Nhiều địa danh du lịch Ninh Bình đã được khách thập phương biết tới và tìm về. Vừa để “khoe” quê hương, vừa đi nghỉ, cuối tuần qua, tôi nhóm nhà báo về thăm Bái Đính (Ninh Bình).
Tuy nhiên thay vì đưa xe lên chùa chính, một nhân viên của “đội bảo vệ” lại dẫn chúng tôi tới cổng chùa cũ (chúng tôi biết đường tới chùa cũ nên không cần dẫn đường), nhưng cổng chùa đóng. Theo giải thích của người này, bây giờ không phải mùa lễ hội nên không mở cổng. Khoảng một chục người, từ bán “tiền vận may”, hương, tiền vàng, mũ nan, đĩa video, đến một vài cô tự giới thiệu là “hướng dẫn viên”, bám lấy chúng tôi. Một cô “hướng dẫn viên” chào giá dịch vụ 300.000 đồng và đưa chúng tôi tới một chiếc thang gỗ xộc xệch bắc qua tường để vào chùa.
|
Ăn xin dưới chân các vị La Hán.
|
Khi lên tới tam quan cổng chùa cũ bằng con đường khác, đám đông người bán hàng rong còn đeo bám chúng tôi ráo riết hơn. Dọc con đường lên chùa, tới đâu cũng gặp người bán hàng và ăn xin. Ở khu chùa mới, tình trạng này cũng không khá hơn. Tệ hơn nữa là khi ra cổng, nhân viên giữ xe kiên quyết đòi chúng tôi phải trả 150.000 đồng “đã thỏa thuận” cho dù họ không đưa được anh bạn đau chân của chúng tôi lên chùa chính. Chúng tôi không chấp nhận và ngay lập tức gần chục người quây lấy xe của chúng tôi, dùng đủ mọi ngôn từ tục tĩu và dọa nạt. Không muốn dây dưa, chúng tôi đành trả tiền để về.
Như nhiều khách thập phương khác, chúng tôi về Bái Đính không chỉ đơn thuần là du lịch, mà quan trọng hơn, muốn tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn nơi cửa Phật. Những gì xảy ra ở Bái Đính hôm 18.9 trái hẳn với những gì chúng tôi mong muốn. Nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục, e rằng sức hấp dẫn và sự tôn nghiêm của Bái Đính có thể bị xói mòn trước khi các công trình ở khu vực chùa lớn nhất Việt Nam này hoàn thiện.