19/2 Âm lịch hàng năm là lễ vía Quán Thế Âm theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Khởi đầu lễ hội phát xuất từ 1960 tại chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.
Truyền tích, tại động Ngũ hành Sơn, vách đá hiện hình đức Phật Quán Thế Âm khá rõ nét. Từ đó, chùa được đặt là chùa Quán Thế Âm tại động Ngũ Hành. Trong một thời gian khá dài, lễ hội đã tạm ngưng, mãi đến 1991 mới được phục hoạt. Mỗi lần tổ chức như thế là có hàng vạn du khách đến tham dự. Năm 2008, đoàn Tăng thân Làng Mai có mặt vào dịp vía Quán Thế Âm, buổi lễ tổ chức khá hoành tráng. Năm nay cũng thế, hàng vạn người vừa tham dự lễ, vừa vui vẻ giải trí với hội. Qua ba miền, Đà Nẵng đã tạo dấu ấn khá đậm nét nhân mùa vía Quán Thế Âm.
Tuy nhiên, các tỉnh, một số nơi vẫn tổ chức, tuy không rầm rộ quy mô, nhưng cũng có dịp cho quần chúng Phật tử nhớ đến ngày vía của Bồ Tát. Trong đó, tại Vĩnh Long, ngay Bảo Tháp miền Tây, cách cầu Mỹ Thuận hơn cây số, chùa Xá Lợi ngọc Phật cũng có một đêm văn nghệ trên hai ngàn người tham gia đến hơn 1 giờ sáng. Chùa đặt đá xây dựng tượng đài Quán Thế Âm cao 25m; chính vì thế mà chương trình văn nghệ xoay quanh chủ đề Mẹ hiền và Quán Thế Âm. Một số các nghệ sĩ tài danh trong và ngoài nước, đến trình diễn.
Các tiết mục múa theo vũ điệu dâng hoa, trang phục Ấn do đạo tràng ở Cái Bè biểu diễn; một số hoạt cảnh Thiên thủ Thiên nhãn cũng do các em Gia Đình Phật tử đảm trách thật xuất sắc. Tuy nhiên, một vài tiết mục đi chệch mục tiêu như hài, thiếu tính văn hóa và không hợp với không gian của buổi lễ. Không những các ca sĩ chuyên nghiệp tham dự mà ngay cả diễn viên điện ảnh Phúc Vinh và Minh Nguyệt với giọng ca không kém đầy triển vọng. Diễn viên Minh Nguyệt rất trẻ trình bày bản Bóng Cả của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và Phúc Vinh với nhạc bản mang tên Đạo Làm Con của nhạc sĩ Ngọc Sơn. Quần chúng khán giả và chư Tăng có mặt nhiệt liệt vỗ tay. Có lẽ, đây là lần đầu tiên miền Tây có một chương trình văn nghệ khá đầy đủ, tuy thời lượng dài nhưng quần chúng vẫn không cảm thấy buồn chán.
Phật giáo hải ngoại cũng hùng hậu tổ chức lễ vía Quán Thế Âm suốt ba ngày tại chùa Việt Nam ở Texas. Đặc biệt tại đây còn có chương trình tu học trong mùa lễ và hành hương Tam bộ nhất bái, thả thơ, thư pháp, võ thuật, múa lân…với sự góp mặt của một số nghệ sĩ tài danh như Trang Thanh Lan – Quang Tuấn – Ngọc Thu – Giáng Ngọc - ban hợp ca Hương Lam…Nơi đây, chư Tăng trong pháp phục vàng ửng thì Phật tử trong sắc lam hiền thục và màu trắng trinh bạch tạo cho buổi lễ mang tính tôn giáo trang nghiêm trên đất khách quê người. Không chỉ là dịp giải trí của lễ hội mà còn là không gian gặp nhau sau những ngày vất vả của các đồng hương. Chính vì thế mà cảm thấy bớt lẻ loi và mái chùa trở thành tổ ấm cho khách lữ thứ, chư Tăng là ngọn hải đăng trên vạn dặm miên trường. Chùa Việt Nam tại Texas là biểu tượng của niềm tin quần chúng Phật tử nơi xứ người, do Tăng phong đạo cách của các long tượng thạch trụ.
Người Việt Nam đi đến đâu là mang văn hóa tín ngưỡng dân tộc theo đó. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ lớn của Phật giáo Bắc truyền, vì vậy hàng ngàn năm vẫn duy trì được tinh thần Quán Thế Âm trong lòng đại chúng. Nhưng hạnh nguyện Quán Thế Âm vẫn chưa được triển khai đúng mức để chuyển hóa niềm đau nỗi khổ trong nhân gian. Hy vọng thế hệ trẻ, Tăng cũng như tục sẽ phát huy tinh thần đó để sự hiện diện của Phật giáo trọn vẹn ý nghĩa hơn.
Một số hình ảnh lễ hội Quán Thế Âm:
Minh Mẫn
11/3/2012