Thiền sư Vạn Hải (萬海) tục danh Hàn Dụ Thiên (Han Yu-Cheon - 한유천 - 韓裕天), bí danh Trinh Ngọc (Jeongok - 정옥 - 貞玉). Sinh ngày 12 tháng 07 năm Kỷ Mão (29.08.1879), tại miền Nam Trung Thanh (Chungnam - 忠清南道)Hàn Quốc.
Năm Mậu Thân (1908) Ngài tốt nghiệp đại học tại trường Minh Tấn (Myung Jin - 明進學校), nay là trường Đại học Đông Quốc (동국대학교 - 東國大學校).
Vào tuổi thanh xuân, Ngài đã sớm ngộ cảnh thế vô thường, duyên đời hư giả nên chẳng những đã không bao giờ xây đắp cho mình giấc mộng Hoàng lương như bao chàng thanh thiếu niên khác mà trái lại, đã sớm xả bỏ tục trần, cắt ái từ thân:
Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi,
Một ngày nào cát bụi buông xuôi,
Vô thương muôn sự rỗ rồi;
Hoa sen chín phẩm là nơi an bình.
Thế rồi một hôm Ngài vào Bách Đàm Cổ Tự (Baekdamsa - 백담사 -百潭古寺) tọa lạc tại xã Bắc Diện (Buk-myeon - 北面), quận Nhân Tế (Inje-gun - 인제군 - 仁濟-郡), tỉnh Giang Nguyên Đạo (Gangwon-do - 江原道) cầu xin thế độ xuất gia, từ đó có pháp danh Long Vân (Han Yong-un –용운 -龍雲) hiệu Vạn Hải (Manhae - 萬海), pháp tự Phụng Quan (Bongwan -봉완 - 奉玩). Thời gian này Ngài đọc Ẩm băng thất văn tập (Eumbingsilmunjip - 飮冰室文集) của Lương Khải Siêu (Yanggyecho - 梁啟超), khi hiểu lịch sử hiện đại thì Ngài vô cùng phấn khởi, mở thêm tầm nhìn về thời cuộc và tăng thêm lòng nhiệt quyết của tuổi trẻ đối với quốc gia dân tộc.
Tháng lại ngày qua, thu tàn đông đến, trải qua thời gian nung nấu trong cửa thiền môn, một khi đã tự biết mình đủ lực, vững chân bước vào đời để thực hiện bi nguyện độ sinh, rồi đó đây tìm hiểu về thời cuộc, Ngài nhìn thấy thực tế, khi vận nước nghiêng ngả, Ngài đã từng tìm kiếm con đường khôi phục chủ quyền đất nước, theo các phong trào đấu tranh Đông học (동학농민운동 - 東學農民運動) của nông dân vào năm Giáp Ngọ (1894), tham gia cuộc nổi dậy của nghĩa binh năm Ất Mùi (1895)... nhưng tất cả đều thất bại.
Đến năm Ất Tỵ (1905), Ngài tiếp tục trở về Bách Đàm Cổ Tự (Baekdamsa - 백담사 -百潭古寺) là nơi thờ Bồ tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát đêm ngày đi khắp đó đây để cứu giúp chúng sinh ra khỏi các sự tổn hại, cứu vớt chúng sinh ra khỏi ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát, mang tới sức mạnh vô cương, tỏa chiếu cho chúng sinh bằng hào quang trí tuệ của mình. Do đó, Ngài nương theo hạnh nguyện của Bồ tát mà phát nguyện tinh thần nhập thế chăm lo niềm hạnh phúc an lạc cho chúng sinh như Địa Tạng Bồ Tát “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề”. Khi đức Phật hỏi ngài Địa Tạng đã bạch Phật rằng: “Con ở trong cõi đời xấu ác này độ sanh, nhưng vẫn cảm thấy an lạc như đang an trú trong cảnh giới Niết Bàn.” Ngôi Cổ Tự này cũng đã trở thành nơi mà Ngài luôn lo lắng, khổ tâm về tương lai của đất nước, của dân tộc.
Năm Quý Sửu (1913) Ngài cho ra đời cuốn "Triều Tiên Phật giáo duy tân luận" (한국어불교미술의유일한검토 - 唯一的韓國佛教藝術審查), một kim chỉ nam hoạt động mang tính thực tiễn, chủ trương đưa Phật giáo tham gia vào hiện thực.
Năm Mậu Ngọ (1918), với việc phát hành tạp chí "Duy Tâm", một tạp chí của Phật giáo, Ngài đã thức tỉnh được tinh thần yêu nước ở rất nhiều người dân Hàn Quốc. Vượt lên trên một vị Thiền sư, Ngài đã hiến dâng cả cuộc đời vào ngòi bút, soi tỏ tâm hồn mình và đến năm Kỷ Mùi (1919), Ngài đã tham gia, đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng kế hoạch của phong trào đấu tranh giành Độc lập ngày 1 tháng 3, một phong trào của người dân Hàn trên quy mô toàn quốc với nòng cốt là giới tôn giáo như Thiên Đạo giáo, Cơ Đốc giáo và Phật giáo.
Tháng 3 được coi là tháng chống ngoại xâm của Hàn Quốc. Ngày 1 tháng 3 năm 1919 (29.01.Kỷ Mùi), dân tộc Hàn đã đứng lên chống lại ách đô hộ của thực dân Nhật và Tuyên ngôn Độc lập. Do đó, đây được coi là ngày của phong trào giành Độc lập (1) và công bố điều đó tới khắp mọi nơi trên thế giới của Hàn Quốc.
Tuy nhiên trong số hơn 1 triệu người tham gia vào hơn 1200 sự kiện đấu tranh tính tới tháng 4 của năm đó, đã có tới hơn 20 nghìn người bị thương và hy sinh, 47 nghìn người bị cảnh sát Nhật giam cầm, khiến cho phong trào đấu tranh của dân tộc Hàn trở nên suy sụp. Trong bối cảnh đó, xuất hiện một nhân vật lịch sử đã đem đến cho người dân Hàn Quốc niềm hy vọng:
Người đã đi . . .
Nhưng biệt ly chỉ đem lại nước mắt uổng phí
Đó là vì ta thấy được tình yêu. . .
Như khi mới gặp đã lo ngày từ biệt,
Lúc chia tay ta tin sẽ có ngày gặp lại.
Người đã đi rồi nhưng ta đâu có tiễn biệt người đi.
Thông qua tác phẩm "Sự im lặng của người hằng mong nhớ"(침묵을기억상수욕망- 常量的願望記得沉默), một bài thơ chứa đựng cả tâm hồn của dân tộc, Hàn Long Vân (Han Yong-un - 韓龍雲), nhà thơ có danh hiệu là Vạn Hải (Manhae - 萬海), đã biến nỗi tuyệt vọng lúc đó trở thành niềm hy vọng. Giai đoạn đất nước "nằm im lặng" dưới sự thống trị của thực dân Nhật, Hàn Long Vân (Han Yong-un - 韓龍雲) được xem là một nhà thơ, một vị thiền sư và là một nhà hoạt động cách mạng luôn sống chính trực, luôn đi theo tiếng gọi của “Người mà mình mong nhớ”.
Đại diện cho giới Phật giáo, tập trung ý kiến của các Phật tử, ngày 29 tháng giêng năm Kỷ Mùi (01.03.1919), vào lúc 2 giờ chiều, tại tòa nhà Taehwagwan (Thái Hòa Quán) trên đường Jongno (종로- 鍾路), Seoul, Ngài đã cùng với đại biểu của các giới các ngành khác của dân tộc Hàn, đứng ra tuyên bố Độc lập, lần đầu tiên hô vang 3 lần khẩu hiệu: "Độc lập muôn năm!" (독립을살- 獨立萬歲). Cùng thời điểm này, tại tòa đình bát giác trong công viên Tháp (Tapgol Gongwon - 塔公園) người ta cũng treo Taegeukgi (Thái Cực kỳ - 태극기 - 太極旗), quốc kỳ của Hàn Quốc (2) và quần chúng đồng thanh reo vang : "Đại Hàn độc lập muôn năm" (긴한국어독립을살 - 朝鮮獨立萬歲). Tuy nhiên các đại biểu tham gia lúc này đều đã bị thực dân Nhật bắt giam. Ngài cũng bị bắt và tuyên án 7 năm tù, mức án nặng nhất trong số 33 đại biểu bị bắt lúc bấy giờ và đã phải sống tất cả 3 năm trong ngục.
Lý do thực dân Nhật đặc biệt đưa ra hình phạt khắc nghiệt đối với Ngài chính là vì thái độ cứng rắn, không chịu khuất phục của Ngài. Cho dù bị tra tấn thịt nát xương tan, nhưng Ngài không hề bị lung lạc. Khi bị thực dân Nhật bắt viết tờ thú tội vì tham gia và làm đại biểu của phong trào đấu tranh, Ngài đã viết "Việc giành Độc lập của chúng tôi sẽ diễn ra không ngừng, nó có sức mạnh giống như tảng đá tròn lăn từ trên núi xuống, nó sẽ không ngừng lăn cho tới khi đến được đích. Vấn đề Độc lập của Đại Hàn chỉ còn là vấn đề thời gian". Ngài đã đưa ra những dòng viết không phải là của một bản tự thú mà chứa đựng ở trong đó là ý chí đấu tranh giành Độc lập khiến cho người Nhật phải im lặng, không cất nên lời.
Năm Nhâm Tuất (1922), sau 3 năm chịu đựng cuộc sống ngục tù, Ngài đã được trả tự do. Ngài đã tham gia vào phong trào khuyến khích sản phẩm sản xuất trong nước, một phong trào đang lan rộng trên toàn quốc để chống lại sự áp bức về kinh tế của thực dân Nhật. Năm Bính Dần (1926), với tác phẩm "Sự im lặng của người hằng mong nhớ" (침묵을기억상수욕망- 常量的願望,記得沉默), Ngài đã tập hợp và chứa đựng trong đó những điều thức tỉnh, những gì giác ngộ được trong cuộc sống, khi tham gia phong trào đấu tranh ngày 1 tháng 3 và khi chủ trương tham gia vào hiện thực của Phật giáo. Tác phẩm này của Ngài đã đem lại cho người dân Hàn một niềm hy vọng, đó là tuy hiện tại phải chịu nhiều đau khổ nhưng nếu chịu đựng, vượt qua được thử thách thì chắc chắn sẽ có được Độc lập.
Tuy sống cuộc sống đa dạng nhiều sắc màu, cuộc sống của một vị Thiền sư, một nhà hoạt động phong trào giành Độc lập và của một nhà Thơ, nhưng Ngài lại có một tấm lòng trước sau như một, luôn hướng về "người hằng mong nhớ". Về sau Ngài trú lại tại Simujang (Tầm Ngưu trang) ở quận Seongbuk (Thành Bắc - 城北) của Seoul, bắt đầu mở ra các phong trào phản đối việc đổi tên họ của người Hàn do thực dân Nhật tiến hành năm Canh Thìn (1940), phong trào phản đối việc đưa lính là học sinh người Triều Tiên ra trận vào năm Quý Mùi (1943).
Một hôm, Ngài ngồi trên một tảng đá, tĩnh tọa quán nhân duyên thế sự vô thường, tấm thân tứ đại rồi cũng hoàn không. Mặc cho thế sự có thăng trầm, biển dâu thay đổi, vốn đã nhậm vận thì cứ thong dong tự tại, Ngài an nhiên thị tịch tại Tầm Ngưu Trang (Simujang) vào ngày mồng 09 tháng 05 năm Giáp Thân (29/06/1944). Hưởng thọ 66 Xuân. (Tầm Ngưu trang, nơi Ngài luôn hằng tưởng nhớ tới các chí sĩ yêu nước trong tù, sống trong mùa đông lạnh giá lạnh mà Ngài không hề dung tới củi lửa).
Tuy Hàn Long Vân (Han Yong-un - 韓龍雲), đã vĩnh viễn ra đi để lại bao nhớ tiếc cho đời, hàng hậu học, nhưng trong lòng người dân Hàn Quốc lúc nào cũng có sự tiếp nối của biệt ly và tái ngộ, sự tiếp nối khi con người ta có lòng yêu thương và tin tưởng vào ngày tái ngộ đó. Đến nay, khi lâm vào cảnh tăm tối, hay khi gặp khó khăn trong cuộc sống, người Hàn thường ngâm lại bài thơ của Hàn Long Vân (Han Yong-un - 韓龍雲) và người mà Vạn Hải (Manhae - 萬海), hằng mong nhớ ở đây, có thể nói, chính là một cái tên của niềm hy vọng.
Đó là sự thật, ngay cả trong thời đại chúng ta, những nỗ lực của Thiền sư Vạn Hải (Manhae - 萬海) hiện đại hóa và cải cách Phật giáo Hàn Quốc vẫn còn gây ảnh hưởng mãi với Phật giáo và dân tộc. Và để kết luận sự thật rằng: “Sự cống hiến của mình để đấu tranh cho hòa bình và tự do bình đẳng, bảo vệ vàphát triển các giá trị tiến bộ của xã hội, cùng với ý tưởng của Ngài, đã thắp sáng mãi cho những người Hàn Quốc, để phong trào dân chủ phổ biến của ngày hôm nay. Cũng đúng tư tưởng văn học của mình, dựa trên ý tưởng của Ngài của tình yêu và tình yêu của chúng sinh, đã đưa ra một tác động lớn đến văn học Hàn Quốc hiện đại. Không ai phủ nhận rằng sức mạnh của tâm trí của mình đã được một nguồn năng lượng khổng lồ cho tất cả người dân Hàn Quốc”.
Thích Vân Phong
(Tổng hợp theo báo PG Hàn Quốc)
Ghi chú:
(1) Phong trào độc lập 1/3 là một cuộc khởi nghĩa dân sự được phát động vào ngày 1/3/1919 chống lại chế độ đế quốc Nhật. Đây là 1 sự phản kháng phi bạo lực hiếm thấy trong lịch sử thế giới. Rất nhiều người Hàn trên khắp đất nước chỉ với lá cờ tổ quốc và trái tim quả cảm đã đối mặt với đội quân Nhật Bản được trang bị vũ khí. Tuyên ngôn Độc lập lúc đó được đưa ra bởi 33 đại diện của Hàn Quốc đã xác định rõ tinh thần của phong trào 1/3. Tuyên ngôn được đề xuất thông qua 3 cam kết về tiêu chuẩn ứng xử và nguyên tắc tinh thần đối với tất cả người dân Hàn. Điều khoản đầu tiên nói rằng bởi việc tiến hành khởi nghĩa là một yêu cầu của người dân đối với công lý, lòng nhân đạo, sự tồn tại và thịnh vượng, chúng ta cần thể hiện duy nhất tinh thần tự do và không bao giờ là xúc cảm bị loại bỏ. Thực tế là cuộc nổi dậy này bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tự quyết vốn phổ biến trên thế giới lúc bấy giờ. Nhưng ý niệm xác định số phận của riêng mình được thừa hưởng từ phong trào độc lập 1/3 không chỉ đơn thuần liên quan đến độc lập về chủ quyền mang tính vật lý mà còn là công lý, lòng nhân đạo, tự do và thịnh vượng. Người Hàn đã có thể vượt qua chiến tranh, chế độ độc tài, nghèo đói và tiến trình dân chủ hóa đầy biến động và đau thương trong thế kỷ 20, vì tinh thần của cuộc khởi nghĩa 1/3 đưa chúng ta đến gần nhau hơn và đem lại sức mạnh cho mọi người.
(2) Ý nghĩa lá cờ:
Là biểu tượng tượng trưng cho sự uy quyền và tôn nghiêm của mỗi một quốc gia, lá quốc kỳ thể hiện truyền thống và ý tưởng của quốc gia đó bằng màu sắc và hình dáng đặc trưng riêng.
Trong lịch sử Hàn Quốc, vào thời kỳ vương triều Choson, triều đại mà lá quốc kỳ lần đầu tiên được tạo ra, khi ấy nó được gọi tên là “quốc kỳ Triều Tiên - Choson” cùng với tên gọi “Choson” của quốc gia. Việc bắt đầu xuất hiện tên gọi mới “ lá cờ Thái cực” như hiện nay được bắt nguồn từ thời điểm ngày mùng 1 tháng 3 năm 1919, 33 người dân đại diện cho cả dân tộc đã đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Đúng chính ngọ ngày 1 tháng 3 năm 1919, những nhà hoạt động cho phong trào Độc lập đã hướng về Nhật Bản - kẻ thù chiếm đoạt chủ quyền của Hàn Quốc - đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và đồng thời phát động “ phong trào Độc lập Đại hàn muôn năm” tại công viên Tháp, Seoul.
Tất cả những người dân tham dự ngày hôm đó không phân biệt già trẻ gái trai đều quyết định cầm một lá cờ trên tay và vì vậy mà họ đã chế tác ra một lá cờ. Nhằm tránh không để bọn lính Nhật Bản nhận ra tên gọi của lá quốc kỳ khi ấy là “ Quốc kỳ Choson”, người dân đã quyết định đổi tên gọi thành “ Lá cờ Thái cực”. Thời điểm đó đã trở thành cơ hội để Lá cờ Thái cực phát triển sang một trang mới.
Chiều dài và chiều rộng của lá cờ Thái cực được chia theo tỷ lệ 3:2. Nó được cấu tạo từ 4 vân và hoa văn thái cực trên nền trắng. Lá cờ Thái cực tượng trưng cho sự hoà bình, đoàn kết, sáng tạo, quang minh, vô cùng, hài hòa và bình đẳng.
Nền trắng: hoà bình. Nền màu trắng có ý nghĩa chỉ lãnh thổ. Ngoài ra nó còn tượng trưng cho tính cách của dân tộc Hàn Quốc: trong sáng, thuần khiết và tình yêu chuộng hòa bình.
Hình Thái cực: Đoàn kết.
Hoa văn Thái cực: Sáng tạo.
4 vân: sự phát triển không ngừng, sự hài hoà thiên- địa- nhân và sự bình đẳng.