Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương - huyện Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 30km. Theo dòng thời gian, Chùa đã trải qua các tên gọi khác nhau: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.
Có câu thơ lưu truyền dân gian:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu
Theo ghi chép trong sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ, tiêu biểu là Khâu Đà La, đã tới Dâu – tức Luy Lâu tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa tháp được xây cất nguy nga bên cạnh thành quách, đền đài, cung điện, lầu gác, phố chợ sầm uất của đô thị Luy Lâu, trong đó chùa Dâu là trung tâm trong hệ thống các chùa thờ Phật và thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu trở thành trung tâm của Thiền phái Tì ni đa lưu chi – Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Tại thôn Đông Cốc - xã Hà Mãn - huyện Thuận Thành- Bắc Ninh xưa kia có ngôi chùa Thành Đạo thường gọi là chùa Đậu, chùa thờ Phật Pháp Vũ (Bà Đậu) là một trong Tứ pháp của hội Dâu. Chùa nằm ở đất xóm Cầu thôn Đông Cốc. Năm 1948 do đất nước có chiến tranh, giặc Pháp đem quân về đóng bốt tại Chùa, lúc đó nhân dân trong làng phải rước tượng Pháp Vũ sơ tán sang gửi thờ nhờ ở chùa Dâu.
Cuối năm 1951 bốt giặc bị quân ta đánh tan, ngôi Chùa cũng bị phá hủy hoàn toàn… Sau đó khu đất được Nhà nước sử dụng xây kho chứa lương thực…Năm 1968 do yêu cầu của cơ chế sản xuất mới, Nhà nước cắt gần hai chục mẫu ruộng của thôn Đông Cốc cho xã Thanh Khương, trong đó có cả đất chùa Đậu
Ông Nguyễn Văn Đàm chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hà Mãn đang kể cho chúng tôi nghe sự tích về ngôi Chùa thờ Pháp Vũ
Sau khi đất nước hòa bình, các phong trào văn hóa văn nghệ được khôi phục,các Đình, Chùa được tái thiết lại…Với nhũng giá trị về mặt tâm linh, ngôi Thành Đạo Tự đã được xây dựng vào năm 1997 ngay cạnh khu di tích Đình làng Đông Cốc.
Thành Đạo Tự ngày nay
Bên cạnh là ngôi Đình làng cổ kính
Khi có ngôi thờ tự mới, dân làng thôn Đông Cốc muốn rước tượng Pháp Vũ về Thành Đạo tự để thờ. Được sự đồng ý ủng hộ của Sư Trụ Trì chùa Dâu, dân làng 3 xã có Hội Tổng (Xã Thanh Khương, xã Hà Mãn, xã Trí Quả) đồng ý rước tượng Pháp Vũ về thờ. Nhưng sau khi dân làng thôn Đông Cốc gửi đơn đi xin rước tượng Pháp Vũ về thì từ năm 1997 đến nay đã 15 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Pháp Vũ thờ tại chùa Dâu
Trong Hồ sơ gửi tới các cấp chính quyền Huyện Thuận Thành, có đầy đủ đạo sắc phong cho Phật Pháp Vũ và Thần Thành Hoàng (trong đó có 3 đạo sắc phong chung với thần Thành Hoàng vào các năm Tự Đức thứ 33 năm 1880, Đồng Khánh thứ 2 năm 1887, Duy Tân thứ 3 năm 1909) thuộc xã Đông Cốc- Huyện Siêu Loại - Phủ Thuận Thành -Tỉnh Bắc Ninh làm minh chứng lịch sử và căn cứ để dân đề bạt nguyện vọng tâm linh chính đáng của nhân dân nhưng chính quyền Huyện, Phòng Văn hóa huyện vẫn chưa có hướng giải quyết và có câu trả lời thỏa đáng về việc rước tượng Phật Pháp Vũ về thờ theo đúng sở nguyện của nhân dân trong xã, vì sao?
Đạo sắc phong Phật Pháp Vũ thuộc xã Đông Cốc- Huyện Siêu Loại - Phủ Thuận Thành -Tỉnh Bắc Ninh có công chứng của UBND xã Hà Mãn
Đời sống tâm linh của những người dân vùng quê nghèo rất cần được bảo tồn phát huy, hơn nữa nó đã có gốc tích cả ngàn đời nay. Được biết hàng năm có hàng nghìn người dân 3 xã cùng khách thập phương về câu Hội chùa Dâu, nhưng đã 15 năm nay nguyện vọng tâm linh đó vẫn chưa thành hiện thực. Câu trả lời xin dành cho chính quyền Huyện, Phòng Văn hóa thông tin huyện Thuận Thành - tỉnh Bắc Ninh.
Hoàng Anh Tuyển