Tháp tùng Liên Hoa, Việt Ly và cu Bờm, lên dốc 12, huyện Định Quán thăm cơ sở mầm non Từ Tâm – do sự bảo trợ của nhóm “Hiểu và Thương” thành lập gần 5 năm; một trường tư thục theo đánh giá của phòng giáo dục – đào tạo huyện, đây là trường kiểu mẫu mẫu về chất lượng giáo dục, chăm sóc lẫn cơ sở vật chất rất tiêu chuẩn, để những trường khác noi theo.
Những năm về trước, nơi đây là cơ sở dạy may cho các con em địa phương, tạo công ăn việc làm tại chỗ khi mà vùng ven Định Quán vẫn còn trong tình trạng chật vật về cuộc sống. Nhưng khi các em vững tay nghề, tự động ra ngoài tìm việc, vì thế mà cơ sở không phát triển theo dự tính của sư cô Thuần Tâm và chị Việt Ly.
Trên 10 năm về trước, Việt Ly trong chuyến từ thiện thường kỳ từ nước ngoài về, đến ủy lạo cho bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy, bắt gặp một cô gái băng bó kín cả đầu và mặt. Cô bé ngoài 20 này đã bị một thanh niên tạt axit vì không chấp nhận tình cảm của anh ta; anh ta dùng tình cảm để lừa thiếu nữ đem bán qua Tàu. Người thanh nữ có tên thật đẹp – Ngọc Ly, đã chịu tàn tật suốt đời vì nhan sắc bị hủy hoại. Việt Ly đã giúp đỡ Ngọc Ly và gia đình, đến khi vết thương không còn hành hạ tuy gương mặt biến thành dị dạng, Việt Ly xây cất am thất để nạn nhân cùng người thân an phận trong những ngày còn lại.
Trong thời gian nạn nhân tạm trú ở phòng trọ để tái khám, tiếng khóc trẻ thơ cuối con hẻm đã làm cho nạn nhân xót xa hơn cả khuôn diện đang bị tàn phá. Khi biết cha mẹ của bé sắp đem cháu vứt bỏ vì quá nghèo, không có tiền đóng nhà trọ, không nuôi nổi ba miệng ăn đang hiện diện; nạn nhân khẩn thiết yêu cầu mẹ giúp đỡ cháu bé mặc dù biết rằng nhà đã kiệt quệ vì việc chữa trị vết thương suốt thời gian dài, cô Việt Ly lại dang tay tiếp đón thêm cháu bé. Thế là phải nhờ người nuôi bé để Việt Ly rảnh tay làm từ thiện.
Khi ổn định về tinh thần cũng như thể xác, Ngọc Ly có duyên thọ pháp với Hòa Thượng tọa chủ Thường Chiếu, từ đó có Pháp danh Thuần Tâm, được phép lìa chúng để ẩn cư nơi thanh vắng tu tập. Sư cô Thuần Tâm cùng với bào đệ Thuần Quý trông nom nhà trẻ khi phòng dạy may không còn hoạt động.
Nhà trẻ Từ Tâm có mặt từ đấy, được sự yềm trợ của chương trình “Hiểu và Thương” hơn bốn năm qua. Việt Ly trở thành người thân trong gia đình của sư cô Thuần Tâm, và cơ sở nuôi dạy trẻ cũng trở thành nhà mở cho bất cứ ai đến đi tùy thích. Tuy tàn nhưng không phế, sư cô Thuần Tâm hoạt động nhà trẻ như hoạt động tu tập thường nhật, một cách tinh chuyên và có trách nhiệm. Nơi đây, cũng đã nuôi dưỡng cu Bờm cho đến khi Việt Ly nhận làm con nuôi bảo lãnh ra nước ngoài; nghỉ hè, cu Bờm được mẹ cho về Việt Nam để làm từ thiện với mẹ; tuy còn rất nhỏ, Bờm đã thể hiện lòng từ đối với mọi sinh vật, Bờm tự nguyện ăn chay giống Bố mẹ.
Trên 10 năm, khắp những nẻo đường đất nước, Việt Ly được sự đồng ý của phu quân, tự nguyện đích thân đến với những mảnh đời cơ cực từ thôn xa rừng vắng. Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, cho đến Cà Mau, Bạc Liêu… nơi nào cũng có bước chân một thân một bóng của Việt Ly mang từng phần quà trực tiếp đến với dân nghèo. Xây trường, đóng giếng, có những năm Việt Ly làm được 20 công trình như thế.
Năm nay, có cả chị Liên Hoa từ Hoa Kỳ về cùng tham gia ra tận núi rừng Tây Bắc. Việt Ly mang từng chiếc bong bóng, từng món đồ chơi và hàng chục ký bánh kẹo từ Nhật về cho các cháu nơi rừng núi quanh năm mây phủ. Núi rừng Tây Bắc giao thông khó khăn, bên vực thẳm, bên vách núi, con đường đủ một chiếc xe hai bánh trơn trượt sỏi đá, thế mà hai mẹ con Việt Ly và chị Liên Hoa bám gót xe ôm vào tận bản làng thượng du.
Không ai có thể tin rằng Việt Ly là vợ của một sĩ quan quân y trong quân đội một cường quốc, có thể chịu cam khổ để đến với đồng bào thiếu thốn, nghèo khổ nơi xa xôi. Hôm qua ở miền Bắc thì hôm sau đã có mặt tại Cà Mau. Trong đợt về lần nầy, chị Liên Hoa và Việt Ly đã dạy nghề, bán trang sức pha lê để giúp cho hội người tàn tật do chị Thủy Tiên và chị Hồng Yến cai quản. Sau đó, hai chị lại xuống miền Tây để khánh thành cầu cống và lập dự án cho chương trình sắp tới.
Ba giờ sáng Việt Ly về lại Sài Gòn để đi Định Quán, cô ta gà ngủ gật vỉa hè chờ đợi nhà ở tạm mở cửa lúc 7 giờ sáng. Do vất vả, thiếu ngủ và ăn uống thất thường, Việt Ly phờ phạc trông thấy, thế nhưng, Việt Ly cảm thấy vui và đủ sức vượt qua khi mình đem lại niềm vui cho kẻ khác. Trông trẻ con vùng cao không có áo quần mà vẫn tỏ ra vui sướng khi nhận những đồ chơi và bánh kẹo, đó là nguồn an ủi và phần thưởng xứng đáng bù đắp cho nỗi vất vả của Việt Ly.
Ít có ai chịu khó tay xách nách mang lỉnh kỉnh vật dụng từ cái chén đôi đũa cho đến những gì mang được cứ mang về cho đồng bào mình; Lo cho người là thế, nhưng bản thân mình, cô ta rất ư dè sẻn khi tiêu xài. Hai vợ chồng đều trường trai, đều có tâm nguyện xả kỷ hy sinh cho đồng bào. Hàng chục năm gắn bó với từ thiện, Việt Ly đủ uy tín để những tấm lòng Bồ Tát nơi hải ngoại gửi tấm lòng chung tay làm phước. Người Việt không những đóng góp cho dân nghèo tại quê mình, không thiếu những Phật tử từng làm thiện nguyện trong các bệnh viện, nhà dưỡng lão…nơi đất khách, họ là những bác sĩ, kỹ sư, giáo chức…đó là tâm hồn Bồ-tát đã được thấm nhuần đạo lý nhà Phật.
Rất nhiều đoàn từ thiện đem cơm gạo cho người nghèo chỉ giải quyết vài ngày đói, là hạt muối bỏ biển hoài công, thì chương trình “Hiểu và Thương” như Việt Ly đem lại lợi ích lâu dài cụ thể để con em có trường học, người dân có nước sạch sử dụng, có cầu đường để đi và có công ăn việc làm ổn định. Những công hạnh Bồ-tát cộng thêm trí tuệ sẽ đem lại lợi ích dài lâu khi mà dân mình còn khó khăn mọi mặt chứ không chỉ áo mặc cơm ăn.
Còn rất nhiều công hạnh Bồ tát âm thầm đóng góp vật chất, nhưng còn một góc độ khác, đó là nền tảng đạo đức đang thiếu hụt trầm trọng vì thế mà tệ nạn xã hội ngày càng phát triển đa dạng; Trách nhiệm nầy là của tôn giáo, không chỉ truyền giảng nơi cơ sở tín ngưỡng mà còn phải đi sâu vào tầng lớp xã hội để cỏ hoang giảm bớt lan tràn. Chương trình giáo dục đào tạo của nhà nước hiện nay không đủ vực dậy nền tảng đạo đức cha ông để lại. Hậu quả xáo trộn ngày nay do nhiều thế hệ không được giáo dục đạo đức tín ngưỡng.
Ai đó song hành hoạt động xả kỷ như Việt Ly và các anh chị khác trong và ngoài nước hiện nay, trong mảng giáo dục đạo đức xã hội tự nguyện thì hy vọng tương lai không xa, xã hội ta có tôn ti trật tự hơn, biết tôn kính lẫn nhau hơn.
Người dân còn đói khổ thì những tấm lòng Bồ Tát vẫn còn hành hiệp, bởi vậy, Đức Địa Tạng Vương đã nói: “ Ta không vào địa ngục thì ai vào? Chừng nào địa ngục không còn một chúng sanh thì lúc đó ta mới thành Phật”.
Minh Mẫn (28/6/2012)