đậu tương đen hữu cơ

Đời sống Đạo

12:57 10/08/2011

Rằm tháng Bảy: ngày tự tứ, ngày Bụt hoan hỷ, ngày báo hiếu, ngày xá tội vong nhân (Thích Tâm Hiệp)

(TG&DT) - Đó là ngày Tự tứ. Tầm quan trọng là thế đối với sự phát triển nhân cách người tu tập. Đức khiêm cung của bạn sẽ trưởng thành nếu bạn có tâm thái đó trong khi hành xử. Nhân cách của đấng trượng phu quân tử muốn sửa mình. Chính do thấy học trò của mình hành xử như vậy để tu tập mà Bụt rất hoan hỷ. Ngày đó được mệnh danh là ngày Bụt Hoan hỷ.
Tính Đặc Thù  Của Ngày Rằm Tháng Bảy


Là người Việt Nam, không ai không biết đến ngày rằm tháng bảy, nhưng không phải ai cũng hiểu để quan tâm sâu sắc đến ngày này.


Hãy nói đến tính đặc thù của ngày này, trong văn hóa, trong truyền thống lâu đời của người Việt ta mới thấy sự cần thiết mà mỗi người Việt nam sống trên đất nước này, từ già đến trẻ đều phải biết để quan tâm.


Trong rất nhiều các loại hình văn hóa, từ văn hóa lễ hội dân gian đến các tác phẩm văn học và nếp sống sinh hoạt tôn giáo, trước hết, ta thấy ngày rằm tháng bảy trở thành ngày văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc Việt.


Ta không có thông tin chính xác để biết người Việt trước 2000 năm làm gì khi mùa thu về và ngày rằm tháng bảy có nếp sống sinh hoạt thế nào? Nhưng ta biết chắc chắn rằng Phật giáo là tôn giáo lâu đời, từ đầu kỷ nguyên Tây lịch khi truyền vào đất nước ta đã có nếp sinh hoạt rất hệ trọng vào ngày rằm tháng bảy.


Ngày rằm tháng bảy là thời điểm kết thúc ba tháng An cư Kiết hạ của chư Tăng. Những người nguyện sống một cuộc đời theo lời dạy của Bụt, làm kẻ xuất gia tu hành thảy đều tuân thủ quy chế An cư Kiết hạ mà Bụt chế định. 


Truyền thống từ thời Bụt còn tại thế quy định, đến tháng tư vào hạ, (theo thời tiết xứ Ấn thì lúc đó là mùa mưa) chư Tăng phải ở cố định một chỗ mà không được đi lại ra ngoài khuôn viên nơi mình ở. Ba tháng là thời điểm kể từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 7. Quý thầy sinh sống dưới thời Bụt thường theo Bụt đi khất thực để xin ăn hằng ngày đúng vào giờ Ngọ. Họ ăn ngày một bữa. Phần lớn thời gian còn lại trong ngày ưu tiên cho việc thực hành thiền định và trao đổi học hỏi với nhau hay ôn tụng lời Bụt dạy trong ngày, ghi nhớ cho kỹ để thực tập. Trong ba tháng đó thì không được đi lại khất thực. Khất thực còn gọi là Trì bát có nghĩa là cầm bát đi xin ăn. Đi lại trong mùa mưa lúc côn trùng sinh nở sẽ dẫm đạp bước chân mình lên chúng. Hơn nữa, chư tăng đi thành đoàn sau lưng đức Phật gồm 1250 vị, số lượng quá đông như thế tất sẽ dẫm chết nhiều côn trùng cùng lúc.


An cư, sống ở yên một chỗ để có thời gian thúc liễm sự tu tập của mình được tinh tiến hơn. Có thời gian tinh chuyên để thực tập sâu hơn những pháp môn được học hỏi qua lời dạy của Bụt. Sau ba tháng, lễ Giải hạ Tự - Tứ của Đại đức Chúng Tăng đúng nhằm vào ngày Rằm tháng bảy. Tự là mình, Tứ là nêu lên. Là tự mình khẩn thiết đối trước một người nào đó để nêu lên một vấn đề. Ở đây, người tu sĩ sau ba tháng thúc liễm tu tập, biết là có tinh chuyên nhưng không thể không có những giải đãi vụng về hay yếu kém lỗi lầm trong con đường hành đạo. Vì vậy vấn đề được nêu lên ở đây là xin người khác chỉ cho mình những lỗi lầm mà mình đã có trên đường tu tập để ta có thể sửa đổi tiến bộ nhanh hơn.


