Ngày làm lễ cho cha mẹ, tất cả con cái, cháu chắt phải về dự đông đủ, mỗi con cháu góp cho buổi lễ của ông bà ít đồ lễ, như: gà, thịt, gạo, hoa quả, bánh kẹo, bánh dày… hàng xóm cũng sang chúc mừng với một ít lễ nhỏ, như: bánh kẹo, nước ngọt
Người Giáy quan niệm người già đau ốm là do kho lương thực đã cạn. Vì thiếu lương thực, nên con cháu phải làm lễ “thêm lương thực” cho ông bà.
Đó không chỉ coi như lễ mừng thọ cho cha mẹ còn là dịp để anh em họ hàng gặp gỡ nhau, con cháu quây quần bên cha mẹ, tăng niềm vui lúc tuổi già.
Ngày làm lễ cho cha mẹ, tất cả con cái, cháu chắt phải về dự đông đủ, mỗi con cháu góp cho buổi lễ của ông bà ít đồ lễ, như: gà, thịt, gạo, hoa quả, bánh kẹo, bánh dày… hàng xóm cũng sang chúc mừng với một ít lễ nhỏ, như: bánh kẹo, nước ngọt.
Làm lễ cho người già phải có sự giúp đỡ của thầy “then”. Thầy “then” chọn ngày làm lễ và con cháu chuẩn bị lễ vật. Nếu gia đình có điều kiện thì mời tới ba thầy “then” làm cúng trong 2 - 3 ngày liên tục, nhưng thông thường một buổi mừng thọ cho người già có một thầy “then” làm cúng và kéo dài trong một ngày, từ 8 - 22 giờ.
Người yếu theo quan niệm của người Giáy có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có quan niệm, người không khỏe là do ngôi nhà không sạch sẽ, có tà ma vào nhà, nên ngay từ buổi sáng làm lễ, thầy “then” đã làm lễ quét nhà cho gia chủ. Khi thầy “then” làm lễ thì con cháu trong nhà vẫn chuẩn bị đồ lễ, như: làm một mô hình ngôi nhà vía, đan giỏ tre nhỏ đựng gạo, muối; hai quang gánh để gánh 4 giỏ, khâu 8 chiếc túi, mỗi túi một màu; mỗi giỏ sẽ đựng hai túi muối và gạo.
Ngôi nhà cho lễ mừng thọ gọi là nhà vía (tiếng Giáy gọi là “rắn văn”), ngôi nhà làm bằng cây sậy già hoặc vầu (làm những vất liệu như vậy ngôi nhà mới bền chắc, họ tin rằng ngôi nhà làm lễ chắc chắn thì người già sẽ được bảo vệ an toàn, không ốm đau), làm nhà hai tầng, ba gian theo đúng ngôi nhà truyền thống, có cầu thang đi lên, tầng trên đặt một bộ quần áo của người thụ lễ (bộ quần áo làm phương tiện gọi vía người già về), ngôi nhà được lợp bằng vải màu xanh, vách cũng quây hết bằng vải, ngôi nhà này phải đục lỗ luồn phang, không được buộc, vì sợ ngôi nhà không chắc chắn, mọi người tới giúp gia đình thì cùng nhau cho gạo vào túi và treo vào thùng gạo làm lễ. Giỏ đựng gạo trang trí rất nhiều màu sắc với những bông hoa năm, sáu cánh đa dạng, nhiều hình khối. Trong ngôi nhà “thêm lương”, chủ nhà đặt thêm một con gà, nếu không có gà có thể thay thế bằng quả trứng, một miếng thịt luộc (để gọi vía người già về ăn).
Kết thúc buổi lễ, gia chủ lấy thùng đựng gạo và một gánh giỏ gạo cũng với cành trúc cho lên áp mái buộc chặt lên đó. Ngôi nhà gọi vía sau khi nộp xong, con cháu cũng bỏ đi, người Giáy không hóa đi như người Kinh, vì họ cho rằng, thầy “then” đã giúp dâng lên nên không cần hóa nữa. Cả nhà và họ hàng mở tiệc ăn uống linh đình cầu cho người già sống lâu trăm tuổi.
Theo Báo Lào Cai