Truyện Góp nhặt cát đá kể rằng: “Nhiều đệ tử đang theo học thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra ngoài dạo chơi cho thỏa thích.
Một hôm, Sengai đi xem xét các phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt đồng thời cũng khám phá ra một chiếc ghế cao mà anh ta dùng để leo qua tường. Sengai bèn dời chiếc ghế ra chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi người đệ tử rong chơi trở về, không hề biết Sengai đang đứng chỗ chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Nhận ra việc mình làm, anh ta vô cùng hoảng sợ.
Sengai nhỏ nhẹ bảo:
Sáng sớm trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm.
Từ đó, người đệ tử không bao giờ ra ngoài vào ban đêm nữa”.
Sengai Gibon-Tiên Nhai Nghĩa Phạm (1751-1837) là một thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế. Cơ phong của truyền thống thiền Lâm Tế xưa nay vốn có tiếng dữ dằn với phất trần, gậy, hèo và cả… đấm, đá nữa. Thiền sư Sengai cũng nổi tiếng nghiêm khắc trong việc trui rèn đệ tử. Vậy mà trong cái đêm đẹp trời đầy “may mắn” ấy của đệ tử, ngài lại quá đỗi từ bi.
Thì ra, sử dụng “cây gậy hay củ cà-rốt”, điều ấy không quan trọng. Chuyển hóa được lòng người, khiến người phạm lỗi hồi tâm, làm tròn bổn phận và lương tâm của người thầy, mới là điều quan trọng nhất. Một bậc thầy đúng nghĩa phải tìm ra các phương thuốc khác nhau để trị liệu những căn bệnh trầm kha của đệ tử, giúp họ nên người.
Trên đời, nan giải nhất là chuyện dạy người. Nuôi dưỡng và giáo dục họ nên người đã là điều khó, rèn luyện và mài giũa họ trở thành người giải thoát, một bậc thiền sư lại càng ngàn lần khó khăn hơn. Trong đời sống thiền môn, thân giáo của bậc thầy có sức chuyển hóa mạnh mẽ đối với đệ tử hơn khẩu giáo rất nhiều lần. Vì thầy có nói hay đến mấy nhưng trong việc làm lại bộc lộ ra vì cái “Tôi” quá nhiều thì những lời vàng của thầy cũng theo gió bay đi hoặc nếu có đọng lại chăng nữa thì cũng không tạo ra hiệu ứng trị liệu, đánh thức, làm lay động lòng người.
Có những bậc thầy hiếm khi dạy những điều cao siêu mà chỉ dạy đệ tử các việc nhỏ nhặt như thở, đi, ăn và ngủ; những vấn đề thầy đã và đang làm. Và chính những điều bình thường ấy đã làm cho người thầy thêm vĩ đại. Cũng như Sengai, hạ mình làm ghế cho đệ tử đạp lên đầu. Cú đạp tội lỗi, có một không hai ấy thực sự là cú sốc, chấn động tận cùng trong sâu thẳm của tâm thức, chuyển hóa và chấm dứt toàn bộ đam mê, phóng dật của đệ tử. Thử hỏi có bài pháp nào đem lại hiệu quả hơn?
Ngày nay, không ít những bậc thầy than phiền về đạo hạnh của đệ tử nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi lại mình đã làm được gì cho họ. Hãy đánh thức sự giác ngộ của học trò bằng những việc làm cụ thể sáng ngời tuệ giác và từ bi của chính mình chứ không phải là những lời nói suông. Không cần hạ mình làm ghế như Sengai, bởi chuyện đó không dễ làm. Các bậc thầy chỉ cần làm một pho tượng trong suốt như pha lê cho học trò chiêm ngưỡng, kính lễ. Hàng đệ tử ở mọi thời chỉ nguyện theo dấu chân xưa với niềm tin và tấm lòng hồn nhiên, trong sáng nhất.
Vấn đề là những thế hệ đi trước có tạo được những dấu chân ấn tượng, hằn sâu vào đá, in đậm vào mây, để thế hệ đi sau ngẩng cao đầu tiếp bước hay không?
Quảng Tánh