Dù chưa tìm thấy các sử liệu cụ thể về du nhập, nghiên cứu kinh Pháp Cú nhưng với nội dung phong phú, thiết thực, dễ hiểu, dễ tu và nhất là những tích truyện trong Pháp Cú rất sinh động...
HỎI:
Xin cho biết quá trình du nhập và phiên dịch kinh Pháp cú tại Việt Nam?
ĐÁP:
Có thể nói Phật giáo Việt nam (PGVN) được thừa hưởng, tu học theo cả hai truyền bản Pháp Cú Nam tông và Pháp Cú Bắc tông nhưng hiện nay truyền bản Pháp Cú Nam tông được dùng rộng rãi, phổ biến và rất thông dụng. Kinh Pháp Cú Nam tông (Dhammapada) thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddakanikàya), đứng thứ tự thứ 2 trong 15 tập của Tiểu Bộ, gồm 423 bài kệ, Kinh Pháp Cú Bắc tông bao gồm Pháp Cú kinh (Đại Chính, tập 4, 2 quyển), Pháp Cú Thí Dụ kinh (Đại Chính, tập 4, 4 quyển) Xuất Diệu kinh (Đại Chính, tập 4, 30 quyển).
Về quá trình du nhập kinh Pháp Cú vào Việt nam và các công trình biên khảo kinh Pháp Cú, theo sử liệu hiện có và đặc biệt là công trình nghiên cứu của Lệ Mạnh Thát trong Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, quyển 1, NXB Tp.HCM, măm 2001 (từ tr.14 đến tr.24), liệt kê các tác phẩm đã được trước tác, dịch thuật, biên soạn… bao gồm chữ Hán và chữ Nôm của chư vị cổ đức tiên bối PGVN từ thế kỷ thứ II (Mâu Tử) cho đến đầu thế kỷ XX (Chân Đạo – Chính Thống) thì tuyệt nhiên không thấy kinh sách nào có tên Pháp Cú cả. Tuy nhiên, chắc chắn các bản kinh Pháp Cú Bắc tông được truyền vào Việt Nam chậm nhất vào thời Lý (1010-1225). Bởi đến năm 1036, “tại kinh sư hồi ấy đã có tới năm bản Đại tạng kinh cho các Tăng sĩ và các nhà học Phật nghiên cứu” (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, NXB Văn Học, 1992, tr.235).
Do đặc điểm của PGVN trong gần 20 thế kỷ tụng đọc, nghiên cứu các kinh văn Hán tạng nguyên bản (như tiếng mẹ đẻ) nên không có việc chuyển ngữ.Trừ một số ít các công trình được viết bằng chữ Nôm ra, còn lại hầu hết kinh điển được tụng đọc bằng nguyên bản Hán ngữ với âm Hán-Việt, thậm chí vẫn còn phổ biến cho đến tận ngày nay. Dù chưa tìm thấy các sử liệu cụ thể về du nhập, nghiên cứu kinh Pháp Cú nhưng với nội dung phong phú, thiết thực, dễ hiểu, dễ tu và nhất là những tích truyện trong Pháp Cú rất sinh động, hấp dẫn, có tác dụng giáo dục cao nên chắc chắn trong quá khứ chư Phật tử tiền bối của PGVN đã tụng đọc, nghiên cứu, ứng dụng tu học kinh Pháp Cú bằng Hán ngữ trong Đại tạng.
Cho đến hậu bán thế kỷ XX, vào năm 1959, bản Việt dịch kinh Pháp Cú đầu tiên ra đời, do HT.Thích Thiện Siêu dịch từ Hán văn. Có điều, bản Hán văn được dùng để chuyển ra Việt ngữ lại là bản dịch từ Pàli sang Hán của Pháp sư Liễu Tham, do đó nội dung không khác với bản Dhammapada của Tiểu Bộ kinh. Sau đó, HT. Thích Minh Châu dịch kinh Pháp Cú từ nguyên bản Pàli của Dhammapada. Gần đây, có khả nhiều công trình dịch thuật, biên khảo về Pháp Cú như Kinh Pháp Cú của Narada, do Phạm Kim Khánh dịch; Đọc Pháp Cú Nam tông, HT. Trí Quang biên tập v.v… Còn các kinh Pháp Cú Bắc tông có lẽ chúng ta được đọc, tụng bằng Việt ngữ khi công trình dịch thuật Đại tạng kinh Việt Nam hoàn tất.
Theo Tổ tư vấn/GiacNgo.Vn