đậu tương đen hữu cơ

Văn hóa - Dân tộc - Lịch sử

11:19 15/07/2011

"Đường lưỡi bò" phi lý: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn sau 1991

Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong giai đoạn này không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia có lợi ích trong khu vực quan ngại.
Sau khi bình thường hoá quan hệ giữa hai nước tháng 11-1991, trong khi Việt Nam luôn kiên trì các giải pháp thương lượng hòa bình thì phía Trung Quốc vẫn đơn phương tiếp tục ra tuyên bố và trên thực tế có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong giai đoạn này không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn góp phần gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh hàng hải trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia có lợi ích trong khu vực quan ngại.
 

Các vùng biển quốc gia của Việt Nam
theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982
 
 
Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa


Ngày 25-2-1992, Trung Quốc công bố "Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp”, quy định lãnh hải Trung Quốc rộng 12 hải lý áp dụng cho cả 4 quần đảo ở Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Sau đó, Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với Công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép Công ty này thăm dò khai thác dầu khí một lô trong khu vực mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21 cách đảo Hải Nam hơn 600 dặm về phía nam, nằm trên thềm lục địa phía tây nam quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về sự việc trên đồng thời khẳng định khu vực này nằm trong trong thềm lục địa Việt Nam (bãi Tư Chính) và yêu cầu phải ngừng ngay lập tức các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc tại đây. Ngày 22-7-1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không làm căng thẳng tình hình, khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) để làm cơ sở xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cũng trong tháng 7-1992, Việt Nam tham gia TAC.


Để củng cố các cơ sở pháp lý quốc tế về lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và yêu cầu các nước khác tộn trọng các quyền nói trên của Việt Nam, ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN Việt Nam) đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Bằng sự phê chuẩn này của Quốc hội, Việt Nam đã chính thức hoá cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công ước 1982, phạm vi vùng biển của nước ta được mở rộng ra một cách đáng kể lên đến gần một triệu ki lô mét vuông với 5 vùng biển có phạm vi và chế độ pháp lý khác nhau.


Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, mở ra một kỷ nguyên mới trong đó tất cả các nước trong khu vực đoàn kết với nhau dưới một mái nhà chung, hợp tác để mỗi nước phát triển và cả khu vực cùng phát triển. Tuy nhiên, diễn biến sau đó ở Biển Đông tiếp tục xấu đi. Năm 1996 xảy ra cuộc đụng độ giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu chiến Philippines ở gần khu vực quần đảo Trường Sa. Hải quân Philippines đã bắt giữ tàu cá và tàu nghiên cứu hải dương Trung Quốc, bắn súng cảnh cáo và hạ cột mốc lãnh thổ do Trung Quốc dựng lên. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 29 (Jakarta, 20, 21-7-1996) ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên Biển Đông và nhấn mạnh những diễn biến đó đòi hỏi có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông để duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (Hà Nội, 15, 16-12-1998), lãnh đạo các thành viên ASEAN nhất trí xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
 

Canh giữ sự bình yên cho vùng biển quần đảo Trường Sa Việt Nam


Trong khi đó, kể từ tháng 6-1999, Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên trong thời gian 3 tháng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nhưng, các lực lượng ngư chính, hải giám của Trung Quốc bắt đầu gia tăng việc bắt bớ, tịch thu phương tiện, tàu thuyền và đối xử vô nhân đạo với hàng loạt ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bắt bớ, đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam hành nghề trong khu vực vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.


Ngày 4-11-2002, ASEAN và Trung Quốc đi tới thỏa thuận sau nhiều năm đàm phán và chính thức cùng nhau ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ cuộc họp cấp cao ASEAN tại Campuchia. Các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế; cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982; các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.

 

Nhà giàn DK1 những cột mốc chủ quyền trên Biển Đông
thuộc thềm lục địa phía Nam của Việt Nam


Ngày 6-5-2009, Việt Nam và Malaysia nộp bản báo cáo chung đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS). Ngày 7-5-2009, Việt Nam nộp báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc lên CLCS. Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng Thư ký LHQ phản đối trong đó có đính kèm "đường lưỡi bò” bao chiếm 80% diện tích Biển Đông gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối công hàm có "đường lưỡi bò” phi lý này của Trung Quốc và tuyên bố khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.


Ngày 26-6-2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 21-6-2009, Trung Quốc đã bắt 3 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khi đang hành nghề đánh cá bình thường trong khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 22-6-2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay các ngư dân và các tàu cá nói trên. Tuy nhiên, các hành động bắt bớ tàu cá Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam vẫn tiếp diễn, Trung Quốc ngày càng thực hiện với cường độ gia tăng hơn trong thời gian tiếp sau đó.

 

Hải đăng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam


Trung Quốc gia tăng gây hấn xâm phạm thềm lục địa của Việt Nam


Cao điểm của sự gia tăng gây hấn trong vùng biển Việt Nam của phía Trung Quốc là sự kiện xảy ra vào ngày 26-5-2011, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt đứt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chỉ 116 hải lý. Ngày 27-5-2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đồng thời bồi thường thiệt hại cho Việt Nam.


Tối 28-5-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du ngang nhiên cho rằng vùng biển chủ quyền Việt Nam mà tàu Bình Minh 02 đang thả cáp thăm dò dầu khí là vùng biển thuộc "chủ quyền Trung Quốc”. Ngày 31-5-2011, tàu Viking 2 đang thăm dò dầu khí trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc phá rối. Chiều cùng ngày, một ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tài sản trên vùng biển Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Ngày 2-6-2011, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuyên bố sẽ đệ trình thư lên Liên Hợp Quốc phản đối việc hàng loạt tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển nước này. Chiều 3-6-2011, khi gặp gỡ Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bên lề Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cam kết "duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. Ngày 4-6-2011, Bộ Ngoại giao Philippines ra Thông báo khẳng định: "Hành vi của tàu Trung Quốc xâm phạm hòa bình và ổn định khu vực, vi phạm nghiêm trọng DOC”. Ngày 9-6-2011, tàu cá Trung Quốc có sự hỗ trợ của tàu ngư chính đã phá cáp của tàu Viking 2.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, hiện thực hóa yêu sách 9 đoạn "đường lưỡi bò”, điều này đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được. Ngay chiều 9-6-2011, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của phía Việt Nam. Đáng nói là dồn dập các sự việc gây hấn, phá rối của Trung Quốc diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn. Bình luận về việc cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại ngang ngược nói rằng đó là việc làm "bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc thẩm quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Thậm chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu Việt Nam "tránh tạo ra những sự cố mới”.
 

Tàu Bình Minh 2 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam
 bị tàu Trung Quốc cắt cáp trong
vùng biển chủ quyền Việt Nam ngày 26-5-2011


Đến thăm quân dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ngày 7-6-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: "Chúng ta mong muốn các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định nhưng chúng ta cũng quyết tâm làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển đảo của đất nước. Biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc như ngày nay. Vì vậy, chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Tiếp đó, trong bài phát biểu quan trọng tối 8-6-2011 tại Nha Trang (Khánh Hoà), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: "Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đồng thời, ông khẳng định: "Nhân dân Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.


Nhóm PV Biển Đông/daidoanket.vn

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp