Con người luôn có một lực cưỡng kháng ngược lại một cách mạnh mẽ để thoát ra và vươn lên bằng chính kinh nghiệm và chân lý của riêng mình…
Cuộc đời con người chia ra từng giai đoạn như một xâu chuỗi nối tiếp những hạt thăng trầm. Dòng thành công và thất bại cứ tuần tự lúc thì rời rạc, lúc thì dồn dập đẩy đưa con người xoay tít trong những đợt sóng vô hình. Và con người luôn có một lực cưỡng kháng ngược lại một cách mạnh mẽ để thoát ra và vươn lên bằng chính kinh nghiệm và chân lý của riêng mình…
Ngày xuân, bên cội mai vàng với chén trà thơm hãy thư thái và nhìn lại những nẻo đường xuôi ngược trong từng giai đoạn đời người mà chúng ta đang và vừa trải qua. Từ xa xưa, với cái nhìn của văn hóa Á Đông, đức Khổng Tử đã chiêm nghiệm về cuộc hành trình hướng đến sự hoàn thiện đầy gian nan nhưng cũng đầy hấp dẫn ấy của con người và đúc kết lại qua các giai đoạn như sau:
Võ tượng chi niên: Độ tuổi 15, con người đối với vạn vật rất hiếu kỳ, do vậy tinh thần cầu học rất mạnh. Tuổi này hấp thụ và hội nhập kiến thức mới rất nhanh, nhưng lại không đủ phân biệt rõ cái mới đó là điều tốt xấu hay lợi hại. Giai đoạn này được gọi là “Thập ngũ nhi chí vu học”.
Nhi lập chi niên: Con người bước vào lứa tuổi 30 ý chí cưỡng kháng nghịch cảnh rất mạnh mẽ. Suối nguồn phiêu lưu sáng tạo tuôn tràn. Con người bắt đầu xác lập mục tiêu, phương hướng phát triển cho mình. Nhờ những kiến thức tôi luyện đã qua mà ở giai đoạn này con người có đủ khả năng tự đứng vững bằng đôi chân của chính mình để làm việc và phục vụ xã hội bất kể là thành công hay thất bại. Giai đoạn này được gọi là “Tam thập nhi lập”.
Bất hoặc chi niên: Những nỗ lực phấn đấu ở tuổi 30 đã giúp cho con người sung sức nồng nàn vượt qua ranh giới 40. Đây là chặng đường mà con người trải qua những bước thăng trầm để giải quyết những vấn đề đời sống, đây là giai đoạn chuyển hóa những lỗi lầm, thiếu sót trong nhiều mặt của cuộc sống xử thế. Độ tuổi này người ta đã bắt đầu có khả năng khám phá nhiều tầng ý nghĩa khác nhau trên cùng một sự kiện. Tâm trí sáng suốt, giảm thiểu đi những nhầm lẫn trong đời. Đây là tuổi chín chắn, lịch duyệt, kiến thức và kinh nghiệm phong phú. Tuổi này phương Đông gọi là “Tứ thập nhi bất hoặc”.
Tri thiên mạng, trí phi chi niên: Vào tuổi 50, khi trải qua những thăng trầm, con người đã thấy được thành công và thất bại của mình. Lúc này con người hiểu rõ mình là ai và giảm thiểu sự đau khổ với những thất bại trước kia của mình. Họ khám phá ra một chân lý đơn giản là: Vạn vật đều do nhân duyên tuần hoàn nối tiếp nhau mà nên, con người chỉ là nhịp cầu nối giữa các hiện tượng mà thôi.
Nhĩ thuận, hoa giáp chi niên: Con người từ 60 tuổi trở lên nội tâm trầm lắng, an định. Không còn thấy chướng tai gai mắt bởi những chuyện thị phi. Hiểu thấu thế thái nhân tình cho nên họ khó bị tác động trước nghịch cảnh, đây chính là giai đoạn kiện toàn về nhân phẩm. Vì vậy còn được gọi là tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”.
Cổ hy chi niên: Từ độ tuổi 70 trở đi, khi bước vào giai đoạn cuối của cuộc sống, tâm và tánh hoàn toàn tương hợp. Từ dòng suy nghĩ cho đến ngôn từ, hành động đều hợp tình hợp lý. Giai đoạn này, con người rút lui vào tư tưởng, âm thầm nuôi dưỡng đời mình. Tự nhiên thanh thản và tự tại trở thành và hiểu rõ con người của chính mình…
Ở đất nước ta có một người sống qua 3 thế kỷ (19-20-21) đã trải nghiệm rằng: “Đời người như con đường, khi bé thơ ta chập chững tập đi, thời thanh niên ta chạy. Rồi lại tập đi khi đến hồi thất thập. Nhưng nếu sống qua được 100 tuổi thì ta không tập, không đi mà chỉ ngồi bên đường mỉm cười ngó dòng người xuôi ngược…” Và để có được giây phút “ngồi bên đường mỉm cười ngó dòng người xuôi ngược…” ắt hẳn người ta phải nỗ lực hết mình, can đảm để vượt qua biết bao thăng trầm nghịch cảnh và cả một đời phải luôn thuận theo thiện duyên và nhân quả…
Những giai đoạn của đời người kể trên được đúc kết bằng kinh nghiệm của người xưa và một người Việt hiện nay là như thế… còn đức Phật và giáo pháp của Ngài thì khuyên chúng ta chỉ nên biết giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, bởi quá khứ thì không nên truy tìm và tương lai thì chưa tới… Và bởi duy chỉ có khoảnh khắc này thuộc sở hữu của ta, sinh mệnh của ta mới có đầy đủ ý nghĩa thực tại, không thể sống trong quá khứ cũng như sống ở tương lai… Thời đại chúng ta đang sống là thời kỳ phát triển cao độ của nền kinh tế thị trường. trong từng sát na thành tựu và hệ quả của nó liên tục tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến sự khổ vui của cuộc đời mỗi người.
Cách đây 26 thế kỷ đức Phật cũng đã nhìn xuyên thấu vấn đề này. Ngài dạy rằng trong thường nhật của cuộc sống có 4 thứ hạnh phúc và ngược lại những đau khổ thường tình của thế nhân cũng khởi phát từ những điều này:
Sở hữu lạc: Hạnh phúc về sự thụ hưởng tài sản, tiền bạc kiếm được bằng cách chính đáng.
Thọ dụng lạc: Hạnh phúc về sự tiêu dùng tài sản một cách rộng rãi cho chính mình, cho người thân, bạn bè hoặc dùng vào các việc mang lại lợi lạc cho tha nhân.
Vô trái lạc: Hạnh phúc vì không bị nợ nần đeo đuổi bức bách.
Vô tội lạc: Hạnh phúc vì không phạm phải những điều ác trong nghề nghiệp mưu sinh ngõ hầu được sống có một cuộc đời trong sạch…
Giáo pháp của đức Phật khuyến khích chúng ta cần nỗ lực để có sự tiến bộ về vật chất đồng thời phải phát triển về đạo đức và tâm linh để chúng ta luôn có một thâm tâm an lạc và đó chính là an trụ trong tỉnh thức và khi ấy mỗi giây phút hiện tại chính là mùa xuân bất tận của mỗi người…
Hiện nay chúng ta đang sống trong căng thẳng lo âu sợ hãi bởi những thiên tai thảm họa, tranh giành đấu đa… đó là nghiệp do chính con người tạo ra. Cuộc sống và đời người luôn có vô số những vấn đề cần khắc phục thì Phật pháp chính là kho tàng và là kim chỉ nam trong việc xây dựng đời sống và mưu cầu hạnh phúc của đời người. Nền tảng giáo lý và nhân cách của đức Phật chính là bài học lớn về cách ứng xử giúp chon người tìm lại chính mình và làm chủ vận mệnh của mình. Tương lai cuộc đời do chính mình tạo ra, giáo pháp của Phật không gì ngoài nhân rộng tình thương, sự khoan dung, rộng lượng và ở đó nhất thiết không có lòng ích kỷ, ghen ghét hận thù…
Cuộc đời 80 năm của đức Phật không tính bằng giai đoạn hay những ngày tháng năm mà chỉ có giây phút hiện tại của đức Phật. Giây phút ấy không có tiếng nói của thời gian, giây phút của vô ngã và vị tha cho nên mùa xuân của đức Phật là mùa xuân của chúng sanh hay những phút giây của đức Phật luôn tràn niềm hỷ lạc cho nhân sinh khắp cõi Ta bà.
Còn mỗi chúng ta thì những mùa xuân phơi phới đang còn dài trước mắt trên con đường ngược xuôi ấy, hãy nỗ lực hết mình với cuộc sống. Tinh tấn bằng Phật pháp để vượt qua trở ngại thăng trầm để được tận hưởng tất cả những mùa xuân an lạc… Rồi như lúc này, bên chén trà xuân ta lại chiêm nghiệm đời mình… Và thấy rằng mình đã đang có và sẽ còn có rất nhiều mùa xuân đẹp đẽ…
Theo Minh Đức Hoàng Dũng\daophatngaynay.com