Tác giả bài viết này đã sinh hoạt liên tục mười năm trong Gia đình Phật tử - GĐPT Phú Lâu, TP Huế, bắt đầu từ năm 15 tuổi với nhiệm vụ của một đoàn sinh thiếu niên và kết thúc ở năm 25 tuổi với chức vụ của một uỷ viên ban hướng dẫn.
Từ đó đến nay, một nửa thế kỷ đã trôi qua và nhờ vậy, đã có một khoảng cách để nhìn lại Một góc nhìn giáo dục Gia đình Phật tử.
1. Sinh hoạt Gia đình Phật tử rèn luyện cho chúng tôi kỹ năng nói trước quần chúng
Thời thơ ấu, chúng tôi là một đứa bé nhút nhát. Năm 15 tuổi, tuổi bắt đầu khôn lớn, vẫn không dám xuất hiện trước đám đông. Cho nên, khi ông anh con bà dì lớn hơn một tuổi “rủ” vào Gia đình Phật tử, chúng tôi cứ hẹn rày hẹn mai vì sợ “bị” đưa ra giới thiệu trước mặt nhiều người.
Cuối cùng thì ngày trình diện trước đông đảo đoàn sinh Gia đình Phật tử Chơn Tri gần chợ Cống ở hữu ngạn sông Hương cũng đến và những ngỡ ngàng ban đầu rồi cũng qua đi. Mấy tháng sau, với chức vụ đội trưởng đội sen vàng, chúng tôi tập nói trước bảy tám đội viên. Hai năm sau, làm đoàn phó rồi đoàn trưởng đoàn thiếu niên, chúng tôi tập nói trước hàng chục đoàn viên. Ba năm sau làm liên đoàn trưởng, đã có đủ bạo dạn để nói trước nhiều người.
Đến khi làm việc ở đời sống trại trong những trại họp bạn, chú bé sợ xuất hiện trước đám đông ngày nào nay đã khôn lớn và đã có đủ tự tin để nói lưu loát trước mấy trăm trại sinh. Qua kinh nghiệm bản thân, chúng tôi nhận ra rằng nhút nhát mà có cơ hội tập luyện để thắng tính nhút nhát thì người ta sẽ nói sôi nổi, hấp dẫn và có khả năng lay động lòng người. Vào Đại học Sư phạm, đi thực tập, chúng tôi biết ơn Gia đình Phật tử vô cùng. Bởi lẽ, trong khi một số bạn cùng lớp đã thất bại vì không giữ được bình tĩnh khi xuất hiện trước nhiều học sinh, chúng tôi đã thành công ngay từ bài giảng đầu tiên vì đã quen ăn nói trước quần chúng.
2. Sinh hoạt Gia đình Phật tử luyện tập cho chúng tôi kỹ năng sống tháo vát
Trong gia đình, là người con trai chào đời sau ba người chị, chúng tôi lớn lên trong sự cưng quý và chiều chuộng của bà nội và cha mẹ. Mọi việc trong nhà đều đã được người lớn sắp đặt, lo liệu, đứa cháu đích tôn chỉ biết vui chơi và lo học hành.
Vào Gia đình Phật tử, làm đoàn sinh, làm đội trưởng, nếp sinh hoạt của bản thân bắt đầu thay đổi. Ba bốn tháng, một ngày trại được tổ chức, chúng tôi phải đi bộ năm sáu cây số, mang ba lô nặng cùng với những vật dụng lỉnh kỉnh khác để dựng lều, làm bàn ăn và sửa soạn các bữa ăn. Rồi phải leo đồi hay chạy băng đồng để chơi trò chơi lớn. Trong một năm, Gia đình Phật tử thường tổ chức một vài đêm văn nghệ. Làm văn nghệ thì phải dựng sân khấu và công việc nặng nhọc ấy là nhiệm vụ của đoàn thiếu niên. Với chức vụ đội trưởng, cậu thư sinh là chúng tôi ngày ấy tự giác tự nguyện làm công việc của một người lao động chân tay thực thụ.
Đội trưởng cầm càng xe vận tải đi trước, vài ba đội viên ra sức đẩy ở phía sau, chúng tôi đến nhà của các đoàn sinh mượn những tấm phản và thùng phuy để dựng sân khấu trình diễn văn nghệ. Đêm văn nghệ hoàn tất, các huynh trưởng, những đoàn viên thiếu nữ và các em oanh vũ đã có thể nghỉ ngơi. Nhưng các đoàn viên thiếu niên vẫn còn lo dọn dẹp sân khấu và tiếp tục cầm càng xe, đẩy xe vận tải một buổi nữa để trả các thứ vật dụng đã mượn.
Mười năm sống tháo vát với Gia đình Phật tử đã đem lại cho chúng tôi một lợi thế trong bốn mươi năm theo nghề dạy học. Trong khi phần đông bạn đồng nghiệp chỉ quen với các công việc chuyên môn như soạn bài, chấm bài ở nhà hoặc giảng bài trong lớp học, chúng tôi còn tỏ ra thành thạo trong những hoạt động thanh niên ở ngoài trời như tổ chức cắm trại, thi đua thể thao, thực hiện những chuyến đi làm công tác xã hội, v.v... Cuộc sống của người thầy giáo nhờ vậy trở nên sinh động, tươi trẻ và có nhiều ý nghĩa hơn.
3. Sinh hoạt Gia đình Phật tử giáo dục chúng tôi biết quên lợi ích cá nhân để làm quen với những việc làm có tính vị tha vô ngã
Chẳng có ai nghĩ rằng vào Gia đình Phật tử thì sau này ra ngoài đời mình sẽ có cơ hội thăng quan tiến chức. Cũng không ai hứa hẹn với chúng tôi vào Gia đình Phật tử thì mỗi đoàn sinh sẽ được thụ hưởng ít nhiều lợi ích vật chất. Ban đầu, thành thật mà nói, chúng tôi vào Gia đình Phật tử vì ham vui. Có thể nói đó là một cách chơi, một hình thức giải trí vô vị lợi. Không nhận sự tài trợ của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, mỗi đoàn sinh chúng tôi tự nguyện đóng góp một số tiền nhỏ do mình dành dụm được để cùng vui chơi với nhau. Lần hồi, qua những buổi họp đoàn hàng tuần và những sinh hoạt có tính tập thể khác, chúng tôi làm quen với chánh pháp rồi thấm nhuần giáo lý vị tha vô ngã của Đức Phật , từ đó, thích làm việc thiện, biết tôn trọng sự thật và nếu cần thì chịu hi sinh quyền lợi riêng để hoàn thành một công việc chung.
Trong pháp nạn năm 1963, chúng tôi đang giữ chức vụ liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Phú Lâu là hậu thân của Gia đình Phật tử Chơn Tri. Khi tổ đình Từ Đàm bị bao vây, huynh trưởng và đoàn sinh nhiều gia đình bạn đều tìm cách lên chùa Từ Đàm để thể hiện tấm lòng son sắt thủy chung đối với dân tộc và đạo pháp.
Trong hoàn cảnh ấy, dù đang bận ôn thi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chúng tôi cũng không thể cho phép mình ngồi yên với sách vở. Phải quyết tâm “đi chùa” một lần để lương tâm bớt cắn rứt. Nhưng đi như vậy là rất nguy hiểm, vì có thể “ăn” lựu đạn cay hoặc lựu đạn thật. Để chia bớt trách nhiệm, chúng tôi dặn đoàn sinh về nhà xin phép phụ huynh, em nào được sự chấp thuận của gia đình mới nên “đi chùa”.
Kết quả là có khoảng hai mươi em, gần một phần ba số lượng đoàn sinh, đã tham dự chuyến đi nhiều hiểm nguy ấy. Giữa đường, may mắn không bị ném lựu đạn, nhưng chúng tôi phải dừng lại một vài lần, vì các đường dẫn lên chùa đều bị phong tỏa. Nhưng cuối cùng thì đoàn “hành hương” của những người con Phật cũng đến đích bằng cách đi lên phía nhà ga Huế rồi theo đường Lịch Đợi mà đến chùa Từ Đàm. Nhờ mười năm sinh hoạt Gia đình Phật tử mà về sau này chúng tôi không quá so đo tính toán lợi ích cá nhân mỗi khi thực hiện một nhiệm vụ do tập thể phân công.
4. Sinh hoạt Gia đình Phật tử hướng dẫn chúng tôi sống theo Bi-Trí-Dũng
Bi–Trí–Dũng là phương châm hành động của Gia đình Phật tử Việt Nam. Lý tưởng sống này được thể hiện trong một lần đi cứu trợ lũ lụt được lược thuật dưới đây.
Năm 1964, chúng tôi dạy học ở trường Cường Để Qui Nhơn và đồng thời giữ chức vụ tổng thư ký ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Bình Định. Giữa năm ấy, một trận lũ lớn tàn phá một số huyện thuộc tỉnh nhà. Trong số đó, Hoài Ân là huyện bị thiệt hại nhiều nhất. Nhiều vật phẩm cứu trợ đã được chuyển đến huyện, nhưng chính quyền địa phương không thể phân phát cho dân vì lý do an ninh. Tòa hành chánh tỉnh Bình Định phải nhờ đoàn sinh Gia đình Phật tử mang quà cứu trợ đến tận tay nạn nhân lũ lụt.
Vì hạnh từ bi, với mục đích thêm vui bớt khổ cho đồng bào, ban hướng dẫn và một số đoàn sinh Gia đình Phật tử ở Qui Nhơn quyết tâm thực hiện một chuyến đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Đó cũng là một quyết định dũng cảm. Bởi vì huyện Hoài Ân lúc đó chỉ quản lý được một ít xã lân cận, một số xã ở xa đã thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng, còn lại là những vùng đất “xôi đậu” ban ngày thuộc về lính quốc gia nhưng ban đêm lại theo quân du kích. Mang vật phẩm đi cứu trợ trong hoàn cảnh ấy, đoàn sinh Gia đình Phật tử có thể bị kết án tiếp tay với chính quyền địa phương để tranh thủ cảm tình của nhân dân mà mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Trưởng ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Bình Định khi ấy là anh Nguyễn Văn Châu. Anh Châu khôn ngoan, sắc sảo biết rõ tính bất trắc, ẩn chứa nhiều hiểm nguy của chuyến đi làm việc thiện. Không nói ra điều mình suy nghĩ vì sợ anh chị em mất tinh thần, bằng trí tuệ của một huynh trưởng cấp Tín, Anh Châu âm thầm sắp xếp công việc để chuyến đi được an toàn. Nguyên tắc được đặt ra là phải làm thế nào để đồng bào địa phương biết rõ việc nghĩa này được thực hiện trong phạm vi tôn giáo, thể hiện tình tự dân tộc của đoàn sinh Gia đình Phật tử.
Theo nguyên tắc ấy, ở Qui Nhơn, chúng tôi đóng góp tiền túi để thuê xe về Hoài Ân, dù biết rằng tòa hành chánh tỉnh Bình Định sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện. Mặt khác, ngoài tự túc số gạo đủ ăn trong năm ngày, mỗi thành viên của đoàn chỉ mang theo hai loại thức ăn là muối mè và vị tâm. Đến Hoài Ân, thay vì vào ở trong quận đường, huynh trưởng và đoàn sinh chia nhau tạm trú tại nhà dân. Để có nhiều thì giờ lo việc phân phối phẩm vật cứu trợ, mỗi ngày chúng tôi chỉ mua thêm một ít rau tươi để sửa soạn những bữa ăn giản dị, đạm bạc. Hành động theo phương châm Bi–Trí–Dũng, đoàn sinh Gia đình Phật tử đã thực hiện thành công chuyến đi cứu trợ nạn nhân bão lụt trên một vùng đất còn nhiều súng đạn và thù hận.
5. Sinh hoạt Gia đình Phật tử huấn luyện cho chúng tôi phương pháp thân giáo và ý thức trách nhiệm của người chỉ huy
Các triết gia phương Đông sống với chân lý nhiều hơn nói về chân lý. Theo tinh thần ấy, các vị đạo sư tâm linh ít rao giảng đạo đức, không muốn dùng phép tắc, lễ nghi khắt khe để buộc đệ tử khép mình vào khuôn khổ của giáo điều. Các Ngài thực hiện phương pháp thân giáo bằng cách lấy chính đời sống đạo hạnh của mình làm gương sáng để môn sinh tự giác, tự nguyện theo đó mà tu sửa thân tâm.
Sinh hoạt nhiều năm trong Gia đình Phật tử, được gần gũi các huynh trưởng khả kính như chị Hoàng Thị Kim Cúc và các anh Nguyễn Khắc Từ, Phan Văn Gái, Nguyễn Văn Châu, v.v… chúng tôi đã học tập ở các anh, chị lối sống trung thực, giản dị, khiêm tốn mà dũng cảm của người Phật tử chân chính. Hiệu quả của phương pháp thân giáo này và cách thức thụ giáo gọi là huân tập ấy, Tổ Quy Sơn đã nói rõ khi sách tấn đệ tử gắng công tu tập: “Sống gần người bạn tốt như đi trong sương, tuy áo không ướt nhưng lần hồi cũng thấm”.*
Sinh hoạt mười năm trong Gia đình Phật tử, trừ mấy tháng làm đội viên, chúng tôi đã đảm trách nhiệm vụ của người chỉ huy khi làm đội trưởng, đoàn trưởng, liên đoàn trưởng và tổng thư ký ban hướng dẫn. Trong Gia đình Phật tử, vì không có quyền lợi để ràng buộc nhau, chúng tôi chỉ biết đề cao những giá trị tinh thần, cố gắng sống mẫu mực để làm gương cho đoàn sinh noi theo. Gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, cách nêu gương sáng hiệu quả nhất là nhận lãnh trách nhiệm chèo chống con thuyền gia đình như một vị thuyền trưởng biết “đứng mũi chịu sào”…
Lần “đi chùa” trong pháp nạn năm 1963, dù biết có thể bị phê bình là liên đoàn trưởng mà làm việc thiếu tổ chức và không biết phân công, chúng tôi vẫn nhận nhiệm vụ khó khăn nhất là dẫn đầu đoàn “hành hương” và sẵn sàng hứng chịu sự đàn áp hay tấn công thay cho các đoàn sinh. Trong lần đi cứu trợ bão lụt năm 1964, không hẹn mà nên, anh Nguyễn Văn Châu và chúng tôi đều “xung phong” đi tiền trạm xã An Tín là địa điểm xa xôi nhất và mất an ninh trầm trọng nhất của huyện Hoài Ân. Xã An Tín ở bên này một con sông thì bên kia sông là vùng giải phóng.
Nghỉ trưa trong một ngôi chùa vắng, chúng tôi nghe đồng vọng tiếng trống ếch của thiếu nhi ở bờ bên kia. Lên trạm thông tin ở trên đồi cao để liên lạc với huyện, chúng tôi phải bò vì sợ bắn tỉa. Trong khi đó, chưa quá bốn giờ chiều mà văn phòng xã đã đóng cửa, nhân viên “sơ tán”, còn hai cái ba lô chúng tôi gởi thì bị bỏ lại ở bên đường… Nhờ chư Phật gia hộ, trong cả hai lần làm gương bằng cách “đứng mũi chịu sào ấy”, chúng tôi đều được bình an vô sự.
Giáo dục Gia đình Phật tử được trình bày ở đây được ghi nhận qua kinh nghiệm sống và theo “góc nhìn” của một người, trong thời gian ngắn từ 1955 đến 1965, tại không gian hẹp là thành phố Huế và Qui Nhơn. Chúng tôi nghĩ phải có sự chung sức chung lòng của nhiều người thuộc nhiều thế hệ mới có thể phác họa được toàn cảnh với đủ đường nét và sắc màu đậm nhạt khác nhau của bức tranh giáo dục Gia đình Phật tử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng đó là vấn đề khác.
Theo Tâm Hỷ/Phattuvietnam.net |