Đề tài chúng tôi giảng hôm nay là Đức tự tín của người Phật tử. Nếu xét tận gốc của đạo Phật, chúng ta phải hiểu đạo là phương pháp, là con đường, Phật là giác ngộ. Chúng ta tu theo đạo Phật là tiến trên con đường giác ngộ, mà tiến trên con đường giác ngộ thì phải có trí tuệ.
Trí tuệ không đi đôi với lòng tin, nhưng tại sao ở đây tôi nói đức tin của đạo Phật? Bởi vì qua bao nhiêu năm làm Phật sự ở miền Nam, đi giảng dạy và liên hệ các nơi tôi thấy Phật tử chúng ta gần đây dường như là mất lòng tự tín. Tự tín tức là tin mình, mà đức tin trong đạo Phật là đức tự tín, chớ không phải đức tin để cầu xin ở bên ngoài.
Người tu theo đạo Phật là phải dẹp bỏ những thứ phiền não căn bản như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Dẹp được phiền não mới có công phu tu hành. Nhưng muốn dẹp phiền não chúng ta phải dẹp hay cầu xin Phật dẹp giùm chúng ta.
Tôi thấy nhiều Phật tử đến trước bàn Phật thắp hương khấn nguyện, nguyện Phật gia hộ cho con được tiêu trừ phiền não, nhưng Phật có thể làm cho ta sạch phiền não được không? Hay là chúng ta phải tự phủi, tự dẹp, phải đập phá cho nó tiêu tan? Chúng ta nguyện đem hết sức mạnh của mình tiêu diệt các thứ phiền não, chớ Phật làm sao giúp được.
Nếu chúng ta ra đường thấy cái bóp rơi, lòng tham dấy lên, đưa tay ra lượm thì làm sao Phật can thiệp kịp phải không? Ngay lúc ấy chỉ có lương tri, trí tuệ của mình mới chặn đứng, mới ngăn cản được lòng tham. Như vậy phiền não ở nơi mình, thì cũng chính mình là chủ nhân ông tiêu diệt nó, chớ không phải cầu xin nơi đức Phật hoặc vị thần linh nào khác.
Như vậy Phật tử tu cứ cầu Phật cho mình hết phiền não là đúng hay sai, là tự tin hay không tự tin? Tin Phật chớ không phải tin mình. Mà chỉ tin Phật thì chúng ta đã mất tự tín rồi. Phật dạy chúng ta dẹp phiền não để chứng Bồ-đề, nhưng chúng ta không dẹp phiền não thì Bồ-đề làm sao chứng được!
Quí đạo hữu, quí Phật tử nữ đi chùa thắp hương thường cầu xin điều gì? Xin Phật cho làm ăn phát tài, cho con thi đậu, cho gia đình hạnh phúc, cho con được mọi người thương mến v.v... mà những điều đó Phật cho được không? Làm sao cho được, bởi chúng ta không tự tín, không tin ở mình, mà chỉ tin ở Phật. Nhưng Phật đã nói, đã tuyên bố hẳn hoi rằng: “Ta không có quyền ban phước giáng họa cho ai.” Phật không có quyền ban phước giáng họa mà chúng ta xin thì làm sao đây? Đó là điều hết sức rắc rối.
Phật dạy dẹp phiền não thì tâm an tịnh, dẹp phiền não thì hết khổ đau mà mình không chịu dẹp, cứ cầu cho mình hết khổ, cho mình được nhẹ nhàng thảnh thơi, làm sao mà được. Đó là điều mà người Phật tử không thâm nhập được đạo lý chân chánh nên mới có những thứ mong cầu không hợp đạo lý như vậy.
Đó là tôi nói mất tự tín nơi bản thân mình. Và điều đáng buồn hơn nữa, chúng ta lại không tin mình mà lại tin ở những sức mạnh bên ngoài.
Tôi thí dụ như một số cư sĩ tại gia, khi muốn cất nhà trước hết quí vị kiếm thầy xem tuổi, đoán tốt xấu. Nếu ông thầy nói năm nay sát chủ, quí vị có dám cất không? Đang lúc trong túi có tiền nhưng nghe nói năm tuổi hay năm sát chủ không dám cất, chờ tới năm tốt. Nhưng tới năm tốt thì lỡ xài hết tiền, phải làm sao đây? Như vậy chúng ta tin vào số, tin vào tuổi, tin tất cả những thứ bên ngoài mà không tin ở mình.
Đó là các Phật tử, nhưng thậm chí ở trong nhà chùa có nhiều thầy sửa soạn cất chùa cũng phải coi năm tốt không, cất được không? Nếu được năm thì mới dám cất, bằng không thì thôi. Đó là quan niệm sai lầm rất lớn.
Ngày nay chúng ta đã khá giả, nhiều Phật tử cất nhà đúc bê tông, mà nếu đúc bê tông thì ở ít ra cũng năm ba chục năm, người đó bây giờ nếu đã năm sáu mươi tuổi thì có chết trong nhà đó không? Nếu chết trong nhà đó thì lựa ngày nào cũng sát chủ cả. Tôi nói ví dụ này cho quí vị thấy cụ thể rằng, sợ ngày sát chủ không dám cất nhà, vậy cất ngày nào khỏi sát chủ đây! Chỉ có cất chòi mới khỏi sát chủ, còn cất nhà đàng hoàng chắc chắn phải sát chủ thôi.
Như vậy giá trị của ngày giờ có đúng hay không? Nếu ngày giờ đúng thì trên thế gian này mọi người đều giàu, đều bình yên hết. Vì có người cất nhà, họ coi ngày rất kỹ nhưng sau năm bảy năm hay năm sáu tháng họ cũng vẫn bỏ nhà chạy như thường. Như vậy coi ngày đúng hay không?
Sự việc cụ thể trước mắt như vậy mà đa số Phật tử cứ nơm nớp sợ. Như có việc phải đi xa thì sợ ngày mùng năm, mười bốn, hai mươi ba nên lựa ngày lành đi. Nếu ngày lành đi được bình yên thì mấy chú ăn trộm, ăn cướp cứ lựa ngày lành làm ăn chắc phát đạt lắm phải không? Nhưng đã ăn trộm, ăn cướp thì ngày nào cũng là ngày nguy hiểm hết. Còn chúng ta làm lành, làm phước thì ngày nào cũng là ngày tốt, vì nhân tốt thì quả phải tốt; nhân ác thì quả phải ác.
Như vậy chúng ta tin ngày giờ hay tin nhân quả? Ngày giờ không phải do Phật dạy mà đó là sách Nho thời xưa. Nhân quả mới là giáo lý của Phật dạy. Chúng ta là đệ tử Phật thì phải lấy nhân quả làm căn bản tu hành, không nên lệ thuộc vào sách vở thời xưa, những tập tục cũ để lại. Nếu chúng ta theo những thứ đó là chúng ta mê tín. Mê tín tức là lòng tin u tối không sáng suốt, không phải là đệ tử Phật.
Chúng ta tu theo Phật thì phải tin nhân quả. Tại sao? Vì nhân quả xây dựng cho chúng ta một nền tảng tự tín rất vững chắc. Trong nhà Phật thường nói, tất cả các khổ không phải bỗng dưng nó đến mà đều có nguyên nhân. Từ cái nhân trước hoặc gần hoặc xa, chúng ta đã tạo nên ngày nay quả báo đến chúng ta phải chịu.
Thí dụ quí vị làm nghề nông, gieo giống lúa thì thu hoạch lúa, gieo giống nếp thì thu hoạch được nếp. Gieo giống nào sẽ có quả giống ấy theo ý muốn của mình. Như vậy tùy theo nhân chúng ta đã gieo mà kết quả sẽ đến. Tuy nhiên, không phải nhân quả chỉ có một chiều mà rất tế nhị. Kết quả không phải từ ai cho hay từ đâu đến mà chính là công phu tạo nhân của chính mình, mình tạo nhân nên mình hưởng quả, đó là lẽ thật.
Tất cả mọi việc đều do công của chúng ta, chúng ta săn sóc thì sẽ có kết quả như sự mong cầu của chúng ta, chớ không phải bỗng dưng ai đem lại cho, vì điều đó mình muốn, mình tạo thì mình được. Như vậy, nhân quả dạy cho chúng ta tạo lấy nhân tốt để hưởng quả tốt, còn gieo nhân xấu thì bị khổ. Vui hay khổ đều do nơi mình tự tạo.
Như vậy mọi sự khổ vui trên đời mà chúng ta gặp phải, không nên đổ thừa người này, trách móc kẻ kia mà chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm, vì nhân chúng ta đã gây thì quả chúng ta phải chịu. Hiểu được lý nhân quả, chúng ta có sức tự tín phi thường, bởi vì chúng ta có đủ điều kiện làm cho mình tốt, hay đủ điều kiện làm cho mình xấu. Vậy tốt xấu gốc từ mình, không phải do lực nào bên ngoài.
Thí dụ, quí Phật tử đi ra đường thấy một người bị tai nạn té xe khổ, không ai đỡ, không ai cứu. Chúng ta cứu đưa họ đến bệnh viện, săn sóc cho họ được yên ổn. Chúng ta thấy người bị tai nạn, tự lòng mình khởi niệm thương xót nên cứu giúp họ, đưa tới bệnh viện. Lúc đó đức Phật có nói nho nhỏ bên tai ta “ngươi phải đỡ, phải chở người đó đến bệnh viện”? Chắc không có. Do tự tâm chúng ta khởi lòng thương, cứu người. Chúng ta giúp người đó mà không cầu người biết ơn, đền ơn. Bất ngờ khi chúng ta gặp lại họ, tự nhiên họ rất mừng vì biết rằng đây là ân nhân đã cứu mình nên người ấy vui mừng, chúng ta vui theo. Vậy niềm vui đó từ đâu ra? Từ mình chớ đâu phải Trời, Phật nào ban cho.
Ngược lại nếu quí vị ra chợ mua hàng, gặp người bán hàng quạu quọ, cự với mình. Mình nổi tức lên cự lại với họ. Khi nổi tức lên gây gổ với nhau, quí vị nghĩ lúc đó có Phật xúi mình không? Hay là cái sân xúi mình? Từ sự chửi bới đánh nhau đưa tới các thứ khó khăn khác như bị bắt bớ v.v... Khổ đó ai làm cho quí vị, ai xúi quí vị, ai mang đến cho quí vị? Tất cả đều do sân giận của mình làm ra, nó đẩy mình tạo tội, thọ khổ.
Như vậy, tạo nhân lành đưa đến quả vui, tạo nhân dữ đưa đến quả khổ đều do chính mình, không ai chen vào đó cả. Khi gặp khổ, vui chúng ta nên đổ thừa tại Trời khiến, Phật định hay phải biết đây chính là do chúng ta thiếu tu nên gặp quả khổ, hoặc chúng ta khéo tu nên gặp quả vui? Chúng ta đổ thừa cho người hay phải nhận lấy trách nhiệm về mình? Hiểu như vậy, tin như vậy là chúng ta tin ai? Mình là chủ nhân đem cái vui, cái khổ đến cho mình. Đó là lý nhân quả hết sức cụ thể.
Chúng ta tu theo đạo Phật phải hiểu sâu, tin chắc lý nhân quả như vậy, chúng ta ứng dụng cho cuộc đời, không phiền hà ai, không oán hận ai, chỉ quay lại mình để chuyển hướng. Nếu từ nhỏ tới lớn chúng ta chưa gây điều gì ác mà gặp khổ nhiều thì biết cái nhân đời trước đã tạo, nên ngày nay tuy chưa làm khổ người khác mà khổ vẫn đến với chúng ta. Nên chúng ta hoan hỉ chấp nhận, không oán trời trách đất, đó là biết ứng dụng lý nhân quả.
Ngược lại đời này chúng ta không làm lành, làm phước mà được ở trong cảnh sung sướng, giàu sang, chúng ta cũng không tự hào ngã mạn vì biết rằng đây là phước đời trước, chúng ta cũng đã có tu. Tuy được phước lành nhưng nếu không khéo tu, không biết làm lành nữa thì phước sẽ hết, sau sẽ khổ. Nên không có tâm ngạo mạn khinh người.
Người Phật tử biết ứng dụng nhân quả tu là người rất tự do, vì biết rõ khổ vui đều do mình nên không oán trách, cũng không phí phạm, luôn có tâm khiêm nhường, không ngạo nghễ kiêu mạn. Đó là một đức tánh tốt, vì chúng ta hiểu được lý nhân quả và biết ứng dụng trong cuộc sống.
Kế đến tôi nói về nghiệp báo. Phật dạy chúng ta bị nghiệp dẫn đi trong đường khổ hoặc trong đường vui, đó là gốc do xưa kia chúng ta đã gây tạo. Thí dụ như những người uống rượu. Ngày nào họ cũng vào quán uống rượu, uống như vậy chừng năm bảy tháng thì họ thành người ghiền rượu. Thành người ghiền rượu rồi thì hôm nào không có tiền vào quán họ sẽ khổ sở, chạy mượn người này, người kia để có tiền uống rượu. Đi quán uống rượu đó là nghiệp rượu, đã thành nghiệp rượu là thành nghiệp xấu. Vì nó dẫn mình đi vay mượn có khi sanh trộm cắp. Khi đã thành nghiệp ghiền rồi rất khó bỏ, thiếu nó không chịu nổi, nên dễ sanh những thói xấu, những điều bậy.
Ngược lại một người mỗi tháng vào ngày rằm, ngày ba mươi đi chùa, tụng kinh, sám hối. Tháng nào cũng vậy, giả sử có tháng nào bận việc không đi được, người ấy thấy buồn. Như vậy đi chùa, tụng kinh, sám hối cũng là nghiệp mà là nghiệp lành. Vì vậy thiếu cũng thấy buồn nhưng buồn nhè nhẹ thôi. Còn nghiệp rượu là nghiệp dữ nên nó hành ghê gớm lắm. Biết bao trường hợp vì rượu mà trong nhà gây gổ, cãi lộn v.v...
Do đó chúng ta thấy nghiệp lành dẫn chúng ta tới chỗ lành, nghiệp dữ dẫn chúng ta tới chỗ dữ. Người thích uống rượu thì đi tới quán rượu, người thích đi chùa thì tới chùa. Nghiệp là một thói quen do chúng ta gây ra, chớ không phải Trời, Phật xui khiến.
Xét trên lý nhân quả của đạo Phật, rõ ràng chúng ta tự do hoàn toàn, tự do tạo khổ, tự do tạo vui, chớ không phải Phật, không phải ai hết. Như vậy chúng ta phải có đức tự tín mãnh liệt vì chúng ta có đủ thẩm quyền làm cho mình khổ hay làm cho mình vui.
Một xã hội mọi người dân đều có đức tự tín như vậy thì xã hội đó mạnh hay yếu? Xã hội đó là xã hội tiến bộ, vì mọi người đều biết cái gì cũng gốc từ mình thì mình phải nỗ lực, phải cố gắng xây dựng điều tốt, dẹp bỏ thói xấu, nhờ vậy xã hội trở thành đẹp đẽ, văn minh. Hiểu được ý nghĩa nhân quả, nghiệp báo của đạo Phật, chúng ta đủ điều kiện xây dựng cho xã hội mình ngày càng đẹp đẽ, càng phú cường hơn. Đây là điều hết sức quan trọng.
Đó là tôi mới nói tin vào nhân quả nghiệp báo, còn một niềm tin đặc biệt nữa mà tất cả người Phật tử ai cũng phải cố gắng, phải nhớ. Đó là chúng ta tu theo Phật, chúng ta có tin mình sẽ thành Phật không? Gần đây có nhiều Phật tử nói: “Con tu không mong gì hết, chỉ mong niệm Phật đến khi chết, Phật cho con về bển làm tôi tớ của Phật là được rồi.” Nghe thật là dễ thương nhưng đó là người thiếu đức tự tín lớn lao. Tại sao?
Bởi vì đức Phật dạy chúng ta tu là để thành Phật, chớ không phải dạy cho chúng ta tu để làm tôi tớ cho Phật, mà chúng ta đòi làm tôi tớ chớ không thích làm Phật. Vậy thì nguyện ước của chúng ta quá nhẹ, quá yếu phải không? Tại sao chúng ta không can đảm, không phát tâm quyết liệt cầu quả Phật.
Quí vị nhớ, Phật là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô thượng là không có gì trên, Chánh đẳng là chân chánh liên tục, Chánh giác là giác ngộ đúng đắn. Giác ngộ đúng đắn liên tục không ngừng, không cách khoảng là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ở đây tôi muốn nói chữ Vô thượng, lẽ ra phải tôn xưng Phật là Tối thượng mới phải, vì có ai trên Phật, có ai bằng Phật? Nhưng Phật chỉ gọi Vô thượng nghĩa là không trên, không trên nhưng có người bằng. Vì vậy nên Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Sẽ thành, nghĩa là bằng Phật nhưng không trên Phật, vì giác ngộ tới đó tức là viên mãn, không còn gì trên nữa.
Phật dạy chúng ta tu theo Phật cốt là để thành Phật. Cho nên trong Phát Bồ-đề Tâm Văn dạy: Người tu Phật chỉ làm lành, tu Thập thiện mà không phát tâm Bồ-đề thì sau này có thể lạc vào đường tà hoặc làm Ma vương. Nghe vậy chắc quí vị thấy lạ. Bởi vì Phật là một vị giác ngộ viên mãn, chúng ta tu theo Phật thì cũng cốt giác ngộ viên mãn. Không phải giác ngộ viên mãn chỉ dành riêng cho Phật, còn chúng ta vô phần. Tu theo Phật là để giác ngộ viên mãn, nên phát nguyện như vậy thì khỏi rơi vào đường tà. Tại sao?
Vì chúng ta đâu phải tu một đời mà được giác ngộ viên mãn, đời này chúng ta giác được phần nào hay phần đó, đời sau tiếp tục cho đến ngày viên mãn. Nếu chúng ta không phát nguyện đời đời, kiếp kiếp tiến tu thì có khi nửa chừng do phước đức tu Thập thiện và làm những điều lành khác, được sanh các cõi lành, gặp hoàn cảnh sung sướng chúng ta quên. Đã quên thì có thể lạc vào đường tà hay lạc vào Ma vương.
Cho nên mình tu theo Phật, lúc nào cũng phải phát nguyện đạt đến quả vị Phật, chớ không mong quả vị nào khác. Bao lâu cũng được, không hạn cuộc thời gian, đời này chưa rồi thì đời sau; đời sau chưa rồi thì đời sau nữa. Bởi vì chết không phải là mất, không phải là hết. Chúng ta không sợ chết, chỉ sợ bản nguyện, chỉ sợ hành động của chúng ta không đúng thôi.
Nếu chúng ta có bản nguyện chân chánh, quyết liệt và hành động luôn luôn liên tục không ngừng, thì con đường thành Phật nhất định sẽ đến. Cho nên chúng ta phải tin khẳng định là chúng ta tu theo Phật, chúng ta sẽ thành Phật.
Ngày xưa đức Phật sanh trong gia đình vua chúa, lớn lên có vợ con sau thức tỉnh đi tu. Như vậy Phật có khác chúng ta không? Có cha, có mẹ, có cả gia đình nữa. Ngài cũng là người thế tục như chúng ta, nhưng Ngài thức tỉnh đi tu và giác ngộ thành Phật. Chúng ta bây giờ có phải là người thế tục như Ngài không? Ngài là con người thức tỉnh đi tu thành Phật, thì chúng ta là con người thức tỉnh đi tu cũng sẽ thành Phật. Việc ấy tôi khẳng định quả quyết như vậy, không nghi ngờ.
Nếu nói Ngài từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất vọt lên nên Ngài tu được, còn chúng ta là con người bình thường nên tu không được thì hợp lý. Đằng này Phật cũng là con người, chỉ khác là Ngài thức tỉnh sớm nên Ngài đi tu và được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là một con người, nếu thức tỉnh, chúng ta tu cũng sẽ thành Phật. Đó là lý do thứ nhất để chúng ta tin rằng chúng ta tu sẽ được thành Phật.
Lý do thứ hai, Ngài dạy rằng tất cả chúng sanh ai ai cũng có Phật tánh. Phật có và Ngài khai thác được nên Ngài giác ngộ. Chúng ta có nhưng chưa khai thác được nên chúng ta còn mê, còn làm chúng sanh. Tôi thí dụ, cha mẹ giàu khi mất để của quí chia cho các con. Trong đó có những người con lớn khôn, biết đem số của được chia, đi bán tạo vốn làm ăn nên thành giàu sang. Còn người nhỏ chưa biết đem của quí ra bán nên nghèo thiếu. Tuy nghèo mà có thật nghèo đâu, chỉ vì họ chưa đem ra dùng thôi.
Chúng ta cũng vậy, Phật biết khai thác Tánh giác nên Ngài thành Phật, Ngài giác ngộ trước. Còn chúng ta cũng có Tánh giác nhưng chưa biết khai thác, nên chưa giác ngộ. Tuy chưa giác ngộ nhưng chúng ta không bị mất, Tánh giác vẫn còn. Vì vậy nếu chúng ta cố gắng khai thác, tức là tu hành thì chúng ta cũng giác ngộ không nghi ngờ.
Trong kinh Pháp Hoa, có thí dụ hệ châu v.v..., gã thanh niên được cột hạt châu trong chéo áo, nhưng vì uống rượu say quá nên quên, đến khi có người chỉ nhắc lại mới nhớ. Như vậy thì biết rằng, nơi chúng ta ai cũng có khả năng thành Phật hết. Đây là lòng tin thứ hai. Lòng tin này rất quan trọng.
Lý do thứ ba, Phật dạy tất cả chúng sanh đều có sẵn Trí vô sư. Trí vô sư là trí không thầy, đức Phật khi ngồi tu dưới cội bồ-đề, Ngài không học, không truy tìm, không nghiên cứu, Ngài chỉ định tâm. Khi tâm an định thì bỗng nhiên giác ngộ. Từ sự giác ngộ đó mới thấu suốt được tất cả các pháp, từ con người đến ngoại vật, không trở ngại.
Đức Phật có Trí vô sư, chúng ta có Trí vô sư không? Chúng ta cũng có, chỉ vì hiện giờ nội tâm chúng ta có bao nhiêu thứ vọng tưởng, phiền não tràn đầy, nó che lấp Trí vô sư. Khi nào chúng ta định tâm được, hoặc tọa thiền hoặc niệm Phật tới chỗ nhất tâm thì Trí vô sư phát ra. Kinh Di-đà gọi đó là thấy Phật và Thánh chúng ở trước mặt. Còn đối với người tu Thiền gọi đó là giác ngộ hay là đại ngộ. Như vậy, Trí vô sư là cái sẵn có của tất cả chúng ta, ai ai cũng có chớ không phải riêng người nào.
Bằng chứng cụ thể như quí vị thấy ở thế gian hiện nay nhiều nhà bác học nghiên cứu một đề tài gì, họ dồn tâm lực trong đó, những đề tài ấy trước kia chưa ai phát minh. Đến khi họ nghiên cứu tới chỗ quên hết cả vợ con, quên ăn, quên ngủ bỗng nhiên họ sáng lên. Sáng lên đó gọi là phát minh. Nhiều nhà phát minh đã đem lại cho khoa học những thành quả mới, giúp nhân loại được nhiều phương tiện. Đó cũng là do Trí vô sư.
Tìm tòi nghiên cứu cái nhỏ thì được kết quả nhỏ, nghiên cứu cái lớn thì được kết quả lớn. Người tu của chúng ta nghiên cứu về vấn đề sanh tử của con người, là vấn đề trọng đại. Vì vậy phải ngồi thiền từ năm này qua năm nọ cho tâm tư lóng lặng. Do lóng lặng nên Trí vô sư phát ra. Như đức Phật ngày xưa ngồi yên định bốn mươi chín ngày dưới cội bồ-đề mà chứng được Tam minh, Lục thông v.v...
Chủ yếu người tu Phật ngày nay phải làm sao đem lại cuộc sống chân thật, đem lại con đường đi sáng sủa, đem lại giá trị tu hành cao siêu vượt bậc, chớ không phải là chuyện tầm thường. Bởi vì chúng ta tìm tòi để phát minh một việc trọng đại của kiếp sống con người. Vì vậy tất cả chúng ta phải tin rằng ai cũng có Trí vô sư. Chúng ta phải cố gắng dẹp vọng tưởng, dẹp phiền não. Vọng tưởng, phiền não sạch thì Trí vô sư hiện ra.
Các Thiền sư thường ví dụ tâm ta như một hồ nước. Đêm rằm trên hư không có trăng, nếu hồ nước đục thì trăng không hiện. Chỉ khi nào hồ nước trong thì bóng trăng hiện dưới đáy hồ. Cũng vậy chúng ta tu đến tâm thanh tịnh trong sáng, sẽ tự thấy Phật ở nơi chúng ta chớ không tìm đầu non góc bể nào cả.
Bây giờ tâm quí vị có lóng, có trong không hay là đang như những đám mây dày mịt? Hết vọng này đến vọng kia che hoài, bởi che hoài nên nó ngầu đục dơ bẩn. Chỉ khi chúng ta lóng được những thứ đó xuống thì trí sáng suốt của chúng ta bừng lên chớ không có gì lạ, trí ấy chúng ta có sẵn chớ không phải từ đâu ra. Cho nên sự tu trong đạo Phật hết sức thực tiễn, không phải mơ hồ. Giờ đây chúng ta hiểu được đạo Phật, thấy rõ được đạo Phật nên chúng ta phải nỗ lực tinh tấn, ứng dụng theo lời Phật cho tâm thanh tịnh.
Ví dụ vị nào chuyên tu niệm Phật thì ráng niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Kinh Di-đà Phật nói rất rõ: “... nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật... nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn. Kỳ nhân lâm mạng chung thời, A-di-đà Phật dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhân chung thời tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A-di-đà Phật Cực Lạc quốc độ.” Nghĩa là: Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày... cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn. Người ấy khi sắp mạng chung, Phật A-di-đà và Thánh chúng hiện ra ở trước, tâm người ấy không điên đảo, liền được vãng sanh cõi nước Cực Lạc của Phật A-di-đà. Hiện giờ Phật tử được nhất tâm chưa hay là thiên tâm, vạn tâm? Bởi vậy mà nói niệm Phật không thấy linh, vì đâu có nhất tâm. Phải nhất tâm, chừng đó mới thấy Phật.
Tu Thiền cũng vậy, thiền mà không định cũng không bao giờ ngộ, không bao giờ giác. Vì vậy phải định, có định mới được giác ngộ. Như vậy đạo Phật dạy không riêng khác, chỗ mục đích cứu kính đều gặp nhau. Chỉ tại chúng ta tu lơ mơ nên thành có khác.
Tôi nêu lên những điều này cho quí vị nhận ra cội gốc của đạo Phật, giúp quí vị thấy được con đường tu đúng đắn không bị lầm lẫn mà trở thành mất gốc, trở thành mê tín. Mê tín thì không xứng đáng là Phật tử.
Phật tử ở chùa Hoằng Pháp mà mê tín thì người ta nói thầy Hoằng Pháp không khéo dạy đệ tử. Còn nếu đệ tử của tôi mà cứ tin như vậy thì người ta nói tôi không biết dạy đệ tử. Không có đủ lòng tin chánh pháp, chẳng những quí vị có lỗi mà còn gây tiếng không tốt cho những bậc thầy của mình. Cho nên quí vị phải can đảm, biết sai phải sửa bỏ, chớ đừng nắm níu, đừng sợ. Điều sai, chúng ta biết rõ nó sai thì chúng ta sửa liền. Điều đúng, chúng ta biết đúng thì phải thực hành ngay. Đó là người Phật tử chân chánh.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin nhắc lại cho quí vị Phật tử nhớ:
- Đạo Phật là đạo dạy cho chúng ta đầy đủ lòng tự tín. Chúng ta tu theo Phật là tin chắc nơi mình. Mình có quyền tạo cái vui, mình có quyền gây cái khổ. Khổ vui do chính mình, chớ không ai đem đến cho mình. Hiểu như vậy là có đức tự tín.
- Chúng ta có đủ khả năng thành Phật. Phật là con người, chúng ta là con người. Phật có Tánh giác, chúng ta cũng có Tánh giác. Nếu chúng ta quyết tâm tu rồi cũng sẽ thành Phật, không nghi ngờ. Như vậy, tất cả chúng ta ai có đủ ý chí quyết liệt tu hành thì trên đường tu nhất định chúng ta sẽ thành công.
- Có đủ ý chí quyết liệt rồi thì đối với xã hội, đối với hoàn cảnh đất nước của mình đang nghèo, chúng ta cố gắng tạo cho được những nhân tốt thì quả tốt sẽ đến, chúng ta xây dựng một xã hội cố gắng vươn lên. Đó là đem lại sức mạnh cho đất nước, cho xứ sở của mình. Không nên ỷ lại hay trông chờ, không nên sợ sệt những quyền lực vô nghĩa.
Chúng ta phải can đảm, phải nhìn thẳng, phải thấy đúng. Như vậy mới thật là người Phật tử chân chánh, mới thật là người biết đạo; bằng ngược lại chúng ta tu theo Phật chỉ có danh tự, chớ thực chất không có gì cả.
Vậy mong rằng tất cả quí Phật tử nghe tôi giảng, xét cho thật kỹ, nếu đúng thì quí vị phải phát tâm quyết liệt thực hành và ứng dụng tu cho có kết quả. Đó là chỗ mong đợi của chúng tôi.
HT.Thích Thanh Từ