đậu tương đen hữu cơ

Đời sống Đạo

11:02 03/04/2012

Sám hối theo đường chim bay (Chân Hiền Tâm)

(TG&DT) - Cho nên đã nói sám hối thì phải gắng mà ngừa lỗi trước không để tái phạm. Đó mới gọi là chân sám hối. Sám hối như thế gọi là trực chỉ sám hối, sám hối theo đường chim bay. Vì sao? Vì thế giới khổ nạn của mình là cái quả được hình thành từ những nhân xấu mình đã gầy tạo trong quá khứ

Dạ cô hoan hỉ cho con xin sám hối tội lỗi. Hôm trước con đi xem bói. Thầy bói nói con phải sửa tướng thì mới ăn nên làm ra. Nếu không thì nghèo suốt kiếp. Trên khuôn mặt của con mũi thì bị gãy và cấn. Phải xăm lông mày vì chân mày của con ngắn thì sẽ không có tiền. Nghèo hoài.


Thưa cô, con chưa có xăm lông mày như thầy bói nói, chỉ mới sửa mũi. Con cầu xin cô tha thứ tội lỗi cho con. Con chỉ mơ ước có một căn nhà để ở lúc về già. Nên con rất tin lời thầy xem tướng cho con. Và khuôn mặt của con không còn u buồn và tăm tối.


Muốn sám hối tội lỗi? Ừ, thì sám hối. Nhưng nói sám hối tội lỗi thì phải biết mình phạm lỗi gì mới biết đường mà sám. Sám có đúng lỗi thì tội mới tiêu. Lỗi ấy là lỗi gì? Lỗi đó là lỗi không tin Tam bảo.


1. Không tin Phật : Lỗi thứ nhất là không tin Phật mà đi tin thầy bói. Phật dạy trong kinh “Bố thí cúng dường là nhân. Giàu sang là quả”. Phật không hề nói sửa lỗ mũi xăm lông mày sẽ có nhà hay được giàu sang. Phật chưa hề nói thế bao giờ. Giờ mình đi chùa, lạy Phật, nương vào sự giúp đỡ của quí thầy, là những đệ tử của Phật, mà mình không tin Phật lại đi tin thầy tướng, đó là lỗi.


Giờ muốn sám hối thì phải nhận cho ra lỗi này mà sám. Sám, thì những gì đã phạm không được phạm nữa. Phải nhẫm trong đầu: “Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị u mê làm nhiễm, nhất định từ nay chỉ tin Phật, không tin thầy bói làm những việc như thế”. Nhẫm rồi phải làm cho bằng được những gì đã nhẫm. Đó mới gọi là sám hối. Sám như thế thì mới hết tội. Còn miệng nói sám mà mai vẫn tiếp tục đi xăm lông mày thì không gọi là sám hối.


2. Không tin pháp : Pháp là những gì Phật nói trong kinh. Nói đủ thứ cách, dạy đủ thứ pháp, chung qui cũng là dạy cho ta biết qui luật Nhân Duyên Nhân Quả đang chi phối thế giới này. Chỉ cho ta thấy nhân nào sinh ra quả nào để ta ứng dụng tu hành mà chuyển đi nghiệp xấu của mình.


Tin sửa lỗ mũi xăm con mắt sẽ có nhà hay có tiền là niềm tin không đúng pháp. Phải tin vào việc “bố thí, cúng dường”. Không có tiền thì bố thí công sức, bố thí sự vô úy, bố thí pháp v.v… Thiếu gì cách để bố thí. Có thể trả được tiền điện thoại di động thì đương nhiên có tiền cúng dường Tam bảo. 1000 hay 2000 đều có thể cúng dường, đều mang lại phước báu lớn nếu mình thành tâm. Một ngọn đèn của người nghèo quí hơn ngàn cây vàng của người giàu. Thầy nào khởi tâm chê 2000 không nhận, hay nhận với thái độ không vui thì thầy đó sẽ bị quả xấu. Còn mình cúng dường thành tâm cho Tam bảo thì phước báo mình nhận vẫn đầy đủ.  [2]


Lỗi của mình là mình không tin vào pháp Phật đã dạy. Mình sử dụng nhân quả ngược. Thay vì bố thí ra, mình lại tìm mọi cách để thu vô, rồi đi … sửa lỗ mũi cho có nhà.


Giờ sám hối thì phải bỏ đi cái tin không đúng. Phải tin vào những gì đức Phật đã nói trong kinh. Muốn vậy thì phải chịu khó đọc học kinh sách. Đọc rồi thì phải thực hành. Bởi tin thì phải thực hành. Tin mà vẫn đi làm những điều trái ngược thì không thể gọi là tin.


Giờ sám hối thì không tin thầy nữa mà phải phải tin vào pháp Phật đã dạy. Tin pháp thì lỗ mũi sửa lỡ rồi cho qua, nhưng lông mày chưa xăm thì thôi không xăm nữa. Hãy tập trung vào việc bố thí cúng dường như trước. Không thì hạn chế việc nương nhờ vào người khác. Bởi không cho ra mà cứ tìm cách thu vào thì cái nhân khó khăn hiện đời khó mà chuyển được.


Tạo nhân mới rồi, có cái quả tốt đẹp rồi, muốn sửa gì đó sửa. Bởi xét cho cùng, muốn đẹp không phải tội. Tiền mình, mặt mình, mình sửa là quyền của mình. Ai khởi tâm nói vô nói ra mới lỗi. Nhưng đó là do thích đẹp mà làm, không phải do tin lầm nhân quả mà làm. Cùng một việc làm như nhau mà tinh thần khác nhau thì cái quả nhận được sẽ khác nhau.


3. Không tin Tăng : Bước vào các thiền viện, gặp những bậc tôn túc như Sư ông, Hòa thượng Thường Chiếu, Ni sư Như Đức hay cô Hạnh Chiếu v.v… có vị nào nói sửa lỗ mũi, đặt cái bếp sẽ có nhà, có tiền không? Hoàn toàn không. Không có vị nào dạy mình chấp hành nhân quả theo kiểu như thế. Chỉ có thầy tướng mới nói như thế.


Cũng chưa chắc. Có khi thầy chỉ nói “Lỗ mũi gãy, lông mày ngắn là biểu tướng của kẻ lang thang không nhà”. Thầy tướng chỉ nói lên cái quả mình phải chịu trong kiếp này. Chưa đề cập gì đến cái nhân, cũng không hề nói mình đi sửa lỗ mũi hay xăm lông mày mới có nhà. Nhưng qua tới mình, do cái TƯỞNG mình phong phú quá, nghe thầy nói một, mình liền tưởng hai. Mình TƯỞNG mũi gãy là cái nhân tạo ra sự nghèo khó cho mình. Thế là mình tìm cách đi sửa lỗ mũi, chứ thực thì thầy chưa kịp xúi.


Thầy tướng mà đúng là tướng thứ thiệt thì phải biết câu “Tướng bất cập số, số bất cập đức”. Tướng không bằng số, số không bằng đức. Cái ĐỨC mới là cái quyết định tất cả. Sửa lỗ mũi để thay đổi cuộc đời, là mình đang áp dụng ngược câu nói trên, cho TƯỚNG là cái quyết định mọi thứ. Không, TÂM mới là cái quyết định mọi thứ. Kinh nói: “Tâm sanh thì các thứ pháp sanh. Tâm diệt thì các thứ pháp diệt”. Tâm mới là thứ chủ chốt.


Giờ sám hối thì phải nhẫm trong đầu: “Đệ tử chúng con từ niệm trước, niệm hiện nay và niệm sau, mỗi niệm không bị u mê làm nhiễm, nhất định từ nay chỉ tin Phật, tin Pháp, tin chân tăng, không tin thầy bói thầy tướng làm những việc như thế”. Nhẫm rồi thì thực hành đúng như thế. Ông thầy nào nói: “Cô phải tu nhân tích đức, thời vận mới thay đổi được” … Ừ, nói thế thì nghe. Bởi ông này nói đúng lý với luật nhân quả ở thế gian. Phật Tổ cũng dạy như thế. Còn khuyên sửa cái này, sửa cái kia để thay đổi thời vận thì thôi …ông đi đường ông, tôi đường tôi, tình đôi ta chỉ thế thôi!


Cách đây vài tháng, tình cờ cũng có người xem tướng cho tôi. Bà nói tương đối chính xác về cái tật của tôi. Nói tương đối, vì không phải khi nào nó cũng đúng như thế, mà còn tùy đối tượng, tùy trường hợp. Pháp duyên khởi vốn thế mà. Không bao giờ đúng trong mọi trường hợp được. Cái tật ấy là “Mở miệng nói và cười là có người mất ‘bình an’. Nè tội lỗi đó nghe”. Ừ cũng có. Rồi bà chỉ luôn cho tôi cách phá trừ: “Phải tránh xa thiên hạ, không nói và cười …”. Không biết việc đó có trị được cái quả kia không, nhưng thấy lời khuyên hợp với khẩu quyết “Cái quạt mùa đông” của chư vị thiền sư, nên mình theo.


Nhưng hình như thầy tướng thì ít nhiều gì cũng bị tướng hành, nên bà tiếp: “Về để tóc dài ra, không thì uốn ngắn lên cho đời tươi vui”. Cái này thì thôi miễn. Vì sao? Vì đó là tật của mấy ngài không phải tật của mình. Mình không thể đổi tướng của mình theo tật của mấy ngài được. Chỉ thay đổi cái tóc thì không thể quyết định được vận mệnh của mình. Phải thay đổi thân, khẩu, ý thiện thì mới thay đổi được cuộc đời mình. Điều quan trọng là hiện tại, trong cái thân hẫm hiu đây, mọi thứ đang yên ổn, sao lại phải thay đổi?


Trên là chỉ ra cái lỗi cần phải sám khi có tư tưởng nhân quả sai lầm. Giả như không phải như thế, chỉ vì ham vui mà sửa, giờ nghe hỏi tới, hoảng nói đại, thì lỗi không như thế nữa, mà nằm ở phương diện khác : Đua đòi và nói dối.


1/ Đua đòi : Sửa mũi, cắt mắt, xăm lông mày, bản thân việc đó không lỗi. Mặt mình, tiền mình, mình muốn làm gì đó làm, không ai có quyền can thiệp. Nhưng giả như gia đình đang đói kém, con cái chưa có chỗ an lành mà mình đem lỗ mũi đi sửa chỉ vì thích, thì ông trời cũng phải lắc đầu …


Hoàn cảnh của Năng cũng như thế. Còn rất nhiều thứ phải lo. Công việc thì chưa có. Mọi thứ từ chỗ ở cho đến tiền bạc nhất nhất đều phải nương vào sự giúp đỡ của quí thầy và những thí chủ tốt bụng. Có người phải hạn chế bớt những tiêu sài của mình để giúp Năng. Trong khi Năng lại không biết hạn chế những ý muốn không cần thiết của mình. Chưa kể còn rất nhiều tiêu cực phát sinh từ việc đua đòi đó. Cái tiêu cực lớn nhất là phải … nói dối. Giờ đã muốn sám hối thì phải nhẫm trong đầu hai chữ BIẾT ĐỦ. Không nên vì những ý thích của mình mà làm những chuyện như thế.


2/ Nói dối : Như trong chuyện sám hối này, nói dối là một lỗi tưởng như vô tội vạ, chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng cái quả của nó thì nguy hại vô cùng. Đó là một trong những cái nhân khiến không ai tin mình. Quả báo của việc nói dối là thế.


Năng cứ than: “Sao người ta không ai tin con”. Thứ gì cũng có nhân duyên của nó. Nếu không do những hành động mờ ám trong hiện tại, thì phải coi lại trong mình có cái nghiệp nói dối này không, dù là nói dối vô tội vạ, nói cho vui cửa vui nhà. Chẳng hạn, không đi xe buýt mà nói đi xe buýt, không đi học mà nói đi học v.v… Quả báo của nó là sau này mình có nói thật, người ta cũng không tin.


Giờ sám hối thì gắng đừng nói dối nữa, dù cái nói dối ấy chẳng mang lại thiệt hại cho ai.


Mình ra đời được người này giúp đỡ người kia lo lắng cho, là do những gì mình từng cúng dường Tam bảo trước đây. Nhờ cái quả đó mà người ta giúp mình, không phải vì mình đóng kịch hay, khóc giỏi, hay cái miệng mình khéo léo mà người ta giúp mình. Đó chỉ là duyên phụ. Nhân chính là từ việc cúng dường giúp đỡ mọi người. Không có cái nhân đó thì dù mình khóc có lòi con mắt, cũng chẳng ai đói hòi. Người có muốn giúp mình, mình cũng chẳng có phước để mà nhận.


Phân tích rõ như trên là vì việc sám hối của mình không phải là việc sám hối bình thường. Không phải cứ gây nhân ì xèo rồi đợi tới chiều tụng sám hối sáu căn là sạch tội. Nhân đã gây mà không chừa, thì đủ duyên quả sẽ hiện, không phải tụng sám hối sáu căn là hết tội. Tụng sám hối sáu căn có cái quả của việc tụng niệm. Nhưng tụng mà không ngăn ngừa sáu căn như kinh đã dạy thì sám hoài, Phật cũng ngán, mình cũng thành lờn. Riết rồi tụng sám hối sáu căn mà như tụng thần chú. Đọc thì cứ đọc mà chẳng hiểu kinh nói gì, mình có làm được phần nào như lời mình từng tụng chưa, hay kinh đường kinh, tui đường tui…


Cho nên đã nói sám hối thì phải gắng mà ngừa lỗi trước không để tái phạm. Đó mới gọi là chân sám hối. Sám hối như thế gọi là trực chỉ sám hối, sám hối theo đường chim bay. Vì sao? Vì thế giới khổ nạn của mình là cái quả được hình thành từ những nhân xấu mình đã gầy tạo trong quá khứ. Giờ muốn không khổ nạn nữa thì phải bỏ đi cái nhân gây ra sự đau khổ đó. Đơn giản chỉ là thế. Thẳng tắt chính là thế.


Thấy lỗi, bỏ lỗi thì không tội để thọ nữa. Thấy rõ nhân, bỏ nhân đi thì không có quả để gặt nữa. Sau mỗi câu đều có chữ NỮA thấy không? Nghĩa là không tạo lỗi nữa thì không có quả mới để gặt. Còn những quả cũ, nếu thuộc BẤT ĐỊNH NGHIỆP thì cái xấu sẽ giảm hoặc thay đổi nhờ vào sự thay đổi của mình, còn nếu thuộc loại ĐỊNH NGHIỆP thì mình phải trả cái quả đã gây ra đó. Biết như thế để đừng trách trời trách Phật sao con sám hối hoài mà con cứ khổ hoài. Sám hối mà phải sám cho đúng, biết cách sám hối, và hiểu tường tận về việc sám hối thì mới hết khổ. Không thì như nước đổ lá môn. Có gì dính dáng mà không khổ hoài? Đơn giản chỉ là thế!


Chân Hiền Tâm

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp