Ven bờ đê sông Đuống là một vùng nông nghiệp thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, ngoại thành Hà Nội. Nơi đây có làng Quán Tình. Người dân làng Quán Tình quanh năm vẫn còn chân lấm tay bùn, sống mộc mạc hiền hòa bên dòng sông quê, dưới lũy tre làng…
Trải qua thời chiến tranh, ngôi chùa cổ trong làng đã bị tàn phá gần hết, tượng Phật đã bị đem chôn, chỉ còn một ngôi nhà Tổ rộng khoảng 70m2 trên diện tích đất chỉ rộng khoảng vài trăm mét vuông, được sử dụng làm nơi hội họp của làng, làm hợp tác xã dệt thảm len… Bấy giờ, hỏi chùa Quán Tình thì ít ai biết, nhưng nói đình Quán Tình thì sẽ có nhiều người hay.
Do có bà con ở tại làng Quán Tình, nên sư cô Thích Nữ Liên Vi đã thỉnh thoảng lui tới thăm viếng trong những lần ra Bắc và đã kết duyên đạo với các bà con Phật tử ở vùng này từ năm 1999. Cảm mến sư cô, dân làng đã đồng lòng cung thỉnh sư cô trụ trì ngôi chùa Quán Tình của làng, để tiếng mõ sớm chuông chiều được khơi dậy trên làng quê và để trùng tu lại ngôi đạo tràng đã đổ nát. Chùa Quán Tình lúc bấy giờ nằm kề bên cạnh đình làng, ngay sát một ao nước sâu:
…Chùa mình nay đã khang trang
Làm sao quên buổi cơ hàn năm xưa,
Gian lao nói mấy cho vừa
Trăm cay ngàn đắng, sớm trưa dãi dầu,
Chùa nghèo nằm cạnh ao sâu
Tường xiêu, mái dột, cơ cầu lắm thay!
Chúng con van vái đêm ngày
Mong sao gặp được bậc thầy chân tu…
(Trích bài Thầy Về Làng của cụ Nguyễn Thị Quạt
làm tặng thầy Vi đầu năm 2009)
Trông cảnh ngôi đạo tràng của Tam Bảo đang suy, nhận thấy những tấm lòng thiết tha vì đạo của dân làng, nên sư cô Vi đã nhận lời và bắt đầu kết hợp cùng dân làng kiến thiết lại ngôi chùa Quán Tình. Đầu tiên là lấp ao mở đất rộng thêm hơn 3000m2, kế đến là xây chánh điện rộng khoảng 500m2, xây nhà Tăng và nhà Cửu Huyền (nhà Mẫu) đối xứng nhau và đều rộng khoảng 300m2, sau đó làm sân chùa, làm cổng Tam Quan, xây khu vườn tháp thờ các đời trụ trì, xây nhà bếp rộng hơn 200m2, xây đài Quan Âm lộ thiên cao khoảng 4m và làm bờ kè… Do công đức của sư cô Liên Vi cùng toàn thể dân làng, với sự đóng góp về vật chất và tinh thần của chư tôn đức Tăng, Ni cùng Phật tử gần xa, ngôi chùa tàn tạ năm nào nay đã lột xác thành một ngôi đạo tràng Tam Bảo nguy nga bên bờ đê sông Đuống!
Một góc toàn cảnh chùa
Ứng theo tên làng, mọi người thường tạm gọi ngôi chùa này là chùa Quán Tình. Đến giữa năm 2004, theo đề nghị của Ban Quản lý Di tích chùa Quán Tình và Ban Chấp hành Hội Người Cao Tuổi làng Quán Tình, tên chùa đã được đặt là Ngọc Quán Tự và đã được sư cô Vi cho đắp lên cuốn thư dựng trên nóc chùa trước khi lợp ngói.
Cảnh tiền đường chánh điện
Về sau, khi đào được một tấm bia cổ trong quá trình xây dựng, thì mọi người mới biết ngày xưa chùa có tên là Thái Linh Quán Tự. Trong bài Thầy Về Làng, cụ Nguyễn Thị Quạt đã tường thuật vắn tắt lại những sự kiện khó quên này:
…Thế là Thầy vội bắt tay
Thiết kế bản vẽ, lên ngay sơ đồ
Hợp đồng thợ mộc, thợ hồ
Ép cọc, đúc móng, quy mô công trình
Tiền đường hình dáng chữ đinh,
Hậu cung bát giác thắm tình Bắc Nam...
Thái Linh ngày trước thăng trầm,
Ngày nay Ngọc Quán uyên thâm lý mầu:
Bát giác – chính đạo cao sâu
Bốn cột – tứ chúng, công lao tín đồ
Chữ Quán địa danh làng xưa,
Chữ Ngọc ý nghĩa phúc thừa dân ta…
Các cụ đang dâng hương cúng Tam Bảo trong tiền đường trước ngày khánh thành |
Về phần kiến trúc mỹ thuật của Ngọc Quán đã mang dấu ấn của thời đại, thể hiện sự quan tâm của sư cô đến mỹ thuật Phật giáo. Các pho tượng, hoành phi, câu đối, cửa võng, phù điêu, sân vườn, cây cảnh đều rất đẹp, hài hòa… Muốn thực hiện được điều này, sư cô đã tìm hiểu đặc điểm của từng làng nghề truyền thống nổi tiếng đương đại ở phía Bắc, phía Nam, sau đó tìm người có đạo tâm để ký hợp đồng giao việc. Sư cô đã về Ninh Bình đặt làm cột đá, đỉnh hương, đèn đá… về Hà Tây liên hệ làm mộc, về Bắc Ninh đặt làm cửa võng, hoành phi, câu đối…
Qua 9 năm thi công kiến thiết, sáng ngày mùng 8 tháng 3 năm Tân Mão, nhằm ngày 10-4-2011, Ngọc Quán Tự khánh thành. Một góc miền làng quê bên sông Đuống tưng bừng như ngày hội. Nào cờ, nào hoa, nào áo mới tinh tươm, nào nụ cười tươi thắm mọi người đã dành tặng cho nhau khi về mừng chùa làng khánh thành. Sư cô Vi cùng Ban Tổ Chức Đại Lễ đã thiết kế một lễ đài hoành tráng ở trước chánh điện, cũng chính ngay nơi mà ngày xưa là ở giữa một ao nước sâu hơn 3m.
Toàn cảnh đại lễ
Về chứng minh đại lễ có sự hiện diện của chư tôn đức Tăng, Ni sau :
· Hòa thượng Thích Giác Toàn, phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phó thường trực Hội Đồng Giáo Phẩm Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam.
· Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, ủy viên Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
· Thượng tọa Thích Thanh Nhã, phó Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội, Viện chủ chùa Trấn Quốc.
· Thượng tọa Thích Giác Mạnh, trụ trì tịnh xá Ngọc Hội, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.
· Sự hiện diện tinh thần của hòa thượng Thích Giác Ngộ, Chứng minh Đạo sư Phật giáo Khất Sĩ, viện chủ tịnh xá Ngọc Thiền - Đà Lạt, do đệ tử ngài là đại đức Thích Minh Bình thay mặt …
· Bên Ni giới Khất Sĩ có quý Ni trưởng Tân Liên, Minh Liên, Chiêu Liên, Nhã Liên, Phục Liên, Phát Liên (ở Quảng Ngãi) và Ni sư Thẩm Liên… đều là hàng giáo phẩm lãnh đạo Ni giới Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam.
· Bên Ni giới Bắc tông có sự hiện diện của Ni trưởng Đàm Kim, viện chủ chùa Hoàng Mai, quận Hoàng Mai, vị Ni trưởng đứng đầu Ni bộ ở miền Bắc; và Ni sư Đàm Lan, trưởng Ban Đại Diện Phật giáo quận Long Biên, Hà Nội, cùng nhiều vị Ni sư khác...
· Cùng hơn 170 chư tôn đức Ni Khất Sĩ và hơn 50 chư tôn đức Ni Bắc tông
Về phía quý khách lãnh đạo các cơ quan chính quyền, có sự hiện diện của quý vị:
· Ông Lê Văn Cửu, Phó Giám đốc Bộ Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo thành phố Hà Nội.
· Ông Đỗ Văn Tiêu, Phó phòng Công An quận Long Biên.
· Ông Nguyễn Đức Sơn, phó Ủy Ban Nhân Dân phường Giang Biên…
Cùng nhiều vị làm việc ở quận, phường, rất đông Phật tử ở Hà Nội và bà con dân làng Quán Tình đã trở về tham dự. Nhân dịp này, nhiều đoàn Phật tử từ miền Nam cũng đã ra dự lễ khánh thành và tham quan miền Bắc…
Cuộc lễ đã diễn ra rất trang nghiêm dưới tài dẫn chương trình khéo léo của sư cô Hợp Liên. Trước cử tọa đông đảo, mọi việc kiến thiết đạo tràng đã được sư cô Liên Vi báo cáo rất chi tiết:
· Ngày 10-11al-2002, họp dân làng bàn thống nhất lấp ao.
· Ngày 25-10al-2003, đại lễ đặt đá trùng tu.
· Ngày 10-02al-2004, chính thức khởi công ép cọc bê-tông cất chánh điện.
· Ngày 01-04al-2004, cất nóc thượng lương.
· Ngày 15-05al-2004 bắt đầu lợp ngói.
· Tháng 8al- 2004 xây xong chánh điện.
Và cuối năm 2005 xây nhà Tăng, cuối năm 2006 xây nhà Mẫu (trong Nam thường gọi là nhà Cửu Huyền), giữa năm 2008 làm sân, đến cuối năm 2008 làm cổng Tam Quan, qua giữa năm 2009 xây khu vườn tháp theo truyền thống chùa miền Bắc.
Đầu năm 2010 xây nhà bếp, xây đài Bồ-tát Quan Âm và làm kè bờ ao. Gần 1 năm sau, vào ngày 8-3al-2011, long trọng cử hành đại lễ khánh thành chùa…
Từ khi lấp ao mở đất đến khi khánh thành, một công trình kiến thiết đạo tràng kéo dài 9 năm, sư cô Liên Vi và dân làng đã vất vả biết bao. Công trình này đã ghi dấu sự hội tụ đầy đủ của thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Công trình này tốn kém gần 4,1 tỷ đồng, đến ngày khánh thành còn nợ 502 triệu đồng, ấy là những con số cụ thể, còn rất nhiều đóng góp vật chất không nhỏ khác chưa thể liệt kê được…
Dân làng ngồi nghe rất chăm chú và phấn khởi, không ít người chụm đầu bàn tán thì thào trong khi thầy Vi của họ đứng trên lễ đài đọc bản báo cáo. Niềm vui chung của mọi người được bộc lộ rất rõ ràng. Trong bài Tỏa Ngát Hương Sen làm tặng thầy Vi nhân dịp mừng lễ khánh thành chùa Ngọc Quán, cụ Hỏa đã viết hai câu tâm sự như nói thay cho tấm lòng của bao người dân làng Quán Tình:
Chín năm đằng đẵng biết bao
Cơ ngàn gian khó, tự hào thầy ơi!
Hai tiếng “Thầy ơi!” này chắc đã và sẽ mãi mãi làm ấm lòng sư cô Liên Vi trước những gió bão lạnh lẽo của cuộc đời. Thượng tọa Bảo Nghiêm, trưởng Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, đã ký quyết định bổ nhiệm sư cô trụ trì. Vì Phật sự đa đoan, nên thượng tọa chỉ đến thăm và tặng quà chúc mừng vào trưa ngày hôm trước.
Đến ngày khánh thành, thượng tọa Thanh Nhã, phó BTS THPG thành phố Hà Nội đã đại diện BTS trao quyết định bổ nhiệm trụ trì cho sư cô Liên Vi. Chư tôn đức Tăng, Ni và quý khách tham dự lễ đã lần lượt lên tặng quà chúc mừng sư cô Liên Vi, vị đương kim trụ trì chùa Ngọc Quán.
Những tràng vỗ tay không ngớt vang dậy, những cánh chim bồ câu tung cánh bay cao, những bong bóng đủ màu lơ lửng bay lên bầu trời… thật là một đại lễ quá lớn đối với những người dân làng nơi đây!...
Ni Trưởng Thích Nữ TÂN LIÊN trao 117 Triệu đồng
Bát cơm xin khắp ngàn nhà,
Tấm thân đơn độc bước xa dặm trường,
Chỉ vì sinh tử vô thường
Xuân Thu qua lại hoằng dương độ đời.
Dẫu thiết tha với tâm nguyện đó, nhưng thực tế đã chẳng đơn giản chút nào. Trước gần 1000 người tham dự lễ, sư cô Liên Vi đã nghẹn ngào tâm sự trong bài phát nguyện:
“…Chẳng quản tài hèn sức mọn, con đã cố gắng hết sức mình. Nơi đất khách quê người, một thân một mình với hai bàn tay trắng, qua một cuộc sống có quá nhiều lo toan, với nhiều phong tục tập quán khác biệt, thêm khí hậu cũng khác hẳn trong Nam… nên có nhiều lúc con như sắp ngã gục trên con đường chông gai. Ôi, biết bao nghịch cảnh trái oan, con một thân một mình như cành mềm đứng trước phong ba bão tố!...
Rồi có nhiều lúc con đã nhắm mắt xuôi tay, trôi nổi lênh đênh mặc cho thế sự xoay vần. Nhờ ơn trên chư Phật, đức Tổ sư, chư Bồ-tát, chư tôn đức Ni lãnh đạo Ni giới Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam cùng chư Thiên, Long thần, Hộ pháp từ bi gia hộ và biết bao ân nhân gần xa giúp đỡ, mà con có được nghị lực trụ đến hôm nay, để xây dựng xong ngôi đạo tràng, thành một nơi tu học xiển dương chánh pháp ở nơi đây…”
Vâng, mọi người rất thông cảm với những gian khổ mà sư cô đã trải qua. Bây giờ, tất cả mọi vất vả như đã qua đi.
Làng ngày nay đã có chùa, có thầy. Cảnh thanh bình ấm cúng của một ngôi già-lam ở vùng quê đã được cụ Nhiếp mô tả thật đơn giản:
Thầy về sớm tối kệ kinh
Tiếng chuông, tiếng mõ… dân làng yên tâm!
Cuộc sống là thế, Đông qua Xuân tới, kế là Hạ về Thu sang… Sự sanh diệt không ngừng của các pháp thì có gì để vị khất sĩ phải bận lòng? Những gì cần làm thì đã làm, đang làm, làm vì Tam Bảo, làm vì chúng sinh… Tuy làm nhưng vô trụ, chỉ là theo nhân duyên mà các vị khất sĩ đang đi qua miền Hà Nội, thế thôi!...
(Chân thành tri ân sư cô Liên Vi và Phật tử Chánh Thường đã cung cấp nhiều thông tin và hình ảnh. Cảm tạ các cụ trong làng vì những bài thơ mộc mạc và rất ý nghĩa mà tác giả đã mạn phép sử dụng trong bài viết này).
KS. Minh Bình
Chú thích: (*) Tiêu đề do TG & DT đặt