Dân tộc Việt, với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, với nỗi khổ đau của một dân tộc bị nô dịch bởi đế chế phương Bắc hùng mạnh, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên và hoan hỷ bởi Phật giáo là một tôn giáo từ bi và chủ trương bình đẳng vị tha.
Chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn thời điểm Phật giáo được chính thức truyền vào nước ta, nhưng có thể Phật Giáo đã đến với dân tộc Việt từ trước công nguyên; bởi nếu chưa được truyền vào từ trước thì đã không có cái tên “Bát Nàn” của một vị nữ tướng dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, và theo truyền thuyết, sau khi thất trận các vị tướng như Bát Nàn, Thiều Hoa đã chẳng thể trở về tu hành.
Dân tộc Việt, với cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, với nỗi khổ đau của một dân tộc bị nô dịch bởi đế chế phương Bắc hùng mạnh, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên và hoan hỷ bởi Phật giáo là một tôn giáo từ bi và chủ trương bình đẳng vị tha. Cư dân Việt đã tiếp nhận Phật giáo như tiếp nhận một tấm lòng tri âm bởi tôn giáo ấy dũng cảm nhận thức nguyên nhân nỗi khổ và có trí tuệ để tìm cách diệt khổ. Tôn giáo ấy cũng giúp cư dân Việt ngộ ra lẽ vô thường để xác tín rằng ách nô dịch kia không phải là vĩnh cửu, rằng tình thương, với sự đoàn kết cộng đồng, với sự nỗ lực của tự thân dân tộc, có ngày chúng ta sẽ giành lại quyền tự chủ, diệt được nỗi khổ bị nô dịch kia.
Vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử đã có vai trò quan trọng chung đúc nên một dân tộc quật cường, mặc dù rất hiền lành và không hề thiện chiến nhưng đã chiến thắng mọi kẻ xâm lược.
Trên địa bàn cư trú của người Việt, cơ tầng văn hóa Đông Nam Á đã kịp kết tinh trước khi quân xâm lược từ phương Bắc tràn vào. Sự kết tinh này có một phần đóng góp của Phật giáo. Chính vì cơ tầng văn hóa đã kết tinh nên dù sau thất bại của Hai Bà Trưng, nước ta bị ngàn năm Bắc thuộc nhưng không bị đồng hóa. Trong ngàn năm Bắc thuộc ấy, Phật giáo đã đồng hành và đã trở thành một nguồn nội lực của dân tộc, giúp dân tộc Việt có thêm sức đề kháng dã tâm đồng hóa của kẻ xâm lược. Sức đề kháng này lớn lắm. Chúng ta biết rằng, nền văn hóa Hán có năng lực đồng hóa rất mạnh, mạnh đến mức đồng hóa được cả những kẻ đến xâm lăng và áp bức thống trị dân tộc họ. Có điều, họ đồng hóa được kẻ đến áp bức họ nhưng không thể đồng hóa được dân tộc bị họ đến áp bức.
Không bị đồng hóa sau cả ngàn năm Bắc thuộc, điều ấy phải coi là một kỳ tích.
“Mẹ ta hoa Phật”, câu tục ngữ dân gian ấy cho thấy Phật giáo đã ngự trong tâm người Việt; Phật giáo đã ở trong lòng dân tộc. Giữa “tâm điền” này trụ vững một cây nêu với bóng áo cà sa khiến ác ma không thể bén mảng đến được.
Vậy nên, có thể nói: tuy là một tôn giáo ngoại lai nhưng Phật giáo đã sớm thấm vào hồn dân tộc, có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn nhân hậu và kiên cường của dân tộc Việt.
Khi Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân, ông đã gửi gắm niềm tin vào tâm hồn nhân hậu và kiên cường ấy. Lý Nam Đế là vị vua nhân từ, sùng mộ đạo Phật. Điều ấy được chứng minh bằng ngôi chùa “Khai quốc” dựng lên cùng với nước Vạn Xuân độc lập. “Khai quốc” (mở nước) là một ngôi chùa ! Nam đế Lý Bôn (cũng gọi là Lý Bí) lại đặt tên cho con trưởng là Lý Phật Tử ! Phật Tử ở ngôi 30 năm lại truyền ngôi cho con là Sư Lợi. Cái tên Sư Lợi này có gốc gác từ tên của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, một đại đệ tử của Đức Phật. Tinh thần mộ Phật đó của nhà Tiền Lý cho thấy Phật giáo đã thấm vào mạch nguồn dân tộc, góp phần làm nên sức mạnh chống xâm lược.
“Ở hiền gặp lành” là đạo lý của dân tộc Việt. Đạo lý ấy càng trở nên niềm tin bền bỉ khi được tiếp sức bởi thuyết “nghiệp báo” “luân hồi” của Phật giáo. Có thể những người dân Việt thuần phác thuở xa xưa chưa hiểu rõ những giáo lý cao siêu của Đạo Phật nhưng họ hiểu và tin vào cái lẽ giản dị “trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu” – gieo nhân nào gặt quả ấy, khiến một dân tộc vốn thiện lành càng dốc lòng hướng thiện; càng hướng thiện càng không thể chấp nhận kẻ bạo tàn. Đành rằng thuyết nghiệp báo luân hồi đôi khi cũng có tác dụng tiêu cực, khiến con người trở nên thụ động, ẩn nhẫn chờ đợi “nghiệp báo”; nhưng tác dụng này đối với người Việt không lớn, bởi nếu người Việt một lòng cam chịu thì đã chẳng có những cuộc nổi dậy giành quyền tự chủ. Hơn nữa người ta cũng hiểu rõ diệt ác cứu nước tức là hành thiện.
Một điều cũng thú vị là ngay dưới thời Lý Phật Tử trị vì (571-603), Tì Ni Đa Lưu Chi đã lập ra phái thiền Pháp Vân, phái Thiền tông thứ nhất ở nước ta. “Đạo không phân Nam Bắc”, Tì Ni Đa Lưu Chi là người Ấn Độ, vượt biển sang Trung Hoa cầu pháp ở đệ tam tổ Thiền tông là Tăng Xán, rồi lại về nước Vạn Xuân, trụ trì ở chùa Pháp Vân truyền bá Thiền tông cho người Việt; Pháp Hiền là người Việt đầu tiên nhận tâm ấn của Thiền tông. Vậy là, từ cuối thế kỷ thứ VI, Thiền tông đã bén rễ xanh cây trên đất Việt. Phật Giáo được ghi công “Khai quốc”, rồi quốc gia lại tạo cơ duyên cho Phật giáo phát triển. “Hỗ tương nhân quả” này cho ta hình dung rõ bước đồng hành của Phật Giáo cùng dân tộc Việt và rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Có một điều cũng đáng coi là “công án” của lịch sử, đó là: Phật giáo Trung Quốc cực thịnh dưới thời Đường (618-907) (tất nhiên là trước khi Đường Vũ Tông (841-846) “diệt pháp”) nhưng Đường lại là thời kỳ ách thống trị của bọn xâm lược đến từ Trung Quốc áp đặt lên đất Việt rất nặng nề. Cái tên An Nam được đặt ra dưới thời Đường còn ám ảnh dân tộc ta tận thời thuộc Pháp. “An Nam đô hộ phủ” do nhà Đường đặt ra cũng đè nặng lên tâm hồn Việt, đến nỗi từ “đô hộ” trở thành một động từ chỉ sự áp bức dân tộc (Chẳng hạn sách vở của ta vẫn nói “nước ta bị thực dân Pháp đô hộ”, hay “Ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ” . . . mặc dù Pháp và Anh không đặt ra cơ quan “đô hộ phủ”).
Thế mới biết không thể ảo tưởng gì ở quân xâm lược. Phật Giáo chẳng thể khiến kẻ xâm lược trở nên “từ bi”. Võ sĩ Nhật Bản cũng được học Thiền nhưng điều ấy chẳng ngăn họ trở thành phát xít. Mọi hành vi xâm lược đều đối lập với tinh thần Phật Giáo, một tôn giáo hòa bình. Asôka trở thành một trường hợp hiếm có trong lịch sử khi Phật tính tỉnh thức trong tâm hồn.
Con đường hoằng pháp chân chính là con đường hòa bình, nhân hậu, vị tha. Bởi vậy người Việt sẵn lòng tiếp nhận Vô Ngôn Thông dù ông từ Trung Quốc sang. Chúng ta vẫn bình tâm mà thừa nhận rằng Thiền tông Việt Nam được hình thành trên cơ sở tiếp nhận ảnh hưởng của Thiền tông Trung Quốc, đương nhiên đó là một sự tiếp nhận đầy tinh thần sáng tạo trên cơ tầng văn hóa Việt.
Chính với tinh thần này mà nhiều vị cao tăng kiên trì truyền lại thuyết “địa linh nhân kiệt”, tin tưởng vào một tương lai độc lập tự chủ của đất nước và trên đất nước độc lập tự chủ đó Phật Giáo được hưng long. Niềm tin ấy của các vị cao tăng cũng là niềm tin bền bỉ của dân tộc Việt. Dã tâm của vua Đường và những thủ đoạn nham hiểm của Cao Biền đã kích hoạt niềm tin bền bỉ ấy, khiến “rồng nằm” thức dậy, bay lên (Thăng Long).
Chúng tôi không có tri thức gì về phong thủy nên không dám lạm bàn, chỉ bằng vào cái lý “nhân quả” giản dị mà nhận thấy rằng: hẳn là những thủ đoạn “trấn yểm” của Cao Biền đã khiến người Việt thuở ấy càng tin chắc rằng nước Nam thực sự có khí tượng đế vương – bởi nếu không thì mắc chi Cao Biền phải nhọc công trấn yểm ? (Bàn tay “trấn yểm” ấy cũng là bàn tay đẫm máu nhân dân Trung Quốc, đến nỗi thi nhân Tào Tùng thời Vãn Đường đã phải phẫn nộ thốt lên: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” – Một tướng công thành vạn đống xương). Niềm tin sâu xa vào hồn thiêng dân tộc đã biến thành hành động, biến ước mơ thành hiện thực, làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938 (51 năm sau khi Cao Biền bị bộ tướng giết chết). Chiến thắng Bạch Đằng là mốc lịch sử vĩ đại, xác lập quyền tự chủ, quyền độc lập của Đại Việt.
Như vậy, có thể thấy, suốt ngàn năm Bắc thuộc Phật Giáo luôn đồng hành, đồng cam cộng khổ với dân tộc, “Khẳng định niềm tin nơi sức mạnh nhân từ”, góp phần tăng thêm nguồn nội năng của dân tộc để làm nên chiến thắng. Công lao của Phật Giáo đã từng được Lý Nam Đế khẳng định bằng ngôi chùa Mở nước (Khai quốc), sau khi đất nước giành được quyền độc lập (năm 938) lại càng phát huy “vô lượng quang minh” bởi các vị quốc sư mà người Việt luôn ghi nhớ công ơn: Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh . . .
Các vị quốc sư này đã cống hiến “vô lượng công đức” cho dân tộc, quốc gia. Lòng trung thành của họ không phải chỉ dành cho một dòng họ mà cho Tổ Quốc thân yêu bởi vậy các vị sẵn lòng làm quốc sư, gánh vác quốc sự trải các triều Đinh, Tiền Lê và Lý. Các vị chẳng những là người xác lập niềm tin, cố vấn chính trị (mà tiêu biểu là bài “Quốc tộ” của Pháp Thuận – xác định đường lối trị nước an dân), cố vấn quân sự . . . mà còn là những nhà ngoại giao, những thi nhân đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Văn học Phật giáo, nhất là thơ thiền, đã mở đầu nền văn học bác học của Đại Việt.
Tinh thần phá chấp ấy của các vị quốc sư (không phải trung thành với một dòng họ mà trung thành với Tổ Quốc, sẵn lòng làm bất cứ việc gì có ích cho dân tộc . . .) đã tạo nên một tấm gương sáng và tinh thần vì nước vì dân ấy đã được truyền lại cho đời sau, trở thành “tạng thức” trong nguồn “gen” của văn hóa dân tộc Việt. Tinh thần ấy khiến Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải xóa bỏ hiềm khích để đoàn kết chống quân Nguyên; khiến Nguyễn Trãi không theo cha con Hồ Quý Ly và Nguyễn Phi Khanh sang Trung Quốc mà trở về phò tá người anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi; khiến Trương Định, Phan Đình Phùng . . . dựng cờ chống Pháp, không theo mạng lệnh của triều đình nhà Nguyễn; khiến Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, khẳng định tinh thần “Trung với nước hiếu với dân”. Đã là “tạng thức” của dân tộc, tinh thần ấy đang ở trong chúng ta và chắc chắn sẽ được các thế hệ tương lai kế thừa. Đó chính là “Phật tính” trong lòng dân tộc.
Tinh thần phá chấp của các vị quốc sư trong thời Đinh, Tiền Lê và Lý còn được thể hiện ở sự cởi mở, sẵn lòng tiếp nhận tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác kể cả của văn hóa Trung Quốc mà chính Thiền tông với sự dung hợp Phật giáo đại thừa và tư tưởng Lão Trang là một trong những tinh hoa của tiếp biến văn hóa.
“Chiếu dời đô” do Lý Thái Tổ ban ra, nhưng để có “Chiếu dời đô” phải có chủ trương của Quốc sư Vạn Hạnh, được sự đồng tâm của triều thần, mà bản thân Lý Công Uẩn cũng là một Phật tử. Trong “Chiếu dời đô” ta thấy có tấm gương “Tam đại” được ghi lại trong kinh điển Nho gia; ta thấy có quan niệm phong thủy, sản phẩm của Đạo giáo. Vậy là, Phật tử Lý Công Uẩn đã tiếp thu chủ trương từ Quốc sư, noi gương “Tam đại”, vận dụng “kỹ thuật” phong thủy. Chẳng phải tìm đâu xa, ngay trong một văn bản “Chiếu dời đô” ta có thể thấy cả “Tam giáo đồng nguyên” và “Tam giáo đồng quy”, chữ “đồng” ấy là quốc gia, là dân tộc, là an lạc của con người – xuất phát từ lợi ích của dân tộc để đi đến mục đích là hạnh phúc của trăm họ trong dân tộc Việt này, niềm hạnh phúc giản dị “an cư lạc nghiệp”.
Sự dung hợp Nho, Phật, Đạo diễn ra đầu tiên là ở Trung Quốc. Nhưng ở Trung Quốc “Nho” chiếm vị trí chủ đạo, còn ở Việt Nam tam giáo được dung thông trên cơ tầng “Mẹ ta hoa Phật”, cơ tầng Đông Nam Á, luôn yêu thương mẹ Tổ Quốc.
Các vị vua đời Lý đều là Phật tử, hiển nhiên ở đời Lý Phật giáo là quốc giáo. Đất nước thái bình là cơ duyên cho Phật giáo hưng thịnh, “hỗ tương nhân quả” này là đương nhiên. Quốc gia được định đô ở Thăng Long, Thăng Long cũng trở thành thủ đô của Phật giáo ngàn năm.
Nhà Trần tiếp thu cơ nghiệp quốc gia từ nhà Lý. Đành rằng sự tiếp thu này phải trải qua thủ đoạn của Trần Thủ Độ nhưng nhờ cả bên truyền và bên nhận đều có Phật tâm nên ít gây đổ máu, có thể nói là một sự chuyển giao trong hòa bình, thậm chí trong “gia đình”.
Con người trưởng thành trong đau khổ. Trần Thái Tông là một con người như thế. Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông đều là diễn viên trong vở kịch “Thiện vị” (nhường ngôi) mà Trần Thủ Độ là đạo diễn. Rồi nữa lại phải phế hoàng hậu làm công chúa, lấy chị dâu làm hoàng hậu . . . Cả Chiêu Hoàng và Thái Tông đều đau khổ. Lý Chiêu Hoàng đành “nhẫn nhượng”, còn Trần Thái Tông sao nỡ “nhẫn tâm” ?
Chính nỗi đau khổ, thậm chí là cơn khủng hoảng tinh thần này đã đẩy Thái Tông đến quyết định quy y. Một lời của sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, (Phật) chỉ tồn tại trong tâm, tâm yên lặng mà thấu biết thì gọi là Phật chân thật; nay bệ hạ nếu ngộ được cái tâm ấy thì liền thành Phật ngay, khỏi khổ sở tìm ở bên ngoài tâm mình”(1) đã khiến Trần Thái Tông “đốn ngộ”, “hồi đầu thị ngạn”; “bỉ ngạn” không ở đâu xa mà ở tâm mình, khi một ông vua biết “lấy tâm thiên hạ làm tâm mình”. Trần Thái Tông đắc đạo từ trong đau khổ.
Chính nhờ đắc đạo từ trong đau khổ mà Trần Thái Tông kiên cường lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, diệt khổ cho dân tộc. Xưa kia Asoka giác ngộ Phật pháp mà bỏ ác làm thiện; Phật Hoàng Trần Thái Tông của Đại Việt cũng từ giác ngộ Phật pháp mà cùng dân tộc diệt ác cứu khổ, thực hiện điều mà đương thời chưa ai làm được – chiến thắng Hung nô !
Vị hoàng đế ấy đã nhẹ nhàng bỏ ngai vàng “như bỏ chiếc dép rách” để tĩnh tâm viết “Khóa hư lục”, hướng đạo cho đại chúng. Phật giáo không chỉ đồng hành cùng dân tộc mà đã ở trong lòng dân tộc, làm nên “hào khí Đông A”. Kế tiếp cha ông, các vị Phật Hoàng Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông lại hai lần lãnh đạo toàn dân chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, ghi vào lịch sử dân tộc những trang huy hoàng. Cũng Trần Nhân Tông chủ trương hòa hiếu với phương Nam. Cũng Trần Nhân Tông sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm, đưa Phật giáo Thiền tông Đại Việt lên đỉnh cao.
So sánh một chút, chúng ta có thể thấy rõ thêm tầm vĩ đại của triều Trần mà nguyên thủ là các Phật Hoàng. Trung Quốc đời Tống đã hoàn tất sự dung hợp ba dòng tư tưởng Nho Phật Đạo, trong đó Nho giáo là chủ đạo; nhưng nhà Tống đã lần lượt thất bại trước sự xâm lược của quân Kim rồi quân Mông Cổ, đến nỗi toàn lãnh thổ Trung Quốc bị Nguyên Mông thống trị. Nước Nam Chiếu (cũng gọi là Đại Lý) ở tây nam Trung Quốc là một quốc gia Phật giáo toàn tòng, nhiều vị vua của đất nước ấy cũng vào chùa tu hành sau khi truyền ngôi, nhưng Cốt Đãi Ngột Lang và tỳ tướng của y là Xích Tu Tư đã “quệ Nam Chiếu ư sổ tuần chi khoảnh” (đánh bại quân Nam Chiếu trong vài tuần) – “Hịch tướng sĩ”: Nam Chiếu đã bị nhập vào bản đồ đế quốc Nguyên Mông về sau trở thành tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy không phải ở đâu Phật giáo cũng phát huy được “đại hùng”, “đại lực”. Nhân và duyên có hội hợp thì kết quả mới tựu thành. Phật giáo thể nhập vào tâm hồn Đại Việt mà làm nên sức mạnh. Cả hoàng gia và triều thần nhà Trần đều mộ Phật, nhiều vị là cao tăng. Suốt hai triều Lý – Trần, kinh đô Thăng Long là không gian văn hóa Phật giáo.
Lại nữa, Trần Nhân Tông không chỉ là ông vua có võ công văn trị lẫy lừng, không chỉ là người khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm mà còn là một thi nhân lỗi lạc. Một cống hiến rất quan trọng của Trần Nhân Tông cho Phật giáo và cho dân tộc là bài phú “Cư trần lạc đạo”. Toàn bộ nội dung bài phú được khái quát trong bốn chữ nhan đề: Cư trần lạc đạo. Đây là một quan niệm cởi mở, phá chấp của Phật giáo Thiền học Việt Nam. Bản thân Trần Nhân Tông là một mẫu mực của “cư trần lạc đạo”. Ở Người, “cư trần” là làm hoàng đế, “lạc đạo” là làm sơ tổ của Thiền phái Trúc lâm – đều là “tùy duyên”.
Quan niệm “cư trần lạc đạo” đã mở rộng cửa Phật cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể “tùy duyên” mà “cư trần lạc đạo”. Là nông dân thì cứ “cư trần” với công việc nông tang, là thợ thì cứ “cư trần” bằng nghề của mình, là kẻ sĩ thì cứ “cư trần” với bút nghiên sách vở, là thầy giáo thì cứ “cư trần” với công việc dạy học, giáo dưỡng nhân tài; là quan lại thì “cư trần” lại là trung thành, mẫn cán, tận tụy vì ích nước lợi dân . . . Hãy làm tròn bổn phận “cư trần” thì cũng là “lạc đạo”. Hành xử thuận theo tự nhiên (tùy duyên), con người tự tìm thấy niềm an lạc.
Yếu chỉ của bài phú này được tổng kết trong bốn câu kệ bằng chữ Hán:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo vô tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.)
Đây là điều tâm đắc, tâm nguyện và tâm chứng của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhưng nó gần gũi đến mức mỗi chúng ta đều có thể tâm đắc và “tùy duyên” mà thực hiện.
Với quan niệm “Cư trần lạc đạo”, Trần Nhân Tông – Sơ tổ, đã trao truyền lại cho đại chúng đương thời và hậu thế một “pháp bảo” (bí quyết) để có được niềm an lạc trong cuộc sống: “Ở đời vui đạo”.
Gần gũi bình dị nhưng “Cư trần lạc đạo” cũng là một cảnh giới rất cao. Có hiểu đạo mới có thể “vui đạo”, có hiểu “duyên” mới có thể “tùy duyên” - ứng xử sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Ở trong nhà đã có của báu đừng lăng xăng tìm kiếm ở đâu xa. Hai chữ “gia trung” cũng bao hàm nhiều nghĩa; mở rộng ra là làng là nước, nhìn sâu vào lại là thân là tâm . . . Con người có sẵn trong mình, có sẵn bên mình bảo vật nhưng mấy ai nhận ra ? Người ta cứ “cưỡi trâu đi tìm trâu” chính là vì thế.
“Đối cảnh vô tâm” càng là điều cực khó. Chưa diệt được “tham sân si” sao có thể “đối cảnh vô tâm” ? Một khi đã đoạn trừ được vô minh và ái dục, đoạn trừ được “nghiệp” để có thể “đối cảnh vô tâm” (không bị ngoại vật chi phối) tức là đã giác ngộ, đã đạt được cảnh giới thiền, sống với thiền, thiền rồi, cần chi phải hỏi “thiền” nữa. Như vậy, theo ý nghĩa cao siêu thì “Cư trần lạc đạo” là cực cao, cực khó, xem ra chỉ có sơ tổ mới “chứng” được; mà hiểu theo nghĩa giản dị thì mỗi cá nhân bình thường đều có thể thực hiện trong cuộc sống đời thường.
Từ trên đỉnh cao Yên Tử, Người đã phổ độ cho đại chúng một nhân sinh quan vừa cao cả vừa bình dị. Cống hiến này thực sự là “vô lượng công đức”.
Nhưng, qua bài “kệ” này, có thể mơ hồ cảm thấy – hình như đứng ở đỉnh cao, Sơ tổ đã phảng phất dự cảm rằng đạo pháp sắp bước tới hồi suy thoái nên Người trao truyền bảo pháp này cho chúng nhân để có thể “tùy duyên” mà “vui đạo” khi ở trong trần thế ta bà.
Phật giáo đã có công phát hiện ra quy luật “vô thường”. Quy luật này cùng bản chất với quy luật “biến dịch” trong “Dịch kinh” . . ., với nguyên lý vận động trong phép biện chứng duy vật. Lẽ đương nhiên Phật giáo cũng không ở ngoài quy luật vô thường đó. Dẫu rất trân trọng Phật giáo chúng ta cũng không thể không thừa nhận rằng đến cuối đời Trần, tức giữa thế kỷ XIV, Phật giáo bắt đầu suy thoái. Bước suy thoái này do nhiều nguyên nhân đưa lại.
Một cách tổng quát thì nguyên nhân đó là hiện tướng của lẽ vô thường, biến dịch, vận động . . . mà Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã mơ hồ dự cảm từ trên đỉnh cao Yên Tử. “Cực tắc phản” (“Kinh dịch”), đó là “lý chi thường nhiên”. Còn những “nhân, duyên” cụ thể thì thật nhiều. Những ông vua cuối đời Trần, người thì phóng túng buông lung như Trần Dụ Tông, người thì nhu nhược như Trần Nghệ Tông, người thì bất lực như Trần Phế Đế, người thì bù nhìn như Trần Thuận Tông . . .
Cho nên cái việc Hồ Quý Ly “sang tay” cơ nghiệp từ đứa cháu ngoại ấu thơ Trần Thiếu Đế hẳn cũng là điều đương nhiên, khiến người đời đôi khi cũng so sánh Hồ Quý Ly với Trần Thủ Độ coi như “hoàn kết” một chu kỳ nhân quả.
Nhà Trần, chỗ dựa về “thế quyền” của Phật giáo suy vi thì sự suy thoái của Phật giáo là điều đương nhiên, theo cái lẽ “hỗ tương nhân quả”. Đó là cái “nhân” bên trong. Còn cơ duyên thì lại có phần thuộc về sự dần hưng thịnh của Nho Giáo. Nhà nước phong kiến Đại Việt coi trọng Nho giáo cũng là đương nhiên vì Nho giáo rành khoa tổ chức thế quyền, Nho giáo là một học thuyết chính trị - luân lý.
Ở đời Lý, sự dung thông “tam giáo” trên cơ tầng “Mẹ ta hoa Phật”, Đạo và Nho được các vị quốc sư và quốc vương vận dụng như những phương tiện. Trải qua những thủ đoạn chính trị của Trần Thủ Độ, nhà Trần được lập. Các vị vua đầu đời Trần, đắc đạo từ trong đau khổ, đã kế thừa được “tạng thức” của dân tộc, đoàn kết được toàn dân, phát huy được “đại hùng đại lực” để chiến thăng quân xâm lược Nguyên – Mông đồng thời cũng đưa Phật giáo lên tới đỉnh cao.
Nhưng mặt trời đâu có thể đứng bóng mãi được. Nối ngôi Phật Hoàng Trần Nhân Tông là Trần Anh Tông, lúc mới làm vua đã “hay uống rượu, nhiều đêm lén ra ngoài đi chơi”. Để củng cố địa vị của mình, nhà vua đã không thể không cậy vào nhà Nho Đoàn Nhữ Hài. Nhà Nho từ địa vị “môn khách” (như Trương Hán Siêu) đã dần dần trở thành “ngự sử” (một kiểu cố vấn) . . .
Đến Hồ Quý Ly thì có thể nói Nho giáo đã chiếm thế thượng phong. Trần Thuận Tông, con rể của Hồ Quý Ly, lại đi tu nhưng làm sao có thể “đắc đạo” được nữa, coi như là “con vua thất thế lại ra quét chùa”. Có thể Hồ Quý Ly cũng muốn thi hành “nhân chính” theo gương Nghiêu Thuấn mà Nho gia coi là mẫu mực nhưng không được lòng dân vì lòng dân ít nhiều vẫn luyến tiếc nhà Trần nên Quý Ly phải sử dụng những thủ đoạn kiểu Pháp gia.
Ở đất nước “phép vua thua lệ làng” này thì “chính sự phiền hà” chỉ có thể khiến “lòng dân oán hận” (Bình Ngô đại cáo). Mà mất lòng dân đồng nghĩa với thất bại. Xây thành Tây đô coi như nhà Hồ đã thừa nhận thất bại bởi vì ở đất nước này thành trì vững chắc là lòng dân. Hồ Quý Ly bại trận. Đất nước sau hơn 400 năm độc lập lại rơi vào tay quân xâm lược, bị sự áp bức tàn khốc của nhà Minh – “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô đại cáo). Quy tụ về dưới ngọn cờ khởi nghĩa “trừ bạo” của người anh hùng Lê Lợi có nhiều người xuất thân Nho học mà tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Tư tưởng chủ đạo của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đương nhiên là đặt trên cơ sở tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của toàn dân nhưng cũng phải thừa nhận rằng có sự góp phần tích cực của tư tưởng Nho giáo.
Tư tưởng này được thể hiện rõ trong thơ văn Nguyễn Trãi, cả trong “Quân trung từ mệnh”, trong “Bình Ngô đại cáo”, trong thơ chữ Hán và chữ Nôm. Hơn nữa, nó không chỉ trong thơ văn Nguyễn Trãi mà trong ý thức con người thời đại ấy. Ở các thế kỷ XIV XV XVI không thấy xuất hiện vị cao tăng nào có tầm cỡ như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh . . ., không còn xuất hiện những ông vua Phật tử, Phật hoàng. Phải thừa nhận rằng đó là suy thoái tự nhiên của bản thân Phật giáo chứ không phải hoàn toàn do áp lực của Nho giáo. Ở ba thế kỷ này nổi bật là các vị cao Nho lỗi lạc như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lê Thánh Tông, vị hoàng đế Nho học, đã đưa nhà nước phong kiến Đại Việt lên đỉnh cao. Tinh thần “Bi, Trí, Dũng” của Phật giáo đã góp phần tích cực vào sức mạnh của dân tộc ở các thế kỷ X XI XII XIII. Trong sức mạnh của Đại Việt ở các thế kỷ XIV XV XVI, đặc biệt là ở thế kỷ XV, cũng có sự góp phần tích cực từ tinh thần “Nhân, Trí, Dũng” của nhà Nho. Nguyễn Trãi đã ghi nhận điều này một cách thuyết phục:
“Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược,
Có nhân, có trí, có anh hùng”.
(Bảo kính cảnh giới – 5)
Lịch sử đôi khi có sự “lặp lại” kỳ lạ và vi diệu. Trần Nhân Tông đã đưa nhà Trần và Phật giáo lên tới đỉnh cao; kế vị ông là Trần Anh Tông lại bắt đầu trọng dụng nhà Nho. Lê Thánh Tông đã đưa nhà Lê lên đỉnh cao và tư tưởng Nho giáo lên địa vị “quốc giáo”; kế vị Thánh Tông là Hiến Tông (1497-1504) “lại có hướng trở về với đạo Phật”. Lại không ra ngoài quy luật “biến dịch vô thường”, “cực tắc phản”.
Nhưng đến thế kỷ XVI cả “tam giáo” đều suy, đến nỗi Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà Nho tinh thông lý học Trình Chu và am hiểu cả tượng số học của Đạo giáo, đã phải ngao ngán thốt lên:
“Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng,
Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền”
Đồng tiền, sứ giả của tâm lý thị dân,ranh mãnh len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội. Không thể phủ nhận đồng tiền. Cái gì có giá trị thì có sức mạnh. Đồng tiền là “kết tinh giá trị sức lao động”, vậy nên sức mạnh của nó lớn lắm. Có điều, khi người ta biến phương tiện thành mục đích thì sức mạnh làm băng hoại “nhân tâm thế đạo” của đồng tiền thật ghê gớm. Trong khi đó nhiều (mặc dù không phải là tất cả) nhà sư và nhà Nho lại biến mục đích giáo lý thành phương tiện. Bởi vậy vua, chúa và những “quân tử dùng dằng”, những “ông sư” “bà vãi” “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” trở thành đối tượng đả kích của văn học, nhất là văn học dân gian, ở các thế kỷ XVIII XIX cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
“Tam giáo”, qua một thời hưng thịnh, dù nhà Nguyễn có chủ trương “cư Nho mộ Phật” thì cũng không ngăn được đà suy vi, đến mức người ta
“Lạy trời lạy Phật lạy vua
Cho tôi sức khỏe tôi xua con ruồi”.
Nhưng đám “ngụy quân tử”, “ác tăng” không thể hủy diệt được giá trị nhân văn chân chính trong tư tưởng Nho gia và Phật giáo. Lại chính nhân dân và những người đại biểu chân chính của mình đã gìn giữ, lưu truyền và khẳng định những giá trị chân thiện mỹ đó. Tinh thần nhân đạo trong văn học giai đoạn cổ điển, tức là giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, mang đậm tư tưởng Phật giáo, cả Thiền tông và Tịnh Độ tông. Tư tưởng Thiền tông chủ yếu được thể hiện trong văn học chữ Hán còn tư tưởng Tịnh Độ tông chủ yếu được thể hiện trong văn học chữ Nôm mà tiêu biểu nhất là trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, trong “Văn chiêu hồn” và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Trong “Truyện Kiều”, Phật giáo vẫn “thả một bè lau” cứu người qua biển khổ. Trong “Văn chiêu hồn”, Phật giáo vẫn “phóng hào quang cứu khổ độ u”. Trong kiếp nạn con người Việt Nam vẫn tin tưởng:
“Ai ai lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”.
bởi tin tưởng ở:
“Phật hữu tình từ bi phổ độ”
(Văn chiêu hồn)
Đau đớn lòng trước những điều trông thấy, Nguyễn Du, thi hào vĩ đại của dân tộc ta, vẫn quả quyết khẳng định:
“Thiện căn ở tại lòng ta”.
Như vậy, trong đau thương, Phật giáo vẫn ở trong lòng dân tộc. Cái “thiện căn” ấy tiếp thêm sức mạnh cho con người diệt ác, tiêu diệt bọn ác ma dù chúng đến từ phương nào, diệt cả những “ác nghiệt” dấy lên từ nội tâm.
Với tinh thần diệt ác cứu khổ ấy, ở thế kỷ XX nhiều tăng ni, Phật tử đã dấn thân, tham gia vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc bằng những phương tiện của mình. Trong Lịch sử việt Nam, trong lòng dân tộc Việt Nam mãi mãi sáng ngời ngọn lửa cháy lên từ pháp thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức và các nhà sư Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Diệu Quang, Tiêu Diêu. Đại hùng đại lực của ngọn lửa từ bi đã chấn động lương tâm nhân loại ngay giữa lòng thế kỷ XX. Ngọn lửa từ bi ấy đã góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để Thăng Long – Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.
Tôi có đứa cháu sang Trung Quốc học ngành y. Có một lần cháu kể với tôi rằng:
- Cháu đi tàu gặp mấy người Trung Quốc đi du lịch Việt Nam. Họ hỏi cháu: “Có phải lịch sử nước cô viết rằng Việt Nam đã đánh thắng Trung Quốc không?”
- Cháu trả lời sao ?
- Cháu nói: “Cũng có lúc chúng tôi thất bại, nhưng 1000 năm qua chúng tôi luôn thắng !” Họ nói với nhau: “Chắc cô này trước khi sang Trung Quốc đã được chuẩn bị trước để trả lời”.
Thấy tôi trầm ngâm, cháu hỏi:
- Cháu trả lời như thế có được không ?
Tôi nhẹ nhàng nói:
- Nếu sau này có ai hỏi cháu như vậy, cháu nên trả lời rằng: Việt Nam chưa bao giờ đánh Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam chỉ đánh bọn xâm lược đến từ Trung Quốc mà thôi. Lịch sử Việt Nam cho chúng tôi biết dân tộc Việt Nam đã chiến thắng kẻ xâm lược bất kỳ họ đến từ đâu.
Như vậy là thỏa đáng. Việt Nam chưa từng đánh Trung Quốc, chưa từng đánh nước Pháp, nước Nhật, nước Mỹ. Việt Nam chỉ đánh kẻ xâm lược mà thôi. Chính vì vậy mà chị Raymôngđiêng đã lấy thân mình chặn đoàn xe chở vũ khí sang Đông Dương, anh Môrixơn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với tinh thần yêu nước, dân tộc Việt Nam đã có sức mạnh để làm nên chiến thắng.
Trong nguồn lực sức mạnh ấy có phần đóng góp của Phật giáo Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam chưa từng đánh một quốc gia, một nền văn hóa nào; cho nên chúng ta hoàn toàn bình tâm và hoan hỷ tiếp nhận tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới và cải biến, Việt Nam hóa, cho phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của đất nước mình. Trong đó, văn hóa Phật giáo, một tôn giáo từ bi, nhân ái, hòa bình đã đến với dân tộc Việt ngay từ buổi bình minh của lịch sử.
Dẫu trải qua những thăng trầm trong dòng lịch sử vô thường nhưng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, cả trong hoạn nạn và trong vinh quang. Trong lòng thủ đô Thăng Long – Hà Nội còn mãi ngôi chùa Khai Quốc – Trấn Quốc (Mở nước – Giữ nước), còn mãi ngôi chùa Diên Hựu (kéo dài sự phù trợ). Đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Đất nước đang đứng trước vận hội mới, Phật giáo được tôn trọng và chấn hưng. Người Việt Nam có thể và nên nhớ lời nhắn gửi của Trần Nhân Tông – Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, để dẫu “cư trần” vẫn “lạc đạo” – cái đạo của dân tộc này : nhân ái, vị tha, yêu nước, yêu hòa bình.
Phật giáo Việt Nam, bằng phương tiện của mình, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc đi tới tương lai.
Nguyễn Thị Bích Hải
(1) Chuyển dẫn từ “Thiền học Trần Thái Tông” (Nguyễn Đăng Thục – NXB Văn hóa Thông tin 1996) trang 63