí huệ sở chúng của Phật. Thai tạng giới mạn đà la (garbhadhàtu-mandala) biểu tượng cho phương tiện độ sanh của Ngài. Mỗi mạn đà la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo...
Trong các lễ cúng thí Cô hồn, Trai đàn Chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.
Về hình thức, trai đàn nầy dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức bố trí theo một hình thức đơn giản của mạn đà la (mandala). Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn nầy là căn bản vũ trụ luận của Mật Giáo. Thông thường có hai bộ mạn đà la. Kim Cang giới mạn đà la (Vajradhàtu-mandala) biểu tượng cho trí huệ sở chúng của Phật. Thai tạng giới mạn đà la (garbhadhàtu-mandala) biểu tượng cho phương tiện độ sanh của Ngài. Mỗi mạn đà la đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau:
Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống Phật giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiệu cho bản thể tuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghị của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ tưởng, hành, thức. Chúng tập họp lại thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi năm yếu tố, gọi là năm đại: địa, thủy, hỏa, phong và không.
Trên cơ sở giáo nghĩa nầy, trước hết mạn đà la của Kim cang giới được thiết lập để biểu hiện trí huệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hóa yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là kim cang bất hoại thân (vajrasauhatanakàya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí. Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tại và nhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức Ngũ Trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật (sẽ nói rõ ở phần Ngũ Phương Phật). Sau đây sẽ mô tả sơ lược một trai đàn chẩn tế từ trong ra ngoài:
Từ trong ra.
Nội đàn:
1. Bàn Phật : Tại chùa có Chánh điện, tại tư gia có Bàn thờ Phật là nơi Tham Lễ Giác Hoàng
2. Bàn kinh : Nơi để nghi thức, chuông mõ, pháp khí.
Ngoại đàn:
1. Màn Sư tử tòa : Sư tử tòa là chỗ ngồi của Phật. Phật là bậc oai đức hơn tất cả chúng sanh. Cũng như sư tử dõng mãnh hơn tất cả các thú. Chớ chẳng phải Phật ngồi trên mình con sư tử. Cho nên dù Phật ngồi bất cứ đâu, dù trên ghế, hòn đá, gốc cây hay mặt đất. . . thì những chỗ đó đều gọi là Sư Tử Tòa. Vậy bức màn Sư Tử Tòa là bức màn có hình con sư tử được vẽ rất oai nghiêm, dõng mãnh treo sau lưng vị Gia Trì Sư, tượng trưng chỗ ngồi của Phật.
2. Bảo Tọa : chỗ ngồi của Gia Trì Sư, khi ngồi vào đây là đại diện chư Phật vì chúng sanh, đặc biệt là cô hồn mà tuyên dương Chánh pháp. Theo khoa nghi, trước khi vị chủ sám vào chỗ ngồi phải cung hành một nghi thức mật pháp rất trang nghiêm. Sau khi cung thỉnh Ngũ Phương Phật xong , vị chủ sám đến đứng trước bàn Giác Hoa. Vị tả kim đài 1 đứng ở vị trí ở bàn kim đài, hai tay nâng thủ lư cung thỉnh Vị Gia Trì Sư đăng bảo tọa để thuyết giới cho cô hồn. Sau khi vị Gia Trì Sư đáp lại và xin chư Phật cho phép đăng bảo tọa. Vị tả kim đài 1 ra lệnh cử chuông trống bát nhã bằng động tác vỗ vũ xích, chuông trống bát nhã cử hành, Vị Gia Trì Sư quay về trái đi lên bảo tòa. Kinh sư vào vị trí bàn kim đài.
Màn song khai : Trước bảo toạ là bức màn phân làm đôi, được đóng lại hoặc mở ra tùy theo lúc qui định trong khoa nghi.
1. Bàn kim đài : Kinh sư ngồi hai bên tả hữu mỗi bên ba hay bốn vị. Thứ tự tính từ trong ra ngoài. Có một vài sự đổi thay nhỏ tùy vùng xử dụng tang và mõ. Huế, kinh sư ngồi ghế để đầu trần. Bình Định, kinh sư ngồi xuống chiếu, đầu đội tỳ lư, xử dụng 2 đẩu (giống cái tang nhưng không có cán) và mõ. Miền nam, kinh sư ngồi ghế đầu trần, xử dụng 2 đẩu và mõ.
2. Bàn Giác Hoa : Giác hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, một đức Phật ở cõi Ta bà, hồi đời qúa khứ cách nay không biết bao nhiêu kiếp. Ngài có tuổi thọ bốn trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp. Về đời tượng pháp của đức Phật ấy có một cô gái Bà la môn, nhơn mẹ vừa khuất, đến chiêm lễ tượng Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương tại chùa cầu cho biết hồn mẹ ở chốn nào, ngài liền khiến thần thức của cô gái ấy đến cõi địa ngục. Nơi đây quỷ vương cho biết nhờ phước đức cúng Phật và bố thí của thánh nữ, hồn bà được thoát cảnh điạ ngục mà lên cảnh tiên. Cô gái ấy tức là tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát.
3. Các án Ngũ phương Phật : Ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ pháp hết sức thâm diệu của Phật giáo Mật Tông, Ngũ phương Phật là sự phối hợp giữa Ngũ phương, Ngũ Trí, Ngũ Phật, Ngũ Bộ và Ngũ Hành trong Thai Tạng Mạn đà la và Kim Cang Giới Mạn đà la. Theo sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay trong Trung Khoa Du Già Tập Yếu khắc bản năm Mậu Tý triều Vua Đồng Khánh và bài viết “LỄ THÁNG BẢY cho những oan hồn phiêu bạt” của Thầy Tuệ Sĩ, đàn tràng Chẩn tế tại Việt Nam được cung trần theo Kim Cang Giới Mạn Đà La. Chúng tôi xin trình bày khái quát như sau:
Kim cang giới mạn đà la là thuyết minh hoạt dụng của trí huệ sai biệt trong lý tính không sai biệt, do đó Ngũ trí Như lai là trọng tâm của mạn đà la nầy. Hình dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candramandala). Bên trong hình tròn nầy thiết lập các biểu tượng của năm vị Như Lai.
Án Trung ương: Chính giữa là vị trí Đức Phật Tỳ Lô Giá Na tức Đại Nhật Như Lai (Mahà Vairocana – Tathàgata) hiển thân sắc màu vàng, đối diện với bàn Giác Hoa. Đó là Pháp thân Phật (Dharmakàya Buddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳng và bao dung cùng khắp vũ trụ. Trong năm đại, Ngài biểu tượng cho không đại (àkàzadhàtu), và bản chất của hư không là bao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của thức uẩn. Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí.
Bốn phương chung quanh Ngài Đại Nhật Như Lai là vị trí của bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Nam cho đến Bắc mà quý vị trong khoa Chẩn Tế thường nói cho dễ nhớ: Tả Đông, Nam. Hữu Tây; Bắc (từ trong đi ra) theo chiều kim đồng hồ, tức bên tay trái là phương Đông và Nam, bên tay phải là phương Tây và Bắc như sau:
Án Phương Đông: A Súc Phật (Akwobhya) hay Bất Động Như Lai, hiển sắc thân màu xanh, trở mặt vào án Trung ương với các biểu tượng: Phong đại (vàyu-dhàtu), nhờ đó mà vũ trụ có vận động; hành uẩn động cơ tạo tác của các loại hữu tình; Đại viên cảnh trí, như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.
Án Phương Nam: Bảo Sanh Phật (Ratnasambhava), hiển sắc màu đỏ, trở mặt vào Trung ương) với các biểu tượng: Hỏa đại (tejo-dhàtu), khả năng làm chín muồi để đưa đến chỗ thành tựu các vận động của chúng sanh và thế giới; tưởng uẩn, khả năng truy ức quá khứ và ước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; Bình đẳng tánh trí, khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộc ngã và pháp.
Án PhươngTây: A Di Đà Phật (Amitabhà), hiển sắc màu trắng, trở mặt vào Trung ương), biểu tượng Thủy đại, khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; thọ uẩn, khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; Diệu quan sát trí, nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu, của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.
Án Phương Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi), hiển sắc màu đen, trở mặt vào Trung ương, biểu tượng Địa đại, khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; sắc uẩn, tác thành thế giới hữu tình; Thành sở tác trí, thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sanh.
Phía sau Ngũ phương Phật là:
1. Bàn Địa Tạng (đồng hướng với Trung ương)
2. Bàn hộc thực (thấp, để đồ cúng Cô hồn)
3. Bàn Tiêu Diện (cao hơn bàn Địa Tạng )
Theo: voluongcongduc.com/forum/threads/81-bo-anh-ngu-phuong-phat.html