đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

08:13 30/07/2012

Phần 3: Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây (Jon Kabat-Zinn)

...Ta thật sự thấy người đó không, hay đó chỉ là những ý tưởng của ta về họ? Nhiều khi ý nghĩ của ta cũng giống như là một cặp mắt kính mộng tưởng. Khi mang vào rồi, ta chỉ thấy những người chồng mộng tưởng, người vợ mộng tưởng, đứa con mộng tưởng, việc làm mộng tưởng, đồng nghiệp mộng tưởng, bạn bè mộng tưởng...

8.- Thực tập không phải là diễn tập  







Ở đây chúng ta thường dùng chữ thực tập (practice) để diễn tả một công phu trau dồi, phát triển chánh niệm, nhưng ta không nên hiểu theo nghĩa thông thường như là một sự diễn tập (rehearsal), được lập đi lập lại nhiều lần, để sự trình diễn của ta được thuần thục hơn, hoặc sự tranh đua có nhiều thành quả hơn. 

 

Chánh niệm có nghĩa là ta thực sự sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Ở đây không có một sự trình diễn nào hết. Chỉ có chính giây phút này thôi. Chúng ta cũng không hề cố gắng cải tiến để đi về đâu cả. Ta không cần chạy theo một tuệ giác hoặc một cảnh tượng đặc biệt nào. Ta cũng không ép buộc mình phải trở nên vô tư, tĩnh lặng hoặc là thanh thản. Và chắc chắn là chúng ta không hề đề cao một thái độ vị kỷ hoặc chỉ biết bận rộn lo nghĩ về mình. Thật ra ta chỉ đơn giản muốn kêu gọi mình tiếp xúc với hiện tại cho thật trọn vẹn, để ta có thể là hiện thân của một sự tĩnh lặng, chánh niệm và điềm tĩnh, ngay bây giờ và ở đây. 

 

Lẽ dĩ nhiên, khi ta biết kiên trì tu tập và với một sự tinh tấn đúng mức, thì sự tĩnh lặng, chánh niệm và trầm tĩnh sẽ tự nhiên được phát triển và trở nên thâm sâu hơn, nhất là khi ta biết an trú trong sự tĩnh lặng và quan sát nhưng không phê bình hoặc phản ứng. Ðược như vậy, hiểu biết và tuệ giác, an lạc và hạnh phúc, chắc chắn thế nào cũng sẽ đến với ta. Nhưng không phải là ta tu tập với mục đích để đạt được những kinh nghiệm này, hoặc để có thêm chúng nhiều hơn. 

 

Tinh thần của chánh niệm là thực tập vì thực tập. Chúng ta phải biết tiếp nhận mỗi giây phút như là nó đến - dễ chịu hay khó chịu, tốt hay xấu - và làm việc với nó, vì đó là những gì đang thật sự có mặt ngay bây giờ. Có được thái độ này thì cuộc sống tự nó sẽ trở thành một sự tu tập. Và khi ấy, thay vì ta là người thực hành chánh niệm, chánh niệm sẽ trở lại "thực hành" ta, hay nói một cách khác, sự sống tự nó sẽ trở thành một vị thiền sư, một vị thầy hướng dẫn ta trên con đường tu tập. 

 

9.- Bạn không cần phải tìm kiếm xa xôi

 

Hai năm của Henry David Thoreau sống tại hồ Walden quả thật là một kinh nghiệm bản thân rất cá biệt về chánh niệm. Ông đã dám tạm gác lại cuộc đời của mình để được vui thú với sự kỳ diệu và đơn sơ của giây phút hiện tại. Nhưng thật ra bạn không phải làm một hành động gì lập dị, đi tìm một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó để tu tâp chánh niệm. Trong cuộc sống hằng ngày, bạn chỉ cần bỏ ra chút thì giờ cho sự thinh lặng và ngừng nghĩ, và chú ý đến hơi thở của mình là đủ lắm rồi. 

 

Hồ Walden đang có mặt trọn vẹn trong hơi thở của ta. Sự huyền diệu của bốn mùa thay đổi cũng có mặt trong hơi thở; cha mẹ, con cháu ta cũng có mặt trong hơi thở; thân và tâm ta cũng nằm đó trong mỗi hơi thở của mình. Hơi thở là một dòng sông nối liền thân với tâm, nối liền ta lại với tổ tiên và con cháu ta, nối liền thân này với hiện hữu chung quanh. Hơi thở là dòng sông của sự sống. Trong dòng nước mát ấy chỉ có những con cá vàng óng ánh đang bơi lội. Muốn thấy được chúng, ta chỉ cần nhìn qua ống kính của chánh niệm và ý thức. 

 

Thời gian chỉ là một dòng suối mát mà tôi thường hay đến đi câu. Tôi cúi xuống vóc nước uống. Trong khi uống, tôi nhìn thấy được đáy cát và chợt hiểu rằng lòng suối rất cạn. Dòng nước mỏng manh trượt êm trôi đi, nhưng thời gian vô tận vẫn còn ở lại đó. Tôi sẽ uống cho thật sâu; cá trên bầu trời, mà trong lòng suối lấp lánh những viên đá cuội là các vì sao. 

 

Trong khoảng thời gian vô tận này, thật ra có một cái gì đó rất là chân thật và nhiệm mầu. Nhưng tất cả những thời gian nơi chốn và hoàn cảnh ấy đều là bây giờ và ở đây. Thượng đế cuối cùng rồi cũng chỉ có thể hiện hữu trong giờ phút hiện tại này, và sẽ không bao giờ thánh thiện hơn, cho dù có trải qua bao nhiêu thời đại đi chăng nữa. 

Thoreau, Walden. 

 

10.- Tỉnh thức dậy

 

Khi ta bắt đầu nghiêm chỉnh thực hành thiền tập bằng cách bỏ ra chút thì giờ mỗi ngày, việc ấy không có nghĩa là ta sẽ không còn biết suy tính, không thể chạy đây đó, hoặc lo giải quyết công chuyện thường ngày của mình được nữa. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ ý thức được việc mình đang làm, vì ta đã biết dừng lại một chút để nhìn, để lắng nghe và để hiểu. 

 

Ông Thoreau đã ý thức được điều này rất rõ tại hồ Walden. Trong lời kết thúc, ông viết: "Bình minh chỉ có thể xuất hiện trên những gì ta tỉnh thức dậy". Nếu chúng ta muốn nắm bắt được thực tại này, trong khi chúng vẫn còn là của ta, ta cần phải tỉnh thức dậy trong giây phút hiện tại. Bằng không, ngày tháng, có khi cả cuộc đời, sẽ lần lượt trôi qua mà ta không hề hay biết. 

 

Một phương pháp thiết thực để thực hiện được việc ấy là mỗi khi nhìn một người nào, ta nên tự hỏi ta, ta thật sự thấy người đó không, hay đó chỉ là những ý tưởng của ta về họ? Nhiều khi ý nghĩ của ta cũng giống như là một cặp mắt kính mộng tưởng. Khi mang vào rồi, ta chỉ thấy những người chồng mộng tưởng, người vợ mộng tưởng, đứa con mộng tưởng, việc làm mộng tưởng, đồng nghiệp mộng tưởng, bạn bè mộng tưởng... Và rồi chúng ta sống trong hiện tại mộng tưởng, cho một tương lai cũng sẽ là mộng tưởng y như thế. Vô tình chúng ta lại tô mầu và thêu dệt thêm lên mọi việc. Mặc dù những sự việc trong mộng mơ đôi khi cũng biến đổi, và chúng có thể đem lại cho ta những ảo giác sống động như thật, nhưng nó cũng vẫn chỉ là một giấc mộng mà ta đang bị vướng mắc. Nếu ta biết bỏ cặp kính ấy xuống thì có lẽ, tôi nói có lẽ thôi, chúng ta sẽ có thể thấy được chính xác hơn một chút, những gì đang thật sự có mặt. 

 

Ông Thoreau cảm thấy cần thiết phải tìm đến một nơi hẻo lánh, quạnh quẻ trong một thời gian dài (ông đã sống một mình hai năm hai tháng tại hồ Walden) để thực hiện việc ấy. "Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống một cách có chủ tâm, muốn đối diện với những gì là thật thiết yếu của sự sống, và để xem có thể học hỏi được những gì từ nơi chúng. Tôi không muốn rồi một ngày nào khi tôi chết, lại khám phá ra rằng, tôi chưa từng bao giờ thật sự sống". 

 

Niềm tin sâu xa nhất của ông là : "Ảnh hưởng được phẩm chất của một ngày là một nghệ thuật cao thượng nhất... Tôi chưa từng bao giờ gặp được một người nào thật sự là tỉnh thức. Làm sao tôi lại có thể nhìn rõ mặt họ được". 

 

Nội tâm của tôi ơi, hãy lắng nghe đây, 
Ðại hồn, một vị thầy đã đến rất kề, 
Tỉnh dậy, hãy tỉnh dậy đi thôi! 
Chạy đến phủ phục bên chân ngài, 
Người đang đứng bên cạnh đầu ngươi đó. 
Ngươi đã ngủ mê hằng triệu triệu năm nay, 
Sao sáng hôm nay người không tỉnh thức dậy. 

Kabir 

 

Thực tập:Thỉnh thoảng bạn hãy tự hỏi mình: "Bây giờ tôi có thật sự đang tỉnh thức không?" 

 

11.- Giữ cho đơn giản

 

Nếu bạn quyết định bắt đầu thực tập thiền quán, bạn không cần phải đi loan báo với người chung quanh, bạn cũng không cần phải giải thích lý do hoặc lợi ích của sự thiền tập làm gì. Thật ra những việc đó có thể làm hao tán năng lượng còn yếu ớt và lòng nhiệt tình của bạn rất mau chóng, và đôi khi chúng còn ngăn trở sự cố gắng, không cho bạn tập trung những nỗ lực của mình nữa. Phương pháp hay nhất là bạn hãy cứ tu tập mà không cần phải quảng cáo làm gì. 

 

Những khi bạn cảm thấy có một sự thúc đẩy, muốn nói cho người khác nghe về thiền tập, rằng nó tốt đẹp như thế nào, ảnh hưởng đến bạn ra sao, hoặc muốn thuyết phục người khác là thiền tập cũng sẽ tốt cho họ, bạn hãy xem chúng như là những ý nghĩ và cứ tiếp tục sự tu tập của mình. Hãy để yên, sự thúc dục tạm thời ấy rồi sẽ qua, và mọi người sẽ được lợi lạc - nhất là bạn. 

 

12.- Bạn không thể ngăn được những cơ sóng, nhưng bạn có thể tập cỡi chúng được

 

Có người quan niệm rằng, thiền tập là một phương pháp giúp ta thoát ra khỏi những áp lực của cuộc sống, cũng như của chính bản tâm ta. Nhưng sự thật những quan điểm ấy không được chính xác cho lắm. Thiền quán không có nghĩa là đi ngăn chận hoặc trốn tránh bất cứ một vấn đề gì. Nó có nghĩa là ta nhìn thấy sự vật một cách rõ ràng, và tự chọn cho mình một mối tương quan khác đối với chúng. 

 

Những người tìm đến y viện của chúng tôi, họ học được một sự thật này rất mau chóng, là sự mệt mỏi, căng thẳng là một phần tất nhiên của cuộc sống. Mặc dù chúng ta có thể tập lựa chọn khôn ngoan, tránh không để cho vấn đề trở nên tệ hại hơn, nhưng trong đời có biết bao nhiêu việc hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của ta. Sự căng thẳng là một phần của sự sống, một phần của con người, là thực chất của thân phận con người. 


Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải trở thành nạn nhân của những sức mạnh lớn lao ấy trong cuộc sống. Chúng ta có thể học cách làm việc với chúng, tìm hiểu chúng, biết chọn lựa và biết xử dụng những năng lượng ấy, để có thể phát triển trong sức mạnh của từ bi và tuệ giác. Thái độ sẵn sàng chấp nhận và làm việc với bất cứ những gì đang có mặt là trái tim của thiền tập. 

 

Một cách để hiểu được sự hoạt động của chánh niệm là bạn hãy nghĩ đến tâm mình như một mặt hồ hay mặt đại dương, chúng lúc nào cũng có sóng. Có lúc sóng lớn, có lúc sóng nhỏ, có lúc rất tinh tế. Những làn sóng ấy do gió đến và đi từ muôn hướng, với nhiều cường độ khác nhau, khuấy động lên. Chúng cũng tương tự như những làn gió của sự thay đổi và mệt mỏi trong cuộc đời, khơi động lên những con sóng trong tâm ta. 

 






Những người không hiểu về thiền quán thường nghĩ rằng thiền là một loại thao tác nội tâm đặc biệt nào đó, có một năng lực thần diệu làm yên hết những làn sóng, giúp mặt hồ tâm được lập tức trở nên bằng phẳng, an bình và tĩnh lặng. Nhưng cũng như chúng ta không thể nào đặt một cái dĩa kiếng lên trên mặt nước để làm yên những làn sóng, chúng ta không thể nào giả tạo đè nén được những làn sóng trong tâm mình. Thật ra việc làm đó cũng không thông minh lắm, vì nó chỉ tạo thêm một sự căng thẳng, xung đột trong nội tâm mà thôi, chứ không phải là sự tĩnh lặng. Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ có thể đạt đến một trạng thái tĩnh lặng. Nó chỉ có nghĩa là ta sẽ không thể thành công bằng những nỗ lực sai lầm, như là đè nén những sinh hoạt tự nhiên của tâm mình. 

 

Qua sự tu tập thiền quán, chúng ta có thể tìm được cho mình một nơi trú ẩn, tránh được những cơn phong ba làm xáo động hồ tâm. Sau một thời gian, một phần lớn của sự náo động này có lẽ sẽ dần dần lắng yên xuống, vì ta không còn cấp dưỡng cho chúng nữa. Nhưng những cơn gió của cuộc đời, của nội tâm bao giờ cũng vẫn cứ thổi, ta có làm gì cũng vậy thôi. Và thiền tập có nghĩa là ý thức được điều này, để rồi ta có thể đối diện với nó. 

 

Tinh thần của sự tu tập chánh niệm được biểu lộ vui tươi trong một tấm bích chương có in hình đạo sư Swami Satchitanada bảy mươi mấy tuổi, trong một chiếc áo thụng trắng dài và bộ râu bạc bay phất phới, đứng trên một chiếc ván lướt sóng (surfboard), cỡi trên đầu những ngọn sóng to ở cạnh bờ biển Hạ Uy Di. Bên dưới có in một dòng chữ chú thích: "Bạn không thể ngăn những cơn sóng, nhưng bạn có thể tập cỡi chúng được". 

 

13.- Ai cũng có thể thiền được? 

 

Người ta hỏi tôi câu ấy nhiều nhất. Tôi ngờ người ta hỏi có lẽ vì họ nghĩ rằng, những người khác tập thiền được, chứ họ thì không. Họ muốn được an tâm nghĩ rằng họ không cô đơn, ngoài kia cũng có những hạng người giống như họ, những linh hồn bất hạnh, sanh ra mà không có khả năng thiền tập. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. 

 

Cho rằng mình không có khả năng thiền tập cũng giống như cho rằng ta không có khả năng thở, tập trung hoặc nghỉ ngơi vậy. Hầu hết mọi người trong chúng ta cũng có thể thở một cách dễ dàng. Và trong tình trạng thích hợp, hầu hết ai cũng có thể tập trung, ai cũng có thể nghỉ ngơi.

 

Người ta thường hay lẫn lộn thiền tập với sự nghỉ ngơi hay là một trạng thái đặc biệt nào đó, mà ta cần phải cảm thấy hoặc đạt đến. Và khi ta đã thử một vài lần mà chẳng cảm thấy gì đặc biệt, chúng ta vội vàng cho rằng có lẽ mình là một trong những người không có khả năng thiền tập. 

 

Nhưng thiền tập không có nghĩa là ta phải có một cảm giác nào đặc biệt. Nó chỉ có nghĩa là thật sự cảm nhận được những gì mình đang cảm nhận trong giờ phút này. Thiền tập cũng không phải là cố gắng làm cho tâm ta trở nên rỗng không hoặc tĩnh lặng, mặc dù trong thiền tập sự tĩnh lặng sẽ được phát triển và trở nên sâu sắc hơn. Trên hết, thiền tập có nghĩa là để cho tâm ta được như nó và ý thức được tướng trạng của nó trong giây phút ấy. Mục tiêu không phải là ta sẽ đi đến bất cứ một nơi nào khác, mà là cho phép mình được an trú ở nơi ta đang có mặt. Không hiểu được điều này, bạn sẽ cho rằng mình không có khả năng thiền tập. Nhưng đó cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi và trong trường hợp này, một ý nghĩ hết sức là sai lầm. 

 

Sự thật, sự tu tập có đòi hỏi một công phu và sự hết lòng của ta. Nhưng nếu vậy chúng ta nên nói rằng: "Tôi không muốn cố gắng tu tập" thay vì là: "Tôi không thể tu tập" thì có đúng hơn không? Bất cứ một người nào cũng đều có thể ngồi xuống và theo dõi hơi thở hoặc tâm ý của mình. Thật ra bạn không cần phải ngồi, bạn có thể thực hành trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, chạy bộ, đứng một chân hay trong lúc tắm hoặc gì cũng được. Nhưng duy trì được nó, cho dù chỉ trong năm phút thôi, đòi hỏi một sự chủ tâm. Và nếu bạn muốn nó trở thành một phần của đời sống mình, việc ấy đòi hỏi một số kỷ luật. Thế cho nên, khi người ta bảo rằng họ không thể thiền, điều mà họ thật sự muốn nói là họ không chịu bỏ thì giờ, hoặc khi họ cố gắng thử, lại không thích những gì xảy ra. Chúng đã không là những gì họ tìm kiếm hoặc không thoả mãn được những ước vọng của họ. Nếu bạn là một trong những số người ấy, có lẽ bạn nên thử cố gắng một lần nữa xem sao, nhưng lần này bạn hãy buông bỏ hết những ước vọng đi và chỉ việc theo dõi những gì xảy ra mà thôi. 

 

14.- Lợi ích của Vô hành

 

Khi bạn ngồi xuống thiền, dù chỉ trong chốc lát, đó sẽ là một thời gian của vô hành (non-doing). Ðiều quan trọng là bạn đừng nên nghĩ rằng vô hành đồng nghĩa với không làm gì hết. Thật ra hai việc ấy rất khác biệt. Vấn đề là ta có ý thức và có một tác ý hay không. Ðó là cây chìa khoá. 

 

Bề ngoài chúng ta thấy dường như có hai loại vô minh: một loại là không làm những hành động có tánh cách hướng ngoại và một loại là những hành động nào không có sự dụng công. Nhưng cuối cùng ta sẽ nhận thấy rằng cả hai chỉ là một. Cái kinh nghiệm nội tâm mới thật sự quan trọng. Thiền tập gồm có một sự cố gắng tạo cho mình những giây phút dừng lại hết mọi hành động hướng ngoại và phát triển một sự tĩnh lặng, lúc ấy ta không có một mục đích nào khác hơn là sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Không làm gì hết. Và có lẽ những giây phút vô hành ấy sẽ là một món quà quý báu nhất mà ta có thể tự ban cho mình. 

 

Ông Thoreau thường hay ngồi một mình trước hiên nhà hằng giờ để nhìn và lắng nghe, khi mặt trời đi ngang qua bầu trời, khi ánh sáng và bóng tối biến đổi, hoà nhập vào nhau một cách thật kỳ diệu. 

 

Có những lúc tôi không thể nào hy sinh giờ phút hiện tại nhiệm mầu này cho bất cứ một việc làm nào khác. Dù cho đó là việc làm của chân tay hay của tâm trí cũng vậy. Tôi thấy yêu quý khoảng không gian thênh thang của cuộc sống mình. Có những buổi sáng mùa Hạ, sau khi tắm rửa xong, tôi ra ngồi ngoài hiên nhà từ sáng cho đến trưa, miệt mài vui sống giữa thiên nhiên, với những cây thông, cây bồ đào, cây thù du, trong một không gian tĩnh mịch và vắng lặng, có những con chim ca hát líu lo, thỉnh thoảng lại bay lượn vào nhà trong, cho đến khi ánh nắng hoàng hôn vàng vọt rọi vào cửa sổ phía Tây, hay âm thanh của những chiếc xe ngựa của vài người lữ hành từ ngoài xa vang vọng vào, tôi mới giật mình sực nhớ đến thời gian trôi qua. Tôi lớn lên theo những tiết mùa đến rồi đi, như một cây bắp lớn lên trong đêm, công trình ấy có giá trị hơn bất cứ một việc gì ta có thể thực hiện được bằng tay chân.

 

Thời gian qua không phải là những giây phút mất đi trong đời tôi mà ngược lại, nó còn quý giá hơn những giờ phút bình thường khác. Bây giờ tôi mới hiểu được sự thâm thúy của người phương Ðông, khi họ nói về sự lặng yên, chú ý và buông bỏ. Cuộc sống ở đây, phần nhiều tôi không hề chú ý đến thời gian trôi qua bằng cách nào? Một ngày đến dường như chỉ để giúp tôi sống sự sống của mình. Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết. Nhưng thay vì ca hát như những con chim, tôi im lặng mỉm cười với sự may mắn vô tận của mình. Cũng như con chim sẻ đang đứng trên một nhánh cây bồ đào ngoài cửa hát líu lo, tôi cũng có những tiếng cười thầm nho nhỏ cố nén lại trong cái tổ ấm của mình, mà không chừng con chim sẻ ấy đã nghe thấy rồi. 

Thoreau, Walden 

 

Thực tập: Hãy nhận thức sự tươi mới của giây phút hiện tại trong giờ thiền tập hằng ngày của bạn, nếu bạn có thực tập. Nếu buổi sáng bạn dậy sớm, hãy đi ra ngoài nhìn những vì sao, nhìn ánh trăng, nhìn những tia nắng bình minh đầu tiên của một ngày xuất hiện (một cái nhìn có ý thức, có chánh niệm, vững chãi). Hãy cảm giác bầu không khí chung quanh, lạnh, ấm (một cảm nhận có ý thức, có chánh niệm, vững vàng). Ý thức được rằng thế giới chung quanh ta còn đang say ngủ. Bạn nên nhớ rằng, những ngôi sao bạn đang nhìn chỉ là bóng dáng của chúng hàng triệu năm về trước. Quá khứ đang có mặt trong bây giờ và ở đây.

 

Sau đó bạn hãy đi, ngồi, hoặc nằm xuống thiền. Hãy để cho thời gian này hay bất cứ giờ phút thực tập nào khác là giờ phút bạn đang buông bỏ hết mọi hành động, chuyển sang một trạng thái thực sự sống, lúc này ta an trú trong chánh niệm và tĩnh lặng, ý thức được sự khai mở của giây phút hiện tại trong từng giây phút, không thêm bớt và khẳng định với mình rằng: "Chỉ có vậy thôi". 

 

15.- Sự mâu thuẫn của Vô hành 

 

Người Tây phương rất khó có thể lãnh hội được mùi vị cũng như niềm vui của vô hành, vì nền văn hóa của họ quá coi trọng hành động và sự tiến bộ. Ngay cả thời gian nhàn rỗi của họ cũng có khuynh hướng bận rộn và thiếu ý thức. Niềm vui của vô hành là nó không cần phải có bất cứ một việc nào khác xảy ra, thì giây phút này mới được trọn vẹn. 

 

Khi ông Thoreau nói: "Khi nãy là buổi sáng và bây giờ trời đã chiều, tôi chẳng có thành tựu được một việc nào đáng kể hết", việc đó cũng giống như một tấm vải đỏ phất trước mặt một con bò mộng, của những người quen xông xáo, ham phát triển. Nhưng làm sao ta có thể biết rằng, buổi sáng của ông ngồi trước cửa nhà lại không đáng nhớ hoặc có phẩm chất bằng cuộc sống xô bồ, bận rộn, mà trong đó ta không biết gì đến niềm vui của sự tĩnh lặng, và tươi mới của giây phút hiện tại này? 

 

Ông Thoreau đã hát lên một bài ca cần được nghe trong khi đó, cũng như trong lúc này. Cho đến ngày hôm nay, ông ta vẫn tiếp tục chỉ cho chúng ta, những ai muốn lắng nghe, sự quan trọng sâu xa của việc trầm tư cũng như một thái độ vô trước (non-attachment), không dính mắc vào bất cứ một kết quả nào, trừ niềm vui thuần túy của sự sống. Và bạn biết không, điều ấy "có giá trị hơn bất cứ một việc gì mà ta có thể thực hiện được bằng tay chân". Quan điểm ấy làm tôi nhớ đến lời của một thiền sư ngày trước: "Ô hô! Bốn mươi năm trời ta ngồi bán nước bên cạnh bờ sông, té ra công lao của ta chẳng có một ích lợi nào hết". 

 

Bạn thấy không, nó sặc mùi mâu thuẫn. Chỉ có mỗi một cách có thể giúp cho hành động của ta được giá trị là cố gắng bằng một thái độ vô hành, và không chấp trước vào kết quả của nó. Còn bằng không, sự vướng mắc và lòng tham sẽ len lỏi vào, làm hư hỏng mối tương quan của ta với công việc, hay chính công việc ấy. Từ đó, nó sẽ trở nên lạc hướng, bị thiên kiến, ô uế và cuối cùng không đem lại cho ta được một niềm vui trọn vẹn, cho dù kết quả có tốt đẹp đến đâu. Bất cứ một khoa học gia nào cũng biết rõ trạng thái này của tâm và cố gắng ngăn ngừa nó, vì nó có thể làm trở ngại tiến trình sáng tạo và bóp méo khả năng nhìn thấy được những mối liên hệ của họ. 



Tác giả: Jon Kabat-Zinn - 
Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên


Còn nữa...
Nguồn link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-80_4-9639_5-50_6-1_17-27_14-1_15-1/

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp