Phản hồi bài viết “Từ mẫu tượng Phật Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên kém thẩm mỹ, nghĩ về tượng Phật lộ thiên” của tôi, bạn đọc Vũ Đỗ cho rằng tôi “xúc phạm với các tôn giáo khác”, nguyên văn ý đó như sau: “Một vài lời góp ý với tác giả. Khi nói về tôn giáo khác nên tìm hiểu kỹ rồi mới nói để tránh việc xúc phạm với các tôn giáo khác.
Theo tôi được biết tác giả đề cập đến việc một pho tượng của đạo Ca Tô La Mã đó chính là tượng Thiên Thần Micae, cầm ngọn giáo đâm quỷ dữ. Ý nghĩa của bức tượng đó chính là việc chống lại cái ác quỷ dữ, chứ không phải cầm đao kiếm đâm chém như thiển ý tác giả nêu ra. lại càng không phải thánh tổ của binh chủng của quân đội Sài Gòn mà tác giả không hiểu hay có ý kích động gì đó. Vài lời lạm bạn đến tác giả bài viết . Chúc tác giả mạnh khỏe và sáng suốt để đóng góp nhiều cho Phật Giáo càng phát triển”.
|
Mẫu tượng Phật thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên |
Tôi không hề xúc phạm tôn giáo nào trong bài viết nói trên. Nội dung dưới đây sẽ xác định rõ.
Bạn đọc Vũ Đỗ nói “đó chính là tượng Thiên Thần Micae, cầm ngọn giáo đâm quỷ dữ”. Điều này không khác lắm với miêu tả của tôi “thiên thần đang cầm giáo đâm chém”. Hai bên khác nhau có chữ chém, mà bức tượng tôi miêu tả (đã bị đập bỏ), thiên thần dí người bị đâm xuống đất, vừa ra vẻ như đâm tới, vừa ra vẻ như dí chém, rất bạo lực.
Tượng thiên thần có cánh màu trắng, người bị dí đâm bị đạp xuống chân thiên thần có màu da sẫm.
Miêu tả chính xác hành động của thiên thần và vũ khí sử dụng thì không có gì là “xúc phạm tôn giáo” cả.
Tôi biết rõ đó là thiên thần Micae, nhưng không nói tên ra, vì thấy không cần thiết. Chỉ nói điểm rất dễ nhận diện đó là thiên thần có cánh.
Tôi cũng biết thiên thần đang đâm ma quỷ. Nhưng trước Công đồng Vatican II, Đạo Ca tô La Mã toàn thế giới đều coi các tôn giáo khác và tín ngưỡng bản địa các dân tộc trên thế giới là “ma quỷ”. Tại Việt Nam, sau hơn mười năm, những quan điểm của Công đồng Vatican II mới ảnh hưởng đến một cách sâu rộng. Khi đó, bước tượng đã bị đập bỏ rồi.
Tôi được học trong nhà trường ở Sài Gòn trước 1975, rằng hầu hết các bức tượng công cộng ở Sài Gòn đều được dựng với tinh thần là “thánh tổ” của các quân binh chủng quân đội Sài Gòn. Quân binh chủng nào thì xúc tiến dựng tượng “thánh tổ” nấy của mình, còn thi công cụ thể là do Công binh Quân đội Sài Gòn đảm nhiệm. “Thánh tổ” là việc tôn xưng có tính chủ quan, nhằm nêu cao truyền thống của quân binh chủng, không phải căn cứ vào lịch sử.
Thí dụ, Trần Nguyên Hãn là thánh tổ truyền tin, vì dùng chim bồ câu đưa thư. Hình ảnh dùng chim bồ câu đưa thư thể hiện ở tượng Trần Nguyên Hản ở công trường Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành, còn lại đến nay.
An Dương Vương là thánh tổ công binh, vì xây dựng thành Cổ Loa. Tượng được dựng trên một cột cao, thể hiện việc xây dựng kiến tạo. Tượng còn ở Ngã Sáu Chợ Lớn, chỉ có phù điêu miêu tả hoạt động công binh quân đội Sài Gòn ở 4 mặt đế tượng bị đập bỏ.
Phù Đổng Thiên Vương là thánh tổ Thiết kỵ (binh chủng xe tăng thiết giáp) vì cởi ngựa sắt phun lửa. Tượng còn ở Ngã Sáu Sài Gòn.
Vua Quang Trung là thánh tổ Quân vận, vì hành quân thần tốc ra Bắc. Tượng dựng trước chợ Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Lâm, nhìn qua trại Triệu Đà của quân vận đường Trần Quốc Toản (nay là đường Ba tháng Hai). Vì trên đường tôi đi học nên thường nhìn thấy lính quân vận chăm sóc, cúng bái, tu bổ tượng.
Nếu Micae chỉ là tượng thiên thần thuần túy tôn giáo, không liên hệ đến quân đội Sài Gòn, thì không bị đập sau năm 1975. Vì chính quyền thành phố lúc đó không hề có chủ trương đập tượng tôn giáo nơi công cộng. Tượng Đức Mẹ nhìn xuống đường Đồng Khởi được giữ nguyên vẹn. Tượng Phật Bà Quan Âm đường Hậu Giang cũng vậy (chỉ sau này mở rộng đường nên mới dời đi).
Còn tượng thiên thần Micae, do là thánh tổ nhày dù, nên mới bị đập bỏ. Chẳng những thế, đống gạch vụn đã được để đó cho mọi người xem trong nhiều tháng.
Thiên thần Micae là thánh tổ nhảy dù vì đặc trưng đôi cánh, tấn công xuống từ trời cao. Lính nhảy dù được gọi là “thiên thần mũ đỏ” là vì có liên quan đến thiên thần Micae này.
Sự việc là như vậy, nên tôi không hề “xúc phạm tôn giáo”, cũng như không “có ý kích động gì đó”, như ý kiến bạn đọc Vũ Đỗ. Bạn đọc Vũ Đỗ nói như thế có lẽ vì chưa tìm hiểu kỹ về các tượng đài ở Sài Gòn trước năm 1975.
Minh Thạnh