Sáng 21 tháng chạp năm Tân Mão, nhằm 14/01/2012 trên dưới 30 anh chị em khiếm thị hội tụ tại Thiên Quang ni tự thuộc Dĩ An, Biên Hòa, thăm viếng sư cô Hương Nhũ.
Cơ sở gọi là chùa, vì cổng Tam quan in rõ hàng chữ: "Thiên Quang Ni Tự", nhưng vào nơi thờ Tam Bảo còn lưu dấu mờ nhạt “Thiên Quang tịnh thất”. Có lẽ xưa kia, đây là ngôi tịnh thất.
Sư cô về được gần một năm, xây vòng thành và cổng Tam quan nên có chữ Thiên Quang Ni Tự để chuẩn bị tương lai nơi đây sẽ là một ngôi chùa cho xứng với vị trí rộng thoáng của khu đất không xa thành phố, còn mang không khí của vùng ngoại ô yên tĩnh.
Anh chị em khiếm thị đến bằng nhiều phương tiện khác nhau, từ những quận huyện khác nhau. Một số phật tử của đạo tràng chùa An Lạc, quận I, TP Hồ Chí Minh cũng có mặt.
Sân chùa phủ rộng những tàn cây tạp không lớn lắm, nhưng đủ đùa lá vàng bay theo làn gió Đông theo khách thập phương muốn viếng cảnh. Không khí thật trong lành, không xa hơn một km đầy khói bụi của nhịp sống vội vã trên những con đường cuối năm của Dĩ An.
Chùa thật đơn sơ như cuộc sống đơn sơ của sư cô tọa chủ. Trên chiếc bàn ghép đôi ngoài sân, bốn chú cún cưng buồn bã nằm vật vờ vì không được tự do rong ruổi; vài mươi chiếc ghế nhựa sắp sẵn trên sân cát chuẩn bị một cuộc đón tiếp thật thân thiết.
Ni chúng có 4 vị, tập sự có đến 9 cô, đặc biệt cô Diệu Định tuổi ngoài 20, mặt mũi sáng sủa, đang tập sự để hy vọng xin gia đình xuất gia, có giọng hát rất hay, cũng góp vui cho buổi gặp gỡ.
Quý cô tập sự bận tay rối rít phục vụ cà phê sữa cho khách. Sư cô Hương Nhũ cũng không giấu được niềm cảm xúc khi các anh chị em khiếm thị từ xa đến thăm. Không chỉ đơn giản là đi viếng chùa, một số anh chị khiếm thị đã có duyên ân tình với sư cô những ba năm về trước.
Thật vậy, sau 1990, hàng trăm tăng ni sinh du học ở Ấn, khi tốt nghiệp về, chỉ có vài vị lăn xả vào công việc hoằng pháp, từ thiện, riêng sư cô Hương Nhũ, đến với người khiếm thị bằng công hạnh lạ lùng: - ngoài việc giảng dạy, in kinh chữ nổi cho người mù đọc tụng.
Ba năm về trước, sư cô tặng cho ba vị khiếm thị bộ kinh Pháp Hoa, chi phí hoàn thành mỗi bộ trên 700 ngàn đồng lúc bấy giờ do cô Trang Thị Ngọc Phượng (Canada) hỷ cúng. Người hân hạnh nhận lãnh bộ kinh lúc bấy giờ là Phương Trâm, Kim Nga và chị Thảo. Cũng từ đó, sư cô tiếp tục làm những bộ kinh Đại thừa khác.
Kỷ niệm ba năm trôi qua, đài truyền hình đến phóng sự việc tu tập của những anh chị em khiếm thị, đã phỏng vấn sư cô về việc làm nầy. Sư cô xúc động biết các em tinh tấn tụng đọc đến độ giấy đã ố, chữ đã mòn; và qua thời kinh hôm nay tại Thiên Quang, anh chị em đọc tụng nhuần nhuyễn kinh Vu Lan mà không cần phải dùng đến kinh như hồi mới học.
Trong số nguời khiếm thị, cũng đã có vị theo lớp giáo lý ở chùa Giác Lâm, quận Tân Bình suốt nhiều năm. Họ nắm vững giáo lý, kinh điển không thua người bình thường.
Một số anh chị trong nhóm thiện nguyện khiếm thị Hốc Môn cũng đã trường trai cả gia đình. Họ đóng góp để cứu trợ thiên tai, in băng đĩa kinh giảng của các giảng sư, và bằng nhiều cách, họ cũng hoằng pháp theo cách riêng của họ để giúp những bạn khiếm thị khác đến với Phật Pháp. Chẳng những thế, một số băng đĩa do họ làm đã chuyển hóa được một số người dân khi xem qua.
Với tinh thần như thế, một phần nào đó đã đáp ứng xứng đáng sự quan tâm của quý thầy quý cô, trong đó, sư cô Hương Nhũ đã đến với họ bằng tấm chân tình thật hữu hiệu, vì thế, niềm cảm xúc đã đến với nhau trong ngày hôm nay.
Phải hãnh diện những người con Phật thiếu ánh sáng cặp mắt nhưng tỏ sáng cả tấm lòng. Đồng thời, Phật giáo Việt Nam ngày nay cũng hãnh diện, tuy rất ít, đã có những tu sĩ trẻ thể hiện tài năng trên nhiều lãnh vực, được trang bị một kiến thức vững chắc và một tấm lòng phụng sự: văn hóa – xã hội – từ thiện – hoằng pháp. Sự thành công phật sự trong hoàn cảnh nghèo khó nói lên giá trị to lớn.
Trong số những tu sĩ trẻ như thế, không thiếu những vị có đời sống thật đơn giản và khiêm tốn. Có những vị vào chốn lao tù để cảm hóa, có những vị đồng hành với thế hệ đàn em trong học viện thì cũng có vị đến với thế giới mù lòa khát khao niềm tin Tam bảo.
Trong hành lang dùng làm “quá đường”, anh chị em khiếm thị được sư cô chủ lễ hướng dẫn thời kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho cửu huyền thất tổ cuối năm; văn nghệ bỏ túi do Diệu Kim, Diệu Cung và Diệu Khai cũng đem lại không khí vui tươi, ấm cúng và nhiều cảm xúc.
Theo chương trình dự định, sư cô sẽ có thời pháp cho đại chúng, nhưng quá cảm xúc, sư cô thổ lộ tâm tình trước những tấm lòng của anh chị em khiếm thị dành cho sư cô, và niềm tin thâm sâu đối với Phật Pháp của họ.
Tác giả Minh Mẫn dẫn chương trình
Thầy Thích Minh Trí và tác giả Minh Mẫn
Thật bất ngờ, thầy Minh Trí, trụ trì và chủ quản web chùa Phúc Lâm, cũng có mặt. Cuộc hội ngộ không hẹn chưa đủ thời giờ bộc lộ những tâm tư người làm báo, trên bàn ăn đã kết nối và nói lên nhiều tình cảm của những người con cùng một đấng cha lành.
Mọi người ra về trên tay nặng trĩu quà cáp thì trong tâm cũng chan chứa niềm vui. Ngoài sân, gió Đông nhộn nhã đùa từng cánh lá thay cho hoa trời tống tiển năm cũ để chồi non nghinh tiếp mùa Xuân đang đến.
Nếu chỉ có Hương đức hạnh mới bay ngược gió, thì chỉ có tấm lòng mới gắn kết mọi người đến với nhau trong không gian của Thiên Quang ni tự hôm nay.
Sư cô và anh chị em đều chúc tụng nhau bằng những gì tốt đẹp nhất – đó là chất liệu hương thơm của đất trời!
Minh Mẫn
14/01/2012