Một vị tu sĩ thực hành trong lễ Tự Tứ, là quỳ xuống trước một vị khác, chắp tay thành kính hướng về vị đó, cầu xin vị đó vì thương xót mà chỉ cho mình những lỗi lầm có thể mình đã phạm vào mà không hay biết. Đó là thái độ thành thật cầu tiến trên đường tu của vị Tu sĩ thực hành lời Bụt dạy.


Tôi nghĩ, dù có đang là người phàm Tăng, thì chính nhờ cái hành động đó mà đoàn thể người tu sĩ vẫn còn biết bao tốt đẹp đáng làm chỗ nương tựa cho thế gian ngưỡng mộ. Đời bạn dù yếu kém đến đâu, có lỡ lầm đến đâu, nhưng chỉ cần một lần trong đời bạn có thái độ cầu tiến đó thôi, tôi nghĩ bạn đáng được kính nể. Những người tu sĩ sau mỗi mùa An cư đều đã thực tập cầu tiến bằng thái độ đó. Thật đáng kính trọng hành động đó. Mong rằng hành động này được truyền đi rộng rãi trong loài người ngày hôm nay.


Đó là ngày Tự tứ. Tầm quan trọng là thế đối với sự phát triển nhân cách người tu tập. Đức khiêm cung của bạn sẽ trưởng thành nếu bạn có tâm thái đó trong khi hành xử. Nhân cách của đấng trượng phu quân tử muốn sửa mình. Chính do thấy học trò của mình hành xử như vậy để tu tập mà Bụt rất hoan hỷ. Ngày đó được mệnh danh là ngày Bụt Hoan hỷ.


Khi ta đi gặp ai hay đi cần việc gì mà gặp khi người đó đang vui vẻ thì còn gì bằng. Cầu nguyện trong ngày Bụt Hoan hỷ, chư Tăng tự tứ, ngày mà trong nhân gian biết bao kẻ sĩ giờ đấy bằng cái tâm chí dũng mãnh, quyết liệt cầu tiến tu trên con đường giải thoát. Tâm tưởng đó mang một từ trường năng lượng thuần khiết có công dụng làm lành những vết nứt hận thù, chiến tranh, oán thán của nhân gian. Lửa sân hận si mê tham đắm của của cuộc đời chỉ được dập tắt hay điều hòa bởi từ trường đó mà thôi.


 Có cha mẹ nào không vui khi con cái mình biết cầu tiến, biết tôn trọng trân quý nhau, chỉ dẫn cho nhau những lầm lỗi, những vụng dại để sửa đổi tiến bộ. Chính tâm nhu nhuyến được ngợi ca khi hành đạo phụng sự chúng sinh là tâm phát xuất từ đó. Nhu nhuyến là cái tâm mềm mại uyển chuyển nhẹ nhàng, lanh lợi biến thái khôn lường thích ứng với tất cả mọi người mọi hoàn cảnh để làm lợi ích chúng sanh. Tâm đó huân tập từ đời sống những khất sĩ sống đời đạm bạc kia mà hình thành.


Sau khi Bụt thành đạo và đi truyền bá giáo pháp cho nhân gian, Ngài đã thâu nhận những đệ tử, những học trò muốn sống theo nếp sống người khất sĩ như Ngài. Tăng đoàn là bốn chúng đệ tử của Ngài từ đó hình thành. Bốn chúng là những thành phần: Người xuất gia nam và người xuất gia nữ, người tại gia nam và người tại gia nữ. Nếp sống An cư chủ yếu là cho hai giới trên. Đời sống An cư kiết hạ cũng hình thành từ đó đến nay. Sống tập trung thúc liễm nhau cùng tiến tu quả thật đã mang lại sức mạnh lớn cho Tăng đoàn của đệ tử Bụt. Sức mạnh thực sự của đạo Bụt là sức mạnh phát sinh bởi đạo đức thực chứng. Đạo Bụt không chú trọng lắm đến tổ chức như các tổ chức thế tục khác. Ta có thể nói, sức mạnh tổ chức không phải là sức mạnh của sứ mạng Phật giáo. Chính vậy mà người tu hành chú trọng đến mùa An cư ba tháng.


Khi một người hiểu đạo hỏi về nguồn gốc một vị tu sĩ, điều họ muốn biết hơn hết là thầy đó thuộc về một trung tâm tu học nào, chứ không phải thuộc về tổ chức nào. Ta hãy lưu ý đến điều đó khi tiếp cận để chọn một vị thầy hướng dẫn tâm linh cho mình bước vào đạo. Một trung tâm tu học mới chuyên nhất thực tập một pháp môn tu học. Ta giác ngộ và giải thoát nhờ ta nắm vững các pháp môn tu học. Không ai giác ngộ nhờ theo một tổ chức bao giờ.
Trở lại ý hướng trên, ta thấy Ngày Rằm Tháng Bảy kết thúc mùa an cư là ngày quan trọng bậc nhất xét về tính chất linh thiêng tụ hội năng lượng khí lành của người có nếp sống Đạo Hạnh trong Phật giáo.


Ban đầu Ngày Rằm Tháng Bảy là vậy trong đời sống của người tu theo Đạo Bụt. Nhưng chính do tính chất thiêng liêng và sức mạnh tập thể của ngày này mà Bụt giới thiệu cho Ngài Mục kiền Liên biết để nhờ Đại đức Chúng Tăng chú nguyện siêu thoát cho mẹ mình.


Tích truyện kinh điển đạo Phật còn truyền lại đến nay sâu rộng trong các truyền thống phật giáo Bắc tông, không ai không biết đến Vu lan báo hiếu của ngài Mục Kiền Liên. Chuyện kể rằng, sau khi tu hành chứng được đạo quả, ngài Mục Kiền Liên nghĩ nhớ tới mẹ mình. Dùng sức mạnh của tư tưởng trong lúc thiền định để quán chiếu, Ngài biết được là mẹ đang chịu khổ trong vùng tối tăm. Tình thương mẫu tử dâng trào, xót thương, Ngài nghĩ đến chuyện đem cơm cúng mẹ. Đói khổ lâu ngày ở chốn tối tăm, giờ thấy được bát cơm, lòng tham lại nổi lên trong tâm mẹ Ngài. Lửa tham đã biến bát cơm hóa ra than hồng. Con nào không đau đớn khi tận mắt chứng kiến cảnh đó của mẹ mình. Đau buốt tâm can, Ngài đem chuyện thưa lên với Bụt, thắc mắc tại sao với khả năng tu chứng đạt được quả vị như mình mà không thể cứu được mẹ? và do ác nghiệp gì mà mẹ mình phải chịu khổ cảnh như vậy?


Phần đông tâm lý chúng ta hay có thói quen ỷ vào sức mình. Nghĩ rằng, bằng cách này hay cách kia, với khả năng của mình mình có thể làm được điều mình muốn. Bát cơm đó cũng là tượng trưng cho của cải của những đứa con cho rằng mình có của cải có thể làm vơi đi khổ đau của mẹ. Tâm tham không trừ, của cải chính là nguồn phát sinh tranh đoạt hơn thua chiếm hữu. Đói khổ, sự bức bách của nó không đến từ lý do thiếu cơm thiếu áo. Đói khổ, sự hành hạ của nó, tác nhân gây ra lại ở nơi tâm tưởng, nơi tinh thần.


Kinh nghiệm này cho ta rút ra một kết luận, đối với người đã khuất, độ thoát cho họ không phải là cúng mâm cơm cho đầy hay đốt cho nhiều giấy tiền vàng. Nếu thế Ngài mục Kiền Liên đã làm giỏi hơn chúng ta, vì chính Ngài đã có kinh nghiệm trực tiếp bằng tu chứng đạo quả về thế giới âm phủ nơi mẹ mình đang sống. Cái hiểu biết tột cùng mà Ngài nhận chân được chính là nhờ sức tu tập của tập thể chúng tăng trong khi An cư mới có thể độ thoát cho tội khổ của mẹ mình. Nhà Ngoại cảm nào biết rõ hơn thế. Người mờ mịt về cái hiểu biết này trong văn hóa Đạo Bụt mới hành xử với Tiên Tổ, với người trong âm giới mà vẫn nặng đồng bóng giấy vàng tiền mã. Ta hãy nghe giải đáp sau đây của Bụt Thích Ca Mâu Ni.


Giải đáp thắc mắc của ngài Mục Kiền Liên, Bụt giới thiệu thế này: “Dù Ông có chứng được lục thông, cũng không thể cứu được mẹ ông. Khi sinh tiền mẹ ông đã làm nhiều tội ác như không tin nhân quả, hủy báng Phật pháp, phá hoại chúng tăng.v.v chính do tội nặng đó mà đọa lạc chìm sâu vào vùng khổ ải. Ta chỉ cho ông đây, đến ngày rằm tháng bảy khi chư Tăng tự tứ, ông hãy đem những thứ cần dùng cúng dường chư tăng, rồi nhờ chư tăng chú nguyện cho mẹ ông. Chỉ có cách đó mẹ ông mới được thoát khỏi cảnh khổ nơi ngục tối”.


Cụm từ Ngày Rằm Tháng Bảy Vu Lan Báo hiếu có ra từ đó cho đến nay. Vậy là đã hơn 2600 năm hiểu được ý nghĩa đó mà ai ai tin Bụt cũng noi theo truyền thống trên, tận tâm báo hiếu.


Hiểu sâu hơn về bản chất, ta có thể nói: Đạo Bụt là đạo Hiếu. Bụt là bậc Đại hiếu. Do thế hạnh của Bụt là hạnh hiếu. Chúng ta dù có tận tâm báo đền ân đức cha và mẹ đến đâu cũng không thể là bậc Đại hiếu. Ta đem cái tâm phàm phu chúng sinh mà đền trả. Tâm đó chưa vượt thoát được ràng buộc hệ lụy của sinh tử, tham đắm u mê bởi tối tăm của bản ngã nên làm sao ta cứu được mẹ cha ta khỏi khổ ải tử sinh trầm luân thống khổ.


 Bụt đã vượt thoát tử sinh, nên hiếu mà Bụt đền trả là đem cái chân lý nhiệm mầu có khả năng thức tỉnh giới thiệu đến cho cha mẹ tu tập. Bằng từ tâm của một vị Bụt, ngài hướng tất cả trường năng lượng tình thương để nâng đỡ cho cha mẹ cảm thấy bình an trên đường thực hành đạo mầu. Nhờ thế cha mẹ dễ đạt đến tinh tiến, nỗ lực sớm chứng nghiệm được đạo quả. Khi không còn hệ lụy buộc ràng trong bỉ thử nhân ngã hẹp hòi thì mẹ cha đâu bị bức khổ bởi tâm chấp ngã nhỏ nhen đọa đày. Hiếu, như thế là người con đã được trả xong.


Chỉ ở nơi một vị Bụt mới gọi là trả hết được Hiếu Nghĩa ân đức với mẹ cha. Chúng sanh phàm phu việc sanh tử của mình chưa giải quyết, không thể độ thoát cho mẹ cha, chỉ là hết lòng thực hành Hiếu hạnh để báo đức ân thâm của cha mẹ trong muôn một mà thôi. Ta có thể là người con Chí hiếu. Tâm báo ân cha mẹ của Bụt, có khả năng độ thoát sanh tử cho cha mẹ mới gọi là Đại Hiếu. Tâm Đại hiếu đó còn là cái tâm hướng đến tất cả chúng sanh trong tứ sinh lục đạo mà quán xét cứu giúp, độ thoát.


 Đạo giải thoát, lấy chúng sinh làm chất liệu nuôi lớn hạt giống Bồ đề tâm. Tâm Bồ đề là cái tâm quyết chí cầu thành Phật chứng đắc đạo quả giải thoát. Mà chúng sanh đó là ai? Bụt dạy: “Sữa mẹ mà ta uống suốt trong luân hồi nhiều hơn nước bốn biển”, Và: “Này các thầy, không thể tìm ra được một chúng sanh nào suốt trong chiều dài luân hồi này mà không từng một lần làm cha hay mẹ chúng ta”. Từ đó, hiếu với cha mẹ tức là hiếu với chúng sinh. Vì ít nhất trong vô lượng vô số chúng sanh đó, bất kỳ chúng sanh nào cũng đã từng một lần làm cha và mẹ ta.


Hiếu với chúng sanh trở thành hiếu với cha mẹ không khác. Vì vậy ta có định nghĩa: Đạo Bụt là Đạo hiếu. Người tu xem chúng sanh là đối tượng nuôi lớn Tâm Từ Bi. Đạo Bụt đối với cuộc đời xem hết thảy chúng sanh là bạn. Người học Đạo giải thoát tuyệt đối không bao giờ xem ai là thù. Qua đó ta có thể hiểu tại sao Đạo Bụt đề cao đời sống Hiếu hạnh. Thấu triệt được điều đó, nhân gian Việt ta mới có câu: “tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Ông bà ta đã hiểu và đã định nghĩa về thế nào là chân tu cho ta rồi đó. 


Phụng sự cho chúng sanh trở thành ý nghĩa phụng sự cho cha mẹ chúng ta. Ta đâu có so đo tính toán khi vì cha và mẹ. Quán chiếu như thế người con có hiếu tu tập đạt đến Ba La Mật khi thực hành Bố thí phụng sự chúng sanh. Đến đây ta có thể hiểu sao gọi Hiếu Tâm là Phật Tâm.


Vu Lan mùa Báo hiếu trở thành vô cùng trọng đại trong ý nghĩa Phật Đạo. Hình ảnh người con Mục Kiền Liên cứu mẹ là hình ảnh của người Đại Hiếu. Tôn giả Mục Kiền Liên chứng được quả vị A La Hán và có Thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử Bụt.


Từ nhiều ý nghĩa linh thiêng và lớn lao kia mà Ngày Rằm Tháng Bảy trở thành ngài lễ trọng đại của Phật giáo.


Đạo Bụt đã truyền vào Nước ta 2000 năm nay. Ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống tâm thức Việt. Cách người Việt hành xử và tư duy trong tương quan đời sống nói lên điều đó. Tiếc thay là gần đây có những thế hệ sinh ra và lớn lên không được kế thừa nên cứ ngỡ mình không thuộc về nền văn hóa lâu đời của Đạo Bụt Việt.


Tôi tin với xu hướng nhìn nhận lại nhiều giá trị truyền thống như hiện nay chắc dần dần nhiều thành phần xã hội và nhiều thế hệ sẽ đi đúng vào dòng chảy Văn hóa Việt Phật.


Theo Âm lịch tháng bảy là tiết Trung nguyên, mùa Thu. Tính chất thời tiết của mùa này đẹp nhất trong 4 mùa. Không quá rực rỡ như mùa xuân sinh sôi nẩy nở của vạn vật. Không lạnh lẽo như Đông về hay khô nóng của mùa Hạ. Thu về, tiết trời dịu hẳn, không gian như mở rộng và đằm thắm sáng trong hơn. Sông núi cũng trầm mặc sâu lắng hơn. Cái vẻ thiên nhiên của mùa Thu khoác lên vạn vật như ẩn như hiện cái gì sâu lắng mà xa xăm làm người ta phải trầm ngâm khi thưởng ngoạn đất trời. Người xưa cũng chọn tiết Thu để hoài niệm, để nói tiếng nói của lòng mình chưa dứt khôn nguôi cái mong manh thực hư ranh giới đôi bờ sống chết giữa hai cõi âm dương. Nỗi niềm trước được mất bại thành rồi ra biết đâu cũng chỉ là bèo mây.  


Ngày rằm tháng bảy ngày xá tội vong nhân. Tôi thích giá trị của cụm từ này trong truyền thống văn hóa Việt Nam mỗi khi mùa Thu về chuẩn bị cho Lễ Vu Lan Báo hiếu. Từ ý nghĩa báo đáp ân đức đền trả hiếu nghĩa của những phận người làm con đối với mẹ cha mang tinh thần đạo Bụt trở thành ngày “xá tội vong nhân” trong quan niệm người Việt. Vì sao, vì cái giá trị nào mà Ngày Rằm Tháng Bảy trở thành Ngày Xá Tội cho con người lẫn Vong Linh?


Chúng ta phải biết điều này: sau khi ngài Mục Kiền Liên nghe lời Bụt dạy, mời thỉnh toàn thể Đại đức chúng Tăng thọ thực và cúng dường trăm món cần dùng trong ngày chư Tăng tự tứ và chư Tăng đã chú nguyện cho mẹ Ngài; nhờ công đức này của người con hiếu (Ngài Mục Liên) mà người mẹ Thanh Đề đang đọa đày trong ngục tối A tỳ Vô gián được thoát khỏi địa ngục. Cũng trong ngày đó, sau khi đã cầu nguyện xong, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông quán xét trong địa ngục mới hay cũng trong ngày đó bao nhiêu người đã từng chịu khổ như mẹ mình trong địa ngục thảy đều được thoát nghiệp Oan khiên rời khỏi địa ngục sanh về thế giới an lành. 


Ông cha ta nhận ra được giá trị trên một cách tâm đắc, đã nhìn thấy sức mạnh vi diệu qua sự chú nguyện, tạo thành trường năng lượng lành từ thế giới người tu hành trong Ngày Rằm Tháng Bảy, Tự tứ, Ngày Bụt hoan hỷ. Từ đó mà bao nhiêu những gì vương vấn  day dứt, trói buộc oan trái, cưu thù do nghiệp lực con người tạo ra, như chiến tranh, hận thù, oan ức bởi chết trẻ, chết nạn nơi sông nước hay rừng sâu biển cả.v.v nhiều vô kể trong kiếp sống loài người đều được “giải quyết” trong Mùa Vu Lan Xá Tội Vong Nhân. Mùa của hoài niệm và tri ân báo ân.


“Tiết Tháng bảy lập đàn giải thoát
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương”


Nhân gian cũng theo đó mà thường hay lập đàn siêu độ vong linh vào ngày rằm tháng bảy. Đó là cõi âm. Người sống thế nào? Bậc vua chúa trong các triều đại trước thường giảm án tha tội cho tù nhân và phóng thích họ vào ngày rằm tháng bảy. 


Mùa Vu lan, Ngày Rằm Tháng Bảy người Việt Nam đã tạo ra một truyền thống vô cùng tốt đẹp, đó là người ta dễ cảm thông, tha thứ bao dung cho nhau những lỗi lầm vụng dại hay hiểu lầm oan khúc của nhau. Vì sao, vì người Việt biết, đến Âm ty Ngục tốt đầu trâu mặt ngựa còn buông tha hình phạt cho tội nhân, hà huống là người với người, lại là người trong một nước. Âm dương chung nỗi lòng, sống chết gần gang tấc, vì ta sống trong một nước chiến tranh triền miên với giặc phương Bắc để sống còn. Ta không thương ta, Bầu ơi không thương lấy Bí cùng, thì đợi người phương Bắc đến đây thương ta sao. Đó là cách thống nhất lòng người bằng niềm tin Phật đạo. Là cầu nối niềm tin cõi lòng người con Việt biết Tôn Sư Trọng Đạo.


Ngày Rằm Tháng Bảy, như vậy đã trở thành ngày lễ trọng đại của Dân tộc Việt. Quên đi ngày Rằm Tháng Bảy, hay không quan tâm đến Ngày Rằm Tháng Bảy đúng mức là đánh mất đi cái cầu nối quan trọng nối hai cõi âm dương, sống chết, nối người với người trong sức mạnh văn hóa Dân tộc bằng đức tin tâm linh. Lịch sử Dân tộc ta không có ngày nào linh thiêng và mang tầm vóc lớn như thế. Vua chúa Vương quan đại thần không mở tiệc mừng vui thú giết hại sinh vật trong những ngày như thế. Còn nay thì sao? Ta có gì để kiêng kỵ giữ mình?


Sức mạnh và độ dày văn hóa Đạo Bụt  ảnh hưởng sâu đậm vào nếp sống, nếp nghĩ cha ông ta xưa là vậy. Ngày Rằm là ngày thực hiện hòa bình thực sự của người Việt. Người Việt không ăn thịt hay uống rượu giết hại sinh vật trong những ngày rằm hay 30 mùng 1. Văn hóa tâm linh đó đã chảy trong huyết quản các thế hệ người Việt Nam ta qua hàng ngàn năm nay. Đó đích thực là văn minh. Nhà cao cửa rộng, tiện nghi vật chất sung mãn, nhưng mỗi người mỗi cõi lòng khép kín, không có thời giờ và khả năng mở lòng mình với tha nhân, hòa đồng và chung vui, phải chăng là đã lãng phí thời gian và sinh lực sống tâm linh kiếp người.


Quay về và tìm hiểu sâu những giá trị tâm linh của cha ông ta xưa, là khơi mở suối nguồn huyết thống, là nhìn nhận những giá trị không thể thiếu làm căn bản cho đời sống con người ngày hôm nay đang quay cuồng theo đà sống thác loạn thúc đẩy lòng tham hưởng thụ.


Bạn bận rộn gì một ngày để hối hả ra khỏi nhà mà không kịp dâng một nén hương lên ban thờ nhà mình trước khi đi làm? Bạn sợ thiếu chất, bạn gấp gáp cung cấp dinh dưỡng gì vào cơ thể trong hai tuần qua mà không đủ sực nhớ máu xương sinh vật đã hy sinh trong bữa ăn mỗi ngày? Nếp sống đề cao tâm linh và tình thương muôn vật đã làm cho người Việt biết thức tỉnh dừng lại sau mỗi nửa tháng để ăn chay và thực hành hạnh tốt phóng sinh.


Với tất cả tính chất trên, mong mọi người hiểu và hãy bày tỏ lòng mình đến tổ tiên, đến các bậc cha mẹ, các bậc ân sư, ân tình bè bạn…đến người thân hay kẻ chẳng may vương víu nghiệp lực buộc ràng vào nhau mà oán ghét, khi mùa Vu - Lan “xá tội vong nhân” về; gởi niềm thương tưởng, cầu nguyện tri ân báo đáp đền trả đến tất cả mọi người.


Vu Lan năm nay, năm Tân Mão, 2011, Phật lịch 2555 đang về, ngồi viết những hồi tưởng đẹp đẽ về Ngày Rằm Tháng Bảy Bông hông cài áo, chư Tăng chuẩn bị lễ Tự tứ, nhà nhà ăn chay phóng sinh, lập đàn siêu độ đang sống lại trong tôi. Đẹp quá đi thôi Dân tộc có bề dày Văn hóa ngàn năm tâm linh Đạo Bụt.



         Viết tại Am Thụy Ứng
    Tiết đầu Thu năm Tân Mão
           Thích Tâm Hiêp

Bình luận (3)

A Di Da Phat. Con muon bao hieu me cha .nhung khong hieu thuc an tram mon la thuc an gi? Co phai do la gia tri tinh than huong thien de tu theo dao Phat khong? Neu co ai biet dieu nay xin giai thich them cho thi chu duoc ro de thi chu nam bat duoc co hoi trong mua Vu Lan nam nay. A Di Da Phat
nguyen thi thu nga ( 13/08/2013 23:39:46)
Hừm, hôm nay mình mới để ý xem ý nghĩa của ngày rằm tháng 7, ôi! Giá như mình chịu khó tìm hiểu sớm hơn có phải hay hơn không nhỉ. Nhưng giờ biết rồi mình cũng chẳng biết nên làm gì nữa cả.
Phương Chi ( 13/08/2011 12:25:31)
Ngày Rằm tháng Bảy, con nao nao lòng, nhớ quê hương da diết, cội nguồn tâm linh là dòng máu chảy trong con, con yêu quê hương VN, tâm hồn VN...Con rất thích thú khi đọc bài viết này, đây là một bài viết hay, xuất sắc.
Hồng Dục ( 10/08/2011 13:18:09)

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp