đậu tương đen hữu cơ

Tôn giáo - Thời đại

17:56 12/11/2011

Bốn pháp nạn của Phật giáo Trung Quốc

Thực tế trong gần một nghìn chín trăm năm, Phật giáo Trung Quốc đã trải qua nhiều lần hưng suy, nhưng sâu đậm nhất là bốn lần pháp nạn. Học giả Vương Chí Bình người Trung Quốc trong tập Đế vương dữ Phật giáo đã thuật lại bốn pháp nạn, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn khởi, và sự phục hưng sau đó.
 

Nguyên tác Vương Chí Bình


Lược dịch Thích Nguyên Chơn


Phật giáo được truyền vào Trung Quốc vào thời Hậu Hán, sau Khổng Lão khoảng năm thế kỉ, nhưng đã nhanh chóng thâm nhập vào mọi giai tầng xã hội. Từ đó trải qua gần một nghìn chín trăm năm, đến cuối đời Thanh, Phật giáo vẫn phát triển, mà cực thịnh là vào đời Đường Tống. Đồng thể tam bảo vẫn vĩnh hằng, xa lìa mọi biến động của thời không. Nhưng Thế gian trụ trì tam bảo thì vẫn phải chịu sự biến diệt. Tức sự lưu thông và hoằng hóa của Đạo ở thế gian này vẫn có hưng suy.


Thực tế trong gần một nghìn chín trăm năm, Phật giáo Trung Quốc đã trải qua nhiều lần hưng suy, nhưng sâu đậm nhất là bốn lần pháp nạn. Học giả Vương Chí Bình người Trung Quốc trong tập Đế vương dữ Phật giáo đã thuật lại bốn pháp nạn, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn khởi, và sự phục hưng sau đó. Tuy chưa đầy đủ và có nhiều nhận định chủ quan, nhưng tác giả cũng nêu lên các điểm quan trọng giúp chúng ta thấy được bức tranh diệt Phật của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Hôm nay trang Pháp Âm sẽ đăng bốn thời kì pháp nạn này.


I. PHÁP NẠN THÁI VŨ ĐẾ TRIỀU BẮC NGỤY

Sau trận chiến ở Phì Thủy, triều đại Tiền Tần phương Bắc bị diệt vong; các bộ tộc thừa cơ nổi dậy tự phân định cương thổ. Trong đó, thủ lãnh của tộc Tiên Ty là Thác-bạt Khuê, vào năm 386 đứng ra tổ chức đại hội toàn bộ tộc này tại Ngưu Xuyên (gần Hô-hòa-hạo-đặc thuộc Nội Mông ngày nay), tự xưng Đại vương, thành lập vương triều nhà Đại. Không bao lâu, Thác-bạt Khuê dời đô đến Thạnh Đông (tức Hòa-lâm-cách-nhĩ thuộc Nội Mông ngày nay), đổi xưng là Ngụy vương. Khoảng mười mấy năm sau, Thác-bạt Khuê dần dần tiêu diệt các chư hầu lân cận, không ngừng mở rộng bờ cõi. Năm 398, Thác-bạt Khuê dời đô về Bình Thành (Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay), bỏ vương hiệu mà xưng là Bắc Ngụy Đạo Hoàng Đế, từ đó dần dần phát triển thành một triều đại phong kiến thống trị phương bắc thời bấy giờ (thời Nam Bắc triều).


Do Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi ở phương Bắc Trung Quốc vào thời kì Ngũ Hồ thập lục quốc[1], đã hình thành một thế lực nhất định, nên lúc mới lập quốc, Thác-bạt Khuê cũng không xem nhẹ Phật giáo. Theo sử ghi chép thì Ngụy đế vừa thích thuật Hoàng Lão lại vừa rất thích xem đọc kinh Phật. Nhưng vì thiên hạ mới yên định, trăm việc cần phải làm, nên ông chưa đề cập đến việc xây dựng chùa viện, mời thỉnh tăng chúng. Nhưng trong thời gian chiến tranh, ông đặc biệt kính lễ tăng nhân. Bấy giờ có hòa thượng Tăng Lãng thông đạt Phật pháp, cùng với đồ chúng ẩn tu tại Kim Dư cốc ở Thái sơn. Đạo Vũ đế nghe danh, liền gửi thư, tặng vải lụa, bát bằng bạc, đồng thời khen ngợi đạo đức của hòa thượng đồng non biển, thần toán cao xa, mời xuất sơn để cùng mưu định sách lược.


Ngoài ra còn có ngài Pháp Quả, thông đạt yếu chỉ hoằng dương Phật pháp. Sau khi Đạo Vũ đế lên ngôi không bao lâu, ngài Pháp Quả liền tôn xưng Đạo Vũ đế là Như Lai ở hiện đời, tất cả sa-môn đều phải kính lễ. Vì thế Đạo đế càng đãi ngộ ngài Pháp Quả, phong làm Đạo Nhân Thống (giống như Tăng chánh đời Hậu Tần, chức vụ thống lãnh tăng ni trong nước). Việc sa-môn kính lễ vua chúa này đã biểu hiện sự xung đột mạnh mẽ giữa Phật giáo và Nho giáo. Ngài Pháp Quả với thân phận tăng nhân yêu cầu sa-môn lễ kính vua chúa, trên một ý nghĩa nhất định nào đó đã phá bỏ mất nguyên tắc bền vững của Phật giáo. Nhưng ngài đưa ra việc này với một điều kiện như đã nói là xem Đạo Vũ đế như là Như Lai hiện đời, lễ Vũ đế tức lễ Như Lai. Từ điều kiện này mà sa-môn vừa có thể giữ vững nguyên tắc vừa thể hiện tánh linh hoạt, khiến Phật giáo tiếp tục phát triển trong xã hội Bắc triều.


Qua nhiều lần gặp gỡ các cao tăng đại đức, Đạo Vũ đế dần dần dốc lòng kính tôn Phật giáo. Lúc mới bình định phương Bắc, Vũ đế ban chiếu xây chùa lập tháp ở kinh đô, giúp cho tăng nhân và tín đồ có nơi cư trú. Như thế, vào thời kì đầu của triều Bắc Ngụy, Phật giáo đã có một vị trí quan trọng trong xã hội.


Sau khi Đạo Vũ đế băng, con là Minh Nguyên đế kế vị. Nguyên đế kế thừa vua cha cũng tôn sùng Hoàng Lão, ưa thích Phật pháp, không những ban chiếu lập chùa tháp ở kinh đô và các nơi mà còn yêu cầu sa-môn hỗ trợ triều đình trong việc trị hóa nhân dân, dùng tín ngưỡng Phật giáo làm kế sách cho vương quyền. Nguyên đế rất kính trọng và ưu đãi ngài Pháp Quả, nhiều lần ban tặng tước hiệu như: Phụ Quốc Nghi Thành Tử, Trung Tín hầu, An Thành công, khởi đầu cho việc phong tặng tước hiệu cho tăng nhân. Nhưng ngài Pháp Quả kiên quyết từ chối chẳng nhận. Nguyên đế cũng đã nhiều lần đích thân đến trụ xứ của ngài để thưa hỏi Phật pháp. Từ đó có thể thấy được tín tâm lễ kính Phật pháp và cao tăng của Nguyên đế. Sau đó không lâu, ngài Pháp Quả viên tịch, thọ hơn tám mươi tuổi. Lúc chưa tẩm liệm, Nguyên đế đã ba lần đến viếng, truy tặng Lão Thọ Tướng Quân, Việt Hồ Linh công. Sau đó cho con cháu được kế thừa tước hiệu này.


Đạo Vũ đế, Minh Nguyên đế triều Bắc Ngụy tôn sùng Phật giáo, khiến cho thế lực của Phật giáo tại phương Bắc ngày càng tăng mạnh, dần dần hình thành một lực lượng xã hội lớn không thể xem thường. Điều này tất nhiên khiến cho sự mâu thuẫn giữa Phật giáo và tư tưởng văn hóa truyền thống, chánh trị thế tục của Trung Quốc ngày càng sâu đậm.


Năm 424, Thái Vũ đế Thác-bạt Đảo kế vị. Các sử đều ghi rằng lúc mới lên ngôi, Thái Vũ đế cũng đi theo sự nghiệp của Đạo Vũ và Minh Nguyên, thường đàm luận Phật pháp với các cao tăng đại đức. Hơn nữa, vào ngày Phật Đản mồng tám tháng tư hàng năm, Thái Vũ đế thường ban sắc cung nghinh tượng Phật diễu hành qua các phố lớn trong kinh thành, còn tự thân lên lầu xem xét việc rải hoa cúng dường. Sau khi lên ngôi không bao lâu, Vũ đế xuất quân ra Hà Tây, bình định Lương Châu, đón một số lớn tăng lữ về Bình Thành, khôi phục các danh lam thắng tích, đồng thời xây dựng chùa Tông Chánh ở Nghiệp Thành. Do đó có thể biết, vào thời kì đầu Thác-bạt Đảo không có ác ý với Phật giáo, mà còn có thể nói ông đã qui y Tam bảo. Các sử cho rằng về già Vũ đế quan tâm đến võ công, lấy việc bình định loạn lạc làm đầu. Tuy ông ta có tâm sùng tín Phật pháp, kính trọng sa-môn, nhưng chưa xem kinh giáo, nên không thể hiểu được yếu nghĩa nhân duyên quả báo… của Phật pháp.


Khi mới thành lập, triều Bắc Ngụy muốn mở rộng bờ cõi, củng cố bộ máy thống trị, nên cần phải có quân binh phu dịch, lương thực, thuế má đầy đủ. Nhưng theo thể lệ các triều trước, sa-môn Phật giáo được miễn những điều ấy, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, vật lực của triều đại phong kiến. Do đó, vào năm 438 (niên hiệu Thái Duyên thứ tư), Thái Vũ đế hạ chiếu cưỡng ép sa-môn dưới năm mươi tuổi phải hoàn tục để bổ sung vào quân đội. Đồng thời, Vũ đế lại chú trọng Nho học, muốn sử dụng văn hóa truyền thống tiền tiến của Trung Nguyên và chế độ chính trị để củng cố đế quyền của mình, đồng thời tranh thủ sự hợp tác của các tầng lớp sĩ phu và địa chủ người Hán. Từ mục đích này mà Thái Vũ đế đã dễ dàng chịu ảnh hưởng của Đạo giáo mà sĩ phu Hán tộc đã chú trọng.


Tín đồ Đạo giáo tôn Lão Tử, giáo tổ của mình làm Quốc sư, gọi Phật giáo là giáo của Tây Nhung, gọi Phật là Hồ thần, chủ trương thuật trường sanh bất lão. Tất cả các điều này đều nhằm tạo ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Vũ đế. Hơn nữa, bấy giờ trong triều có Tư Đồ Thôi Hạo xuất thân từ danh gia vọng tộc, làu thông kinh sử, giỏi thuật âm dương ngũ hành và toán số, thường được phép tham dự nghị bàn các việc quân cơ quan trọng. Thôi Hạo lại sùng tín Thiên Sư đạo của Khấu Khiêm Chi, bài xích Phật giáo. Trong lúc tiếp xúc luận đàm với Thái Vũ đế, Thôi Hạo thường hủy báng Phật pháp, cho Phật pháp là giả dối, hoang đường; là một mối họa lớn cho quốc gia. Do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Thôi Hạo mà Thái Vũ đế dần dần tin vào Thiên Sư đạo của Khấu Khiêm Chi.


Khiêm Chi tự là Phủ Chân, thuở nhỏ đã thích tiên đạo, chuyên tu theo Ngũ Đấu Mễ đạo do Trương Lăng, Trương Hành, Trương Lỗ cuối đời Hán sáng lập, lại theo các phương sĩ vào Hoa sơn, Tung sơn tu luyện. Theo lời truyền, Khiêm Chi được Thái Thượng Lão Quân trao cho địa vị Thiên sư và bộ Vân trung âm tụng tân khoa chi giới, hai mươi quyển. Đồng thời ông cũng bảo Khiêm Chi chỉnh đốn lại Đạo giáo, trừ dẹp ngụy pháp của ba người họ Trương và truyền cho thuật nam nữ hợp khí. Lại cho rằng Khiêm Chi được huyền tôn của Lão Tử là Lý Phổ Văn trao cho Lục đồ chân kinh hơn sáu mươi quyển. Phổ Văn yêu cầu Khiêm Chi phò giúp Thái Bình Chân Quân truyền bá Đạo giáo, xây dựng am quán v.v… Vào cuối đời Nguyên Minh đế, Khấu Khiêm Chi rời Tung Sơn đến Bình Thành, kết giao với Thôi Hạo, sáng tối cùng nhau luận đàm về các sự tích trị loạn xưa nay. Khiêm Chi thường than rằng: “Ta chuyên tu đạo, chỉ ẩn cư mà không màng đến thế lợi, nhưng vì sự phó thác của thần nên cần phải học thêm Nho thuật để phò giúp Thái Bình Chân Quân, tiếp nối dòng đạo đã nghìn năm tuyệt dứt”. Thôi Hạo cũng soạn hơn hai mươi thiên, cùng với Khiêm Chi kẻ xướng người hòa.


Khoảng trước sau niên hiệu Thủy Quan thứ nhất (424), thông qua Thôi Hạo, Khiêm Chi dâng lên Thái Vũ đế bộ sách của Đạo giáo, Thôi Hạo suy cử rằng: “Xưa nay các bậc thánh vương nhận lãnh mệnh trời đều có điềm lành ứng hiện. Nay có một tiên nhân đạo đức trong sáng đang ẩn cư, chẳng mời mà tự đến, thật phù hợp với việc ứng thiên mệnh của bệ hạ. Nhất thiết không nên tin theo lời lẽ thường tình của thế tục mà xem thường mệnh trời linh ứng”.


Sau khi nhận được Đạo thư, Thái Vũ đế liền tin phụng Đạo giáo. Ông ta không chỉ kính phụng Khiêm Chi là Thiên sư mà còn đưa hơn bốn mươi đệ tử của Khiêm Chi về kinh, lập đạo tràng Thiên Sư ở phía nam kinh thành để tế tự lễ bái, lại sai người mang ngọc, lụa, ba con vật đến tế thần Tung sơn. Từ đó về sau, Khiêm Chi thường xuyên tham dự triều chính. Năm 441 Khiêm Chi tâu:


- Bệ hạ là Chân quân ngự ở thế gian, từ xưa đến nay chưa từng có. Vì thế cần phải lên đàn nhận “Phù lục” để làm sáng tỏ thánh đức!


Vũ đế nghe theo, đổi niên hiệu là Thái Bình Chân Quân, sai người lập Đạo đàn. Qua năm sau, Đế lên đàn nhận “Phù lục” tuyên dương khắp thiên hạ. Được sự tín phụng của Thái Vũ đế, Đạo giáo đã phát triển toàn diện, thế lực ngày càng lớn mạnh. Khấu Khiêm Chi v.v… lại không ngừng khích động nhằm khiến Thái Vũ đế tiến hành bài xích Phật giáo. Tháng giêng niên hiệu Thái Bình Chân Quân thứ năm (444), Vũ đế ban chiếu:


- Hàng ngu dân vì không biết mà tin lầm yêu tà, nuôi dưỡng các vu sư (người chiêm tinh bói toán), cất giữ sách sấm kí, âm dương, đồ thư, phương kỉ. Lại có các sa-môn Phật giáo mượn sự hoang đảng của Tây Nhung (Tây Trúc) để phát sinh điều xấu ác. Vì thế từ vương công cho đến thứ dân không được nuôi dưỡng sa-môn, vu sư trong nhà, nếu đến kì hạn mà không giao nộp thì tội chết chẳng tha.


Xét chiếu thư này, Vũ đế chỉ cấm nuôi dưỡng sa-môn và vu sư, cấm cất giữ các sách âm dương, đồ thư, sấm kí; chủ yếu là đối trị việc mưu phản của thần dân. Bởi vì năm trước có xảy ra sự kiện thừa tướng Trương Tung cầu tìm đồ thư sấm kí để mưu phản. Đồng thời cũng từ đó mà biết rằng Vũ đế bài xích Phật giáo chỉ vì cho Phật giáo là một tôn giáo ngoài bang, mà chưa đề cập đến Đạo giáo. Như thế, đủ thấy việc ban hành chiếu thư này có liên quan đến việc Đạo giáo tiến hành khích động để tranh thủ ân sủng của Vũ đế.


Niên hiệu Thái Bình Chân Quân thứ sáu (445), một người Hồ ở Lô Thủy là Cái Ngô tập hợp đồ chúng khởi nghĩa tại Hành Thành (nay là Hoàng Lăng, Thiểm Tây), dựng  cờ đấu tranh võ trang phản kháng sự thống trị của triều đình Bắc Ngụy, được nhân dân Hán, Hồ ở các vùng Thiểm Tây, Cam Túc nhiệt liệt hưởng ứng, vì thế tạo được một lực lượng rất lớn mạnh. Qua năm sau, Thái Vũ đế thân chinh thống lãnh binh mã đến Trường An, chỉ huy trấn áp cuộc khởi nghĩa của Cái Ngô. Trong thời gian ở Trường An, một hôm ngẫu nhiên Vũ đế phát hiện trong một ngôi chùa có cất chứa binh khí, số lượng lớn vật dụng nấu rượu và nhiều tài vật khác của các nhà giàu gởi.


Đồng thời trong mật thất của chùa có rất nhiều phụ nữ ẩn núp. Việc phát hiện này đã tạo thành nguyên nhân trực tiếp châm ngòi cho Thái Vũ đế hủy diệt Phật pháp. Ông ta cho rằng sa-môn không được tàng trữ vũ khí, vậy sa-môn ở Trường An nhất định liên kết với Cái Ngô, lại còn cất chứa vật dụng nấu rượu và phụ nữ là vi phạm giới luật. Do đó, từ sự kiến nghị của Thôi Hạo, Vũ đế ban lệnh giết hết sa-môn, đập phá tôn tượng, thiêu đốt kinh điển. Đồng thời, ban sắc cho quan Lưu thú Bình Thành là thái tử Thác-bạt Hoảng hạ lệnh cho các châu huyện khắp nơi làm theo Trường An, đồng hủy diệt Phật pháp.


Thái tử Thác-bạt Hoảng vốn tin phụng Phật pháp, sau khi nhận lệnh của Thái Vũ đế, đã nhiều lần dâng biểu cầu xin, nhưng Vũ đế kiên quyết chẳng chịu, mà còn nói: “Phật giáo là giáo của ngoại bang, chẳng gần gũi nhân tình. Do Phật giáo thịnh hành mà chánh giáo không sáng tỏ, lễ nghi bị bại hoại, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều triều đại. Do đó Quân hầu, Thứ sử của các trấn cần phải đốt phá tất cả kinh tự Phật giáo, chôn sống tất cả sa-môn chẳng kể già trẻ, không nên lưu tình!”.


Chiếu thư này đã biểu lộ dã tâm tận diệt Phật giáo của Vũ đế. Nhưng Lưu thú Bình Thành trì hoãn việc tuyên chiếu thư, tạo cơ hội cho phần lớn sa-môn các nơi lẩn trốn, cất giấu kinh tượng. Cuối cùng chỉ có một số chùa tháp bị phá hủy và một số sa-môn bị quân binh chia nhau vây bắt, cưỡng bức bỏ đạo. Nếu ai trốn thoát, mà lại bị bắt thì bị chém đầu hoặc chôn sống. Vì thế trong cả nước không còn thấy bóng dáng sa-môn. Thái Vũ đế diệt Phật lần này, chính là tai họa đầu tiên của Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc, nó có căn nguyên lịch sử xã hội rất sâu xa. Trước hết, lần diệt Phật này là kết quả tất nhiên từ sự mâu thuẫn sâu sắc giữa Phật giáo và chính trị thế tục.


Phật giáo truyền vào Trung Hoa vào thời Lưỡng Hán, sau đó trải qua mấy trăm năm lưu truyền và phát triển, dần dần hình thành một lực lượng lớn có thế lực trong xã hội. Số lượng tăng lữ đông làm ảnh hưởng đến binh lực và nguồn thu nhập của triều đình phong kiến. Kế đến là lập nhiều chùa viện, được cấp nhiều ruộng đất canh tác, hình thành chế độ kinh tế tự viện có quy mô, việc này phát sinh mâu thuẫn với nền kinh tế thế tục thời phong kiến. Ngoài ra còn có một số tăng nhân tham dự vào việc chính trị quan trọng của nhà nước phong kiến, trong một chừng mực nào đó đã ảnh hưởng đến quyết sách của việc cai trị … Từ các phương diện ấy, nếu chẳng phối hợp một cách hợp lí thì nhất định xẽ xảy ra sự xung đột mãnh liệt.


Kế đến, lần diệt Phật này là kết quả tất nhiên từ sự xung đột mạnh giữa Đạo giáo và Phật giáo. Từ thời Lưỡng Tấn, sự mâu thuẫn hoặc âm thầm hoặc biểu lộ giữa Phật và Đạo chưa bao giờ ngừng dứt. Đến thời Vũ đế triều Bắc Ngụy, Thôi Hạo… mượn thế lực của triều đình để đả kích Phật giáo. Có thể thấy, Vũ đế diệt Phật hủy pháp vừa có tính chất chính trị thế tục phong kiến phản kích Phật giáo, lại có tính chất Đạo giáo đả kích Phật giáo.


Năm 448, Khấu Khiêm Chi qua đời. Niên hiệu Thái Bình Chân Quân thứ mười một (450), Tư đồ Thôi Hạo bị tru diệt. Hai năm sau, Thái Vũ đế bị một thái giám giết chết, Văn Thành đế Thác-bạt Duệ bấy giờ mới mười ba tuổi lên kế vị, hạ chiếu phục hưng Phật pháp. Nội dung chiếu thư, Thành đế ca ngợi Phật giáo phò giúp vương quyền, làm tăng trí nhân, dẹp tá ác, mở đường chánh giác. Cho rằng việc diệt Phật pháp của Vũ đế là do quan lại các cấp hiểu sai thánh chỉ của hoàng đế dẫn đến. Đồng thời lệnh cho quận huyện các châu xây dựng lại chùa tháp, cho phép trăm họ xuất gia, qui định trong một châu lớn được 50, châu nhỏ được 40 người… Từ đó, hình dáng sa-môn hiện diện khắp Bắc Ngụy, chùa tháp nhanh chóng được khôi phục, tượng Phật được tôn tạo, kinh điển lại lưu thông.


Đồng thời với việc khôi phục Phật pháp, Thành đế còn vì sự phát triển của Phật pháp mà ban cho một nguồn kinh tế rất ổn định. Như trong khoảng từ năm 460-465, triều đình suy cử ngài Đàm Diệu làm Sa-môn thống (giống Đạo nhân thống), quản lí tăng ni trong cả nước. Ngài Đàm Diệu tâu xin những hộ nông dân vốn là tù binh mỗi năm nộp cho Tăng tào (cơ quan quản lí chùa viện của chính phủ) sáu mươi hộc lúa để Tăng tào chi dùng. Văn Thành đế chuẩn tấu. Những hộ dân này gọi là Tăng-kì hộ, lúa này gọi là Tăng-kì lật. Ngài Đàm Diệu lại xin cho những người phạm trọng tội và nô dịch của quan về làm Phật- đồ hộ để quét dọn và làm các việc trong chùa viện. Văn Thành đế cũng đồng ý. Như thế, sự khôi phục và phát triển Phật giáo thời Bắc Ngụy đã có một nền móng vững chắc tất yếu.


Trong thời gian làm Sa-môn thống, ngài Đàm Diệu đã chỉ đạo việc khai đục năm hang động tại Bình Thành, Vũ Châu, mỗi nơi tạo một tượng Phật cao từ sáu đến bảy mươi thước, khởi đầu cho việc tạo lập các hang động Phật giáo tại Đại Đồng, Vân Cương.


Sau Văn Thành đế thì Hiến Văn đế, Hiếu Văn đế, Tuyên Vũ đế, Hiếu Minh đế đời Bắc Ngụy đều mến mộ Phật pháp. Những vị vua này hoặc ban chiếu lập chùa, hoặc lập pháp hội, hoặc tạo hang động… khiến Phật giáo khôi phục nhanh chóng. Theo các sử thì vào cuối đời Bắc Ngụy, toàn quốc có hai triệu tăng ni, ba mươi ngàn ngôi chùa viện. Nhìn chung, Phật giáo vào thời Bắc Ngụy, tuy có pháp nạn Vũ đế, nhưng được khôi phục và phát triển rất nhanh. Sự nhanh chóng của quá trình diệt vong và hưng khởi thật vượt ra ngoài sự dự liệu của con người, biểu thị rằng Phật giáo lúc bấy giờ đã trải qua một thời kì xã hội xác thực biến động.


II. PHÁP NẠN VŨ ĐẾ TRIỀU BẮC CHU


Vào những năm cuối cùng của triều đại Bắc Ngụy, sự mâu thuẫn giai cấp trở nên trầm trọng, xã hội biến động bất an, sự tranh quyền đoạt lợi trong chốn quan trường cũng mãnh liệt. Do đó triều Bắc Ngụy tồn tại khoảng 150 năm dần dần bị phân liệt. Năm Vĩnh Hy thứ ba tức năm 534, Hiếu Vũ đế triều Bắc Ngụy chạy về Trường An. Bộ tướng của Bắc Ngụy là Cao Hoan lập Hiếu Tỉnh đế Nguyên Thiệu lên ngôi, dời đô về đất Nghiệp.


Từ đó về sau, Bắc triều gồm hai trung tâm chính trị là Trường An và Nghiệp Đô, gọi là Tây Ngụy và Đông Ngụy. Vào năm 550, con Cao Hoan là Cao Dương phế bỏ triều Đông Ngụy, kiến lập triều đại Bắc Chu. Năm 577, Bắc Chu diệt Bắc Tề. Năm 580, Bắc Chu trên cơ bản đã thống nhất phương Bắc. Năm sau, Dương Kiên phế Bắc Chu, kiến lập triều đại nhà Tùy. Với những lần pháp nạn như thế, Trung Quốc đã mất đi không ít những báu vật văn hóa của mình.


Hành động diệt Phật của Thái Vũ đế triều Bắc Ngụy đã khiến cho Phật giáo ở phương Bắc suy vi. Nhưng sau đó Văn Thành Đế lên ngôi ra sức khôi phục, Phật giáo đã nhanh chóng hưng thịnh. Vì ảnh hưởng toàn cảnh xã hội và tư tưởng văn hóa Trung Quốc thời bấy giờ nên Phật giáo Bắc triều so với Nam triều có những điểm khác biệt. Phật giáo Bắc triều chú trọng trì giới tu thiền, còn Phật giáo Nam triều chú trọng đến nghĩa lý, dùng Đạo để giải thích Phật. Phật giáo Bắc triều xem trọng việc lập chùa tạo tượng để tích lũy công đức, hy vọng ở đời sau. Theo đó, vào cuối triều Bắc Ngụy, chùa viện mọc lên khắp nơi, chỉ ở thành Lạc Dương đã có hơn ngàn ngôi chùa, tất cả đều tráng lệ. Triều Bắc Ngụy chỉ trong hơn hai mươi năm trị vì đã lập hơn bốn nghìn ngôi chùa, hai triệu tăng ni. Ở lãnh thổ của Bắc Chu cũng có hơn một nghìn ngôi chùa. Như thế ta có thể thấy được sự phát triển chưa từng có của Phật giáo Bắc triều.


Sự phát triển ấy đương nhiên là có quan hệ trực tiếp đến việc các vua Bắc triều đề xướng Phật giáo. Nhưng chẳng phải là thuận buồm xuôi gió. Bằng chứng là hơn một trăm năm sau pháp nạn Vũ đế Thác-bạc Đảo của Bắc Ngụy lại đến pháp nạn Vũ đế Vũ Văn Ung triều Bắc Chu.


Vũ đế Vũ Văn Ung của Bắc Chu lên ngôi năm 560. Lúc đầu ông cũng có cảm tình đối với Phật giáo, từng tạc tượng Thích-ca một trượng sáu và khoảng hai trăm hai mươi pho tượng bồ-tát, thánh tăng; kim cang sư tử được khắc chạm quanh bảo tháp. Ông lại xây chùa Minh Quốc, chùa Hội Xương, chùa Vĩnh Minh…, xuất tư tài độ tám trăm vị làm tăng, sai người chép hơn một nghì bảy trăm bộ kinh Phật. Như thế có thể thấy lúc mới lên ngôi, Chu Vũ đế rất có nhiệt tâm đối với Phật giáo. Theo sự ghi chép của Phật giáo sử, sỡ dĩ Vũ đế diệt Phật là do đạo sĩ Trương Tân và tăng nhân Vệ Nguyên Tung khích động. Nhưng theo sự thật, lúc đầu Vũ đế không có ý tuyệt diệt Phật pháp, chỉ yêu cầu nhìn từ góc độ tồn vong của nền chính trị phong kiến, xét kỹ ba đạo Nho, Thích, Lão đạo nào mang lại lợi ích nhiều nhất, từ đó mà ấn định vị trí trước sau cho ba đạo. Trong quá trình xét định ấy, sự tranh đấu giữa ba đạo xảy ra rất gay gắt và mãnh liệt. Nhất là Phật và Đạo, gần như “kẻ còn người mất”, không mảy may nhượng bộ, kết quả mới dẫn đến bi kịch diệt pháp. Trong đó, sự nghị luận và kiến giải của Vệ Nguyên Tung và Trương Tân có tác dụng kiên định quyết tâm diệt pháp của Vũ đế.


Năm Thiên Hòa thứ nhất (566), Vũ đế nhiều lần triệu tập quần thần, sa-môn, đạo sĩ thảo luận về Nho, Thích, Đạo. Ông yêu cầu tất cả tăng, tục, đạo có thể nêu lên điều muốn nói và phát biểu các ý kiến bất đồng. Do đề nghị này, nên vào năm Thiên Hòa thứ hai (567), có một tăng sĩ tên là Vệ Nguyên Tung dâng biểu lên Chu Vũ đế, nội dung đề nghị giảm bớt số lượng chùa viện và tăng ni.


Vệ Nguyên Tung người ở Thành Đô, thuở nhỏ từng xuất gia làm tăng, thờ một vị đại sư nổi tiếng bấy giờ làm thầy. Nguyên Tung còn thông thạo âm dương toán số, giả cuồng để tạo tiếng tăm, đi khắp nơi biên lời sấm, làm thơ ca, dự toán vị lai, sau hoàn tục, từ Thục vào Trường An, kết giao với các bậc quyền quý triều Bắc Chu, được Chu Vũ đế đãi ngộ. Trong bài biểu, Nguyên Tung nêu mười lăm điều, nội dung chủ yếu gồm ba điểm sau đây:


- Thứ nhất, chùa tháp và tượng Phật không có ích cho việc trị quốc an dân, cần phải phế bỏ. Ông ta cho rằng vào đời Đường Ngu thạnh trị, đã chẳng có Phật giáo mà thiên hạ an bình. Tề Lương đời nay thịnh hành đạo Phật vô vi, chùa tháp lập khắp nơi, nhưng trái lại khiến quốc gia suy vong. Do đó có thể thấy, tin Phật chẳng phải ở việc lập chùa tạo tháp, mà cần phải thấu hiểu được tinh thần cơ bản của Phật giáo là lấy Đại bi làm gốc, an lạc quần sanh ích quốc lợi dân. Theo tinh thần này, chính là bảo chẳng nên bắt nhân dân làm sai dịch để tạo lập nhiều chùa Phật, cũng chẳng cần lễ bái tượng Phật.


- Thứ hai, nên triệt để cải cách Phật giáo, đặt Phật giáo vào quốc pháp. Ông ta cho rằng cần phải kiến lập một xã hội lý tưởng. Trong đó Nho, Thích, Đạo dung hợp nhau. Trong xã hội này hoàng đế chính là Phật Tổ được tất cả mọi người tôn kính. Tín đồ không phân biệt tăng tục, qua sinh hoạt vợ chồng cũng có thể đắc đạo. Không lập chùa viện; hệ thống tổ chức giáo đoàn và xã hội thế tục thống nhất thành một thể. Đạo đức Phật giáo tức là đạo đức xã hội.


- Thứ ba, thông qua việc tổ chức kinh tế để cải biến phong cách hủ bại gian tham trong giới Phật giáo. Ông ta đề xuất: Đối với các tăng ni có đức hạnh sống đời đạm bạc thì chủ trương thu tô và điều(*), nhưng miễn trừ lao dịch. Còn các vị tăng giàu có, nhưng không đủ phẩm hạnh, ngoài việc nộp tô điều còn phải lao dịch. Dùng biện pháp này để kiên định lòng trung hiếu và trừng trị kẻ gian tham, hầu đạt đến mục đích cải biến phong cách hủ bại trong Phật giáo.


Mục đích luận nghị của Vệ Nguyên Tung, chủ yếu nhằm vào những người chỉ chuộng nói suông và những kẻ gian tham hủ bại trong giới Phật giáo bấy giờ. Theo đó ông đề ra một phương cách căn bản hầu cải cách Phật giáo. Ông không yêu cầu phế bỏ Phật giáo mà chỉ muốn Phật giáo dùng đại từ đại bi cứu độ quần sanh, bình đẳng an lạc để lập giáo, khiến cho Phật giáo kế tục phát triển.


Sau khi xem tờ biểu tấu này, Chu Vũ đế vô cùng vui mừng. Nhất là việc Vệ Nguyên Tung đã tán dương Vũ đế là vị vua siêng năng chăm lo trị quốc, làm nước giàu dân lợi, là Như Lai của thời nay, yêu cầu thần dân cả nước đồng tôn kính. Điều ấy đã tranh thủ được lòng tin của Chu Vũ đế.


Từ kiến giài của Nguyên Tung, về ý nghĩa đã kiên định được quyết tâm định đặt vị thứ cho ba đạo Nho, Thích, Lão của Vũ đế. Vào năm Thiên Hòa thứ 2, tức năm 569, Chu Vũ đế triệu tập quần thần, nho sĩ, sa-môn, đạo sĩ tại triều để thảo luận về sự hơn kém của ba đạo. Trải qua bàn bạc, tranh luận, cuối cùng Vũ đế xếp Nho giáo lên hàng đầu, Đạo giáo thứ hai và Thích giáo sau cùng. Không bao lâu Vũ đế lại triệu tập mọi người để tiến hành luận nghị, ông ta luận biện: “Nho giáo và Đạo giáo vốn là tín ngưỡng đã có ở nước ta, còn Phật giáo đến sau, chớ chẳng phải ý Trẫm định đặt!”. Sau đó lại có một số người, phần lớn là sa-môn không đồng ý với việc sắp xếp này. Vũ đế lại hạ chiếu cho Tư khang đại phu Chân Loan thẩm định rõ sự sâu cạn, luận biện sự chân ngụy của Phật và Đạo, làm cơ sở cuối cùng cho việc định đặt vị thứ. Chân Loan vâng lãnh chiếu chỉ, không bao lâu đã soạn thành bộ Tiếu Đạo luận ba quyển gồm ba mươi sáu điều. Với luận cứ rõ ràng, đầy đủ, mạnh mẽ, tiến hành bài bác và công kích Đạo giáo.


Trong luận, đầu tiên Chân Loan phân biệt Đạo giáo thời Tiền Tần và Đạo giáo ngày nay, chấp nhận Lão Tử mà bài xích Đạo giáo. Kế đến đưa ra nhiều tư liệu tiến hành khảo chứng thuyết “Lão Tử hóa Hồ”, rồi xác định thuyết này là sai lầm. Ông cho rằng thuyết “Thiên địa thần tiên” của Đạo giáo là hư ngụy; uống linh đơn, phương thuật thành tiên cũng hoang đường. Cuối cùng ông còn chỉ ra phần lớn kinh điển của Đạo giáo là ngụy tác. Tiếu Đạo luận đã đứng trên lập trường Phật giáo để phân tích và bài bác Đạo giáo, phản ảnh nội dung trọng yếu của cuộc luận tranh Thích, Đạo vào thời Bắc triều. Sau khi luận hoàn thành, Vũ đế lại triệu tập quan viên, sa-môn và đạo sĩ tiến hành luận nghị. Cuối cùng Vũ đế cho luận này làm tổn thương đến các đạo sĩ nên ban lệnh đốt bỏ, không cho lưu truyền.


Sau khi Tiếu Đạo luận bị đốt bỏ, hòa thượng Đạo An (không phải ngài Đạo An thời Nhũ Hồ thập lục quốc) cho rằng thời thế hỗn loạn, sử sách thất lạc, cần phải tiến xa hơn là khảo chứng sự hơn kém của ba giáo. Do đó ngài soạn Nhị giáo luận một quyển, mười hai thiên theo thể hỏi đáp. Người hỏi là Đông Đô Dật Tuấn đồng tử, người đáp là Tây Kinh Thông Phương tiên sanh. Cả hai đứng trên lập trường Phật giáo, nhằm vào các quan điểm về Tam giáo đang phổ biến trong xã hội đương thời mà đề xuất kiến giải của chính mình. Ngài cho rằng giáo pháp giáo hóa chỉ có Nho và Thích. Còn Đạo giáo không thể độc lập, phải tùy thuộc Nho giáo. Nhưng Nho giáo là giáo hướng ra bên ngoài, chỉ cứu được hình thể của con người. Phật giáo là giáo hướng về bên trong, cứu giúp tinh thần con người. Nho giáo là giáo phương nội (tại thế), không thể cứu giúp con người siêu thoát sanh tử. Phật giáo là giáo xuất thế, nói về thiện ác báo ứng, nhân quả luân hồi…, dạy người xuất thế trở về chân. Qua so sánh, ngài xác định Phật giáo đã Tinh lại Ưu, Nho giáo đã Thô mà Liệt.


Ngoài ra, trong luận còn phê bình sự hư vọng ngụy trá của Đạo giáo. Ngài cho rằng Đạo giáo của Lão Trang chủ trương hư vô lặng lẽ, lắng tâm tiết dục là phù hợp với nguyên tắc của Đạo giáo. Nhưng Đạo giáo sau này lại nói luyện đan, phục dược, thăng thiên thành tiên, tất cả đều hư vọng.


Không luận là ngài Chân Loan hay ngài Đạo An, khi luận nghị về việc định đặt thứ vị ba giáo vào thời Chu Vũ đế, đều nhằm kích bác Đạo giáo. Quyền hành của Bắc triều rất lớn, ba giáo chỉ nghe theo mệnh lệnh mà thi hành. Bấy giờ hoàng đế tôn sùng Nho giáo. Vì thế các ngài tuy có chê bai Nho giáo, nhưng không dám triệt để phủ định. Các sa-môn đã tôn hoàng đế là Như Lai nên họ cũng chẳng dám không lễ kính hoàng đế. Thêm vào đó, hoàng đế lại định thứ tự Nho giáo, Đạo giáo rồi mới đến Phật giáo. Do đó họ mới nhắm vào Đạo giáo của Lão Trang mà bài xích. Lập trường và lý luận của các ngài dù xoay quanh vấn đề ấn định thứ vị trước sau của ba giáo. Nhưng về sau đã trở thành sự hủy báng và công kích nhau giữa các phái, khiến cho chủ đề ấn định vị thứ ba giáo bắt đầu phát triển theo chiều hướng cực đoan.


Niên hiệu Kiến Đức thứ hai, tức năm 573, Chu Vũ đế lần cuối cùng muốn ấn định vị thứ của ba giáo. Ông triệu tập quần thần, sa-môn, đạo sĩ tại triều đình để tiến hành luận nghị. Cuối cùng vẫn quyết định đầu tiên là Nho giáo, kế đến là Đạo giáo và sau cùng là Phật giáo. Với quyết định này, có một số tăng lữ Phật giáo không phục, yêu cầu tiếp tục luận nghị, nhất là bàn về sự hơn kém giữa Phật và Đạo. Năm sau, tức năm 574, Chu Vũ đế hạ chiếu triệu tập tăng nhân và đạo sĩ tại điện Thái Cực ở kinh đô để đối luận. Bấy giờ đạo sĩ Trương Tân đại biểu cho Đạo giáo, ngài Trí Huyền đại biểu cho Phật giáo, hai bên ở trước mặt Chu Vũ đế tranh luận gay gắt. Theo Phật giáo sử thì ngài Trí Huyền khuất phục được Trương Tân. Nhưng Chu Vũ đế ủng hộ Đạo giáo, nêu lên quan điểm của mình về Phật giáo như sau:


Phật giáo có ba bất tịnh, không ích lợi đối với quốc gia:


1. Chủ bất tịnh: Ông cho rằng trước khi xuất gia, Đức Phật Thích-ca đã có gia đình.

2. Giáo bất tịnh: Ông cho rằng Phật cho phép tăng nhân ăn ba loại tịnh nhục.

3. Chúng bất tịnh: Ông cho tăng chúng thích hành dâm dật, nhiều tội lỗi, chúng bất hòa, công kích nhau.


Sau đó Vũ đế kết luận: “Phật giáo có Chủ, Giáo và Chúng đều bất tịnh, trẫm sẽ phế bỏ để dứt trừ sự hư huyễn. Đạo giáo không có ba bất tịnh, nên trẫm sẽ giữ lại để hỗ trợ cho việc trị quốc”.


Nhưng sau đó không lâu, Vũ đế hạ chiếu cấm cả Phật và Đạo, bắt tăng ni, đạo sĩ hoàn tục, dẹp bỏ các dâm từ(*) . Lại tước đoạt điền sản của hai đạo để cấp phát cho quan lại. Chùa viện, am quán cũng lấy ban cho các vương công. Ngoài ra, Vũ đế lập Thông Đạo quán, chọn một trăm hai mươi tăng sĩ và đạo nhân xuất sắc bổ làm Thông Đạo quán học sĩ, ép học tập nghiên cứu Chu Dịch và Tam huyền là Lão Tử, Trang Tử. Vũ đế lại bảo họ hội thông Tam giáo, đồng thời phân cấp đủ các thuộc sứ tùy tùng. Năm Kiến Đức thứ sáu, tức năm 577, Bắc Chu diệt Bắc Tề. Vũ đế đích thân đến Nghiệp Đô triệu tập tăng chúng nước Tề, tuyên bố phế bỏ Phật pháp, triệt hạ tất cả tháp Phật công tư, lớn nhỏ đã tạo mấy trăm năm ở đất này; đoạt bốn vạn ngôi chùa viện để cấp cho vương công đại thần làm phủ đệ. Ba trăm vạn tăng nhân bị cưỡng ép hoàn tục, trở về gia đình. Như thế Phật giáo ở phương Bắc Trung Quốc một lần nữa lại bị hủy diệt.


Pháp nạn do Chu Vũ đế gây ra lần này không giống với lần diệt Phật của Ngụy Vũ đế. Ở lần này trước tiên, Chu Vũ đế phế cả Phật và Đạo. Theo Phật giáo sử, Trương Tân đã làm cho Vũ đế tin rằng màu đen biểu thị cho điềm dữ, màu vàng biểu thị cho điềm lành. Đồng thời bốc một quẻ cho Vũ đế, đoán rằng người diệt nhà Chu là kẻ mặc áo đen, mà bấy giờ các tăng sĩ lại mặc áo đen, cho nên Vũ đế mới dốc tâm diệt Phật. Thuyết này rõ ràng là không thực tế. Nếu thế vì sao lại phế cả Đạo giáo? Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Phật và Đạo đều bị phế, là vì cả hai công kích lẫn nhau không nhân nhượng, có xu thế làm suy tổn tư tưởng thống trị thế tục, cho nên Chu Vũ đế mới quyết định diệt pháp. Lần này, tuy phá hoại phần lớn chùa tháp, đốt rất nhiều kinh điển, nhưng chưa giết sa-môn và đạo sĩ. Ông chỉ cưỡng bức hoàn tục, không như Ngụy Vũ đế chôn sống sa-môn. Vũ đế lại lập Thông Đạo quán, tuyển chọn một số tăng nhân, đạo sĩ học Tam huyền, mục đích hội thông Tam giáo, đương nhiên là lấy Nho giáo làm chánh thống.


Từ các điểm nêu trên ta có thể thấy lần diệt pháp này, nếu nhìn từ quá trình, tức đã trải qua thời gian dài thảo luận, trong suốt mấy năm Vũ đế đã liên tiếp mấy lần triệu tập hội nghị, luận biện qua lại. Nhìn từ điểm xuất phát, thì động cơ đầu tiên của Vũ đế là muốn định đặt vị trí Tam giáo, nhưng sau do Phật Đạo tranh nhau gay gắt nên mới dẫn đến bi kịch diệt pháp. Nhìn từ kết cuộc diệt pháp thì Vũ đế không có ý chủ quan diệt tận Phật pháp. Vì thế sự diệt Phật của Chu Vũ đế có vể thận trọng hơn Ngụy Vũ đế.


Nhưng nếu nhìn từ nguyên nhân sâu xa, tuy Vũ đế có chịu ảnh hưởng sự khích động của Vệ Nguyên Tung và Trương Tân, nhưng ông ta là quân chủ một nước, với mục đích kiến lập đại nghiệp thống nhất, nhất định phải tôn trọng Nho giáo làm chánh thống. Vì tư tưởng Nho gia không chỉ có thể lập nền móng thống trị cho đế quyền phong kiến, mà còn là công cụ đắc lực giúp cho xã hội phong kiến có trật tự. Vũ đế xuất thân từ bộ tộc thiểu số Tiên Ti, lấy việc thống nhất thiên hạ làm nhiệm vụ. Chẳng cho mình là rợ Hồ mà tự xưng mình thuộc dân tộc Hoa Hạ. Như thế ông ta cảm thấy cần phải dùng tư tưởng Nho gia làm chánh thống.


III. PHÁP NẠN HỘI XƯƠNG ĐỜI ĐƯỜNG VŨ TÔNG

Năm 827, Đường Văn Tông Lý Ngang, con thứ của Mục Tông lên ngôi, tại vị mười bốn năm. Thái độ và chính sách của Văn Tông đối với Phật giáo rất cẩn trọng, nếu không nói là có khuynh hướng ức chế. Niên hiệu Thái Hòa thứ tư tức năm 830, Từ bộ kiểm tra, thấy số lượng tăng ni không chánh thức được độ xuất gia trong cả nước rất nhiều, bèn tâu xin cấp độ điệp, Văn Tông chuẩn tấu. Nhưng khi trình danh sách và số lượng đến hơn bảy trăm ngàn người thì Văn Tông vô cùng kinh ngạc. Tăng ni tự độ xuất gia nhiều như thế, đúng là một mối lo còn tiềm ẩn đối với triều đình phong kiến. Do đó, vào niên hiệu Khai Thành thứ ba, tức năm 838, Đường Văn Tông ban một đạo sắc chỉ điều tra tăng ni, muốn dùng vương quyền để kềm chế sự phát triển của Phật giáo.


Ông ta nói: “Bá tánh lê dân mê lầm tin vào thuyết ‘khổ không’;quan liêu, triều thần kính trọng pháp môn phương tiện, trai tráng cạo tóc trốn tránh lao dịch. Đó là sự tệ hại của việc Phật giáo lưu hành, cho nên cần phải nghiêm cẩn điều tra kiểm xét”. Ngay hôm đó, cơ quan Công đức sứ ở phủ Kinh Triệu và Trưởng sử các châu phủ ngoài kinh đô tiến hành quản lý chặt chẽ Phật giáo, không cho tùy tiện độ làm tăng, hành vi tự độ bị cấm đoán. Song song với việc này, Văn Tông lại còn tiến hành tổ chức khảo thí. Ngoài những Tăng ni già yếu, bệnh tật tàn phế, nhỏ tuổi và các bậc danh đức ra, còn tất cả phải tham dự một kỳ khảo thí do triều đình tổ chức.


Quy định người dự thi phải đọc trôi chảy năm tờ kinh văn và đọc thuộc lòng ba trăm tờ kinh văn. Nếu vượt qua hai phần này người dự thi sẽ trúng khảo. Sau khi Văn Tông hạ chỉ, các tăng ni dự thi được phép ôn tập trước ba tháng, sau đó mới tiến hành khảo thí. Người nào không trúng khảo sẽ trở về làm dân. Mục đích việc làm này chính là để kềm chế sự phát triển của Phật giáo, đồng thời khiến cho một số lượng lớn những kẻ lợi dụng xu phụ trong Phật giáo hoàn tục, hầu tăng thêm sức lao dịch và thâu nhập tô thuế. Văn Tông còn quy định sau khi cuộc khảo thí kết thúc, căn cứ theo số lượng tăng ni mà lập tự viện. Tự viện trong nước phải có số lượng quy định, không được xây dựng thêm. Sau cùng ông ta nhấn mạnh: “Một người nam chẳng cày ruộng sẽ có kẻ bị đói, một người nữ chẳng dệt vải sẽ có kẻ bị rét. Đâu có người phế bỏ phép Hoa Hạ, học tập pháp vô sanh của ngoại di?”. Như thế có thể thấy được chủ trương ức chế Phật giáo của Văn Tông nhằm ngăn chặn sự phát triển liên tục của Phật giáo vào đời Đường, nhưng việc này đã mở đường cho Võ Tông diệt pháp về sau.


Đường Vũ Tông Lý Viêm là hoàng tử thứ năm của Mục Tông, lên ngôi năm 841, tại vị sáu năm, là người duy nhất trong hai mươi vị vua nhà Đường phản đối Phật giáo. Sở dĩ Vũ Tông phản đối Phật giáo là từ tín ngưỡng tôn giáo của bản thân ông ta. Theo sử sách ghi chép, khi còn là một phiên vương, chưa lên ngôi hoàng đế, Vũ Tông đã không có hảo cảm đối với Phật giáo, mà lại thích giao du với các Đạo sĩ. Ông rất sùng tín Đạo giáo và cực lực cổ súy thuật trường sanh. Lên ngôi chưa bao lâu, Vũ Tông triệu tập tám mươi mốt đạo sĩ, như Triệu Quy Chân… đến hoàng cung lập đạo tràng Kim lục tại Tam Điện, đích thân đến thọ pháp lục trên đàn Cửu thiên tiên. Vũ Tông vốn đã không có ý tốt đối với Phật giáo, lại thêm vào sự khích động của Triệu Quy Chân, nên ông càng chán ghét Phật giáo. Nhưng Vũ Tông diệt Phật cũng trải qua một quá trình từ ức chế, dần dần phát triển đến tiêu diệt.


Niên hiệu Hội Xương thứ nhất, tức năm 841, lúc mới lên ngôi, Võ Tông chưa tùy tiện hành động diệt pháp mà còn ban sắc cho các chùa Đại Trang Nghiêm, chùa Tiến Phước, chùa Hưng Phước, chùa Sùng Hưng thiết pháp hội cúng dường răng Phật. Lại thỉnh pháp sư Cảnh Sương chùa Hưng Phước đến các chùa viện tuyên giảng Tịnh độ A- di-đà và truyền dạy pháp niệm Phật. Đồng thời Vũ Tông cũng sắc cho đạo sĩ giảng Nam hoa kinh của Trang Tử, lập viện Linh Phù Ứng Thánh ở hồ Long Thủ. Nhưng thái độ đối xử của Vũ Tông đối với Phật và Đạo đã lộ rõ sự phân biệt khinh trọng. Ví như Vũ Tông sai lập đạo tràng trong cung để sa-môn và đạo sĩ luận đàm về yếu nghĩa của Phật, Đạo; rốt cuộc chỉ ban thưởng cho đạo sĩ mà không ban thưởng cho sa-môn, phong đạo sĩ Lưu Huyền Tỉnh ở Hành Sơn làm Ngân thanh quang lộc đại phu sung chức Học sĩ ở Sùng Huyền quán, ban hiệu là Quảng Thành Tiên Sanh, cùng với đạo sĩ Triệu Quy Chân tu pháp lục trong nội cung. Cũng vào năm này có sa-môn Bảo Nguyệt người Nam Ấn đến Trung Hoa, chưa rõ quy định đã tự tiện thâu dụng môn đồ, nên bị Vũ Tông ghép vào tội vượt phép quan, bắt giam Bảo Nguyệt và đệ tử. Nhưng do Bảo Nguyệt là vị tăng ngoại quốc nên không trách phạt, mà phạt đệ tử thay cho thầy, đồng thời không cho sư Bảo Nguyệt tự do hoằng pháp và tự tiện trở về nước. Các sự việc trên, chứng tỏ lúc mới lên ngôi, tuy Vũ Tông chưa triệt để cấm chế Phật giáo, nhưng đã có khuynh hướng ngăn chặn Phật, hiển dương Đạo.


Đường Vũ  Tông càng củng cố nền thống trị phong kiến thì ông ta càng biểu lộ chủ trương áp chế Phật giáo, nơi đâu và bất cứ lúc nào cũng đều thực hiện ý đồ ấy.


Niên hiệu Hội Xương thứ hai, tức năm 842, Tể tướng Lý Đức Dụ tâu xin trục xuất các tăng ni tạm trú tại các chùa ở kinh đô và không cho phép nuôi sa-di nhỏ tuổi, Vũ Tông chuẩn y. Không bao lâu, Vũ Tông lại đình chỉ việc cung phụng đại đức cao tăng trong hoàng cung. Đồng thời nhiều lần thân hành đến tra hỏi về tình hình học tập của các lưu học tăng ngoại quốc tại Đường triều.


Tháng mười năm này, Vũ Tông hạ chiếu bắt các tăng sĩ phạm dâm, có vợ con, không tu giới luật phải hoàn tục, ra lệnh tăng ni phải nộp tiền, thóc lúa và ruộng đất cho triều đình. Nếu ai tự nguyện hoàn tục thì cũng cho phép. Theo thống kê, lần ép buộc hoàn tục này, chỉ riêng kinh đô đã có hơn ba nghìn năm trăm tăng ni trở về đời sống thế gian. Ngoài ra Vũ Tông hạn chế số người phụ giúp cho tăng ni, quy định một vị tăng chỉ nuôi một người và một vị ni chỉ nuôi hai người, còn lại trả về chủ cũ. Những người không có chủ thì triều đình quản lý, rồi dựng vợ gả chồng thành lập gia đình.


Do Vũ Tông không ngừng ức chế Phật giáo, nên khiến một số tăng sĩ oán thán, nhưng không dám biểu lộ. Họ chỉ giảng nói về tính xác thực của việc chứng nghiệm trong Phật giáo, mong đề cao được địa vị Phật giáo trong tâm ý của Vũ Tông, hoặc từ đó có thể cải biến được tín ngưỡng của ông ta. Vũ Tông cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, niên hiệu Hội Xương thứ ba, tức năm 843, Võ Tông hạ chiếu bảo Lưỡng nhai tăng lục ở kinh đô và các vị tăng làu thông Tam học tra cứu về việc từ khi có Phật giáo đến nay, cổ kim hưng phế có chứng nghiệm gì, rồi tấu trình. Bấy giờ sa-môn Huyền Sướng soạn Tam bảo ngũ vận đồ, một quyển dâng lên Vũ Tông. Xem xong, vì không thấu hiểu, nên Vũ Tông cảm thấy sách không có giá trị. Lại có Thái tử thiêm sự Vi Tông Khanh soạn Niết-bàn kinh sớ, hai mươi quyển và Đại viên y tự cảnh lược, hai mươi quyển. Vũ Tông xem xong liền đốt và ra lệnh thiêu luôn bản thảo, đồng thời hạ chiếu quở trách Vi Tông Khanh: “Phật là người Tây Nhung, giáo thì xướng thuyết Bất sanh.


Khổng Tử là bậc thánh ở Trung thổ, kinh thì nói những điều lợi ích. Ngươi vốn là nho sĩ, xuất thân từ danh gia vọng tộc, đã chẳng nêu cao cái học của Khổng Tử mà lại hèn kém tin theo thuyết của Phù-đồ, vọng soạn sách về Phật, làm mê hoặc người. Việc ấy không thể không chê trách”. Xét những lời này có thể thấy rằng Đường Vũ Tông lúc bấy giờ không chỉ ức chế, mà đã bắt đầu chán ghét Phật giáo. Sau đó không lâu, Vũ Tông ra lệnh đốt cháy tất cả kinh Phật trong hoàng cung, chôn sâu các tượng Phật, bồ-tát, thiên vương được tôn thờ. Đồng thời cấm các chùa thuộc Tả Hữu lưỡng nhai ở kinh đô Trường An giảng kinh thuyết pháp.


Trong quá trình Vũ Tông ức chế, chán ghét, cho đến bắt đầu đốt kinh chôn tượng, đả kích Phật giáo thì Đạo giáo dần dần phát triển, khích động hỗ trợ việc diệt Phật. Niên hiệu Hội Xương thứ ba, được sự đề nghị của đạo sĩ Triệu Quy Chân, Vũ Tông sai ba nghìn quân Tả Hữu Thần Sách xây dựng Vọng Tiên đài trong hoàng cung để mong được giao cảm với thần tiên. Hơn nữa, các đạo sĩ thân cận với Vũ Tông luôn mượn cơ hội để hủy báng Phật giáo, rêu rao Phật giáo chẳng phải là tôn giáo của Trung Quốc, cần phải trừ dẹp… nhất là đạo sĩ Triệu Quy Chân.


Vì được Vũ Tông sủng ái, có nhiều cơ hội tiếp xúc Vũ Tông nên Qui Chân thường tâu: “Phật sanh ở Tây Nhung, về giáo thì đề xướng thuyết Bất sanh, Bất sanh tức là chết. Phật chỉ dạy người trở về niết-bàn, mà niết-bàn chính là nói con người trở về cái chết. Phật giáo nói nhiều về vô thường, khổ, không, chẳng nói đến lý vô vi trường sanh, rất tương phản với ý hướng của bệ hạ”. Võ Tông rất tin những lời này nên càng chán ghét Phật giáo, ra sức đề cao Đạo giáo. Cùng năm này, Võ Tông phong Triệu Quy Chân làm Tả hữu lưỡng nhai Đạo môn giáo thọ tiên sanh tại kinh đô, hạ chiếu cho phép hoằng dương Đạo giáo tại nơi này.


Niên hiệu Hội Xương thứ tư, tức năm 844, Võ Tông bắt đầu những hành vi đả kích Phật giáo trên mọi mặt. Vào đầu năm này, quan Trung thư tâu: “Toàn quốc hiện đang thực hành pháp trì trai bất sát trong các tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Đây là tục tập của Thích môn, có những tệ hại lớn. Nay nên thay đổi, đó là vào ngày mùng một của tháng năm, tháng bảy và tháng mười không nên sát sanh, còn những ngày khác thì không cấm”.


Vũ Tông chuẩn tấu. Đến tháng ba, Vũ Tông hạ chiếu cấm cúng dường xá-lợi Phật, đặc biệt chỉnh đốn các chùa viện còn giữ gìn xá-lợi Phật như chùa Pháp Môn…, ra lệnh không được tùy tiện mở cho người khác chiêm bái và cúng dường. Nếu ai dám trái lệnh, dù chỉ cúng một tiền, cũng sẽ bị đánh hai mươi gậy. Nếu có tăng ni nào nhân việc cúng dường xá-lợi Phật mà thâu của người một tiền thì cũng bị đánh hai mươi gậy. Người trái lệnh ở địa phương nào thì do quan ở địa phương ấy xử phạt, đồng thời lập biên bản ghi đầy đủ tên họ trình tấu hoàng đế.


Vào ngày Phật đản mùng tám tháng tư năm ấy, Vũ Tông hạ chiếu bãi bỏ việc thỉnh tăng vào hoàng cung giảng kinh và thiết trai cúng dường vốn được tổ chức hàng năm. Sau đó không lâu hạ chiếu cấm tăng ni ra đường vào ban đêm. Khi trống buổi tối vang lên thì tất cả tăng ni phải trở về trụ xứ của mình. Tháng tám, Vũ Tông hạ chiếu phá hủy các Phật đường nhỏ và các trai đường thờ Phật ở các thôn ấp trong toàn quốc, bức ép tăng ni trụ các nơi này phải hoàn tục. Lần này, chỉ tại Trường An đã có hơn ba trăm ngôi Phật đường bị phá hủy.


Đến tháng mười, Vũ Tông lại hạ chiếu phá bỏ những chùa viện nhỏ trong toàn quốc. Kinh Phật trong các chùa viện này phải chuyển đến chùa lớn; chuông khánh thì trao cho các Đạo quán. Tăng ni trụ ở các chùa viện này, nếu người không có giới hạnh, bất luận già trẻ, đều bắt phải hoàn tục. Nếu tuổi cao mà có giới hạnh thì chuyển đến trụ chùa lớn. Còn các vị tăng trẻ tuổi, dù có giới hạnh cũng phải hoàn tục. Lần này ở Trường An có ba mươi ba ngôi chùa viện nhỏ bị phá hủy. Hành vi đả kích Phật giáo của Vũ Tông vào năm Hội Xương thứ tư là dấu hiệu báo trước ông ta sẽ tiến hành các chánh sách diệt pháp.


Tháng giêng niên hiệu Hội Xương thứ năm, tức năm 845, Triệu Quy Chân tâu xin được luận biện với sa-môn. Vũ Tông chuẩn tấu, hạ chiếu cho sa-môn, đạo sĩ đến điện Lân Đức. Đại diện cho Phật giáo là sa-môn Trí Huyền. Ngài Trí Huyền luận rằng thuật thần tiên trường sanh của Đạo giáo là việc của kẻ thất phu ở núi rừng hoang dã, còn Phật giáo là đạo lý tối tôn về trị thế của bậc đế vương. Vũ Tông vô cùng tức giận, cho rằng ngài Trí Huyền phạm vào tội đại nghịch thánh chỉ, trục xuất về quê, vĩnh viễn không được mặc tăng phục. Qua lần luận biện này, nhất là có một số lời lẽ công kích Đạo giáo làm tổn thương nghiêm trọng tâm ý của Vũ Tông. Do đó Vũ Tông quyết định tiến hành diệt Phật.


Lần này, trước tiên Vũ Tông hạ chiếu sai Từ bộ kiểm tra số lượng chùa viện và tăng ni còn lại trong cả nước, chuẩn bị cho việc diệt pháp. Kết quả kiểm tra, toàn quốc còn bốn nghìn sáu trăm ngôi chùa lớn và trung bình, bốn mươi nghìn ngôi chùa viện nhỏ, hai trăm sáu mươi nghìn năm trăm tăng ni, một trăm năm mươi nghìn người giúp việc trong chùa viện. Với số lượng như vậy đủ thấy thế lực của Phật giáo lúc bấy giờ rất mạnh.


Tháng bảy năm Hội Xương thứ năm, Vũ Tông ra lệnh giảm thiểu số lượng chùa Phật. Lưỡng nhai ở hai kinh, mỗi nơi chỉ giữ lại hai ngôi chùa lớn, một ngôi chỉ giữ lại ba mươi vị tăng. Thượng đô Trường An, Tả nhai giữ lại chùa Đại Từ Ân và chùa Tiến Phước. Hữu nhai giữ lại chùa Tây Minh và chùa Trang Nghiêm. Các trị sở của quan Tiết độ sứ, Quán sát sứ và các châu Đồng, Hoa, Thương, Nhữ, mỗi nơi chỉ giữ lại một ngôi chùa, chia làm ba bậc, chùa bậc thượng lưu trụ hai mươi vị tăng, bậc trung mười vị và bậc hạ năm vị.  Các tăng ni còn lại phải hoàn tục.


Sau đó không lâu, Vũ Tông lại hạ chiếu cho bốn chùa lớn ở Đông đô Lạc Dương chỉ cần giữ mỗi chùa hai mươi vị tăng; còn các chùa vốn đã giữ hai mươi và mười vị thì giảm còn mười và năm vị. Nhưng chùa năm vị thì triệt bỏ không lưu giữ. Các tăng ni được lưu giữ vốn trực thuộc Từ bộ (cơ quan lo việc cáo tế trời đất), nay chuyển trực thuộc Hồng lô tự (cơ quan tiếp đãi các sứ thần nước ngoài đến triều cống). Việc thay đổi này, mục đích là không xếp tăng ni Phật giáo vào cộng đồng người Trung Quốc mà xem như là các khách sứ Di Địch.


Các chùa viện lớn nhỏ không được lưu giữ thì định kỳ hạn đập phá hết, có quan Ngự sử đến từng địa phương giám sát việc thi hành. Tài sản, ruộng vườn của các ngôi chùa này thì tịch thâu nhập quan phủ. Các tượng đồng, chuông đồng, khánh đồng… giao nộp cho Diêm thiết sứ các địa phương nấu chảy đúc thành tiền đồng. Các tượng Phật và đồ vật bằng vàng bạc cũng tịch thu giao cho quan phủ nấu chảy, nộp vào Bộ tài chánh của quốc gia. Các tượng Phật… bằng sắt thì giao cho quan phủ nấu chảy đúc thành nông cụ. Ngoài ra, bất luận quan dân, ai có tượng Phật bằng vàng bạc, đồng sắt, kỳ hạn trong một tháng phải giao nộp cho quan phủ, nếu ai trái lệnh thì các quan Diêm thiết sứ chiếu theo lệnh cấm lưu hành đồ đồng mà xử phạt, tội nặng có thể chém đầu.


Đến tháng tám, Vũ Tông lại hạ chiếu thư vọng kể ra những tệ hại của Phật giáo. Ông ta nói: “Trẫm nghe trước thời Tam đại chưa từng nói đến Phật, sau đời Hậu Hán Phật giáo mới hưng khởi. Từ đó về sau, Phật giáo dần dần lan rộng đến khắp vùng đồng ruộng núi non của chín châu, hoàng thành cung khuyết tại hai kinh. Tăng đồ ngày càng đông, Phật tự ngày càng to lớn. Làm nhọc sức dân bởi công xây dựng, đoạt lợi của người từ việc gom góp ngọc vàng; bỏ nghĩa vua tôi trong khoảng thầy trò, trái tình chồng vợ tại nơi giới luật. Phá hoại phép tắc, gây hại cho người, không gì hơn đạo này vậy! Hoa Hạ ta từ xưa đã có câu: ‘Một nông phu không cày ruộng thì sẽ có người đói, một chức nữ không dệt vải ắt sẽ có người rét’. Nay trong thiên hạ, tăng ni đông vô kể, tất cả đều trông vào nhà nông để được thức ăn, mong vào người dệt vải để có áo mặc. Thật không ra thể thống gì nữa !”.


Chiếu thư này thực tế là một phần của bài hịch công khai lên án Phật giáo. Trong đó, Đường Vũ Tông liệt kê cụ thể kết quả đạt được trong lần diệt pháp này. Về số lượng ruộng đất tốt bị tịch thâu đến ngàn vạn khoảnh và số người làm việc trong các tự viện bị hoàn trả đến mười lăm vạn. Từ đó đã cho thấy thế lực kinh tế của tự viện Phật giáo phát triển cao đến mức nào! Theo sử sách ghi chép, Đường Vũ Tông vì muốn ngăn chặn các quan lại, hào phú nuôi giấu các người giúp việc cho tự viện sau khi bị đưa ra khỏi chùa, nên quy định: “Nếu người nào phạm phải việc ấy thì nên chủ động tự thú, nếu để bị quan quân phát hiện, không luận là quan hay dân đều bị xử cực hình”. Tóm lại, lần diệt pháp này Vũ Tông muốn làm suy yếu thế lực của Phật giáo, nhất là về kinh tế tự viện, khiến sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc lùi lại hàng mấy trăm năm.


Vũ Tông diệt pháp đương nhiên có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo của ông ta, nhưng cũng từ nguyên nhân lịch sử xã hội rất sâu đậm. Từ khi nhà Đường xưng đế, do được giai cấp thống trị phong kiến, nhất là các đế vương tận lực đề xướng và phò trì, Phật giáo phát triển rất sâu rộng trong xã hội Trung Quốc. Thế lực và ảnh hưởng cũng càng ngày càng to lớn, nhất là kinh tế tự viện đã bành trướng đến cực độ. Cũng do kinh tế tự viện tồn tại và phát triển, nên tự thân Phật giáo trở thành một tập đoàn kinh tế Tăng lữ địa chủ đối lập với kinh tế Thế tục địa chủ. Hai thành phần kinh tế địa chủ phong kiến này, trong một tình huống nhất định nào đó sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn xung đột. Biểu hiện rõ nét nhất là hai bên tranh giành nhau sức lao động và ruộng đất.


Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiến lập kinh tế của xã hội phong kiến. Các đế vương, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, là những người đại biểu cho tập đoàn kinh tế Thế tục địa chủ. Lợi ích của kinh tế Tăng lữ địa chủ đã trực tiếp uy hiếp lợi ích của kinh tế Thế tục địa chủ, vì thế các đế vương tất nhiên xuất đầu lộ diện hỗ trợ cho lợi ích của tầng lớp mình. Đó là căn nguyên sâu đậm từ kinh tế dẫn đến việc Vũ Tông diệt pháp. Như vậy nhìn từ việc làm và kết quả lần diệt pháp này, toàn bộ đều thể hiện sự đấu tranh vì lợi ích kinh tế và đó cũng là nguyên nhân chính.


Tháng ba, niên hiệu Hội Xương thứ sáu, tức năm 846, Võ Tông băng, Tuyên Tông kế vị. Tháng tư, Tuyên Tông hạ chỉ giết mười hai người gồm đạo sĩ Triệu Quy Chân, Lưu Huyền Tỉnh… Vì Tuyên Tông cho rằng những người này khích động Vũ Tông phá diệt Phật pháp. Tháng năm, Tuyên Tông đại xá thiên hạ, sắc cho Lưỡng nhai ở thượng đô Trường An, trừ các chùa còn giữ lại, kiến tạo thêm 8 ngôi nữa, Tăng ni vẫn như trước, trực thuộc Từ bộ. Niên hiệu Đại Trung thứ nhất, tức năm 847, Tuyên Tông ban chiếu khôi phục các ngôi tự viện đã bị phá hủy. Vua tuyên: “Vào cuối niên hiệu Hội Xương, triều đình thi hành chính sách giảm thiểu chùa viện.


Hành động này thật quá đáng, nhưng sự tình chưa sâu rộng. Nay những linh sơn thắng cảnh, những châu phủ trong thiên hạ, nơi nào có chùa viện bị phá hủy vào niên hiệu Hội Xương thứ năm, đều được khôi phục”. Năm sau, Tuyên Tông vì những chùa viện mới tu tạo mà cho phép độ năm mươi hoặc ba mươi tăng, tùy theo chùa lớn nhỏ. Đến niên hiệu Đại Trung thứ năm, tức năm 851, Tuyên Tông hạ chiếu cho phép hễ ai muốn tạo lập, tu sửa chùa viện, quan phủ không được cấm ngăn, cho phép các chùa tự độ tăng ni để tiện việc trụ trì và quản lý.


Trong mấy năm sau khi lên ngôi, Đường Tuyên Tông đã tận lực giúp đỡ và củng cố, nên Phật giáo khôi phục nhanh chóng, nhưng không còn được như xưa, khí thế đã suy giảm nhiều. Như vậy lịch sử đã rõ ràng nêu ra xu thế từ hưng thịnh dần dần chuyển sang suy vi của Phật giáo Trung Quốc.


IV. PHÁP NẠN THẾ TÔNG ĐỜI HẬU CHU


Sau khi diệt nhà Hậu Tấn, Liêu vương đem quân chinh phạt phương Bắc. Bấy giờ Tiết độ sứ Hà Đông của Hậu Tấn là Lưu Tri Viễn tự xưng đế ở Thái Nguyên, kiến lập vương triều Hậu Hán, xưng là Hậu Hán Cao Tổ. Ông này cho rằng Phật giáo là mối lo của quốc gia, nên thực thi chánh sách hạn chế Phật giáo phát triển.


Năm 951, Lưu thú Nghiệp Đô triều Hậu Hán là Quách Oai khởi binh diệt Hậu Hán, thành lập nhà Hậu Chu, xưng là Hậu Chu Thái Tổ. Về tôn giáo, Thái Tổ trọng Đạo khinh Phật, vì thế năm Quảng Thuận thứ ba, tức năm 935, ông ta hạ chiếu chuyển năm mươi tám ngôi tự viện không có bảng hiệu vua ban ở phủ Khai Phong thành nhà dân. Vào đời Ngũ Đại, vùng Trung nguyên liên tục xảy ra chiến loạn.


Nhất là sự tranh đoạt khốc liệt giữa các vương triều Trung nguyên và bộ tộc Khiết Đan ở phương Bắc, khiến cho nhân dân sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng, sưu cao thuế nặng, sung quân, lao dịch… Trong cảnh chiến loạn như thế, nên có nhiều người cạo tóc xuất gia để tránh quân dịch và lao dịch. Vì thế thời Ngũ Đại, có một vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong việc phát triển của Phật giáo, đó là chùa viện, tăng ni quá nhiều, kỷ cương lỏng lẻo. Trong tình hình này, một vài phong trào nông dân khởi nghĩa đã dùng chiêu bài Phật giáo để gây thanh thế. Như năm Trinh Minh thứ sáu đời Hậu Lương, tức năm 920, Vô Ất người Trần châu dùng chiêu bài Phật giáo và Ma-ni giáo để phát động khởi nghĩa, từng gây được một ảnh hưởng nhất định.


Năm 954, Quách Oai qua đời, dưỡng tử là Sài Vinh kế vị, tức Thế Tông đời Hậu Chu. Sau khi lên ngôi, Thế Tông tiến hành một cuộc vận động cải cách to lớn. Mục tiêu cải cách bao gồm quân sự, chánh trị, kinh tế, hình pháp, tôn giáo… Trong đó Thế Tông nghiêm khắc tiến hành chỉnh đốn Phật giáo. Lần chỉnh đốn này được tín đồ Phật giáo đời sau gọi là Pháp nạn, cùng với các lần diệt pháp của Ngụy Thái Vũ đế, Bắc Chu Vũ đế, Đường Vũ Tông gọi chung là pháp nạn Tam Vũ Nhất Tông. Pháp nạn Thế Tông này là pháp nạn cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Quốc. Bắc Chu Thế Tông tại vị chỉ 6 năm (954 - 959), ông ta bắt đầu ức chế Phật giáo vào năm thứ 2 sau khi lên ngôi, tức năm 955.


Đầu tiên Thế Tông cũng hạ chiếu giảm thiểu chùa viện. Theo đó phế bỏ những ngôi chùa không được vua ban biển hiệu, tăng ni và tượng Phật chuyển về các chùa viện còn bảo lưu, ban lịnh từ nay về sau không được xây dựng thêm. Nhất là vương công, quý tộc và các quan lại như Tiết chế … ở các nơi không được tâu xin tái tạo chùa viện.


Kế đến, ông nghiêm khắc hạn chế việc độ tăng. Thế Tông quy định: “Phàm người muốn xuất gia, trước phải có ý kiến người thân như ông bà nội, cha mẹ, chú bác … Sau khi các người này đồng ý mới được báo trình xin xuất gia. Trước khi được làm tăng phải qua một kỳ khảo thí đọc và tụng thuộc một số kinh văn. Nếu vượt qua được kỳ khảo thí, tức cho phép xuất gia”. Ngoài ra, triều đình còn quy định trong cả nước chỉ ở hai kinh, Đại Danh phủ, Kinh Triệu phủ, Thanh Châu phủ mới được lập giới đàn độ tăng. Còn những nơi khác thì cấm hẳn. Đồng thời Thế Tông còn lệnh cho các địa phương hằng năm phải một lần thống kê toàn bộ tăng ni trong địa phương mình, lập thành hai bản, một bản giao cho Từ bộ, một bản trình lên hoàng đế.


Sau đó Thế Tông ban nghiêm lệnh cấm Phật giáo đồ gồm cả Tăng tục xả thân vì Phật sự. Cấm tự đoạn tay chân để bày tỏ lòng chí thành kính ngưỡng, cấm các hành động hủy hoại một phần thân thể như đốt đỉnh đầu, đốt ngón tay… trong các pháp hội để mê hoặc thế tục. Thế Tông còn nấu chảy tượng Phật, bồ-tát để đúc thành tiền sung vào công quỹ của triều đình. Để bảo đảm cho hoạt động áp chế Phật giáo tiến hành thuận lợi, Thế Tông ban bố pháp lệnh vô cùng nghiêm khắc: “Nếu ai trái phạm hoặc ngăn cản các việc làm trên thì giao cho quan phủ xử trị, nếu là tăng ni thì bắt hoàn tục, người thế tục thì theo pháp luật mà nghiêm trị, có thể bị lưu đày viễn xứ”.


Hành động diệt pháp này chỉ là một trong các mục tiêu quan trọng để cải cách đất nước, củng cố nền chánh trị phong kiến, tận dùng tài lực, nhân lực, binh lực phục vụ cho đế quyền. Lần diệt pháp này tuy không nặng như ba lần trước, nhưng cũng đủ làm cho Phật giáo suy kiệt. Tính chung Thế Tông đã phá hủy ba vạn ba trăm ngôi chùa, chỉ giữ lại hai nghìn sáu trăm chín mươi bốn ngôi. Bắt ép mấy mươi vạn tăng ni hoàn tục, chỉ giữ lại sáu vạn một nghìn hai trăm vị.


Năm 959, trong lúc dẫn quân chinh phạt nước Liêu, Thế Tông bỗng nhiên bị bạo bệnh, không bao lâu thì qua đời, tại vị được sáu năm, thọ ba mươi chín tuổi. Một năm sau nhà Hậu Chu cũng diệt vong, đế quyền chuyển sang nhà Bắc Tống.




[1] Ngũ Hồ thập lục quốc:

 Nguồn: Ban dịch thuật Pháp Âm

Thích Nguyên Chơn

Nguồn link: http://www.chuadonghung.com/viet/phat-phap/lich-su-phat-giao/394-bon-phap-nan-cua-phat-giao-trung-quoc?showall=1

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp