đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo - Thời đại

11:55 15/06/2011

45 năm trước, hàng ngàn Phật tử Huế thoát chết nhờ một người lính truyền tin của quân đội Sài Gòn

(TG&DT) - Hơn 45 năm nay giữ kín tập công điện của chế độ cũ nầy trước sự theo dõi của bên kia và cả bên nầy. Nhiều lần tưởng mất rồi. Nay được trao cho nhà sử học, tôi thấy nhẹ người. Bây giờ có phải về với ông bà tôi cũng yên tâm

Suốt thời gian tham gia các phong trào đấu tranh ở đô thị Huế (từ 1963 đến 1966) tôi ở trọ tại 9/7 Nguyễn Công Trứ, Huế, và thường liên lạc trao đổi tài liệu hay tâm sự với một người tu tại gia là chú Quang[1]. Chú Quang phụ trách Khuôn hội Phú Lâu ở gần nhà trọ của tôi, chú vui tính và lại là bạn của anh tôi nên rất thân với tôi. Mùa hè năm 1966, sau khi cuộc tranh đấu dưới ngọn cờ của Phật giáo vận động cho hòa bình Việt Nam không thành, phong trào bị quân Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đàn áp khốc liệt, bị truy nã, tôi phải chạy trốn trong chùa Tường Vân ở làng Dương Xuân rồi thoát ly không kịp về chia tay chú Quang.


Vì thế, sau ngày đất nước thống nhất (1975), tôi được trở về thăm cảnh cũ người xưa và không quên ghé thăm chùa Phú Lâu, thăm chú Quang. Những người con Phật sống sót sau chiến tranh, gặp lại nhau vui mừng vô cùng. Tôi kể lại những ngày đầu tháng 6-1966, tôi bị truy nã tôi như thế nào, có lần suýt bị bắt trong chùa Tường Vân, nếu không thoát ly tôi có thể bị đại tá công an chính phủ Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan bắt và bị bắn tại chỗ vì tội “đứng đầu Đoàn Sinh viên quyết tử” chống Mỹ - Thiệu Kỳ rồi. Chú Quang bất ngờ bảo tôi:


- “Nếu lúc đó không có anh lính truyền tin tiết lộ lịnh của Thiệu Kỳ tàn sát đồng loạt Phật tử với các thầy để các thầy báo cho Phật tử trốn tránh thì anh em mình chết hết rồi còn mô ngày hôm nay gặp lại nhau nữa?”.

Tôi hết sức ngạc nhiên:

 

-“Anh lính truyền tin nào vậy mà tôi chưa hề nghe nói?”

 

-“Anh lên núi rồi làm sao anh nghe được?” – Chú Quang đáp.

 

Tôi rất áy náy nói với chú Quang:

 

- “Thế thì mình phải tìm để có lời cám ơn người lính truyền tin ấy chứ?”

 

Chú Quang bảo tôi:

 

-“Anh có dịp lên chùa Thuyền Tôn, hỏi thầy Thiện Tấn[2]  để tử của Ôn Giác Nhiên, sẽ biết. Năm 1966, thầy Thiện Tấn được Giáo hội cử về ở chùa Phú Lâu đây để chỉ đạo Phật tử đấu tranh từ Thuận An lên Đập Đá – Thầy là người tiếp nhận cái mật điện từ tay người lính truyền tin ấy và cho đọc nó trên Đài phát thanh Cứu nguy Phật giáo mới cứu nguy được Phật tử hồi ấy!”

 

Sau hôm thăm chú Quang, trong lòng tôi cứ lướng vướng chuyện người lính truyền tin ân nhân của giới Phật tử tranh đấu ở Huế. Tôi lên chùa Thuyền Tôn hỏi thầy Thiện Tấn thì được biết thầy đã vào Sài Gòn từ lâu và tôi có cảm tưởng hình như các tu sĩ ở chùa Thuyền Tôn rất ngại cung cấp thông tin về thầy Thiện Tấn cho tôi[3]. Tôi có kể chuyện đó với một số huynh trưởng Gia đình Phật tử bạn của anh tôi, nhiều người nói có biết chuyện người lính truyền tin ấy, “nhưng hình như sau mùa hè 1966 anh ta bị bắt đi tù Phú Quốc rồi từ đó không biết anh sống chết như thế nào. Mươi mấy năm nay chẳng thấy ai quan tâm tìm anh ta cả”. Tôi cảm thấy bất lực trước chuyện tìm tông tích anh lính truyền tin và người nhận bức điện mật năm ấy để nói lời cám ơn.

 

Cuối năm 2010, một tu sĩ trẻ từng mời tôi cộng tác cho tờ Nội san viết về Mẹ của ông đến nhà thăm tôi. Nói chuyện trao đổi một lúc, vị sư trẻ nói:

 

-“Tôi đọc nhiều sách về triều Nguyễn và Huế xưa của bác, nhưng bác là một Phật tử tranh đấu, lại nghiên cứu sử Thuận Hóa Phú Xuân, nhưng tôi chưa được đọc một công trình nào của bác về cuộc đấu tranh vận động cho hòa bình Việt Nam của Phật giáo trước năm 1975 cả!”. 

 

Một nhận định khá bất ngờ. Tôi lặng người một lúc rồi mới đáp được:

 

-“Cuộc vận động của Phật giáo trước năm 1975 ở miền Nam rất to lớn, viết về cuộc vận động ấy là trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo bây giờ, còn cá nhân tôi làm sao dám viết. Hơn nữa, muốn viết sử đúng thì phải để cho sự kiện lịch sử ấy lùi vào quá khứ năm bảy chục năm rồi mới viết. Theo tôi, đối với lịch sử hiện đại, chuyện viết chưa quan trọng bằng chuyện thu thập tư liệu (tư liệu thành văn, hình ảnh và tư liệu sống). Lưu giữ tư liệu khoa học để đời sau viết và có thể viết đúng. Trong cuộc Hội thảo Văn hóa Phật giáo vào đầu tháng 12-2009 tại Nha Trang tôi đã nói rõ ý kiến đó. Thực tình mấy chục năm qua tôi cũng đã làm cái việc sưu tập ấy và hiện nay vẫn đang tiếp tục. Tôi may mắn được dân chúng tin nên nhiều người đã mang tư liệu của gia đình họ gởi vào Tủ sách Gác Thọ Lộc của tôi!”

 

Vị sư trẻ vui mừng bảo tôi:

 

-“Thế thì có dịp tôi sẽ giới thiệu với bác một nhân chứng sống,  bác sẽ có thêm nhiều tư liệu đầu tay thú vị nữa!”

 

Giữ lời hứa, một buổi sáng sau đó không lâu, vị sư trẻ từ Quảng Trị điện thoại báo để tôi chuẩn bị đón người do vị sư trẻ giới thiệu. Được gặp nhân chứng lịch sử tôi mừng như được một phần thưởng cho đời cầm bút của mình. Ngoài trà nước, tôi còn chuẩn bị sẵn “đồ nghề” như máy thu âm, máy ảnh rồi ngồi chờ để đón khách.

 

Khách của tôi hôm ấy là một tu sĩ Phật giáo, trạc chừng trên dưới bảy mươi tuổi. Ông tự giới thiệu ông có thế danh là Võ Đình Tọa, quê ở Hải Lăng, trước kia đi lính, phụ trách truyền tin của Tiểu đoàn 2 Sư đoàn 3 bộ binh - Tiểu đoàn biệt phái cho Tổng Nha Cảnh sát quốc gia lo an ninh cho Thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên, sau mùa hè năm 1966 bị tù giam ở Phú Quốc, sau ra khỏi tù lên núi Trà Cú học đạo và xuất gia nay, Tỳ-kheo Thích Minh Thông…

 

Tôi hơi nóng ruột nên xin lỗi hỏi chen ngang vị khách :

 

-“ Dạ thưa, thầy là một nhân chứng lịch sử?”.

 

- “Vâng, bởi vậy hôm nay tôi mới đến gặp nhà sử học!”.

 

- “Quý quá, xin hân hạnh được thầy cho biết …”

 

- “Tôi vốn là lính truyền tin, gần nửa thế kỷ nay còn giữ được một số điện mật của chế độ Sài Gòn cũ có liên quan đến các cuộc đàn áp Phật giáo đồ ở miền Trung, tôi muốn để lại cho Phật giáo nhưng không biết trao cho ai. Nay tôi đã đến tuổi gần đất xa trời, được biết anh có ý thức sưu tầm tài liệu để viết sử  nên tôi đến trao cho anh giữ để viết sử và sau nầy có dịp trao lại cho cơ quan nghiên cứu lịch sử nào đó của Giáo hội. Chỉ có vậy thôi!”.

H.01. Tu sĩ Minh Thông Võ Đình Tọa với tập ghi chép những điện mật của chế độ Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Cao Kỳ.

Ảnh NĐX

 

Tôi ngồi cố lặng thinh để nghe vị khách nói cho hết ý. Đến đây tôi không giữ được nữa bèn thốt lên:

 

-“A – di – đà Phật! Thầy có phải là người lính truyền tin đã tìm gặp thầy Thiện Tấn lúc còn là tu sĩ Tâm Dũng Thái Tăng Hùng ở chùa Phú Lâu ở gần đây để đưa tin mật năm 1966 không?”

 

-“ Đúng rồi! Đúng rồi!”

 

-“Ôi, may mắn quá! Tôi đã lưu ý đi tìm người lính truyền tin ấy mấy chục năm qua và đã ngỡ không thể nào gặp được! Không ngờ hôm nay lại được diện kiến người ấy ở đây. Tôi xin đãnh lễ thầy và tạ ơn thầy đã cứu sống hàng ngàn Phât tử hồi tháng 6-1966. Nếu thầy không tiết lộ cái lệnh tiêu diệt Phât tử ấy của Thiệu Kỳ thì chúng tôi đã trở nên người thiên cổ rồi! 45 năm mới nói được lời cám ơn! A-di-đà Phật!”.

 

Một phần vì xúc động bất ngờ, một phần vì có chút hối hận vì suốt mấy chục năm không gắng công tìm người đã cứu mình, tôi đã khóc. Thầy Minh Thông-Võ Đình Tọa cũng giơ tay gạt nước mắt rồi thò tay vào túi vải nâu lấy ra một cuốn vở 100 trang gói trong một tấm vải vàng. Ông đứng dậy, hai tay trịnh trọng đưa cho tôi và nói:

 

-“Tôi rất tin tưởng được gởi tập tư liệu nầy cho nhà sử học!”

 

Hai tay hơi run, tôi tiếp nhận tập tư liệu. Tôi đang lựa lời cám ơn, chưa kịp nói thì thầy lại nói tiếp:

 

-“Hơn 45 năm nay giữ kín tập công điện của chế độ cũ nầy trước sự theo dõi của bên kia và cả bên nầy. Nhiều lần tưởng mất rồi. Nay được trao cho nhà sử học, tôi thấy nhẹ người. Bây giờ có phải về với ông bà tôi cũng yên tâm.”

 

Sự ký thác của thầy Minh Thông-Võ Đình Tọa làm cho công việc gìn giữ tư liệu lịch sử của tôi nặng nề thêm gấp bội. Không một cơ quan nhà nước nào, không một tổ chức nào, không một hội đoàn nào giao cho tôi làm việc này cả. Đây là một nhiệm vụ như có người bảo tôi “của hồn thiêng sông Hương núi Ngự” giao cho tôi. Tôi thưa:

 

-“Xin cám ơn thầy. Tôi rất hân hạnh được thầy ký thác gìn giữ tâp tư liệu nầy nhưng rồi tôi cũng như thầy đã quá cái tuổi cổ lai hy rồi, nên rồi tôi cũng sẽ phải chuyển cho các bộ phận lưu giữ nghiên cứu lịch sử của Giáo hội Phật giáo.”

 

Như trút được “gánh nặng”, người khách quý của tôi đứng dậy nói:

 

-“Anh nghiên cứu có gì cần nói rõ hơn tôi sẽ trở lại trả lời anh hoặc anh có thể hỏi thêm thầy Thích Thiện Tấn – Nay là Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị. Xin chào anh.”

 

Lại một bất ngờ nữa. Tôi rất mừng  

 

-“Thầy Thiện Tấn năm 1966 ở chùa Phú Lâu vẫn còn khỏe mạnh?’

 

- “ Vẫn vậy!”

 

Nói xong ông bước ta cửa đi ngay.

 

-“Ôi quý hóa quá!”

 

Không giữ được người mình chịu ơn để hỏi thêm những thông tin có liên quan đến tập mật điện, tôi đành tiễn ông ra khỏi cửa và mong sẽ được gặp lại.

 

Suốt mấy ngày sau đó tôi đọc ngấu nghiến tập mật điện. Sau đó tôi tìm gặp lại ông và được biết: Ông Võ Đình Toạ  thế danh của thầy Minh Thông, sinh năm 1940, người xã Hải Vĩnh, 23 tuổi đi lính, học quân sự ở  Phú Bài - Huế, thi vào ngành truyền tin, đỗ đầu trên 300 khoá sinh, được vào học trường Truyền tin Vũng Tàu.

 

H.02.Võ Đình Tọa (1940) - lính truyền tin tiểu đoàn 2/3 Sư đoàn I BB (từ 1963 đến 1966).

 

Tốt nghiệp được trở về đơn vị, phụ trách Truyền tin Tiểu đoàn 2/3 KBC 4838 đóng quân tại cây số 17 Tứ Hạ (Hương Trà, Thừa Thiên). Quân nhân trong đơn vị này đa số người miền Bắc di cư 54, theo đạo Thiên chúa, được Cố vấn Ngô Đình Cẩn tín cẩn, phần lớn  đã cao tuổi, ai cũng có gia đình vợ con, đang chờ giải ngũ nên ít đi đâu. Võ Đình Tọa, xuất thân trong gia đình chỉ thờ lư hương bát nước, sau đó được cử đi học hết khoá này đến khoá khác đạt được 5 văn bằng Truyền tin các loại đặc biệt. Bằng sau cùng là loại bằng H3A121 mã hoá dịch shíp mở đặc lệnh Truyền tin.



Ông Tọa được Thượng sĩ Cái Văn Thất (Bắc di cư 54), chỉ huy hậu cứ Tiểu đoàn 2/3, trưởng toán mật vụ TĐ2/3, rất tin dùng, nhận đỡ đầu và nhắm Tọa cho một trong 3 cô con gái đang học Đệ Lục, Đệ Tứ và Đệ Tam của ông. Qua sự giới thiệu của Cái Văn Thất, Tọa được phục vụ hầu hết các hoạt động triệt phá Phật giáo của gia đình họ Ngô (1963) và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sau đó (1965-1966). Xuất thân nông dân, thờ cúng ông bà, Tọa không có thù oán chi với Phật giáo cả. Vì thế Tọa rất khó hiểu mỗi khi nhận và gởi những mật điện của cấp trên thân Thiên chúa giáo xem Phật tử như một đối phương cần phải tiêu diệt. Những mật điện ấy ám ảnh đầu óc Tọa, ông đã học thuộc lòng hay ghi chép lại để tự tìm hiểu. Rồi một ngày tháng 6-1966, khi ông nhận thức được những mật điện ấy sẽ gây nên cuộc tàn sát giết người hàng loạt ông đã can đảm vượt qua sự sợ hãi tìm cách tiết lộ để cứu người.

 

H.03. Càng được tin dùng Võ Đình Tọa càng lo lắng sợ hãi

 

Tập mật điện khá nhiều, thời gian ra đời của các mật điện ấy bắt đầu từ tháng 6-1963 đến tháng 6-1966. Tôi quan tâm nhất là những mật điện ra đời vào tháng 6-1966 – cái tháng bước ngoặt của cuộc đời tôi. Tôi tin thầy Minh Thông ghi chép lại đúng, nhưng dù sao tôi cũng phải thực hiện cái “đạo” của người nghiên cứu sử là phải xác minh tư liệu rồi mới được sử dụng. Tôi đi Đông Hà, nhờ nhà báo Lâm Chí Công (Đại diện báo Lao Động tại Quảng Tri) cho xe đưa tôi lên gặp Hòa thượng Thích Thiện Tấn – trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quang Trị, tai chùa Cam Lộ.

H.04.Hòa thượng Thích Thiện Tấn và Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân tại chùa Cam Lộ (Quảng Trị) chiều ngày 24-12-2010

 

Tuy chưa gặp nhau bao giờ, nhưng qua hoạt động đấu tranh vì hòa bình ở các đô thị miền Nam Việt Nam trước đây, Hòa thượng Thiện Tấn biết tôi nên Hòa thượng đã dành cho tôi một cuộc tiếp xúc rất thân tình.

 

Hòa thượng đọc 6 cái công điện của chế độ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ ra đời hồi tháng 6-1966 được tôi đánh vi tính từ bản chép tay của thầy Minh Thông-Võ Đình Tọa. Đọc xong Hòa thượng ký xác nhận và đóng dấu ngay:

 

H.05. Bút tích của HT Thiện Tấn xác nhận các mật lệnh trong vụ đàn áp Phật giáo năm 1966 tại Huế  của Võ Đình Tọa cung cấp là đúng sự thật.

 

Toàn văn 6 điện mật tôi đưa vào phần Phụ Lục cuối bài viết nầy.  Sau đây là tóm tắt và có lời bình luận 6 điện mật ấy:

          

Mật điện 1: Số 135/TNCS/TM/QS/ĐB Lúc 11g10/09/6/1966

Nơi gởi : TNCSQG/KCTANQG/HQ/CTBT

Nơi nhận : TĐ2/3/HQ/BPCTT Huế

         

“Tuyển lựa tạm thời, chính thức, khẩn cấp đáp ứng tạm thời, Tuyển lựa một số thanh niên không thờ lư hương bát nước, manh dạn, thẳng tay triệt hạ các bàn thờ trên các trục lộ giao thông, gây trở ngại chi viện chiến trường.

         

[…] Thượng sĩ Dương Văn Thái TĐ2/3/HQ để đi tuyển lựa số thanh niên nói trên, thực tập Cảnh sát Dã chiến đáp ứng tình hình hiện tại. Đề nghịị TĐ2/3HQ/CTT Huế cấp SVL cho Quân nhân đương sự về trình diện Nha chúng tôi để nhận lệnh mới”.

 

Bình luận: Điện mật nầy phản ảnh tình hình đại bộ phận công an cảnh sát ở Trị Thiên đã tham gia Phong trào tranh đấu ở miền Trung, ly khai với Chính phủ Sài Gòn, không chịu đàn áp Phật tử đấu tranh nên Chính phủ Thiệu Kỳ giao cho Nguyễn Ngọc Loan Tổng Nha Cảnh Sát kiêm Cục trưởng An ninh quân đội phải thành lập cấp tốc một đơn vị mới để thực hiện âm mưu tiêu diệt Phật giáo của họ. Có lẽ chuẩn úy địa phương quân Liên Thành được chuyển qua ngành cảnh sát đặc biệt (mật vụ) trong thời điểm nầy (từ 9-6-1966).                                               

         

Mật điện 2: Số 059/BTL/SĐ1/BB/HQ/P2/M1 lúc 8g40/10/6/1966

Nơi gởi : BTL/SĐ1/BB/HQ/P2/M1

Nơi nhận : TĐ2/3ĐKAP/CTT Huế, các đơn vị trực thuộc BTL

         

Nguồn tin mật chính thức cho biết Cọng sản đang di chuyển 3 Sư đoàn về phía Nam thành phố Huế, 2 Sư đoàn về phía Nam Lao Bảo, Khe Sanh, Quảng Trị. Chờ phong trào tranh đấu Phật giáo lên cao, hàng ngũ  Cọng sản nắm đầu được lực lượng Lãnh đạo và Quần chúng. Thừa cơ hội 3 SĐ chúng tấn công Thừa Thiên-Huế, 2SĐ tấn công vào Quảng Trị. Nay BTL/SĐ ra lệnh các Đ/v Trưởng cho báo động 24/24 quân số tại hàng, sẵn sàng chiến đấu trong doanh trại, ngoàii doanh trại ra lệnh cấm 24/24, phần học hành tạm thời hủy bỏ. Quân cảnh tuần tra thướng xuyên, bắt giữ tất cả Quân nhân Đ/v nào lai vãng đường phố, báo BTL/SĐ rõ. BTL đột nhập thanh tra quân số tại hàng. Trực máy 24/24 chờ lệnh mới.

 

Bình luận: Để có lý do sai lính đàn áp đi đàn áp Phật tử, Thiệu Kỳ đã dựng lên sự kiện có 5 Sư đoàn Cộng sản đang di chuyển về phía nam Huế và Quảng Trị chờ thời cơ Phong trào Phật giáo đấu tranh lên cao, sẽ tấn công vào Huế. Quân đội phải cắm trại 100% quân số, sẵn sàng chiến đấu. Sự thực tháng 6-1966 không có một lực lượng nào của Mặt trân Giải phóng chuyển quân về Huế cả. Cho đến 10-7-1966, trên đường ra chiên khu tôi chỉ gặp một Trung đội lính Đặc công trên đường về đánh cầu Giã Viên mà thôi. Cái mật điện 059 nầy còn có mục đích ngăn chận lính Sư đoàn 1 ly khai với Chính phủ Sài Gòn, bỏ doanh trại  ra tham gia tranh đấu chống Mỹ Thiệu Kỳ với Phật tử và Sinh viên học sinh Huế.

 

H.06.Bàn thờ Phật cũng “xuống đường” đấu tranh cho hòa bình Việt Nam. Ảnh của PV Nhật.

 

         

Mật điện 3. Số 152/TNCSQG/KANQĐ/HQ/CTBT lúc 9h40/11/6/1966.

Nơi gởi : TNCSQG/KCTANQG/HQ/CTBT

Nơi nhận : ĐKAP/CTTH. Trung tâm TT/CS/DC, TTLTT phủ Huế và các     

Đ/v liên quan Ty CS/TT.

 

TC/ML Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia lúc 10g11/6/1966, Văn phòng Chính phủ chuyển giao số 2221/ PTT 2g/11/6/1966 cho Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, kiêm Cục trưởng An ninh Quân đội/ HQ/CTBT tại Thành Nội Huế toàn quyền quyết định phân bố cho các đơn vị có trách nhiệm để mở đường lưu thông trên các trục lộ giao thông bị các chướng ngại ngăn cản trước 12 giờ 5 SĐ Cộng sản tấn công vào 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.

 

C/c vào phiên họp mật lúc 8g20/11/6/1966 tại TNCSQG/HQ/CTBT tại Thành Nội Huế, toàn thể Đ/v Trưởng QĐ, CS, AN giữa 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đặt dưới quyền chủ toạ của Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, các Đ/v trưởng thống nhất ký lệnh chờ thi hành, trực máy chờ lệnh mới.

 

Bình luận: Mật điện của Thiệu Kỳ cử Nguyễn Ngọc Loan chính thức ra miền Trung chỉ huy cuộc đàn áp Phong trào đấu tranh cho hòa bình Việt Nam của Phật tử và Sinh viên học sinh Huế.

 

Mật điện 4. Số 925/SĐ1/BB/MB/P2/ML1 lúc 21g50/12/6/1966

Nơi gởi : SĐ1/BB/B1B/P2/ML1

Nơi nhận: CANQĐ/HQ/CTBT/TG

Thông báo ĐKAP/CTTH các Đ/v trực thuộc

 

Đơn vị chúng tôi đã cho theo dõi, bám sát điều tra lại kỹ manh mối nhưng không rõ. Có nguồn tin đáng tin cậy, có kiểm chứng thì tên Trí Quang đã vắng mặt tại thành phố Huế cách đây 2 ngày. Kính báo.

 

Bình luận: Thực chất từ ngày 8-6-1966, thầy Trí Quang tuyệt thực trước tỉnh đường Thừa Thiên, bị kiệt sức phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế chứ không đi đâu cả.        

 

Mật điện 5. Số 225/AN/MB/TB/ML1 lúc 10g2513/6/1966

Nơi gởi : SĐ1/BB/AN/MB/TB?ML1

Nơi nhận : ĐKAP/TPH Thông báo TĐ2/3BB/ANTP Huế.

 

TC/CĐ số 3053/CAN/ĐT/TGTS phòng An ninh chúng tôi đã phối hợp TB, MB và TS thuộc SĐ cho rải một số Quân nhân mang áo quần dân thường (âu phục) sơ mi trắng tay cụt, quần xanh, phía tay mặt  sơ mi trắng có một chấm đen, trên cùi vai trái áo có một giọt sơn đỏ. SVL góc trái có 1 chấm xanh, dưới chấm xanh có 4 chữ ANSĐ. Có hiệu lực từ khi nhận được CĐ này, sau 24 giờ thì chấm dứt.

 

Mục đích truy nã tên Trí Quang, đầu não cuộc tranh đấu bàn thờ Phật ra đường đã vắng mặt thành phố Huế 2 ngày. Trong lúc đó 5 SĐ Cộng sản tấn công Thừa Thiên-Huế và Quãng Trị. Thông báo các Đ/v An ninh thành phố Huế tránh ngộ nhận.

 

Bình luận: Thầy Trí Quang đang nằm phục hồi sức khỏe trong Bệnh viện Trung ương Huế. Bọn Nguyễn Ngọc Loan loan báo thầy mất tích giữa lúc chúng loan tin “5 Sư đoàn Cộng sản đang tấn công vào Huế và Quảng Trị”, chúng bóng gió nói rằng hai sự kiện ấy có liên hệ với nhau, tức là thầy Trí Quang có liên hệ với Cộng sản. Vu khống như vậy để có lý do tìm bắt thầy Trí Quang và chuẩn bị đàn áp Phong trào tranh đấu.                                 

 

Mật điện 6: Mật lệnh tối khẩn Số 153/TNCSQG/KCTANQĐ/HQ/CTBT lúc 14g10/13/6/1966

Nơi gởi : TNCSQG/KANQĐ/HQ/CTBT

Nơi nhận : ĐKĐPA/CTTH,TĐ2/3HQ/BPTPH, Trung tâmTTCSDC/PDTT - ,TTLTPH,ĐĐVT; Các Đ/v trực thuộc Ty STTH

 

Trước 12 giờ 5 SĐ Cộng sản tấn công vào 2 tinh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Ngay sau khi nhận được công điện này, cho 4 Đại đội CS Dã chiến đã thực tập một tuần lễ, về nghi thức Phật giáo của một Huynh trưởng, một Phật tử để cải trang áo quần theo khả năng, chức vụ đã được thực tập. Một Quân nhân cải trang được cấp một thẻ Huynh trưởng Tăng viện, bảo vệ bàn thờ Phật do ban Bảo vệ tranh đấu tỉnh Thừa thiên-Huế ký. Được mang theo một Col (súng lục), lựu đạn loại đặc biệt giấu thật kín, đúng 21g30 có mặt tại cầu An Hoà, các Đ/v Trưởng cho thi hành công điện mật số 152 lúc 6g40, 11/6/1966 mọi phương tiện chi tiết đã nêu rõ. Sau tiếng còi báo động kéo dài 2 phút bắt đầu rải quân, một bàn thờ 2 Quân nhân, dẩn đầu giới thiệu là một Huynh trưởng cựu trào  có uy tín nhất ở thành phố Huế. Có đầy đủ giấy tờ xác nhận lý do là để tăng viện bảo vệ bàn thờ Phật.

 

Từ An Hoà chạy dài đường Trần Hưng Đạo, bờ sông Hương, cầu Trương Tiền, Lê Lợi, xuống An Cựu, những trục lộ chính trước, rải xong quân báo về TNCS. Một tiếng còi báo động kéo dài trong 5 phút. Tất cả các hệ thống điện đều tắt. Cảnh sát ném lựu đạn cay tại chỗ, hai Quân nhân TĐ2/3 nổ súng liên tiếp yểm trợ, phá huỷ tất cả các bàn thờ. Người chết, bị thương, bắt sống liệng lên xe chở về lao Thừa Phủ nhốt tại đó, không để sót bất cứ một ai lai vãng trên đường phố. Phá vỡ tận cùng hang ổ, không cần lý do. Tuyệt đối chấp hành công điện nói trên. 24 giờ báo cáo sơ khởi để trình lên thượng cấp.

 

1giờ 30 tấn công ra Quảng Trị có 2 khu trục cơT41,M113 dẩn đầu, 3 Đại đội CSDC do Thượng sĩ Dương Văn Thái trực tiếp chỉ huy, thẳng tay triệt hạ tất cả các bàn thờ trên trục lộ giao thông. Những kháng cự và khả nghi đều được bắt đến giam tại trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Đặc khu An-pha cửa Thượng Tứ chịu trách nhiệm như trong phiên họp mật lúc 8g20.11.6.1966 tại Thành nội Huế đã ký nhận thi hành.

 

Bình luận: Đây là mật lệnh thực hiện kế hoạch tàn sát Phong trào tranh đấu ở Huế và Quảng Trị xảo quyệt, thâm độc, gian ác nhất của chế độ Thiệu Kỳ. Kế hoạch được thể hiện như sau:

 

Về hình thức: Chúng đã cho 4 Đại đội Cảnh sát dã chiến (mới tuyển dụng) thực tập một tuần lễ, mặc trang phục giả danh các Huynh trưởng và đoàn viên Gia đình Phật tử, có thẻ Huynh trưởng Gia đình Phật tử do Giáo hội cấp. Nhưng trong người được giấu một khẩu súng lục và lựu đạn loại đặc biêt;

 

Thời điểm thực hiện: 21g ngày 13-6-1966 tập trung ở cầu An Hòa; địa bàn hành động: Từ An Hoà chạy dài vào đường Trần Hưng Đạo, bờ sông Hương, cầu Trương Tiền, Lê Lợi, vô tận An Cựu;

 

Hành động: “Sau tiếng còi báo động kéo dài 2 phút bắt đầu rải quân, một bàn thờ 2 Quân nhân, dẩn đầu giới thiệu là một Huynh trưởng cựu trào có uy tín nhất ở thành phố Huế. Có đầy đủ giấy tờ xác nhận lý do là để tăng viện bảo vệ bàn thờ Phật”. “Một tiếng còi báo động kéo dài trong 5 phút. Tất cả các hệ thống điện đều tắt. Cảnh sát ném lựu đạn cay tại chỗ, hai Quân nhân TĐ2/3 nổ súng liên tiếp yểm trợ, phá huỷ tất cả các bàn thờ. Người chết, bị thương, bắt sống liệng lên xe chở về lao Thừa Phủ nhốt tại đó, không để sót bất cứ một ai lai vãng trên đường phố. Phá vỡ tận cùng hang ổ, không cần lý do”.

 

Thực hiện thành công ở Huế, chúng sẽ kéo ra Quảng Trị.

 

Nếu kế hoạch nầy không được người lính truyền tin Võ Đình Tọa  tiết lộ cho Phật giáo kịp thời thì có lẽ hàng ngàn Phật tử, Sinh viên, học sinh, quân nhân Phật tử đã chết và bị thương. May mắn cho Phật giáo đồ Trị Thiên, may mắn cho Sinh viên, học sinh Huế. Và thật cũng may mắn cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan. Nếu kế hoạch theo Mật lệnh Số 153đó được thực hiện thành công thì lịch sử làm tay sai ngoại bang của chế độ Thiệu Kỳ ghi thêm một trang tội ác chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.   

 

*

*        *


Mật lệnh tối khẩn Số 153 là một sự kiện lịch sử. Phá được cái âm mưu tội ác ấy là cả một chuyện vô cùng dũng cảm, khó khăn. Vì thế tôi trích thêm đoạn tư liệu của thầy Minh Thông Võ Đình Tọa về những suy nghĩ và hoàn cảnh nào ông đã trải qua sau khi ông nhận được mật lệnh trên và ông làm thế nào để có thể chuyển tận tay cái mật lệnh ấy cho thầy Tâm Dũng (sau nầy là Tỳ-kheo Thích Thiện Tấn) ở chùa Phú Lâu.

 

Bản tư liệu của Võ Đình Tọa viết:

 

Mở xong công điện tôi thấy lạnh cả người, nó lợi dụng bàn thờ Phật để triệt tiêu Phật giáo. Nếu không vượt qua được chuyện này, Phật giáo tan nát hết, không thể nào gượng dậy được nữa.

 

Tôi đang phân vân thì thấy có một chiêc xe Jeep nhà binh từ từ vào cửa Thượng Tứ. Xe của Đại Đức Thích Chánh Trực -Tuyên uý Sư đoàn I Bộ binh[4]. Đại Đức lên vọng lâu nơi đặt tổng Đài truyền tin Alfa, nói chuyện gì đó với chỉ huy của tôi là Đại uý Nguyễn Thanh Hoành. Tôi bước vào Vọng lâu, không còn thì giờ để thăm hỏi gì cả, tôi chào thầy xong và liếc thầy một cái để lưu ý thầy. Tôi nhắm mắt, mở mắt, nhắm lại rồi bỏ đi để báo cho thầy biết đối thủ đang chuẩn bị tiêu diệt mình. Thầy dùng con mắt trí tuệ nhận được mật hiệu của tôi. Tôi chạy xuống vòm mái cửa Thượng Tứ rồi nhảy lên xe Jeep của thầy, nép mình sau ghế dựa.

 

Thầy bắt tay chào Đại uý Nguyễn Thanh Hoành, một tay khoát bảo tài xế lái xe ra xa khoảng 20m trước cổng. Xe ra xa như thế cốt để Đại úy Hoành khỏi thấy tôi núp trên xe. Đại Đức Chánh Trực rất bén nhạy tài ba đúng là một ông thầy tu đạo Phật.

 

Tài xế lái xe cho tuyên uý Phật giáo đều là mật vụ, an ninh hay tình báo. Biết thế, để đánh lạc hướng, thầy hỏi tôi

 

- “Nhà ở đâu?”

 

Tôi hiểu ý thầy nên đáp:

 

- “Cách cầu Bạch Thổ 100m về phía tay trái đường lên chùa Linh Mụ.”

 

- “Được, xe chạy đi!”

 

Cách xa cầu Bạch Hổ khoảng 100m, xe dừng. Tôi xuống xe và thầy cũng xuống xe chào chia tay tôi. Trong lúc Tài xế đang quay đầu xe, tôi bấm nhẹ vào Thầy và báo cho thầy biết:

 

-“Tối nay vào lúc 21h30, Chính phủ Thiệu Kỳ sẽ thực hiện kế hoạch tiêu diệt Phật giáo Huế, chiều hôm sau lúc 1g30 sẽ ra tiêu diệt Phật giáo Quãng Trị. Lực lượng thực hiện toàn là Cảnh sát dã chiến mới tuyển. Họ giả dạng Huynh trưởng Gia đình Phật tử nhưng có súng, lựu đạn cay. Con có công điện đây nhưng trao cho thầy, thầy cũng không đọc được vì viết theo lối chữ khác!”

 

Thầy Chánh Trực dặn tôi một cách thận trọng:

 

-“Con thuê đò qua đọc điện cho thầy Tâm Dũng hiện ở chùa Phú Lâu nghe. Thầy Tâm Dũng là đệ tử Hòa thượng Thuyền Tôn, được cử trực thường xuyên ở chùa Phú Lâu!”

        

Tôi thuê đò loại nhỏ xuôi về Đập Đá, lúc chạy, lúc bò đến được chùa Phú Lâu. Tôi mừng như có ai cho cả trăm lượng vàng không bằng. Liếc qua liếc lại không thấy có ai theo dõi, tôi lách mình vào sân chùa. Thấy tôi mặc đồ lính, lại chưa hề quen biết đột nhập vào chùa, các nam nữ Gia đình Phật tử, các  Cư sĩ  đến vặn hỏi và định hành hung tôi. Tôi chắp tay vái và nói:

 

-“ Có việc cực kỳ hệ trọng, cho tôi gặp gấp thầy tên đời là Thái Tăng Hùng, tên đạo là Tâm Dũng chùa Thiền Tôn đang ở đây!”

 

Những người canh giữ chùa không tin, vặn hỏi:

 

- “Mày vào đây định làm gì ?”

 

-“ Chuyện bí mật, theo lệnh của thầy Chánh Trực tôi chỉ có thể nói với thầy Tâm Dũng chùa Thuyền Tôn thôi!”

 

Một Huynh trưởng to béo bảo tôi:

 

- “Được, mày đợi đó! Nói láo là chết với tao!”

 

Hai phút sau, thầy Tâm Dũng đến, tôi yêu cầu thầy vào một góc kín để nhận tin mật. Thầy cảm nhận được nên thực hiện ngay. Tôi đọc công điện cho Thầy chép. Thấy vấn đề quá quan trọng, không thể chậm trễ được, thầy cho chép làm nhiều bản và chuyển cho Đài Cứu nguy Phật giáo và các loa phóng thanh phát thanh tin khẩn cho toàn thành phố, đặc biệt là khu vực Thành Nội biết. Thầy cũng nhờ hai Phật tử dò đường chở tôi về cửa Thượng tứ.

 

Thấy không ai theo dõi, tôi lách mình vào vọng lâu cửa Thượng Tứ. Tôi đi nhè nhẹ nghe được tiếng ngủ ngáy khò khò bên trong. Thì ra Đại uý Ngyễn Thanh Hoành đang nằm trong võng ngủ say sưa không hay biết gì hết. Tôi quá run cố gắng lắm mới nhớm chân lên nổi. Tôi cố dùng giày đinh đang mang trong chân cọ giữa sfn. Nghe tiếng động Đại uý Hoành bật người dậy hỏi:

       

- “Cái gì vậy?”

 

- “Thưa Đại uý có công điện khẩn”.

 

Đại uý tay cầm công điện. Miệng đọc công điện tuyệt mật, tai lại nghe loa phóng thanh trước cửa Thượng Tứ, cũng đọc cùng công điện ấy  với những hướng dẫn đối phó với mọi hành động đàn áp của quân đội Thiệu Kỳ. Không chỉ ở trước cửa Thượng Tứ mà cùng khắp thành phố Huế, Thành Nội, các cơ sở đóng quân chuẩn bị dẹp bàn thờ Phật trên đường phố và tàn sát Phật tử.  Phòng Tuyên úy Sư đoàn 1 Bộ binh cũng cho phổ biến Chỉ thi của Đại đức Thích Chánh Trực: “Kính thưa toàn thể quân nhân Phật tử Sư đoàn 1 Bộ binh đang có mặt khắp trên 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị cùng Đồng bào Phật tử 2 tỉnh nói trên. Sau khi Đài tiếng nói Cứu nguy Phật giáo bị cắt đứt, không còn nghe được tiếng nói cứu nguy Phật giáo nữa, thì xin đề nghị Quân nhân Phật tử và toàn thể Phật tử 2 tỉnh không nghe ai khác, không báo động. Tập trung tại sân cờ nhất tâm cầu nguyện cho Đạo pháp và Dân tộc sớm trở lại bình thường”.

 

Ngoài đường phố phát thanh cảnh báo tin khẩn với đồng bào Phật tử sôi động hối hả chừng nào thì trong vọng lâu cửa Thượng Tứ này hồn vía tôi run sợ đến chừng đó, ước chừng lên tận trời xanh, mặt mày tái mét, tôi không dám nhìn Đại uý.

 

Đại uý bảo tôi:

 

- “Thôi chết! Mày liên lạc ngay với cấp trên nói lệnh bị lộ rồi. Trực máy chờ lệnh mới”.

 

Kế hoạch bị lộ, tối đó lực lượng cảnh sát dã chiến của Nguyễn Ngọc Loan không hành động được. Đến hơn nửa đêm, Trung tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phan Văn Khoa đi xe qua cửa Thượng Tứ.  Ông nói với Đại uý Nguyễn Thanh Hoành rằng:

 

-“Cấp trên và Đại tá Loan không tin miền Trung. Lính tráng ở miền Trung đều là Phật tử, nếu không Phật tử thì cũng thờ lư hương bát nước… không sử dụng được. Tiểu đoàn 2 của Đại úy có lẽ phải lên phía Nam Linh Mụ để án ngữ mặt này!”

 

Nghe vậy tôi mừng quá. Họ không nghi ngờ gì tôi cả. Tôi vội vàng chạy qua chùa Phú Lâu. Đi trong đêm khuya, vô vàn khó khăn nhưng rồi cũng qua được. Tôi báo cho thầy Tâm Dũng biết ý kiến của Trung tá Phan Văn Khoa là họ sẽ điều “Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3 lên phía nam chùa Linh Mụ”, thầy nên tìm cách lên ngồi tại Linh Mụ để nếu có kế hoạch gì họ cũng phải báo qua đài Alfa của Tiểu đoàn 2  biết.  Khi có tin tôi có thể báo cho thầy được dễ dàng”.

 

Thầy Tâm Dũng dặn tôi:

      

- “Từ giờ phút này, phải cẩn thận tối đa. Tụi nó giả dạng đủ thứ. Bất cẩn là chết!”.

 

Tôi tìm về cửa Thượng Tứ. Vừa bước vào cửa thì bất thần bị Nguyễn Thìn chụp áo lôi tôi ra ngoài nói :

      

 - “Có ba người lạ mặt mang áo quần dân thường, có súng nhỏ xin gặp Đại uý. Họ đang nói chuyện trong phòng. Đại uý cho gọi anh vào nhưng tôi báo cáo Đại uý là anh đi vắng, chưa về”.

      

Tôi giao khẩu súng nhờ Thìn trả giúp nhưng Thìn nói tôi giữ để đề phòng hộ thân.

 

Tôi xuống mép sông Hương gọi đò chèo lên chùa Linh Mụ trốn.  Theo đề nghị của tôi, thầy Tâm Dũng cũng lên chùa Linh Mụ. Gặp lại tôi, thầy bắt tay và nói nửa đùa nửa thật:

       

- “Thôi, tạm biệt hay vĩnh biệt tại đây”.

       

 Lúc đó đúng 3 giờ ngày 14/6/1966.

 

Thầy viết cho tôi mấy chữ: tên đời Thái Tăng Hùng, tên đạo Tâm Dũng, đệ tử Hoà thượng Thích Giác Nhiên, chùa Thuyền Tôn. Tôi ghi lại cho thầy: Võ Đình Toạ, KBC4838 TĐ2/3 đóng quân tại Cây số 17.

 

Không vĩnh biệt, nhưng sau đó tôi bị tù Phú Quốc, còn thầy thì cũng…tạm biệt hơn 30 năm sau mới gặp lại. Không phải Võ Đình Tọa gặp lại Thái Tăng Hùng mà Tỳ-kheo Thích Thiện Tấn gặp lại tu sĩ Thích Minh Thông.” [Hết trích dẫn].

 

*

*           *

 

Kết thúc ghi chép lịch sử nầy, tôi đãnh lễ Hòa thượng Thích Thiện Tấn, xin được ghi lại từ băng cassette ý kiến của Hòa thượng về công đức của tu sĩ Thích Minh Thông-Võ Đình Tọa. [Băng cassette thu vào chiều 24-12-2010 tại chùa Cam Lộ]:

 

Nam mô A-di-đà Phật,

 

Tôi là Hòa thượng Thích Thiện Tấn, thế danh Thái Tăng Hùng, viện chủ chùa Cam Lộ (Quảng Trị).

 

Tôi là Đệ tử của Hòa thượng Thích Giác Nhiên chùa Thuyền Tôn. Trong cuộc vận động của Phật giáo ở Huế mùa hè năm 1966, tôi phụ trách từ Thuận An lên Đại học Sư phạm, qua cầu Trường Tiền đến đường Trần Hưng Đạo. Để tiện việc vận động tôi được chùa Phú Lâu trên đường Nguyễn Công Trứ cho làm Trạm liên lạc. Thầy Minh Thông ngày xưa là anh Võ Đình Tọa làm truyền tin thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 3 Sư đoàn I Bộ binh. Cái mật lịnh đàn áp Phật giáo trong quân đội đưa ra anh Tọa đã bí mật mang sang chùa Phú Lâu giao cho tôi chớ không phải ai khác. Tôi đã chuyển cái mật lệnh đó cho Đài Cứu nguy Phật giáo và các loa phát thanh phát thanh ra cho Phật tử biết để đối phó. Nhờ vậy cuộc đàn áp của Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu bị vô hiệu hóa đến 90%.

 

Những người đã dũng cảm cứu nguy Phật giáo bị Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trả thù vô cùng khốc liệt như anh Võ Đình Tọa đã gánh chịu. Nhưng rất tiếc không có ai ghi lại các công việc của những người đã có công cứu nguy Phật giáo năm đó. Mà những người đã có công cứu nguy Phật giáo thì họ không bao giờ kể công, không bao giờ báo công để mong được đền ơn. Tuy nhiên, người tạo được cái nhân tốt, thì đời họ cũng sẽ nhận được cái quả tốt. Anh lính truyền tin Võ Đình Tọa năm xưa đã góp phần cứu nguy Phật giáo, cứu được hàng ngàn người vô tội khỏi chết trước các lực lượng vô minh nay là tăng sĩ Thích Minh Thông được nhiều Phật tử tín nhiệm là một minh chứng cho sự thực nhân quả đó”. (Hết lời HT Thiện Tấn).   

 

Xin đãnh lễ cám ơn Hòa thượng Thích Thiện Tấn Thái Tăng Hùng, xin cám ơn tu sĩ Minh Thông Võ Đình Tọa. Công đức của quý thầy thật vô lượng, vô biên. Kính mong những người từng ở trong cuộc bổ khuyết cho những bất cập. Cám ơn.


                                                                     Huế, tháng 6-2011 

                                                            Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân

                                                                 

=========

 

Phụ lục

 

Các mật điện của chế độ

Thiệu Kỳ ra lệnh đàn áp Phong trào đấu tranh của Phật giáo Thừa Thiên Huế - Quảng Trị tháng 6-1966

 

Công điện tuyển Thanh niên không thờ lư hương, bát nước cha ông để triệt hạ bàn thờ một cách mạnh dạn.

         

1. Nơi gởi : TNCSQG/KCTANQG/HQ/CTBT[1]

Nơi nhận : TĐ2/3/HQ/BPCTT Huế [2]

Số 135/TNCS/TM/QS/ĐB Lúc 11g10/09/6/1966[3]

Tham chiếu phiên hop mật lúc 14g50/8/6/1966 của các Đ/v liên quan Quân nhân thuyên chuyển.

TCQĐ số 182/TNCSQG/DTM/QS ngày 10/6/1965 [4]

TCBĐTsố 2050/BTTM/QS ngày 3/2/1962 QĐ [5]                                      

        

Tuyển lựa tạm thời, chính thức, khẩn cấp đáp ứng tạm thời, Tuyển lựa một số thanh niên không thờ lư hương bát nước, manh dạn, thẳng tay triệt hạ các bàn thờ trên các trục lộ giao thông, gây trở ngại chi viện chiến trường.

 

TNCSQG/HQ/CTBT thống nhất QĐ tuyển chọn. Thượng sĩ Dương Văn Thái TĐ2/3/HQ để đi tuyển lựa số thanh niên nói trên, thực tập Cảnh sát Dã chiến đáp ứng tình hình hiện tại. Đề nghịị TĐ2/3HQ/CTT Huế cấp SVL cho Quân nhân đương sự về trình diện Nha chúng tôi để nhận lệnh mới.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                            15g10/09/6/1966

 

Công điện thượng khẩn

         

2. Nơi gởi : BTL/SĐ1/BB/HQ/P2/M1 [6]

Nơi nhận : TĐ2/3ĐKAP/CTT Huế, các đơn vị trực thuộc BTL[7]

Số 059/BTL/SĐ1/BB/HQ/P2/M1 lúc 8g40/10/6/1966 [8]

TC/CĐ số 205/BTL/QĐ2/P2/ML1 lúc 22g50/9/6/1966[9]

 

Nguồn tin mật chính thức cho biết Cọng sản đang di chuyển 3SĐ về phía Nam thành phố Huế, 2SĐ về phía Nam Lao Bảo, Khe Sanh, Quảng Trị. Chờ phong trào tranh đấu Phật giáo lên cao, hàng ngũ  Cọng sản nắm đầu được lực lượng Lãnh đạo và Quần chúng. Thừa cơ hội 3 SĐ chúng tấn công Thừa Thiên-Huế, 2SĐ tấn công vào Quảng Trị. Nay BTL/SĐ ra lệnh các Đ/v Trưởng cho báo động 24/24 quân số tại hàng, sẵn sàng chiến đấu trong doanh trại, ngoàii doanh trại ra lệnh cấm 24/24, phần học hành tạm thời hủy bỏ. Quân cảnh tuần tra thướng xuyên, bắt giữ tất cả Quân nhân Đ/v nào lai vãng đường phố, báo BTL/SĐ rõ. BTL đột nhập thanh tra quân số tại hàng. Trực máy 24/24 chờ lệnh mới.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                            15g10/10/6/1966

                                      Mật lênh Thượng khẩn

3. Nơi gởi : TNCSQG/KCTANQG/HQ/CTBT[10]

Nơi nhận : ĐKAP/CTTH. Trung tâm TT/CS/DC, TTLTT phủ Huế và Các  Đ/v liên quan Ty CS/TT[11].

Số 152/TNCSQG/KANQĐ/HQ/CTBT lúc 9h40/11/6/1966.[12]

 

TC/ML Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia lúc 10g11/6/1966, Văn phòng Chính phủ chuyển giao số 2221/ PTT 2g/11/6/1966 cho Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, kiêm Cục trưởng An ninh Quân đội/ HQ/CTBT tại Thành Nội Huế toàn quyền quyết định phân bố cho các đơn vị có trách nhiệm để mở đường lưu thông trên các trục lộ giao thông bị các chướng ngại ngăn cản trước 12 giờ 5 SĐ Cộng sản tấn công vào 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị.

 

C/c vào phiên họp mật lúc 8g20/11/6/1966 tại TNCSQG/HQ/CTBT tại Thành Nội Huế, toàn thể Đ/v Trưởng QĐ, CS, AN giữa 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đặt dưới quyền chủ toạ của Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, các Đ/v trưởng thống nhất ký lệnh chờ thi hành, trực máy chờ lệnh mới.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                            11g50/11/6/1966

 

                     Mật báo đặc biệt tìm tên Trí Quang đang ở đâu.

4. Nơi gởi : SĐ1/BB/B1B/P2/ML1 [13]

Nơi nhận: CANQĐ/HQ/CTBT/TG[14]

Thông báo ĐKAP/CTTH các Đ/v trực thuộc[15]

Số 925/SĐ1/BB/MB/P2/ML1 lúc 21g50/12/6/1966[16]

TC/CĐ số 2058/CANĐT/QS/ĐT lúc 16g10/12/6/1966,  [17]                              

        

Đơn vị chúng tôi đã cho theo dõi, bám sát điều tra lại kỹ manh mối nhưng không rõ.

 

Có nguồn tin đáng tin cậy, có kiểm chứng thì tên Trí Quang đã vắng mặt tại thành phố Huế cách đây 2 ngày. Kính báo.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                             22g10/12/6/1966

 

  Mật lệnh không phổ biến

 

5. Nơi gởi : SĐ1/BB/AN/MB/TB?ML1[18]

Nơi nhận : ĐKAP/TPH Thông báo TĐ2/3BB/ANTP Huế.[19]

Số 225/AN/MB/TB/ML1 lúc 10g2513/6/1966 [20]

 

TC/CĐ số 3053/CAN/ĐT/TGTS phòng An ninh chúng tôi đã phối hợp TB, MB và TS thuộc SĐ cho rải một số Quân nhân mang áo quần dân thường (âu phục) sơ mi trắng tay cụt, quần xanh, phía tay mặt  sơ mi trắng có một chấm đen, trên cùi vai trái áo có một giọt sơn đỏ. SVL góc trái có 1 chấm xanh, dưới chấm xanh có 4 chữ ANSĐ. Có hiệu lực từ khi nhận được CĐ này, sau 24 giờ thì chấm dứt.

 

Mục đích truy nã tên Trí Quang, đầu não cuộc tranh đấu bàn thờ Phật ra đường đã vắng mặt thành phố Huế 2 ngày. Trong lúc đó 5 SĐ Cộng sản tấn công Thừa Thiên-Huế và Quãng Trị. Thông báo các Đ/v An ninh thành phố Huế tránh ngộ nhận.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                                   11g13/6/1966

 

 

Mật lệnh tối khẩn

 

6. Nơi gởi : TNCSQG/KANQĐ/HQ/CTBT[21]

Nơi nhận : ĐKĐPA/CTTH,TĐ2/3HQ/BPTPH[22]

Trung tâmTTCSDC/PDTT,TTLTPH,ĐĐVT[23]

Các Đ/v trực thuộc Ty CSTTH[24]

Số 153/TNCSQG/KCTANQĐ/HQ/CTBT lúc 14g10/13/6/1966 [25]

 

Trước 12 giờ 5 SĐ Cộng sản tấn công vào 2 tinh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Ngay sau khi nhận được công điện này, cho 4 Đại đội CS Dã chiến đã thực tập một tuần lễ, về nghi thức Phật giáo của một Huynh trưởng, một Phật tử để cải trang áo quần theo khả năng, chức vụ đã được thực tập. Một Quân nhân cải trang được cấp một thẻ Huynh trưởng Tăng viện, bảo vệ bàn thờ Phật do ban Bảo vệ tranh đấu tỉnh Thừa thiên-Huế ký. Được mang theo một Col (súng lục), lựu đạn loại đặc biệt giấu thật kín, đúng 21g30 có mặt tại cầu An Hoà, các Đ/v Trưởng cho thi hành công điện mật số 152 lúc 10g30, 11/6/1966 mọi phương tiện chi tiết đã nêu rõ. Sau tiếng còi báo động kéo dài 2 phút bắt đầu rải quân, một bàn thờ 2 Quân nhân, dẩn đầu giới thiệu là một Huynh trưởng cựu trào  có uy tín nhất ở thành phố Huế. Có đầy đủ giấy tờ xác nhận lý do là để tăng viện bảo vệ bàn thờ Phật.

 

Từ An Hoà chạy dài đường Trần Hưng Đạo, bờ sông Hương, cầu Trương Tiền, Lê Lợi, xuống An Cựu, những trục lộ chính trước, rải xong quân báo về TNCS. Một tiếng còi báo động kéo dài trong 5 phút. Tất cả các hệ thống điện đều tắt. Cảnh sát ném lựu đạn cay tạii chỗ, hai Quân nhân TĐ2/3 nổ súng liên tiếp yểm trợ, phá huỷ tất cả các bàn thờ. Người chết, bị thương, bắt sống liệng lên xe chở về lao Thừa Phủ nhốt tại đó, không để sót bất cứ một ai lai vãng trên đường phố. Phá vỡ tận cùng hang ổ, không cần lý do. Tuyệt đối chấp hành công điện nói trên. 24 giờ báo cáo sơ khởi để trình lên thượng cấp.

 

1giờ 30 tấn công ra Quảng Trị có 2 khu trục cơT41,M113 dẩn đầu, 3 Đại đội CSDC do Thượng sĩ Dương Văn Thái trực tiếp chỉ huy, thẳng tay triệt hạ tất cả các bàn thờ trên trục lộ giao thông. Những kháng cự và khả nghi đều được bắt đến giam tại trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Đặc khu An-pha cửa Thượng Tứ chịu trách nhiệm như trong phiên họp mật lúc 8g20.11.6.1966 tại Thành nội Huế đã ký nhận thi hành.

                                                          Stoops baos nhaanv

                                                          15g05/13/6/1966



Chú thích bài viết


[1]Tên thật là Lê Quý Quang, (1926-2002), thọ Sa Di Bồ Tát Giới, Pháp danh Tâm Thành, tự Thanh Tịnh, 

[2]Năm 1966 thầy Thiện Tấn chưa thọ giới Tỳ kheo giới nên còn dùng Pháp danh Tâm Dũng, thế danh là  Thái Tăng Dũng. Sau năm 1968, Tâm Dũng thọ Tỳ-kheo giới và được đặt Pháp hiệu Thích Thiện Tấn từ đo. 

[3]Sau nầy tôi được biết thầy Thích Thiện Tấn bị tình nghi dính dấp đến một vụ án chống chính quyền Cách mạng cùng với các tu sĩ TS, LMT, TH.v.v.nên đã bị tù khá lâu. Có lẽ vì thế mà các tu sĩ  ở chùa Tuyền Tôn lúc ấy ngại nhắc đến tên thầy Thiện Tấn chăng ?

[4]Có nhiều huynh trưởng Gia đình Phật tử cho tôi biết thầy Chánh Trực phụ trách Thanh niên gồm các đoàn thể Thanh niên Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng Đạo Phật tử, Gia đình Phật tử.v.v.Tuyên úy Sư đoàn I là Đại đức Thích Chánh Liêm. 



Chú thích phụ lục



[1]Tổng nha Cảnh sát quốc gia/kiem Cục trưởng An ninh quốc gia/hành quân//chống trả biểu tình/

[2]  Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 3/hành quân/chống trả biểu tình

[3]  Tổng nha Cảnh sat/ Tin mật/

[4]  Tham chiếu quyết định số  182/Tổng nha Cảnh sát quốc gia/DTM/Quân sự

[5]  Tham chiếu BĐT số 2050/Bộ Tổng Tham  mưu/ Quan sự

[6]  Bộ Tư lệnh/Sư đoàn 1/ Bộ binh/ Hành uân/ P2/ Mật lệnh1

[7]Tiểu đoàn 2/ 3 Đài Alfa/ Cửa Thượng tứ Huế

[8]  Bộ Tư lịnh/Sư đoàn 1/ Bộ binh/ Hành quân/P2/ Mật lệnh 1

[9]  Tham chiếu/ Công điện số 205 / Bộ Tư lịnh/ Quân đoàn 2/ P2/ mật lệnh 1

[10]Tổng nha cảnh sát quốc gia/Kiêm Cục trưởng An ninh quân đội/ hành quân/chống trả bieeyr tình.

[11]  Đài Alfa cửa Thượng Tứ// Trung tâm Cảnh sát dã chiến// Trung tâm lao Thừa Phủ Huế/ và các đơn vị liên quan  Ty Cảnh sát Thừa Thiên. 

[12]Tổng nha cảnh sát quốc gia/Kiêm Cục trưởng An ninh quân đội/ hành quân/chống trả bieeyr tình.

 

[13]   Sư đoàn 1/Bộ binh/ Mật báo/P2/Mật lệnh 1

[14]  Cục An ninh quân đội/ Hành quân/Chống trả biểu tình

[15]   Đài Alfa cửa Thượng tứ Huế

[16]   Sư đoàn 1/Bộ binh/ Mật báo/ P2/ Mật lệnh 1

[17]   Tham chiếu Công điện số 2058//Cục An ninh điều tra/Quân số/Điều tra

[18]Sư đoàn 1/Bộ binh//An Ninh/Mật báo/Thám báo/Mật lệnh 1

[19]Đặc khu Alffa cửa Thượng tứ Thành phố Huế - Tiểu đoàn 2/3 Bộ binh/ An ninh Thành phố Huế

[20]An ninh/Mật báo/Thám báo/ Mật lịnh

[21]Tổng Nha Cảnh sát quốc gia /Kiêm Cục trưởng An Ninh quân đội/hành quân/chống trả biểu tình

[22]Đặc khu Alfa cửa Thượng tứ Huế//Tiểu đoàn 2/3/ hành quân/Biệt phái Thành phố Huế 

[23]Trung tâm thực tập Cảnh sát Dã chiến/ /Phong điền Thừa Thiên/Trung tâm lao Thừa Phủ/Đại đội vận tải

[24]Ty Cảnh sát Thừa Thiên Huế

[25]Tổng Nha Cảnh sát quốc gia /Kiêm Cục trưởng An Ninh quân đội/hành quân/chống trả biểu tình


Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân

Bình luận (4)

Xin đảnh lễ những người đã vì cuộc đời, vì sinh mệnh của hàng ngàn người vô tội mà đã xử lí, đối phó một cách khôn ngoan và khoa học bức mật điện số 153 lúc 14h10 ngày 13/6/1966 của chế độ Thiệu - Kỳ
Nguyễn Thành Với ( 03/05/2016 10:34:33)
Xin đảnh lễ những người đã vì cuộc đời, vì sinh mệnh của hàng ngàn người vô tội mà đã xử lí, đối phó một cách khôn ngoan và khoa học bức mật điện số 153 lúc 14h10 ngày 13/6/1966 của chế độ Thiệu - Kỳ
Nguyễn Thành Với ( 03/05/2016 10:33:56)
Cảm ơn tác giả nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cung cấp nguồn sử liệu chuẩn xác, dù hơi muộn, nhưng là thêm một bằng chứng để vạch trần sự tàn ác của chế độ Ngô Đình Diệm với đồng bào Phật tử và với nhân dân ta.
Toàn Diện ( 20/06/2011 22:41:39)
Đây là một tư liệu lịch sử rất hay, hôm nay mới được công bố. Qua đây, nhân dân ta, đồng bào ta và các Phật tử nước nhà mới thấy được sự "ưu ái, nhân đạo" của chế độ Diệm dành cho đồng bào Phật tử....
Bạn Đọc ( 15/06/2011 12:11:25)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp