đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo - Thời đại

18:52 20/06/2011

TT Chơn Không: Giữ gìn Phật tử là mục tiêu chính của “Phật hóa gia đình”

Mục tiêu hàng đầu vẫn là giữ vững tín tâm của con em, đệ tử mình, giữ vững kết quả Phật hóa gia đình, tức là sao cho chẳng những các em, các cháu mình không bỏ đạo Phật, mà phải thuyết phục được người hôn phối quy y, thọ giới, trở thành Phật tử, hơn nữa, là Phật tử thuần thành, siêng năng đi chùa lễ Phật, tạo tác thiện nghiệp…

Phattuvietnam.net có cuộc trao đổi ý kiến với Thượng tọa Thích Chơn Không, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, về những vấn đề xung quanh chương trình Phật hóa gia đình do Thượng tọa soạn thảo và đệ trình.


Tiếp tục loạt bài Phật sự hôm nay, hướng đến Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2011, với chủ đề “Phật hóa gia đình và đạo đức xã hội”, sau đây, chúng tôi có cuộc trao đổi ý kiến với Thượng tọa Thích Chơn Không, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, về những vấn đề xung quanh chương trình Phật hóa gia đình do Thượng tọa soạn thảo và đệ trình.


Cư sĩ Minh Thạnh (CSMT): Bạch Thượng tọa, chương trình Phật hóa gia đình hướng đến mục tiêu 100% thành viên trong gia đình quy y Tam bảo, 100% thọ ngũ giới đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên… Như vậy, nếu trong hôn nhân, gia đình có thành viên chuyển sang tôn giáo của phía hôn phối, hoặc trong gia đình có con dâu hay con rể là người vẫn giữ tôn giáo khác, thì gia đình đã được đạt chuẩn Phật hóa gia đình có còn giữ được chuẩn?


Thượng tọa Thích Chơn Không (TTTCK): Tiêu chuẩn Phật hóa gia đình đã rất rõ ràng, vậy nếu có những thay đổi như đạo hữu vừa nêu ra, thì chắc chắn không thể coi là đạt chuẩn nữa.


CSMT: Bạch Thượng tọa, như thế, thì ngoài mục tiêu hướng tới Phật hóa gia đình đạt chuẩn 100% quy y, thọ giới, Phật giáo chúng ta còn phải luôn coi trọng mục tiêu giữ vững kết quả đã đạt được đối với từng gia đình cụ thể. Vậy, suy ra, một trong những mục tiêu lớn của hoạt động Phật hóa gia đình là giữ gìn Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc?


TTTCK: Đương nhiên phải là như vậy. Cuộc sống luôn luôn là sự vận động không ngừng. Do đó, Phật sự phải luôn có sự thích ứng với cuộc sống. Không phải cấp xong giấy chứng nhận Phật hóa gia đình là thầy trụ trì có thể yên tâm rằng gia đình đó chắc chắn sẽ giữ vững mãi mãi kết quả đã đạt được.


Thầy trụ trì, người giữ vai trò nòng cốt trong chương trình Phật hóa gia đình, phải luôn luôn bên cạnh các gia đình đã được Phật hóa, kịp thời quan tâm hỗ trợ khi có vấn đề đối với thành quả Phật hóa gia đình.


Các bậc phụ huynh trưởng thượng trong gia đình có trách nhiệm phải theo sát con cháu mình, và khi phát hiện thấy vấn đề ảnh hưởng đến việc Phật hóa gia đình mình, thì phải thông báo với thầy trụ trì, hoặc vị bổn sư, để kịp thời có biện pháp giải quyết, nhằm giữ gìn kết quả Phật hóa gia đình 100%.


Nếu toàn bộ gia đình đã Phật hóa, nhưng vì lý do nào đó, một thành viên trong gia đình chuyển sang tôn giáo khác, hoặc chỉ có một hai thành viên trong gia đình không quy y, thọ giới, thì đó là điều hết sức đáng tiếc.


CSMT: Bạch Thượng tọa, chương trình Phật hóa gia đình đã được triển khai thử nghiệm ở chùa Thiên Tôn, quận 5, TPHCM trong thời gian qua. Vậy Thượng tọa có thể chia sẻ một số kinh nghiệm  trong quá trình thực hiện chương trình. Tiến đến chuẩn Phật hóa gia đình và giữ vững chuẩn Phật hóa gia đình, thưa thượng tọa, quá trình nào là khó khăn hơn?


TTTCK: Kinh nghiệm thì có thể chia sẻ với đạo hữu hàng tuần, hàng tháng không hết, vì mỗi gia đình là một trường hợp để chúng ta cùng tinh tấn trong Phật sự, với đủ mọi hoàn cảnh, mọi diễn biến phức tạp mà cuộc sống mang tới.


Tuy nhiên, theo đạo hữu, quá trình Phật hóa gia đình hay quá trình giữ vững kết quả Phật hóa gia đình là khó khăn hơn?


CSMT: Bạch Thượng tọa, con nghĩ là việc giữ vững kết quả Phật hóa gia đình, tức là giữ gìn tuyệt đối tín tâm người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc, là khó khăn hơn, vì thời gian của quá trình này là không hạn định. Rất có thể sau 10, 15 năm lại xảy ra “sự cố”, mà thầy trụ trì và các bậc trưởng thượng trong gia đình phải cùng nhau phối hợp, dồn hết tâm lực để giải quyết.


TTTCK: Đúng vậy đó đạo hữu. Ở nhiều gia đình, tiến đến đạt chuẩn Phật hóa gia đình là điều không khó.


Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ theo đạo Phật thì con cái cũng sẽ theo đạo Phật. Gia đình đạt ngay chuẩn Phật hóa gia đình. Thêm em bé nào ra đời là thầy tổ chức quy y ngay cho bé ấy.


Ngày cháu bé thôi nôi trong các gia đình đã đạt chuẩn Phật hóa gia đình cũng là ngày cháu bé trở thành người Phật tử.


Nhưng khi các em, các cháu trưởng thành, thì vấn đề giữ vững tín tâm trở nên phức tạp hơn. Có tôn giáo đòi hỏi người phối ngẫu với tín đồ phải cải đạo sang tôn giáo của họ. Đây là sự khởi đầu của một tiến trình thuyết phục khó khăn, lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi cả thầy trụ trì lẫn các bậc trưởng thượng trong gia đình quyết tâm, kiên nhẫn, khéo léo.


Tất nhiên, mục tiêu hàng đầu vẫn là giữ vững tín tâm của con em, đệ tử mình, giữ vững kết quả Phật hóa gia đình, tức là sao cho chẳng những các em, các cháu mình không bỏ đạo Phật, mà phải thuyết phục được người hôn phối quy y, thọ giới, trở thành Phật tử, hơn nữa, là Phật tử thuần thành, siêng năng đi chùa lễ Phật, tạo tác thiện nghiệp…


Nếu cô dâu hoặc chú rể không trở thành Phật tử, thì coi như nhà chùa và gia đình đã thất bại trong hoạt động giữ gìn kết quả Phật hóa gia đình.


CSMT: Bạch thượng tọa, quá trình triển khai thử nghiệm chương trình Phật hóa gia đình ở chùa Thiên Tôn đạt kết quả ra sao?


TTTCK: Tất nhiên, việc không giữ được thành quả Phật hóa gia đình cũng có.


Tuy nhiên, ở đây, phải thấy 2 hoạt động diễn ra song song:


-    Thất bại khi em cháu trong gia đình mình, đệ tử chùa mình phải cải sang đạo khác hoặc là con dâu con rể vẫn không quy y, thọ giới.

-    Được coi là thành công khi thuyết phục được con dâu, con rể từ đạo khác quy y thọ giới, trở thành Phật tử. Như vậy, là chẳng những thành quả Phật hóa gia đình được giữ vững, mà nhà chùa và gia đình còn hóa độ được thêm Phật tử.


Ở chùa Thiên Tôn, số trường hợp thành công theo như so sánh kể trên nhiều hơn. Nhiều gia đình tất cả con dâu, con rể đều trở thành Phật tử, và thế hệ cháu nội, cháu ngoại cũng vậy. Ngày rằm, mùng một cả đại gia đình thuê xe 12 chỗ đến chở tất cả mọi người ông bà cha mẹ con cháu cùng đi chùa rất đông vui.


CSMT: Luôn luôn phải chịu áp lực giữ vững kết quả Phật hóa gia đình, chắc chắn người trụ trì, nếu triển khai chương trình Phật hóa gia đình, phải luôn luôn căng thẳng với những trường hợp như thế?


TTTCK: Đã chọn con đường phục vụ chúng sinh thì mình phải hy sinh thôi. Kinh nghiệm là khi biết các cháu trong gia đình đã lớn, thầy trụ trì phải nhắc nhở các bậc phụ huynh về việc theo sát các cháu trong quan hệ tình cảm suốt quá trình đi đến hôn nhân.


Phật giáo không yêu cầu người Phật tử chỉ lập gia đình với người cùng tôn giáo, nhưng người Phật tử giữ vai trò trưởng thượng và nhà chùa cũng cần xem những trường hợp phải giữ vững kết quả Phật hóa gia đình là những trường hợp tu trì hạnh hóa độ chúng sinh.


Phật giáo không ép buộc theo đạo, cũng như không ép buộc giữ đạo, nhưng Phật giáo cũng yêu cầu người Phật tử trưởng thượng, thầy bổn sư, thầy trụ trì phải thân giáo, khẩu giáo, ý giáo với con em, đệ tử mình, hướng chúng giữ vững tín tâm, khi lập gia đình thì đưa cả gia đình quy ngưỡng Phật pháp, luôn luôn tinh tấn tiến thêm một bước trong việc Phật hóa gia đình.


Khi có trường hợp phía Phật tử báo với thầy trụ trì là trong gia đình nảy sinh vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả Phật hóa gia đình, thì thầy trụ trì phải quan tâm đến việc gia tăng giáo hóa đối với gia đình đó, dành sự  chú ý đặc biệt, xem gia đình như thế là những gia đình trọng điểm trong chương trình Phật hóa gia đình.


Thầy trụ trì phải đặt mình ở vị trí là người hướng dẫn tinh thần, là bậc trưởng thượng về phía tín ngưỡng tâm linh đối với mọi người trong gia đình, đặc biệt là đối với các em cháu đến tuổi trưởng thành. Trách nhiệm của người thầy trụ trì đối với các em, các cháu trong tương lai sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cũng nặng nề như trách nhiệm cha mẹ các em, các cháu đối với sự trưởng thành của các em, các cháu.


Người thầy, trong Phật sự hướng dẫn Phật tử, phải luôn luôn bồi đắp cho các em các cháu lòng yêu đạo Phật, niềm tự hào của đạo Phật, để em mình, cháu mình gắn bó ngày càng mật thiết với đạo Phật. Đó là cơ sở để giữ gìn kết quả Phật hóa gia đình, giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống của dân tộc.


CSMT: Xin chân thành cảm ơn Thượng tọa về cuộc trao đổi ý kiến hôm nay. Kính mong Thượng tọa tiếp tục dành những buổi chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong Phật sự Phật hóa gia đình. Câu cuối cùng xin được hỏi là thượng tọa có nhận xét và góp ý gì đối với trang tin Phattuvietnam.net?


TTTCK:Thầy là một bạn đọc thường xuyên của Phattuvietnam.net. Thầy nhận thấy trang tin đã có nhiều đóng góp quan trọng trong Phật sự, đặc biệt trong hoạt động hướng dẫn Phật tử. Nhiều tin, bài ý kiến phản hồi của Phật tử đăng trên trang tin đã giúp cho các thầy hiểu hơn về các Phật tử, giúp định hướng tốt hơn trong việc hoạch định Phật sự hướng dẫn Phật tử.


Thầy mong trang tin sẽ chú ý nhiều hơn nữa đến việc cung cấp những cách nhìn toàn diện đối với Phật sự, như đã làm rất có kết quả trong thời gian qua.


Riêng thầy và thầy nghĩ quý tôn đức hòa thượng, thượng tọa, tăng ni Phật tử đều muốn nghe nhiều, đọc nhiều những ý kiến phản biện.


Chỉ có những luận điểm, ý kiến tán thán, ghi nhận thành tích thì chỉ làm vui lòng người đọc, nhưng không giúp ích nhiều cho Phật sự, không góp phần tích cực trong việc giải quyết vấn đề luôn luôn nảy sinh. Thầy nghĩ rằng trang tin Phattuvietnam.net có khả năng, có thuận lợi thực hiện tốt hơn nữa việc truyền thông phản biện.


CSMT: Xin cảm ơn về những lời góp ý, chỉ bảo của thượng tọa.


Theo Minh Thạnh/nguồn link: phattuvietnam.net

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp