Chợ cá “âm phủ” (Châu Đốc) bên bờ kênh Tha La đã tồn tại hơn 10 năm nay. Cá được người dân đi đánh bắt vào mùa nước nổi mang đến đây bán. Giữa đêm khuya tiếng rao, tiếng trả giá của kẻ mua, người bán cá rôm rả cả một vùng. Cặp bờ kênh, hàng chục chiếc xuồng chở nhiều thùng chứa cá neo đậu san sát…
Tháng 8, khi con nước về tràn bờ, là lúc người dân An Giang bắt đầu họp chợ “âm phủ”. Chợ chỉ mua và bán một mặt hàng duy nhất là… cá mùa lũ.
Chợ cá “âm phủ” (Châu Đốc) bên bờ kênh Tha La đã tồn tại hơn 10 năm nay. Cá được người dân đi đánh bắt vào mùa nước nổi mang đến đây bán. Giữa đêm khuya tiếng rao, tiếng trả giá của kẻ mua, người bán cá rôm rả cả một vùng. Cặp bờ kênh, hàng chục chiếc xuồng chở nhiều thùng chứa cá neo đậu san sát…
Chợ cá “âm phủ”
Hai giờ sáng, gió từ kênh Tha La thổi lồng lộng, các “tiểu thương” lục tục mang từng thau cá chạch, cá lóc, cá rô, cua đồng,… ngồi chồm hổm ở vệ đường để bán. Cô Ba Hòa, vừa đổ mớ cá chạch ra thau, vừa nói: “Mấy hôm nay, chợ nhiều cá chạch do trúng dớn nhưng lại không có cá chạch loại lớn. Giá cá chạch (loại nhỏ) là 25.000 đồng một kg. Cá chạch được nhiều bạn hàng gom về bán cho những nơi thu mua xuất khẩu”.
Các loại cá khác như cá chốt khoảng 10.000 đồng một kg, cá lóc 40.000 đồng một kg, lươn 50.000 đồng một kg… Hiếm nhất là cá linh non, giá bán tại chỗ 13.000 – 20.000 đồng một kg. Cũng theo cô Hòa, chợ họp chừng hai tháng nay khi nước lũ đổ về.
|
Chợ cá đêm “âm phủ” nhộn nhịp kẻ bán người mua từ 2h – 5h.
|
Càng về sáng thêm nhiều xuồng chở cá cập bến, chợ bắt đầu nhộn nhịp hơn. Mỗi đêm như thế có gần 30 xuồng của người dân đến đây bán gần một tấn cá các loại. Người đi chợ chỉ cần khom người chỉ tay là có ngay một bọc cá tươi rói mang về nhà. Còn bạn hàng thì đến “săn” cá tươi để đem bán ở chợ nhỏ hoặc chở ra chợ Tịnh Biên, Châu Đốc.
Chị Huỳnh Thị Sang, chuyên săn cá mồi bán cho các hộ nuôi cá bè ở Châu Đốc làm thức ăn cho cá, cho biết từ lúc chợ họp đến nay, mỗi đêm chị thu mua từ 200 – 300 kg cá với giá từ 3.000 – 4.000 đồng một kg. Cá mồi thường là cá lòng tong, cá chết hoặc cá vụn.
Cách đây khoảng chục năm, người dân địa phương đi đánh bắt cá mùa nước nổi rồi đem ra chợ Châu Đốc bán. Nhưng ra chợ Châu Đốc xa lại tốn tiền bến, nhiều lúc bến đông không có chỗ neo đậu xuồng, thế là những người đi bán hẹn bạn hàng đến kênh Tha La lấy cá. Lâu dần hình thành chợ cá đêm này. Do chợ cá chỉ hoạt động từ 2h – 5h sáng nên người dân gọi là chợ cá “âm phủ”.
|
Tấp nập xuồng chở cá neo đậu dưới cầu Tha La. |
Nhộn nhịp theo từng con nước
Những ngày này, quốc lộ 91, đoạn từ huyện Tịnh Biên đến thị xã Châu Đốc bốn bề như biển nước. Trên đồng, hàng hàng đăng, dớn lưới, vó gạt, xuồng câu, lưới đang chực chờ đón lũ cá theo dòng nước lũ. Anh Cần (ấp Đông Hưng) khoe: “Mấy bữa trước nước mới lên đồng cá chưa chạy lắm. Khoảng ba hôm nay, mỗi giác tôi đổ hai miệng dớn kiếm cả 100 kg cá, nhiều nhất là cá chạch. Khi bắt được cá chúng tôi phải phân từng loại. Cá sống bán có giá hơn, còn cá chết chỉ bán cho bạn hàng thu mua cá mồi nên không được nhiều tiền”.
Để có được cá đem bán, người dân nơi đây phải ngâm mình trong nước từ sáng đến tối, khuya lại mang cá ra chợ đêm. Anh Nguyễn Văn Bốn (nhà ở Phú Tân) chia sẻ: “Giăng lưới, đặt dớn tôi phải trầm mình dưới nước, lúc lên bờ lạnh thấu xương. Tuy cực nhưng bắt được cá, bán có tiền lo cho hai đứa nhỏ đi học”.
Trời mờ sáng, chợ cá “âm phủ” bắt đầu tan. Một người đàn ông cặp chiếc xuồng vào cầu Tha La, rồi leo lên võng nằm chờ kéo vó thu hoạch mớ cá để họp chợ “âm phủ” đêm sau.
Ngô Đồng
Nguồn link: http://congdong.cz/home/28104/nghe-tieng-rao-keu-o-cho-am-phu.htm