Tổ đình Kim Liên mùa kiết hạ năm nay đến chậm. Tăng ni các chùa xin phép sư tổ, về gặt lúa. Các chùa đều có ruộng do ni tăng trồng cấy. Họ vừa tu tập vừa truyền dạy dân Phật pháp và làm ruộng nuôi thân như truyền thống xa xưa.
Những ruộng lúa trĩu hạt vùng Ninh Bình đang ngả màu vàng chờ gặt, bị mưa bão ập xuống. Mọi người phải nhanh tay thu hoạch.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc, bận nhiều bởi xây chùa Đại Tuệ. Chẳng có ô- tô riêng mà thầy vẫn mải miết đi về giữa Hà Nội- Ninh Bình- Nghệ An để làm tròn Phật sự.
Thầy hết lòng chăm lo Chùa Yên Phú đang bộn bề xây dựng. Ngôi Tam bảo, Thiền đường, Điện thờ Phật, khang trang bề thế, đủ cho cả nghìn người tu học.
Nhưng phòng ở trong mái lều cũ chùa Yên Phú của thầy mưa dột, nước úng ngập, thầy vẫn phải chịu, vì chưa đủ tiền hoàn thiện nhà mới cho thầy và các sư. Phật tử xót xa, Thầy bảo: “Bần tăng chịu khổ quen rồi”.
Thầy chịu khổ để xây chùa. Song thầy kiên định tư tưởng “Sáng Đạo Trong Đời”.
Ngôi chùa là nơi truyền dạy Phật pháp, giúp con người Việt Nam hiện đại sống một cuộc sống an lạc, trí tuệ và hạnh phúc. Chỉ có Phật pháp mới làm nổi ước mơ trên.
Chùa Yên Phú ngổn ngang xây dựng, chồng chất lo toan, thầy vần giữ nếp tu học cho các Phật tử ngày càng tinh tiến. Không vì xây chùa mà rời xa tu tập.
Ngày chủ nhật 26- 6- 2011, chúng tôi có cơ duyên được nghe buổi thuyết pháp của Hoà thượng Thích Giác Ngộ với phương pháp tu Thiền kết hợp Tịnh độ tại Thiền đường chùa Yên Phú.
Hoà thượng Thích Giác Ngộ, bậc cao tăng, trụ trì một ngôi chùa tại Đà Lạt. Ngài nhiều năm tu Thiền theo pháp môn Tổ sư Minh Đăng Quang truyền lại:
Tịnh độ cùng Thiền hoà quyện nhau
Pháp môn màu nhiệm diệt khổ đau
Song tu đạt quả Phúc và Huệ
Viên mãn cuộc đời nay và sau
(Tập thơ Diệu Giác- PGS.TS Hà Vĩnh Tân)
Mấy chục năm, Hoà thượng đã tu tập, trải nghiệm khoa học và tâm linh, đạt viên mãn về sức khoẻ, tâm, thân, trí tuệ toả sáng, đúc kết những lời dạy chí tình về Phật pháp, ngài đã mang duyên lành đi khắp các châu Mỹ, Úc… các ngôi chùa Nam- Bắc, chia sẻ pháp môn tu Thiền màu nhiệm này.
Gặp chúng tôi trong chùa Yên Phú đang được tôn tạo khang trang, sạch đẹp, thanh tịnh, trang nghiêm, Hoà thượng hoan hỷ tán thán công đức vị sư trụ trì và Phật tử.
Ngài nói:
- Trên hai nghìn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, vun đắp bản lĩnh tâm hồn Việt Nam. Chùa Yên Phú được tôn tạo cao đẹp, rộng, mát, tương xứng với những ngôi nhà cao tầng là phúc đức lớn của dân ta. Muôn người đồng lòng góp tiền của, công sức, trí tuệ, xây nên ngôi chùa lớn đẹp, truyền Phật pháp đời này sang đời khác, công đức vô lượng vô biên.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc từng du học Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, hoan hỷ trở về “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” đáp ứng lòng mong mỏi của Phật tử quê nhà, hiểu biết Phật pháp, từ bi, hỷ xả, hướng dẫn tu tập với ý tưởng “Sáng Đạo Trong Đời” là thiện duyên lớn.
Phật dạy bát vạn tứ thiên pháp môn (tám vạn bốn nghìn phép tu).
Tu cách nào cũng đến bờ giác ngộ.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc dạy Phật tử tu Tịnh độ. Nhất tâm niệm Phật. Phương pháp niệm Phật, tụng kinh, trì chú, kết hợp với hơi thở hài hoà, dẫn đến tâm trí bất loạn, hoàn toàn thanh tịnh là rất quí.
Tôi hướng dẫn phương pháp Thiền kết hợp Tịnh độ, một cách rõ ràng, khoa học, để các Phật tử dễ dàng thực hành mọi lúc, mọi nơi, trở nên một thân thể không đau ốm, một tinh thần không loạn. Như vậy các vị luôn khoẻ mạnh, an lạc và hạnh phúc từng giây phút sống.
Trước hết, tôi nhấn mạnh phép thở.
Phép thở dưỡng sinh là bí truyền phương Đông (Ấn Độ cổ đại). Nhiều bậc hành giả cổ xưa Ấn Độ đạt tới những khả năng kỳ diệu nhờ phép thở (không ăn nhiều ngày mà không chết…)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhờ phép thở (Thiền định) mà gíac ngộ sinh tử, nhìn thấy những điều vi diệu, truyền sự sống cứu độ chúng sinh qua Phật pháp hơn hai nghìn năm nay.
Thở là điều kiện tiên quyết của sự sống. Nhịn thở năm phút đồng hồ là chết. Nhưng con người chỉ chú ý đến ăn và uống. Không ai chú ý đến sự thở đúng cách.
Buồng phổi của ta chứa 3,5 lít khí, vì không chịu thở mạnh, thở đều, chậm, sâu, nên phổi chỉ chứa được 1,5 lít. Cơ thể thiếu khí dịch, ốm yếu, sinh nhiều bệnh.
Cần phải thở có khoa học để đưa khí dịch vào buồng phổi và toàn thân. Đó là nguồn năng lượng đất trời nuôi dưỡng thân ta.
Hơi thở là cây cầu bắc hai bờ tâm lý và sinh lý. Chú ý vào hơi thở, mọi buồn đau, giận dữ sẽ qua đi.
Vậy chúng ta phải thở như thế nào?
Ba mươi phút, mỗi sáng sớm dậy, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ta ngồi dựa lưng vào tường, tư thế bán kiết già, niệm Phật và thở.
Ba hơi thở quan trọng của sự sống.
Hơi thở thứ nhất, hít một hơi thật dài, phình bụng, đưa khí dịch vào buồng phổi, giữ cho phổi nở. Thót bụng thở ra mạnh dài, đưa tạp khí ra.
Hơi thở thứ hai, thở vào thật sâu, giữ lại, đưa khí dịch mới truyền toàn thân, các lỗ chân lông nở ra, đẩy khí độc ra ngoài.
Hơi thở thứ ba, hít đầy khí, giữ lại càng lâu càng tốt, từ từ thở ra, khi không chịu được thì hít vào.
Trong lúc thở như vậy, nếu không kiềm chế được dòng suy nghĩ, thì niệm Phật thầm trong đầu “Nam mô ADiĐà Phật”.
Cách niệm Phật nương theo hơi thở, là phương pháp tu Thiền kết hợp Tịnh độ.
Với cách này, chúng ta có thể thở và niệm Phật mọi chốn, mọi nơi, mọi việc làm (đi, đứng, nằm, ngồi, lau nhà, nấu cơm, rửa bát, tắm giặt, trông con, đợi xe bus…) Thân tâm ta luôn an trú trong chính pháp. An trú trong hiện tại. Không bị những ý nghĩ lung tung càn quấy, gây buồn đau, mệt mỏi.”
PGS. TS Hà Vĩnh Tân là nhà khoa học tự nhiên, đã ngộ phương pháp này, thiền hành mọi lúc, mọi nơi:
Bước chân, hơi thở, nụ cười
Ba phép chính niệm của người thảnh thơi
Đặt bước là đã tới nơi
An trú hiện tại đất trời nở hoa
Thở sâu, êm nhẹ, bình hoà
Thân tâm tạo hợp một toà kỳ quan
Cười nụ thấu hiểu, dung khoan
Phiền não tan biến, hân hoan ngập lòng.
Chúng tôi có cơ may ngộ Thiền nhờ Hoà thượng Thích Thanh Từ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngộ phép tu Sổ tức (đếm hơi thở) của cố Hoà thượng Kim Cương Tử, ngộ phép tu Tịnh độ của Thượng toạ Thích Thọ Lạc, nay nghe Hoà thượng Thích Giác Ngộ giảng phép tu Thiền kết hợp Tịnh độ, lòng ngập tràn hạnh phúc.
Phép bí truyền là đây.
Phép bí truyền phương Đông được cha ông ta tiếp thu hơn hai nghìn năm trước, giờ đây đã hiện ra bằng ngôn ngữ, bằng những con người thật dày công tu tập và từ bi như Phật, truyền đến muôn người một cách dễ hiểu, giản dị, trong sáng, khoa học, giữa thanh thiên bạch nhật.
Phép bí truyền:
“Điều thân, điều tức, điều tâm
Là nguồn hạnh phúc bình an lâu dài”
Hiện ra trong đời sống người Việt Nam hiện đại dễ dàng thực hiện như thế, là một điều kỳ diệu!
Ai cũng có thể thực hành quá dễ. Học sinh, sinh viên, đàn ông, thiếu nữ, trí thức, dân thường, quan chức, binh lính, người buôn bán, nông dân, công nhân, lái xe, tướng lĩnh, người già, người tù, người ốm đau, người đau khổ, cô đơn, phiền não… Ai thực hành đều được cứu lại bình an, sức khoẻ.
Tâm lý học hiện đại ước tính mỗi ngày trong mỗi con người xuất hiện ba mươi đến năm mươi ngàn ý nghĩ lung tung, tham, giận, buồn đau, thương nhớ, oán hờn, toan tính, mưu mô, giả dối, lo sợ… Nó chạy như ngựa phi, như khỉ chuyền cành rối loạn, trong đầu ta. Nó đánh gục thân ta và làm mờ trí tuệ.
Phép thở kết hợp niệm Phật dẹp tan các ý nghĩ rối mù.
Tâm viên, Ý mã khổ làm sao
Sai khiến ta đi khắp nẻo nào
Ơn Phật phát minh Pháp mầu nhiệm
Phục Tâm, kiềm Ý tuyệt biết bao
(Hà Vĩnh Tân)
Phép Thiền kỳ diệu. Bí truyền. Hiện thực. Khoa học. Gắn hơi thở diệu huyền. Giờ đây không còn xa lạ với người Việt Nam.
Những ngôi chùa làng Việt Nam giờ đây không còn âm u, bí ẩn, chỉ dành cho những người đàn bà đau khổ tụng niệm, mà là ánh sáng khoa học về sức khoẻ thân tâm, tặng cho những ai đang sống trên đời.
Và tôi cũng băn khoăn cùng nỗi lòng Hoà thượng Thích Giác Ngộ, Thượng toạ Thích Thọ Lạc. Liệu có bao nhiêu người Hà Nội- Việt Nam và nhân loại biết và thực hành phép bí truyền này?
Tôi tin, Hoà thượng Thích Giác Ngộ, Thượng toạ Thích Thọ Lạc, và rất nhiều vị cao tăng, tăng ni, Phật tử đang đi truyền phép lạ. Cả tôi nữa. Tôi đã nhiều năm truyền “Phép lạ của sự tỉnh thức” (Thích Nhất Hạnh) đến sinh viên Đại học Thăng Long. Họ bừng tỉnh và truyền cho người thân sự bừng tỉnh. Tự cứu mình.
Tuy vậy, còn nhiều lắm, những người chìm ngập trong khổ đau, bệnh tật. Không lối thoát. Không ai cứu được mình. Tự mình cứu mình.
Lời dạy cuối cùng của Đức Phật: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Mai Thục (Newvietart.com)
Hồ Gươm Mùa Hoa Sen
Ngày 28- 6- 2011