đậu tương đen hữu cơ

Nghiên cứu

13:27 19/07/2012

Hành giả niệm Phật (Thích Đức Trí)

(TG&DT) - Niệm Phật không ngại vọng tưởng sanh khởi, không hoài nghi và phải tự tin mình nhất định vãng sanh. Tâm tánh chúng ta vốn không nhiễm loạn nay chỉ trở về thôi. Chúng ta lấy câu niệm Phật để về với tâm Phật. Hằng ngày mọi thời mọi lúc câu niệm Phật nhuộm ở trong tâm...

Từ xưa cho tới nay, giáo lý đạo Phật vẫn là kho tàng tri thức giải thoát khổ đau cho nhân loại. Pháp Phật dạy như liều thuốc quí trị bệnh phiền não của chúng sanh. Người tìm đến với giáo lý ấy như đi vào trong rừng với vô số cây cỏ thuốc quý báu. Nếu chỉ ngắm nhìn thôi mà ra về thì không có thuốc để trị bệnh. Nếu chọn đúng thuốc mà uống mà chữa lành bệnh cho mình mới là người có trí tuệ. Phật dạy có nhiều pháp môn tu, một người tha thiết thoát ly sinh tử mà chọn pháp môn tu hành là điều vô cùng cần thiết. Pháp môn tu gắn liền với sinh mệnh giải thoát của chính mình thì cần thực hành siêng năng để đạt đến mục đích sau cùng. Người tu pháp môn niệm Phật cũng như thế, luôn tin tấn học tập và thực hành mới đạt được kết quả. Người niệm Phật như thế gọi là hành giả niệm Phật. Một hành giả niệm Phật trước hết cần xác định mục đích, phương pháp và kết quả của sự tu niệm mới phát huy hết năng lực của chính mình.

 

Mục đích niệm Phật là xa rời tham sân si thành tựu tuệ giác ngộ và được sanh Tây Phương Cực Lạc. Nếu không như vậy thì tu học cũng như ngoại đạo tu mà thôi. Ngoại đạo gồm ai?  Ngoại đạo không chỉ người khác tôn giáo mà còn chỉ chung cho những ai tu niệm ngoài mục đích giải thoát khổ đau sinh tử. Các pháp môn đều cần chuyên tâm. Như học thuật các môn thế gian, cầu hội tụ khí thần, luyện khí công và luyện nhân điện đều cần sự nhất tâm để đạt được mục đích riêng của họ.

 

Chúng ta tu niệm Phật, tụng kinh hằng ngày cần giữ tâm an định hướng đến nhất tâm. Cho nên, nhất tâm từ giai đoạn đầu tiên cho đến lúc thành Phật. Niệm Phật là phương pháp thực tiển trong đời sống hằng ngày. Còn cầu sanh Tịnh độ là mục đích, vì đó là diệu dụng vốn có. Nếu xem niệm Phật là quên hết đời sống hiện thực, đợi chết để sanh về tịnh độ thì thật là đáng tiếc. Nhận thức Tịnh độ như thế là một sự sai lầm lớn. Chẳng khác nào đặt chiếc  thuyền trên sa mạc rồi muốn thuyền chạy là điều vô lý.

 

Cảnh giới nhất tâm trong Tịnh độ là thể nhập với vũ trụ bao la. Tâm ấy bao gồm mọi hiện tượng tồn tại trong không gian và thời gian. Tâm ấy viên mãn, là cái thể của vạn vật, rộng lớn trùm khắp. Đó là cảnh giới của niệm Phật tam muội, tương ưng với pháp thân chư Phật. Kinh dạy: “Như Phật, chúng sanh đồng. Phải biết Phật cùng tâm thể tánh đều vô tận”[1]. Cái mà kinh Hoa Nghiêm nói là Tâm, Phật và chúng sanh cả ba đều không sai biệt. Hay nhà thiền nói, Tức tâm tức Phật[2] là cùng nói về phương diện bản thể của tâm.


 





Làm sao mà niệm Phật mau được nhất tâm?  Trước hết,  phải nhận thức được tâm và niệm. Nhà Phật thường nói rằng, một hơi thở vô và một hơi thở ra gọi là một niệm. “Vì một niệm như thế có 90 sát na, mỗi sát na có 900 lần sanh diệt. Trong Thành Thuật Luận giải thích rằng:  Sát na là thời gian rất ngắn, có muôn pháp sanh diệt, rồi từ sát na này đến sát na kia, các pháp cứ tiếp tục sanh và diệt mãi, như vậy gọi là sát na sanh diệt.”[3] Cho nên niệm Phật nhất tâm, nhất tâm cho đến vô niệm. Vô niệm là thấy cái pháp đang sanh diệt. Chứng đắc niệm Phật tam muội là trực nhận cái tâm không sanh không diệt đó. Tâm đó gọi là Phật tâm. Tâm ấy tự tại trong sanh tử, chứ không phải cái tâm tạo nghiệp bị luân hồi. Khi chứng niệm Phật tam muội cầu sanh tịnh độ cũng được tự tại. 

 

Bản tính vốn có của chúng ta là vô nhiễm. Nhưng do vô minh nên nhận cái giả cho là thật, nên gọi là vọng tâm. Vọng niệm và phiền não huân tập và biểu hiện tương tục trong từng sát na. Nó như dòng chảy đêm ngày cho đến kiếp này kiếp khác. Nó thành sức mạnh chi phối tâm chúng ta , như là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và vô số phiền não khác từ tâm đó mà biến hóa ra. Cho nên nói một niệm có tám vạn bốn ngàn phiền não là nghĩa đó. Kinh dạy: “Chư Phật ba đời, quán đặc tính của pháp giới là do tâm tạo”[4]. An lạc giải thoát cũng từ tâm này, khổ đau sanh tử cũng từ tâm này. Phật hay chúng sanh đều từ tâm này mà ra. Muốn chấm dứt dòng luân hồi vô tận ấy là phải dừng lại vọng tâm và trở về chơn tâm.  Trở về bản thể thanh tịnh sáng suốt ấy gọi là tu.

 

Muốn thành tựu giải thoát không ngoài tâm. Tu các pháp môn là thấy rõ, thấy sâu tính chất sanh diệt các pháp trong từng sát na. Như vậy, khi niệm Phật còn biết mình niệm được bao nhiêu hạt châu là phương tiện nhắc nhở trở về với tâm mình. Nếu còn biết đếm là chưa đủ định lực nhiếp phục vọng niệm trong từ sát na sanh diệt ấy. Thậm chí niệm Phật còn có cảm giác, suy lường cũng chưa phải nhất tâm. Do vậy, niệm Phật đến nhất tâm bất loạn là dứt vọng niệm.

 

Tuy nhiên, khi an trú câu niệm Phật trong tâm, dầu bao nhiêu vọng niệm không cần quan tâm đối phó. Cũng như người đi đường nhắm mục đích mà bước đi vững chải. Bao nhiêu người qua lại không bận tâm làm gì. Nhất hướng là giữ ý niệm mình đang niệm Phật. Còn người qua lại là dụ khách phiền não hiện khởi không chướng ngại người niệm Phật. Niệm Phật không ngại vọng tưởng sanh khởi, không hoài nghi và phải tự tin mình nhất định vãng sanh. Tâm tánh chúng ta vốn không nhiễm loạn nay chỉ trở về thôi. Chúng ta lấy câu niệm Phật để về với tâm Phật. Hằng ngày mọi thời mọi lúc câu niệm Phật nhuộm ở trong tâm.

 

Khi tâm không chạy theo pháp sanh diệt trong từng sát na thì gọi là tịch diệt. Tâm không chạy theo niệm sanh diệt gọi là nhất tâm. Tâm không sanh phiền não ô nhiễm gọi là tâm tịch diệt. Cho nên kinh Niết Bàn nói: “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”[5]. Nghĩa là khi đã dứt cái tâm sanh diệt rồi thì có sự tịch diệt, sự yên lặng và an lac giải thoát.  Lạc ở đây là giải thoát mọi phiền não, sự an lạc ấy có mặt tại đây. Niệm Phật như thế gọi là đắc pháp lạc hiện tiền.  Đó là nghĩa thù thắng thứ nhất của pháp niệm Phật.

 

Niệm Phật tam muội thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. Tam muội lực là tâm chánh định. Chánh định này tương ưng tất cả các tam muội của Phật. Kinh dạy:“ Ở một đức Phật mà niệm niệm nối nhau không gián đoạn, thì liền trong niệm ấy thấy được chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại.”[6]. Đó làcảnh giới cao tột của Tâm giải thoát. Một hành giả niệm Phật là phải tự tại với mọi hoàn cảnh để bảo trì sự chuyên tâm niệm Phật. Các tổ sư niệm Phật tin tấn theo năm tháng mới có sự chứng đắc niệm Phật tam muội. Huống gì người mới thực tập mà mong muốn mau chứng đắc liền là khó. Thiền môn quy củ mục đích giúp chúng ta an trú trong pháp môn tu. Cho nên, hành giả tu tập là hạ quyết tâm mới xả li tất cả mọi chướng ngại để duy trì niệm Phật tại tâm. Chứng đắc niệm Phật tam muội là thể nhập vào bản thể của vạn Pháp, đó cũng là cái thể sáng suốt của Phật A Di Đà.

 

Chúng ta tu là chuyển hóa, từ nhiễm sang tịnh, từ loạn đến nhất tâm, từ phiền não chấp trước đến giác ngộ giải thoát. Các tập khí vô minh từ vô lượng kiếp chồng chất cần có sự niệm Phật nhất tâm, định lực thành khối bất động. Năng lực ấy như ngọn lửa nóng mới đốt sạch cỏ rác phiền não trong tâm nhanh chóng. Sự tu học giải đải thì lâu dài mới có kết quả. Ví dụ như chúng ta cần đun một ấm nước. Nước chưa sôi mà rồi dập tắt lửa thì nước không sôi được. Nếu đốt lửa liên tục thì nước sẽ mau sôi. Cũng thế, niệm Phật liên tục trong mọi thời khắc thì mau đạt nhất tâm bất loạn.

 

Vậy thì tu niệm Phật khó không? Nếu muốn tu rồi thì rất dễ , càng tu thì càng bớt khổ nên nói là dễ tu. Vì tâm tánh chúng ta vốn là Phật, niệm Phật là con đường trở về tâm tánh ấy. Phật A Di Đà cũng là cái thể của tâm tánh sáng suốt. Chúng ta đi đứng nằm ngồi, mọi thời lúc cũng trong ánh sáng của Phật A Di Đà. Ánh sáng ấy không bao giờ gián đoạn với thời gian nên gọi là Vô Lượng Thọ. Nếu chúng ta có Tín, có Hành và có Nguyện hướng về Phật mà niệm thì ánh sáng chiếu soi tâm ta liên tục. Vì ánh sáng của Phật A Đi Đà là bản thể của Tâm trùm khắp vũ trụ nên gọi là Vô Lượng Quang. Ánh sáng A Di Đà luôn hiện hữu trong từng hơi thở, trong trời đất vũ trụ và trong chúng ta. Cho nên niệm Phật nhất tâm bất loạn chứng đắc tam muội là thể nhập và năng lượng ánh sáng ấy. Trạng thái niệm Phật mà không còn niệm, không còn Phật để niệm.  Bản chất tam muội ấy là không còn sai biệt giữa tâm và Phật. Nó xa rời có và không và không còn luận là Thiền hay là Tịnh.

 

Tâm Phật đang hiện hữu trong vũ trụ bao la. Cho nên khi niệm Phật là hòa nhập được năng lực gia trì của Phật. A Di Đà tu vô lượng công đức là chánh báo, Tây Phương Cực lạc là y báo của Phật.Cực Lạc trang nghiêm thù thắng là cõi nước của Phật giáo hóa mọi chúng sanh. Cũng như con người có thế giới này, Phật A Di Đà có thế giới Cực Lạc. Thế giới này là cực khổ nhiều, thế giới của Phật thanh tịnh an lạc nên gọi là Cực Lạc. Chính vì lẽ đó mới nói rằng tu niệm Phật là gồm hai năng lực, đó là tự lực và tha lực. Tự lực là công phu tu hành của chúng ta, tha lực là tất cả chư Phật hộ niệm “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm”[7]. Tu Tịnh độ ví như người chèo thuyền xuôi theo dòng nước thì rất nhanh. Đây là nghĩa thù thắng thứ hai của pháp môn niệm Phật.

 

Tóm lại, pháp môn niệm Phật là bao gồm mọi căn cơ trình độ con người. Ai tu cũng có phần lợi lạc hết, nhưng nếu nhận thức trọn vẹn phương pháp thì có kết quả rất to lớn. Nhưng dù tu bất cứ pháp môn nào cũng phải dựa trên ba môn Giới, Định và Tuệ làm nền tảng. Như lâu đài dù cao cho mấy cũng dựa trên mặt đất mới đứng vững. Vì niệm Phật là nhiếp thân, khẩu và ý đều thanh tịnh hợp nhất mới thành tựu. Giới, Định và Tuệ là lộ trình của tâm hướng tới mục đích chứng ngộ. Niệm Phật A Di Đà với Tín, Nguyện và Hạnh là hành trang chúng ta đi trên lộ trình đó. Một hành giả tu niệm Phật thành tựu thì được giải thoát tự tại và tùy nguyện vãng sanh. Đó là hai phương diện đặc thù vốn có trong pháp môn niệm Phật./.


Thích Đức Trí

 

Chú thích:

1-       Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Dạ Ma Cung, Tập 1, Tr.661.HT Thích Trí Tịnh dịch

2-       Mã Tổ Ngữ Lục, quyển 1, Nguyễn Nam Trân biên dịch

3-       Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Tr. 726,727

4-       Kệ trong kinh Hoa Nghiêm, Trích từ Kinh Nhật Tụng

5-       Kinh Bát Chu Tam Muội, HT. Thích Minh Lễ dịch

6-       Kinh A Di Đà, HT. Thích Trí Tịnh dịch

7-       Sđd, Pháp thoại đầu-Tịch diệt, Tr. 13, Thích Nhất Hạnh

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp