đậu tương đen hữu cơ

Tham luận - Sách - Tài liệu

10:27 03/06/2019

Con đường hạnh phúc (P.2)

(TG&DT) - Với Phật giáo, đặc biệt là đối với hành giả, đối với phật tử, đời người chỉ có mỗi một sự nghiệp đáng kể: đó là Trí Tuệ. Sự nghiệp khác – danh lợi, địa vị… tài năng… đều chỉ là ảo ảnh, là phù du, duy chỉ có mỗi (việc đạt tới) “trí tuệ bát nhã” (tức là tuệ) là có giá trị chân thực. Phật giáo, tóm lại, cho rằng mọi sự việc trên đời này đều là hư cả, chỉ mỗi “trí tuệ” là thực.

Và khoa học cũng gần gần như thế! Đối với nhà khoa học, tất cả phải là sự thật. Sự thật có thể đối nghịch với niềm tin, với cả cái mà người đời gọi là hạnh phúc nữa; sự thật không nhân nhượng ai hết: nó là tối thượng.

Có một câu nói mang tính diễn đạt lớn về cái tinh thần khoa học nói trên, câu nói của Galileo; đại ý: Dù sao, trái đất vẫn quay. Trái đất quay quanh mặt trời là một sự thật, sự thật vật lý. Đương sự khẳng định điều đó, vì nó là sự thật, còn như sự thật ấy có lợi hay có hại cho đương sự, đó lại là chuyện khác. Nhà khoa học có thể hy sinh mạng sống mình, hạnh phúc mình cho sự thật, đó là tinh thần “duy tuệ thị nghiệp” vậy.

Những người tu đạo Phật (tôi nói những người tu chân chính) cũng thế: Họ có thể từ bỏ tất cả: Danh vị, tiền tài, kể cả mạng sống nữa nếu cần, miễn sao trong kiếp sống này, họ đạt được sự giác ngộ trọn vẹn về chính mình.

Như thế, có phải là hai câu “duy tuệ thị nghiệp” và “duy phúc thị nghiệp” là mâu thuẫn, là đối nghịch với nhau không?

Nếu xét về bề mặt thì có lẽ đúng như thế. Tuy nhiên, nếu xét về bề sâu, thì trong tuệ (đặc biệt là tuệ bát nhã) lại bao gồm trọn vẹn phúc; trọn vẹn hạnh phúc. Là bởi chưng con người là sinh vật rất khác biệt: ngoài sự cấu tạo một cách rất vật lý để tồn tại, để sinh tồn, nó còn là một cá thể rất rất duy tuệ nữa. Nói như thế có nghĩa là, ngoài nhu cầu ăn, uống, nghỉ, thở…, nghĩa là những nhu cầu sinh lý, cái sinh-vật-người này nó mang trong nội tại của nó một nhu cầu, một khát vọng vô cùng to lớn: đó là nhu cầu sự thật. Có điều là cái nhu cầu kỳ lạ này (nó ở ngoài phạm trù sinh tồn) nó mang những tính cách không giống các nhu cầu sinh lý khác.

Trong khi các nhu cầu khác là phổ biến (ví dụ như sinh vật nào đói thì cần ăn, khát thì cần uống…). Thì, riêng đối với cái nhu cầu nhận thức chân lý, nó lại không phổ biến, không đồng nhất. Nói thế có nghĩa là cái nhu cầu chân lý nói trên, nó không được phân bố phổ biến: Đối với cá thể này, nó là một nhu cầu lớn, thật lớn, một nhu cầu không-thể-cưỡng-lại-được. Song đối với một cá thể khác, nó có thể chỉ là một nhu cầu thoáng qua, một nhu cầu có giải quyết thỏa mãn cũng được, mà không thì cũng… chẳng sao.

Lại nữa ngay trong từng cá thể, cái nhu cầu nói trên nó cũng có lúc tăng, có lúc giảm. Cụ thể, đối với một cá thể khi chưa đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, các nhu cầu sinh lý tối thiểu chưa được giải quyết, cái “món nợ tổ tông” về tư duy kia chắc chắn là không thúc bách đương sự đến độ một sống hai chết, nó, cái “món nợ” ấy, sẽ chỉ hiện diện một cách phảng phất, một cách âm ỉ. Một cách “thoang thoảng hoa nhài” trong tâm tư người ta.

Thế nhưng cái “món nợ tổ tông” ấy, cái “câu hỏi lớn” ấy, nó không khoan hòa mãi mãi đối với mỗi mỗi đương sự trên đời đâu: Chỉ cần hoàn cảnh một phen biến đổi, một khi cái nhu cầu cơ bản về sinh lý được nguôi ngoai – được tương đối giải quyết xong – là y như rằng cái đương-sự-người nọ lập tức sẽ bị cái món nợ tổ tông nói trên chớm dậy, xỉa thẳng vào mặt người ta những “câu hỏi muôn đời” đại khái là: Con người là ai? Từ đâu mà sinh ra? Vũ trụ mà trong đó ta đang hiện hữu; Nó là cái gì? Mang ý nghĩa gì?… Những câu hỏi nói trên thể hiện những nhu cầu tuy không mang tính phổ biến, đồng dạng và cấp bách tối đa như những nhu cầu thuộc về sinh lý, tuy nhiên, nó vẫn là một nhu cầu miên viễn, dính líu với kiếp sống của con người. Hễ con người còn sống tức là còn nhu cầu đó. Và, tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận cái nhu cầu tư thức đó được, mặc dù nó có thể hiện hữu một cách không cụ thể bằng, không thường trực bằng. Là bởi vì, bất cứ một khi nào các nhu cầu vật lý, sinh lý vừa được vơi bớt, được tạm ổn, lập tức cái nhu cầu tư thức nơi mỗi con người bèn xuất hiện ngay, thôi thúc cấp bách, trầm trọng, chẳng kém gì.

Giai thoại Phật giáo kể chuyện một hành giả nọ vượt thiên sơn, vạn thủy, tìm đến một vị cao tăng để cầu tìm sự an tâm (tức là cầu tìm chân lý). Khẩn thiết đến độ đã tự chặt một cánh tay của mình (để xin được chỉ giáo), điều chắc chắn là nó đã thể hiện tính cấp thiết trầm trọng của cái nhu cầu tư thức vậy.

Trên đời này thiếu gì người đã hy sinh mạng sống cho nhu cầu tư thức, cho sự cầu tìm “lẽ thật”.  

Nói tóm lại, nhu cầu tư thức (duy tuệ) là một nhu cầu có thật của con người, và chắc chắn là nó cũng cấp bách, cấp thiết chẳng kém những nhu cầu khác.

Để cho rõ nghĩa, chúng ta có thể tạm chia những nhu cầu của con người ra làm hai: Một, là những nhu cầu thuộc về phúc (cụ thể là cơm ăn, áo mặc, sức khỏe, lứa đôi…) Hai,  là những nhu cầu thuộc về tuệ, tức là thuộc về tư thức, như trên đã nói.

Về cái nhu cầu hạnh phúc. Nho học cho rằng nó có năm thứ, gọi là Ngũ Phúc: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Đó là năm yếu tố cơ bản.

Về cái nhu cầu tuệ, thì như trên đã đề cập nó thuộc về nhu cầu tư thức vậy. Hai cái nhu cầu này -  hai cái cứu cánh này - nhìn ở bề mặt thì có vẻ khác nhau. Phúc – nói cho cùng, là một cái gì đó thuộc về sinh mạng. Sinh mạng, nói theo lẽ thường, gắn liền với phúc. Lấy năm yếu tố ngũ phúc ra mà nói, chúng ta thấy rằng, ngoài Phúc là hiển nhiên, còn bốn yếu tố còn lại: Lộc, Thọ, Khang, Ninh, rõ ràng rằng chẳng có yếu tố nào rời khỏi yếu tố sinh mạng được. Lộc, sự lợi lộc, chỉ có thể có nghĩa khi sinh mạng làm thực số, làm chủ đề. Không có sinh mạng, hỏi Lộc dựa vào đâu để có? Mà có để làm gì?

Với Thọ càng hiển nhiên. Với Khang, Ninh âu cũng thế.

Hóa ra, Phúc, về cơ bản, chẳng gì khác hơn những điều kiện ưu việt của cái gọi là sinh mạng con người (và có lẽ đối với sinh mạng khác cũng đến thế). 

Trên đây chúng ta dùng chữ “về cơ bản” là cái dụng ý: bởi vì, ngoài cái phần Phúc dính liền với thân mạng, lại còn một chữ Phúc mang ý nghĩa cao hơn thế, chữ Phúc này, ít nhất là theo định nghĩa, vượt ra ngoài, vượt lên trên cảnh giới vật chất, vật lý, thể hiện trong một cảnh giới tâm linh nhiệm mầu. Đó là trạng thái Phúc của tâm linh. Mà, để phân biệt với cái Phúc thông thường, người ta gọi nó là Toàn Phúc, là Viên Phúc.

Nay hãy trở lại chữ Phúc thế gian, phúc thông thường. Chữ phúc này dù muốn dù không, cũng mang một tính cách duy vật vậy. Duy vật, bởi vì nó dính liền với đời sống vật chất, không “viễn ly” khỏi thế giới đó, để thăng hoa độc lập vào một thế giới phi vật chất, siêu vật chất - Một thế giới siêu nhiên - Trong chữ Phúc (thông thường) này người ta bắt gặp sự liên hệ chặt chẽ giữa tư giác và vật chất.

Nói theo Phật giáo đó là sự liên hệ giữa Căn và Trần. Căn thì gồm có Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Trần thì có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Và trong ý nghĩa của chữ Phúc, đặc biệt là chữ Phúc thông thường, chúng ta có thể bắt gặp một sự hô ứng hài hòa giữa Căn và Trần; giữa Nhãn và Sắc, giữa Nhĩ và Thanh, giữa Tỷ và Hương, giữa Thiệt và Vị, giữa Thân và Xúc, giữa Ý và Pháp,  một sự hô ứng hòa hài giữa Lục Căn và Lục Trần, ấy là Phúc - Phúc thông thường - vậy.

Như trên đã nói, sự liên hệ giữa Căn và Trần rõ ràng là sự liên hệ giữa những trạng thái vật chất. Nói đến Căn là nói đến giác quan vật chất. Nói đến Trần cũng vậy. Hể hai đối tượng Căn - Trần này mà gặp gỡ nhau một cách tương ứng, hòa hài, nó sẽ tạc nên cái, nhân sinh gọi là Phúc. Mà hễ Phúc mà phát triển thăng hoa thì chúng ta sẽ có Lộc, Thọ, Khang, Ninh vậy.

Tập tiểu luận này nội dung của nó là để bàn về hạnh phúc và phương pháp đạt đến hạnh phúc ấy: Con đường. Mà hễ đã nói đến hạnh phúc, âu cũng không thể rời được chữ Phúc. Phúc là một phần của hạnh phúc, và chỉ ít đó cũng là phần vật chất, phần căn bản. Đối nghịch của Phúc, theo Phật giáo, trước tiên là Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Quả là chí lý, vì lão bệnh tử thì làm sao gọi là phúc được. Đau răng chẳng hạn, thì làm sao gọi là phúc được. Phúc trước hết là không bị đau răng hoặc đau bất cứ phần nào ở cơ thể. Các thứ bệnh tật, nói chung, là phản đề của phúc, của hạnh phúc. Nhà Phật gọi nó là cái chướng - khổ chướng, với nó, con người sẽ bị một lớp màn che ngăn, không cho hợp nhất với phúc với hạnh phúc, cho nên gọi là chướng.

Và mọi nỗ lực của nhân sinh, của mọi nền văn hóa, văn minh, nói cho cùng cũng chỉ là để nhằm xóa bỏ mọi thứ bệnh nó ngăn cản con người trên bước đường đi tới hạnh phúc vậy.

Chúng ta nói mọi thứ bệnh trong cái nghĩa lớn, nói rộng chữ bệnh để chỉ bất cứ trạng thái khiếm khuyết bất toàn nào của con người. Hiểu như vậy thì ngoài các chứng bệnh đau răng đã đề cập, còn có thể quy vào chữ bệnh vô số những trạng thái khác… ví dụ như bệnh đói, bệnh… khát, bệnh không chỗ ngủ, còn hơn thế nữa: bệnh ngu, bệnh dốt…

Trong sách cổ, trong các giai thoại, người ta có nhắc đến nhiều trường hợp, siêu nhiên, trong đó một “siêu nhân” nào đó có khả năng siêu phàm có thể vượt qua đói, khát, lạnh, bệnh tật…, để hợp nhất với hạnh phúc. Chúng ta không phủ nhận những trường hợp đó. Chúng ta biết rằng thỉnh thoảng trong lịch sử cũng như trong xã hội, một vài điều phi lý thường đã xảy ra.

Chúng ta không phủ nhận tính bất nhất trong vũ trụ này. Tuy nhiên, những điều phi thường thỉnh thoảng mới xảy ra thôi, và chúng không phải là những điều bình thường. Chúng là một số hãn hữu những trường hợp cá biệt. Chúng không đại diện cho quy luật bình thường của cuộc sống; và bởi vì thế chúng không mang tính cách một giải pháp phổ biến có khả năng giải quyết được những vấn đề phổ biến của nhân sinh. Để hiểu một cách cụ thể, chúng ta có thể chứng giám một siêu nhân nào đó vượt qua vấn đề đói rét, bệnh tật của kiếp người để đạt tới hạnh phúc. Đó tất nhiên là một trường hợp cá biệt, dù nó có thật, nhưng nó lại không có khả năng giải quyết mọi nỗ lực đói rét bệnh tật của mọi người. Đó chỉ là thần thông, chỉ là phép lạ. Mà đã là thần thông, là phép lạ thì không thể dành chung cho mọi cá thể trong cõi nhân sinh này.

Nho Giáo có một câu rất thắm thía: “Quốc Dĩ Dân Vi Bản, Dân Dĩ Thực Vi Thiên”; nghĩa là nước lấy dân làm gốc, dân lấy “miếng” ăn làm… Trời. Nước không phải là một khái niệm trừu tượng, nước là một nơi chốn cụ thể, với một cộng đồng nhân sinh cụ thể. Cộng đồng ấy gọi là dân, và dân là gốc cụ thể của nước vậy.

Mà, với dân, với cái cộng đồng nhân sinh ấy, đối với họ, vậy, miếng ăn là cụ thể nhất, là cao cả nhất, là quan trọng nhất. Chính là Trời vậy. Cố nhiên, trong đời sống này không phải chỉ có miếng ăn. Ngoài cơm ăn, áo mặc, nhà ở, những nhu cầu thiết yếu của nhân sinh cũng còn nhiều điều khác nữa chứ! Nhưng miếng ăn rõ ràng là quan trọng hơn cả, ít nhất là theo quan điểm của đại đa số con người.

Trở lại vấn đề chữ Phúc, Trung Quốc có một nền văn hóa duy vật khá cao, cụ thể là trong vấn đề cấu tạo văn tự: Chẳng hạn như cách cấu tạo ra chữ Phúc – là cái chủ đề của tập sách nhỏ này. Chữ PHÚC, theo Hán tự, có hình ảnh của ba (có nghĩa là nhiều) ô ruộng chồng lên nhau. Có nhiều ô ruộng (nhất là đối với tri thức kinh tế nông nghiệp) tức là có phúc vậy. Có ruộng để mà cày cấy, gieo trồng, thì lý tự nhiên phải có gạo ăn, có gạo ăn thì được no, được ấm. Ấy là có phúc. Theo người xưa là một cái gì rất căn bản, rất thiết thực, rất cụ thể vậy. Nó không rời khỏi thân thể nó chưa đi đến chỗ tâm lý, chỗ siêu hình.

Bên cạnh chữ Phúc có chữ Phú, cũng mang tính thiết thực, cụ thể không kém. Chữ PHÚ được cấu tạo với một chữ miên có nghĩa là mái nhà, chữ miên nằm ở trên, trùm lên ba ô ruộng, hàm ý là nhà có nhiều ruộng. Nhà có nhiều ruộng tức là nhà giàu tức là phú vậy.

Trước khi con người nhờ văn hóa vươn lên tri thức, cõi tinh thần, cõi tâm linh, trong những bước mở đầu, đương sự hẳn phải sinh tồn trên nền tảng thuần vật lý, thuần sinh lý. Sinh hoạt của họ là đói thì kiếm ăn, rét thì kiếm nơi ẩn trú… dần dà, khi cách kiếm ăn đã được cải tiến, con người được no đủ, được nhàn rỗi, bấy giờ đời sống tinh thần mới được thăng hoa trở nên phong phú, phức tạp, đồng thời trở thành một yếu tố sinh hoạt vô cùng to lớn, vô cùng quyết định trong kiếp nhân sinh.

Bây giờ cái gọi là sinh-vật-người không chỉ còn hiện hữu như một sinh vật bản năng với những trạng thái đói no, thức ngủ… nữa: Nó bước từng bước một vào cõi tư duy, ý thức, để sớm trở thành một “cây sậy tư tưởng”, một “nòi tình”.

Và, trong cảnh giới này, theo quy luật nhân quả tư duy, đời sống con người sẽ chịu ảnh hưởng và bị quyết định bởi những trạng thái thuộc tư duy, thuộc ý thức của chính mình. Cụ thể, ví dụ: một chí sĩ nào đó vì “lo nỗi nước nhà”, có thể bạc phơ cả mái tóc (còn xanh) chỉ sau một đêm suy tư trằn trọc hoặc một anh chàng (hoặc một cô nàng) si tình nào đó có thể “đứng tim mà chết” vì nông nổi thất tình… Bắt đầu từ đó, cái gọi là sinh-vật-người sẽ đối diện với cái gọi là phúc, là hạnh phúc với cơ man là thái độ, là quan điểm phức tạp, thậm chí lắm khi còn mâu thuẫn nhau, đối nghịch nhau. Đối với mọi sinh vật gọi là phúc, người khác có thể ngược lại cho là vô phúc.

Do ở tính cách ly tâm này (của cải gọi là phúc), mà phúc càng lớn càng trở nên phân hóa đối nghịch làm cho một giải pháp về phúc, về hạnh phúc càng lúc càng hầu như nan giải.

Đối trước một tình trạng rối rắm như vậy, việc tìm ra một đáp án (cho vấn đề phúc, vấn đề hạnh phúc). Thực chẳng đơn giản chút nào “con đường hạnh phúc”.

Từ nay, đối với một cá thể, hơn thế nữa đối với một cộng đồng đã trở nên mờ mịt, chẳng khác nào một bát quái trận đồ, khiến đương sự dễ lạc bước vào mê cung, “đắm chìm một kiếp”.

Vậy, đối trước một vấn đề nan giải như thế chúng ta phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng?

Tiên quyết là chúng ta phải dựa trên những phương pháp khả dĩ gọi là thông minh như trên đã từng nói một trong những phương pháp hữu hiệu: để tìm chân lý, ấy là ta hãy đi từ thấp đến cao, lại từ nghịch đến thuận, lại từ xưa đến nay.

Từ thấp đến cao đối với trường hợp của cải gọi là phúc, ấy là đi từ cái phúc sơ đẳng, cái phúc cơ bản mà đi lên.

Từ cái phúc tâm lý - phúc tâm linh, các sinh vật hạ đẳng có lẽ chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu căn bản về sinh lý là đã đạt được cái gọi là phúc rồi. Từ xưa tiến lên người, trong những nhu cầu sinh lý cơ bản chưa phải là tất cả, nhưng dù muốn dù không thì một sự thỏa mãn (dù là tương đối) những nhu cầu ấy vẫn mãi mãi sẽ là điều kiện tiên quyết cho cái gọi là phúc, là hạnh phúc, của đương sự này vậy. Cứ tưởng tượng một người dù là trình độ tâm linh siêu việt đến bao nhiêu mà các nhu cầu sinh lý cơ bản không được đáp ứng dù là trong một tiêu chí “thiểu dục” nhất đi chăng nữa…

Tiếp kỳ 1 số 155…
Trích sách Con đường hạnh phúc - tác giả Huỳnh Uy Dũng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5-2019

Viết bình luận mới

Tên bạn
Email
Nội dung
 
  • Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng Ngắm vẻ đẹp lộng lẫy của ngôi chùa dát vàng nổi tiếng
  • Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng) Bộ hình ảnh Thập nhị Dược Xoa Thần tướng (Thích Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội Chùm ảnh "Hoa Hồng xuống phố" - TP.HCM và Hà Nội
  • Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng) Chùm ảnh: Tranh thư pháp mùa Vu Lan 2012 (Minh Hoàng)
  • Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo Chùm ảnh: Nghệ An tràn ngập sắc màu Phật giáo
  • Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ Đưa quá khứ bước ra từ những pho tượng giả cổ
  • Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa) Lược sử Ðức Phật Thích Ca từ thành đạo đến nhập niết bàn (HT.Thiện Hoa)
  • Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc Đa dạng, hân hoan Phật đản tại Hàn Quốc
  • Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ” Người giữ hồn “Quốc hoa Tây Hồ”
  • Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội Chùm ảnh: Hoa "Đức Phật" rực sáng đường phố Hà Nội

Đánh giá của bạn về giao diện website: tongiaovadantoc.com

Rất tiện lợi và chuyên nghiệp
Giao diện đẹp dễ dùng
Tôi có một góp ý cho TG&DT
Cũng bình thường
xem tin tức, Thế giới tin tức Kpop, Kho sim thẻ, sim số đẹp