đậu tương đen hữu cơ

SOS & Suy ngẫm

14:23 12/07/2011

Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh con người ở Việt Nam hiện nay

(TG&DT) - Tuy nhiên, ngày nay, an ninh con người đang chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá. Những biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội do toàn cầu hoá gây ra đã đặt an ninh con người nói chung và an ninh con người ở Việt Nam nói riêng trước những cơ hội và thử thách to lớn.

Vấn đề an ninh con người và bảo vệ an ninh con người hiện đang là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vấn đề này cũng được đề cập thường xuyên trong các diễn đàn hợp tác quốc tế. Tuyên bố của các Hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương) diễn ra gần đây đều xác định việc tăng cường an ninh con người là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 ở Sydney, Australia (9/2007), Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã nêu rõ: “an ninh con người là vấn đề mang tính sống còn, gắn liền với sự ổn định và thịnh vượng của mọi quốc gia và nền kinh tế” . Tuy nhiên, ngày nay, an ninh con người đang chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá. Những biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội do toàn cầu hoá gây ra đã đặt an ninh con người nói chung và an ninh con người ở Việt Nam nói riêng trước những cơ hội và thử thách to lớn. Do đó, việc nhận thức đầy đủ về an ninh con người và vai trò của an ninh con người đối với quốc gia và quan hệ quốc tế; vạch ra những mặt tích cực, hạn chế mà toàn cầu hoá tác động đến an ninh con người từ đó đưa ra phương hướng giải quyết là vấn đề có tính chất cần thiết, cấp bách.


1. “Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc đã đưa ra quan niệm về an ninh con người là “sự an toàn của con người trước những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày” . Ngày nay, những mối đe doạ đối với con người (thất nghiệp, ma tuý, tội ác, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền, xung đột vũ trang, khủng bố...) không còn mang tính chất riêng lẻ đối với một quốc gia, một dân tộc nhất định mà đã trở thành vấn đề phổ biến đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều quốc gia, thậm chí là tất cả các quốc gia. An ninh con người vì vậy đã trở thành tâm điểm của sự hợp tác quốc tế, trong đó, yếu tố con người được coi là nền tảng, là mục đích hướng tới để bảo vệ. An ninh con người cũng bao hàm mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển bền vững và vấn đề bảo vệ các quyền cơ bản của con người.


Cũng theo báo cáo của Liên hợp quốc, an ninh con người được cấu thành bởi 7 nhân tố cơ bản , bao gồm: 1. An ninh kinh tế; 2. An ninh lương thực; 3. An ninh sức khoẻ; 4. An ninh môi trường; 5. An ninh cá nhân; 6. An ninh cộng đồng; 7. An ninh chính trị.


An ninh kinh tế được hiểu là việc bảo đảm cho con người có thu nhập ổn định. Mối đe doạ đối với an ninh kinh tế của con người là nạn thất nghiệp. Sự phát triển của nền kinh tế tri thức và sự gia tăng dân số đã khiến một bộ phận lao động lâm vào tình trạng không có việc làm, cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Vì thế, giải quyết tình trạng thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho con người chính là giải pháp cốt lõi để bảo vệ an ninh kinh tế.


An ninh lương thực là sự đảm bảo về nguồn cung cấp lương thực cho con người, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực. Điều này phụ thuộc vào tiềm lực sản xuất lương thực của mỗi quốc gia và những chính sách, trình độ quản lý kinh tế của chủ thể cầm quyền.


An ninh sức khỏe chỉ việc bảo đảm cho con người an toàn về sức khoẻ, tránh khỏi hiểm hoạ bệnh tật. Để bảo vệ an ninh sức khoẻ cho con người đòi hỏi phải làm tốt công tác y tế, tích cực phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền để con người nhận thức được việc bảo vệ sức khoẻ - “vốn quý nhất” của mình.


An ninh môi trường là sự an toàn của con người trước các mối đe dọa từ môi trường. Những đe doạ đó bắt nguồn từ hai nguyên nhân cơ bản là: do con người tạo ra và do thiên nhiên tạo ra. Bảo vệ an ninh môi trường chính là việc duy trì và bảo vệ hệ thống sinh thái, môi trường bảo đảm cho con người có cuộc sống yên ổn. Bảo vệ an ninh môi trường cũng góp phần bảo vệ an ninh lương thực, an ninh sức khoẻ cho con người.


An ninh cá nhân là sự an toàn của cá nhân con người trước những đe doạ từ bên ngoài. Các hình thức đe doạ đối với an ninh cá nhân hết sức phong phú và đa dạng (chẳng hạn như: chiến tranh, xung đột vũ trang, tội phạm, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, tệ nạn xã hội…). Để xác định đâu là mối đe doạ đối với an ninh cá nhân và đề ra cách thức giải quyết cần căn cứ vào điều kiện cụ thể.


An ninh cộng đồng là sự an toàn của một cộng đồng dân cư. An ninh cá nhân thường gắn với an ninh cộng đồng vì con người thường gắn an ninh của mình vào trong một cộng đồng nhất định. Cộng đồng đó sẽ tạo ra sức mạnh để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Nhưng sự xung đột giữa các cộng đồng cũng ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của bản thân cộng đồng và với mỗi cá nhân sống trong cộng đồng.


An ninh chính trị là việc bảo đảm sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người, xâm phạm quyền con người tức là xâm phạm an ninh chính trị. Có thể nói, khái niệm an ninh chính trị đã được xem xét với nghĩa rất rộng, bởi bản thân quyền con người đã bao hàm quyền chính trị. Mặt khác, an ninh chính trị còn có nghĩa là sự an toàn của con người trước hoạt động của các công cụ quyền lực trong một thiết chế chính trị chẳng hạn như: quân đội, cảnh sát…


Những điều đã trình bày ở trên là quan điểm cơ bản của Liên hợp quốc về an ninh con người, đây cũng là quan điểm được đa số các quốc gia chính thức thừa nhận. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia do điều kiện, hoàn cảnh, chế độ xã hội khác nhau nên cách tiếp cận vấn đề này cũng ít nhiều có ý kiến khác biệt. Một số người đã tuyệt đối hoá an ninh con người, hạ thấp vấn đề chủ quyền quốc gia, cho rằng khái niệm an ninh cần thay đổi từ chỗ nhấn mạnh an ninh lãnh thổ sang an ninh con người. Theo chúng tôi, quan điểm đó không chính xác bởi con người vừa mang bản chất tự nhiên, vừa mang bản chất xã hội. Lợi ích của con người luôn gắn liền với lợi ích của cộng đồng, xã hội, gắn liền với sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc mà họ sinh sống. Thực tế cho thấy khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì an ninh con người cũng không thể bảo đảm. Do vậy, không thể hạ thấp vấn đề này hoặc đề cao vấn đề kia mà phải đặt chúng trong mối quan hệ bền chặt, là tiền đề và điều kiện của nhau.


2. Quá trình toàn cầu hoá mọi mặt của đời sống xã hội đang trở thành xu hướng chung, trong đó nổi bật là xu hướng toàn cầu hoá kinh tế, hợp tác và phát triển. Trong xu thế đó, Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước nhằm tạo điều kiện phát triển đất nước, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Suy cho cùng những chính sách đó của Việt Nam cũng hướng tới phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, vì một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” , tức là hướng tới bảo vệ an ninh con người. Từ những nhận thức về an ninh con người đã được đề cập ở nội dung trên và căn cứ vào tình hình thực tế, chúng ta có cơ sở để nhận diện những mặt tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức mà toàn cầu hoá đặt ra đối với an ninh con người ở Việt Nam hiện nay, thể hiện ở một số điểm cơ bản sau:


Về cơ hội:


Thứ nhất, toàn cầu hóa đã tạo ra những cơ hội quan trọng như thị trường, vốn, khoa học - công nghệ... mà Việt Nam có thể tận dụng để phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng cao khả năng đảm bảo an ninh con người.


Trong quá trình hội nhập, tham gia vào xu thế toàn cầu hoá, Việt Nam đã mở rộng được thị trường cho việc tiêu thụ hàng hoá; thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư trên thế giới; đi tắt, đón đầu những lĩnh vực công nghệ hiện đại như: vi điện tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới.... Nhờ vậy, Việt Nam đã đẩy nhanh sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xã hội phát triển. Sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước là tiền đề để chúng ta có khả năng quan tâm đến con người nhiều hơn. Trước khi đổi mới, hội nhập quốc tế Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng.


Sự thành công của chính sách đổi mới, mở cửa đã làm bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi rõ rệt, an ninh con người được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Từ một nước thường xuyên thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới; mặc dù hiện nay thế giới đang bị đe doạ bởi “cơn bão thiếu lương thực” thì chúng ta vẫn đứng vững. Công tác xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam cũng có những tiến bộ đáng kể, theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ xoá đói giảm nghèo đến năm 2015 trước 10 năm . Sự tiếp thu những thành tựu khoa học trên thế giới cũng giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, chúng ta đã chữa trị được nhiều căn bệnh hiểm nghèo mà trước đây không thực hiện được, đã ngăn chặn có hiệu quả nhiều dịch bệnh mới như SARS, cúm gia cầm…; tuổi thọ trung bình tăng dần (số liệu năm 2000 tuổi thọ trung bình là 67.8 tuổi, năm 2005 là 71,5 tuổi)… Cũng theo Liên Hợp quốc, “chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2003 là 0,704…cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước kém phát triển (0,518) và xấp xỉ mức các nước có thu nhập trung bình (0,774)” . Có thể nói sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi tham gia vào toàn cầu hoá đã phần nào đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khoẻ cho con người…


Thứ hai, toàn cầu hoá tạo cho Việt Nam cơ hội tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về an ninh con người.


Như đã đề cập ở trên, ngày nay, những đe doạ đối với an ninh con người như ô nhiễm môi trường, khủng bố, ma tuý… không còn nằm trong phạm vi một quốc gia mà đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hợp tác giải quyết. Chính xu thế toàn cầu hóa đã liên kết các quốc gia lại với nhau gần gũi hơn, tạo ra sức mạnh chung để chống lại những mối đe doạ từ nhiều phía. Mặt khác, toàn cầu hoá cũng làm ra đời và củng cố vững chắc các thiết chế quốc tế, đặc biệt là sự ra đời của các tổ chức quốc tế trong mọi lĩnh vực. Các tổ chức này đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh con người, giúp các nước vừa và nhỏ có vị thế ít bất lợi hơn trong quan hệ quốc tế, qua đó phát triển vững chắc, chăm lo tốt cho con người. Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều vấn đề về an ninh con người cần sự hỗ trợ của các nước phát triển hơn. Thông qua toàn cầu hoá, Việt Nam đã tham gia vào các hiệp ước hướng tới việc bảo vệ an ninh con người; tham gia vào các tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc, APEC, ASEAN… Nhờ đó, Việt Nam đã góp phần mình vào việc bảo đảm an ninh con người nói chung đồng thời nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt của cộng đồng quốc tế để có thể chống lại những mối đe doạ đối với con người như việc hợp tác bảo vệ môi trường, hỗ trợ y tế, giáo dục, đấu tranh chống các loại tội phạm quốc tế…

Thứ ba, toàn cầu hoá tạo cơ hội cho con người tiếp cận thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ an ninh cho chính bản thân mình.

Trên thực tế, những mối nguy hiểm đối với an ninh con người có thể do tự nhiên gây ra nhưng phần nhiều lại bắt nguồn từ chính bản thân con người. Do nhận thức hạn chế nên con người không nhận ra những mối đe doạ đó hoặc tự tạo ra sự bất lợi cho mình, chẳng hạn như thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ bản thân trước những tệ nạn xã hội… So với mặt bằng chung trên thế giới, trình độ nhận thức của người dân Việt Nam còn có những hạn chế nhất định, chính vì vậy việc cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết để nhân dân tự tạo cho mình sức đề kháng trước những hiểm hoạ đối với an ninh con người là cần thiết. Toàn cầu hoá đã góp phần vào thực hiện công việc đó, trong một thế giới phẳng với một xa lộ thông tin đa dạng, phong phú, con người có thể tự do lựa chọn những thông tin bổ ích cho bản thân mình, từ đó có những kiến thức để bảo vệ bản thân mình và người khác, thấy được những quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với công việc chung vì một xã hội tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn.


Về thách thức:


Thứ nhất, toàn cầu hóa làm nền kinh tế Việt Nam gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế thế giới và buộc phải chấp nhận một môi trường cạnh tranh hết sức gay gắt, từ đó nảy sinh những nguy cơ đối với an ninh con người.


Ngày nay, một trong những mối đe dọa đối với các nước là sự tụt hậu, nghèo đói…. Vì thế hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá là một xu thế tất yếu. Trong quá trình hội nhập, sự phụ thuộc giữa các nước với nhau ngày càng gia tăng, sự cạnh tranh trở nên gay gắt, những nước, những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh kém hơn thường thua thiệt và bất lợi. Điều đó dẫn đến hàng loạt các hệ quả xấu ảnh hưởng đến an ninh con người… Việt Nam là một nước đang phát triển nên trong quá trình hội nhập cũng không tránh khỏi những nỗi ám ảnh triền miên mà toàn cầu hoá mang lại. Trước hết là nạn thất nghiệp, sự phá sản của một số doanh nghiệp đã đẩy người lao động vào tình trạng không có việc làm. Điều đáng lo ngại ở đây là lao động nước ta còn hạn chế nhiều về khả năng giao tiếp, chưa được đào tạo chuyên môn một cách chuẩn mực, tinh thần trách nhiệm trong lao động còn thấp nên gặp khó khăn trong việc hội nhập với thị trường lao động thế giới. Số liệu năm 2004 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 6%, năm 2007 tỷ lệ có giảm nhưng vẫn ở mức 4,2%.


Toàn cầu hoá, tình trạng thất nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phân hoá giàu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày một xa dần. Việc nông dân bỏ ruộng đất đổ ra thành thị kiếm việc không những làm nảy sinh những vấn đề phức tạp cho xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia. Bên cạnh tình trạng thất nghiệp, sự phân hoá giàu nghèo… toàn cầu hoá còn làm kinh tế Việt Nam phần nào phụ thuộc vào kinh tế thế giới, do vậy mỗi khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng thì nền kinh tế Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng nhất định, chẳng hạn như tình trạng lạm phát của Việt Nam hiện nay cũng phần nào do sự tác động của nền kinh tế thế giới (tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2008 là 14,1% và chưa thấy có dấu hiệu suy giảm ).


Mặt khác, sự gắn bó chặt chẽ, phụ thuộc vào kinh tế thế giới cũng nảy sinh những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Các thế lực phản tiến bộ đã lợi dụng và thông qua kinh tế để gây sức ép về mặt chính trị, tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh và chủ quyền quốc gia. An ninh con người vì vậy cũng chịu ảnh hưởng vì an ninh con người được nhìn nhận trong mối quan hệ gắn bó với an ninh quốc gia như chúng ta đã đề cập ở trên.


Thứ hai, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho sự phát triển và lan truyền của nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm như buôn bán và sử dụng ma túy, tội phạm quốc tế, khủng bố quốc tế… làm tăng mối đe dọa tới sự ổn định của xã hội và sự an toàn của con người.


Quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế với những hạn chế của nó đã phần nào làm lan truyền và gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm ở Việt Nam. Nhiều tội phạm có tính chất quốc tế đã xuất hiện và ngày càng hoạt động một cách tinh vi hơn. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đã nhấn mạnh: “mặt trái của toàn cầu hóa sẽ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều loại tội phạm mới ở Việt Nam. Đặc biệt là sự gia tăng các loại tội phạm mang tính chất quốc tế như khủng bố, tiêu thụ tiền giả, sản xuất tiêu thụ tiền giả, mua bán phụ nữ trẻ em...


Trung bình mỗi năm, toàn quốc xảy ra 80.000 vụ tội phạm các loại, trong đó trên 60.000 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Số vụ tội phạm ma túy là 11.000; tội phạm gian lận thương mại hơn 10.000”. Do mở rộng giao lưu, việc xuất nhập cảnh vào Việt Nam thuận lợi hơn trước nên nhiều tội phạm gây án ở nước ngoài rồi tìm cách chạy vào Việt Nam để ẩn náu, thậm chí còn nhiều tên tiếp tục gây án tại Việt Nam. Trái lại, một số tên tội phạm đã gây ra những vụ án nghiêm trọng tại Việt Nam rồi tìm cách trốn ra nước ngoài hòng lẫn tránh sự trừng trị của pháp luật Việt Nam. Tất cả những điều đó đã đe doạ đến cuộc sống bình yên của người dân, đe doạ an ninh của cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, sự gia tăng của các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm… cũng ảnh hưởng đến an ninh sức khoẻ của con người Việt Nam, làm lây lan dịch bệnh, trong đó có căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS… Đây là mối đe doạ hết sức to lớn mà chúng ta đang phải gánh chịu.


Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động xấu đến an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay.


Sự phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa diễn ra trong quá trình toàn cầu hoá đã làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam ngày càng cạn kiệt, rừng bị tàn phá, không khí và các nguồn nước bị ô nhiễm. Từ đó trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến thiên tai, lũ lụt, thiếu nước sinh hoạt, sa mạc hóa đất đai... đe dọa an toàn cuộc sống con người và ảnh hướng xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải khi trả lời báo chí đã nói: “Theo đánh giá của nhiều chuyên gia GDP tăng 1%, chất thải tăng 3%. Nếu chúng ta tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt tại thời điểm hiện nay và thế hệ mai sau.


Chất lượng cuộc sống sẽ giảm và không bảo đảm thực hiện được ba mục tiêu phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” . Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, một quốc gia đang phải trả giá về môi trường trong việc phát triến kinh tế nhanh của mình, Việt Nam cần thấy được nguy cơ trước mắt và buộc phải đặt vấn đề môi trường thành một trong trong các chiến lược phát triển của quốc gia. Nếu tình trạng hiện tại không kịp cải thiện, với ảnh hưởng mạnh của toàn cầu hoá, của sự phát triển của kinh tế, môi trường của Việt Nam sẽ tiếp tục ô nhiễm nặng nề hơn, con người sẽ phải sống trong sự lo sợ về bệnh tật, thiếu thốn, về những tai hoạ mà thiên nhiên sẽ gây ra... Có thể nói, vấn đề môi trường là một thách thức hết sức to lớn đối với an ninh con người mà Việt Nam phải giải quyết trong quá trình hội nhập quốc tế.


3. Trên đây, chúng tôi đã phác thảo một số nét cơ bản về sự tác động của toàn cầu hoá đến an ninh con người ở Việt Nam hiện nay. Ngoài những cơ hội mà toàn cầu hoá mang lại, có thể nói an ninh con người ở Việt Nam đang đứng trước những thử thách to lớn, đòi hỏi phải kịp thời giải quyết. Song an ninh con người là vấn đề rất phức tạp nên việc bảo đảm an ninh con người cần có những chủ trương chính sách mang tính chiến lược, lâu dài và có tầm ảnh hưởng rộng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số phương hướng cụ thể sau:


Thứ nhất, quán triệt và phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ bảo vệ an ninh con người mà Liên hợp quốc đã đề ra, cụ thể như: Bảo vệ cho con người tránh các cuộc xung đột bạo lực và phổ biến vũ khí; lập quỹ tạm thời về an ninh con người; thực hiện việc giao thương công bằng và bảo đảm mức sống tối thiểu cho con người, chú trọng đến công tác y tế; bảo đảm quyền con người, tôn trọng tự do lựa chọn của các cá nhân…


Thứ hai, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế, tham gia vào các hiệp ước quốc tế có nội dung hướng tới việc bảo vệ an ninh con người, phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết những vấn đề an ninh con người có tính chất toàn cầu như: vấn đề môi trường, ma tuý, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia… Trong quan hệ quốc tế chú trọng xu hướng đối thoại, tránh tối đa mọi xung đột, tất cả mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu phát triển, vì lợi ích quốc gia và an ninh con người.


Thứ ba, tích cực tuyên truyền giáo dục để toàn Đảng, toàn dân hiểu rõ được vai trò quyết định của an ninh con người đối với sự phát triển của đất nước và nhận thấy những mối đe doạ mà toàn cầu hoá đặt ra cho an ninh con người của Việt Nam từ đó có ý thức tham gia tích cực vào việc bảo vệ an ninh con người, bảo vệ chính bản thân mình. Chẳng hạn như: tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ môi trường, ký kết không tham gia tệ nạn xã hội…


Thứ tư, hoàn thiện hệ thống luật pháp, xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh mọi hành vi trong xã hội có liên quan đến an ninh con người, đảm bảo mọi mối đe doạ đến an ninh con người đều được xử lý trên cơ sở pháp luật vững chắc… Mặt khác, xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện cũng giúp Việt Nam có những bước tiến vững chắc trong quá trình hội nhập, tránh được những rủi ro mà toàn cầu hoá gây ra.


Thứ năm, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả những chương trình hành động quốc gia hướng tới việc bảo vệ an ninh con người, ví như: Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, chương trình dân số quốc gia, chống mọi hành vi có tính chất bạo lực…


Thứ sáu, thực hiện tốt mọi hoạt động phúc lợi xã hội; tập trung vào việc xoá đói giảm nghèo; tạo mọi cơ hội công bằng cho các doanh nghiệp, giảm sự chênh lệch về kinh tế - văn hoá – xã hội giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi…; chăm lo công tác y tế, bảo vệ sức khoẻ người dân; đẩy mạnh việc giáo dục đào tạo để bồi dưỡng lực lượng lao động có năng lực và trình độ, đủ khả năng tham gia vào môi trường làm việc của thời kỳ hội nhập.


Thứ bảy, đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ trong toàn xã hội; tạo mọi điều kiện cho người dân được thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ, quyền con người, đảm bảo cho con người được phát triển một cách toàn diện.


Tóm lại, bảo vệ an ninh con người ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cần phải ưu tiên thực hiện, đặc biệt là trước những cơ hội và thách thức mà toàn cầu hoá đã và đang đặt ra cho an ninh con người. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp, cần có những chủ trương, biện pháp có tính chất vĩ mô, lâu dài, cần thiết phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả yếu tố nội lực và yếu tố ngoại lực. Trên cơ sở những phương hướng chung đã nêu phải cụ thể hoá thành những cách làm, bước đi phù hợp với tình hình thực tế nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ con người, đưa đất nước phát triển bền vững. Song, việc bảo vệ an ninh con người phải được tiến hành một cách chủ động với ý nghĩa phòng ngừa là cơ bản, bởi an ninh con người chỉ mang tính tích cực khi khi tiến hành các biện pháp phòng ngừa hơn là can thiệp khi khủng hoảng đã nổ ra.



Nguyễn Quỳnh Anh
GV Triết học, Trường Đại học An ninh nhân dân
Email:
nguyenquynhanh.dhan@gmail.com

Bình luận (2)

Điều đáng lo nhất hiện nay không phải là tác động đến an ninh con người mà đến an ninh tôn giáo, vì nhận thức quyết định niềm tin, niềm tin không chánh pháp là nguy nhất, là mối lo nhất trong tất cả các mối lo của dân tộc ta.
Nguyễn Lan ( 16/07/2011 14:24:44)
Có ai biết toàn cầu hoá ảnh hưởng như thế nào tới lao động và việc làm của một nước nào đó không? nếu biết cho em xin ý kiến với nhé... em cảm ơn nhiều
Thành Trung ( 13/07/2011 11:07:08)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp