Là bộ phim truyền hình đầu tiên nói về cuộc sống của người Khmer Nam bộ, tuy nhiên ngay sau khi phát sóng 1 tập trên VTV1 bộ phim “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” do hãng phim Vàng miền Nam sản xuất đã tạm dừng phát sóng do yêu cầu của Ủy ban Dân tộc.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV đã trao đổi với ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, người phát ngôn của Ủy ban Dân tộc.
Ông Chu Tuấn Thanh cho biết: “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên nói về cuộc sống của người Khmer Nam bộ. Câu chuyện xảy ra tại một phum nghèo trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, phản ánh một khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ. Biên kịch, đạo diễn đã có cố gắng sưu tầm kiến thức về lối sống, phong tục tập quán, ca dao tục ngữ của người Khmer đưa vào phim. Và đó là một trong những mặt tích cực.
* PV:Là một bộ phim theo ông là có mặt tích cực, tại sao lại phải tạm dừng phát sóng?
* Ông CHU TUẤN THANH: Ngay sau khi tập 1 của “Hãy cùng em điệu Sarikakeo” lên sóng vào 21-2-2011, từ địa phương, đặc biệt là nơi có những người dân Khmer sinh sống đã có những ý kiến phản ứng gay gắt vì có nhiều nội dung, cảnh phim không đúng với thực tế về tăng ni, Phật giáo Nam tông, văn hóa và cuộc sống của đồng bào.
Một số cảnh phim có nội dung phản cảm, gây khó chịu đối với người am hiểu Phật giáo Nam tông, dễ dẫn đến những ngộ nhận, hiểu không đúng đối với tăng ni, văn hóa và cuộc sống của người Khmer Nam bộ. Vì thế, việc nghiêm túc kiểm tra và khắc phục những điểm chưa sát thực với đời sống trong phim là cần thiết.
* Cụ thể những điểm chưa sát với đời sống là về phục trang hay lời thoại, lối sống…?
* Mặc dầu mới chỉ phát sóng 1 tập, nhưng rất nhiều lỗi đã được người dân phản ánh tới chúng tôi. Có thể kể ra như hình ảnh nhà sư được xây dựng trong phim chưa đúng: Tăng ni Nam tông Khmer phải cạo hết chân mày (nhưng trong phim người đóng vai vẫn giữ chân mày); khi sư khất thực hai tay cầm bát chứ không chắp lại như trong phim…
Ngay cả lời thoại của các nhân vật trong phim cũng không thể hiện đúng lối sống, suy nghĩ và tín ngưỡng của người Khmer. Như việc sư Thạch Vông - một nhân vật trong phim, người đã đi tu mà cha mẹ vẫn gọi bằng “nó” là hoàn toàn sai, vì khi đã đi tu, là đệ tử của Phật nên đồng bào thường gọi là “lôk, lôk bon, lôk châu…”. Việc gọi thẳng tên riêng như các diễn viên trong phim thể hiện là cũng không đúng.
Nhiều “hạt sạn” cũng được bà con đưa ra như thực tế, khái niệm chuông chùa không có trong Phật giáo Khmer song lại được sử dụng, lắp ghép khiên cưỡng trong phim khiến người xem am hiểu không khỏi cảm thấy phản cảm. Bên cạnh đó, một số tình huống, bối cảnh được xây dựng xoay quanh mối quan hệ chuẩn mực, tôn kính giữa sư và tín đồ chưa chính xác cũng dẫn tới những ngộ nhận sai lầm.
* Tới nay, nhà sản xuất bộ phim đã có trao đổi gì với Ủy ban Dân tộc về những vấn đề liên quan?
* Như đã khẳng định, chúng tôi rất trân trọng việc quan tâm, đầu tư công, sức và kinh phí để có được một bộ phim phản ánh về cuộc sống, sinh hoạt, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer. Hai bên cũng đã có những cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn về bộ phim này.
Về phía Ủy ban Dân tộc giữ nguyên quan điểm là yêu cầu tạm dừng phát sóng để tiến hành thẩm định toàn bộ nội dung và hình ảnh. Ủy ban cũng kiến nghị xem xét lại quy trình và trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng, dàn dựng kịch bản, quay hình ảnh và quy trình xét duyệt, thẩm định trước khi trình chiếu bộ phim này.
Theo Vĩnh Xuân/SGGP