đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo - Thời đại

23:11 20/06/2011

Đề án Đại lễ cầu siêu Trai đàn bạt thủy trên dòng sông Thạch Hãn (tháng 08/2011)

(TG&DT) - Chúng ta muốn gởi gắm đến hàng triệu Anh linh oan hồn tử nạn chiến tranh đã vĩnh viễn nằm lại trên dòng sông Thạch Hãn, rằng thế hệ hôm nay chúng ta luôn khắc ghi vào lòng mình niềm tri ân vô hạn đối với các Anh. Để cả hai đàn pháp cùng lúc được dựng lên, và đàn Bạt Thuỷ dựng được trên sông với số lượng tu sĩ và người tổ chức quả thật phải cần đến một kinh phí nhất định mới trang trải được.
ĐỀ ÁN ĐẠI LỄ CẦU SIÊU

TRAI ĐÀN BẠT THUỶ TRÊN DÒNG SÔNG THẠCH HÃN

TỈNH QUẢNG TRỊ

 

I – LÝ DO LẬP ĐÀN.


Sống giữa quê hương Việt Nam, trải qua hai cuộc chiến khốc liệt, thế hệ cha ông và thầy tổ chúng ta từng chịu không biết bao nhiêu thảm cảnh hoang tàn điêu linh. Hoà bình lập lại, nhưng ai dám bảo là đủ lâu dài để quên đi vết thương chiến tranh trên thịt da quê mẹ?


Dù ở tận phương trời xa, khi nghe cái tên hàng rào Macnamara là người ta liên tưởng ngay đến Quảng Trị với đôi bờ Bến Hải làm ranh giới chia cắt. Quý vị nếu chỉ một lần trên Quốc lộ Bắc Nam, đi ngang Quảng Trị sẽ nhìn thấy hình ảnh chiếc cầu Hiền Lương còn đó như nhắc nhớ chúng ta đừng vội quên đất nước một thời nhức nhối thương đau. Rồi chiến khu Ba Lòng, nhà tù Lao Bảo và Địa đạo Vĩnh Mốc.v.v. những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, nhưng cũng thấm thía nỗi mất mát nghiệt ngã của bao nhiêu thế hệ cha ông đã ngã xuống.


          Là người Quảng Trị chúng tôi càng thấm sâu hơn nỗi kinh hoàng của chiến tranh, nghiệt ngã và dai dẳng. Biến cố năm 1972, đã khiến hàng ngàn người dân Quảng Trị phải bỏ mình vì tháo thân chạy loạn. Đau thương những năm tháng này khó phai nhoà trong ký ức người dân vùng đất Quảng. Trên mảnh đất này, hàng triệu chiến sĩ đã ngã xuống, dòng sông Thạch Hãn làm mồ chôn tập thể. Có lẽ thấm thía những nỗi đau này mà người Quảng Trị ngày đó đã thốt lên:


                   “Đây Đại Lộ Kinh Hoàng, ghi lắm cảnh tang thương, muôn thủa khôn phơi niềm tủi hận.

                  “Nọ dòng sông Bến Hải, khơi bao nguồn sóng gió, ngàn năm luống chạnh nỗi phân ly".


Kẻ ngược vào Nam nhớ thời tao loạn, thương quê mình bom đạn thiêu người, ngậm ngùi đất khách vá áo chép kinh. Mãnh áo thư sinh, sân trường Nguyễn Hoàng bụi mờ thời gian… Cửa thiền bặt dấu, thân gầy áo nâu, dòng sông cũng im tiếng gọi đò đưa khách dừng chân Chùa Phật Học. Hoang phế ngôi Bồ Đề xưa giờ là chứng tích duy nhất của chiến cuộc Trị Thiên còn lại.

Người xuôi về Bắc ai nhắc đến chiến truờng xưa mà không khỏi ngậm ngùi nhớ một Khe Sanh bên nắng đốt …của vùng đông Trường Sơn với trận địa Hạ Lào ác chiến. Chân quê áo vải, thương người mẹ Do Linh hình ảnh liệt nữ buổi thư hùng; còn đây dấu tích một Thành Cổ máu xương trộn lẫn vào đất mẹ hoà non sông viết nên thiên Sử.

Và giờ đây, cái thông tin “Hy sinh ở chiến trường miền Nam” của hàng ngàn gia đình miền Bắc có người thân hy sinh đang dựa vào để đi tìm hài cốt, tìm đồng đội mất tích sao nghe vời vợi….Miền Nam ngày ấy chính là từ Quảng Trị trở vào.  Thương kiếp người chiến tranh ly loạn gây nên:


Mênh mông góc bể chân trời

Nắm xương vô định biết vùi nơi đâu?.


Chính chúng tôi đây khi tuổi nhỏ cũng từng chạm vào chứng tích đau thương của cuộc chiến đã qua. Lúc dưới mười tuổi, chạy chơi theo bọn trẻ hàng xóm ra đồng, nghịch những lùm cỏ bờ mương để xem ốc cá, tôi thấy một cái dây dù lộ ra trên mặt đất. Con trẻ mà thấy vậy thì tò mò và ham thích. Chúng tôi xới đất lần theo. Dây ăn sâu dưới mặt đất. Kéo sợ đứt dây nên phải cẩn thận lần theo để lấy cho bằng được nguyên sợi dây. Lần sâu xuống một đoạn chúng tôi gặp đầu dây, và phơi ra một phần bề mặt ni long. Lần thêm tí nữa thì thấy cả khối gì nằm trong ni long. Lúc đó có người lớn đi ngang, thấy vậy họ bảo: xác chết Bộ Đội đó. Bọn trẻ chúng tôi giật mình bỏ chạy. Sau đó người lớn đến và họ đã đào lên được một hài cốt Bộ Đội còn nguyên bộc trong tấm ni long nằm dưới mương nước, gần bờ ruộng.



  Nếu là người Quảng Trị quý vị sẽ hiểu được điều này: “Không một mương nước, bờ ruộng, mảnh vườn hay con đường nào khắp trên vùng đất Quảng Trị mà không có xác Bộ Đội được chôn vội lấp hờ đâu đó đang yên nghỉ”.


Đúng vậy, sau năm 1975, chính quyền huy động quy tập hài cốt Liệt sĩ về một nơi để thành lập Nghĩa trang. Trong mảnh vườn Thụy Ứng, có đến ba bộ hài cốt. Một người chúng tôi biết được tên, đó là Liệt sĩ Lưu Đức Quý, người tỉnh Thái Bình hy sinh năm 1972. Ba người, là bởi chúng tôi được báo trong giấc mộng, nhưng rồi chỉ tìm được một.


Gần đây tôi tham gia một số lần đi tìm mộ các liệt sĩ hy sinh chiến trường Quảng Trị; Hài cốt tìm được trong một mảnh vườn, bên một dòng sông sắp lở, cạnh một con đường Quốc lộ Nam Bắc .v.v


Thưa quý vị! Một Thành Cổ Quảng Trị sau 82 ngày đêm đã vĩnh viễn nằm lại hàng vạn chiến sĩ, một Đại lộ Kinh Hoàng từng phơi thây hàng vạn đồng bào chạy loạn, một hàng rào điện tử Mácnamara gây kinh


hoàng với bao cái chết tan thây nát thịt vùi xuống dòng Bến Hải, một tử địa Lao Bảo chốn tù đày có đi không trở lại của bao người con anh dũng.v.v Hiện hữu giờ đây, hai Nghĩa Trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9, với hàng vạn nấm mồ có tên và không tên của các chiến sĩ đang yên nghỉ trên đất Quảng Trị. Còn nữa, khắp trên cả tỉnh, mỗi xã mỗi huyện điều có nghĩa trang làm nơi an nghỉ của các Anh linh chiến sĩ.


Nếu bạn đã đọc đến đây xin hãy dành ít giây phút thật yên lặng sâu thẳm để tưởng niệm và hình dung thế hệ cha ông đã ngã xuống mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị mưa bụi gió táp, nơi từng được mạnh danh là “cối xay thịt”. Xin cùng chúng tôi tri ân, thấy rõ giá trị của bình yên hôm nay chúng ta đang thừa hưởng.


Trở về Quảng Trị để hành đạo và lập Am tu hành từ năm 2007, chúng tôi có duyên phát nguyện cúng lễ cầu siêu hàng tháng tại nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 từ đó đến nay. Bước vào năm thứ tư chúng tôi phát tâm thiết lập Trai  Đàn Bạt Thuỷ trên dòng sông Thạch Hãn.
 

II. TẠI SAO PHẢI VẬN DỤNG ĐẾN ĐÀN PHÁP BẠT THUỶ?


Bạt Thuỷ, viết đủ, phải gọi là: “Bạt Độ Tử Nghiệp Trầm Thuỷ”. Bạt là nhổ lên, hay vớt lên. Độ là đưa qua. Trầm là chìm sâu, ngụp lặn. Thuỷ là nước. Nghĩa là: Đàn pháp chuyên dùng cứu vớt siêu thoát cho người mắc nghiệp chết nước.


Chết ở trong nước, thần thức hương linh bị chìm ngộp và chịu sự lạnh lẽo dưới nước, đưa thần thức hương linh ra khỏi sự chìm nghỉm giam hãm dưới đó ta phải vận dụng đến Đàn pháp Bạt Thuỷ.


Cõi sống chúng ta ở trên cạn. Sự truyền tải âm thanh và ánh sáng cũng như sự dịch chuyển của mọi vật trên khô không giống như dưới nước. Núi - sông hay sơn - thuỷ đó là hai lĩnh vực khác nhau, nên người xưa khi triệu hồn phải vận dụng đến cành phan cho hai cõi sơn, thuỷ riêng biệt là vậy.


Sự cầu nguyện của ta, phát sinh do sự nhất tâm hướng về người mắc nghiệp chết nước, tâm có tác năng tạo sự cảm ứng, HL dưới nước có thể cảm nhận được. Tuy vậy, tiếng kinh lời thỉnh nguyện không chạm sâu đến được người đang chìm ngộp trong thế giới đó. Khả năng thức tỉnh không đủ lớn để vượt thoát sự giam hãm dày xéo bức xé bởi nghiệp lực níu kéo chìm nghỉm dưới đáy sông. Họ không lên bờ ra khỏi nước được. Muốn cứu người đang chìm đắm, bởi nghiệp thức giam hãm dưới nước để cầu nguyện siêu thoát, việc trước tiên ta phải “vớt” họ lên khỏi nước.


Cùng là chết trẻ, đều là oan nghiệp níu kéo, nhưng người chết nước khó giải, khó cầu hơn, nên khả năng thoát nghiệp lại càng mong manh.


Chỉ cành phan và vài ba lời chú nguyện không đủ năng lực để cứu vớt nghiệp thức giam hảm trong cõi sống kia của người chết nước.


 Nguyễn Du có câu thỉnh trong Văn tế: “Lại thỉnh kẻ chìm sông lạc suối”. Trong chiến tranh, dựa vào núi non hiểm địa là một lợi thế, nhưng chính các con sông là một bất lợi. Con sông Thạch Hãn, vì thế, đã để lại hình ảnh nhắc nhớ thương đau:


“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Dưới đáy dòng sông bạn tôi nằm”.


Chiến tranh đi qua, hận thù, đạn bom và cái chết, đến sông nước cũng nuốt lệ kêu hờn: “Sông Thạch Hãn chứa đầy bao uất hận”. Dòng sông đẹp và hiền hoà, nơi con đò đưa khách qua lại trên đôi bờ Nam - Bắc mỗi ngày thật gần gũi và thân thương, có đâu ngờ con sông đó từng nhuộm máu các Anh. Bờ sông bến nước người dân nơi đây lấy nước sinh hoạt, có ai nghĩ đã từng điêu linh đến như thế.


Nay hướng về tất cả chư Anh Hùng Liệt Nữ Vị Quốc Vong Thân, Chư Vị đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị, chúng tôi nguyện vì Chư Vị thiết lập Đàn tràng này. Nhờ sức mạnh của Đàn pháp Bạt Thuỷ, Đàn Pháp Bạt Độ Giải Oan, khai ngục mở lối cho Hương Linh hướng về Phật Pháp quy y chuyển hoá, cởi bỏ oan trái buộc ràng ngày trước. Đàn Pháp Bạt Thuỷ chuyên vì cứu vớt các vong linh chết chìm sông sâu. Một Đàn Pháp cùng lúc thiết lập cả hai bên bờ sông như thế lâu nay chúng ta chưa vận dụng trên dòng sông Thạch Hãn. Vì nghĩ tưởng đến một phương cách nào đó có công năng lớn nên Thụy Ứng mới vận dụng đến Đàn Pháp này. Mong sao bao oan hồn uổng tử vất vưởng sinh sống quanh sông, bao Anh linh mồ chôn đáy sông sâu kia bấy lâu, nơi Am Thụy Ứng đang từng bước khởi nguyện hoằng duyên pháp Phật chuyển hoá nhân sinh, được nương nhờ oai lực của Tam Bảo đều được siêu thoát.

 
III.  TẦM VÓC ĐÀN PHÁP         
                                                         

Trai Đàn Chẩn Tế, Bạt Độ Giải Oan, đã từng được tổ chức trong Thành Cổ Quảng Trị. Và những khi như vậy đều có thượng phan sơn - thuỷ. Phan Sơn, dùng chiêu hồn người chết trên cạn. Phan Thuỷ, dùng chiêu hồn người chết dưới nước. Đơn thuần là vậy khi lập đàn Chẩn tế. Chính vì vậy mà một cành phan chiêu hồn không đủ năng lực đưa người trầm thuỷ vượt khỏi mặt nước để tựu về nghe kinh chuyển hoá. Vì vậy chúng tôi mới vận dụng đến Đàn Pháp Bạt Thuỷ.


Cuộc chiến khóc liệt, đã đưa hàng ngàn chiến sĩ hy sinh bỏ mình dưới dòng sông sâu, nên không thể nhờ một cành phan mà giải được ách nạn thống khổ kia của bao năm dai dẵng hờn oan thọ nghiệp.


Chúng tôi sẽ thỉnh mời hai bộ Kinh Sư, dựng lập đàn pháp ở cả hai bên bờ sông Thạch Hản. Ở bờ Nam sẽ có lễ thỉnh linh ở Đại Lộ Kinh Hoàng và trong Thành Cổ về dự Đàn. Ở bờ Bắc sông sẽ có lễ thỉnh Linh ở hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 về dự Đàn.


Thuyền được kết thành bè nối dài từ hai bờ ra đến giữa sông để dựng đàn trên dòng sông. Hai bộ Kinh sư cùng dự Đàn Bạt Thuỷ. Vô số Hương linh được vớt lên trong Đàn Bạt Thuỷ sẽ được thỉnh về an trí hai bên bờ sông để hai bộ kinh sư đăng Đàn Bạt Độ, Giải Oan đoạn nghiệp cho chư Anh linh chiến sĩ và sau đó kết thúc bằng đăng đàn Chẩn Thí.


Tối đêm 20 sẽ có đêm pháp hội hoa đăng. 20.000 ngọn nến, chia đều theo hai bên bờ được thả xuống trên dòng sông thắp sáng cùng với âm vang trì tụng câu thần chú vĩ đại của đức Quán Thế Âm: UM MANI PADME HUM.

 
IV.  THỜI GIAN VÀ VỊ TRÍ DỰNG ĐÀN.


Thời gian từ ngày 16 (thứ 2) đến ngày 21 (chủ nhật) - tháng 8 năm 2011. (Tức nhằm ngày 17 đến ngày 22 tháng 7 năm Tân Mão).

                                                                                                                                                                                                                                                                                       CHƯƠNG TRÌNH

NGÀY 16:   

14h  -     Lễ thượng phan sơn thủy

 NGÀY 18:  

14h -       Lễ Hưng Tác Thượng Đại Tràng phan.

16h -       Đăng Đang Bạt Thuỷ, thỉnh Phan Sơn Thuỷ.

18 -        Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn

19h -     Khai Kinh Đàn Pháp, thỉnh Tiêu, thỉnh Hương Linh và  Đề vị.

                                                                                                            
NGÀY 19:   

8h -    Trì Đàn Thuỷ Sám

11h15 -   Dâng cơm cúng Phật

11h30 -   Cúng Cơm Tiên Linh

14h -      Trì Đàn Thuỷ Sám

18h -    Cúng Cơm Tiên Linh

20h  -  Trì Đàn Thuỷ Sám

 NGÀY 20:

7h -    Trì Đàn Kinh Địa Tạng  

10h -   Dâng cơm cúng Phật

10h30 -  Cúng cơm Hương linh

12h -   Dùng cơm trưa.

14h  -  Tụng Kinh Di Đà

17h  -  Dùng cơm tối

18h -  Đăng đàn Bạt Độ Giải Oan    

20h -  Cung thỉnh Pháp sư đăng đàn Thuyết Linh

21h -   Đêm hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn    

 NGÀY 21:

6h -       Lễ cúng trà

8h -       Lễ Cung Nghinh chư tôn đức Hòa Thượng, chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni quang lâm chứng trai.

9h30 -    Chính thức Lễ Cúng Dường Trai Tăng.

11h -      Lễ tiến chư Tiên linh.

12h -     Dùng  cơm trưa.

14h -   Đăng  đàn Chẩn Tế Âm Linh Cô Hồn (đến 18h30).

17h -  Hoàn kinh tạ Đàn.

                                                                                                                                                                                                                                                                                    VỊ TRÍ.


Đàn Pháp được dựng ở ngay chính vị trí hai bến thả hoa ở hai bên bờ sông Thạch Hãn. Bến thả hoa ở nam sông do Ngân hàng Công thương xây dựng. Bến thả hoa ở bờ Bắc sông do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển xây dựng. Đây là là vị trí đẹp và ý nghĩa nhất để dựng Đàn. Vì chính ở nơi này là nơi rút lui của Bộ đội và nhiều người đã tử trận ở đây.

 
V – DỰ KIẾN THÀNH PHẦN BAN TỔ CHỨC


Ơ vị trí Trưởng Ban tổ chức cung thỉnh Hoà Thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng BTSGHPGVN tỉnh Quảng Trị làm Trưởng BTC.

Phó BTC thỉnh Hoà thượng Thích Đức Thanh, Trú Trì chùa Báo Quốc, TP. Huế. Phó ban giám hiệu Học viện PGVN tại Huế.

Phó BTC Hoà Thượng Thích Trí Hải, Trú Trì Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị

Phó Truởng ban điều hành: Đại Đức Thích Tâm Hiệp………

Ngoài ra sẽ mời một số cư sĩ thuộc đơn vị Niệm Phật Đường ở hai bên bờ sông: NPĐ Thạch Hản và NPĐ Nhan Biều vào trong ban tổ chức. Bờ Nam sông thuộc địa phận Thị xã Quảng Trị, bờ Bắc sông thuộc địa phận xã Hải Thượng. Do vậy sẽ có những vị trong chính quyền của hai địa bàn này vào BTC.

 
VI -  ĐÔI LỜI KHUYẾN HOÁ.


Kính thưa quý vị! Để một Đàn Pháp như thế được thực hiện và đi đến hoàn nguyện tốt đẹp, có chất lượng nội dung chú trọng vào cầu nguyện siêu bạt vong linh chúng tôi nghĩ phải cần đến một kinh phí nhất định. Bao nhiêu máu xương đã đổ xuống, bao nhiêu mất mát đã trải qua, thì quả thực chúng ta không cân đếm được công lao của lớp người đã ngã xuống cho bình yên hôm nay ta đang thừa hưởng. Chỉ là chúng ta muốn gởi gắm đến hàng triệu Anh linh oan hồn tử nạn chiến tranh đã vĩnh viễn nằm lại trên dòng sông Thạch Hãn, rằng thế hệ hôm nay chúng ta luôn khắc ghi vào lòng mình niềm tri ân vô hạn đối với các Anh. Để cả hai đàn pháp cùng lúc được dựng lên, và đàn Bạt Thuỷ dựng được trên sông với số lượng tu sĩ và người tổ chức quả thật phải cần đến một kinh phí nhất định mới trang trải được.


Với kinh nghiệm lập đàn chúng tôi thấy rõ được điều đó. Dự kiến ban đầu cho việc thuê thuyền và 2 nhà rạp lớp, hệ thống đèn và âm thanh, xe đi lại cung đón chư tôn đức, các băng rôn, các biểu ngữ in lời Kinh, và hệ thống tượng pháp để lập đàn đã chiếm một lượng kinh phí khá lớn.

Xin quí vị Tăng Ni Phật tử gần xa đều phát tâm trợ giúp cho Đàn Tràng được viên mãn. Nếu được quý đoàn thể hay doanh nghiệp cá nhân nào phát tâm tài trợ thì giá trị công đức thật vô cùng ý nghĩa. Tất cả đều mang ý nghĩa thiêng liêng của niềm tri ân. Rất mong sự phát tâm của quý vị cho Đàn pháp này được thành tựu.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ tát Ma ha tat!
 

Địa chỉ liên lạc:

Thích Tâm Hiệp, Am Thụy Ứng, thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Email: thichtamhiep@gmail.com. Quý vị có thể truy cập vào websites: amthuyung.com để tìm hiểu thêm. Số đt: 053.3875418 -  0989230449. Tài khoản: 040001403372. Ngân hàng Sacombank, chi nhánh Triệu Hải, Triệu Phong, Quảng Trị.
 

Quảng Trị- ngày lành tháng 3 năm Tân Mão


Kính Bút


Thích Tâm Hiệp

 

 

Bình luận (1)

Xin chào! Đây là cách làm hay, các Chùa ở VN nên có hình thức này, để gắn chặt không gian tâm linh và hồn dân tộc cùng Phật giáo VN hộ pháp, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Bạn Trẻ ( 25/06/2011 16:25:41)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp