Tản Viên Sơn Thánh là tín ngưỡng thần núi (Sơn Tinh, Sơn thần) nằm trong hệ thống tín ngưỡng các hiện tượng tự nhiên, các học giả khẳng định rằng, nói tới Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi (còn được gọi là Tam vị Đại Vương Quốc chúa Thượng đẳng thần
Tản Viên Sơn Thánh (còn có tên gọi Sơn Tinh) là một trong bốn vị thánh bất tử, với các sự tích, truyền thuyết thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên, mở đất và dựng nước.
Liên quan tới nguồn gốc xuất thân của vị Thánh này, theo các nhà nghiên cứu, vẫn có nhiều quan niệm và cách giải thích khác nhau.
Tản Viên Sơn Thánh là ba anh em
Xuất phát từ nhận định cốt lõi tín ngưỡng Tản Viên Sơn Thánh là tín ngưỡng thần núi (Sơn Tinh, Sơn thần) nằm trong hệ thống tín ngưỡng các hiện tượng tự nhiên, các học giả khẳng định rằng, nói tới Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi (còn được gọi là Tam vị Đại Vương Quốc chúa Thượng đẳng thần), gồm: Sơn Tinh và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công) - chia nhau cai quản, mỗi người một ngọn núi, tức núi Ba Vì ngày này - núi tổ của nước ta, có ba ngọn cao chót vót (Nguyễn Trãi - Dư địa chí).
Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì.
|
Minh chứng cho giải thích này là hiện nay, trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì (thuộc huyện Ba Vì) có khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, gồm 3 đền Thượng, đền Trung và đền Hạ - nơi thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh huyền thoại. Theo đó, sâu chuỗi các sự kiện thấy rõ, công chúa Ngọc Hoa, vợ của Thánh Tản (người anh cả), không được đề cao ngang hàng với Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, dù rằng ở một số làng nơi giáp ranh giữa Sơn Tây, Ba Vì, Phú Thọ vẫn có những lễ hội đề cao Ngọc Hoa. Chưa kể, văn tế, sự sắp xếp các ngai thờ, nghi lễ, tự khí... mà các học giả khảo sát tại những ngôi đền thờ Thánh Tản ở vùng xung quanh núi Ba Vì càng góp phần làm sáng tỏ cho những nhận định trên.
Tản Viên Sơn Thánh là con của Lạc Long Quân, Âu Cơ
Trong Lĩnh Nam chích quái, các học giả, sử gia cho rằng, Tản Viên là một trong 50 người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ theo cha xuống biển. Chuyện rằng, chàng từ biển đi vào, qua cửa Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang. Từ đấy, nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình, nên chàng đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi.
Tương tự, các tác giả Lịch triều Hiến chương (Phan Huy Chú) và Việt sử Thông giám cương mục ... cũng có quan niệm Tản Viên Sơn Thánh là con của Lạc Long Quân, Âu Cơ.
Tản Viên Sơn Thánh là hư cấu
Thần núi Tản cũng như hàng loạt nhiên thần được ra đời từ thời nguyên thuỷ của tổ tiên ta lúc họ đã bắt đầu biết nhận thức về thế giới khách quan và với khả năng tư duy trừu tượng của buổi đầu, con người chưa thật sự phân biệt được giữa mình với giới tự nhiên mà mình đang cùng sống, đang phải phụ thuộc. Khi ấy con người đã đồng nhất giữa mình với các vật thể của thiên nhiên. Người ta đã nhân cách hóa các lực lượng tự nhiên làm nảy sinh các vị thần đầu tiên đó là thần siêu nhiên, thần vũ trụ.
Vào thời kỳ xã hội nguyên thuỷ, Tản Viên Thánh chắc chắn chỉ được tôn vinh với tư cách là vị nhiên thần nhưng nhờ là thần núi cao nên uy linh hơn các thần tự nhiên khác. Lúc đầu, Tản Viên chỉ đơn giản được thờ để che chở cho con người. Đến khi xã hội thị tộc nguyên thủy tan rã, ra đời các liên minh bộ lạc hay liên minh bộ tộc với cơ sở của nền văn hóa lúa nước và văn minh sông Hồng phát triển rực rỡ, đồng thời với nghề kim thuộc đúc đồng đã ở trình độ tinh sảo. Ý thức về đoàn kết cộng đồng về quốc gia dân tộc đã phát triển cao thì truyện về các thần tự nhiên, đặc biệt là thần Tản Viên mới được nâng lên thành một thần thoại điển hình do được nhân hóa và lịch sử hóa.
Cụ thể, bước vào nhà nước Văn Lang thời cổ đại, Tản Viên trở thành vị anh hùng truyền thuyết của cả cộng đồng quốc gia dân tộc. Lúc đầu thần được người Mường ở làng Cổ Pháp chân núi Ba Vì lập đền thờ. Rồi các làng vùng Mường ở Hà Tây, Phú Thọ lan rộng ra các làng người Kinh ở Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã có rất nhiều làng thờ thần Tản Viên cùng với thờ Cao Sơn, Quý Minh...
Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.Ảnh minh họa
|
|
|
Có thể nói, qua văn minh Đại Việt, mỗi ngày lí lịch của thần Tản Viên lại được bồi đắp thêm công trạng tài đức để thần càng ngày càng có vẻ người hơn và thánh hơn.
Tản Viên Sơn Thánh là người thực
Theo Ngọc phả Đền Lăng Xương do TS Nguyễn Hữu Công, quan Đô Đốc Thượng Thư cùng với Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập vào ngày 15 tháng 11 năm 1011 đời Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên thứ III, Thánh Tản Viên - Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, con trưởng ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen (còn gọi là Bà Thái Vĩ), sinh sống ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Tương truyền một hôm bà vào rừng kiếm củi, đến Thạch Bàn bỗng thấy mây lành bao phủ, rồng vàng bay xuống phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Sau khi rồng bay đi, bà thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, bà liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. Mười bốn tháng sau, đúng ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ thìn bà trở dạ sinh hạ được một cậu con trai tướng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường.
Lớn lên, Nguyễn Tuấn trở thành người cứu độ, tài cao, văn võ song toàn, có phép thần thông biến hóa, “hô phong hoán vũ” và trở thành vị thần (Thánh) của núi Tản Viên – Thần Sơn Tinh. Ông được Hùng Vương kén làm rể, gả con gái Ngọc Hoa. Sau đó, Thủy Tinh vì không được chọn, đã nổi giận đem binh đến đánh, xảy ra các cuộc chinh chiến trong nhiều năm trời. Rốt cuộc, Thủy Tinh luôn là kẻ bại trận...
Như vậy, điển tích này có vẻ phù hợp với những truyền thuyết chung đã có về các thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng "Thánh Tản Viên" có tính nhất quán và hoàn chỉnh.
Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008. Đền Thượng nằm trong khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, có lối kiến trúc độc đáo gồm 3 gian, 2 chái. Điều đặc biệt là một nửa mái sau đền hoàn toàn là vách đá. Đền Trung ở lưng chừng núi Ba Vì về phía tây và Đền Hạ nằm ven bờ sông Đà, gồm 3 dãy nhà ngang xếp theo hình chữ Tam. Theo UBND TP Hà Nội, lễ động thổ và khởi công "Tu bổ, tôn tạo khu di tích Tản Viên Sơn Thánh" sẽ được tổ chức vào sáng 8/6 tới, tại đền Thượng. Đến nay, toàn bộ công việc chuẩn bị đã được các đơn vị liên quan tích cực và cơ bản hoàn thành. Công việc tu bổ, tôn tạo sẽ được tiến hành trên tổng diện tích 3,2 ha của toàn bộ khu di tích, trong đó khu vực khuôn viên đền Hạ là 1,5 ha, đền Trung là 1,15 ha, đền Thượng là 0,37 ha; và tổng diện tích xây dựng là 3.642m2. Toàn bộ kinh phí tu bổ, tôn tạo được huy động từ sự đóng góp của nhân dân và tài trợ của các doanh nghiệp.
|
Vĩnh Khang
Nguồn link: baodatviet.vn