GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: Lên đồng không phải là một tín ngưỡng riêng biệt. Nó là một nghi lễ quan trọng nhất của đạo Mẫu. Không có đạo Mẫu thì không có lên đồng. Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần, Mẫu thầnNăm 1986, GS Ngô Đức Thịnh bước vào nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng và vấn đề đầu tiên ông chọn nghiên cứu chính là lên đồng.
GS Ngô Đức Thịnh cho biết: Việc tôn thờ người phụ nữ với tư cách là một vị thần linh có từ rất sớm. Đạo Mẫu có ba lớp là thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó, lớp thờ Nữ thần và Mẫu thần có từ thời nguyên thủy.
|
Thanh đồng "biểu diễn" chữa bệnh ngay tại tọa đàm: "Bảo tồn và phát huy những khả năng đặc biệt của con người trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam" |
Trong cuốn sách Các vị nữ thần Việt Nam của tác giả Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc có giới thiệu 75 vị nữ thần tiêu biểu của nước ta. Tuy nhiên còn khá nhiều các vị nữ thần chưa được đề cập đến. Những nữ thần được tôn thờ có thể kể như Bà Chúa xứ, Bà Ngũ hành, Bà Thiên Hậu, Bà Thủy Long, Bà Hỏa... các nữ thần có công tạo lập ra vũ trụ trong truyền thuyết như Nữ thần mặt trời, Bà Nữ Oa... Qua đó có thể thấy việc tôn thờ nữ thần là cách nhân thần hóa việc tôn sùng lực lượng tự nhiên.
Các nữ thần cũng là tổ sư các nghề như Mẹ Âu Cơ ngoài là biểu tượng cho đất nước, là Mẹ của dân tộc Việt thì còn là tổ sư nghề lúa nước, hay các Mẹ khác là tổ sư các nghề dệt, chăn tằm, trồng bông, làm muối, nghề bánh, làm mộc...
Nhiều vị nữ thần là những danh tướng, có công với đất nước như Hai Bà Trưng, Dương Vân Nga, Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân, vợ ba Đề Thám. Những người dân bình thường có công đánh giặc cũng được tôn vinh là nữ thần như Bà Chúa Kho, Bà Vú Thúng, Bà Áo The...
Các vị nữ thần trên được nhân dân tôn làm thánh thần, được triều đình sắc phong thành các vị thần, thành hoàng của nhiều làng. Nhiều nữ thần được sắc phong Thượng đẳng thần, có người như Liễu Hạnh công chúa được dân gian tôn vinh là một trong Tứ bất tử của đất nước.
Đối với những người nông dân trồng lúa nước thì đất, nước và cây lúa được coi là biểu tượng mang tính thiêng liêng và các vị thần đó đều mang nữ tính: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lửa, Mẹ Lúa. Qua đó có thể thấy rõ vai trò quan trọng của Người Mẹ.
Như vậy, trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhiều phụ nữ đã trở thành các thần - nữ thần, trong đó có các vị được tôn vinh là Mẫu, Thánh mẫu, đạo của dân gian, của dân tộc là đạo Mẫu.
Lên đồng có từ tục thờ Tam, Tứ phủHình thức thứ 3 là Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Tam tòa thánh mẫu), có quan hệ mật thiết với tục thờ nữ thần. Mẫu đều là nữ thần nhưng không phải tất cả nữ thần đều là mẫu thần.
Đạo Mẫu gắn liền với tục thờ Mẫu dân gian. Các vị thánh đứng đầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa, Thánh thiên mẫu Yana...đều được tôn xưng là Thánh Mẫu. Các vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa có công lao lớn, có tài năng, hiển linh thì cũng được tôn xưng là Mẫu: Quốc Mẫu, Vương mẫu. Mẹ của Thần núi Tản viên cũng được phong là Quốc mẫu, hay mẹ thân sinh ra Gióng cũng được xưng là Vương Mẫu.
Hình thức Tam phủ, Tứ phủ có từ thế kỉ thứ XV do tiếp nhận đạo giáo của Trung Hoa. Lên đồng gắn liền với hình thức này nghĩa là cũng đã ra đời từ thế kỉ XV.
Người ta có nhiều cách gọi khác nhau về hoạt động lên đồng như hầu đồng, hầu bóng, ra đồng, nhảy đồng, lên đồng... Tuy nhiên, trong nghiên cứu và trong những cuốn sách đã xuất bản, GS Ngô Đức Thịnh dùng từ lên đồng vì theo ông từ này có vẻ chính xác nhất, mô tả được trạng thái gia tăng thăng hoa của các ông đồng, bà đồng. |