Hoa sen trong cõi Tịnh Độ tiêu biểu cho nhân quả tu hành của những người có niềm tin vào pháp môn Tịnh Độ. Tùy theo Tín, Nguyện, Hạnh của người niệm Phật mà cảm ứng hoa sen ở cõi Tây Phương Cực Lạc.
Hoa sen là loài hoa mang biểu tượng cao quý nhất của Phật giáo. Vì hoa sen biểu trưng cho Phật tính vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Cuộc đời của Đức Thế Tôn từ khi đản sinh cho đến khi đi vào cõi Niết Bàn là một cuộc đời gắn liền với đóa hoa sen vô nhiễm giữa cõi đời ngũ trược ác thế này.
Khi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, dưới tán hoa Vô Ưu, ngài đã ung dung bước đi bảy bước trên bảy hoa sen mầu nhiệm. Hình ảnh đó đã trở nên bất diệt trong tiềm thức của người con Phật mỗi khi nhớ về ngày đản sinh của Đức Từ Phụ:
“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc
Ba ngàn thế giới lễ Như Lai”
Từ những bước chân ban đầu trên bảy hoa sen giác ngộ. Đức Thế Tôn đã tiếp nối hạnh nguyện của bảy Đức Phật trong quá khứ để đi vào cuộc đời. Ngài đã lấy hạnh nguyện độ sinh làm mục đích cứu kính của đời mình.
Sau bao tháng năm tầm sư học đạo, bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới cội cây Bồ đề. Với một ý chí kiên định, một trí tuệ tuyệt vời, vào đêm cuối cùng của tuần thứ bảy, khi sao mai vừa mọc, trí tuệ giải thoát đã bừng sáng ở chân tâm.
Ngài đã trở thành một vị Phật được trời người tôn xưng đảnh lễ: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Sau khi thành đạo dưới cội cây Bồ đề, Đức Phật thấy giáo lý mà mình chứng ngộ quá cao siêu, ly dục, tịch tĩnh mà chúng sinh trong cõi đời quá tham đắm, nhiễm ô, trôi lăn sinh tử khó mà tiếp nhận được giáo pháp của Ngài.
Nhưng hình ảnh những đóa hoa sen trên dòng sông đã làm đã làm thay đổi nhận định của Ngài. Trên dòng sông, có những đóa hoa sen mọc lên từ bùn nhơ nhưng vẫn nằm trong nước, có hoa sen vươn ra khỏi vươn ra khỏi nước, có hoa sen vươn cao lên gặp được ánh sáng mặt trời và tỏa hương thơm ngát cho đời, cũng như vậy, có những chúng sinh trong cuộc đời này bị phiền não che lấp tâm tính, có những chúng sinh vượt ra khỏi phiền não, căn tính thanh tịnh đó nếu gặp được giáo pháp thì sẽ viễn ly phiền não nở hoa giác ngộ ngay trong cuộc đời này.
Thấy được như vậy, Đức Phật quyết định chuyển vận bánh xe pháp đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người.
Bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sinh. Giáo nghĩa một đời của Đức Từ Phụ được triển khai thành Ngũ Thời Bát Giáo. Trong đó Thiền Tông, Thiên Thai Tông, Tịnh Độ Tông xiển dương giáo lý hạnh quả của mình bằng hình ảnh hoa sen vô nhiễm.
Với Thiền Tông, hình ảnh “Niêm hoa vi tiếu” đã trở thành một công án đầu tiên trong quá trình khơi mở thiền tông trao truyền tâm ấn kế nghiệp giải thoát từ chân tâm của Đức Phật.
Giai thoại thiền tông đã chép lại câu chuyện Đức Phật ở hội Linh Sơn truyền pháp cho Ngài Đại Ca Diếp. Khi Ngài truyền chính pháp nhãn tạng cho Ma ha Ca Diếp ở Hội Linh Sơn, Đức Thích Ca không thuyết pháp, mặc nhiên vô ngôn trên tòa sư tử.
Đại chúng tập hợp rồi, Ngài nhìn đại chúng một lượt rồi từ từ cầm một hoa sen đưa lên trước mặt mọi người. Cả chúng hội khi đó đều im lặng không ai hiểu gì cả, chỉ có Tôn giả Ca Diếp chúm chím mỉm cười.
Đức Thế Tôn biết Ca Diếp đã tỏ ngộ được bản ý của mình. Đó chính là tâm ấn, Tôn giả Ca Diếp dẫu không nghe Phật nói gì cả nhưng mà vẫn lĩnh ngộ cái tâm sâu sa thanh tịnh bản nhiên của Đức Phật. Đức Phật cũng nhìn thấy được bản tâm liễu ngộ của đệ tử nên nói rằng:
“Ngô hữu chính pháp nhãn tạng
Niết bàn diệu tâm
Thật tướng vô tướng
Vi diệu pháp môn
Kim phó nhữ Ma Ha Ca Diếp”
Dịch:
“Ta có kho tàng mắt tạng
Con mắt chính pháp là Niết Bàn diệu tâm
Thật tướng vô tướng
Nay trao cho Đại Ca Diếp”
Từ đó Ma ha Ca Diếp lãnh ngộ được giáo chỉ của Đức Phật để sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì Ngài trở thành Sơ Tổ của Thiền Tông.
Hoa sen trong cõi Tịnh Độ tiêu biểu cho nhân quả tu hành của những người có niềm tin vào pháp môn Tịnh Độ. Tùy theo Tín, Nguyện, Hạnh của người niệm Phật mà cảm ứng hoa sen ở cõi Tây Phương Cực Lạc.
Mỗi khi hành giả phát khởi niềm tin và thiết tha niệm Phật thì ở cõi Tây Phương tự nhiên “Cảm ứng tùy thời hiện” một đóa hoa sen ở ao thất bảo. Nếu như ở cõi Sa Bà, chúng sinh thác sinh vào trong thai tạng bằng nghiệp lực ô nhiễm thì ở Tây Phương Cực Lạc chúng sinh được sinh ra trong bản tính thanh tịnh của hoa sen. Từ bản tính thanh tịnh mà sinh ra thì cả nhân hạnh trong cuộc đời mới được gắn liền với quốc độ, báo độ của sự thanh tịnh. Từ đó hành giả một đường đi lên đến quả vị giác ngộ viên mãn.
Theo công phu tu tập của hành giả, hoa sen ngày càng lớn lên theo phẩm vị của người trì niệm danh hiệu Phật. Và quả vị giải thoát ở Tịnh Độ tông được minh chứng ở “Cửu Phẩm Liên Hoa”. Hành giả được vãng sinh về thế giới Tây Phương thác sinh trong thai tạng của hoa sen. Tịnh độ tông xây dựng giáo nghĩa của mình trên hình ảnh hoa sen.
Thiên Thai Tông là một tông phái lớn ở Trung Quốc. Tông này lấy kinh Diệu Pháp Liên Hoa là nền tảng để xiển dương giáo pháp nhất thừa của mình. Bản ý của kinh khai thị cho chúng sinh trong tam giới lục đạo tri kiến được bản tâm thanh tịnh vốn có của mình. Chúng sinh lăn lộn trong sinh tử nhiễm ô đau khổ, nhưng cũng trong cảnh giới điên đảo phiền não này biết trở về nhìn lại tính giác của mình thì sẽ vươn lên, vượt ra khỏi cuộc đời sinh diệt vô thường này. Cũng giống như hoa sen sinh ra ở trong bùn, nhưng vẫn vươn lên tỏa hương thơm ngát.
Kinh điển hệ Nam truyền cũng ghi lại hình ảnh của Đức Phật như một đóa hoa sen vô nhiễm ở cõi đời. Đức Phật đã gởi một thông điệp cho nhân loại từ ngày Ngài còn tại thế và cho đến mãi mãi về sau về cách nhận định như thế nào về Ngài cho đúng chính kiến. Trong Tăng Chi Bộ Kinh tập II có chép: Một hôm Bà La Môn Sona thấy dấu chân của Ngài và chú ý đến những đặc điểm khác thường nơi dấu chân ấy, ông ta tìm đến chổ Đức Phật và hỏi:
- Ngài có phải là một vị trời không? Phật đáp: không, Bà la môn lại hỏi: Vậy ngài có phải là Càn thát bà chăng? Ngài đáp: Không- Ngài là quỷ Dạ xoa chăng? Ngài đáp: Không phải.Vậy ngài có là người chăng? Ngài đáp: Ta không phải là người. Quá ngạc nhiên, Bà la môn hỏi tiếp: Vậy ngài là ai? Đức Phật trả lời như sau: Nầy Bà la môn, ta không phải là trời, nhưng đối với loài trời chưa giác ngộ, hoặc còn mê. Ta là một vị trời đã giác ngộ, hết mê hoặc. Ta không phải là Càn thát bà, loài Dạ xoa, là người...chưa giác ngộ, còn mê thì ta là loài Càn thát bà, ... đã giác ngộ, hết mê hoặc.
Ví như hoa sen xanh sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, nhưng không bị nước thấm ướt. Ta sinh ra trong đời, ta chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm. Như vậy ta là Phật.
Như vậy, qua lời dạy của Đức Thế Tôn, Ngài muốn những người học Phật nên nhìn nhận Ngài dưới nhãn quan giác ngộ. Đức Phật khơng phải là một Tối cao quyền năng, siêu nhiên, Ngài cũng không phải là vị thần linh có quyền ban phúc giáng họa cho tín đồ. Mà Ngài xuất hiện như một con người bình thường như bao con người khác. Nhưng con người đó đã thực sự tìm thấy chân lý, giác ngộ được định luật vũ trụ là duyên sinh vô ngã mà trở thành một vị Phật. Ngài giống như hoa sen mọc lên từ bùn lầy nhiễm ô mà tỏa hương thơm ngát cho đời.
Trong kinh điển Phật giáo nói về loài hoa thì hoa sen được xem là loài hoa tiêu biểu được tôn quý nhất. Loài hoa sen tiêu biểu cho đặc tính thanh tịnh vô nhiễm giữa cuộc đời bùn nhơ này. Hình ảnh hoa sen mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất mang tính nhân bản cao nhất trong các loài hoa đẹp trong cuộc đời đầy ô nhiễm này:
“Như giữa đống rác nhơ
Quăng bỏ bên đường kia
Chỗ ấy hoa sen nở
Thơm sạch đẹp ý người”.(PC58)
Theo TK. Thích Trí Thuần/ nguồn: phattuvietnam.net