Đó là thể chế duy nhất có khả năng đảm bảo cho các quyền con người
được tôn trọng và thực thi. Nếu không có thể chế dân chủ thì con người
không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do
vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng
ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con
người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con
người ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Tại sao dân chủ lại là khát
vọng và cần phải là khát vọng không chỉ của riêng ai? Chúng ta biết rằng
con người có những phần tự nhiên, có những phần được dạy dỗ. Vì thế
quan điểm của Rousseau "Con người sinh ra đã có tự do" và quan điểm của tôi "Tự do sinh ra con người"
là rất khác nhau. Sự phát triển của nhân loại cho thấy một thực tế là
càng ngày con người càng ít tự nhiên hơn vì càng ngày con người càng
chịu ảnh hưởng của giáo dục, của văn hóa, của những yếu tố nhân tạo
nhiều hơn. Nói cách khác, tỷ lệ những yếu tố tự nhiên trong đời sống con
người càng ngày càng giảm còn tỷ lệ những yếu tố nhân tạo càng ngày
càng tăng. Con người ngày càng xa cách tự nhiên và đấy là sự kêu cứu có
thật đối với các quyền tự nhiên của con người. Khi tỷ lệ yếu tố tự nhiên
trong đời sống con người giảm sút thì con người suy thoái, bởi vì con
người trước hết phải là sản phẩm của tự nhiên. Tự do chính là sự bù đắp
vào việc con người bị tước đoạt mất tỷ lệ hợp lý mà tự nhiên vốn dĩ đem
lại cho mình trong việc hình thành con người và nhân cách con người. Cho
nên, con người không có tự do, con người sinh ra không phải là sản phẩm
của tự do thì đấy là khuyết tật của con người. Khuyết tật lớn nhất của
con người hiện đại chính là thiếu các mối liên lạc với tự nhiên trong
quá trình hình thành ra nhân cách của mình. Nếu con người chủ quan, con
người chống lại các tiến trình tự nhiên hoặc cưỡng bức các yếu tố tự
nhiên để nhồi nhét những thứ được gọi là sáng tạo của mình thì con người
sẽ phá hoại sự cân bằng, kể cả sự cân bằng tự nhiên lẫn cân bằng tinh
thần. Khi tỷ lệ các yếu tố chủ quan trong đời sống tinh thần con người
càng lớn bao nhiêu thì tính không khách quan của đời sống tinh thần con
người càng lớn bấy nhiêu. Tính không khách quan của đời sống tinh thần
con người là tiền đề của sự suy thoái nhân cách. Một trong những suy
thoái quan trọng nhất của con người là không nhận ra tính hữu hạn của
các khả năng của mình, hay tưởng rằng mình có năng lực vô hạn trong việc
tác động vào đời sống. Suy thoái năng lực con người chính là tăng cường
sự chủ quan của con người, con người thấy mình có quyền năng vô tận nên
liều mạng trong hành động. Con người liều mạng hay hành động dựa vào sự
thúc bách của tình huống thì con người dễ đánh mất sự chủ động. Con
người không chủ động thì dù có cảm giác tự do, con người vẫn không có tự
do trên thực tế.
Vậy con người khai thác cái không gian tự do của mình, mở rộng cái không gian tự do vốn có bằng cách nào?
Bằng
cách ý thức rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Tự do là một không
gian nhưng con người không đi lang thang trong đó được, con người đi
theo các đòi hỏi. Con người hành động theo các đòi hỏi, không hành động
theo các cảm giác. Khi con người hành động theo các đòi hỏi thì tạo ra
một cảm giác yên tâm vì độ có ích của các hành động, và con người yên
tâm rằng mình không lãng phí. Sự thúc bách của nghĩa vụ, sự thúc bách
của đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn làm con người bắt đầu hành
động. Con người hành động theo những đòi hỏi như vậy mà không bị ngăn
cản và còn thu được thực lợi. Thực lợi của quá trình này có được từ sự
thúc bách trong tâm hồn chính là động lực để con người khai thác hết
không gian tự do. Không có gì thúc bách từ bên trong tức là không chủ
động. Tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Chủ động không phải
là cái xuất hiện ngẫu nhiên và tự nhiên, chủ động xuất hiện từ sự thúc
bách của cuộc sống, của việc thực hiện nghĩa vụ đối với cuộc sống. Do
đó, toàn bộ sự phấn đấu của con người để rèn luyện nền dân chủ chính là
khắc phục việc con người để cho ngẫu nhiên điều khiển hành vi của mình
trong cuộc sống.
Đối với các quốc gia chậm phát triển, xây dựng
nền dân chủ là một nhiệm vụ sống còn. Việc xây dựng nền dân chủ ở những
nơi đó không phải vì những đòi hỏi dân chủ thông thường mà là những đòi
hỏi dân chủ vì sự phát triển. Vào những thời kỳ mà tốc độ phát triển còn
chậm, các nguồn tài nguyên đem so với nhu cầu phát triển là dư thừa thì
sự thiếu sức sáng tạo, thiếu năng lực cạnh tranh không ảnh hưởng một
cách quyết liệt đến đời sống nhân loại. Nhưng trong thời đại toàn cầu
hoá, các quốc gia buộc phải cạnh tranh với nhau bằng độ bùng nổ của các
năng lực cá nhân, tức là bằng chính độ tự do của người dân. Chỉ có tự do
mới có thể làm con người nở ra, con người có những năng lực, có cảm
hứng để phát triển. Xét trên góc độ chính trị học, xây dựng nền dân chủ
chính là cách thức quan trọng nhất để giải phóng năng lực con người.
Nhưng cần phải thấy rằng, nền dân chủ không phải là kết quả của sự giải
phóng đơn giản con người, nền dân chủ có được khó khăn hơn nhiều so với
việc giải phóng đơn giản con người bằng việc phê chuẩn hiến pháp hoặc
vài ba đạo luật trong đó thừa nhận một số quyền tự do của con người. Nền
dân chủ không thể đến ngay lập tức theo ý chí chủ quan của bất kỳ ai mà
nó chỉ có thể hình thành bằng một quá trình tổ chức và rèn luyện. Tổ
chức và rèn luyện nền dân chủ là giải pháp chính trị có ý nghĩa thời đại
đối với mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chậm phát triển.
Người
ta vẫn cho rằng chỉ ở những nước lạc hậu con người mới bất hạnh vì
thiếu tự do nhưng không phải như vậy. Trong thời đại ngày nay, ngay cả ở
những vùng phát triển của thế giới như châu Âu con người cũng bắt đầu
thiếu tự do. Ở châu Âu hiện nay khái niệm tự do ngày càng trở nên thấp
hơn so với đòi hỏi của con người. Khái niệm tự do vẫn được định nghĩa
bởi những tiêu chuẩn của những năm đầu của thế kỷ XX, của những cuộc
cách mạng thế kỷ thứ XVIII, XIX… và bởi những tiêu chuẩn về quyền con
người thông thường mà không được bổ sung bởi những đòi hỏi hiện tại của
con người. Những diễn biến mới nhất của tình hình ở châu Âu liên quan
đến việc trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu vừa qua cũng cho thấy đìều
này. Qua sự phủ nhận của người Pháp, người Hà Lan và sự ủng hộ của
người Croatia đối với Hiến pháp châu Âu, có thể thấy rằng tính tiên tiến
của Hiến pháp châu Âu, tính lo toan, tính quán xuyến của Hiến pháp châu
Âu chỉ thoả mãn trí tưởng tượng của người Croatia chứ không đủ để thoả
mãn nỗi lo toan của người Hà Lan và người Pháp. Người dân châu Âu phản
ứng trước việc các nhà chính trị tự động quyết định việc dùng đồng tiền
chung châu Âu, tức là các quyền tự do chính trị đã bị vi phạm một cách
tương đối phổ biến. Các nhà chính trị châu Âu đã chủ quan khi không tổ
chức và rèn luyện cho người dân châu Âu có thái độ thích hợp với những
trạng thái phát triển khác nhau của nền dân chủ. Họ quên mất rằng cần
phải tổ chức và rèn luyện sự hiểu biết và thái độ của người Pháp, người
Hà Lan, người Đức... đối với giá trị châu Âu. Họ chủ quan sử dụng những
cơ cấu pháp lý khôn ngoan để thông qua hiệp định về đồng tiền chung, dẫn
đến người dân bị tảng lờ các quyền cơ bản của mình. Các nhà chính trị
châu Âu vẫn quan niệm một cách đơn giản về nền dân chủ. Phải thấy rằng tổ
chức và rèn luyện nền dân chủ không chỉ dành cho những nước chậm phát
triển mà đã trở thành một vấn đề mang tính phổ quát toàn cầu.
Dân
chủ là một loại mô hình thể chế đã được thực chứng và chúng ta phải xây
dựng dân chủ dựa vào các tiêu chuẩn phổ quát của dân chủ chứ không phải
dựa vào các định nghĩa chính trị cụ thể của từng đảng chính trị. Bất cứ
sự cấy ghép nào đối với khái niệm dân chủ đều thể hiện sự thiếu tôn
trọng con người. Con người cần phải được xem như là đối tượng cao nhất
và quan trọng nhất. Mục tiêu của việc xây dựng nền dân chủ là vì hạnh
phúc của con người chứ không phải vì nền dân chủ. Cho nên, chúng ta chỉ
có thể tán thành nền dân chủ với những thực chứng lịch sử đầy đủ, với
những bằng chứng phát triển đầy đủ, với những hạnh phúc có thực đối với
đời sống của con người, với việc khẳng định đầy đủ các quyền con người.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng tự do không chỉ là quyền chính trị mà
trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay nó đã trở thành quyền phát triển,
tôi cho rằng cần phải xây dựng lý thuyết về tổ chức và rèn luyện nền dân
chủ. Có thể nói, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tổ
chức tiếp cận với sự phát triển hay sự nới rộng một cách tự nhiên của
khái niệm dân chủ, cho nên, đây là một công việc cần phải được
tiến hành một cách thường xuyên.Để có được một nền dân chủ thực sự, quá
trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, đặc biệt là ở các nước chậm phát
triển cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc thứ nhất
là phải thừa nhận quy luật tất yếu của việc hình thành xã hội dân chủ, tức là không ai, không quốc gia nào có thể trốn tránh nhiệm vụ dân chủ hóa xã hội được. Nguyên tắc thứ hai là những người cầm quyền phải đưa ra lộ trình để tạo ra sự hiểu biết về quyền làm chủ của người dân,
tức là phải giáo dục, phải tổ chức và rèn luyện các thói quen dân chủ,
làm cho người dân ý thức về tự do, dân chủ. Để làm được điều này đòi hỏi
phải phi chính trị hoá, tức là không được đưa vào nội dung giáo dục ấy
những khía cạnh có tính chất chính trị hẹp hòi của các đảng chính trị.
Nói cách khác là phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ dưới hình thức
một nhà nước chứ không phải dưới hình thức một đảng chính trị. Nguyên
tắc thứ ba là phải thừa nhận một số nguyên lý cơ bản của việc cấu tạo nhà nước hiện đại, thừa nhận các quyền con người và phổ biến nó.
Nhân quyền đã được khẳng định trong công ước quốc tế nhưng nó phải được
pháp chế hóa, dân quyền hóa thành những quyền cụ thể, và các nhà nước
phải thừa nhận sự can thiệp để ngăn chặn các vi phạm nhân quyền ở bất kỳ
quốc gia nào.
II. Biến hiểu biết về quyền thành khát vọng làm chủ của người dân
Chúng
ta biết rằng trí tuệ con người có thể nâng cao năng lực khai thác các
quyền, mở rộng các không gian tự do và những không gian tự do ấy đôi khi
lớn hơn rất nhiều lần so với không gian được phép. Vì vậy, có thể khẳng
định, tự do vừa là quyền, vừa là năng lực. Nếu như chúng ta không tổ
chức và rèn luyện nền dân chủ thì cho dù có một không gian tự do đầy đủ,
con người cũng không có đủ năng lực để khai thác hết. Cho nên, tổ chức
và rèn luyện nền dân chủ chính là tạo cho con người khai thác hết không
gian được phép, và do đó họ có khát vọng đòi hỏi những không gian lớn
hơn. Tất nhiên, dân chủ hoá là bài toán khó, không phải cứ muốn là chúng
ta có thể có ngay nền dân chủ, vấn đề là nó có hiệu lực, có tồn tại
trên thực tế hay không. Nhiều quốc gia khi tiến hành quá trình dân chủ
hoá cũng đặt ra những kế hoạch, những tiêu chí này khác để xây dựng thể
chế dân chủ nhưng thực tế thì việc thực thi gặp phải nhiều khó khăn, cả
khách quan lẫn chủ quan. Cần phải đặt vấn đề là tại sao nó không tồn tại
trên thực tế được? Bởi vì người dân hay là xã hội không có năng lực làm
chủ, không có các thói quen dân chủ. Do đó, bước đầu tiên, bước quan
trọng nhất của quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tổ
chức và rèn luyện năng lực làm chủ của người dân. Người dân ở đây bao
gồm cả các nhà chính trị vì bất kỳ một người giữ một chức năng xã hội
nào cũng đều có địa vị kép, họ là nhà chính trị khi tham gia cầm quyền
nhưng địa vị cơ bản của họ vẫn là một công dân.
Vậy rèn luyện năng
lực làm chủ là gì? Chúng ta đều biết rằng để có năng lực làm chủ thì
trước hết mỗi người phải biết mình có gì, mình làm chủ cái gì. Rèn luyện
năng lực làm chủ của người dân ở mức cơ bản nhất là nâng cao hiểu biết
về các quyền con người. Hiểu các quyền con người là hiểu con đường một
cá nhân tạo ra giá trị của mình và đóng góp các giá trị ấy cho xã hội.
Nếu người dân không biết một cách phổ biến về các quyền cơ bản của mình
thì họ không thể có năng lực làm chủ. Tuy nhiên, nếu chỉ có hiểu biết về
các quyền mà không có khát vọng làm chủ thì họ vẫn chưa làm chủ được.
Mỗi người cần biến hiểu biết về các quyền của mình trở thành một khát
vọng mang chất lượng bản năng. Rèn luyệnnăng
lực làm chủ của người dân chính là nâng cao năng lực hiểu các quyền cơ
bản và biến các quyền cơ bản không chỉ trở thành kiến thức mà còn trở
thành khát vọng của mình.
Trước sức ép của toàn cầu hóa,
nhiều quốc gia lạc hậu đã buộc phải mở cửa và đổi mới. Phải nói rằng đó
là những thay đổi rất lớn. Người dân đã có một bước tiến khổng lồ về
năng lực làm chủ vì họ đã bắt đầu làm chủ nhiều thứ của chính mình. Năng
lực làm chủ có ở từng người và trên từng khía cạnh của cuộc sống. Nhân
dân đã bắt đầu thấy rằng cần phải có nhà của mình, có tài sản, có phương
tiện làm ăn sinh sống của mình, có đầu tư của mình... Tức là con người
đã bắt đầu làm chủ trên những khía cạnh đơn giản của cuộc sống. Chất vấn
chính phủ về các vấn đề hàng ngày của cuộc sống, chất vấn về sự minh
bạch của các cơ quan chính phủ liên quan đến các vụ tham nhũng... là
những dấu hiệu của sự bắt đầu quá trình làm chủ của nhân dân.Tất cả
những thứ đó xác nhận một điều rằng nhân dân đã bắt đầu thức tỉnh về
quyền làm chủ, không phải chỉ có quyền làm chủ hiện nay của mình mà
quyền làm chủ của mình từ trước đó nữa. Điều đó không có nghĩa là nhà
nước cho nhân dân quyền làm chủ mà thực chất là nhà nước trả lại cho
nhân dân cái quyền vốn có của mình. Tôi cho rằng dần dần xã hội sẽ phát
triển đến mức con người sẽ đòi các tiêu chuẩn làm chủ hoặc là xác nhận
sự làm chủ vốn có của mình đối với các đối tượng cụ thể họ đã từng có
trong quá khứ. Khi người ta truy đuổi các quyền sở hữu có tính chất công
dân của mình thì người ta tìm ra bản chất của các quyền công dân chính
là các quyền con người. Cho nên, phổ biến các quyền công dân chính là
một trong những cách thức tốt nhất để dẫn con người truy nguyên đến
trạng thái nhân quyền. Và điều quan trọng nhất là khi đi hết cái
không gian cần để hiểu được bản chất của dân quyền và nhân quyền thì
người ta sẽ đòi chủ quyền, tức là đòi dân chủ, bởi vì chủ quyền của nhân
dân được xác lập tập trung ở các quyền dân chủ đối với hệ thống chính
trị.
Trong thời đại toàn cầu hoá và số hoá hiện nay,
chúng ta phải nhận thức được rằng các quyền con người đang ngày càng trở
nên lạc hậu so với đòi hỏi của con người và so với đòi hỏi của sự giao
lưu của con người. Tôi lấy ví dụ, hiện nay ở Anh đã xuất hiện một loại
hiệp hội của những người có nhà, thành viên là những người có nhà ở Tây
Ban Nha, ở Iraq, ở Ireland... Ban Giám đốc điều hành Hiệp hội ấy có thể
điều chỉnh để một người ở Tây Ban Nha khi sang Pháp sẽ đến ở nhà hội
viên có nhà ở Pháp nhưng đang có mặt ở Tây Ban Nha, họ đổi nhà cho nhau
trong một thời gian. Xã hội dân sự đạt đến độ tự cân bằng sâu sắc như
vậy và xét về mặt kinh tế nó đồng nghĩa với sự tiết kiệm khổng lồ cho
con người. Qua đó có thể thấy nới rộng và làm sâu sắc các quyền con
người là vấn đề cực kỳ quan trọng để nâng cao hạnh phúc của con người.
Có thể kết luận rằng, quyền con người không phải là các quyền
chính trị đơn giản, quyền con người là nâng cao tính hiệu lực làm người,
nâng cao mật độ hạnh phúc của đời sống con người. Tức là đã
đến lúc không thể ỷ lại vào các quyền tự nhiên đơn giản nữa, xã hội ngày
càng phát triển đến mức các quyền tự do dân chủ cần phải được cập nhật
và phổ biến hàng ngày để con người có thể sống hạnh phúc hơn. Vì thế,
trong thời đại này, để nâng cao hiệu lực làm người, nâng cao hạnh phúc
của con người thì phải tạo ra các thể chế đủ tinh khôn, đủ mềm dẻo, đủ
tế nhị bằng cách tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, mà bước đầu tiên của
nó chính là khích lệ tinh thần và nâng cao năng lực làm chủ của con
người.
Nguyễn Trần Bạt
Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult - Cải cách và sự phát triển
Nguồn: Cải cách và sự phát triển