Có nhiều người không biết quê mình ở đâu. Có những người muốn biết và cất công tìm kiếm. Cũng có nhiều người không nghĩ đến chuyện ấy. Quê hương là gì nhỉ? Một khái niệm? Một mảnh đất? Tôi đã thao thức mãi về quê hương. Tôi nằm trong số những kẻ kiếm tìm.
Cuộc kiếm tìm bắt đầu từ rất sớm, nói cho đúng thì không thể xác định thời điểm bắt đầu. Với người khác thì không rõ, nhưng nếu theo trí nhớ của tôi thì những hình ảnh lưu giữ lâu lắc nhất là về hành trình qua thiên đường. Tôi không nằm mơ đâu, thiên đường của tôi khi ấy là cha mẹ và chị gái duy nhất của tôi. Lúc ấy tôi cũng chỉ láng máng về một cái gì hạnh phúc, sung sướng và được chở che. Tôi nghiễm nhiên hưởng thụ cái hạnh phúc ấy, hưởng thụ sự bao bọc, dạy dỗ, thương yêu của cha mẹ và của chị. Những kỷ niệm về thời thơ ấu của tôi đầy nắng gió, trăng sao, vòm cây tán lá, tiếng cười... và luôn luôn có cha mẹ và chị ở bên. Thỉnh thoảng thì tôi cũng dỗi hờn cha mẹ hoặc là ghen tị với chị. Thi thoảng thì tôi làm cha mẹ phiền lòng vì tôi không nghe lời, hoặc làm mẹ cha giận vì cái tính ngang ngạnh "như cua" của tôi. Nhưng phần lớn thời gian thì tôi được sung sướng, mà chẳng hề biết rằng mình đang được sung sướng. Có lẽ vậy mới là ở thiên đường. Vì mãi sau này, khi đã nếm trải những khổ đau, thất vọng... trong cuộc đời tôi mới biết quay ra gọi cái đó là thiên đường đấy chứ. Chứ ngay lúc ấy tôi không nghĩ nó là đủ cho tôi đâu, tôi nghĩ hạnh phúc là ở đâu đó phía trước kia, một hạnh phúc dành cho tôi, có thể tôi phải góp phần làm nên cái hạnh phúc ấy, nhưng nó còn ở phía trước tôi kìa.
Cha mẹ tôi đều là những người hiểu biết và bao dung. Cái cách cha mẹ đối xử với chúng tôi luôn có phần nghiêm khắc nhưng chúng tôi cũng luôn được lắng nghe. Chẳng mấy khi thấy mẹ cha giận dữ. Vậy nên sau này khi có lần được yêu cầu : "con đang nhìn thấy cha của con, con đang nhìn thấy mẹ của con..." là tôi lập tức thấy cha tôi đang cười với tôi, mẹ tôi đang cười với tôi, nụ cười tươi rói và đầy thương yêu mà tôi cũng muốn đáp lại liền tức khắc. Tôi học được cách lắng nghe, tôi được mẹ cha truyền lại cho nụ cười, tài sản quí giá nhất của đời người. Điều này cũng rất lâu sau tôi mới biết được, khi tôi đã sống xa cha mẹ rồi, đã đi qua nhiều năm cuộc đời tôi mới nhận ra.
Thi thoảng khi còn bé tôi hay hỏi cha mẹ : Quê mình ở đâu? Hình như tôi hơi làm khó cha mẹ vì quê nội không xa lắm nhưng họ hàng thì ra chiều không gần gũi. Các cụ tôi đã ở đất này từ lâu. Vậy nên tôi chưa từng có cơ hội về quê. Nhưng cha vẫn kể tôi nghe về họ hàng bên nội, trong trí óc be bé của tôi khi đó tôi thấy sao mà nhiêu khê chi nhánh kềnh càng quá đi thôi. Tôi cũng thường nghe cha kể về ông nội. Ông đã mất trước khi tôi ra đời một năm. Tôi chỉ được biết hình ông qua một bức tranh truyền thần lồng khung kính đen ở trên bàn thờ. Cái bàn thờ, giống như nhiều bàn thờ ở thời ấy, được đặt trên một cái tủ chè gỗ gụ đen có chạm trổ và khảm trai óng ánh. Và trước bàn thờ thể nào cũng có hai mảnh rèm che bằng đũi hồng điều mỏng tang. Hồi bé ít khi tôi dám vén bức rèm để nhìn ông, chỉ khi nào nhà có việc, hai mảnh rèm được túm lại thắt nút thì tôi mới nhìn thấy ông. Viết đến đây tôi thấy rất nhớ ông, nhớ rằng cha kể ông rất khéo tay, giống như cha tôi vậy, nhớ rằng ông rất hiền và rất tốt, cũng giống như cha...
Bà nội tôi cũng rất hiền. Như nhiều người phụ nữ xưa, bà nhuộm răng đen, tóc vấn. Cả một đời bà là lo toan gây dựng cho gia đình, tảo tần buôn bán. Tôi có cái may mắn được sống cùng bà suốt quãng thời gian thơ ấu. Hồi nhỏ tôi hay vòi vĩnh bà lắm, và hình như vì tôi là đứa bé nhất nên được cả nhà chiều nhất. Nhà ở ngoài phố, ngày ngày người ta qua lại bán đủ thứ đồ ăn vặt mà con nít thích mê, những món của người Tàu như lục tào xá, chí mà phù, bánh đúc nóng, rồi tào phớ, táo dầm, ô mai... Bà hay gọi tôi cho ăn quà, dù tôi không phải là đứa quá ham quà bánh. Hay là vì vậy mà bà thương hơn không biết nữa. Cái ngày mà lần đầu tiên tôi dành dụm bỏ xu ống tre được bảy đồng rưỡi, trời, với tôi nó là nhiều lắm, tôi đem đưa mẹ, để mẹ thêm tiền đi chợ, tôi nói vậy. Mẹ cười, nhưng hình như mắt mẹ long lanh, mẹ quì xuống ôm lấy tôi rồi bảo tôi đem biếu bà nội. Tôi cầm cái nửa ống tre đựng những đồng xu ky cóp suốt một năm trời tung tăng chạy ra tìm bà. Rất thật thà, tôi đưa bà và nói: "Mẹ cháu bảo đem biếu bà, tiền cháu để dành, hôm nay cháu bổ ống đấy". Khi hiểu ra, bà chối đây đẩy: "Không, bà không lấy đâu, để mẹ mày mua cho cái gì thì mua", nhưng trước khi quay đi, tôi đã kịp thấy mắt bà chớp mau... Ngày tôi nhìn thấy bà lần cuối là ngày tôi chào bà để đi học xa. Năm đó bà 88 tuổi, đã yếu nhiều rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Nghe tôi kể chuyện học hành, bà chừng vui lắm. Bà lần tay vào cạp quần lấy ra một bọc khăn tay. Những ngón tay già nua lần giở từng lớp khăn, tìm những đồng tiền lớn nhất để riêng sang bên, mặc tôi ra sức ngăn: "Không không bà ơi, cháu không lấy đâu". Bà cầm xấp tiền đưa tôi:"Bà chẳng có nhiều, cho mày cầm đi mà lo học hành cho giỏi". Tôi đỡ lấy những tờ tiền từ bàn tay bà run run: "Vâng, cháu xin bà. Cháu nhận rồi nhé, nhưng đây là cháu biếu lại bà, bà cầm cho cháu đi". Rồi tôi chào bà, nhận lại nụ cười hiền bối rối của bà và chạy biến đi, nếu không tôi sẽ khóc oà. Tôi đi và sáu tháng sau, giữa mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng trời trắng đất, tôi mới oà ra khóc bà đã đi xa.
Tôi biết tôi đã may mắn thật nhiều. Tôi đã có một thiên đường đẹp đẽ ngập tràn yêu thương. Nhưng điều may mắn hơn là tôi được dạy để nhận ra yêu thương ấy. Bạn thấy có phải không?
Thế mà tôi cũng vẫn như bao người, tin rằng mình phải được hạnh phúc nhiều hơn nữa, một thứ hạnh phúc ở đâu đó "phía trước" kia. Tôi tiếp tục chạy đi tìm. Tôi chạy theo bản năng, và vì thấy ai cũng chạy như tôi cả. Nhưng cái hạnh phúc mà tôi càng chắc rằng nó phải chờ đợi tôi thì nó lại càng chạy xa vời hơn nữa. Tôi đã không có cái hạnh phúc mà tôi mong cầu. Ngược lại, hình như có hơi nhiều chuyện xảy ra trong đời làm tôi lao đao. Con đường kiếm tìm của tôi có những đoạn đầy bóng tối của khổ đau và tuyệt vọng. Nhiều khi tôi nghĩ rằng mình sẽ đi như thế mãi, "đi trong khô khát, khát thèm bóng mát...". Tôi loay hoay với cuộc đời. Có rất nhiều khi tôi cảm thấy mình vô cùng cô đơn, dù xung quanh tôi là một biển người. Tôi tìm gì? Tôi đang đi đâu?
Lạ một điều, những buồn phiền khổ đau chưa bao giờ làm tôi quay lưng lại với thế giới. Ngược lại, đến một lúc nào đó nó làm tôi hoà vào thế giới. Một ngày, khi đang đi giữa đám đông, tôi phát hiện ra mình đang có một ý nghĩ tự đắc : Như thế này là ta cũng có cái hơn người. Tôi cảm thấy mình có sự khác biệt những người xung quanh, tôi khó chịu vì bụi bặm, vì tiếng ồn, vì những tiếng than phiền... Nhiều tháng ngày sau đó, tiếp tục trải nghiệm những cảm giác thăng trầm mà hoàn cảnh đem lại, một ngày tôi lại đi ngoài đường, giữa đám đông, tôi bỗng phát hiện ra rằng : mình không có gì khác cả. Ngần đó con người cũng hệt như tôi, tôi cũng như họ mà thôi. Cái hiểu này ập vào tôi, và lập tức cái "tôi" như được hoà tan, không còn sự cách biệt, sự phân bì.
Cái giờ khắc đó quan trọng, nó làm tôi chạm chân về với đất. Nhưng những vấn đề thì vẫn nguyên đó. Con đường kiếm tìm vẫn tiếp tục.
Cho đến ngày tôi đủ duyên lành gặp được Phật pháp, rồi ít lâu sau tôi gặp THẦY. Sự gặp gỡ với Thầy là một duyên may đặc biệt, nếu không gọi là màu nhiệm đối với tôi, tôi đã được biết thế nào là hạnh phúc của một con người. Con đường đột nhiên sáng rỡ. Tôi xin được qui y Tam Bảo.
Cuốn sách đầu tiên của Thầy mà tôi được đọc và liền đó là khoá tu với Thầy đã mở mắt cho tôi. Những ngày nghe Thầy giảng giải, tu cùng với Thầy, các quí sư thầy sư cô và bao nhiêu người nữa, tôi trực nhận ra được nhiều điều. Một trong đó là về những băn khoăn ẩn chứa suốt bao lâu, có lẽ từ thủa tôi chưa có trí nhớ, về quê hương của tôi : Tôi không phải là một cá thể riêng biệt nào, tồn tại vẩn vơ trên trái đất. Tôi cũng không phải là một ngôi sao toả sáng trong cô đơn. Tôi cũng không phải là kẻ hành khất trong bóng tối. Tôi là một mắt xích trong chuỗi dài mắt xích nối với tổ tiên và con cháu. Tôi là một với cha mẹ tôi, ông bà tôi, con cháu tôi. Tổ tiên ông bà cha mẹ cháu con đều có trong từng tế bào của tôi. Nỗi đau của tổ tiên tôi cũng là nỗi đau của tôi, niềm vui của tôi cũng là niềm vui của tổ tiên tôi, con cháu tôi. Những gì tôi làm hôm nay, suy nghĩ hôm nay, đều có tổ tiên tôi, con cháu tôi tham dự.
Và như thế không có gì là vô tình cả. Nụ cười của mẹ cha, tấm lòng tốt của ông bà, hoa trời mây nắng tuổi thơ, bàn thờ ông tôi, những giọt nước mắt khóc bà, những muộn phiền, những kiếm tìm, những khái niệm từng có về thiên đường và bóng tối... thảy đều chẳng phải vô tình.
Con xin thắp một nén hương lòng để tri ân mẹ cha, ông bà, tổ tiên... đã cho con cuộc sống, đã dạy bảo cho con, đã để lại cho con những tài sản vô giá của con người. Để con biết được con đường của sự trở về. Để con biết mang theo quê hương trên con đường trở về ấy.
Nguyên Nhã
Trích Tập san Hương Hiếu Hạnh (Tập san của Am Thụy Ứng - Hải Lăng - Quảng Trị)